Theo Jane Peters (https://churchlifejournal.nd.edu/articles/friendship-with-god-after-a-time-of-tragedy/), Raïssa Maritain đã hoàn thành cuốn tự truyện thứ hai của mình, Les Grandes Amitiés (Những Tình bạn Vĩ đại) vào mùa hè năm 1944, tại East Hampton, New York, nơi bác sĩ bắt bà phải nghỉ ngơi [1]. Bà đã năm mươi sáu tuổi. Cùng mùa hè năm đó, lực lượng Đồng minh giải phóng Paris vào ngày 25 tháng 8 [2]. Bà và chồng, Jacques Maritain, đã trốn khỏi Pháp bốn năm trước đó với Gestapo theo sát họ.
Cuốn tự truyện của Raïssa là một thao tác về ghi nhớ và tiếc thương những tình bạn trong quá khứ. Những người bạn thân Ernest Psichari và Charles Péguy đã bị giết trong năm đầu tiên của cuộc Đại chiến. Cha đỡ đầu của Raïssa, Léon Bloy, qua đời năm 1917. Henri Bergson, một giáo sư được yêu mến, đã chết trong thời kỳ Đức chiếm đóng. Quá nhiều bạn bè đã bỏ mạng trong Nạn Diệt Chủng [3]. Trong suốt cuốn tự truyện, bà nói về bạn bè của mình nhiều hơn là nói về bản thân.
Đồng thời, Les Grandes Amitiés là cách Raïssa làm cho cuộc sống của chính mình có ý nghĩa. Trong phần giới thiệu tập đầu tiên, bà viết, “Làm sao tôi có thể nói về những người thân yêu với tôi... về một thời kỳ trong đó mọi điều (ngay cả nỗi thống khổ và đau đớn) giờ đây đối với tôi xem ra giống như một thiên đường đã mất, mà đồng thời không sống lại cuộc sống của chính mình mà với nó tất cả những thứ này hiện hữu... quấn quít vào nhau không tài nào gỡ ra nổi? Bạn bè là một phần trong cuộc sống của chúng ta, và cuộc sống của chúng ta giải thích các tình bạn của chúng ta” [4].
"Cuộc sống của chúng ta giải thích các tình bạn của chúng ta." Dòng chữ này có thể trở thành sáo nhàm, hoặc giả tạo. Tuy nhiên, vào thời điểm bà xuất bản Les Grandes Amitiés, tập đầu tiên, vào năm 1941, tập thứ hai vào năm 1944 - Raïssa đã hiểu sâu sắc về tình bạn nhân bản và thần linh, được thông tri bởi một đời học hỏi và chiêm niệm. Đặc biệt, nỗ lực suốt đời của bà để cổ vũ chiêm niệm nơi giáo dân— như bà từng nói, đem sự chiêm niệm từ nơi kín cổng cao tường của đan viện lên những con đường, “sur les chemins”- lên khuôn các suy nghĩ của bà trên tình bạn. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà cuốn tự truyện của bà dành vị trí tự hào cho các bạn bè của bà.
Tình bạn vĩ đại nhất của họ có lẽ dành cho Léon Bloy và gia đình ông. Raïssa ghi nhớ tình bạn này một cách trìu mến như là “sự hiệp thông của các trái tim”. Còn Bloy thì mô tả những ngày đầu của tình bạn này gợi ông nhớ đến các biến cố đầy Chúa Thánh Thần trong Tông đồ Công vụ [5]: “Tôi chưa bao giờ thấy điều gì đáng kinh ngạc hơn tình bạn yêu quý của hai bạn, Jacques và Raïssa ạ”, ông viết trong nhật ký, “các bạn là những người cho chúng tôi trái tim của các bạn” [6].
Phải nói chính tình bạn này đã khiến vợ chồng Maritain bỏ qua tất cả mọi yếu tố vật chất khác liên quan đến cuộc sống sôi nổi bề ngoài của Léon Bloy, để đi sâu tìm hiểu “các nguyên lý, các cội nguồn, các động cơ của đời sống Bloy”. Và nhờ thế, lần đầu tiên, họ đối đầu với vấn đề Thiên Chúa cả trong mọi sức mạnh của nó lẫn trong sự cấp thiết của nó [7].
Mặc dù Jacques và Raïssa đã cùng nhau nghiên cứu và thảo luận về giáo lý Công Giáo, cuốn tự truyện của Raïssa coi tình bạn của họ với Bloy như một sự thuyết phục cuối cùng cho việc họ trở lại đạo — đến nỗi, vào thời điểm họ lãnh phép rửa, Jacques và Raïssa nhận thấy giáo hội định chế có phần tư sản, và quấy rầy, và nghĩ rằng họ sẽ phải từ bỏ triết học và từ bỏ cuộc sống trí thức! [8] Chỉ sau khi lãnh phép rửa, Jacques và Raïssa mới phát hiện ra sự tương thích giữa đức tin và triết học. Raïssa bắt đầu đọc Tổng Luận Thần học (Summa Theologica) của Thánh Tôma trong thời gian dưỡng bệnh: Jacques biết công trình của Tiến sĩ Thiên thần sau đó. Họ lãnh phép rửa cùng với Vera, em gái của Raïssa, vào năm 1906 — Léon Bloy là cha đỡ đầu của họ.
Trưởng thành trong niềm tin
Năm 1908, Vera chuyển đến sống với vợ chồng Maritains, theo sau là mẹ của cô. Họ là những bổ sung tự nhiên cho gia đình, mà họ trìu mến gọi là “đoàn chiên nhỏ”. Jacques, Raïssa và Vera trở thành các thành viên giáo dân của Dòng Biển Đức vào tháng 9 năm 1912. Ngay sau đó, Jacques và Raïssa đã thề nguyện bí mật từ bỏ liên hệ vợ chồng trong hôn nhân của họ, để cống hiến trọn vẹn hơn cho việc chiêm niệm. [9] Cuộc sống hàng ngày từ đó trở đi giống một cộng đoàn giáo dân có chủ đích hơn là một cuộc hôn nhân truyền thống.
Mặc dù bà thường xuyên đau ốm, Raïssa đã hợp tác với Jacques trong công trình của ông. [10] Bà xem lại mọi điều ông viết và xuất bản bằng tiếng Pháp và tiếng Anh, và họ là đồng tác giả của một số sách với nhau. [11] Bà cũng làm thơ, thuyết trình và tiếp đón rất nhiều người tại nhà của mình, nhiều người cuối cùng đã tiếp nhận đức tin Công Giáo. Vợ chồng Maritains có một nhà nguyện nhỏ được sắp đặt trong nhà của họ để thánh lễ có thể được cử hành ở đó. Một người bạn, Olivier Lacombe, nhớ Raïssa là “bà chủ và là trái tim của ngôi nhà”, người đã lắng nghe người khác với “một sự tận tụy thực sự hào phóng.” [12]
Vợ chồng Maritains cũng thành lập “Hội Tôma” vào năm 1919, một tổ chức dành riêng cho việc nghiên cứu một cách cầu nguyện về Thánh Tôma Aquinô. Réginald Garrigou – Lagrange trở thành Tổng Linh hướng và tổ chức cuộc tĩnh tâm đầu tiên vào tháng 9 năm 1922. [13] Hội Tôma kéo dài đến năm 1939 — một trong những mất mát của Thế chiến II, như Ralph McInerny nhận xét. [14]
Đời sống cầu nguyện của Raïssa cũng được sâu sắc thêm trong thời gian này. Một vị linh hướng đã cho phép bà dành bao lâu thì giờ tùy ý để chiêm niệm. Các mục trong nhật ký của thời kỳ này mô tả sự chăm chú cầu nguyện hàng giờ đồng hồ một lần. Bà dao động giữa niềm vui và nỗi thống khổ tinh thần, một điều đôi khi gia trọng bởi sự đau khổ về thể xác. Cũng trong thời kỳ này, sự hiểu biết của Raïssa về tình bạn nhân bản và thần linh đã hình thành.
Raïssa nói về tình bạn
Trong một mục nhật ký viết vào Chúa nhật Phục sinh năm 1924, Raïssa vạch ra sự khác biệt giữa tình bạn với Thiên Chúa và tình yêu của Thiên Chúa. Tình bạn với Thiên Chúa cũng tương tự như tình bạn nhân bản — đó là một tình yêu vô vụ lợi hàm ngụ ước muốn điều tốt cho bạn bè, ngay cả khi điều này đòi hỏi phải hy sinh bản thân. Thiên Chúa yêu chúng ta bằng tình bạn bằng cách chu cấp mọi nhu cầu cần thiết của chúng ta và bằng cách chết trên thập giá. Người ta là bạn của Thiên Chúa nếu họ tuân giữ các điều răn của Người. [15] Ở đây, hình như Raïssa suy nghĩ từ “điều răn mới” của Chúa Kitô trong Ga 13:34, và câu, “Các con là bạn hữu của Thầy nếu các con tuân giữ các điều răn của Thầy (Ga 15:14). Mặt khác, “Thiên Chúa yêu chúng ta bằng tình yêu, bằng cách biến... linh hồn được thánh hóa thành nơi Người ngự.” [16]
Có một yếu tố dành riêng cho tình yêu của Thiên Chúa mà không có trong tình bạn với Thiên Chúa. Người yêu Thiên Chúa phải cho đi trọn trái tim mình, với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, “một cách mà không có tình yêu nào khác ngụ cư trong đó.” [17] Chúng ta phải làm gì với sự phân biệt này giữa tình bạn với Thiên Chúa và tình yêu của Thiên Chúa, nhất là vì Raïssa đã biết rằng Thánh Tôma vốn định nghĩa đức ái như là tình bạn với Thiên Chúa (II-IIae q. 23 a.1)? Raïssa không bao giờ trở lại điều này một cách minh nhiên trong nhật ký của bà, và cuốn tự truyện của bà cũng không đề cập đến nó.
Jacques giải thích các suy nghĩ của Raïssa về tình bạn
Jacques khai triển chi tiết về mục nhật ký năm 1924 này trong một tiểu luận, "Tình yêu và tình bạn," được xuất bản lần đầu vào năm 1965, sau cái chết của Raïssa. Ông viết tiểu luận này theo lời yêu cầu của những người bạn muốn làm sáng tỏ lời lẽ của Raïssa. Xin lồng các suy nghĩ của Jacques ở đây, vì vợ chồng Maritains là những người bạn hết sức tri kỷ về trí thức, và mô tả của ông rất nhất quán với các bản văn mà họ từng là đồng tác giả nhiều năm trước đó, chẳng hạn như Prayer and Intelligence [Cầu nguyện và Trí hiểu] và Liturgy and Contemplation [Phụng vụ và Chiêm niệm].
Raïssa quan niệm tình yêu và tình bạn như những biểu thức của cùng một tình yêu vô vị lợi, amor amicitiae (tình yêu tình bạn]. [18] Bạn bè và người yêu của Thiên Chúa đều có đức ái của Chúa Thánh Thần; vì đức ái là tình bạn với Thiên Chúa (ST II-IIae q. 23 a. 1). Điều khác biệt giữa chúng là người yêu Thiên Chúa hệ ở việc hoàn toàn tự hiến chính mình. [19] Người bạn của Thiên Chúa cũng hiến mình nhưng chủ yếu qua những điều khác — như việc tuân giữ các điều răn hoặc yêu thương người lân cận — và chỉ thứ yếu, họ mới dâng hiến toàn bộ bản thân mình cho Thiên Chúa (mặc dù việc dâng hiến một điều gì đó luôn bao hàm việc dâng hiến chính bản thân). Mặt khác, một người yêu Thiên Chúa hiến dâng toàn bộ bản thân một cách hoàn toàn và tuyệt đối. [20] Jacques gọi tình yêu thứ hai này là amour fou,” nghĩa là,“tình yêu điên cuồng, vô bờ bến,” hay “tình yêu điên dại.” Cả tình bạn lẫn amour fou đều có tính agapic [đức ái], nhưng tình yêu vừa kể cũng có tính gợi tình (erotic); đó là tình yêu phu thê có tính cách thiêng liêng, liên quan đến sự tự hiến hoàn toàn, lẫn nhau giữa Thiên Chúa và con người. [21] Trong trường hợp này, “Chính con người của người yêu mới là Quà tặng.” [22]
Tình yêu Thiên Chúa bằng amour fou diễn ra trong điều được Jacques gọi là “trạng thái huyền nhiệm”, được chia thành hai biểu thức của đời sống chiêm niệm – biểu thức hoàn hảo nhất là chiêm niệm điển hình, có thể nhận ra nơi các thánh như Têrêxa Avila; loại kia là “chiêm niệm ngụy trang,” (contemplation masquée), trong đó người ta chủ yếu dấn thân vào đời sống hoạt động, nhưng với một trái tim hoàn toàn hiến dâng cho Thiên Chúa. Thánh Vincent de Paul là một điển hình của loại “chiêm niệm ngụy trang” này. Người trong trạng thái huyền nhiệm cũng sở hữu bảy ơn Chúa Thánh Thần, mặc dù người chiêm niệm ngụy trang sử dụng một số ơn nào đó —đạo đức, lo liệu, mạnh mẽ, kính sợ Chúa — trong khi một người chiêm niệm điển hình chủ yếu thực thi các ơn khôn ngoan và thông hiểu.
Thay vì coi tình bạn và trạng thái huyền nhiệm là những ơn gọi khác biệt, chẳng hạn, của các đan sĩ và Kitô hữu giáo dân, vợ chồng Maritains coi chúng như những bước đi trên con đường hoàn thiện tâm linh. Bất cứ ai sở hữu đức ái đều là bạn của Thiên Chúa; nhưng đức ái ngày càng sâu đậm và phát triển đến nỗi, trong đời này hay đời sau, cuối cùng người ta sẽ hiến mình hoàn toàn cho Thiên Chúa trong trạng thái huyền nhiệm, với một tình yêu điên cuồng, vô giới hạn.
Ngay cả những người sống trọn vẹn ơn gọi kết hôn, với các mục đích sinh sản và hợp nhất của nó, cũng có thể sống trong trạng thái huyền nhiệm này, miễn là họ từ bỏ một tình yêu điên cuồng, vô bờ bến dành cho người phối ngẫu của mình và dâng mình hoàn toàn cho Thiên Chúa. [23] Jacques viết, “Nếu một linh hồn đã bước vào amour fou dành cho Thiên Chúa, thì điều cần thiết là phải từ bỏ amour fou dành cho con người... Bởi vì tình yêu vô vị lợi [trong đó] Người được yêu thực sự và thực chất đã được ban cho Toàn thể Người yêu, phải là duy nhất cho linh hồn, và nếu một tình yêu như vậy (tức amour fou) được trao cho Thiên Chúa, thì tình yêu đó chỉ được trao cho Người mà thôi”. Nhật ký của Raïssa đã củng cố quan điểm này bằng các thuật ngữ tâm linh thực tiễn: Bà viết:
“Tôi có thể chứng minh tình yêu của tôi với [Thiên Chúa] ra sao? Bằng cách hiến mình cho Người từ tận đáy lòng, một cách mà không còn tình yêu nào khác ngụ cư trong đó. Thiên Chúa ghen tuông theo nghĩa này. Người không ghen tuông với các tình bạn của chúng ta, ngược lại, Người khuyến khích chúng. Nhưng Người ghen tuông với việc hiến dâng đặc thù của trái tim, đó là tình yêu, và có tính hoàn toàn và độc chiếm trong bản chất của nó”. [24]
Vì vậy, tình bạn và trạng thái huyền nhiệm tạo nên ba mức độ hoàn thiện thiêng liêng — tình bạn, chiêm niệm ngụy trang và chiêm niệm điển hình — vốn có tính tiêu chuẩn đối với mọi Kitô hữu đã lãnh phép rửa, và được dị biệt hóa bằng việc hiến dâng: cả theo cách người ta hiến dâng bản thân lẫn theo theo cách các ơn Chúa Thánh Thần hiện diện.
Sự tiến bộ ba cấp này trong đời sống thiêng liêng là điều dễ nhận thấy. Trong II-IIae q. 24 a.9, Thánh Tôma nói tới ba mức độ của đức ái, đó là của người mới bắt đầu, người thành thạo và người hoàn hảo. [25] Tuy nhiên, Thánh Tôma không kết nối trực tiếp những mức độ đức ái này với bất cứ loại trạng thái huyền nhiệm nào. Các chủ đề này phát xuất từ Thánh Gioan Thánh Giá.
Điều này có lẽ không quá bất thường khi thấy trong tác phẩm của Raïssa, vì vợ chồng Maritain tôn kính cả Thánh Tôma lẫn các nhà huyền nhiệm Tây Ban Nha. [26] Điều bất thường hơn đối với thời điểm đó là Jacques và Raïssa nhấn mạnh rằng trạng thái huyền nhiệm là điều khả hữu và thích hợp đối với mọi Kitô hữu đã đã lãnh phép rửa — như người bạn Réginald Garrigou-Lagrange của họ vốn nói, đó là “cùng đích thông thường và đúng đắn của đời sống ân sủng.”
Mô tả của Jacques về ba giai đoạn tâm linh trong Amour et Amitié [Tình yêu và Tình bạn] gần giống với mô tả của Garrigou-Lagrange trong tác phẩm của ngài tựa là Christian Perfection and Contemplation According to Thomas Aquinas and John of the Cross [Sự Hoàn thiện và Chiêm niệm Kitô giáo theo Thánh Tôma Aquinô và Thánh Gioan Thánh Giá], xuất bản lần đầu vào năm 1923, khi ngài là Tổng linh hướng của Hội Tôma. Vào ngày 30 tháng 9 năm 1924 — cùng năm của mục Phục sinh nói về tình bạn và tình yêu — Raïssa ghi rằng bà và Jacques đã gặp Cha Garrigou để thảo luận về cuốn sách này. Ngài đồng ý với “gần như tất cả” những sửa chữa mà họ yêu cầu ngài thực hiện đối với ấn bản mới của cuốn sách - Christian Perfection and Contemplation [Sự hoàn thiện và chiêm niệm Kitô giáo”. [27]
Vì vậy, sự hiểu biết của Raïssa về tình bạn với Thiên Chúa phát xuất từ cố gắng thiết lập sự liên tục giữa đời sống huyền nhiệm và ơn thánh hóa ban cho mỗi Kitô hữu đã lãnh phép rửa. Điều này xuất hiện như kết quả của những cuộc đàm đạo trong Hội Tôma thời kỳ đầu. Nó đại diện cho một cố gắng của vợ chồng Maritain, Cha Garrigou-Lagrange, và những người khác, nhằm nối kết đức ái tiêu chuẩn đối với trạng thái ân sủng với ơn gọi chiêm niệm, mà, trong những thế kỷ trước, chỉ được gán cho những cá nhân kiệt xuất cụ thể. [28]
Nếu sự tự hiến hoàn toàn của trạng thái huyền nhiệm này là “cùng đích thông thường, đúng đắn của đời sống ân sủng”, thì còn điều gì dành cho các bạn hữu nhân bản của chúng ta? Huống hồ là dành cho người yêu nhân bản của chúng ta? Nhật ký và tự truyện của Raïssa giải quyết câu hỏi này một cách mặc nhiên. Đối với bà, các tình bạn nhân bản có một vị trí rất đặc thù, một vị trí được đề cao trong tính được sắp xết đúng đắn [its right-orderedness] của nó theo những điều khác. Tình bạn nhân bản tìm được vinh dự của nó khi nó là điều nó nên là, không hơn không kém.
Bây giờ rõ ràng là tại sao Raïssa lại coi trọng các tình bạn như vậy và tại sao, đồng thời, bà có thể nói về các tình bạn của mình: “Tôi thích có đầy tay những tình bạn này nhưng tôi không khép chặt tay lại đối với chúng; chúng có thể thoát khỏi tôi và bay vút đi, không ảnh hưởng chi đến bất cứ phần thiết yếu nào trong tôi.”[29] Điều này cũng cho thấy rõ Léon Bloy, người rõ ràng có amour fou với Thiên Chúa, có thể kết bạn ra sao với một cặp vợ chồng trẻ trên bờ vực tự tử, và hướng dẫn họ tới Thiên Chúa.
Như thế, khi học hỏi về những người bạn của bà, chúng ta đã học hỏi thêm về Raïssa. Tuy nhiên, khi đọc Les Grandes Amitiés, người đọc có cảm thức rằng tác giả, khi nói về cuộc sống của chính bà qua các tình bạn của bà, vẫn ẩn sau một bức màn. Có lẽ cách để hiểu Raïssa không phải là xem xét kỹ lưỡng hơn nữa đời sống tinh thần của bà, mà là đi sâu vào chính ơn gọi của chúng ta đối với tình yêu điên cuồng, vô biên giới của Thiên Chúa — cả trong bốn bức tường, lẫn trên những con đường đời.
Ghi chú
[1]Raïssa Maritain, Journal (Albany, NY: Magi Books, 1974),300 fn. 15.
[2]Ibid.,300.
[3]Raïssa viết cho bạn của bà là Achsa Belkind năm 1945: “sự điên rồ và tàn bạo của con người từng được phép tiến xa hết mức, không bị hạn chế, và nói về 6 triệu người bị tàn sát, người ta ít nói về họ xiết bao, chúng tôi đếm được các bạn hữu thân thiết trong đó có: ba người thuộc gia đình Jacob, bà mẹ già, con gái Babet, con trai Manu của anh... Và Fondane và em gái anh và người anh trai của các người bạn của chúng tôi là Jean và Suzanne Marx (Suzanne trở thành con gái đỡ đầu của tôi vào mùa xuân này)” (Ibid., 303).
[4]Raïssa Maritain, We Have Been Friends Together and Adventures in Grace (South Bend, IN: St. Augustine’s, 2016), 2.
[5] We Have Been Friends,107.
[6]Ibid.
[7]Ibid.,88.
[8]Ibid.,127.
[9]Jean-Luc Barré, Beggars for Heaven (Notre Dame, IN: Notre Dame, 2005).
[10] Trong phần dẫn nhập vào Nhật Ký của bà, ông viết, “nếu có bất cứ điều gì tốt trong các công trình triết học của tôi, và trong các cuốn sách của tôi, điều đó có nguồn và ánh sáng sâu xa của nó trong việc cầu nguyện chiêm niệm của nàng và trong việc hiến mình nàng dành cho Thiên Chúa” (8).
[11]Journal 13. Chúng tôi có những trang do ông viết với ghi chú của bà viết lên trên chúng-điều mà, dù kết hôn với một nhà khoa bảng khác, tôi có thể tưởng tượng hẳn phải là một thao tác của đức ái.
[12]Journal 401. Họ di chuyển tới Meudon năm 1923.
[13]Journal 132.
[14]Ralph McInerny, “Appendix: The Thomistic Studies Circle.”
[15]Ở đây, có lẽ “điều răn mới” được nói tới trong cùng một đoạn văn của Thánh Gioan “hãy yêu thương nhau”.
[16]Journal 20th April 1924.
[17]Ibid.
[18]Tương phản với amor concupiscentiae (Tình yêu tư dục), theo: Thánh Tôma Aquinô, ST I-IIae q. 26.
[19]Jacques Maritain, Notebooks (Albany, NY: Magi Books, 1984). Ở đây, Jacques rất thận trọng trong việc phân biệt giữa cường độ hay nét vĩ đại của tình yêu và điều ông gọi là đặc tính nội tại hay sự vĩ đại hữu thể học của tình yêu.
[20]Ibid.,221.
[21]Journal 162 fn 2, by Jacques Maritain.
[22]Notebooks 221.
[23]Có thể sở hữu một tình yêu đối với Thiên Chúa mà vẫn ở trọn vẹn trong bí tích hôn nhân vì cốt lõi của hôn nhân là tình bạn thiêng liêng giữa hai người phối ngẫu, điều mà dù các khía cạnh xác thịt của hôn nhân làm tiêu tan ở trên thiên đàng, vẫn còn trên thiên đàng.
[24]Journal April 20, 1924.
[25]Điều này liên tục với Thánh Augustinô, và với con đường thanh luyện, soi sáng, kết hợp gán cho Pseudo-Dionysius.
[26]Raïssa gọi thánh Teresa and Gioan là “các tiến sĩ tuyệt vời của đời sống thiêng liêng” (We Have Been Friends 166).
[27]Journal September 30, 1924.
[28]Theo cách này, tôi nghĩ Raïssa hơi có tinh thần Teresa một chút: bà đơn giản hóa truyền thống thần học huyền nhiệm cao qúy, bà tạo một “con đường nhỏ” ra khỏi chiêm niệm bằng cách đem chiêm niệm “vào các nẻo đường” đời. Đó là một viễn kiến tương tự với thánh Teresa; chúng ta dám nói đây là điều giống như con đường nhỏ dành cho các nhà trí thức giáo dân.
[29]Journal, October 24th 1931.