Tôi sẽ tiến hành cuộc điều tra của mình theo một bậc thang giảm dần. Do đó, tôi sẽ xem xét đầu tiên trường hợp các cộng đồng Kitô giáo bất đồng.

Các cộng đồng Kitô giáo bất đồng



1. Người ta không thể quan niệm Giáo Hội mà không có người lãnh đạo của Giáo Hội là Chúa Kitô Cứu Thế.

Do đó, tôi xin nói rằng có những Yếu tố của Giáo hội, theo đúng nghĩa của hạn từ này, chỉ trong các cộng đồng Kitô giáo bất đồng mà thôi.

Những yếu tố của Giáo hội này, theo đúng nghĩa của hạn từ, thuộc về trật tự siêu nhiên, và chúng liên quan đến các phương tiện cứu rỗi theo mức các cộng đồng bất đồng này cung cấp chúng cho các thành viên của họ, mặc dù chúng ít nhiều bị giảm thiểu (chúng chỉ hoàn toàn trọn vẹn trong Giáo Hội).

Cuối cùng, những yếu tố này của Giáo hội, theo đúng nghĩa của hạn từ, vì tự chúng được liên kết với toàn thể mà chúng là thành phần, và chính là Giáo hội, nên, như chúng ta đã thấy, đã làm cho toàn bộ Giáo hội hiện diện một cách mầu nhiệm, mặc dù ít nhiều một cách mạnh mẽ hơn, trong các cộng đồng Kitô giáo ngoài Công Giáo.

Do đó, tất cả những gì đã nói tại số §2 của tiết trước chỉ liên quan đến các cộng đồng Kitô giáo bất đồng.

2. Tôi sẽ không nghiên cứu các đặc điểm của từng cộng đồng trong số này (vì làm thế thì cuốn sách này sẽ không bao giờ kết thúc). Tôi sẽ bằng lòng với một vài nhận xét ngắn gọn.

Chúng ta hãy lưu ý rằng trong số các cộng đồng Kitô giáo bất đồng này, trước hết, người ta thấy Giáo hội Chính thống giáo Gréco-Slave, "Các người Công Giáo cũ" và Giáo hội Anh giáo; rồi những người Thệ phản (phái Luthêrô hoặc phái Calvin), Giáo hội Giám lý, Trưởng lão, Giáo hội Giáo đoàn, Giáo hội Baptist, phái Độc vị, các nhóm tôn giáo như các nhà khoa học Kitô giáo và người Quakers...{41}

Nếu nói đến Giáo Hội Gréco-Slave (hay đúng hơn các Giáo Hội Gréco-Slave) và Giáo Hội Anh giáo, tôi nghĩ rằng để tạo cho mình một ý tưởng chính xác về họ, điều đặc biệt quan trọng là chúng ta phải lưu ý đến sự phân biệt siêu hình giữa "bản tính" và "ngôi vị" khi áp dụng vào Giáo hội. Các yếu tố của Giáo hội có rất nhiều trong hai Giáo hội được đề cập (nhất là ở Giáo hội đầu) đến nỗi, không như các giáo phái Kitô giáo bất đồng khác, nó không phải chỉ là sự hiện diện tiềm ẩn và vô hình của ngôi vị Giáo hội mà chúng ta phải xem xét sau đó; hai Giáo hội này, ở nhiều mức độ khác nhau, xem ra sở hữu gần như toàn bộ bản tính (linh hồn và thể xác) của Giáo hội hữu hình. Tôi nói "gần như toàn bộ" bản tính của Giáo hội hữu hình. Đây là lý do tại sao họ thực sự là các sứ giả và nhân chứng của Chúa Kitô, thực sự hơn và hoàn toàn hơn bất cứ giáo phái Kitô giáo bất đồng nào khác. Tuy nhiên, vẫn còn hạn từ "gần như" nữa: chữ này ám chỉ sự vắng mặt của một yếu tố mà người ta chắc chắn có thể gọi là đứng đầu, vì trong các Giáo hội này không công nhận người đứng đầu Giáo hội trong trạng thái lữ hành trên trần thế, tức người kế vị thánh Phêrô, bản tính của Giáo hội ở đây trên trái đất này đã bị chặt mất đầu, như tôi đã nói trong Chương III.

Nhưng tư cách ngôi vị giả thiết phải có một bản tính toàn diện như một toàn bộ trong trật tự riêng của nó (hoặc nó không thiếu thứ gì thiết yếu) được nó hoàn thành phù hợp với việc tồn hữu và hiện hữu trong chính nó. Đây là lý do tại sao hai Giáo hội mà tôi nói đến sẽ không được hòa nhập thực sự vào trong ngôi vị của Giáo hội, bao lâu họ vẫn ly khai với Rôma{42}.

Photius, người được Giáo Hội Chính thống giáo phong thánh, đã tách Giáo Hội này khỏi ngôi vị của Giáo hội. Giáo hội Gréco-Slave hay đúng hơn các Giáo hội Gréco-Slave là những cơ quan tập thể đáng kính có hàng giám mục và việc kế vị tông đồ, giáo lý đức tin, các Bí tích, các phương tiện ân sủng và sự cứu rỗi, và nhiều vị thánh trên trời và dưới đất; họ không phải là ngôi vị của Giáo Hội trong trạng thái trần thế{43}. Hơn nữa, người ta không nhìn thấy nơi họ chuyển động tiến triển nào theo thời gian, ngay cả trong các vấn đề tín điều, hoặc tỏa ánh sáng tông truyền nào trên toàn thế giới để chứng thực sức sống riêng của ngôi vị Giáo hội ở đây trên trái đất này.

Giáo Hội Anh quốc, đại khái như thế, tôi có thể nói như vậy, và với những vấn đề khách quan ít nhiều khó đương đầu, tự thấy mình ở trong một hoàn cảnh lịch sử tương tự như hoàn cảnh lịch sử của Giáo Hội Chính thống. Bên cạnh đó, tôi tin rằng về mặt chủ quan, là mặt quan trọng đối với tôi, trong phần lớn các thành viên của Giáo Hội này, có sự hối hận chân thành, và nỗi đau khổ thực sự trước việc ly khai, một điều người ta gặp ở nơi khác chỉ ở một mức độ thấp hơn. Đó là lý do tại sao đối với tôi, trong số các giáo phái bất đồng, dường như nó là một giáo phái mà việc hợp nhất với Rôma, trong một khoảng thời gian lâu dài, ít khó thực hiện hơn cả: bất chấp các trở ngại mà trở ngại lớn nhất có lẽ là sự kiện này: tình yêu và lòng trung thành của người Anh giáo đối với Giáo hội của họ tiến cùng nhịp với sự đa dạng đáng lưu ý trong các vấn đề tín điều{44}, mà bản thân Giáo hội này coi như một đặc ân; không nói đến vấn đề thẩm quyền, đã được tranh luận rất nhiều giữa những người Anh giáo, và vấn đề hóc búa của các vụ phong chức trong Anh giáo, mà những nghiên cứu lịch sử thấu đáo hơn và mối quan tâm hỗ tương của thiện chí tránh được mọi tính nhạy cảm, người ta có thể hy vọng, sẽ có cơ hội giải quyết được.

3. Nếu bây giờ chúng ta chuyển sang các gia đình tôn giáo không phải Kitô giáo, thì điều thích hợp là tách những người, tuy không thừa nhận Chúa Kitô Cứu Thế, nhưng tin vào Thiên Chúa siêu việt, Đấng ban thưởng cho những ai tìm kiếm Người, và là Đấng đã mạc khải chính Người cho loài người (đức tin mà, tự nó, ẩn chứa mọi điều còn lại). Vì họ tuyên xưng đức tin siêu nhiên này vào Thiên Chúa, tôi nghĩ rằng điều họ có chung với Giáo hội vẫn xứng đáng có tên là Các Yếu Tố của Giáo Hội. Nhưng vì họ khước từ đức tin vào Chúa Kitô Cứu Chuộc, Đấng mà Giáo hội là Nhiệm thể và là Hiền thê, thì chỉ có thể nói họ có các yếu tố của Giáo hội theo nghĩa không thích đáng của hạn từ này.



Đó là trường hợp của Do Thái giáo và của Hồi giáo mà tôi sẽ phải xem xét ở đây.

Đạo Do Thái

1. Do Thái giáo là tôn giáo của Thiên Chúa chân thật nhưng rơi vào thế bế tắc bởi những người không biết thừa nhận Đấng Mêxia của mình: một tôn giáo thánh thiện với đôi mắt bị băng bó, một tôn giáo, sau cuộc chiến ngu xuẩn chống lại người Rôma do phái nhiệt thành phát động, năm 70, đã gây ra việc hủy diệt Giêrusalem, sự tàn phá Đền thờ, và sự tắt lịm ngọn lửa thiêng của hy tế hàng ngày, trong suốt nhiều thế kỷ vốn duy trì sự thống nhất tinh thần của những người Do Thái tại các cộng đồng tản mác khắp nơi trên thế giới (Dispersion).

Mặc dù bị tổn thương bởi truyền thống phàm nhân kể từ thời Caipha, những người Do Thái trung thành với Hội đường vẫn có đức tin siêu nhiên của Ápraham, của Môsê và của Đavít. Họ có Sách Thánh, Lời Chúa thành văn. Họ có Lề Luật và các nhà tiên tri. Họ có các Thánh vịnh và Diễm ca. Đó là các yếu tố của Giáo hội mà người ta tìm thấy trong Do Thái giáo.

Trong bản chất, đức tin của người Do Thái hướng người ta về phía tìm kiếm tình thân mật với Thiên Chúa, như một số nhân chứng lỗi lạc của nền linh đạo Do Thái, như những người Hassidim chẳng hạn, đã chứng tỏ. Tuy nhiên, công trình lớn lao của giới giáo sĩ đã phát triển theo một hướng hoàn toàn khác, trong đó sự tinh tế tâm trí chỉ lưu tâm tới chữ viết đã cố gắng xác định, lục lọi, bình luận, thường khai triển một cách võ đoán hết sức kỳ lạ ý nghĩa của những chữ viết này. Chính các giáo sĩ Do Thái của những thế kỷ đầu tiên đã soạn ra các sách Mishnah, Talmuds, Targums.

Tuy nhiên, chưa nói đến sự bất lực đáng kể của nó liên quan đến các vấn đề về Đấng Mêxia{45}, giáo huấn của các giáo sĩ Do Thái, vì tính hẹp hòi trí thức kết hợp với ý thích các chú giải tưởng tượng của nó, chắc chắn đã góp phần làm nhiều linh hồn Do Thái trệch hướng khỏi niềm tin tôn giáo. Sự thực vẫn là "chính trong Do Thái giáo của giới giáo sĩ, một Do Thái Giáo đã bảo tồn ba yếu tố thiết yếu của gia tài Do Thái (Sách, Cung thánh, Lãnh thổ), mà Israel vĩnh cửu đã rút ra được khả năng hồi sinh vô hạn của mình"{46}. Sự thực cũng vẫn là những người Do Thái thời nay, nhất là ở phương Tây, bất kể trở thành không tin một số khá lớn các yếu tố này bao nhiêu, vẫn là con cái của dân tộc Mạc khải, và của Mong chờ siêu phàm. Việc mong chờ Đấng Mêxia Cứu Rỗi không còn có lý do để hiện hữu nữa, vì Người đã đến rồi. Nhưng ước chi chúng ta, những người Do Thái và Kitô hữu, có thể cùng nhau chờ đợi sự tái lâm của Người!

2. Các yếu tố của Giáo hội hiện hữu trong Do Thái giáo thuộc trật tự siêu nhiên, nhưng, như tôi đã nói ở trên, đây là các yếu tố của Giáo hội theo nghĩa không thích hợp của hạn từ này. Chúng liên quan đến các phương tiện cứu rỗi đã bị cắt xén (trong Cựu Ước, các bí tích như Cắt bì có tính tiên trưng [préfigure], không ban ơn thánh; và theo tôi biết, ý tưởng về bí tích không có trong thần học Do Thái giáo. Đối với các Sách Thánh, Tân Ước bị cắt khỏi chúng). Và nếu trong chính chúng, các yếu tố đang đề cập được liên kết với Tổng thể là Giáo Hội mà chúng là một bộ phận, thì một sự ức chế đã ngăn cản chúng làm cho Giáo hội hiện diện một cách mầu nhiệm trong đó, một điều bắt nguồn từ sự kiện này là gia đình tôn giáo này, vốn tin vào Thiên Chúa chí thánh, nhưng không tin vào Đấng Kitô Cứu Thế. Israel trước đây là Giáo hội trong một trong các thời kỳ chuẩn bị của nó. Sẽ là điều vô dụng khi nói tới sự hiện diện vô hình của Giáo hội hữu hình trong dân Israel ngày nay.

Ngoài ra, rõ ràng là nếu vào một thời điểm nào đó của lịch sử, các thủ lãnh của các tư tế lên án Con Thiên Chúa, và nếu phần lớn dân chúng theo họ bác bỏ Chân lý do các tông đồ rao giảng, thì những người anh em Luthêrô của chúng ta vô tội đối với tội lạc giáo do Luthêrô phạm phải thế nào, tất cả những người Do Thái trong các thời kỳ sau đó, sinh ra và lớn lên trong cộng đồng giáo sĩ Do Thái, và những người anh em Do Thái đương thời của chúng ta, cũng vô tội đối với dòng máu của Chúa Kitô như thế{47}.

Hồi giáo

1. Hồi giáo đứng thứ hai trong số các gia đình tôn giáo không phải là Kitô giáo trong đó, vì có kể đến trật tự siêu nhiên, nên theo tôi, nó thích đáng được công nhận các yếu tố của Giáo hội.

Nhưng nếu nó tin vào Thiên Chúa độc nhất và siêu việt, Đấng tự mặc khải chính Người cho loài người, thì nó lại từ chối niềm tin vào Đấng Cứu Thế như Do Thái giáo. Do đó, các yếu tố của Giáo hội hiện diện trong đó là các yếu tố của Giáo hội theo nghĩa không đúng của hạn từ này.

2. Tôi đã nói ở trên về Hồi giáo, do đó tôi xin nói ngắn gọn ở đây{48}. Tôi xin nói như Công đồng rằng nó tuyên bố có "đức tin của Ápraham", đức tin siêu nhiên mặc dù trong đó ít thuần khiết hơn so với Người Do Thái (đòi hỏi người ta cũng phải tin vào những câu chuyện ngụ ngôn đa dạng rải rác trong kinh Koran), và tự trong chính nó, không tìm kiếm sự thân mật với Thiên Chúa. Hồi giáo cũng tôn kính (không cho nó ở vị trí đầu tiên) Lời Chúa được viết trong Cựu Ước. Nó coi Chúa Giêsu như một nhà tiên tri, được sinh ra bởi Đức Maria không có cha nhân bản.

Do đó, họ có các yếu tố của Giáo hội theo nghĩa không thích hợp của hạn từ này. Và các phương tiện cứu rỗi theo nghĩa tôi xin nói là càng giản lược càng tốt (không có khái niệm về ơn thánh hóa; không có bí tích, dù chỉ theo nghĩa bóng). Và vì cùng một lý do như lý do tôi đã trình bầy liên quan đến Do Thái giáo, những yếu tố này của Giáo hội (theo nghĩa không thích hợp), dù tự trong chúng vẫn liên kết với tổng thể mà chúng là một bộ phận, không thể làm cho Giáo hội hiện diện một cách mầu nhiệm trong gia đình tôn giáo này. Liên quan đến nó, sẽ là điều vô dụng khi nói về sự hiện diện vô hình của Giáo hội hữu hình.

Bà la môn giáo

1. Tôi cũng đã nói một số điều về đạo Bà La Môn. Tôi xin lưu ý rằng khi xem xét nó, một câu hỏi mới đã xuất hiện ngay từ đầu. Thực thế, chắc chắn nó có một khái niệm nào đó về mạc khải, tuy nhiên, mạc khải này không liên quan gì đến sự mặc khải như chúng ta hiểu về nó (hơn nữa chữ sanskrit là lắng nghe [audition]). Ở đấy, người ta nói đến một mạc khải phi thời gian. Nếu trong thời gian của con người, các bản văn thánh thiêng được thu thập và truyền đạt bởi các nhà hiền triết được linh hứng và được liệt kê trên một danh sách rất dài, thì chính các bản văn thánh thiêng này là vĩnh cửu và phi tạo [incrées], "không có khởi đầu" và "phi nhân bản"{49}. Các nhà hiền triết đã truyền chúng lại cho chúng ta sau khi lắng nghe trong lúc ngồi thiền, họ đã lắng nghe, không phải lắng nghe Thiên Chúa nói với họ vào một thời điểm của lịch sử, mà là lắng nghe một bài hát không có âm tiết không có bắt đầu cũng như kết thúc.

Tương tự như vậy, đối với Ấn Độ giáo, có "sự cứu rỗi" cung cấp hoặc "bởi kiến thức thực nghiệm về thể tuyệt đối" hoặc "bởi ân sủng thần linh khiến phần linh hồn lệ thuộc dâng lên một đáp trả yêu thương"{50}. Nhưng ở đây một lần nữa các hạn từ có thể đánh lừa chúng ta: sự cứu rỗi này là sự giải thoát khỏi luật Karma [Nghiệp chướng] và luân hồi [transmigration], ân sủng phát xuất từ một trong ba đấng tối cao, vốn trổi vượt các chư thần Bà La Môn giáo (Vishna hay Çiva, gần với trái tim tín hữu Ấn giáo hơn là Brahma) là lòng nhân từ, ân huệ hoặc sự bảo vệ, nhưng không phải là hồng phúc nâng cao linh hồn từ bên trong và làm cho linh hồn tham dự vào chính sự sống của Thiên Chúa; và cảm nghiệm được thể tuyệt đối chỉ là một chứng thực cao siêu cho sức mạnh của tâm trí chúng ta tập trung trong lúc ngồi thiền. Cuối cùng, Thiên Chúa tối cao đã hòa quyện với năng lượng vũ trụ của Brahman đến nỗi người ta không thể khẳng định rõ ràng được sự siêu việt hoàn hảo của Người. Và Người không phải là Thiên Chúa duy nhất; có những vị thần khác, tuy vẫn chịu luật luân hồi, nhưng được hưởng một tình trạng siêu phàm trong một thời gian.

Nói tóm lại, với tất cả niềm tin, huyền thoại và suy đoán của Ấn Độ giáo, cũng như với chủ nghĩa huyền bí và yoga của nó, con người vẫn đứng trước cánh cửa của trật tự siêu nhiên, - ở mức cao nhất của các sức mạnh bẩm sinh khi chúng làm cho họ vượt qua chính mình, để đạt đến sự cực lạc của linh đạo tự nhiên, hoặc sự triển nở của một kiến thức siêu hình cao sang được nuôi dưỡng bằng sự huy hoàng mờ mịt của trí tưởng tượng sáng tạo.

2. Do đó, câu hỏi tự đặt ra là: khi một gia đình tâm linh có chung với Giáo hội những điều không thuộc về trật tự siêu nhiên, mà chỉ thuộc về trật tự bản nhiên được tạo dựng, liệu chúng ta có thể nói rằng đó là những yếu tố của Giáo hội không? Chắc chắn, Giáo hội là người bảo vệ các thiện ích và chân lý vốn là nền tảng của trật tự tự nhiên. Nhưng sứ mệnh của Giáo Hội thực chất là siêu nhiên. Do đó, điều mà Giáo Hội có chung với gia đình tâm linh đang đề cập không thực sự là các yếu tố của Giáo hội, không theo nghĩa thích hợp cũng không theo nghĩa không thích hợp của hạn từ này.

Vì vậy, tôi xin nói rằng với Bà La Môn giáo, chúng ta phải xử lý với các tiền yếu tố [pré-éléments] của Giáo hội; và không phải với "phương tiện cứu rỗi" theo nghĩa Kitô giáo của hạn từ này, nhưng với các chuẩn bị của trật tự tự nhiên, ít nhiều xa xôi (và rất hỗn hợp) có thể được ân sủng sử dụng.

Và còn hơn cả trong trường hợp Do Thái giáo và Hồi giáo, sẽ vô dụng khi nói tới sự hiện diện vô hình của Giáo hội trong gia đình tôn giáo Ấn Độ giáo.

Phật giáo

Về Phật giáo, cũng đã có đề cập ở trên. Nó cũng có niềm tin chung về luân hồi, nhưng ít nhấn mạnh hơn Bà La Môn giáo về tính hữu lý nền tảng nội tại trong trật tự phổ quát. Phật giáo trên hết có tính thực tiễn, vì với họ, vấn đề đặt ra là tự giải thoát khỏi cảnh nô lệ và khỏi ảo tưởng của biến dịch [devenir], những thứ gây ra đau khổ vô tận, một cách còn triệt để hơn đạo Bà La Môn. Nó qui tội cho sự hiện hữu: cần phải tuyệt đối bác bỏ tất cả mọi hữu thể có bản thể: không có Thiên Chúa, cũng không có linh hồn, kinh nghiệm giải thoát là kinh nghiệm về sự không hiện hữu của bản ngã{51}.

Do đó, những chân lý thiết yếu liên quan đến các năng lực của bản chất chúng ta đều bị bỏ qua.

2. Tuy nhiên, ở đây vẫn còn nhiều điều, và là những điều vĩ đại, chung với Giáo hội: tình cảm sâu xa về tính vô thường và hư vô vốn làm hao mòn tất cả những gì chúng ta thấy ở đây trên trái đất này; lòng khát khao một sự giải thoát dứt khoát, ngay trong cuộc sống trần thế này, nhờ lao vào kinh nghiệm tâm linh (điều này hoàn toàn khác với kinh nghiệm chiêm niệm Kitô giáo); và lòng từ bi phổ quát làm nên sự cao quý của Phật giáo Đại thừa, nhưng, điều này không xuất phát từ tình yêu thương, mà là từ sự nâng cao cực điểm người được giải thoát để họ thấy trong mọi sự chỉ là khổ đau của hiện hữu.

Nhưng rõ ràng là không có gì trong tất cả những điều này có thể cấu thành một yếu tố của Giáo hội. Do đó, tôi xin nói rằng những gì chúng ta thấy ở đây chỉ là những cái bóng [ombres] của Giáo hội (đôi khi tranh tối tranh sáng), và không phải "phương tiện cứu rỗi", nhưng là các khát vọng của trật tự tự nhiên hướng tới sự giải cứu tâm linh (mơ hồ).

Rõ ràng là vô dụng nếu nói về một "sự hiện diện vô hình của Giáo hội hữu hình" trong gia đình tôn giáo này ("tôn giáo" theo nghĩa rất giảm thiểu) một tôn giáo không công nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa.



Chủ nghĩa Mácxít

1. Bất chấp cuộc đấu tranh cuồng nhiệt mà ông tiến hành chống lại tôn giáo, Marx cũng đã làm nảy sinh, trong thời hiện đại, một kiểu vâng lời và tận tụy tôn giáo mới, nếu người ta chỉ hiểu hạn từ "tôn giáo" như mối dây đoàn kết một số người nào đó trên cơ sở của một giáo điều ít nhiều nghiêm khắc và nhắm các cùng đích "tuyệt đối", - "tôn giáo" đang đề cập hoàn toàn hướng về trái đất, và hoàn toàn vô thần.

Ở đây, tôi không hề nghĩ tới Đảng Cộng sản (mà trong chừng mực là đảng chính trị không liên quan đến chủ đề của tôi), mà là về gia đình tinh thần do các môn đệ của Marx tạo nên, những người mà theo tôi, vẫn là những người trung thành nhất với tư tưởng ban đầu của ông, - tôi muốn nói với những mâu thuẫn đã sống của ông ta, những mâu thuẫn đã góp phần rất lớn tạo ra sự quyến rũ mà ông ta có được (trong khi trên bình diện lý thuyết, ông ta coi thường mọi yêu sách về công lý như là ý thức hệ vô ích và trống rỗng, thì trên thực tế, trái tim ông lại bùng cháy một cơn thịnh nộ thánh thiêng chống lại bất công xã hội và sự khốn khổ của người bị bóc lột, điều này cho chúng ta thấy trong ông ta có cùng dòng máu với các nhà tiên tri thuở xưa){52}; trung thành với vấn đề mối liên hệ giữa chủ nghĩa cộng sản và con người vốn luôn ám ảnh người thừa kế này của chủ nghĩa nhân bản phương Tây; - trung thành với ý tưởng của ông (không tưởng) cho rằng chế độ độc tài của giai cấp vô sản sẽ chỉ là một giai đoạn nhất thời, và chủ nghĩa cộng sản sẽ bảo đảm sự triển nở của nhân vị, tất cả sự tha hóa sẽ chấm dứt hoàn toàn, và sẽ khai mở trọn vẹn tín điều đầu tiên: homo homini deus [con người là thượng đế cho con người], như Feuerbach nói; Marx sẽ nói: con người đối với con người là đấng tối cao, das höchste Wesen; nói cách khác, chủ nghĩa cộng sản sẽ khai mở trong "ơn cứu rỗi" theo nghĩa của Marx.

Gia đình tâm linh mà tôi ám chỉ, tôi không bỏ qua việc nó hoàn toàn dính líu với Đảng (không phải không có xích mích); nhưng tự nó, nó khác biệt với Đảng.

2. Giữa gia đình tâm linh vô thần này và Giáo hội có một số điểm chung: đối với thế giới lao động, đòi lại các điều kiện sinh sống thực sự phù hợp với nền công lý vốn là một vấn đề thực dụng phải được thực hiện nhưng – dưới mắt Giáo hội, và của cả Marx – cũng là một vấn đề đạo đức cần được công nhận; nhìn rõ các sai lầm của việc tôn thờ lợi nhuận; ý thức rằng một chế độ kinh tế và xã hội trở nên hoàn toàn mất nhân tính phải được biến đổi một cách triệt để, - chưa nói đến tất cả những lời lên án trước đây được các Công đồng tuyên bố chống lại hành vi cho vay nặng lãi (xem Chương IV, trang 30), và ý tưởng cổ xưa thời Trung cổ, đối với tôi vẫn luôn luôn đúng, cho rằng sự giàu có của tiền bạc là một điều trái với tự nhiên.

Điều quả hiển nhiên là bởi lý lẽ của một học thuyết về cơ bản là vô thần, và không có gì ngoài trái đất, những thứ có chung này không thể cấu thành một yếu tố của Giáo hội. Tôi xin nói rằng ở đây có những dấu vết của Giáo hội, không có "phương tiện cứu rỗi" tương ứng, mà là một lời kêu gọi phải có một điều kiện xã hội xứng đáng hơn với con người, trên bình diện trần thế và chỉ có tính trần thế, và mặc dù có thể có các sai sót và ảo tưởng: các dấu vết của Giáo hội mà, trong Đảng, đã biến thành những giả mạo tồi tệ nhất.

Và rõ ràng sẽ là vô dụng nếu nói về một "sự hiện diện vô hình của Giáo hội hữu hình" trong gia đình tâm linh vô thần này.



Phong trào Híppi

1. Phong trào Híppi giới thiệu cho chúng ta một gia đình tâm linh hết sức tiêu biểu trong thời đại chúng ta. Thiết nghĩ rất thích hợp khi ta xem xét chút đỉnh gia đình đang đề cập này.

Trong yếu tính, nó là một sự bác bỏ: bác bỏ toàn bộ hệ thống đã được thiết lập, bác bỏ thế giới của cha mẹ, bác bỏ hàng loạt các dối trá của nền văn minh. Phản ứng này của một bộ phận thanh thiếu niên (có 200,000 người trong số họ tham gia cuộc gặp gỡ của họ trên Đảo Wight, 400,000 người trong cuộc gặp gỡ của họ ở Bethel, trong mùa hè năm 1969) là một hiện tượng hoàn cầu và là một hiện tượng có ý nghĩa quan trọng: vì nó xuất hiện như một bản kết án – dù đáng khen - chống lại một nền văn hóa tự hào về việc thờ ngẫu thần khoa học và tiền bạc, vốn đang mục ruỗng từ bên trong. Một việc bác bỏ như vậy tự bản thân nó không phải là một điều xấu xa. Các thánh, khi quyết định thay đổi cuộc đời các ngài, ngay từ đầu cũng đã đặt để một hành vi bác bỏ: nhưng vì các ngài đã khám phá ra một chân lý cao siêu vô tận so với thế gian, và họ đã tự hiến cho thứ chân lý này.

Không có gì tương tự như thế trong phong trào Híppi. Việc bác bỏ của họ hoàn toàn và đơn giản chỉ là một việc chạy trốn, một cuộc chạy trốn tập thể; trong khi một việc bác bỏ xứng đáng với con người đặt căn bản trên các đòi hỏi bên trong của con người cá thể, trên lòng dũng cảm, trên nỗ lực của trí hiểu và ý chí của họ muốn làm một công việc mang tính xây dựng, - trên hết cứu lấy điều mà họ cảm thấy cao quý, và tốt lành ở trong họ, và sau đó làm việc để thay đổi thế giới, trong phạm vi họ có thể.

Việc chạy trốn của những người Híppi xuất phát từ một ý chí mềm yếu và bất lực, chết chìm trong những rắc rối của tuổi thiếu niên, và của một trí hiểu vẫn còn trẻ con do lười biếng, và điều này làm cho mọi khẩu hiệu do truyền thông đại chúng của thế giới người lớn phân phối trở thành bối rối, bất luận là của Freud hay của người khác. Họ là nạn nhân của thế giới tư sản, một thế giới họ có quyền căm ghét. Trong việc chạy trốn của họ, họ mang theo tất cả những khốn cùng của nó với họ.

Trốn chạy vào đàn ngũ [grégaire] (về tính đàn ngũ này, ngày nay người ta tìm thấy nhiều điển hình khác: to get together [đến với nhau], - công thức cứu rỗi duy nhất cho những linh hồn trống rỗng), trốn chạy vào phi lý, vào thế sẵn sàng đòi hỏi và ảo tưởng bản năng, vào chủ nghĩa khoái lạc của việc giải thoát toàn bộ giác quan. Tôi thấy ở đó như thể là mặt trái ngược của Phật giáo: thay vì, bằng bất cứ giá nào, phải sẵn lòng để tự giải thoát khỏi cõi biến dịch, khỏi ảo tưởng và những dằn vặt của nó, ở đây, vấn đề là tận hưởng những điều phù du càng nhiều càng tốt, và tìm thấy niềm vui của mình, - một niềm vui tập thể, một cách tự nhiên, - ngay lúc nó diễu qua, trong khi nhắm mắt đối với tất cả những gì còn lại.

2. Đối với tôi, dường như đó là những gì thoạt nhìn người ta nhận thấy nơi gia đình tâm linh Híppi. Nhưng ngay sau đó, họ nhận ra một điều khác: điều mà tôi xin gọi là ngưỡng đầu tiên của bí ẩn con người và sự nhúc nhích của linh hồn, hay một điểm phản tỉnh đầu tiên. Việc trốn chạy của những người Híppi chỉ có thể thực hiện được với điều kiện chúng tự tạo cho mình một thế giới khép kín, một thiên đường nhân tạo nơi họ sẽ dẫn đời mình vào. Thành thử, thế giới này sẽ có những kỷ luật riêng, và những giá trị riêng của nó.

Trước hết, là các giá trị của thứ lý trí dưới tầm [infra-raison]: một sự 'thả lỏng toàn diện” bản nhiên, trên hết thông qua tự do tình dục hoàn toàn, trong đó hành vi xấu xa nhất là từ bỏ tình yêu của con người (vốn là việc hiến mình vĩnh viễn) bằng cách cương quyết thực hiện việc tách biệt tình dục khỏi tình yêu. Ở đây, đồng tính luyến ái cũng đóng một phần của nó. Nhưng nghịch lý là ở chỗ này, và là nơi xuất hiện sự khuấy động của linh hồn: sự tan vỡ của bản nhiên con người (chỉ là con người với các quy tắc đạo đức) đi đôi với lý tưởng thuần khiết của bản nhiên, lý tưởng chân thành, lý tưởng tự phát thẳng thắn. Và, trên thực tế, một sự thuần khiết nào đó do đó có thể tự xuất hiện: sự thuần khiết thực vật (những bông hoa không có gì xấu hổ) có vẻ đẹp rạng rỡ của nó, và là điều tôi không hề dám coi thường.

Và thứ hai, - bởi vì nơi người Híppi cũng như nơi mỗi con người đều có những khát vọng căn bản của linh hồn chúng ta, vốn là tinh thần, và bởi vì tất cả các cánh cửa đều mở, bao gồm cả những khát vọng đối với siêu lý [supra-rationnel], - - thế giới khép kín mà tôi đang nói về sẽ tạo ra các tiêu chuẩn của nó từ sự giả mạo tổng quát các giá trị của tinh thần: điều thánh thiêng, điều huyền nhiệm, sự xuất thần, sự phơi phới của chiêm niệm, điều siêu nhân (khi nó không phải là hạ phàm) yếu tố bao gồm trong cuộc sống huynh đệ, nghi lễ, nghi thức, với những chiếc vòng kiềng và những bông hoa của nó, và tất cả những dấu hiệu làm trí tưởng tượng vui thích, - không thiếu thứ gì ở đó, tất cả đều được đưa xuống bình diện bản nhiên và của các giác quan, và dễ dàng được rock-and-roll, L.S.D. và ma túy gây ảo giác cung cấp, hoàn toàn hỗn độn và không có bất cứ tiêu chuẩn nhân bản hoặc thần linh nào.

3. Cuối cùng, chúng ta đừng quên nhận ra sự hiện hữu của ngưỡng thứ hai của bí ẩn con người và sự khuấy động của linh hồn, và của điểm phản tỉnh thứ hai. Vì người ta không thể bằng lòng mãi với hàng giả, và có những lựa chọn không thể tránh khỏi.

Một mặt, người ta có thể chọn đi với ma quỷ: tìm kiếm những gì tồi tệ nhất trong tôn phái Tantra [tantrism] của Bà La Môn giáo và những hình thức sai lầm của chủ nghĩa bí truyền phương Đông, phó thác bản thân cho ma thuật.

Nhưng mặt khác, ngược lại, qua sự giả mạo, người ta có thể để cho những loé sáng tự phát từ tinh thần: trên hết, và điều này không hiếm nơi những người híppi, sự tuôn trào của thi ca, - tôi biết thơ không phải là ơn thánh, không hề; nhưng khi thi ca thực sự hiện diện ở đó, một điều gì đó của Thiên đường đã loé sáng trong chốc lát; - rồi sự tuôn trào của âm nhạc, - về mặt này, những người híppi nợ rất nhiều ở điệu “blues” và nhạc phúc âm của người da đen. Và với những điều này, tại sao đôi khi lại không tuôn trào các ước muốn mờ nhạt, dù yếu đến mức nào, đối với thế giới huyền nhiệm vốn là hồng phúc của Thiên Chúa hay sao?

Ở giữa những vết nhơ của một đời sống đạo đức vô chính phủ và bất quy tắc, những ước muốn như vậy có thể trào dâng trong tim, và tạo nên ở đó con đường bí mật của chúng. Chúng ta phải tính đến sự phức tạp của linh hồn con người, điều mà chỉ ánh nhìn của các thiên thần mới có thể giải mã được. Cá nhân tôi không biết bất cứ người híppi nào, nhưng tôi đã biết khá nhiều người giống như họ. Và nơi họ, đôi khi tôi có thể nhìn thấy, và kính trọng, loại thuần khiết thực vật mà tôi đã nói trên đây một chút, - có lẽ một dấu hiệu, ai mà biết được, và hình ảnh báo trước của một sự thuần khiết khác, lần này, xứng đáng với hình ảnh Thiên Chúa. Và đôi khi tôi cũng có thể cảm thấy các lời hứa mà cảm thức chân thực của thi ca, và những ước muốn mờ nhạt mà tôi vừa ám chỉ, chứa đựng một sự sống thực sự tập trung ở bên trên, chứ không phải ở bên dưới lý trí.

Tôi không nghi ngờ rằng trong số những người híppi, có một số có cùng một phẩm chất nhân bản, và có những người, có thể là họ không hề biết, có trong lòng họ một mối lo lắng, có lẽ bị người khác bôi bẩn, nhưng vẫn rất có thực chất, đối với những điều chân thực bị gia đình tâm linh đang đề cập dung dưỡng sự giả tạo: lo lắng thể thánh thiêng thực sự, thể huyền nhiệm thực sự, sự khiêm tốn chiêm niệm thực sự, một đời sống tận tụy huynh đệ thực sự mà chỉ có đức ái mới có thể cho được, những hân hoan thực sự đối với phụng vụ chân chính. Những điều này, tuy ít, nhưng có thể có điểm gì đó chung với Giáo hội, vốn trân quí trong ánh sáng trong khi họ khao khát trong bóng đêm.

4. Tất nhiên, đây không phải là vấn đề về "các yếu tố của Giáo hội", cũng không phải vấn đề về "phương tiện cứu rỗi." Tôi xin nói rằng đúng hơn đây là vấn đề quần áo rách bươm [haillons] của Giáo hội; và một cuộc tìm kiếm đáng thương, một cách mò mẫm, một raison de vivre [lý do để sống] đặt nền tảng trong sự thật, và những gì mà người híppi gọi là "sự giải phóng thực sự của tinh thần, mà không biết họ đang nói gì" {53}.

Còn 1 kỳ