Theo Stanford Encyclopedia of Philosophy, tư tưởng của Jacques Maritain gây ảnh hưởng đặc biệt ở Nam Mỹ, phần lớn nhờ đặc tính 'tự do' trong triết lý chính trị của ông. Các giảng khóa của ông tại Châu Mỹ Latinh vào năm 1936 đã dẫn đến việc ông được bổ nhiệm là viện sĩ thông tấn của Hàn lâm viện Văn chương Ba Tây. Tuy nhiên, như Olivier Compagnon cho ta thấy, ảnh hưởng này khá phức tạp. Trong khi Ba Tây tôn vinh ông thì Chile mạ lỵ ông như "người của phe tả". Chúng tôi chuyển ngữ bài viết Maritain et l’Amérique du Sud của Olivier Compangon đăng tại địa chỉ https://journals.openedition.org/nuevomundo/604
Bị bác bỏ bởi giới trí thức Pháp kể từ sau Thế Chiến hai, tác phẩm của Jacques Maritain là một tài liệu tham khảo chính về mặt học thuyết trong nền văn hóa chính trị Dân chủ Kitô giáo ở Nam Mỹ. Ảnh hưởng này nghịch lý hơn ở chỗ Maritain luôn cảnh giác với những phương tiện chính trị dơ bẩn: một triết gia Kitô giáo nói về dân chủ qua các tác phẩm như Humanisme intégral [Chủ nghĩa nhân bản toàn diện] (1936), Christianisme et démocratie [Kitô giáo và dân chủ] (1943) hay L'homme et l’État [Con người và Nhà nước] ( 1951), ông không bao giờ muốn trở thành triết gia của một nền dân chủ Kitô giáo mà ông luôn đánh giá một cách phê phán và nghiêm khắc. Khởi từ các nguồn dư thừa (hàng trăm cuốn sách và bài báo được xuất bản bởi Maritain và về Maritain bên kia Đại Tây Dương, thư từ liên tục mà nhà triết học duy trì với khoảng 180 nhân vật Nam Mỹ, v.v.), bài này đầu tiên nhằm phân tích nguyên nhân của việc sử dụng chính trị chủ nghĩa Maritain, bằng cách tìm hiểu, theo quan điểm của lịch sử so sánh, các cách đọc khác nhau đã được giới tinh hoa Công Giáo Nam Mỹ thực hiện về Maritain, từ những năm 1920 đến đầu những năm 1960 và 70. Nó cũng cho phép chúng ta nắm vững trong một thời gian dài, nhờ lăng kính được cung cấp bởi sự tiếp nhận chủ nghĩa Maritain, những đột biến của Công Giáo Mỹ Latinh đương thời.
Bốn thời kỳ của chủ nghĩa Maritain ở Nam Mỹ
Một số điểm gián đoạn đã được nhấn mạnh đối với bài nghiên cứu có tính lịch đại [diachronique] này. Giai đoạn đầu tiên kéo dài từ đầu những năm 1920 đến những năm 1936-1937, và tương ứng với cuộc gặp gỡ của giới tinh hoa Công Giáo Nam Mỹ với công trình của Maritain. Trong bối cảnh renacimiento católico [Phục hưng Công Giáo] giữa hai thế chiến, chủ nghĩa Tôma của nhà triết học Pháp cung cấp một khuôn khổ vừa có tính khái niệm vừa có tính tâm linh giúp người ta suy nghĩ về thế giới hiện đại theo thước đo của chủ nghĩa kinh viện truyền thống và đề nghị với các linh hồn “lầm lạc” đường trở về trong lòng Giáo hội, vào đúng thời điểm trong đó đang xuất hiện động lực hoán cải của giới tinh hoa trí thức, những người tìm thấy trong hành trình hướng tới đức tin của Maritain một mô hình mạnh mẽ. Người ta biết ơn tác giả cuốn Antimoderne [chống hiện đại] vì đã dạy rằng ta chỉ có thể thắng được diễn trình văn minh qui nhân [anthropocentrique], một nền văn minh vốn tin rằng có thể bác bỏ Thiên Chúa để cuối cùng tạo ra một chủ nghĩa duy vật man rợ, bằng cách khôi phục nơi mọi người các giá trị của Kitô giáo. Giai đoạn đầu tiên này có đặc điểm ở chỗ việc tiếp nhận chủ nghĩa Maritain chỉ phổ biến nhiều ở vùng Hình Nón Phương Nam (cône Sud) và Ba Tây: các Cursos de Cultura Católica [Các Khóa học về văn hóa Công Giáo] ở Buenos Aires, Centro Dom Vital [Trung tâm Cha Vital]ở Rio, một số khu vực nhất định của Đại học Công Giáo Chí Lợi, một vài chủng viện và viện nghiên cứu học thuyết Tôma hiếm hoi - như viện Córdoba ở Á Căn Đình - là những trung tâm chính gây ảnh hưởng mà những người cổ vũ chủ yếu là những tác nhân biệt lập đã khám phá ra công trình của Maritain trong thời gian lưu lại châu Âu.
Các năm 1936-1939 đánh dấu sự gián đoạn đầu tiên và mở đầu thời kỳ tranh cãi cho đến đầu thập niên 1950. Chuyến đi của vợ chồng Maritain đến Á Căn Đình (1936) là cơ hội để khám phá toàn bộ một công trình mà nhiều người vẫn còn coi như phiên bản triết học và Công Giáo của chủ nghĩa quốc gia toàn diện của Maurras, do đó, làm ngơ bước ngoặt của những năm 1926-1927 liên quan đến việc lên án Action Française [của Maurras] và viễn kiến mới về văn hóa, lịch sử và những sự việc trần thế lúc đó đã tự áp đặt lên Maritain. Cuốn Humanisme intégral [Chủ nghĩa nhân bản toàn diện], dự phóng trong một tương lai xa xăm lý tưởng về một kinh thành thế tục dựa vào linh hứng Kitô giáo, va chạm trực tiếp chống những người vẫn mơ về một sự phục hồi của Công Giáo; việc từ chối hỗ trợ Franco trong cuộc thập tự chinh cứu chuộc mà ông ta đã phát động ở Tây Ban Nha, đã làm lu mờ mối diễm tình trí thức phát sinh trong những năm 1920. Chống thiểu số môn đệ muốn thỏa mãn cơn cám dỗ chính trị của họ khởi đi từ lý tưởng lịch sử cụ thể về một thế giới Kitô giáo từ nay là đoàn ngũ những người bài Maritain, những người, chủ yếu phát xuất từ Á Căn Đình, Ba Tây và Chí Lợi, tố cáo vị tông đồ của một nền thế tục hóa đã được công bố, dọn giường cho đủ thứ âm mưu lật đổ, Do Thái, Tam Điểm, Thệ phản hay Cộng sản. Thế Chiến thứ hai, bén rễ công trình của Maritain vào thửa đất của một nền dân chủ nhân vị và cộng đồng - và do đó đa nguyên và thế tục - đã mở rộng thêm hố phân cách giữa triết gia và những kẻ gièm pha ông luôn tiếc nuối việc liên minh giữa thập giá và thanh gươm, hơn bao giờ hết muốn Rome lên án những luận đề được coi như trái ngược với lợi ích của Giáo hội trên thế giới này.
Đầu các thập niên 1940 và 1950 đã làm gián đoạn động lực chống Maritain này, một việc đã nhận được sự ủng hộ của các phẩm trật giáo hội hầu như khắp nơi ở Nam Mỹ. Chính Đức Piô XII cũng đã cổ vũ Giáo Hội Công Giáo theo chế độ dân chủ vào năm 1944, và Maritain có thể trông cậy vào sự ủng hộ quý giá của Vatican. Do đó, việc hãm tiếng nói của các cuộc luận chiến đã rộng đường cho các môn đệ của triết gia; những người này đã tận dụng những năm tháng này để tổ chức các mạng lưới kết liên trí thức vượt ra ngoài biên giới quốc gia và làm chín mùi một dự án chính trị phục hồi di sản của Maritain. Điều này ra đời vào năm 1947, khi Tuyên bố Montevideo đặt nền móng cho một nền dân chủ Kitô giáo đặc biệt ở Châu Mỹ Latinh nhằm thực hiện một cách thực tế các nguyên tắc của chủ nghĩa nhân bản toàn diện. Là đỉnh cao của ảnh hưởng của Maritain ở Nam Mỹ, văn kiện này đồng thời cho thấy tất cả sự mơ hồ của nó: vì khi nhớ đến các dè dặt mà nhà triết học không ngừng phát biểu đối với hành động chính trị theo nghĩa hẹp [stricto sensu], khi đọc lại những bức thư mà ông từng trao đổi với người bạn Ba Tây Alceu Amoroso Lima, người ta nhận ra sự chênh lệch giữa một suy nghĩ có ý định nuôi dưỡng lãnh vực trần thế bằng chất men các giá trị Tin Mừng qua một loạt các trung gian phi chính trị - hiệp hội, giáo dục, tông đồ - và việc nó, trái lại, tiếp nhận ưu tiên các hình thức hành động chính trị và tranh đấu. Mặc dù phát xuất từ một cách đọc độc đáo và gần như không trung thành, từ một kiểu "công cụ hóa" phần nào chủ nghĩa Maritain, nền dân chủ Kitô giáo Nam Mỹ do đó tự trang bị cho mình một bản sắc lý thuyết mà Maritain là trụ cột, trận đồ thực sự có khả năng sau đó tích hợp các ảnh hưởng song hành và bổ sung. - như của Cha Lebret chẳng hạn. Từ nhà triết học người Pháp, người ta duy trì một vài ý tưởng chủ lực: sự phân biệt giữa bình diện trần thế và tâm linh, xây nền cho sự hiện hữu của một đảng không thuộc tuyên tín nào nhưng hoạt động của họ lấy hứng từ các giá trị Kitô giáo; dự án về một xã hội thế tục và đa nguyên, có khả năng phân biệt giữa tư cách công dân và thống thuộc tuyên tín; dự án về một xã hội duy nhân vị và cộng đoàn, nằm ở khoảng giữa chủ nghĩa cá nhân tự do không có chút ý thức nào về lợi ích chung và chủ nghĩa xã hội duy tập thể coi thường các quyền tự nhiên của nhân vị; tóm lại, một tercera via [con đường thứ ba], dựa trên ý niệm một nền dân chủ hữu cơ biết tôn trọng các thống thuộc cộng đồng khác nhau của nhân vị thay vì chuyển nhượng các thống thuộc này cho tổng thể xã hội và chính trị. Năm 1964, việc Eduardo Frei trở thành tổng thống của Cộng hòa Chí Lợi quả là chiến thắng chính trị của một người theo Maritain vốn được nuôi dưỡng bằng các giá trị này, bất kể thực trạng quyền lực và tầm mức các cuộc cải cách thực hiện sau đó.
Sự gián đoạn cuối cùng xảy ra vào nửa sau của những năm 1960, khi Công đồng Vatican II đã định hình lại một cách sâu sắc các nhạy cảm của thế giới Công Giáo Nam Mỹ và mở đường cho một chủ nghĩa tiến bộ Kitô giáo mà sau đó đã chiếm vị trí hàng đầu của khung cảnh. Nếu phe Dân chủ Kitô giáo "lịch sử" – tức những người, giống như Frei, đến với Maritain trong thời kỳ giữa hai Thế chiến - không hề phủ nhận di sản của nhà triết học và thấy trong chính sách aggiornamento của Công Đồng một bài học coi chủ nghĩa Maritain chỉ phù hợp với thế kỷ của nó, thì các nhà thần học giải phóng và “những chàng Thổ Nhĩ Kỳ trẻ tuổi” [jeunes turcs] của nền dân chủ Kitô giáo đã thống nhất tiếng nói của họ trong một liên minh bài Maritain cải tân, khởi đi từ việc lựa chọn giải pháp giải phóng người nghèo. Sự đồng hóa Maritain với các trải nghiệm Kitô giáo-Dân chủ dở dang ở Chí Lợi và Venezuela, cơn cám dỗ muốn đối thoại với chủ nghĩa Mác, một cuộc đối thoại mà nhà triết học người Pháp này không bao giờ muốn xem xét, cú sốc do một số đoạn trong cuốn Le Paysan de la Garonne gây ra, đều là những yếu tố góp phần vào chỉ thị của một vụ án mới, cho tội phản động lần này chứ không còn là tội duy tiến bộ (progressisme) nữa. Nếu người ta công nhận ở Maritain công lao đã phi liên đới một số thành phần của đạo Công Giáo khỏi các lập trường chính trị thường bảo thủ, và đã dẫn hàng ngũ giáo dân vào những con đường cam kết cần thiết, thì ngược lại, người ta sẽ không tha thứ cho ông việc thiếu nhân nhượng đối với Teilhard de Chardin, đối với chủ nghĩa Mác, đối với điều ông coi là dấu hiệu của một chủ nghĩa tân hiện đại. Maritain đã biến thời của ông thành hình ảnh một chủ nghĩa Tôma cứng ngắc về giáo điều và không còn khả năng suy nghĩ về những diễn biến của thế kỷ. Về phía đối lập với Công Giáo, đó cũng là ý kiến của những người theo chủ nghĩa toàn diện [intégristes], những người, trái lại, cho rằng nhà triết học phải chịu trách nhiệm về những nhượng bộ mà Giáo hội đã dành cho thế giới hiện đại trong Công đồng Vatican II: bằng chứng là việc ông đồng hành lâu dài với Đức Cha Montini, người sau này trở thành Đức Phaolô VI và đã không thể tách lúa mì ra khỏi cỏ lùng trong một Giáo hội đang gặp khủng hoảng. Tuy nhiên, sự kết hợp các thành phần bài Maritain có tính phản kháng này không có nghĩa là công trình của nhà triết học này không còn tồn tại vào buổi đầu thập niên 1970: trên một lục địa nơi các chế độ an ninh quốc gia phát triển mạnh mẽ, bất cứ thông điệp dân chủ nào cũng vẫn giữ được tính hợp pháp tự nhiên, có khả năng che giấu các sai lầm của ngày hôm qua. Tuy nhiên, kỷ nguyên hậu công đồng dường như đã kết thúc một thời đại: nếu có một “thế hệ Maritan” trong giới tinh hoa Công Giáo ở Nam Mỹ, thì chính vào thời điểm này, nó đã giải thể từ từ.
Một ảnh hưởng sai biệt
Ngoài ảnh hưởng tùy thời kỳ này, cũng còn vấn đề ảnh hưởng không đồng đều của công trình Maritain ở Nam Mỹ. Đối đầu về phương diện hoàn cầu với các vùng đất tiên phong của Nón Nam [cône Sud) và Ba Tây là vùng thuộc dẫy Ăng Đơ (Andes) tức Colombia, Ecuador, Peru, Bolivia, và Paraguay, ít được quan tâm bởi việc loan truyền chủ nghĩa Maritain dường như không bao giờ xuất hiện như một đường phay trong đạo Công Giáo. Venezuela nằm ở giữa hai trường hợp này, vì công trình của nhà triết học người Pháp chỉ thực sự bắt đầu được biết đến ở đó vào những năm 1950, do đó đã thoát khỏi làn sóng tranh cãi lớn nhưng, sau đó, đã không lên cấu trúc được nền văn hóa chính trị Kitô giáo-Dân chủ.
Nếu giả thuyết theo đó việc loan truyền chủ nghĩa Maritain tùy thuộc vào mức độ thích Pháp (afrancesamiento) của giới tinh hoa quốc gia không phản kháng việc phân tích, cũng như việc toàn bộ Nam Mỹ hướng về châu Âu trong đầu thế kỷ XX, thì các nhân tố sai biệt hóa về địa lý dường như vẫn của một số giới nào đó. Trước hết, một số tác nhân nào đó có vẻ rất chủ yếu trong quá trình nhập khẩu bắt đầu sau Thế Chiến thứ nhất: sự thôi thúc của những người theo Maritain buổi đầu (Alceu Amoroso Lima ở Ba Tay, Rafael Pividal ở Á Căn Đình, v.v.), những người đã phát hiện ra Maritain trong thời gian lưu trú ở Paris, có vẻ có tính quyết định mặc dù rất khó định lượng.
Ngoài ra, bối cảnh chính trị và tôn giáo trong đó công trình của Maritain bắt đầu được biết đến đóng một vai trò quan trọng hàng dầu: nếu renacimiento católico [phong trào phục hưng Công Giáo] được sự quan tâm của mọi quốc gia ở tiểu lục địa giữa hai cuộc chiến tranh, thì nó vẫn không dẫn đến việc biến chủ nghĩa Maritain thành của riêng ở khắp nơi; và nếu cơn cám dỗ chính trị được thể hiện đồng loạt lên một thế hệ Công Giáo Nam Mỹ trẻ tuổi, thì không phải ở đâu cũng có một nền dân chủ Kitô giáo. Bởi vì để một dự án như vậy thành hình, cần phải có một lỗ hổng để rơi vào. Ở Chí Lợi, Đảng Bảo thủ theo truyền thống nắm được dư luận của người Công Giáo nhưng từ từ suy giảm trong nửa đầu thế kỷ 20. Hấp hối, nó khổ công canh tân ngôn từ của nó dựa vào giáo huấn xã hội của Giáo hội, điều này dẫn Frei và những người bạn đồng hành của ông ta đến chỗ bất đồng chính kiến. Trường hợp có khác nhưng có thể so sánh được ở Á Căn Đình, Ba Tây và Venezuela, nơi mà trong thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến, không có đảng bảo thủ lớn nào được cho là đại diện cho lợi ích của Giáo hội: do đó ban đầu có một không gian chính trị trống cho các người theo Maritain, những người đang đặt nền móng cho một nền dân chủ Kitô giáo mà số phận của nó sau đó phụ thuộc vào mức độ đa nguyên vốn lên đặc điểm cho nền chính trị quốc gia. Trái lại, ở Colombia, không có chủ nghĩa Maritain nào hơn là hình thức dân chủ Kitô giáo sơ khởi (proto-démocracie chrétienne), trong chừng mực Đảng Bảo thủ vẫn còn quyền lực và có thể huy động các khát vọng đổi mới của các thành viên trẻ tuổi nhất của nó. Nói tóm lại, nếu ảnh hưởng lớn hơn hay ít hơn của chủ nghĩa Maritain phụ thuộc một phần vào sáng kiến của các tác nhân cá thể, thì bối cảnh chính trị quốc gia cũng không dửng dưng đối với việc ấy.
Đạo Công Giáo bất nhân nhượng, Dân chủ Kitô giáo và Thần học Giải phóng
Cuối cùng, vì việc tiếp nhận chủ nghĩa Maritain ở bên kia bờ Đại Tây Dương mang tính chất luận chiến và làm nảy sinh nhiều cuộc tranh luận, nó tạo thành một lăng kính quý giá để hiểu Công Giáo Nam Mỹ về tính phức tạp của nó. Trong năm mươi năm, chủ nghĩa Maritain đã không ngừng là một vấn đề gây tranh cãi, chứng thực một cách hữu hiệu việc giới tinh hoa Công Giáo - trong tính đa dạng của họ - quan tâm tới vị trí của Giáo hội trong thế giới hiện đại. Công trình của Maritain là một công trình mở, thuận lợi cho việc đọc đa dạng và tùy thuộc vào những gì người ta muốn thấy ở đó hơn là những gì người ta thực sự tìm thấy ở đó. Do đó, tính đa dạng của các cách đọc này, từ những người theo trường phái ấn tượng nhất đến những người trung thành nhất, là một cửa sổ trong số những cửa sổ khác để quan sát các trào lưu khác nhau băng qua các Giáo Hội Nam Mỹ.
Từ nguồn, nghĩa là sau Thế Chiến thứ nhất, chủ nghĩa Maritain tự áp đặt mình như là một tham chiếu bổ sung cho một đạo Công Giáo không nhân nhượng - chúng ta dám nói là toàn diện - vốn là đặc quyền của đại đa số giới tinh hoa thời đó. Cần phải nói rằng các biểu hiện của một đạo Công Giáo tự do theo kiểu châu Âu, như từng tồn tại từ Lamennais đến Sangnier, rất ngoài lề ở châu Mỹ Latinh, chưa bao giờ nêu ra câu hỏi cụ thể về thái độ của Giáo hội trước các quyền tự do hiện đại. Và không giống như Pháp vào đầu những năm 1890, không có quốc gia nào phải đối mặt với câu hỏi về bất cứ cuộc tập hợp nào, có thể cho phép người ta suy nghĩ in concreto [một cách cụ thể] về sự đối lập giữa nguyên tắc nguồn gốc thần linh của thẩm quyền và ý tưởng về Chủ quyền nhân dân. Rất nhiều yếu tố giải thích cho sự gần như độc quyền của “chủ nghĩa bất nhân nhượng”, mà Jackson de Figuentico và Alceu Amoroso Lima ở Ba Tây, các thành viên của Cursos de Cultura Católica [Các khóa học về Văn hóa Công Giáo] hay Đức Cha Franceschi ở Buenos Aires, là một số hiện thân. Những nhân vật này đặc biệt đại diện cho một truyền thống có từ những năm đầu tiên của nền độc lập, khi hệ thống Bảo trợ thuộc địa bị phá bỏ và các Giáo Hội phải tự chống đỡ khi đối đầu với cuộc tấn công của chế độ chinh phục tự do. Phái chủ trương Đức Giáo Hoàng có quyền độc tôn [Ultramontaines] kiên quyết chống lại tính hiện đại chính trị có từ năm 1789, những người tinh hoa Công Giáo của những năm Hai mươi này chỉ hoàn toàn tin tưởng các thông điệp vĩ đại của Đức Piô IX và đã biến Danh mục Sách cấm [Syllabus] thành sách gối đầu giường của họ. Từ góc độ giáo sĩ, họ mơ về một thời điểm trong đó Giáo Hội và Nhà nước sẽ thống nhất với nhau trong sự trao đổi qua lại tính hợp pháp, trong đó, Nhà nước trở thành cánh tay vũ trang của Giáo Hội, khi thanh gươm và que rẩy nước thánh hợp nhất sẽ khôi phục lại một kinh thành Công Giáo trong đó, việc thống thuộc giáo phái sẽ là tiêu chuẩn đầu tiên của quyền công dân.
Tuy nhiên, trên cái nền tảng chung của Công Giáo không nhân nhượng này, người ta đã ghép vào một số sắc thái: từng mảnh từ cuối thế kỷ 19, rồi ồ ạt sau thông điệp Quadragesimo Anno [Năm Thứ Bốn Mươi], đạo Công Giáo xã hội loan truyền chậm rãi trong một số giới nào đó, như một phản ứng của Kitô giáo đối với những khó khăn nan giải chủ nghĩa tự do và cộng sản và liên hệ gần gũi với việc phục hưng học thuyết Tôma do Rôma thúc đẩy. Cha Hurtado ở Chí Lợi, Đức Cha Franceschi ở Á Căn Đình, Cha Aguirre ở Venezuela là một số đại diện, những người không phát xuất từ một truyền thống khác với truyền thống Công Giáo bất nhân nhượng nhưng đã thêm một chiều kích tranh đấu mới mẻ vào đó, nhất là trong giới thanh niên đại học. Khởi đi từ đó, những người theo Maritain từ ban đầu như Frei và Lima, chẳng hạn, trong khi tự nhận ra mình trong các cuốn Antimoderne và Trois Réformateurs, vẫn có thể hình dung ra các hình thức hoạt động tông đồ đổi mới, vào lúc Rôma đang tạo động lực quyết định cho các phong trào Công Giáo tiến hành. Chính trong thế hệ bất nhân nhượng, nhưng bị ảnh hưởng bởi giáo huấn xã hội của Giáo hội này, dự án Dân chủ - Kitô giáo đã xuất hiện từ tình trạng lấp lửng, Công Giáo tiến hành do đó tạo hình ảnh, cũng như ở châu Âu, như một nơi xã hội hóa chính trị và ươm mầm cho một chủ nghĩa tranh đấu vẫn nhằm khôi phục các hình thức tuyên tín.
Ít hay nhiều, sự gián đoạn đã phát sinh giữa thời đầu Nội chiến Tây Ban Nha và lúc kết thúc Thế Chiến thứ hai, hai sự kiện nền tảng nêu ra cùng một lúc cả vấn đề chủ nghĩa giáo sĩ lẫn vấn đề dân chủ. Một bộ phận khá lớn của thế hệ trẻ, chịu ảnh hưởng của giáo huấn xã hội Công Giáo, tự tách mình ra khỏi phản xạ Franco, rồi khỏi cơn cám dỗ của phe Trục mà những người bất nhân nhượng nhất đã làm chứng – về điểm này, người Á Căn Đình của Công Giáo quốc gia là một trường hợp điển hình, đánh giá chủ nghĩa Quốc xã theo chủ nghĩa bài Do Thái của chính họ - được giúp đỡ về vấn đề này một cách chủ yếu nhờ sự giảng dạy của Maritain. Cùng lúc với việc thuật ngữ dân chủ du nhập vào lĩnh vực từ vựng của thế hệ này, sự phân biệt các kế hoạch đã tạo cơ hội cho thế hệ này gián đoạn với niềm hoài nhớ nền thống trị của giáo sĩ.
Chủ nghĩa chống Maritain hình thành vào thời điểm chính xác này là một phản ứng đối với sự bất đồng ý kiến dân chủ và chống giáo sĩ này, còn minh chứng thêm cho sức mạnh của truyền thống bất nhân nhượng và sự hàm xúc của nó ở đỉnh cao nhất của phẩm trật.
Do đó, đây là hai trào lưu phát xuất cùng một khuôn từ nay đối nghịch nhau, tuy nhiên, ranh giới giữa chúng không hoàn toàn kín mít. Bằng chứng là trường hợp của Đức Cha Franceschi, chống Maritain vì theo Franco, không quan tâm đến bất cứ suy nghĩ nào về bản chất của chế độ miển là nó duy trì giả thuyết sẽ phục hồi Công Giáo, nhưng là người sau chiến tranh đã hoán cải với dân chủ và trở lại, một cách ít hay nhiều minh nhiên, với huấn quyền của Maritain. Trạng huống quốc tế có tính quyết định ở đây: chiến thắng của các lực lượng Đồng minh thực sự là chiến thắng của nền dân chủ, như Đức Piô XII đã biểu thị trong thông điệp phát thanh của ngài vào tháng 12 năm 1944. Từ đó, phát sinh một cách tự nhiên giải pháp dân chủ - Kitô giáo mà ngôn từ duy nhân vị và cộng đồng của nó đã được khắc ghi trong mối liên hệ bất nhân nhượng của việc chỉ trích mô hình tự do, nhưng thực hành của nó cuối cùng đã bắt tay với một số hình thức Công Giáo tự do.
Thập niên1960 cuối cùng cũng tương ứng với một bùng nổ mới và dẫn đến việc sống chung của ba trào lưu khác biệt trong đạo Công Giáo ở Nam Mỹ. Trào lưu đầu tiên kể từ nay trở thành thiểu số: nó không bác bỏ cương lĩnh của nó trong thập niên 1920, tiếp tục thề sẽ bêu thây xã hội hiện đại và các tác động tiêu cực của nó bằng cách tham khảo Danh bộ Sách cấm [Syllabus], và thấy nơi Công đồng Vatican II việc đạt tới những dẫn đường đã hé thấy từ thập niên 1930, đặc biệt nơi Maritain. Gustavo Corção và Julio Meinvielle là một trong những đại diện của chủ nghĩa duy toàn diện Nam Mỹ này, của một đạo Công Giáo đã dừng lại ở ngưỡng cửa thế kỷ 20 nhưng mắt vẫn dán chặt vào thế kỷ 19. Trào lưu thứ hai là trào lưu theo dõi hành trình của Maritain chặt chẽ hơn, dù có khai thác lời dạy của ông: chuyển từ một Đạo Công Giáo bất nhân nhượng nhuốm màu học thuyết xã hội của Giáo hội sang nền dân chủ Kitô giáo, những người đại diện cho con đường từ nay trung dung này hoan nghênh aggiornamento [cập nhật] bằng cả hai tay, nhưng không thừa nhận một hình thức duy tiến bộ nào đó mà trong vũ trụ học của Teilhard là thần học của ngày mai, và trong cuộc đối thoại với chủ nghĩa Mác, là con đường duy nhất hướng tới một cuộc cách mạng phù hợp với các giá trị công bằng, tình yêu và bác ái của Kitô giáo. Họ vẫn trung thành với sự phân biệt các kế hoạch và thù địch với ý tưởng tham gia chính trị trong chiếc áo nhà tu. Cuối cùng, trào lưu sau hết là trào lưu Giáo hội của người nghèo, mà biểu thức đặc trưng nhất của nó là thần học giải phóng: các liên hệ của nó với Công Giáo bất nhân nhượng cũng y hệt như các liên hệ của nó với nền dân chủ Kitô giáo, một số phát ngôn viên của giải pháp giải phóng người nghèo thậm chí trực tiếp phát xuất từ nền dân chủ này. Về cơ bản, việc bác bỏ Maritain ở đây dựa trên sự kiện này là thần học giải phóng và các biến thể khác nhau của nó tương tự như một chủ nghĩa giáo sĩ trị mới, ở chỗ chúng mặc nhiên bác bỏ sự phân biệt các kế hoạch và tham vọng tái lập Vương quốc Thiên Chúa trên trái đất. - như mong muốn, trong một bối cảnh khác và tất nhiên là theo những điều kiện khác – của một Jackson de Figueosystemo năm mươi năm trước đó.
Sơ đồ này nhắc lại sơ đồ mà Jean-Marie Mayeur và Emile Poulat đã có thể làm nổi bật cho trường hợp Pháp, ngay cả khi nó đã thay đổi theo trình tự thời gian - điều này, đàng khác, có lẽ giải thích như sau: công trình của Maritain chỉ có tác động hạn chế ở Pháp, đặc biệt là trong nền văn hóa chính trị của Đảng Dân chủ Kitô giáo. Nó giúp làm lên mầu sắc cho ý tưởng chung, theo đó các nhạy cảm khác nhau của Công Giáo Nam Mỹ trong thập niên 1960 đã tạo thành các khối đối kháng phát xuất từ các truyền thống khác nhau. Ngược lại, phải quay trở lại khuôn khổ ban đầu đã được phong trào phục hưng tạo lập, khoảng Thế chiến thứ nhất, nếu muốn hiểu lịch sử này. Chỉ kể tên những người này, chúng ta hãy nhớ rằng Gustavo Corção, người theo thuyết duy toàn diện và Alceu Amoroso Lima, người thúc đẩy nền dân chủ Kitô giáo, cả hai đều kinh qua lò luyện Centro Dom Vital ở Rio; chúng ta hãy nhớ rằng Julio Meinvielle giống như Rafael Pividal đã tham dự Cursos de Cultura Católica ở Buenos Aires vào thập niên 1920. Tuy không ở mãi cho đến cùng, tất cả đều có ngày đã theo Maritain. Và bất kể sự khác biệt của họ sau đó là gì, công trình của nhà triết học Meudon vẫn có tính quyết định trong ý niệm này là tất cả đều tạo vị trí cho Giáo hội trong xã hội.