Về Giáo Hội của Chúa Kitô,
Ngôi vị của Giáo Hội và Nhân sự của Giáo Hội
Như bài trước đã nhắc đến, năm 1970, giữa lúc có cuộc khủng hoảng đặc biệt về giáo hội học sau Công đồng Vatican II, Jacques Maritain, người tham gia nhiều phiên họp của Công đồng Vatican II, dù không phải là một thần học gia, cũng đã suy tư và góp tiếng nói "của một triết gia già" vào cố gắng phần nào gỡ người ta ra khỏi cuộc khủng hoảng giáo hội học, qua tác phẩm De L'Église du Christ" do Nhà xuất bản Dsclée de Brouwer, Paris, phát hành. Chúng tôi dựa vào ấn bản tiếng Pháp này để chuyển sang tiếng Việt, có tham khảo bản tiếng Anh, "On the Church of Christ, The Person of the Church and Her Personnel' của Joseph W. Evans, do Nhà xuất bản University of Notre Dame Press phát hành năm 1973, năm Triết gia qua đời.
Lời nói đầu của Jacques Maritain
Một giáo dân, vốn không có thẩm quyền bàn luận những vấn đề như thế này (vì không phải là nhà thần học), lấy quyền gì mà dám mạo hiểm viết những trang này về Giáo hội của Chúa Kitô, một điều vốn là mầu nhiệm đức tin? Tôi xin trả lời rằng thẩm quyền duy nhất mà người ta có thể tận dụng để nói với người khác là thẩm quyền sự thật; và trong một thời điểm lịch sử vô cùng rắc rối, chắc chắn một nhà triết học Kitô giáo già, người đã suy nghĩ về mầu nhiệm Giáo hội trong sáu mươi năm, được phép mang đến cho nó chứng từ đức tin và các suy tư của mình.
Tuy nhiên, có một câu trả lời tốt hơn và có ý nghĩa lớn hơn: đó là triết học, ngay trong tư cách ancilla [tớ gái] của thần học, vẫn chưa bao giờ mang thân phận tôi đòi (đúng hơn là một "trợ lực" - về phía lý trí tự nhiên đơn thuần – hơn là một "đầy tớ" của thần học), không những cung cấp cho thần học một nền siêu hình học (ý tôi là một siêu hình học được thành lập trong chân lý); ngoài ra, nếu ít nhất nhà triết học nghĩ rằng nó được đức tin củng cố, thì nó còn có nhiệm vụ phải đi vào, vâng, đi vào lãnh địa riêng của sacra doctrina [học thuyết thánh thiêng] để ở đó, nó thực hành các nỗ lực của lý trí và cuối cùng đề xuất cho các tiến sĩ có năng quyền những quan điểm mới, tôi nói với chức danh một nhân viên nghiên cứu, và là một nhân viên nghiên cứu tự do hơn một nhà thần học: vì lúc đó, chỉ cần nhà triết học được thông tri một cách thích đáng các vấn đề thần học và các tranh cãi thần học, nhưng không có nhiệm vụ phải bận tâm, như nhà thần học, đến các soi sáng mà khoa chú giải lịch sử các bản văn Kinh thánh có thể cung cấp, và đến tầm quan trọng của cả một truyền thống giáo phụ và công đồng lâu đời cần được biết đến một cách chi tiết, cần được truy cứu và thảo luận, sao cho có thể sắp xếp một cách hữu cơ và làm cho kho tàng chân lý mà nó đã truyền lại cho chúng ta được tiến bộ (tôi không nói về số lượng đáng kể các nhà thần học giả mạo ngày nay đang cố gắng phá hủy nó).
Nhà triết học nhường cho hiểu biết riêng của nhà thần học công việc giải thích và xây dựng vĩ đại đang bàn. Ông được hưởng thành quả của hiểu biết này. Nhưng theo lối suy nghĩ của riêng ông, tinh thần với những yêu cầu của nó và hữu thể với những bí mật của nó một mình đối diện với nhau; lý trí của nhà triết học Kitô giáo một mình, đứng trước sự hiện diện của những thực tại cao cả vốn được nhà thần học trình bày cho ông, để suy tư về chúng. Đó là lý do tại sao tôi nói rằng trong công việc nghiên cứu, ông tự do hơn nhà thần học, người mà ông đề xuất những quan điểm mà chính thần học có nhiệm vụ phải phán đoán dứt khoát.
Liên quan tới tác phẩm này, chúng tôi xin nói thêm rằng cách tiếp cận triết học đòi người ta phải coi mầu nhiệm Giáo hội như một đối tượng được đặt ra cho tinh thần và là điều người ta có nhiệm vụ phải mô tả. Để đảm nhiệm việc thực hiện bức chân dung như thế về một mầu nhiệm, cần phải là một nhà triết học già biết chống lại sự hấp dẫn của rủi ro (của những rủi ro đẹp đẽ). Ít nhất, ông không nên có quá nhiều ảo tưởng về chính mình. Nói cho ngay, cuốn sách này do một kẻ ngu dốt viết cho những kẻ ngu dốt như mình, nhưng cũng như hắn, họ rất muốn hiểu càng nhiều càng tốt, hiểu được phần nào.
Cuốn sách đang bàn không liên quan gì đến khoa hộ giáo. Nó giả định đức tin Công Giáo và ngỏ lời trước hết với người Công Giáo, với những người anh em không ly khai với chúng tôi vốn đọc kinh Tin Kính vào mỗi Chúa nhật và họ đọc: Tôi tin Giáo hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền. Nó ngỏ lời với những người khác, - với những người anh em ly khai với chúng tôi, với những người bạn không theo Kitô giáo của chúng tôi, với những người bạn theo thuyết bất khả tri hoặc vô thần của chúng tôi, - miễn là họ đối thoại với người Công Giáo và mong muốn biết những gì người Công Giáo tin, ngay cả đôi khi những người Công Giáo này có vẻ như đã quên khuấy mất nó.
Cuốn sách này không liên quan gì đến một khảo luận về giáo hội học. Nó là một loại suy niệm tự do khai triển theo đà các vấn đề nảy ra trong tâm trí, đến mức có được một ý tưởng chính xác về điều mà tác giả cho rằng cần phải theo đến cuối con đường nó muốn mô tả.
Sau đó, cần phải lưu ý (các tác giả tốt không khuyên người ta phải nhấn mạnh vào điều hiển nhiên) rằng trong phụ đề của tác phẩm và trong sự phân biệt giữa ngôi vị của Giáo hội và nhân sự của Giáo hội, chữ "nhân sự", tự chính nó và trong suy nghĩ của tôi, hoàn toàn không có gì miệt thị cả. Tôi nói "nhân sự của Giáo hội" giống như người ta nói "nhân viên giảng huấn" hoặc "nhân viên ngoại giao." Nếu ai đó hài lòng muốn hiểu chữ này theo nghĩa bị coi là sỉ nhục tức nghĩa "những người phục dịch" (một thuật ngữ mà trong bất cứ trường hợp nào tôi cũng phải xấu hổ khi sử dụng với thái độ khinh thường), thì tôi cũng sẽ cho họ thấy rằng không có gì ở trên đời này vinh dự hơn là được Thiên Chúa mời gọi dấn thân phục dịch Người và phục dịch Giáo hội của Người, - kẻ giữ ngựa của vua các vua hay người hầu cận của cô dâu Người, - và thuộc về "nhân sự" của Giáo hội theo nghĩa này (nghĩa, đàng khác, còn hạn chế không phải của chính tôi) là một điều vĩ đại không gì sánh được, đến nỗi, thay vì bị sỉ nhục, nó yêu cầu phải đi đôi với nhau một cách khiêm tốn không gì sánh được.
Cuối cùng tôi xin lưu ý rằng (và vì điều này, tôi xin lỗi vì những gì liên quan đến việc trình bày tập sách) có một số chương rất ngắn và một số chương khác rất dài. Điều này không phải là do tầm quan trọng của đối tượng được bàn tới, mà chỉ vì mức độ phức tạp ít nhiều lớn lao của cuộc thảo luận được yêu cầu.
11 tháng 6 năm 1970
J.M.
Lời Nhà Xuất bản Desclée de Brouwer
Nhà xuất bản Desclée de Brouwer phát hành ấn bản đầu tiên của De L’Église du Christ năm 1970, với lời giới thiệu sau đây trên tờ bìa sau:
Cuốn sách này không có chi thuộc loại khảo luận giáo khoa, nó là một loại suy tư tự do trong đó Jacques Maritain không tin là mình bị cấm phát biểu tư duy của mình về một mầu nhiệm đức tin mà tầm quan trọng rất chủ yếu đối với đời sống của mọi người Công Giáo, trong viễn tượng riêng của một triết gia và một giáo dân. Ông coi triết lý Kitô giáo như một công trình nghiên cứu cùng một lúc vừa lệ thuộc thần học và được thần học yêu cầu, vừa phải tiến tới mà không sợ phải tuân phục, do bản nhiên, phán đoán của một sự khôn ngoan cao hơn.
Tác giả nhấn mạnh tới ngôi vị của Giáo hội nhiều hơn người ta thường làm. Thực vậy, ông nghĩ rằng chỉ sau khi đã đưa ra ánh sáng tư cách ngôi vị siêu nhiên của Hiền Thê Chúa Kitô, người ta mới có thể thực hiện được sự phân biệt phải có giữa Giáo hội và nhân viên của Giáo Hội, cũng như sự phân biệt không kém cần thiết giữa nhân viên khi hành động như nguyên nhân chính và cũng nhân viên này như là dụng cụ nhờ đó chính ngôi vị của Giáo Hội hành động.
Kỳ sau: Chương một:Dữ kiện được mạc khải liên quan đến Giáo Hội