II Sự hiện diện vô hình trong Giáo Hội hữu hình

Mọi người không phải là Kitô hữu và mọi người Kitô hữu không phải là Công Giáo, nhưng có ân sủng của Chúa Kitô trong họ đều ở trong Giáo hội hữu hình một cách vô hình

1. Họ ở trong Giáo hội hữu hình một cách vô hình,
* hoặc do sự kiện họ, những người không phải là Kitô hữu, thuộc một cách hữu hình về một gia đình tâm linh khởi nguồn không phải là Giáo hội,
* hoặc do sự kiện họ (các Kitô hữu không phải là Công Giáo) thuộc một cách hữu hình về một giáo phái ít nhiều có sự bất đồng sâu xa với Giáo hội.

Những Kitô hữu không phải là Công Giáo, bởi chính sự kiện tất cả đều có đức tin vào Chúa Giêsu Kitô (một đức tin không bị suy giảm ở các khu vực bất đồng ít tách biệt khỏi trung tâm nhất) hiển nhiên phải được xếp vào một phạm trù khác so với những người không phải là Kitô hữu. Hơn nữa, như chúng ta sẽ thấy trong phần thứ ba của chương này, các mức độ cần được xem xét về sự bất đồng ít nhiều sâu xa của những giáo phái mà họ thuộc về nêu lên, trong những gì liên quan đến những giáo phái này, một vấn đề (đó là "các yếu tố của Giáo hội "), một vấn đề vốn không được đặt ra, ít nhất từ cái nhìn đầu tiên (nó chỉ xuất hiện sau Công đồng). Cuối cùng, liên quan đến những giáo phái Kitô giáo ngoài Công Giáo, các mức độ bất đồng đa dạng đang bàn đòi người ta phải đưa ra các phân biệt rất quan trọng đối với các nhà thần học; tuy nhiên, việc ấy không liên quan đến chủ đề của cuốn sách này.

Chúng ta hãy đưa ra một nhận xét sơ khởi khác: trừ họ hoàn toàn bị mất nhân tính vì công việc làm ăn {21} hoặc vì cuộc sống hưởng lạc, mọi người, do chính sự kiện linh hồn con người là tinh thần, đều quan tâm đến các vấn đề tôn giáo và có nhiều ý tưởng về những vấn đề này, những ý tưởng mà, nếu họ không tuyên xưng đức tin của Giáo hội, vẫn có thể ít nhiều gần với đức tin này hoặc ít nhiều chống lại đức tin này.

Và chúng ta hãy hiểu rằng, trong trường hợp sau, một người, chẳng hạn, gắn bó với một tôn giáo không phải là Kitô giáo hoặc thậm chí tuyên bố chủ nghĩa vô thần {22} (tôi biết một số người có tâm hồn vĩ đại mà tôi rất ước ao) có thể, trong thực tế, có ân sủng của Chúa Kitô trong họ, nếu, dù không biết hoặc không thừa nhận Chúa Kitô và thần tính của Người trong đầu óc, nhưng tận đáy lòng và trong trạng thái siêu thức và siêu niệm [supra-conceptuel], họ có đức tin vào Người mà không hay, nhờ đà đẩy sâu sắc nhất của con người luân lý nơi họ và ý muốn hướng tới điều thiện của họ.

Tôi vừa sử dụng các từ "siêu thức" và "siêu niệm." Chúng liên quan đến một lĩnh vực tâm lý cao hơn, đến một "thiên đường của linh hồn", trong đó trạng thái này biết một cách hoàn toàn trực quan, không thể phát biểu bằng các khái niệm và bằng lời nói, những điều mà chính nó không biết rằng nó biết, vì nhận thức này là vô thức. Trong trường hợp ta đang xem xét, nó cũng là một nhận thức thuộc loại ý chí, trong đó "sự thèm muốn chuyển sang thân phận của đối tượng", nhưng bao gồm yếu tố suy luận nhờ lumen fidei [ánh sáng đức tin]{23}.

Ngay khi người ta nói đến trạng thái siêu thức của tinh thần, các hạn từ "đức tin mặc nhiên" và "đức tin minh nhiên" sẽ bị bác bỏ như nhau: vì, được rút ra từ ngôn ngữ đương thời vốn chỉ liên quan đến bộ ghi khái niệm, chúng bao gồm chúng ta trong bộ ghi này. Nếu người ta tin lâu dài rằng để có được ân sủng nơi chính mình, điều cần là phải tin một cách "minh nhiên" hai điều bao hàm hầu hết mọi điều khác ("tin rằng Thiên Chúa hiện hữu và Người ban thưởng cho những ai tìm kiếm Người") mà Thư gửi tín hữu Hípri (11: 6) từng đề cập tới, thì là vì họ chỉ đã dừng lại ở bình diện suy nghĩ hữu thức và ý niệm, và vì người ta đã bỏ qua một nửa tâm thần [psyche] của con người. Điều nhất thiết đòi hỏi không phải là một đức tin (ít nhất trong hai điều credibilia [đáng tin] này) được phát biểu bằng các khái niệm ở bình diện của tư tưởng hữu thức; nó là một đức tin (ít nhất trong hai điều credibilia [đáng tin] này) hiện diện trong linh hồn và có thể bám vào nó một cách thực sự và chính thức, ngay cả khi là kết quả của một trong những cuộc phong tỏa vốn không hiếm hoi gì trong tâm lý con người, nó không thể chuyển sang ý thức và được phát biểu ở đó bằng các khái niệm và bằng lời nói{24}. Một người vô thần có thể có một đức tin như vậy mà anh ta hoàn toàn không biết. Đó là bí mật của Thiên Chúa.



Đây là lý do tại sao chúng ta không bắt buộc phải thừa nhận rằng đối với một người tuyên xưng chủ nghĩa vô thần, để được cứu rỗi, điều cần thiết là một Thiên thần phải đến hướng dẫn họ và dạy họ đọc thuộc lòng hai điều credibilia [đáng tin] đầu tiên; - chúng ta cũng không bắt buộc phải gửi vào Địa ngục một người vô thần vĩ đại như Nietzsche (người vô thần này, - người ta có thể thực sự tin rằng chính nhờ sự khao khát Thiên Chúa, trong cõi siêu thức của tinh thần, mà ở bình diện suy nghĩ có ý thức, bị cản trở bởi triết học hiện đại, ông đã thông báo về cái chết của Thiên Chúa bằng những lời mà chính ông đã thốt ra).

2. Do sự kiện duy nhất có ân sủng Chúa Kitô ở trong mình, bất cứ ai, thuộc bất cứ gia đình tâm linh nào, hoặc không có bất cứ gia đình tâm linh nào, đều ở trong Giáo hội, cả khi (trái với điều vốn tự nó bình thường) họ không ở trong đó một cách hữu hình: vì việc được ân sủng của Chúa Kitô làm cho sống động và việc được linh hồn của Giáo Hội làm cho sống động chỉ là cùng một điều; nói cách khác, như tôi đã nói trong Chương II (chú thích 11), vì linh hồn của Giáo hội là sự tròn đầy của mọi ân sủng (chữ 'ân sủng' ở đây chỉ ơn thánh hóa, nguyên tắc của sự sống thần linh, vốn cư ngụ nơi linh hồn con người hoặc thiên thần). Sự tròn đầy này, đối với Giáo hội trên trái đất, được tạo thành bởi mọi ân sủng (các ơn thánh hóa) mà con người nhận được một cách cá thể kể từ cuộc ăn năn của Ađam, theo như họ hết thẩy đều tham dự như nhau vào sự sống thần linh, mặc dù ở các mức độ khác nhau, và theo như họ hết thẩy đều được liên kết với nhau và tạo thành một công ích duy nhất và tối cao trong sự hiệp nhất của tình yêu Thiên Chúa, và của tất cả mọi hữu thể được tạo dựng theo hình ảnh của Người, nhờ tính năng động của đức ái phát xuất từ họ. Hệ luận của điều này là, linh hồn của Giáo hội lên mô thức cho thân xác Giáo Hội trong sự kết hợp bất khả phân ly với nó, nhưng nó không phải là tù nhân của thể xác mà nó lên mô thức cho, như linh hồn của chúng ta. Vì ân sủng là nhưng không như lòng rộng lượng của Thiên Chúa. Đến nỗi, linh hồn của Giáo hội, mặc dù là “mô thức” của thân thể Giáo hội, cũng ở trong những người thuộc các gia đình tâm linh khác, những người mà, tuy không thuộc thành phần hữu hình của thân thể này, Chúa Kitô vẫn ban ân sủng cho họ: mỗi một trong những ân sủng cá nhân này tự trong nó là {25} một trong những bộ phận cấu thành linh hồn của Giáo hội. Như thế, cùng một lúc như trong thân thể của Giáo hội được nó lên mô thức, linh hồn của Giáo hội cũng hiện hữu, giống như việc gieo vãi các vì sao, trong vô số con người tản mác trên toàn thế giới, những người không thuộc cơ thể của Giáo Hội một cách hữu hình, nhưng Giáo Hội vẫn đem sự sống siêu nhiên lại cho họ.

Tôi cho rằng có sự đồng trương độ [coextensivité] hoàn hảo giữa linh hồn và thể xác của Giáo hội, nếu ta hiểu "thân thể của Giáo hội" như các cơ cấu của cơ thể hữu hình phức tạp này, các khớp nối cần thiết để bảo đảm việc phục vụ đời sống tập thể của nó, và các cơ quan và các hành vi (bí tích và huấn quyền) qua đó ngôi vị Giáo hội hành động giữa chúng ta (xem thêm ở Chương XI). Tất cả những điều này được lên mô thức bởi ân sủng của Chúa Kitô, vốn là linh hồn của Giáo hội, bất kể những thiếu sót có thể có ở những con người này hay con người nọ của Giáo hội.

Nhưng nếu người ta áp dụng nó cho từng ngôi vị cá nhân (vốn là đối tượng xem xét hiện tại của chúng ta), - bất kể là thành viên cá nhân của Giáo hội, hay các ngôi vị cá nhân thuộc về các gia đình tâm linh khác một cách hữu hình, - thì tôi không nghĩ rằng châm ngôn: "Thân thể của Giáo hội ở đâu, linh hồn của Giáo hội ở đó; linh hồn của Giáo hội ở đâu, thì thân xác của Giáo hội cũng ở đó" vẫn đúng trừ khi nó được diễn đạt một cách có sắc thái hơn.

Do đó, liên quan đến phần đầu của châm ngôn này: một người đã được rửa tội được dưỡng dục trong Giáo Hội nhưng đã quyết định đặt mình vào cuộc sống tội lỗi, do đó mất ân sủng; họ vẫn là một chi thể của cơ thể Giáo hội - với điều kiện họ vẫn giữ được đức tin ("đức tin chết" vì bây giờ nó không có đức ái); nhưng linh hồn của Giáo hội không còn ở trong họ nữa, không còn tác động đến linh hồn họ nữa. Đúng là nhờ thuộc về thân thể của Giáo hội, đức tin, dù đã "chết", nhưng họ vẫn duy trì trong họ một initium [một nguyên khởi] của trật tự siêu nhiên vốn có cơ hội giúp họ phục hồi ân sủng, và, mặt khác, xung quanh họ, mọi sự đều sẵn sàng để cùng hỗ trợ họ phục hồi nó; anh chị em của họ cầu nguyện cho họ; và nếu một ngày kia, họ quyết định thay đổi đời mình, họ chỉ cần thực hiện một cuộc xưng tội tốt đẹp. Tuy nhiên, điều cần thiết là họ phải quyết định làm điều này. Chúng ta có thể nói, đối với họ, linh hồn Giáo hội vẫn ở "đó", nhưng một cách hoàn toàn có tính xu hướng và tiềm ẩn (hay đúng hơn là nguyên khởi, bởi lý do đức tin vẫn còn ở trong họ).

Tương tự như vậy, trong phần thứ hai, câu châm ngôn được đề cập chỉ đúng với điều kiện nó có sắc thái phù hợp. Vì cơ thể của Giáo hội không những chỉ là tính hữu hình - ít nhất đối với các thiên thần – của các hành vi được thực hiện bởi một người không phải là Kitô hữu dưới dòng ân sủng ở trong họ. Cơ thể của Giáo hội là toàn bộ cơ thể phức tạp của nó, với tất cả các cơ cấu, các chỗ nối và các khớp được Thánh Phaolô nói tới {26}, với vị lãnh đạo trần thế của nó ở đỉnh cao. Và điều thực sự rõ ràng là trong trường hợp của một người không phải là Kitô hữu nhưng có ân sủng trong người thì cơ thể phức tạp này không "ở đó"; nó ở nơi khác. Người không phải là Kitô hữu này, về phương diện hữu hình hay chính thức, không phải là một phần của nó. (Mutatis mutandis [với những sửa đổi thích đáng], cần phải nói như thế về một Kitô hữu không phải là Công Giáo: trong trường hợp của họ, cơ thể phức tạp của Giáo hội không "ở đó" trong tính toàn vẹn của nó.)

Nhưng ân sủng thánh hóa người không phải là Kitô hữu (hoặc là Kitô hữu nhưng không phải là Công Giáo) không chỉ được ban cho họ như một ơn cứu rỗi dành cho họ; bao lâu là ân sủng của Chúa Kitô (mọi ân sủng mà Người ban cho người này hay người khác, - Người định cho nó là hồng phúc vương giả, là sự chia sẻ sự sống thần linh mà với nó, Người muốn đổ tràn trên Nàng dâu của Người), ơn thánh hóa người không phải là Kitô hữu này (hoặc người Kitô hữu nhưng không phải là Công Giáo này) được ban cho họ như là một trong những thành phần, tự trong nó, cấu tạo ra sự sung mãn của mọi ân sủng cá nhân liên kết qua lại với nhau vốn là linh hồn của Giáo hội. Chính linh hồn của Giáo Hội qua một trong những thành phần cấu tạo ra nó được làm cho hiện diện trong người không phải là Kitô hữu này (hay người không phải là Công Giáo này) nhờ ân sủng của Chúa Kitô.

Nhưng, tự trong nó, mọi linh hồn đều có tính xây dựng [architectonique]: được tạo ra để lên mô thức cho một cơ thể mà nó có xu hướng hướng tới việc lên mô thức này, nó đòi điều này một cách hữu thể học. Lãnh nhận từ Thiên Chúa bởi những người không phải là Kitô hữu (hoặc Kitô hữu nhưng không phải là Công Giáo) đang bàn, linh hồn của Giáo hội đã chứa đựng trong nó, trong đức tính xây dựng của nó, chính thân thể này trong tính toàn diện của nó. Nó là "ở đó", nhưng một cách hoàn toàn theo xu hướng và ảo, hay đúng hơn là khởi đầu.

Theo quan điểm của tôi, đây là cách người ta có thể tuyên bố rằng, qua các ân sủng cá thể mà Thiên Chúa rải rác khắp nơi, linh hồn của Giáo hội hiện hữu trong vô số những thân xác vô hình phân tán đó đây, ngoài chính thân xác mà nó lên mô thức cho và nó khiến họ thuộc về một cách khởi đầu, và tràn ngập vô hạn thân thể này (thân thể, nó không lìa bỏ) trong các khu vực không Công Giáo và Kitô giáo trên toàn thế giới, mà không mâu thuẫn với trọn những gì châm ngôn nói: "Thân thể của Giáo hội ở đâu, thì linh hồn của Giáo Hội ở đó; linh hồn của Giáo hội ở đâu, thì thân thể của Giáo hội ở đó," miễn là châm ngôn này có sắc thái phù hợp. Nhờ đặc tính xây dựng của linh hồn Giáo hội hiện diện nơi họ, người không phải là Kitô hữu nhưng có ân sủng thuộc về thân thể hữu hình của Giáo hội một cách vô hình, một cách khởi đầu và hoàn toàn có tính xu hướng.

Và đó là cách mà mọi người không phải là Kitô hữu (hoặc là Kitô hữu nhưng không phải Công Giáo) có ân sủng trong mình, một cách vô hình, đều là một phần của Giáo hội hữu hình. Họ ở trong Giáo Hội vì ân sủng của Chúa Kitô mà nhờ đó, họ sống một cách siêu nhiên, tự nó là một trong những bộ phận cấu thành linh hồn của Giáo hội, và vì sống nhờ ân sủng của Chúa Kitô, họ, cũng sống nhờ linh hồn của Giáo Hội cùng một lúc. Và họ ở trong Giáo Hội hữu hình một cách vô hình (voto, non re[ trong ước nguyện, chứ không trong sự việc]), vì họ vốn thuộc một gia đình tâm linh nguyên khởi khác với Giáo hội (hoặc dù là Kitô hữu nhưng bất đồng ít nhiều sâu xa với Giáo hội).

Xin cho phép tôi nhấn mạnh một điểm đã ngắn gọn nêu lên ở trên: những quan điểm mà tôi đề xuất ở đây {27} không hề làm suy yếu bất cứ cách nào luận điểm nói về sự đồng trương độ [coextensivité] của linh hồn và thể xác của Giáo hội. Trong thực tế, đó là sự sung mãn [pleroma] của mọi ơn thánh hóa nhận được một cách cá nhân, - bởi tất cả những người phân tán, vốn chỉ thuộc về Giáo hội một cách vô hình, cũng như bởi tất cả những người tập hợp trong sự hiệp nhất của Giáo hội, vốn thuộc về Giáo hội một cách hữu hình, - một điều tạo nên linh hồn của Giáo hội và lên mô thức cho cơ thể với nhiều khớp nối vốn là cơ thể của Giáo hội. Và đối với cơ thể của Giáo hội trong sự toàn vẹn tròn đầy và phức tạp của nó, ân sủng của Chúa Kitô được nhận bởi một người không phải là Kitô hữu, và vốn là một trong những phần cấu thành linh hồn của Giáo hội, chọn [députe] người không phải là Kitô giáo này, nối kết và nối khớp họ một cách tiềm ẩn và nguyên khởi [initiallement], làm họ trở thành một trong những chi thể của cơ thể vĩ đại đang đề cập, nhưng là một thành viên vô hình, bị che giấu đối với con mắt mọi người và đối với chính con mắt họ, và việc họ thuộc về cơ thể này vẫn chỉ có tính nguyên khởi và trong tình trạng xu hướng (tendanciel).

Bất kể cao qúy bao nhiêu trong chính nó, ân sủng mà họ nhận được, nó ở trong họ dưới một phương thức không trọn vẹn hoặc không hoàn hảo, vì họ không chính thức và một cách hiện thể (en acte) là một phần của cơ thể Giáo hội, nhưng chỉ nhờ đặc tính xây dựng của linh hồn Giáo hội hiện diện trong họ, họ không được các Bí tích và các phương tiện cứu độ khác mà Giáo hội ban phát trợ giúp, không tham gia vào việc thờ phượng của Giáo Hội, không tuyên xưng với Giáo Hội vương quyền của Chúa Kitô; nói cách khác, vì ân sủng mà họ nhận được, và là điều khiến họ trở thành người tham dự vào ân sủng của đầu là Chúa Kitô, có thể ở một mức độ rất cao, vẫn không bộc lộ mọi đòi hỏi chính thức đến mức tối đa của chúng cũng như sự phong phú nó chứa đựng liên quan tới cơ thể của Giáo hội cũng như liên quan tới đức tin đã được minh nhiên hóa trọn vẹn. Người không phải là Kitô hữu, nhưng có ân sủng của Chúa Kitô này, quả ở trong nhà của Nàng dâu và tận hưởng sự thân mật của Nàng dâu, - và họ ở đó như một người bạn và người đầy tớ mù, họ không thấy mặt Chàng rể cũng như các kho tàng của nhà Chàng.

Nhưng họ thực sự là một chi thể của Giáo hội dù một cách vô hình và là thành viên của hiệp thông các thánh, họ sống thực sự bằng sự sống ân sủng và đức ái của Giáo Hội, họ được tư cách ngôi vị của Giáo Hội cưu mang, do chính sự kiện này, họ tham dự vào sứ mệnh đồng công cứu chuộc của Giáo Hội, và họ có thể được tôn vinh về sự thánh thiện hơn nhiều chi thể hữu hình của Giáo Hội.

Để được cứu rỗi, điều cần thiết là phải thuộc về Giáo hội hữu hình một cách hữu hình hoặc vô hình, - Sở dĩ như thế là vì Ngôi vị của Giáo hội vốn là sự viên mãn của Chúa Kitô, Thân thể của Người và Nàng dâu của Người ở đây trên trái đất, và vì ở trên trời Giáo Hội tập hợp lại với nhau trong mình, cho đến ngày cuối cùng và cho cõi đời đời, tất cả những người đã được cứu rỗi

1. Một câu hỏi khác cuối cùng cũng được đặt ra ở đây, và tôi tin là một câu hỏi cần được đưa ra ánh sáng. Nó có, làm đối tượng, lý do theo đó không ai được cứu nếu họ không phải là một phần của Giáo hội hữu hình một cách hữu hình hoặc vô hình.

Tại sao vậy? Đây không phải do phương tiện cứu rỗi được Giáo hội cung cấp cho con người. Ở đây trên trái đất này, chỉ một mình Giáo Hội của Chúa Kitô, của Chúa Kitô đã đến, mới cung cấp cho chúng ta các phương thế cứu rỗi trong tính toàn vẹn tròn đầy của chúng, các phương thế mà sự khôn ngoan thần linh đã dự trù từ thuở đời đời và được Chúa Kitô ủy thác cho Hiền thê của Người. Nhưng không phải vì lý do này mà để được cứu rỗi, cần phải thuộc về Giáo hội một cách hữu hình hay vô hình. Không trong lãnh vực nào, các phương tiện trong tầm tay của chúng ta đủ để cho phép chúng ta đạt được mục đích mà chúng ta đang theo đuổi: chúng ta phải sử dụng những phương tiện này và sử dụng chúng thành thạo. Và sử dụng các phương thế cứu rỗi mà Giáo hội dành cho chúng ta là việc của sự tự do của chúng ta được ân sủng trợ giúp. Và trung thành hay không trung thành với ân sủng, sử dụng hay không sử dụng các phương thế này, và sử dụng chúng tốt hay xấu là tùy ở sự tự do của chúng ta.

2. Lý do nhờ đó chỉ có sự cứu rỗi trong việc thuộc về Giáo Hội một cách hữu hình hoặc vô hình, không hệ ở viễn tượng các phương tiện cứu rỗi. Nó hệ ở viễn tượng của chính sự cứu rỗi. Sự cứu rỗi ở trong Chúa Kitô. Được cứu là ở trong Chúa Kitô, trong Đấng khi cứu rỗi bằng cái chết của Người, đã mang tất cả những người được cứu rỗi vào sự sống của Người. Nhưng, một mặt, ngay trong trạng thái lữ hành của mình, ngôi vị của Giáo Hội đã là sự Viên mãn của Chúa Kitô, Thân Thể và Hiền Thê của Người. Làm thế nào để có thể ở trên đường được cứu nếu, từ ở đây trên trái đất này, người ta không thuộc về sự Viên mãn của Người một cách hữu hình hay vô hình, thuộc về Thân Thể của Người, về Cô Dâu của Người? Mặt khác, trong trạng thái ân sủng viên mãn hoặc vinh quang vĩnh cửu của mình, Giáo hội quy tụ lại trong mình, trong vinh quang của mình, tất cả những người được cứu rỗi, kể từ cuộc ăn năn của Ađam, và Giáo hội vẫn tiếp tục qui tụ theo dòng thời gian, cho đến lúc Luyện ngục và trái đất này sẽ đến hồi kết thúc, và lúc người chết sẽ sống lại. Làm thế nào để có thể trở thành người được cứu rỗi trong vinh quang đời đời nếu người ta không phải là chi thể của Chúa Kitô trong vinh quang, và là chi thể của Giáo Hội trong trạng thái vinh quang của Giáo Hội? Một điều vốn giả thiết rằng từ đây trên trái đất, người ta đã thuộc về cùng một ngôi vị này trong trạng thái lữ hành, một cách hữu hình hay vô hình?

3. Dưới mắt tôi, đó là lý do thực sự tạo nền tảng cho châm ngôn "Không có sự cứu rỗi nào ngoài Giáo hội" và cho phép người ta hiểu nó theo đúng nghĩa của nó. Tôi tin rằng nếu trong một thời gian hết sức dài người ta hiểu câu châm ngôn này theo một nghĩa sai lầm (sẽ không có sự cứu rỗi nếu người ta không thuộc về Giáo hội một cách hữu hình), thì đó là vì đã quá lâu rồi, người ta vốn gán cho nó một lý do không đúng sự thật, trong việc tìm kiếm lý do tại sao về nó trong viễn tượng của các phương tiện cứu rỗi, mà chỉ có Giáo hội mới cung cấp cho chúng ta trong tính toàn vẹn của chúng (vì vậy sẽ không có sự cứu rỗi nếu người ta không có những phương tiện này trong tay trong tính toàn vẹn của chúng).

Chúng ta hãy nói thêm rằng về vấn đề lý do tại sao điều quan trọng đối với chúng ta là phải luôn đề cao cảnh giác. Nếu, cho dù ngày nay, khi không còn ai tin rằng để được cứu rỗi thì cần phải ở trong Giáo hội hữu hình một cách hữu hình, chúng ta vẫn tiếp tục hình dung vấn đề cứu rỗi trong viễn tượng các phương tiện cứu rỗi, há chúng ta lại không gặp rủi ro bị dẫn đến chỗ suy nghĩ, có thể một cách tiềm thức, rằng số lượng người được cứu rỗi là một biến số phụ thuộc các phương tiện cứu rỗi ít nhiều hoàn hảo hoặc ít nhiều đầy đủ mà con người có trong tay họ hay sao? Tuy nhiên, ai dám nói rằng có nhiều người được cứu rỗi trong số các Kitô hữu hơn những người không phải là Kitô hữu? Ai dám mơ lập được (với siêu máy vi tính thần học nào?) một thống kê về những người được Chúa chọn? Các Kitô hữu có nhiều phương tiện cứu rỗi hơn những người khác. Nhưng, như tôi đã nhấn mạnh ở trên, luôn có sự tự do của con người, một điều có thể làm người ta tuột mất ơn thánh và sử dụng sai ơn thánh này. Vả lại cũng có câu nói kinh hoàng này: Người càng được ban cho bao nhiêu thì càng bị yêu cầu bấy nhiêu. Người càng được ủy nhiệm bao nhiêu thì càng bị đòi hỏi bấy nhiêu{28}. Và còn điều Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy: Sự nghiêm khắc của Người đối với những người Biệt phái, quá chăm chút sử dụng (một các không tốt) các phương tiện cứu rỗi được Luật pháp quy định, và Người từ chối lên án người phụ nữ ngoại tình, giống như rất nhiều người đã đến với Người mà không sử dụng các phương tiện cứu rỗi này.

4. Thực tế vẫn là trong mọi chuyện, ai cũng cần được người khác giúp đỡ; và để đạt được một mục đích, chúng ta luôn phải sử dụng một số phương tiện thích hợp: một cậu bé muốn trở thành bác sĩ hoặc kỹ sư phải vượt qua nhiều trường học và đào tạo phù hợp.

Nếu là vấn đề trật tự siêu nhiên, vấn đề đạt được sự cứu rỗi và sự sống vĩnh cửu, thì, trong căn bản, chúng ta cần một sự trợ giúp – hết sức mạnh mẽ - mà Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta qua những người anh em của chúng ta. Và, trong căn bản, chúng ta cần những phương tiện cứu rỗi đến với chúng ta từ Giáo Hội, bất kể hiện diện với chúng ta một cách hữu hình (vì chúng ta hiện diện một cách hữu hình trong Giáo Hội), hay một cách vô hình cách nào đó (như chúng ta sẽ thấy ở phần sau).

Đây là lý do tại sao việc rao giảng, hoạt động tông đồ và hoạt động truyền giáo có một vai trò hết sức quan trọng thiết yếu trong Giáo hội, để làm rạng rỡ hơn nữa sự vinh hiển của Thiên Chúa ở đây trên trái đất này, và để mang các phương tiện cứu rỗi trong sự sung mãn của chúng cho nhiều người hơn trên trái đất, tuy nhiên, nói một cách tuyệt đối, điều này không hẳn có tầm quan trọng hàng đầu. Vì, nói một cách tuyệt đối, tầm quan trọng hàng đầu thuộc về sự trợ giúp mang đến cho anh em chúng ta bởi những điều có liên quan, không hẳn tới các phương tiện cứu rỗi mà những người này phải sử dụng, nhưng trực tiếp tới chính sự cứu rỗi của họ và việc thực hiện quyền tự do của họ: tình yêu (nói thật, đó là một "tình yêu quá mức") mà Thiên Chúa yêu cầu nơi chúng ta đối với Người và đối với họ, việc cầu nguyện và việc tham gia vào công việc cứu chuộc mà Chúa Kitô theo đuổi nơi và qua những người bạn của Người cho đến tận thế, trong việc chịu đau khổ vì họ, nếu cần thiết, đến mức chết vì họ.

Tôi xin nói thêm rằng các tu sĩ dòng Xitô và Cát Minh được ủy nhiệm chính trật tự này; và sự hiện diện đơn giản của tình yêu thương chân thật và việc cầu nguyện chân thật nơi con người cũng là một chứng từ tự nó có cơ hội thu hút người ta về phía Đấng Cứu Rỗi và khiến họ hướng mắt về phía Giáo Hội của Người (và điều này càng tốt hơn khi người ta không tự mình biết điều đó, và khi họ không đề xuất cho chính mình thực hiện bất cứ hoạt động tông đồ nào). Đối với tôi, dường như không phải là không quan trọng khi Kitô hữu giáo dân ý thức được những thực tại như vậy.

Còn tiếp