Chương Mười Một: Ngôi vị của Giáo Hội thánh thiện một cách không tì vết, nhân viên của Giáo Hội thì không



I. Ngôi vị của Giáo Hội



Để hoàn tất các quan điểm của chúng ta về tính ngôi vị của Giáo Hội

1.Tôi đã nói nhiều về ngôi vị của Giáo Hội; tôi muốn, lần cuối cùng, trở lại với chủ đề này, để cố gắng đem lại những chính xác cuối cùng đối với tôi rất cần thiết, vì hiểu rằng các ý niệm và từ ngữ mà chúng ta phải sử dụng ở đây có tính loại suy, vì nó liên hệ tới các thực tại thuộc trật tự siêu nhiên.

Chúng ta đã thấy Giáo Hội có một “linh hồn” tạo dựng, vốn là ân sủng của Chúa Kitô rải rác trong các chi thể của Giáo Hội và làm họ tham dự vào ân sủng vô hạn vốn ở trong Người và vào chính sự sống của Thiên Chúa. Được hiểu trong tất cả các chi thể sống trong ân sủng, và sống nhờ Giáo Hội, người ta phải nói như Bossuet rằng Giáo Hội là “Chúa Kitô rải rác và được thông truyền”. Chúng ta hãy nghĩ đến linh hồn của chính Chúa Kitô: linh hồn này, vì được tạo dựng, có tính hữu hạn về hữu thể, nhưng đã ở trên mặt đất, ít nhất cùng một lúc vừa là viator [lữ nhân] vừa là comprehensor [chiêm nhân]{1}, và nó tiếp tục có ở trên trời, nơi nó chỉ là comprehensor, một ân sủng vô hạn trong trật tự của nó hay về phần hiệu quả chính thức của nó, nói cách khác, về một điểm hoàn hảo tuyệt đối cao cả và không thể vượt qua. Do sự kiện ngôi vị của Chúa Kitô là Ngôi vị phi tạo của chính Ngôi Lời, nên một cách đồng bản tính, Người thấy Thiên Chúa, nói cách khác, ân sủng chiếu rọi trong linh hồn Chúa Kitô comprehensor giống như đường tiệm cận [asymptote] mà hướng về nó tuy không bao giờ có thể đạt tới nó là đường cong của sự hoàn hảo đi lên gồm mọi ân sủng mà một tạo vật trong trắng có thể nhận được. Như thế, sự viên mãn ân sủng là tuyệt đối trong Chúa Kitô.

Chúng ta hãy nghĩ đến linh hồn Đức Trinh Nữ: ân sủng nơi ngài không vô hạn, vì đức Maria chỉ là một tạo vật trong trắng; nhưng ân sủng này (vốn lớn lên suốt trong đời sống dương thế của ngài) cao hơn ân sủng của bất cứ tạo vật trong trắng nào khác, vì Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, người phụ nữ khiêm nhường ở ngay ngưỡng cửa thiên tính. Sự viên mãn ân sủng trong hàng những điều tạo vật trong trắng có thể đạt tới.

Chúng ta hãy nghĩ tới linh hồn Giáo Hội: linh hồn này là sự viên mãn của mọi ân sủng được ban cho loài người dưới thế này, theo với thời gian, và là các ân sủng ở trên trời, nơi chúng là các ân sủng hoàn tất, làm rạng danh các thiên thần và những người diễm phúc. Do đó, đối với cả Giáo Hội cũng thế, sự viên mãn ân sủng cũng ở trong hàng những điều tạo vật trong trắng có thể đạt tới (ở mức độ tăng dần khi Giáo Hội ở dưới đất chưa hoàn tất cuộc lữ hành của mình).

2. Linh hồn của Giáo Hội là ân sủng của Chúa Kitô, là ân sủng hoàn tất ở trên trời, lên mô thức ở đó cho đoàn vô số các thiên thần và linh hồn tách rời đang được thấy Thiên Chúa, và là ân sủng đang lớn lên ở dưới đất, lên mô thức ở đó và tự xây dựng một đoàn đông đảo có tổ chức, gồm những con người tuyên xưng đức tin tông truyền, lãnh nhận các bí tích và thừa nhận thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục.

Ân sủng được ban cho mỗi người một cách cá thể. Nhưng nó là duy nhất theo nghĩa phát xuất từ Chúa Kitô, Đấng phân phối cho mỗi người một phần trong kho tàng vô tận của Người và theo việc nó liên kết với nhau tất cả những người lãnh nhận nó trong hiệp thông các thánh.

Chính nhờ sự hiệp nhất này trong nguồn của nó (Chúa Kitô) và trong điều kiện của nó (hiệp thông các thánh) mà linh hồn Giáo Hội, và, vì chỉ tạo nên một hữu thể với linh hồn Giáo Hội, đoàn ngũ đông đảo do linh hồn Giáo Hội lên mô thức và xây dựng, có thể, vì là hình ảnh của Chúa Kitô mà Thiên Chúa thấy trong hữu thể được tạo nên như thế, tiếp nhận một cách siêu nhiên, như ta đã thấy, một tồn hữu chân thực, một tồn hữu hoàn toàn duy nhất và niêm ấn cho tổng thể trong sự hiệp nhất của nó; sự tồn hữu này chính là nền tảng siêu hình cho tính ngôi vị của Giáo Hội: một trường hợp tuyệt đối độc nhất vốn là của riêng và dấu ấn của mầu nhiệm Giáo Hội.

3. Đâu là vị trí, đâu là vai trò của Đức Trinh Nữ Maria trong nhiệm cục của mầu nhiệm này? Các nhà thần học đã thảo luận nhiều ở trên {2}. Tôi xin mạo hiểm đề nghị, trong viễn ảnh tôi đang nói về, điều xem ra thích đáng đối với chủ đề này.

Đức Trinh Nữ không ở trên Giáo Hội như Chúa Kitô, caput super Ecclesiam [là Đầu trên Giáo Hội], ngài ở trong Giáo Hội, và ở trong hiệp thông các thánh.

Trước nhất, rõ ràng Đấng Vô Nhiễm ở trong Giáo Hội như đấng trị vì do sự thánh thiện mênh mông và khôn sánh của ngài, hơn mọi tập thể nhân bản và thiên thần vốn lập thành Giáo Hội, vì ngài là nữ vương các thiên thần và nữ vương các tông đồ, và là omnipotentia supplex [người cầu xin toàn năng]. Nói cách khác, với trọn vẹn sự thánh thiện bản thân của ngài, ngài là chi thể của Giáo Hội với danh hiệu hoàng gia.

Nhưng ngài cũng ở trong Giáo Hội với một danh hiệu khác quan trọng hơn.

Ta hãy nhớ ngài là đấng trung gian phổ quát {3}, và chức năng này có hai khía cạnh. Một mặt, do sáng kiến bản thân của ngài, hay như do “nguyên nhân chính”, Đức Maria cầu nguyện, khẩn cầu, đem lời cầu nguyện của chúng ta, đem lời than thở của chúng ta lên Thiên Chúa.

Và mặt khác, Thiên Chúa dùng các lời cầu nguyện của ngài, các lời khẩn cầu của ngài, cả tình yêu của ngài nữa và mọi chuyển động của trái tim ngài như ‘nguyên nhân dụng cụ” nhờ đó, Người, Đấng là Tác nhân chính, ban cho Giáo Hội và cho mỗi người trong các chi thể của Giáo Hội tất cả những gì Người ban cho họ. Chính vì vậy, Thánh Bernadin thành Sienna {4} so sánh ngài với chiếc cổ nối đầu với thân thể. Đối với tôi, xem ra sẽ là cách nói hay hơn nhiều nếu ta nói rằng vì là mẹ Giáo Hội và có thể nói, mang Giáo Hội trong dạ mình như ngài vốn mang Chúa Giêsu, nên nhờ ngài như dụng cụ, Thiên Chúa và Chúa Kitô hiển vinh chuyển giao mọi ơn phúc và mọi ân sủng để nuôi sống Giáo Hội.

4. Như thế, một khi đã khai thông trước mắt chúng ta, chính khía cạnh trên, khía cạnh dụng cụ ta cần phải xem xét, chứ không còn khía cạnh liên quan đến lời cầu nguyện và tình yêu của Đức Maria nữa, mà là khía cạnh liên quan đến chính ngôi vị của ngài. Nên ta nói, một cách căn để và chắc chắn thân mật hơn danh hiệu hoàng gia, Đức Maria ở trong Giáo Hội với danh hiệu dụng cụ hết sức độc đáo. Ngài không ở trong Giáo Hội theo cách của các chi thể khác của Giáo Hội, như được tư cách ngôi vị của Giáo Hội bao hàm. Ngài ở trong Giáo Hội như nội tại trong chính tư cách ngôi vị của Giáo Hội, qua ngả dụng cụ, luôn hiện diện trong tư cách ngôi vị này như “khuôn mẫu” {5} hay dấu chỉ nhờ đó Thiên Chúa ban tư cách đó cho Giáo Hội. “Khuôn mẫu” hay dấu chỉ được Thiên Chúa làm cho hoạt động bằng cách sử dụng nó như dụng cụ này, chính là ngôi vị của Đức Maria Vô Nhiễm, đấng chính là hình ảnh sống động của Chúa Kitô, và được Thiên Chúa sử dụng để in vào Giáo Hội dấu ấn một tồn hữu siêu nhiên vì hình ảnh của Chúa Kitô mà Người nhìn thấy nơi ngài.

Trinh Nữ Diễm Phúc một khi được hành động của Thiên Chúa làm cho nội tại trong tư cách ngôi vị của Giáo Hội, thì không có điều gì có trong Giáo Hội trước đó đã không có trong Đức Trinh nữ. Đức Maria thánh thiện và đầy ơn phúc trước Giáo Hội. Há Đức Maria không một mình, dưới chân thập giá, là tiên trưng [type], là hình bóng của Giáo Hội, hay đúng hơn, vào lúc đó, là chính Giáo Hội hay sao? Chính nhờ tính dụng cụ của Đức Maria mà Giáo Hội, Giáo Hội của Chúa Kitô đã đến {6}, là thánh thiện và đầy ơn phúc ở trên trời và ở dưới đất, và ở dưới đất, sự thánh thiện và đầy ơn phúc của Giáo Hội lớn lên cho tới ngày sau hết. Khi tất cả những điều này đã hoàn tất và Giáo Hội đã hoàn toàn được tụ họp trong vinh quang, lúc ấy, người ta có thể nghĩ rằng sự thánh thiện và đầy ơn phúc của tất cả các chi thể của Giáo Hội xét chung với nhau từ nay sẽ bằng với sự thánh thiện và đầy ơn phúc của nữ vương họ, người đã cho tất cả.

5. Trong khi chờ đợi và trong khi đang lữ hành dưới mặt đất, ngôi vị của Giáo Hội có thể thánh thiện dù bao gồm các chi thể thẩy đều có tội ở một mức độ nào đó và vẫn giữ, ở một mức độ nào đó, các vết thương của bản tính vốn do tội lỗi đầu tiên để lại, chúng ta đã thấy cần phải giải thích điều này ra sao: tư cách ngôi vị như một thành tựu của linh hồn và thể xác kết hợp với nhau, và linh hồn của Giáo Hội như chính ơn thánh hóa, chỉ căn cứ việc chúng ta sống ơn thánh này mà chúng ta được bao hàm trong tư cách ngôi vị của Giáo Hội.

Đường phân rẽ các dòng nước chẩy qua trái tim mỗi người, dòng nước trong liên hệ với sự thánh thiện của Giáo Hội, mà ơn thánh hoạt động trong chúng ta làm chúng ta trở thành những người được tham dự; dòng nước đục liên hệ đến sự yếu đuối của ta và các sai lạc của ta. Chúng ta phạm tội đến đâu, là chúng ta tự tách mình ra khỏi tư cách ngôi vị của Giáo Hội bấy nhiêu.

Ngôi vị của Giáo Hội hữu hình ra sao?

6. Bây giờ phải nói gì về tính hữu hình của ngôi vị Giáo Hội vốn vượt quá ngôi vị các chi thể của Giáo Hội {7}, và chỉ bao hàm trong ngôi vị của Giáo Hội những gì, trong từng chi thể của Giáo Hội trên mặt đất, không tránh né ơn thánh hóa?

“Ngôi vị” trong chính nó hay như một thực thể siêu hình thì vô hình, trong Giáo Hội cũng như trong mỗi chúng ta. Trong Giáo Hội cũng như trong mỗi chúng ta, đối với con mắt, nó hữu hình bởi cơ thể của nó, đối với trí khôn, nó hữu hình bởi các dấu hiệu phát xuất từ nó và biểu lộ nó.

Xét về mặt chất thể (matériellement), hay xét như một số đông con người, chứ không như ngôi vị, Giáo Hội chính là mọi người đã chịu phép rửa, bất kể họ đang sống trong ơn thánh hay trong tội lỗi, nhưng làm thành phần tạo nên các mô và khớp nối của thân thể Giáo Hội và tuyên xưng đức tin Công Giáo. Một số đông như thế thì rất hữu hình, nhưng đó không phải là ngôi vị của Giáo Hội.

Xét về mặt mô thức (formellement), hay xét như ngôi vị siêu nhiên vượt quá ngôi vị của các chi thể, Giáo Hội chính là tất cả những người, trong đám đông có tổ chức này, đang sống trong ơn thánh và đức ái. Ngôi vị này của Giáo Hội hữu hình đối với con mắt và trí khôn, nhưng in confuso (một cách lờ mờ), không rõ rệt (trừ trong một vài trường hợp xác định rõ), tôi muốn nói rằng vì không biết tận đáy lòng người ta, chúng ta không thể lần giở những đường nét đánh dấu các đường biên của ngôi vị Giáo Hội giữa số đông của tín phái Công Giáo mà tôi vừa nói đến. Tuy nhiên, tuy không thể tìm được các đường biên này, chúng ta vẫn biết ngôi vị Giáo Hội đang ở đấy, vì Chúa Kitô từng phán: “thầy sẽ ở cùng chúng con cho tới tận cùng thời gian”. Chúng ta biết rằng phần lớn vẫn còn lờ mờ đối với chúng ta (nếu không lờ mờ đối với các thiên thần) và chắc chắn lớn hơn chúng ta nghĩ, các chi thể trong đám đông Công Giáo có tổ chức hiện hữu thực sự một cách hiện thể [en acte] (chứ không phải chỉ hiện hữu một cách tiềm ẩn {8} hay trong tiềm năng {9}), một dân tộc được thánh hóa, dân Thiên Chúa. Chúng ta biết rằng Đức Giáo Hoàng có thể là một người tội lỗi lớn lao, nhưng với giả thiết về đặc sủng của ngài (“củng cố anh em con”), ngài không bao giờ đánh mất đức tin {10}; và giám mục đoàn cũng không bao giờ đánh mất đức tin (mặc dù các Giám Mục hiểu theo từng cá nhân có thể rơi vào lạc giáo, ít nhất vì yếu đuối, như người ta thấy rõ, và rất nhiều, thời phái Ariô). Và tất cả các công trình thánh thiện từng phát sinh trong lòng cộng đồng Kitô giáo; và tất cả chứng từ làm chứng cho công lý và tình yêu huynh đệ; và sự quan tâm đối với việc bảo vệ nhân phẩm, giúp đỡ người yếu thế và vô tội, làm cho các cơ cấu của đời sống con người trở nên xứng đáng hơn của một hữu thể được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa; và ánh sáng cũng như đức ái mà chúng ta vốn có thể đích thân lãnh nhận sự trợ giúp từ một linh mục tốt lành hay một người bạn Kitô hữu, tất cả những điều này làm cho ngôi vị của Giáo Hội thành hữu hình in confuso.

7. Cuối cùng, nếu người ta hỏi nhờ những cách nào và trong những trường hợp nào ngôi vị Giáo Hội tỏ mình ra, không còn in confuso nữa, mà là một cách rõ ràng, thì chúng ta tuyệt đối biết chắc được thấy mặt mũi ngôi vị Giáo Hội, nơi các thánh được hiển phong {11} và Đức Nữ Trinh ở trên tất cả các ngài; tuyệt đối thấy ngôi vị ấy hành động, có trọn trật tự bí tích, và trước hết có hy tế thánh lễ và Phép Thánh Thể; tuyệt đối chắc chắn nghe thấy tiếng nói của Giáo hội khi Giáo hội nói với Thiên Chúa, bằng kinh thường vụ {12}; tuyệt đối chắc chắn nghe thấy tiếng nói của Giáo hội khi Giáo hội nói với những con người, với huấn quyền đặc biệt của Đức Giáo Hoàng phán ex cathedra, và của các công đồng ấn định và chỉ định rõ tín lý đức tin và các phong hóa, cũng như cả huấn quyền thông thường của giáo huấn liên tục và phổ quát ban hành từ thời các tông đồ bởi Giám Mục đoàn trong kết hợp với Đức Giáo Hoàng.

Nếu các xem xét trên cách nào đó, trừ các trường hợp tôi vừa nhắc đến, làm cho tính hữu hình của ngôi vị Giáo Hội lui vào một thứ bóng tối nào đó, tôi sẽ không phàn nàn chi cả: thật vậy, vì một đàng, điều ấy tách biệt, như điều cần thiết phải làm, và che chở ngôi vị mầu nhiệm và thánh thiện này khỏi thứ văn chương không đáng đọc (bất kể là đạo hạnh hay ‘đáng thách thức”) thứ văn chương được đại đa số các vị trong Giáo Hội biết bí quyết và khỏi những bàn tán ỏm tỏi của ngôn ngữ con người mà người ta tin có thể làm tai chúng ta khoái nghe lấy cớ là dẫn dắt chúng ta tới Thiên Chúa và tới sự im lặng trong đó Người tự hiến mình.

Đàng khác, và trên hết, điều này làm nổi bật sự khác nhau cần phải nhận ra giữa ngôi vị Giáo Hội và nhân sự của Giáo Hội.



II. Nhân sự của Giáo Hội

Nhân sự của Giáo Hội không thánh thiện một cách bất khả khuyết cũng không luôn vô ngộ

1.Điều tôi gọi là nhân sự của Giáo Hội, đó là những con người, do sự kiện họ thuộc hàng giáo sĩ triều hay dòng, là những người được giao chức vụ chính thức trong Giáo Hội, và, một cách đặc biệt, những người trong số họ thuộc mức cao hay mức thấp của phẩm trật, được trao cho thẩm quyền đối với dân Kitô giáo.

Sứ mệnh của họ đặt họ riêng ra, nhưng về cách cư xử bản thân và các vết thương của bản nhiên, thì họ vẫn là những con người giống mọi người khác, và là các chi thể của Giáo Hội như mọi người khác, thẩy đều có thể, nhiều hay ít trầm trọng, rơi vào sai lầm và tội lỗi.Và những người được trao thẩm quyền, trong việc thực thi thẩm quyền này, có thể sai lầm ít hay nhiều trầm trọng hoặc trong tác phong của họ trong vấn đề quyết định thực tế và cai quản, hoặc trong các điều họ nói và điều họ làm trong vấn đề tín lý (trừ khi huấn quyền thông thường hay đặc biệt của Giáo Hội đang diễn ra, thì họ được bảo vệ khỏi mọi sai lầm liên quan tới đức tin và phong hóa).

Về các lỗi lầm và sai lạc trên, các sử gia có thể lên các danh sách rất dài. Một số lỗi lầm này, lỗi quên sót hay lỗi vi phạm, rất nặng nề. Nói cho ngay, khi người ta nghĩ tới điều những con người nắm giữ một quyền lực khủng khiếp như một quyền lực trực tiếp nhận lãnh từ Thiên Chúa có khả năng làm khi họ mặc tình lao theo các sức mạnh riêng của họ cũng như các bản năng riêng của họ, thì điều xem ra đáng ngạc nhiên là các lỗi lầm và sai lầm đang bàn đã không nhiều hơn và trầm trọng hơn.

2. Đã có một số thành viên nhân sự của Giáo Hội rơi vào các tội có liên quan tới tác phong luân lý, bất kể là tội kiêu ngạo thuộc tinh thần hay các yếu đuối thuộc xác thịt, hay các cám dỗ tiếng tăm hay giầu có, các tội đó chắc chắn có hậu quả nơi đoàn chiên mà họ có sứ mệnh chăn dắt và đối với cách họ tiến hành việc này. Tuy nhiên, không phải các lỗi lầm và sai lầm đụng tới luân lý cá nhân này làm tôi quan tâm ở đây, mà là các lỗi lầm và sai lầm đụng tới thẩm quyền trong Giáo Hội {13}.

Vì điều tạo ra vấn đề, chính là sự kiện qua một nhân viên có thể sai lầm trong việc thi hành thẩm quyền đã lãnh nhận từ Thiên Chúa, chẳng hạn như khi cho là không tương thích với đức tin các nhận định thực ra tương thích, hay coi như phạm sai lầm luân lý một người sau đó được phong thánh, có thể, trong các trường hợp tôi đã nhắc ở cuối phần đầu chương này, chúng ta bị đặt trước sự hiện diện của chính ngôi vị Giáo Hội, thấy Giáo Hội hoạt động và nhận từ Giáo Hội các chân lý mạc khải của Thiên Chúa mà Giáo Hội có quyền đề xuất với chúng ta.

Tính nguyên nhân chính và tính nguyên nhân dụng cụ

1. Theo tôi, chìa khóa đem lại giải đáp cho vấn đề là sự phân biệt giữa tính nguyên nhân chính và tính nguyên nhân dụng cụ.

Trước hết, chúng ta hãy nhắc lại một số chân lý siêu hình thuộc trật tự hoàn toàn tổng quát. Khi một tạo vật nhân bản hành động như một nguyên nhân chính, hoặc như một tác nhân chính, họ có toàn quyền làm chủ hành động của mình, trong trật tự tạo vật, dưới sự tác động của Thiên Chúa, Đấng hướng dẫn họ đến những điều công chính và tốt lành, và họ có thể, thông qua sự tự do mà họ vốn được ban tặng, và theo quy luật tự nhiên được Thiên Chúa luôn vinh dự tôn trọng, thực hiện một sáng kiến tuyệt đối đầu tiên từ hư vô cản ngăn chuyển động này hướng tới điều tốt, và đó là một hành động xấu xa hoặc rối loạn mà họ tạo ra lúc đó{14}.

Khi cũng chính tạo vật nhân bản này hoạt động như một nguyên nhân dụng cụ, dưới sự thúc đẩy của Thiên Chúa, thì hành động mà họ hoàn thành như một công cụ {15} đương nhiên chỉ có quyền đòi hỏi đến mức này.

2. Theo tỷ lệ, cũng đúng như vậy đối với nhân viên của Giáo Hội. Về đạo đức riêng tư của họ, một thành viên của nhân sự này cũng ở trong trường hợp giống như bất cứ tạo vật nhân bản nào khác. Đối với những gì họ làm với tư cách là tôi tớ của Giáo hội, và đặc biệt là trong việc thi hành thẩm quyền mà họ đã nhận được từ Thiên Chúa, theo lời Thiên Chúa đã hứa với Giáo hội của Chúa Kitô, họ được Chúa Thánh Thần trợ giúp, Đấng nghiêng chiều họ về phía phán đoán đúng đắn và trung thành hoàn toàn với chân lý, nói ngắn gọn là đối với điều tốt lành mà vì nó họ đã được cử làm đầy tớ của Giáo hội.

Nhưng nếu họ hành động như nguyên nhân chính, thì sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần là một trợ cụ được ban cho họ và họ có thể đánh mất do lỗi lầm của họ.

Cũng có thể xảy ra việc tuy không rút lui khỏi sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, và không do lỗi về phần mình, các giới hạn của bản chất con người và của sự phát triển lịch sử, và những trở ngại thuộc mọi loại do chúng tạo ra, vẫn ngăn cản họ nhận biết sự thật đặc thù nào đó, sự thật mà họ cần nhìn thấy để không mắc sai lầm, hoặc để đưa ra phán đoán đúng trong những hoàn cảnh nhất định nào đó.

Nói tóm lại, khi họ hành động như nguyên nhân chính, thì một thành viên trong nhân sự của Giáo hội có thể mắc sai lầm.

Ngược lại, khi họ hoạt động như một nguyên nhân dụng cụ trong tay của Nguyên nhân Đệ nhất, thì sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần là một thúc đẩy thần linh đi qua họ để tạo ra tác dụng của nó; lúc đó, họ hành động, họ nói, nhưng chính Chúa Thánh Thần là Đấng hành động qua họ và nói qua họ.

Chắc chắn có nhiều trường hợp trong đó các thành viên này hoặc các thành viên nọ trong nhân sự của Giáo Hội nói và hành động qua Người. Nhưng chỉ trong những trường hợp mà tôi đã đề cập ở trên, chúng ta mới biết chắc chắn là họ nói và hành động như thế.

Tôi vừa nói về những trường hợp một người hành động dưới sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, không phải là nguyên nhân chính, nhưng là nguyên nhân dụng cụ do Chúa Thánh Thần tác động.

Bây giờ, điều quan trọng đối với tôi là hình dung ra cùng một sự phân biệt giữa tính nguyên nhân chính và tính nguyên nhân dụng cụ trong tương quan với “tác nhân chính” là ngôi vị của Giáo hội. Tôi cho rằng mọi chi thể của Giáo hội, đặc biệt mọi thành viên trong nhân sự của Giáo Hội, đều có thể hành động hoặc như một nguyên nhân chính, hoặc, nếu Thiên Chúa muốn, như một nguyên nhân dụng cụ được ngôi vị của Giáo hội đặt để hành động.

Dưới mắt tôi, điều đó rất chủ yếu, bởi vì chỉ khi ai đó hành động hoặc nói năng như một nguyên nhân dụng cụ do Giáo hội đặt để hành động thì chính Giáo hội mới là người hành động hoặc nói năng (qua họ), nói cách khác lúc đó chúng ta đang đứng trước sự hiện diện của chính ngôi vị của Giáo hội, như xảy ra khi Đức Giáo Hoàng nói ex cathedra (từ ngai tòa Phêrô).

Tôi tin rằng, ý niệm cho rằng Giáo hội có thể sử dụng tính dụng cụ của một trong những chi thể của mình, đến nỗi nhờ người đó mà chính Giáo hội là người nói hoặc hành động, là một ý niệm mới, do đó cần được giải thích và biện minh. Không đi sâu vào quá nhiều chi tiết kỹ thuật, đối với tôi, dường như cách biện minh như vậy hiếm khi có bất cứ khó khăn nào, từ thời điểm người ta thừa nhận khái niệm chính, mà tôi nhấn mạnh rất nhiều trong cuốn sách này, về tư cách ngôi vị, theo nghĩa mạnh mẽ hoặc ý nghĩa hữu thể học, được Thiên Chúa ban cho Giáo hội một cách siêu nhiên nhờ hình ảnh của Chúa Kitô hiện diện trong Giáo hội. Chỉ trong trường hợp tuyệt đối độc đáo, tư cách ngôi vị của Giáo hội mới cũng thực sự là tư cách ngôi vị của một con người cá thể, chứ, - và đây là mầu nhiệm riêng của Giáo hội - nó là tư cách ngôi vị siêu nhiên của đám đông mênh mông tạo nên từ những hữu thể nhân bản, hay những tác nhân tự do mà tư cách ngôi vị tư nhiên được vượt qua bởi tính ngôi vị được ban cho Giáo hội một cách siêu nhiên này.

Từ đó, ta nên hiểu hạn từ "chi thể" của Giáo Hội trong hai nghĩa khác nhau. Tôi xin nói rằng một người là một "thành viên số lượng" đơn giản của Giáo hội vì họ là một đơn vị trong đám đông tạo thành Giáo Hội, theo cách thức một cá nhân là một đơn vị trong đám đông các công dân của một đất nước. Lúc đó họ hành động như một nguyên nhân chính.

Và tôi xin nói rằng họ là một "chi thể chức năng" của ngôi vị Giáo hội khi Giáo Hội sử dụng họ theo cách mà tôi, một ngôi vị cá thể, sử dụng một trong các chi thể của tôi hoặc một trong các cơ quan của tôi để làm điều tôi định làm, - thí dụ cách tôi dùng tay tôi để viết. Lúc đó, bàn tay của tôi là một dụng cụ dính liền mà tôi sử dụng để làm điều tôi muốn. Tương tự như vậy, khi Đấng đứng đầu toàn thể Hội thánh trên trời và dưới đất, tức Chúa Giêsu, muốn sử dụng một người nào đó như một chi thể chức năng hoặc một dụng cụ gắn liền với ngôi vị của Giáo Hội, thì đó là hành động của chính ngôi vị của Giáo Hội băng qua tính công cụ của một người nào đó này.

Con người đang bàn là một tác nhân tự do, và chính trên sự tự do của họ, như một dụng cụ gắn liền với ngôi vị của Giáo hội, mà thúc đẩy toàn năng của Chúa Kitô, Đầu của ngôi vị Giáo hội, đã được thi hành mà chính họ không hề hay biết (vì họ tự quyết định và hành động một cách tự do, như trong tác phong thông thường của họ); lúc đó họ hành động để hành động; chính ngôi vị của Giáo hội nói hoặc hành động qua tính dụng cụ của họ khi họ nói và hành động. Và trong trường hợp tương tự như vậy họ không thể sai lầm; đó chính là tính không thể sai lầm của Giáo hội trên Trời và dưới đất, tính không thể sai lầm của ngôi vị Giáo hội băng qua họ.

Còn 1 kỳ