Sự không thể sai lầm của Giáo hội và sự không thể sai lầm của Đức Giáo Hoàng



1. Đặc biệt khi nhắc đến sự không sai lầm của Đức Giáo Hoàng, tâm trí tôi bèn nghĩ đến tầm quan trọng của việc, mà tôi đã nhấn mạnh trong chương này, phải phân biệt giữa Giáo hội chỉ được xem xét trong trạng thái lữ hành trên trần gian và Giáo hội được xem xét cả trong trạng thái vinh quang lẫn trong trạng thái lữ hành.

Thật vậy, chúng ta hãy xem xét Giáo hội vừa được xem xét trong trạng thái vinh quang, và ôm ấp trong lòng mình vô số linh hồn diễm phúc không ngừng gia tăng, vừa được xem xét trong trạng thái lữ hành trên trần thế, và trong một thời điểm nhất định, thí dụ trong nửa thế kỷ, số đông mà Giáo Hội đón nhận là số đông của một thế hệ đang sống ở đây trên trái đất này, trong khi chờ đợi để nhường chỗ cho các thế hệ tương lai. Lúc đó, cái nhìn của chúng ta hướng về ngôi vị của Giáo hội được xem xét trong tính toàn vẹn của nó. Ngôi vị này của Giáo hội, ngôi vị có Đấng Lãnh đạo trực tiếp là Chúa Kitô trong thế giới vô hình, và trên mặt đất, là vị đại diện của Người, vị lãnh đạo hữu hình của Giáo hội hữu hình, ngôi vị này trong vinh quang thiên giới của tất cả các thánh của nó, và của Nữ vuơng các thánh, và trong công việc cứu rỗi mà nó hoàn thành ở đây trên trái đất này, là công trình thánh thiêng nhất, đẹp đẽ nhất và xứng đáng nhất trong sáng thế. Đức Giáo Hoàng là tôi tớ của ngôi vị này, là người khiêm nhường nhất và đáng kính nhất, cao quý nhất và cam kết nhất, là người chịu nhiều gánh nặng nhất trong số các tôi tớ của nó trên trái đất; gánh nặng mà ngài phải gánh cho ngôi vị này là thập giá của Thầy ngài. Chính từ Chúa Kitô, trong tư cách đứng đầu và là người lãnh đạo, trên Thiên đàng, của toàn thể ngôi vị Giáo hội, ngài đã lãnh nhận đặc sủng kế vị Phêrô của ngài, hãy chăn giắt chiên mẹ của ta, hãy chăn giắt chiên con của ta. Ngài là người đứng đầu và lãnh đạo của Giáo hội trên trái đất này để, bao lâu ngài chu toàn chức năng và theo mức các đòi hỏi ít nhiều cao cả hơn của chức năng này, ngài có thể hành động ở đây trên trái đất này dưới sự soi dẫn và tác động của Thần khí Chúa Kitô khi thực thi quyền tối cao dựa trên ngôi vị của Giáo Hội trong tính toàn vẹn của nó.

Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa việc Đức Giáo Hoàng nói ex cathedra và ngôi vị của Giáo hội được xem xét cách toàn vẹn, cùng một lúc là Giáo hội của trái đất và là Giáo hội của thiên đàng. Thí dụ, nếu là vấn đề định nghĩa tín một điều mới, tôi sẽ nói rằng nội dung cấu thành sự thật cần được định nghĩa đã từ lâu, từ thế kỷ này sang thế kỷ nọ, có các nhân chứng của nó trong Giáo hội ở đây trên trái đất này, (cũng là các nhân chứng của sensus fidei [cảm thức đức tin] từng được truyền bá một cách mầu nhiệm trong tính phổ quát ân sủng của "dân thánh Thiên Chúa"), những người đã đích thân tin vào lẽ thật này (các nghiên cứu thần học và lịch sử có nhiệm vụ tham chiếu việc chuẩn bị định nghĩa để chứng tỏ điều này); và sự biện phân không thể sai lầm và dứt khoát về nội dung này được thực hiện bởi Đức Giáo Hoàng dưới sự trợ giúp và linh hứng của Chúa Kitô và của Chúa Thánh Thần, qua ngôi vị của Giáo hội được xem xét trước hết (đây là điểm chính cần được xem xét) trong trạng thái của Giáo Hội Thiên đàng, - Tôi không hiểu tại sao lại không thể như vậy, vì Giáo Hội Thiên đàng biết sự thật này một cách trực giác. (Đàng khác, tôi còn nhớ rằng một ngày nọ, Đức Piô XI đã nói với tôi rằng ngài thường nhận được những linh hứng có tầm quan trọng lớn lao trong Thánh lễ của ngài, - và Thánh lễ luôn được cử hành in persona Ecclesiae [trong ngôi vị của Giáo Hội]...)

Cũng vậy, liên quan tới thẩm quyền không thể sai lầm mà với nó, sự thật đang bàn được định nghĩa như là thuộc về đức tin, tôi nghĩ rằng nó luôn được thực thi, không những dưới linh hứng của Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần như là nguyên nhân đầu tiên và chính yếu, mà còn dưới sự thúc đẩy của ngôi vị Giáo hội trong trạng thái Giáo hội Thiên đàng và ân sủng đã hoàn tất, bởi vì chính Giáo hội, chính ngôi vị của Giáo hội, ngôi vị mà Thiên Chúa muốn chúng ta nghe qua vị lãnh đạo trần thế của nó, và vì vị sau là tác nhân dụng cụ của ngôi vị của Giáo hội được xem xét trong tính toàn vẹn của nó, nhưng trong căn bản và trên hết trong trạng thái Giáo hội Thiên đàng của nó, lúc đó chính nó phục vụ như một công cụ cho thẩm quyền tối cao tuyệt đối của Vị đứng đầu vừa thần linh vừa nhân bản của nó. Đức Giáo Hoàng nói ex cathedra là tiếng nói của Giáo hội mặt đất và cũng là tiếng nói của Giáo hội Thiên đàng, Giáo hội sau mang Giáo hội trước đến chỗ phóng to thông điệp được nó truyền tải tới chúng ta.

Đây là cách tôi tự hình dung về mối liên hệ giữa Đức Giáo Hoàng phát biểu ex cathedra và ngôi vị của Giáo hội được xem xét một cách toàn diện. Giáo Hội này không mạc khải cho ngài sự thật cần được xác định. Giáo Hội sử dụng ngài để sự thật này, mà trên thực tế, hầu như đã một cách tiềm ẩn (hay đúng hơn in actu exercito [một cách gián tiếp] thuộc về kho mạc khải mà Giáo hội của trái đất đã nhận được, từ đó trở đi được dạy dỗ chính thức (hoặc đúng hơn in actu signato [một cách trực tiếp] cho Giáo hội trái đất như chân lý của đức tin.

Do đó, Đức Giáo Hoàng là tiếng nói của ngôi vị Giáo hội được xem xét cách toàn diện, vừa như Giáo hội Thiên đàng (nền tảng gần của thẩm quyền không thể sai lầm mà với nó định nghĩa mới được công bố) vừa như Giáo hội trái đất (Giáo Hội mà ngày nay đức tin đã được biểu lộ cho, một đức tin mà Giáo Hội đã tuân theo bằng hành vi sống bởi tất cả những ai trong Giáo Hội đã tuân theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần đến điểm này).

Đối với tôi, dường như khi Đức Trinh Nữ hiện ra tại Lộ Đức nói với Bernadette: Mẹ là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, thì chính là để biểu thị rằng tín điều do Đức Piô IX công bố đã được Thiên Đàng công nhận, và thẩm quyền không thể sai lầm mà với nó, ngài đã định nghĩa tín điều này chính là sự không thể sai lầm của Giáo hội Thiên đàng truyền xuống và đi qua ngài. Chính vì sự thật thần linh về sự Vô Nhiễm Nguyên Tội mà Đấng được thụ thai vô nhiễm nguyên tội đã đến để mang lại cho chúng ta một dấu hiệu khả giác.

Do tất cả những điều trên, có thể nói rằng Đức Giáo Hoàng, - vị mà theo sự trợ giúp của Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần, cũng là công cụ và tiếng nói của ngôi vị Giáo hội được xem xét một cách toàn diện, như Giáo hội Thiên đàng và như Giáo hội mặt đất cùng một lúc, - đã thực thi tính không thể sai lầm của ngài một cách có chủ quyền liên quan tới Giáo hội chỉ được xem xét theo như đang ở trong trạng thái lữ hành trên trần tgian. Khi ngài nói ex cathedra, thẩm quyền của lời nói không thể sai lầm của ngài áp đặt lên toàn bộ đám đông các chi thể của Giáo hội ở đây trên trái đất này. Những người trong số họ đang nghi ngờ hoặc duy trì quan điểm khác về vấn đề đang bàn lúc đó biết được sự thật mà họ buộc phải tin. Những gì Đức Giáo Hoàng đã nói trong việc trình bày rõ ràng một điểm đức tin như vậy tự động được lồng vào kho mạc khải thánh thiêng, và áp đặt lên đức tin của mọi thời đại sau này{13}.

2. Các quan điểm được trình bày ở đây trực tiếp đi ngược lại quan niệm theo đó, Đức Giáo Hoàng, khi ngài phát biểu ex cathedra, sẽ chỉ phát biểu sự đồng ý của tất cả các giáo hội địa phương trên thế giới được nhóm lại với nhau trong Giáo Hội (chỉ được xem xét theo như đang hiện hữu trên trái đất) về điểm này hoặc điểm nọ liên quan đến đức tin và luân lý.

Quan niệm này, vốn phát xuất từ một sự chuyển giao một cách ngây thơ các chủ đề dân chủ (hợp lệ, nếu chúng được hiểu rõ, theo trật tự trần thế) sang trật tự cứu rỗi, và là quan điểm cuối cùng coi đoàn chiên của Chúa Kitô như cai trị bởi các đại diện của cộng đồng con người, nhận được mọi thẩm quyền từ cộng đồng con người này, mà vô tình quên mất rằng chính Chân lý cứu chúng ta, và quan niệm này hoàn toàn sai lầm. Không ngạc nhiên gì khi người mà người ta gọi là Đức Giáo Hoàng trở thành, ở đấy, chủ tịch thế giới của một liên đoàn các câu lạc bộ tôn giáo mà người ta vẫn gọi là các giáo hội, được cai quản bởi các giáo phẩm mà người ta vẫn gọi là giám mục, và chức năng của các ngài hệ ở chỗ phát biểu tư tưởng và đáp ứng mong muốn của những người ở hạ tầng.

3. Mặt khác, dường như đối với tôi, theo quan điểm tôi đã đề xuất, khái niệm không thể sai lầm của Đức Giáo Hoàng đã thoát được các khó khăn mà nó thường gặp trong những người anh em phân rẽ của chúng ta, vì việc thiếu sự trình bày thỏa đáng cho họ.

Đức Giáo Hoàng không phải là một con người bị treo lơ lửng, có thể nói như thế, giữa Thiên đàng và trái đất, và là người, do đặc sủng không thể sai lầm, thấy mình ở trên Giáo hội. Như Thánh Phaolô đã nói, caput super omnem Ecclesiam, Đầu [nhân bản và thần linh] bên trên toàn thể Giáo hội. Đức Giáo Hoàng là một purus homo [con người thuần túy] như các chi thể khác của Giáo hội, và ngài ở trong Giáo hội và trên đỉnh của Giáo hội, nhưng không ở trên Giáo hội, là người đứng đầu và là người lãnh đạo, với tư cách là đại diện của Chúa Kitô ở đây trên trái đất này, hướng dẫn Giáo hội trong cuộc lữ hành trần gian. Nhưng, nhờ chức năng của ngài là mục tử và tiến sĩ tối cao trên trái đất này, điều cần thiết là để duy trì nguyên vẹn kho tàng đức tin và khiến nó tiến triển trong việc giải thích, trong một số trường hợp nào đó, ngài có thể thiết lập một cách không thể sai lầm điều phải tin, khi ngài nói ex cathedra.

Không phải bằng cách sử dụng đặc quyền được ban cho ngôi vị của ngài như nguyên nhân chính mà ngài hành động lúc đó; mà là bằng cách sử dụng một đặc ân dành cho ngôi vị của ngài như một nguyên nhân dụng cụ, - theo như lúc ấy, dưới hành động đầu tiên và linh hứng của Thần Trí Thiên Chúa, ở trên mặt đất ngài là tiếng nói của ngôi vị Giáo hội này, một ngôi vị cùng là một ngôi vị ở trên trời và ở dưới đất, và trong tư cách Giáo Hội thiên đàng là nền tảng gần của thẩm quyền không thể sai lầm, mà với nó, trong việc giải thích dần dần dữ kiện mạc khải, ngài chỉ cho Giáo hội mặt đất điểm này hay điểm nọ điều mà trong Giáo hội này, rất nhiều người đã có khuynh hướng tin nhờ ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần.

Như thế, sự bất khả sai lầm của Đức Giáo Hoàng đã phục vụ gấp đôi ngôi vị của Giáo hội được xem xét một cách toàn diện: nó mặc cho người lãnh đạo của Giáo hội trên trái đất một thẩm quyền vốn là thẩm quyền của chính Giáo hội trong trạng thái thị kiến cuối cùng, hoặc trạng thái ân sủng đã hoàn tất; và nó thiết lập một cách minh nhiên như là một điểm của đức tin, một chân lý vốn chứa đựng một cách mặc nhiên trong kho mạc khải được ủy thác cho việc gìn giữ của Giáo hội trong trạng thái đang lữ hành, nơi mà Giáo hội tin tuy chưa thấy.

4. Tất cả những gì tôi vừa nói là nói về Đức Giáo Hoàng phán ex cathedra, tôi cũng xin nói về công đồng chung. Nó cũng có thẩm quyền tối cao và trọn vẹn {14}. Được hỗ trợ và hướng dẫn bởi Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần, nó mở rộng phạm vi không thể sai lầm của Giáo hội trên trái đất khi làm chúng ta nghe được tiếng nói của Chúa Thánh Thần ngay trong lúc, thông qua tính công cụ của hợp đoàn giám mục hợp nhất với Đức Giáo Hoàng, Giáo Hội ấy nhận được việc thông truyền sự không thể sai lầm của ngôi vị Giáo hội trong trạng thái ân sủng đã hoàn tất.

Và giáo huấn của hàng giám mục cũng không thể sai lầm khi qua huấn quyền thông thường, và dưới sự trợ giúp thông thường của Chúa Thánh Thần{15}, hàng Giám Mục truyền tải cho chúng ta tất cả kho tàng đức tin tông truyền qua các thế kỷ và một cách nhất trí. Nhân tiện, tôi cũng xin nhận xét rằng trong đức tin của dân Kitô giáo, chẳng hạn như khi họ sống nó dưới sự bảo vệ của huấn quyền thông thường, rất có thể có điểm đặc thù này hay điểm đặc thù nọ chưa được Giáo hội xác định hoặc chưa được tất cả các tiến sĩ của Giáo Hội thừa nhận. Nếu xảy ra việc Đức Giáo Hoàng, như Đức Piô XII đã làm khi công bố tín điều Mông triệu, xem xét sự gắn bó với điểm đang bàn liên quan đến đức tin bình dân, thì hoàn toàn không phải vì đức tin bình dân tự nó có giá trị của một luật đức tin; chính vì khi thực thi đặc sủng không thể sai lầm của ngài, và do đó được Chúa Thánh Thần soi sáng, Đức Giáo Hoàng đã nhìn thấy trong đó một chứng tá đức tin của Giáo Hội. Và chỉ nhờ lời tuyên bố long trọng của Đức Giáo Hoàng, và của huấn quyền phi thường của ngài, mà điểm được đề cập lúc đó mới tự áp đặt lên đức tin của tất cả mọi người.

Tuy nhiên, điều vẫn còn đáng lưu ý là nhận xét rằng đức tin bình dân đôi khi có thể đi trước các quyết định mới của huấn quyền. Há đây không phải là dấu của cảm thức đức tin hiện diện nơi dân Chúa, một dấu chỉ cho thấy sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần được ban cho Giáo hội hoàn vũ, trong tình trạng lan tỏa, cho tất cả các linh hồn, linh hồn những người đơn sơ cũng như linh hồn các tiến sĩ, những linh hồn, chỉ có Chúa mới biết, sống một đức tin sống động và không cản trở các thúc đẩy của Thiên Chúa đó sao?

Ghi chú

{13} Xem Công đồng Vatican I, Denz.-Schön., 3074: " Definimus: Romanum Pontificem, cum ex cathedra loquitur, id est, cum omnium Christianorum pastoris et doctoris munere fungens pro suprema sua Apostolica auctoritate doctrinam de fide vel moribus ab universa Ecclesia tenendam definit, per assistentiam divinam ipsi in beato Petro promissam, ea infallibilitate pollere, qua divinus Redemptor Ecclesiam suam in definienda doctrina de fide vel moribus instructam esse voluit; ideoque ejusmodi Romani Pontificis definitiones ex sese, non autem ex consensu Ecclesiae, irreformabiles esse." [ Tạm dịch: “Chúng tôi định tín: Giám mục Rôma, khi ngài phát biểu từ ngai tòa [của ngài], nghĩa là khi ngài hành động như mục tử và thầy dạy của tất cả các Kitô hữu, nhân danh thẩm quyền tông đồ tối cao của ngài, định tín tín lý đức tin hoặc luân lý phải được toàn thể Giáo hội tuân giữ, nhờ sự trợ giúp thần linh đã được hứa cho chính Thánh Phêrô, có khả năng không thể sai lầm, theo đó Đấng Cứu Chuộc thần thánh muốn Giáo hội của mình được dạy dỗ tín lý được xác định liên quan đến đức tin hoặc luân lý; và do đó, các định tín của Giám mục Rôma thuộc loại này tự chúng không thể thay đổi được, chứ không do sự đồng ý của Giáo hội”.

Tôi hoàn toàn không cho rằng những quan điểm mà tôi trình bày có chứa trong bản văn này, nhưng tôi nghĩ chúng hoàn toàn phù hợp với nó.

{14} "Cùng với người đứng đầu nó, tức Giám mục Rôma, và không bao giờ không có người đứng đầu này, phẩm trật giám mục là chủ thể của quyền lực tối cao và đầy đủ đối với Giáo hội hoàn vũ." Lumen Gentium, Ch. III, Điều 22. Xem thêm, Ch. IX, trang 77,78.

{15} "Đức tin thần linh không bị giới hạn vào những vấn đề đã được minh nhiên định tín bởi các công đồng chung, các Giám mục Rôma, hoặc Tông tòa: nhưng cũng mở rộng đến những vấn đề được đặt ra như được mạc khải một cách thần linh bởi huấn quyền thông thường của toàn thể Giáo hội phân tán khắp thế giới." Đức Piô IX, Ep. "Tuas libenter" (Denz.-Schön., 2879). Xem thêm Charles Journet, L'Église du Verbe Incarné, Cuốn I, in lần hai, tr.534.
Ở đây là một vấn đề của huấn quyền thông thường theo nghĩa hoàn toàn chặt chẽ, hoặc theo nghĩa đề xuất với chúng ta như đối tượng của đức tin "điều mà như thánh Vincent thành Léris nói, đã được tin ở mọi nơi, luôn luôn và mọi người" (x.. Journet, sđd., tr. 416), nó hàm ngụ tính phổ quát hoàn toàn, không những chỉ liên quan đến sự mở rộng trên mặt đất (tất cả các giám mục trên thế giới), mà còn liên quan đến khoảng kéo dài về thời gian (tất cả các giám mục kế vị nhau từ thời các tông đồ). Tôi dám nói rằng như thế, tính nguyên nhân dụng cụ (vì lý do này mà chính ngôi vị của Giáo hội nói qua hàng giám mục) có một ưu thế tuyệt đối so với tính nguyên nhân chính, một tính nguyên nhân mà, đàng khác, trong trường hợp huấn quyền thông thường cũng như trong cả trường hợp huấn quyền phi thường, luôn luôn can thiệp cách nào đó (ít nhất là về các nghĩa rộng của những từ ngữ mà người ta sử dụng, vốn thay đổi từ thời đại này sang thời đại khác), nhưng nếu là vấn đề huấn quyền theo theo nghĩa hẹp như ở đây, không hề thay đổi đặc tính không thể sai lầm và không thể sửa đổi của điều được chính thức dạy dỗ.

Được xem xét theo nghĩa rộng, huấn quyền thông thường có thể đồng thời bao gồm sự không thể sai lầm trong những khía cạnh nào đó và sự sai lầm trong những khía cạnh khác, nói cách khác, một sự trộn lẫn giữa tính nguyên nhân dụng cụ (trong đó chính ngôi vị của Giáo hội nói qua nó) và tính nguyên nhân chính (như thế có thể có trách nhiệm về sai sót, bất kể có thể khôn ngoan, - tôi nghĩ đến các thông điệp của Đức Giáo Hoàng, xem thêm trên, các trang 247-249).

(Mặt khác, và để không bỏ sót điều tồi tệ nhất, có thể xảy ra trường hợp một giám mục, hoặc một vài giám mục, như vào thời của Luthêrô, hoặc nhiều người, như vào thời của phái Ariô, đã phản bội một cách nặng nề huấn quyền được giao cho hàng giám mục và sa vào lạc giáo.)

Cuối cùng, huấn quyền thông thường, khi được xem xét theo nghĩa rộng hơn, không ảnh hưởng tới tín lý phổ quát về đức tin và luân lý, nhưng ảnh hưởng tới một vấn đề cụ thể và phụ thuộc, có thể sai lầm mà không rơi vào một sai lầm dù nhỏ nhất chống lại đức tin (cũng giống như lúc đó, đây có thể là trường hợp của các mệnh lệnh công đồng hoàn toàn bình thường, - thí dụ tôi nghĩ đến luật pháp thời Trung cổ liên quan đến người Do Thái, một luật pháp, theo quan điểm của não trạng thời đại và liên quan đến sự điều chỉnh thực nghiệm đối với những tình huống do lịch sử tạo ra, được trình bày với hàng giáo phẩm của thời đó như một yêu cầu khôn ngoan, nhưng tự nó, đơn thuần chỉ đơn giản là phi lý).