Chương tám: Các suy nghĩ tách biệt khi nghĩ tới Simong Phêrô



Trong chương này, tôi xin nhận định, trong chính hiện trạng của chúng, những điều tôi nghĩ đến trong lúc suy nghĩ mông lung về thẩm quyền nơi con người, và đến một số đoạn Tin Mừng liên quan đến Vị Thủ lãnh các Tông đồ hoặc Vị Tiền hô.



I.Về Ý niệm Thẩm quyền

Thẩm quyền và Tự do

1. Trí hiểu bình dân thích sự đối lập của các từ ngữ. Và nếu nói về các từ ngữ "thẩm quyền" và "tự do", thì người ta làm cho sự đối lập giữa chúng thành hết sức dễ dàng cho vô số hành vi lạm dụng mà suốt trong diễn trình lịch sử, những con người được trao quyền lực đã phạm, chống lại quyền tự do của người khác (trong khi trong những khía cạnh khác, thì những người mến mộ tự do đã chỉ lo vun trồng không tưởng hoặc ve vãn tình trạng vô chính phủ).

Tuy nhiên, trong chính chúng, thẩm quyền và tự do là hai chị em sinh đôi không thể làm gì mà không có nhau, và thẩm quyền nơi một số người là tự do nơi những người khác. Thẩm quyền của thầy đối với trò nhằm mục đích giúp trò tự do thực thi tâm trí của mình trong việc tìm kiếm chân lý và tự do tuân theo chân lý. Thẩm quyền của Nhà nước {1} và luật pháp của Quốc gia (nếu chính đáng) nhằm mục đích bảo đảm quyền tự do của công dân trong việc tiến hành cuộc sống của họ và thực thi các quyền của họ. Thẩm quyền của Giáo hội nhằm mục đích giải phóng mỗi người trong Sự thật, và giải thoát họ khỏi nô lệ tội lỗi và Hoàng tử của thế gian này, và dẫn nhập họ vào sự tự do của các con cái Thiên Chúa, những người được Chúa Thánh Thần dẫn dắt.

Thẩm quyền là quyền mà ai đó có được để được lắng nghe hoặc vâng lời, - vì lợi ích của những người mà người này nói với hoặc ra lệnh. Điều không may là quyền này thường đòi hỏi một quyền lực nào đó, và là quyền lực mà con người thường yêu cầu chỉ để nhầm lẫn với một trách nhiệm nhiều thống khổ và dằn vặt: việc thực thi thẩm quyền vì lợi ích của người khác, với những thú vui hấp dẫn nhất và mù quáng nhất: thú vui thống trị một người khác và nâng bản thân mình lên trên anh ta bởi một quyền lực từ đó đã trở thành sự đồi trụy quyền lực, - bù trừ cho những thất vọng do một số chấn thương nhục nhã gây ra, hoặc thỏa mãn đơn thuần lòng ham muốn quyền lực và vinh quang.

Chúng ta nên mừng khi ý niệm thẩm quyền hiểu như việc phục vụ đã trở thành một trong những điều thường được giới trí thức đương thời yêu thích. Đó là một ý niệm mà Tin Mừng đã dạy chúng ta - và dạy một cách cao quý xiết bao! Chúng ta hãy chỉ hy vọng rằng nó sẽ được hiểu rõ, và một chút trò mị dân nhỏ mọn sẽ không làm mất tác dụng của nó, trong việc làm người ta tin rằng để phục vụ tốt những người mà mình được giao trách nhiệm chỉ huy, người ta không những phải tính đến mong muốn của họ càng nhiều càng tốt, mà còn phải trở thành người thi hành đơn thuần của họ.

2. Tuân theo thẩm quyền không phải lúc nào cũng dễ chịu. Hơn nữa, không thể tránh khỏi được việc, bởi các vết thương của bản tính, việc thi hành thẩm quyền đôi khi bất công, và ngay cả khi công bình và nhân từ, nó cũng chịu nhiều sai sót thực tế. Tuy nhiên, chúng ta phải tuân theo thẩm quyền hợp pháp, cho dù ít nhiều phải trả giá bằng những đau khổ ít nhiều lớn lao.

Như thế, không có gì tự nhiên hơn việc đố kỵ nó. Nhưng có hai cách rất khác nhau để tuân theo thẩm quyền và chịu đựng nó. Người ta có thể chịu đựng nó một cách nô lệ, và chịu đựng nó một cách nô dịch. Sẽ đến một ngày khi người ta nổi dậy chống lại nó bằng cách làm bùng nổ hàng ngàn sự phẫn uất đã bị kìm nén từ lâu, và khi người ta có nhiệm vụ phải lật đổ các cơ cấu nền tảng của thẩm quyền, ngay cả những thẩm quyền hợp pháp nhất.

Và người ta có thể tùng phục thẩm quyền như một người tự do, và chịu đựng nó như một người tự do. Rồi, rất có thể lý trí và lòng dũng cảm đòi người ta không tuân theo mệnh lệnh bất chính, hoặc đứng lên chống lại một thẩm quyền bất hợp pháp, hoặc yêu cầu thay đổi một số cơ cấu thứ cấp kém thích nghi của một thẩm quyền hợp pháp. Tuy nhiên, ngoài những trường hợp này, ai tuân theo thẩm quyền - tôi nói là thẩm quyền hợp pháp - trong tư cách một người tự do sẽ không cố gắng phóng hỏa đốt nhà khi họ phải chịu đựng thẩm quyền. Chắc chắn, họ không tước bỏ khỏi bản thân mình việc phàn nàn chống lại nó, cũng như chủ động tìm cách thay đổi tình hình bằng những phương tiện họ có quyền sử dụng. Nhưng trong tất cả những điều này, họ đương đầu với thẩm quyền như một loại trò chơi chơi với nó và chung quanh nó, chứ không nghĩ chút nào về việc nghi ngờ chi chính nguyên tắc của nó hoặc các cơ cấu nền tảng của nó.

Thời Đức Innôcentê II, các phương tiện người ta tự do sử dụng khá khắc nghiệt, và trò chơi mà người ta tiến hành khá tàn bạo; người ta ném vào nhau những tên gọi ghê tởm nhất, người ta bị vạ tuyệt thông, quân đội được thành lập, những đòn chắc nịch được thực hiện. Nếu Đức Anaclêtô là một ngụy Giáo Hoàng, thì chắc chắn người ta đã không tuân theo ngài rồi, thế mà người đã phục tùng ngài. Do đó, điều cần là trò chơi xung quanh thẩm quyền phải được tiến hành một cách khắc nghiệt và thông minh. (Người thông minh nhất trong số đó là Thánh Becnađô) {2}. Nhưng liên quan đến chính thẩm quyền, người ta kính trọng nó, và đối xử với nó vừa kính trọng vừa hài hước. Trong những thớ sâu sắc nhất của tính tình họ, những con người này, nếu tôi được phép nói như vậy, vẫn là những con người đầy hài hước (và danh dự, không cần phải nói). Một nền văn minh không có sự hài hước tự chuẩn bị đám tang cho riêng mình.

Thẩm quyền trong Trật tự trần thế và Trật tự thiêng liêng

Theo trật tự trần thế, chế độ quân chủ 'thần quyền' đã trôi qua. Chế độ của các đảng toàn trị, - bất kể thuộc kiểu phát xít hay kiểu cộng sản, - vẫn còn tệ hơn thế nhiều; chúng đẩy nguyên tắc và các phương pháp chuyên quyền đến chỗ cực đoan của chúng. Trong chế độ dân chủ, mà cuối cùng là chế độ tốt nhất (hoặc ít xấu nhất), thẩm quyền phát xuất từ nhân dân hoặc "từ dưới đi lên". Tuy nhiên, vẫn cần phải hiểu rằng, cũng như khi tặng cho một người bạn một cái tẩu hoặc một chai rượu whisky, tôi đưa cho anh ta một thứ mà tôi không phải là tác giả, thì cũng vậy, và với nhiều lý do hơn nữa, khi mọi người trao thẩm quyền cho những người cai trị của họ, dù, qua các đại diện được bầu của họ, họ giữ lại việc nghiêm túc kiểm soát những người này, họ vẫn trao cho những người này một điều gì đó, một quyền, mà bản thân họ không phải là tác giả hay là nguyên tắc; vì mọi quyền, đúng nghĩa, được thiết lập trên trật tự phổ quát Thiên Chúaluôn trông chừng.

Trong trật tự thẩm quyền thiêng liêng {3} "từ trên đi xuống", có nghĩa là nó không những có nền tảng trong Thiên Chúa, mà còn được Chính Nguyên nhân Thứ nhất phú ban cho những người đã lãnh nhận đầy đủ Bí tích Truyền chức thánh và là những người kế vị các tông đồ: sở dĩ như vậy vì chính Thiên Chúa là tác giả của sự cứu rỗi qua Con nhập thể của Người, vốn là Đường, là Sự thật và là Sự sống. "Đời sống Kitô hữu đòi một cộng đồng có tổ chức, một Giáo hội theo suy nghĩ của Chúa Kitô; nó đòi một trật tự, một sự vâng phục tự do nhưng chân thành; do đó nó đòi một thẩm quyền bảo tồn và giảng dạy sự thật mạc khải (2 Cr. 10:15); bởi vì sự thật này là cội rễ thẳm sâu và sâu xa nhất của tự do, như Chúa Giêsu từng nói: 'Sự thật sẽ giải thoát các ông' (Ga 8:32)"{4}.

II Bốn bản văn liên quan đế Simong, con Gioan

Con là Phêrô

“ ‘Còn các con,’ Người nói với họ, ‘các con nói thầy là ai?’ Simong Phêrô trả lời: ‘là Đấng Mêxia, Con Thiên Chúa Hằng Sống!’ Chúa Giêsu đáp: 'Hỡi Simong, con trai Gioan, phúc cho con! Không người nào đã mạc khải điều này cho con, ngoài Cha thầy ở trên trời. Về phần thầy, thầy tuyên bố với con, con là 'Đá' (Kepha), và trên tảng đá (kepha) này, thầy sẽ xây dựng Giáo Hội của thầy, và nanh vuốt tử thần sẽ không thắng nổi nó. Thầy sẽ giao cho con chìa khóa của vương quốc thiên đàng. Bất cứ điều gì con tuyên bố buộc ở dưới đất, sẽ bị buộc ở trên trời; bất cứ điều gì con tuyên bố tha ở dưới đất sẽ được tha trên thiên đàng"{5}.

Khoảnh khắc những lời này được thốt ra, trên đường Xêdarêa Philíppi, là thời điểm báo hiệu bình minh của Giáo hội (của việc Chúa Kitô đến). Giáo Hội vẫn chưa được thành lập hay xây dựng ("trên tảng đá này, thầy sẽ xây..."), chính vào Lễ Ngũ tuần, Giáo Hội mới được thành lập và sẽ bắt đầu được xây dựng bởi Chúa Giêsu - hoặc (cũng là một điều) tự xây dựng chính mình {6} dưới bàn tay toàn năng của Người, và tuyên xưng với Phêrô Thiên Chúa cứu rỗi: Te per orbem terrarum tota confitetur Ecclesia [Toàn thể Giáo Hội tuyên xưng Ngài khắp trái đất]. Nhưng viên đá nền tảng đã được chỉ định.

Nền tảng tuyệt đối, của Giáo hội và của mọi sự, đó là Ngôi Lời Nhập thể, Đấng vượt trên Giáo hội và vạn vật. Nhưng nền tảng nội tại, nền tảng thụ tạo của tòa dinh thự thụ tạo sống động này tức Giáo Hội, chính là Phêrô ("con là Phêrô, và trên tảng đá này thầy sẽ xây..."): Phêrô không phải trong tư cách cá nhân, nhưng Phêrô khi tuyên xưng Chúa Kitô là Con Thiên Chúa, Phêrô như được soi sáng bởi đức tin (chính là "Cha thầy ở trên trời", Đấng "đã mạc khải điều này cho con") và khi tuyên xưng đức tin, đức tin này, ngay khi vọt lên trong linh hồn, hàm ngụ việc hiến mình, đức tin này sẽ là đức tin của Giáo hội duy nhất và phổ quát, incorrupta, et casta, et pudica,[bất hủ, và thanh khiết, và trong trắng] {7} và Phêrô - cũng như những người sẽ kế vị ngài, và tên được Chúa Kitô đặt cho sẽ luôn luôn là Phêrô {8} - sẽ có sứ mệnh phải "củng cố" hoặc "tăng cường" nơi các anh em của ngài {9} và duy trì nguyên vẹn trong các linh hồn{10}.

Ở đây, chính thẩm quyền tối cao, trên mặt đất của Phêrô trong tư cách Tiến sĩ đức tin, được Chúa khẳng định và bảo đảm trên hết.

Satan, hãy lui lại đàng sau Thầy

Nhưng, ngay sau khi đã phong ngài làm nhà lãnh đạo Giáo hội trên trái đất, với những lời tuyệt vời này: "Hỡi Simong con trai Gioan, con là Phêrô; và trên tảng đá này, thầy sẽ xây dựng Giáo hội của thầy", Chúa Giêsu đã ngỏ với ngài những lời nói khác, lần này đặc biệt khắc nghiệt; chính trong cùng một phần của Tin Mừng ấy, Mátthêu đã tường thuật những lời đó cho chúng ta. Bản văn nói đến con là Phêrô, mà tôi vừa bình luận, được tìm thấy trong Chương 16, các câu 15 đến 19. Cách đó 2 câu (câu 21-23), Thánh sử tiếp tục: "Từ lúc đó, Chúa Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người : ‘Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!’ Nhưng Chúa Giêsu quay lại bảo Phêrô : ‘Xa-tan, lui lại đằng sau Thầy ! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người’”{12}.

Còn gì nổi bật hơn chỗ giao nhau của hai đoạn văn này trong Tin Mừng! Chỉ có Chúa Giêsu mới có thể nói những lời như vậy với người lãnh đạo tương lai của Giáo hội Người, bởi vì Người là Con Thiên Chúa, vô cùng vĩ đại hơn mọi purus homo [con người đơn thuần]. Thánh Catarina thành Sienna đã gọi Đức Giáo Hoàng là "Chúa Kitô hiền lành của chúng ta trên trái đất"{13}: và ai lại bực bội vì một lời yêu thương nói quá? Đức Giáo Hoàng không phải là Chúa Kitô trên trái đất, ngài chỉ là vị đại diện của Người ở đó; và, than ôi, ngài chỉ là một con người như chúng ta, mặc dù liên tục được hỗ trợ từ bên trên trong nhiệm vụ của ngài. Tôi không nghĩ rằng điều mà Tin Mừng có ý nói với chúng ta ở đây liên quan đến sự yếu đuối nhân bản của Phêrô, - câu chuyện về ba lần chối Chúa của ngài khá đầy đủ cho điều đó. Khi tính đến sự đối lập Chúa Giêsu đưa ra giữa "tiêu chuẩn của con người" và "tiêu chuẩn của Thiên Chúa" lúc la mắng Phêrô, đối với tôi, dường như điều có ý nói với chúng ta ở đó liên quan đến các mối nguy hiểm của mọi quyền tối cao ở đây trên trái đất này, với bầu khí nịnh hót, độc đoán và về mê tiếng tăm, mưu đồ và tham vọng cá nhân mà nó tạo ra xung quanh nó, trong thế giới giáo hội cũng như trong thế giới trần tục.

Quyền lực trần thế của ngôi vị Giáo hoàng đã khiến bầu không khí này trở nên nặng nề hơn. Đó là một tất yếu lịch sử được áp đặt bởi việc bảo vệ tính độc lập của Giáo hội chống lại các đe dọa không ngừng của các ông hoàng và các nhà lãnh đạo Nhà nước (bắt đầu với Hoàng đế của Byzantium, sau đó là các Hoàng đế của phương Tây), nhưng nó đặt Đức Giáo Hoàng vào hàng ngũ "những kẻ quyền thế của trái đất." Ở đó, nơi tôi thấy cách đặc biệt "các tiêu chuẩn của con người" đã làm vẩn đục tâm trí của Phêrô trong chốc lát, - đó là cách cư xử của triều đình và não trạng triều đình vốn đã ngự trị từ lâu ở Rome, và một số giáo hoàng đã tỏ ra tự mãn đối với nó. Kể từ cuối thời kỳ các lãnh thổ Giáo hoàng, mọi sự đã được cải thiện. Tôi tự do nói thêm rằng theo quan điểm này, trong các giới ở Rôma vẫn còn rất nhiều tiến bộ cần được thực hiện.

Simong con Gioan, con có yêu Thầy hơn những người này không? Hãy chăn dắt đoàn chiên của Thầy

1.Lúc đó là sau Phục sinh, trên bờ hồ Tiberias. Có mặt ở đó là Simong Phêrô, Tôma, Nathanaen và hai con trai của Giêbêđê{14}. " Khi các môn đệ ăn xong, Chúa Giêsu hỏi ông Simong Phêrô : ‘Này anh Simong, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?’ Ông đáp : ‘Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy’. Chúa Giêsu nói với ông : ‘Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.’ Người lại hỏi : ‘Này anh Simong, con ông Gioan, anh có mến Thầy không?’ Ông đáp : ‘Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.’ Người nói : ‘Hãy chăn dắt chiên của Thầy.’ Người hỏi lần thứ ba : ‘Này anh Simong, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?’ Ông Phêrô buồn vì Người hỏi tới ba lần: ‘Anh có yêu mến Thầy không?’ Ông đáp : ‘Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy.’ Chúa Giêsu bảo : ‘Hãy chăm sóc chiên của Thầy’” {15}.

Ở đây, một lần nữa quyền tối thượng của Phêrô được khẳng định, và lần này, trước hết với tư cách là Vị Đại Diện của Chúa Kitô và là Vị Mục Tử tối cao tại đây trên trái đất này của dân Thiên Chúa. Vị Đại Diện của Chúa Kitô và Vị Mục Tử tối cao trên trái đất này không chỉ có quyền tối cao trong các vấn đề đức tin và luân lý, ngài còn có quyền tài phán đầy đủ và tối cao đối với toàn thể Giáo Hội để chỉ đạo và điều hành Giáo Hội giữa những thăng trầm của lịch sử, và giữa những hoàn cảnh và bất ngờ của thời gian, không ngừng thay đổi và đòi hỏi các quyết định đặc thù không ngừng.

Không có gì nổi bật hơn sự nhấn mạnh mà với nó chính Chúa Giêsu đã chỉ ra sự phụ thuộc trong đó thẩm quyền tối cao này, và tất cả thẩm quyền trong Giáo hội, thấy mình phải có đối với tình yêu bác ái. Câu hỏi với Phêrô được ngỏ ba lần. Và, như Cha Lagrange nhận xét {16}, điều này chắc chắn ngụ ý một cách bí mật muốn nhắc tới ba lời chối Chúa mà Phêrô chắc chắn không quên (đây là lý do tại sao, ở câu hỏi thứ ba, "Phêrô buồn"), - và điều này cũng là một dấu hiệu cho thấy chúng hoàn toàn được tha thứ, và sự tin cậy của Chúa nơi vị tông đồ của Người là tuyệt đối. Người cầu xin Cha trên trời cho đức tin của Phêrô không bị sai phạm, và Người biết rằng lời cầu nguyện của Người đã được lắng nghe.

Nhưng sự nhấn mạnh mà với nó câu hỏi được đặt ra: con có yêu mến thầy không? trước hết, có mục đích khắc sâu trong tâm trí chúng ta ý muốn này của Chúa Kitô là tình yêu đức ái, tình yêu Thiên Chúa trên hết mọi sự, và tình yêu huynh đệ, phải là đặc tính thiết yếu của thẩm quyền trong Giáo hội. Đây là điều mà Thầy tối cao mong đợi nơi các giám mục của Người và các linh mục của Người.

Thẩm quyền trong trật tự trần thế cũng như trong trật tự thiêng liêng là để phục vụ lợi ích và bảo đảm quyền tự do của những người ở dưới thẩm quyền này. Nhưng trong trật tự thiêng liêng, còn có nhiều điều hơn thế nữa: nó được ban cho bởi tình yêu siêu nhiên của đức ái, và chính trong tình yêu này, nó phải thực thi, để phục vụ lợi ích vĩnh cửu của các linh hồn và để giúp họ đạt được sự tự do của con cái Thiên Chúa.

2. Câu đầu tiên trong ba câu hỏi Chúa đặt ra là: "Simong, con Gioan, con có yêu thầy hơn những người này không?" Phêrô đâu có biết và nói liệu ông có yêu Chúa Giêsu hơn các tông đồ khác hay không, nên ông chỉ đơn giản và khiêm tốn trả lời: “Có, thầy biết con yêu mến thầy”. Nhưng, trong câu hỏi, còn có cụm từ "nhiều hơn những người này", và Chúa Giêsu biết nó được ngụ ý trong câu trả lời, vì Người là Đấng biết chiều sâu của trái tim con người.

Tôi xin lạc đề ở đây một chút. Phêrô yêu Chúa Giêsu hơn những người này, "- hơn cả chính Gioan, người có mặt trong cuộc trò chuyện. Tuy nhiên, Gioan, - ille discipulus quem diligebat Jesus, qui et recubuit in coena super pectus ejus [người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến, người, trong bữa ăn tối đã ngả đầu vào ngực Chúa Giêsu]" - Gioan là " người môn đệ được Chúa Giêsu yêu thương", nghĩa là đã yêu hơn tất cả những người khác. Theo các xem xét đáng khâm phục của Thánh Augustinô về chủ đề này{17}, liệu tôi có nên thử so sánh tình yêu của Phêrô và tình yêu của Gioan không?

Đối với tôi, xem ra ta được phép phân biệt giữa phẩm chất đặc trưng nhất của một tình yêu và mức độ cuồng nhiệt hay mãnh liệt của nó. Vì, liên quan tới phẩm chất đặc trưng nhất, ta thấy, đối với Thiên Chúa và Đấng Kitô của Người, có loại tình yêu, trước hết, là một việc tự hiến hoàn toàn trong đó Đức tin hân hoan, và là điều tôi sẽ gọi là tình yêu sùng kính (lúc đó linh hồn hiến dâng hoàn toàn cho tình yêu đối với Chúa Giêsu). Và, mặt khác, có loại tình yêu (được nâng cao hơn so với tình yêu đầu tiên về phẩm chất đặc trưng nhất), trong đó, ngoài lòng sùng kính của Đức tin, còn nở rộ các ơn phúc cao quý nhất của Chúa Thánh Thần, và là điều tôi sẽ gọi là ơn tin tưởng và thân mật lẫn nhau, hoặc sự kết hợp huyền nhiệm (lúc đó linh hồn được hoàn toàn hiến dâng cho tình yêu tối cao của Chúa Giêsu dành cho nó). Và Phêrô cũng như Gioan, Gioan cũng như Phêrô, mỗi người đều có một Đức tin siêu phàm và mỗi người đều sống dưới chế độ ân sủng. Nhưng há người ta lại không thể nghĩ rằng đức ái của Phêrô trước hết là tình yêu sùng kính, trong đó Đức tin của ông hân hoan, trong khi đức ái của Gioan trước hết là tình yêu thương thân mật và tin cậy lẫn nhau, và sự dịu dàng lẫn nhau, trong đó ơn Khôn ngoan và các ơn chiêm niệm khác nở rộ hay sao?

Và nếu điều này đúng, há người ta lại không thể nghĩ rằng tình yêu của Gioan, được xem xét trong phẩm tính đặc trưng nhất của nó, hay như tình yêu của việc gần gũi nhau và tin tưởng nhau và dịu dàng lẫn nhau, một cách nồng nhiệt và mãnh liệt hơn, và, nếu tôi được phép nói, một cách bao la hơn tình yêu của Phêrô hay sao? Trong khi, tình yêu của Phêrô, được xem xét trong phẩm tính đặc trưng nhất của nó, hay như tình yêu sùng kính, nồng nhiệt hơn và mãnh liệt hơn, và nếu tôi được phép nói, bao la hơn cả tình yêu của Gioan hay sao? Phêrô đã hiến mạng sống mình cho Chúa Giêsu; tại Rôma, ngài đã "giang tay" và chịu tử đạo; ngài ước gì (nếu đây là một truyền thuyết, thì ít nhất nó cũng cho thấy những ký ức mà các Kitô hữu đầu tiên lưu giữ về ngài) được đóng đinh ngược đầu xuống. Gioan chắc chắn cũng đã hoàn toàn sẵn sàng để bị đóng đinh vì Người, Đấng mà ngài yêu mến, - Chúa Kitô đã minh nhiên biểu lộ ý muốn của Người và ý muốn của Chúa Cha, rằng cơ hội đó không được dành cho ngài{19}.

Nhưng đó là một chức năng của thẩm quyền và cai quản, và của huấn quyền Đức tin, chức năng thẩm quyền và cai quản tối cao, và của huấn quyền tối cao trong Đức tin đối với Giáo hội trên mặt đất, được Chúa Kitô ban cho Phêrô. Đó là tình yêu sùng kính anh hùng vĩ đại nhất, được đòi hỏi nơi thủ lãnh các tông đồ, tình yêu nồng nhiệt nhất trong đó Đức tin hân hoan mãi mãi, cùng với sự trợ giúp đặc biệt của các Ơn Chúa Thánh Thần mà việc thực thi gương mẫu một thẩm quyền như vậy vốn được kêu gọi nơi ngài.

Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao? [Domine, tu mihi lavas pedes?]

Đó là lúc đầu Bữa Tiệc Ly{20}, Chúa Giêsu nằm cùng bàn với Nhóm Mười Hai. "Trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Chúa Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy, Người đến chỗ ông Simong Phêrô, ông liền thưa với Người : ‘Thưa Thầy ! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?’ Chúa Giêsu trả lời : ‘Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu...’

“Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Chúa Giêsu mặc áo vào, về chỗ và nói : ‘Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’, là ‘Chúa’, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em’” {21}.

" Bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu." Những điều này, - người ta không bao giờ ngưng tìm hiểu chúng, kể cả sau nhiều thế kỷ. Công đồng Vatican thứ hai hiểu chúng trong tất cả sự thật, vì được ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Có những người tưởng tượng, một số để khiển trách Công đồng về điều đó, một số khác để chúc mừng Công đồng vì điều đó, họ nghĩ cần nhắc cho tâm trí hay, trong Giáo hội, người ta càng cao bao nhiêu trong thẩm quyền thì càng phải khiêm nhường bấy nhiêu, vì tình yêu, điều này có nghĩa là ai càng có thẩm quyền cao thì càng phải từ bỏ thẩm quyền ấy trong thực hành, bằng cách cùng nhịp bước với những con chiên nhỏ hay lớn tụ tập cộng đồng với nhau trong tinh thần cộng đoàn những người mà mình nghĩ là đang lãnh đạo họ.

Tuy nhiên, ngay trong khoảnh khắc Người vừa rửa chân cho họ, Chúa Kitô đã tuyên bố rõ ràng nhất với các môn đệ của Người thẩm quyền làm Chúa và làm Thầy của Người đối với họ: Ego Dominus et Magister [Thầy là Chúa, là Thầy]. Vấn đề hoàn toàn không liên quan gì đến ý niệm pháp lý vốn làm giảm thiểu vai trò và sự cần thiết của thẩm quyền trong Giáo hội. Nó hoàn toàn liên quan đến nguồn cảm hứng vốn có trong lòng của bất cứ ai nắm giữ bất cứ thẩm quyền nào trong Giáo hội, và do đó, liên quan đến phương thức, - khiêm tốn và đầy tình anh em, thậm chí đến mức cho thấy mình sẵn lòng rửa chân cho họ, - theo đó, thẩm quyền này phải được thực thi đối với những người dưới thẩm quyền mình. Việc tâng bốc các công thức tốt đẹp chắc chắn không đủ. Nhưng nếu cần phải có tình yêu đích thực, thì tình yêu ấy không được yếu đuối đối với mọi người.

Đối với những người tuân phục thẩm quyền, về phần họ, há không đáng ước ao khi họ đừng nghĩ rằng mình được miễn trách nhiệm yêu thương huynh đệ đối với những người nắm giữ thẩm quyền đó hay sao? Điều này sẽ làm giảm bớt phần nào sự khó khăn mà mỗi ngày những người vừa kể phải dấn thân.

Còn 1 kỳ