Chương bốn: Ơn vô ngộ của Giáo hội
Xét trong tính hiệp nhất và tính phổ quát, Giáo hội không thể sai lầm hoặc thiếu sót
1. Xét trong tính hiệp nhất và tính phổ quát của mình, hoặc trong tư cách ngôi vị và một ngôi vị được Thiên Chúa trợ giúp, Giáo hội không thể sai lầm hoặc thiếu sót, Gioan thành Arc biết rõ điều này, và bà cũng biết rằng các thẩm phán của Rouen không phải là Giáo hội.
Ngôi vị Giáo hội không thể phạm sai lầm, mặc dù, ở những nơi không phải chính Giáo Hội nói và hành động qua họ như công cụ{1}, người của Giáo hội mắc sai lầm thường xuyên và nghiêm trọng giống như những người của thế gian (chắc chắn nghiêm trọng hơn, do tầm quan trọng trong trách nhiệm của họ), và mặc dù người ta thấy họ sa vào cái bẫy đặt dưới chân họ bởi từng thời đại của lịch sử một cách dễ dàng và nhiệt tình, Chúa Giêsu Kitô luôn lo liệu để, qua mọi thiếu sót của con người, và sự thiển cận của chúng ta tệ hại đến đâu, sự tiến bộ của Nhiệm thể Người vẫn tiếp diễn ở đây trên trái đất này.
Nhưng ở đây chúng ta phải xem xét Giáo hội dưới khía cạnh hiệp nhất và phổ quát của nó. Trong sứ mệnh thông truyền cho chúng ta các chân lý được Thiên Chúa mạc khải bằng cách huấn giáo chúng ta về tín lý đức tin và luân lý, về việc thánh hóa con người bằng các Bí tích, và theo đuổi công trình của Chúa Kitô bằng cách chịu đau khổ với Người cho đến tận thế, Giáo Hội không thể sai lầm cũng không thiếu sót.
Điều này phát xuất ngay từ sứ mệnh đã nhận được từ Thiên Chúa này, và từ sự trợ giúp không ngừng đã được hứa ban cho Giáo Hội: "Và hãy biết rằng Thầy luôn ở cùng các con, cho đến ngày tận thế" (Mt 28: 20). Đây là lý do tại sao Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng Giáo Hội là "cột trụ và thành lũy của sự thật" (I Tm 3:15).
2. Nếu chúng ta tưởng tượng rằng bất cứ lúc nào kể từ Lễ Ngũ Tuần, Giáo Hội có thể mắc sai lầm trong việc truyền tải lời Chúa cho chúng ta, thì làm sao chúng ta có thể tin một cách xác tín tuyệt đối, vì chính Chúa đã mạc khải chúng, vào các sự thật mà Giáo Hội đã đề xuất cho chúng ta, làm thế nào chúng ta có thể sẵn sàng chết cho điều nhỏ nhoi nhất của Kinh Tin Kính? Về phía đối tượng được trình bày cho tâm trí, tin rằng Thiên Chúa hiện hữu và Người muốn điều tốt lành cho các tạo vật của Người là điều đầu tiên của đức tin. Nhưng về phía chủ thể tin, tin vào Giáo hội là điều đầu tiên và là giả thiết đầu tiên của đức tin được tuyên xưng một cách có ý thức và minh nhiên. Làm lung lay đức tin vào Giáo hội trong các linh hồn là làm lung lay đức tin thần học của họ, và dẫn họ tuột xa khỏi ân sủng mà họ không hay biết.
Một số từ ngữ về phương thức tư duy huyền thoại và về việc phi huyền thọai hóa
1. Trong ngôn ngữ hiện nay, chữ "huyền thoại" có nghĩa khinh bạc và đồng nghĩa với truyện ngụ ngôn. Nhưng thực ra, điều phù hợp là nghĩ về những huyền thoại tôn giáo như những huyền thoại mà dưới ảnh hưởng của chúng, toàn thể nhân loại đã sống trong nhiều thế kỷ trước đây, và ngày nay một phần rộng lớn của nhân loại vẫn ít hay nhiều tiếp tục sống dưới sức chi phối của chúng, một cách rất tôn trọng, và gần như tôn kính.
Những tác phẩm của trí tưởng tượng sáng tạo qua đó nhiều trực giác tuyệt vời đã xuất hiện, chúng mang theo nhiều chân lý vĩ đại, trộn lẫn với nhiều lầm lẫn, nói cho đúng, người ta không nắm được các sự thật này đúng như chúng là, vì trí hiểu vẫn còn đắm chìm trong các giác quan nên vẫn chưa rút được ý niệm sự thật trong cái tinh tuyền khả niệm của nó. Không có gì ngạc nhiên khi Thiên Chúa, trong khi chờ đợi tới lúc Người tự làm cho Người được biết đến nhờ các tiên tri, và tới lúc Con của Người xuống trần gian để công bố sự thật trọn vẹn, đã để việc giáo dục đầu tiên cho con người được hoàn thành nhờ huyền thoại, và cả điều này cũng không làm ta ngạc nhiên, là kể cho dân Người chọn nghe câu chuyện về sự sáng tạo, Người đã để nhà văn được linh hứng sử dụng phương thức ngôn ngữ và suy nghĩ phù hợp với các truyền thống sơ khai, và dạy dỗ chúng ta bằng "huyền thoại nói lên sự thật", như tôi đã nhận định trong một tiểu luận về chương thứ hai và thứ ba của sách Sáng thế{2}. Những gì chúng ta đọc về việc dựng nên Evà từ xương sườn của Ađam và về hai cây mọc trong Thiên đàng dưới đất, trên thực tế vẫn thuộc về "thể loại văn chương" huyền thoại và trình bày cho chúng ta dưới các hình ảnh mà ta không nên hiểu theo nghĩa đen, nói cách khác là dưới một hình thức hư cấu và trong những câu tuyên bố mà ý nghĩa hiển nhiên của nó không phải là ý nghĩa thực sự, một nội dung của sự thật có tầm quan trọng tối cao mà chúng ta được yêu cầu khám phá, hay đúng hơn là điều mà Giáo hội được yêu cầu khám phá cho chúng ta, như Giáo hội đã làm tại Công đồng Trent liên quan đến tội nguyên tổ, sự lây truyền và ảnh hưởng của nó (mà không đề cập đến cây biết điều thiện và điều ác, cũng không đề cập đến việc ăn trái cây của nó; chỉ có việc Ađam phản bội lòng tin mới là đối tượng của cuộc thảo luận, - vừa mầu nhiệm vừa vô cùng nghiêm trọng){3}. Tôi nghĩ rằng cảnh ngộ của hai chương này trong sách Sáng thế, trong đó cần phải tìm ý nghĩa đích thực bên dưới một ý nghĩa hiển nhiên không phải là nó, có tính cách độc nhất trong Cựu Ước. Đối với phương thức tư duy xêmít [semitic], ngay khi thiên tài Do Thái được thành lập, là một phương thức tư duy biểu tượng, chứ hoàn toàn không phải là một phương thức tư duy huyền thoại.
Cho là thế đi nữa, nhưng khi chính Đấng là Sự thật đến giữa chúng ta để làm chứng cho sự thật, đến độ chết vì nó giữa hai tên trộm, điều mà Người đã làm chứng để được tin tuyệt đối không bao gồm bất cứ điều hư cấu nào mà ta tùy ý có thể tin hay không, giáo huấn của Người hoàn toàn thoát khỏi mọi dấu vết của phương thức tư duy huyền thoại.
2. Chúng ta hãy nhận xét ở đây rằng các nhà chú giải và các nhà thần học, những người tin rằng nhiệm vụ của họ là phi huyền thọai hóa Tin Mừng và Kinh Tin Kính, đều là nạn nhân của một thành kiến hiện nay giữa các nhà triết học ý niệm [idéosophes] ngày nay, và theo đó không hề có bất cứ khẳng định nào không thể sửa đổi được{4}. Thành kiến triết học này vô giá trị: nó bao hàm mâu thuẫn, thực vậy, những người nói "không thể có bất cứ khẳng định nào không thể sửa đổi được" đã tự thốt ra ở đó một khẳng định được coi là không thể sửa đổi được, giống như những người nói "không có sự thật" đã thốt ra ở đó một khẳng định được coi là sự thật. Và thành kiến đang được đề cập không tương thích với việc thực hành trí hiểu; vì mỗi lần trí hiểu đưa ra một khẳng định mà nó cho là hoàn toàn và đơn giản phù hợp với thực tại, nó tuyên bố khẳng định này là không thể sửa đổi. Ngay trong vấn đề ngẫu nhiên, nếu tôi nói "trong lúc tôi viết những dòng này, tôi thở và tim tôi đập", đó là một khẳng định không thể sửa đổi. Còn trong các vấn đề tất yếu, nếu tôi nói "linh hồn con người là thiêng liêng và bất tử", đó là một khẳng định không thể sửa đổi. Những khẳng định này có thể được giải thích chi tiết, hoàn chỉnh, hoàn thiện vô thời hạn; tự trong chính chúng, chúng mãi không thể sửa đổi được: vì sự thật là sự tương đương của trí hiểu với điều có thực (điều hoặc trong một lúc có thể trôi qua, hoặc luôn luôn hiện hữu do bản chất của sự vật). Các triết gia nào tuyên bố rằng không thể có bất cứ khẳng định không thể sửa đổi nào thì không tin vào sự thật, hoặc tin rằng sự thật là sự tương đương giữa trí hiểu và điều đó thay đổi, chứ không phải với điều hiện hữu: như thể để thay đổi, không cần thiết phải hiện hữu trước tiên.
Viện cớ là bất cứ triết học nào cũng có thể phục vụ thần học và khoa chú giải, cũng như bất cứ gia vị nào cũng có thể hữu ích cho người nấu ăn, và do đó thần học và khoa chú giải phải sử dụng triết học, bất kể triết học này như thế nào, phổ biến trong giới trí thức vào thời đại của họ, một số trong số những người muốn là những người tiên phong gan dạ nhất của nghiên cứu, trong các vấn đề thánh thiêng, từng nhắm mắt chấp nhận chủ nghĩa ngụy biện mà tôi vừa kêu gọi phải lưu tâm. Chắc chắn, đây là lý do tại sao họ cảm thấy thoải mái trong lĩnh vực phi huyền thoại hóa thể thánh thiêng.
Tất cả những gì Chúa Kitô đã giảng dạy đều đúng vĩnh viễn, như chính Người đã nói
Các dụ ngôn mà Chúa Giêsu đã sử dụng không liên quan gì đến lối suy nghĩ huyền thoại. Chúng là những câu chuyện, những câu chuyện bí ẩn trình bày rõ ràng như vậy, và như đề nghị với trí hiểu một sự thật thần linh nào đó cần được biện phân, và dễ dàng giải đoán đối với những tâm trí đủ trong sáng và giác ngộ, trong khi chúng chỉ khiến những người khác kinh ngạc và bối rối. Hơn nữa, Người còn quan tâm đến việc giải thích chúng cho các môn đệ của Người khi họ không hiểu chúng, và rút ra cho họ ý nghĩa của chúng, một ý nghĩa vĩnh viễn đúng.
Và mỗi lần Chúa Giêsu nói một cách công khai, - "ecce nunc palam loqueris, et proverbium nullum dicis,[bây giờ Thầy nói rõ, chứ không còn dùng dụ ngôn nào nữa]" {5}, nói cách khác là mỗi lần Người tuyên bố điều gì đó bằng những từ ngữ trực tiếp và bằng phương thức tuyệt đối, thì đối với Kitô hữu, rõ ràng đó là khẳng định của Người, điều Người nói, đúng như Người nói nó, hoàn toàn và đơn giản là đúng sự thật, tuyệt đối đúng, đúng như không khẳng định đơn thuần nào của con người có thể đúng, cùng một lúc bởi ánh sáng mà nó mang lại và vén bức màn cho chúng ta, và bởi đêm thánh thiêng, trong đó nó để lại chiều sâu thần linh mầu nhiệm được mạc khải.
" Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi; các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông"{6}.
Tất cả những gì ngôi vị của Giáo hội truyền cho chúng ta như được Thiên Chúa mạc khải đều đúng vĩnh viễn, như Giáo Hội nói
Liên quan đến Kinh tin kính của Giáo hội, các định nghĩa của các Công đồng, hoặc các tín điều, như tín điều về Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội và Mông triệu, do Đức Giáo Hoàng công bố, chúng ta hãy nói tất cả đều thuộc vấn đề đức tin, công việc phi huyền thoại hóa thịnh hành ngày nay không kém kì cục so với giáo huấn của Chúa Kitô. Há không có những nhà phi huyền thoại hóa nghĩ rằng, việc Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết chỉ có trong lời rao giảng của các tông đồ đó sao (điều họ gọi là "phục sinh theo giáo huấn sơ truyền” [résurrection kérygmatique]")? Những người này phản bội đức tin bằng nụ hôn của điều họ tự gọi là đặc sủng của họ.
Chúng ta hãy lặp lại nhiều lần nếu cần thiết điều được các bản văn không thể bác bỏ được đã tuyên bố; há Giáo Hội không phải là "xác thịt của xác thịt” Chúa Kitô{7}, "Cô dâu vô nhiễm, không vết" {8} lỗi lầm hay tội lỗi đó sao? Há Giáo Hội không phải là "sự sung mãn" của Chúa Kitô đó sao? {9} là "Thân thể mà Người là Đầu" đó sao? {10} Ngôi vị gồm nhiều con người này mà Chúa Kitô đã kết hôn, và Người hằng trân trọng như chính Người {11}, há Giáo Hội ấy không phải là "cột trụ và thành lũy của sự thật" đó sao? {12} Há Thần Chân lý không ngự xuống trong Giáo Hội ấy để "hướng dẫn Giáo Hội đến mọi sự thật, "{13} cư ngụ trong Giáo Hội kể từ Lễ Ngũ tuần và mãi mãi đó sao? {14} Há Chúa Giêsu Kitô đã không hứa với Giáo Hội sẽ ở với Giáo Hội cho đến tận thế đó sao? {15} Chính với ngôi vị chung của Giáo hội, hay nói cách khác với Giáo hội xét trong tính hiệp nhất và tính phổ quát mà hứa hẹn này đã được ngỏ lời. Khi Giáo Hội nói, Chúa Kitô là người bảo đảm cho lời lẽ của Giáo Hội.
Các sự thật mà Giáo Hội đề nghị với đức tin của chúng ta và là các sự thật Giáo Hội phát biểu bằng lời nói của con người (Giáo Hội hoàn toàn tự do sáng tạo ra từ ngữ cho điều này, chẳng hạn như từ ngữ "consubstantial" [đồng bản thể], vốn không được lấy từ Kinh thánh, từ lúc những từ ngữ này làm cho chính xác một cách y hệt hơn và trong sáng hơn, ý nghĩa của bản văn thánh) là những sự thật được Thiên Chúa mạc khải. Chúng vượt quá thời gian như chính Thiên Chúa.
Nói cách khác, tất cả các khẳng định mà từ thời các tông đồ, Giáo hội, trong tính hiệp nhất và phổ quát của mình, đã tuyên bố như là chân lý của đức tin, đều là những khẳng định không thể sửa đổi, mà cần phải hiểu như chúng đã được tuyên bố, theo phương thức tuyệt đối, và theo ý nghĩa hiển nhiên của chúng vốn là ý nghĩa đích thực của chúng, - một ý nghĩa vĩnh viễn đúng. Người ta có thể thêm vào những khẳng định này những khẳng định khác nhằm khai triển chúng và hoàn thiện chúng; người ta không thể thay đổi ý nghĩa của chúng. "Công thức tín điều có thể được hoàn thiện và trở nên minh nhiên hơn, nó không thể thay đổi ý nghĩa. {16}
Cho rằng đây chỉ là "việc đặt vào viễn cảnh", và yêu cầu cái đầu yếu ớt nhân bản của hết khôi nguyên (laureatus) này đến khôi nguyên nọ tiết lộ cho chúng ta, bằng cách dán mắt vào kính thiên văn, ý nghĩa (hoặc các ý nghĩa kế tiếp, vì sẽ có rất nhiều tiên tri nhỏ sắp xuất hiện) được cho là ẩn sau ý nghĩa hiển nhiên của những khẳng định về đức tin, là phủ nhận tính không thể sai lầm của Giáo hội, hoặc biến nó thành một điều không thể sai lầm mà không biết điều mình nói là gì. Như thế, người ta quên rằng trong mọi sự thật được mạc khải, chính Thiên Chúa là Đấng đã vén bức màn. Giáo hội biết điều mình nói. Và chắc chắn, điều này luôn có thể được hoàn thiện hóa, nhưng nó đúng, không thể thay đổi được.
Cứ tưởng tượng trong một khoảnh khắc điều không thể xảy ra, giả sử không khẳng định nào trong số các khẳng định của con người chúng ta là không thể sửa đổi được, thì những khẳng định của Chúa Kitô nói với chúng ta rằng điều Người đã "nghe từ Thiên Chúa" {17} và những điều Giáo hội truyền cho chúng ta dữ kiện mạc khải vẫn sẽ không thể sửa đổi được, những khẳng định duy nhất không thể sửa đổi được mà trong trường hợp này sẽ được cung cấp như thức ăn cho trí hiểu của chúng ta.
Người duy tín [fidéist] có lẽ sẽ cho rằng càng tốt thôi, vì ít nhất chúng ta sẽ được giải thoát khỏi sự huyên náo không ngừng của man vàn những khẳng định lừa dối đang ập vào lỗ tai chúng ta. Hy vọng vô ích! Con vật được phú cho lý trí phải chịu đựng sự huyên náo không dứt của các tiến sĩ giả, khi nó phải chịu những cơn đau đầu và đau răng. Và chính khi đặt niềm tin vào lý trí và vào những khẳng định không thể sửa đổi của nó, vào lý trí được đức tin khuyến khích, nó vượt qua được sự huyên náo, theo gương Chúa của nó: transiens per medium illorum, ibat [vượt qua giữa họ, Người bước đi], để đạt tới những vùng im lặng nơi sự thật được lắng nghe.
Về các giới luật, bất kể thuộc tín lý hay khôn ngoan, liên quan đến Quy luật Luân lý
1. Giáo huấn của Giáo Hội liên quan đến giáo lý luân lý cũng không thể sai lầm như giáo huấn của Giáo Hội liên quan đến giáo lý đức tin. Giáo Hội còn ban cho chúng ta nhiều giới luật liên quan đến việc áp dụng những quy luật tổng quát này trong những trường hợp cụ thể và ở một thời đại nhất định, và là những quy luật không liên quan tới tính vô ngộ về mặt giáo lý nữa, mà là sự khôn ngoan thận trọng của Giáo Hội"{18}.
Những giới luận khôn ngoan thận trọng này có một đặc điểm cụ thể nổi bật mà đối với tôi, dường như rất đáng chú ý, và mang lại cho chúng một loại giá trị tiên tri. Chúng được đưa ra vào thời điểm, nếu chúng được hiểu và tuân theo bằng cách chấp nhận mọi hệ quả của chúng, thì ta sẽ tránh được những sự xấu không thể sửa chữa được trong tương lai. Một khi con người hiểu lầm và làm ngơ chúng, các điều xấu sẽ được thực hiện. Và sau nhiều thế kỷ, chính để cảnh cáo về những sự xấu khác đang đe dọa lịch sử nhân loại, mà Giáo hội sẽ phải tuyên bố những giới luật và sự ngăn cấm khác, những giới luật và sự ngăn cấm này cũng sẽ có nguy cơ không được hiểu và không được tuân theo.
Tôi muốn suy nghĩ (điều này phải chăng do sự thích thú tinh quái?) điều này là Công đồng Latêranô thứ hai (1139) vốn cấm sử dụng cung nỏ trong các giải thi đấu (trong một vũ khí giết người ở khoảng xa là một vũ khí không công bằng). Trên thực tế, cung nỏ đã biến mất khỏi các giải thi đấu của chúng ta, nhưng để được thay thế bằng súng đại bác. Mong chi con người hiểu biết! Thì ngày nay chúng ta đâu có bom nguyên tử.
2. Nhưng điều khiến tôi ngưỡng mộ hơn cả là đã có nhiều lời lên án {19}, được người xưa tuyên bố chống lại nạn cho vay nặng lãi, một điều liên quan cùng một lúc tới sự khôn ngoan của Giáo hội, và, về chính nguyên tắc cho vay nặng lãi (tiền bạc tự nó và do nó nhất định sẽ sinh lợi, hoặc sinh hậu quả) cũng liên quan tới tính không sai lầm về mặt tín lý của Giáo Hội. Sau này, theo cùng một nguyên tắc, thay vì chỉ đầu tư tiền vào một doanh nghiệp mà người ta sẽ tham gia bất kể vận may hoặc vận rủi của nó, thì người ta buộc chính doanh nghiệp phải tuân phục quy luật lợi nhuận tối đa có thể thu được từ số tiền đã đầu tư, gây hại cho sự khốn cùng mà, trong thế kỷ XIX, những người lao động (thậm chí cả trẻ em) sẽ bị giản lược vào, và là điều sẽ gây phẫn nộ chính đáng cho Karl Marx.
Nếu con người hiểu được ý nghĩa của việc Giáo hội lên án hành vi cho vay nặng lãi, thì đã không có bất cứ chế độ tư bản chủ nghĩa nào hoặc bất cứ xã hội tiêu thụ nào, hoặc tất cả những gì xảy ra từ đó...
3. Đối với tôi, có lẽ sẽ không phải là không có ích (trí thức) khi nghĩ tới thông điệp Humanae Vitae theo quan điểm mà tôi vừa chỉ ra. {20} Tôi có ý nghĩ này là, như trong trường hợp cấm việc cho vay nặng lãi, sự khôn ngoan vượt trội của Giáo hội và tính không sai lầm về tín lý của Giáo hội đều có phần của chúng trong đó.
Ghi chú
{1} Xem tiếp thêm Ch. Mười một.
{2} Xem bài báo của tôi "Faisons-lui une aide semblable à lui," [chúng ta hãy làm cho nó một trợ tá giống như nó] Nova et Vetera, tháng Mười-tháng Mười hai, năm 1967.
{3} "Liên quan đến chính sự Sa ngã, Công đồng hài lòng với việc nhắc lại rằng nó hệ ở việc vi phạm giới luật do Thiên Chúa ban hành. Không có gì được nói đến bản chất của giới luật này, ngoại trừ việc nó đi kèm với mối đe dọa phải chết. Người ta rõ ràng nhắc đến câu chuyện của sách Sáng thế, như câu ngẫu nhiên "ở Địa đàng" cũng cho thấy, nhưng không có gì được nói rõ. Các nhà chú giải và thần học gia giành quyền tự do lục lọi bản văn thánh và giải thích nó theo ánh sáng của họ, trong khi vẫn luôn gìn giữ 'sự loại suy của đức tin.'" (M. M. Labourdette, Le Péché originel et les origines de l'homme [Tội Nguyên tổ và các nguồn gốc của con người], Paris, Alsatia, 1953, tr. 36.
{4} Có rất nhiều khẳng định có thể sửa đổi được ngay trong nó: không những chỉ là những khẳng định mang tính giả thuyết hoặc cái nhiên, mà còn là những khẳng định mà lý thuyết giải thích (tôi không nói về việc chỉ là xác minh một sự kiện) tự xây dựng mình trong các khoa học hiện tượng, vốn là kiến thức về điều có thể quan sát được theo nghĩa hẹp, và tự chế trong việc muốn xuyên thấu quá lớp vỏ của điều có thể quan sát được. Dù người ta có thể thực sự mở rộng nó bao xa, việc quan sát chắc chắn vẫn còn có giới hạn, không thể mở rộng nó ra xa vô hạn: đến nỗi, trong chính nó, mọi hệ thống giải thích hợp lý các hiện tượng trên chính bình diện hiện tượng có thể phải nhường chỗ cho một hệ thống khác, gây nên bởi những quan sát mới và có tính toàn diện trọn vẹn hơn. Không có lý thuyết khoa học nào là không thể sửa đổi hoặc tuyệt đối đúng; nó chỉ đúng một cách tương đối so với tình trạng khoa học ở các giai đoạn phát triển khác nhau của nó. Trong sự hợp lý hóa những gì có thể quan sát được do các khoa học về hiện tượng tác động, sự thật là sự tương đương của trí hiểu với điều rơi vào việc quan sát đầy đủ nhất có thể ở một thời điểm nhất định của lịch sử loài người.
Với những kiến thức như triết học và thần học, nó hoàn toàn khác. Triết học (siêu hình học, nhận thức luận, triết học tự nhiên, triết học đạo đức...) có khả năng đưa ra những khẳng định không thể thay đổi, nói cách khác là các chân lý tuyệt đối, bởi vì nó liên quan tới chính hữu thể khả niệm, hoặc điều có thực đạt được một cách thuần túy và đơn giản (chứ không chỉ là điều có thể quan sát được theo nghĩa hẹp). Khi nó nói điều đúng, và trong chừng mực nó nói điều đúng, điều nó nói là tuyệt đối đúng và luôn luôn đúng. Đây là điều mà cái đà (élan) đệ nhất đẳng và sâu xa nhất của trí hiểu hướng đến, và là điều mà về cơ bản nó khát khao nhất.
Khi chúng ta nói rằng sự thật là sự tương đương của trí hiểu và điều hiện hữu, thì điều này, do đó, được hiểu chủ yếu và trước hết như sự tương đương của trí hiểu với "điều hiện hữu" một cách thuần túy và đơn giản, đối với triết học và thần học. Và thứ yếu (tức mở rộng tới loại kiến thức được hoàn toàn hàm chứa trong điều xuất hiện với các giác quan) nó được hiểu như sự tương đương của trí hiểu với "điều hiện hữu" chỉ trong một mối liên hệ nhất định (trong mối liên hệ có thể quan sát được), như các khoa học về hiện tượng.
Triết học, ngành học liên quan tới cấu trúc khả niệm thâm hậu của điều hiện hữu, nói một cách tuyệt đối, và thần học, tức ngành học liên quan tới mầu nhiệm siêu khả niệm [surintelligible] thâm hậu của Đấng Hiện Hữu, nói một cách tuyệt đối, là những loại nhận thức cao qúy và phổ quát một cách phi thường, và tự trong chúng cũng khó hiểu một cách phi thường. Đây là lý do tại sao con người thường mắc sai lầm trong chúng.
Trong khoa học, nhận thức ít cao qúy hơn và hạn hẹp hơn, đó là thành quả muộn màng của tư tưởng nhân loại (nó chỉ bắt đầu vào thế kỷ XVI để tự giải thoát ngay trong chính bản chất riêng của nó), và nó liên quan với sự giải thích và tổ chức hợp lý (trên hết, toán học hóa, ở nơi có thể) của điều chỉ xuất hiện với các giác quan, con người cũng sai lầm nhưng không ngừng sửa chữa sai lầm của mình một cách hết sức thường xuyên, vì việc kiểm tra lại việc làm của trí hiểu được áp đặt bởi loại kiến thức đòi hỏi các phương pháp và chuyên môn đặc biệt nghiêm ngặt; nhưng sự thật mà chúng ta có liên hệ lúc đó chỉ là sự thật secundum quid [theo điều đó], hay sự thật gần đúng.
Các nhà khoa học biết điều đó; những người không được khai tâm [trong lãnh vực này] không biết điều đó. Trong một nhận xét cuối cùng, chúng ta hãy quay sang phía cộng đồng nhân loại. Nếu ý tưởng cho rằng không có nhận thức cao hơn nào, cả triết học lẫn thần học, có khả năng biết chân lý tuyệt đối, được mọi người chấp nhận, thì kết quả sẽ là thế giới văn hóa sẽ tự thấy mình bị khoa học huyền bí hóa, chứ không do lỗi của khoa học. Được phong thần nhờ các ứng dụng rực rỡ của khoa học, các khẳng định của nó được vô số người không phải là nhà khoa học coi là "sự thật" (tuyệt đối), một sự thật, do chính bản chất của trí hiểu, họ vẫn vô thức cảm thấy cần đến; trong khi các nhà khoa học sẽ tiếp tục nhận thức, và ngày càng nhận thức tốt hơn, rằng các khẳng định không thể thay đổi và các chân lý tuyệt đối không thuộc lĩnh vực của khoa học, bất kể các tiến bộ của khoa học quý giá đến đâu.
{5} Ga 16:29.
{6} Ga 8:32.
{7} Eph 5:29.
{8} Eph 5:27. - Xem Kh. 19:7; 21:2 và 9; 22:17. Giáo Hội là "Épouse de l'Agneau" [Nàng dâu của Chiên Con]
{9} Eph 1: 23.
{10} Cl 1:18; Eph 1:23; 4:15,16.
{11} Eph 5:25; 5:29-30.
{12} 1Tim. 3:15.
{13} Ga 16:13. Cum autem venerit ille Spiritus Veritatis, docebit vos omnem veritatem, hodêgêsei humas eis tên alêtheian pasan [Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn], Xem thêm 14:26.
{14} Xem 1Cr. 3:16; 6:19; và Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo hội, Ch.I số 4.
{15} Mt. 28:20.
{16} M. M. Labourdette, Le Péché originel et les origines de l'homme [Tội nguyên tổ và các nguồn gốc của con người], Paris, Alsatia, 1953, tr. 57.
{17} Ga 8:40: "Nunc autem quaeritis me interficere, hominem, qui veritatem vobis locutus sum, quam audivi a Deo [Thế mà bây giờ các ông lại tìm giết tôi, là người đã nói cho các ông sự thật mà tôi đã nghe biết từ Thiên Chúa]. Tôi, một người đã nói với các ông sự thật mà tôi đã nghe từ Chúa, tên alêtheian ên echousa para tou theou "
{18} Một phán đoán khôn ngoan ít hay nhiều khôn ngoan. Một mệnh đề tín lý đúng hay sai. Người ta có thể nói tới sự khôn ngoan hoàn hảo hoặc tối cao (chắc chắn là trường hợp khôn ngoan của Chúa Kitô). Kiểu nói "không thể sai lầm về khôn ngoan" [infaillibilité prudentielle], do các nhà thần học sử dụng, những người tôi rất qúy yêu, đối với tôi là vô ý nghĩa.
Do đó, theo ý kiến của tôi, thật phù hợp khi phân biệt giữa các sự thật tạo nên doctrina de moribus [học lý về phong hóa] (xem thêm phần VII, trang 53-54), chúng tương ứng một cách loại suy, theo tôi, với triết học đạo đức trong trật tự tự nhiên, và Giáo hội dạy chúng cho chúng ta một cách không thể sai lầm, và các ứng dụng đặc thù qua đó Giáo hội hướng dẫn chúng ta, vào một thời đại nhất định và trong những trường hợp nhất định nào đó, với sự khôn ngoan của một trật tự cao hơn.
Thí dụ, tôi nên nói rằng tính bất khả hủy tiêu của hôn nhân là một sự thật liên quan đến việc không thể sai lầm về tín lý của Giáo hội, trong khi việc cấm bắn nỏ trong các giải thi đấu, mà tôi nói trong phần này, liên quan đến sự khôn ngoan cẩn trọng của Giáo Hội, và trong các sắc lệnh Công đồng liên quan đến tội cho vay nặng lãi, mà tôi cũng nói trong phần này, sự khôn ngoan cẩn trọng (đối với các phương tiện đa dạng được quy định để đấu tranh chống lại việc cho vay nặng lãi) hòa lẫn với tính không sai lầm về tín lý (cũng như đối với vai trò thực sự của tiền bạc, sử dụng tiền bạc như thể nó được tạo ra để tự nó đẻ thêm tiền, là trái với luật tự nhiên; nó chỉ mang lại lợi hợp pháp nhờ giá trị của một điều được nó giúp thu được hoặc sản xuất được).
Chúng ta hãy nói thêm, điều lạ cần lưu ý là liên quan đến các quyết định khôn ngoan, dù do thẩm quyền tối cao đưa ra, các sai sót nghiêm trọng trong đức khôn ngoan vẫn có thể xảy ra trong những vấn đề rất quan trọng (xem Chương XIII, liên quan đến định chế Tòa Dị giáo); trong khi đó, sự khôn ngoan cao hơn của ngôi vị Giáo hội đã thông qua những vấn đề rất thứ yếu (như việc sử dụng cung nỏ trong các giải thi đấu). Ở đó, mọi điều phụ thuộc vào sự tự do mà các nhân sự cấp cao của Giáo hội, trong đầu óc họ, vốn dành cho các đề xuất có tính phương tiện do một trong các vị này ban hành hay tùy thuộc các trở ngại mà nó chống lại dưới áp lực của chính các lo lắng nặng nề của con người (trong các thời gian trước đây, thường do các nhà lãnh đạo các Nhà nước theo Kitô giáo gây ra hơn cả).
{19} Sớm nhất là Công đồng Nixêa và Thánh Giáo hoàng Lêô, nhưng trên hết là vào thời Trung cổ, từ Đức Alexandrô III đến Đức Grêgôriô IX.
{20} Xem Beatrice Sabran, L'Église et la sexualité [Giáo Hội và Tính dục], Paris, Ed. du Club de la Culture Française, 1969. Bà Sabran, một nhà tâm lý học, là học trò của Roland Dalbiez và đã làm việc với ông. Tôi hy vọng rằng cuốn sách đáng chú ý này sẽ có lần tái bản thứ hai, trong đó những lỗi đánh máy quá nhiều của cuốn đầu tiên sẽ được sửa chữa.