Chương ba: Tư cách ngôi vị của Giáo hội

Lời nói đầu vắn tắt

I. Để xem xét vấn đề kỹ hơn, chúng ta cần tới một số ý niệm triết học - tôi xin lỗi vì điều này, nhưng nó sẽ ngắn gọn -. Một phân tích siêu hình học đúng đắn về hữu thể tạo vật cho chúng ta thấy mọi sự trên thế giới đều có một bản chất (hay yếu tính) và một hiện hữu, và bản chất và hiện hữu thuộc hai trật tự khác nhau, nói cách khác chúng là các dữ kiện khả niệm khác biệt nhau trong sự vật và trong tâm trí quan niệm chúng. Napoléon có một bản chất khiến ông trở nên một người như vậy giữa tất cả mọi người; khi chết, bản chất này không còn nữa, nhưng các nhà sử học vẫn không hề mệt mỏi khảo sát nó kỹ lưỡng. Khi chúng ta nhìn vào các sự vật đối diện với chúng ta, chúng ta nhìn thấy nơi chúng, cùng một lúc, nhưng sẽ tách biệt bởi cái chết hoặc sự hủy diệt, một mặt, theo tính yếu tính, điều tạo nên chúng như vậy hoặc như vậy, và, mặt khác, theo tính hiện hữu, sự kiện này là chúng hiện hữu một cách thuần túy và đơn giản.



Bản chất của một sự vật là điều sự vật này vốn là hoặc là điều nhờ đó {1} nó làm chúng ta đối diện với các thuộc tính này hay các thuộc tính nọ, trong khi sự hiện hữu của nó, đối với nó, chính là sự kiện làm chúng ta đối diện hoặc được đặt ra bên ngoài hư vô. Để có thể thực hiện hành vi này (kỳ diệu khi người ta chịu suy nghĩ về nó một chút), vốn hệ ở việc hiện hữu, điều cần do đó, là bản chất của tôi (hoàn chỉnh theo đường bản chất hoặc yếu tính của nó: tôi là gì? - "một con người," và "một cá nhân như thế này hoặc như thế nọ") phải là bản chất của một chủ thể {2} có khả năng bộc lộ điều nó là trong thế giới hiện hữu và hành động ("tôi hiện hữu" hôm nay, "tôi hành động" hôm nay): nói cách khác, điều cần thiết là Nguyên nhân Đệ nhất, khi tạo ra bản chất của tôi, đã ban cho nó, đồng thời với những xác định đặc trưng hóa nó, một xác định tối hậu thuộc một trật tự khác, một xác định, trong kết cấu, không còn như bản chất nhưng như chủ thể, đã làm nó có khả năng, tôi không nói chỉ tiếp nhận mà là thực hiện sự hiện hữu, và duy trì phần của nó ở giữa mọi hữu thể khác xuất hiện từ hư vô.

2. Xác định tối hậu trên, tức dấu ấn đóng sâu vào bản chất này, đặt nó vào trạng thái thực hiện sự hiện hữu như hành vi đầu tiên của nó, là điều người ta gọi là sự tồn hữu [subsistence]. {3} Từ ngữ này chắc chắn không dễ nghe đối với các lỗ tai đương thời, chẳng kém gì từ ngữ bản thể [substance]. Tôi không thể làm gì khác được. Tôi chỉ nhận xét rằng nói cho ngay ở đây chỉ là vấn đề văn phong. Từ vựng của người xưa không hề sợ sự trừu tượng thuần túy (có khi họ thấy còn chưa đủ nữa). Từ vựng triết học hiện đại cũng kỳ dị như từ vựng cổ đại, nhưng nó thích những từ ngữ cung cấp hình ảnh nhiều hơn. Thay vì "tồn hữu", liệu chúng ta có thể nói "hiện thực hóa giải phóng" [actuation affranchissante], {4} – điều mọi bản chất từng được tạo nên cần có để tự hiện hữu và đặt bản chất này vào trạng thái phản ảnh trong nó, dù có thể rất ít, thể tự mình vô hạn của Nguyên nhân Đệ Nhất? Về phần tôi, Tôi sẽ tiếp tục dùng từ ngữ "tồn hữu".

Và trong mọi hữu thể được ban cho trí hiểu và tự do, nói cách khác là những người sở hữu các đặc ân tinh thần, {5} tồn hữu là nền tảng hữu thể học của tư cách ngôi vị [personalité], qua đó hữu thể này tự nắm lấy mình trong tay, là một tác nhân đạo đức đưa ra các quyết định tự do theo một phương thức không giống ai, đóng vai trò của mình trong thế giới với một khuôn mặt và một khuôn mặt bất tử, và với một số phận bất tử, - nói tóm lại, là một vũ trụ đối với chính họ, trong khi tất cả những hữu thể khác trong vũ trụ vĩ đại ở đây, ở dưới thế này, chỉ cho chúng ta thấy các cấu trúc trong tương tác bị định sẵn sẽ bị diệt vong vào một ngày nào đó cùng với trái đất. Tuy nhiên, mỗi con người, dù khốn cùng đến đâu, vẫn là một ngôi vị trước những người khác và trước mặt Thiên Chúa, và sở hữu phẩm giá ngôi vị.

Giáo hội như một ngôi vị

1.Khi nói với chúng ta rằng Giáo Hội là Thân thể mà Chúa Kitô là Đầu, và Giáo hội là Hiền thê của Chúa Kitô, "người mà Người đã hiến thân cho để thánh hoá và thanh tẩy bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền” {6} và “‘...cả hai sẽ nên một’. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Giáo Hội”. {7} Thánh Phaolô dạy chúng ta rằng đám đông nhân loại vĩ đại này trải dài khắp trái đất và băng qua mọi thế kỷ có một tư cách ngôi vị theo nghĩa thích đáng của thuật ngữ; ngài dạy chúng ta rằng Giáo hội là một ngôi vị: không phải là một đám đông được ban tặng một "tư cách ngôi vị tinh thần", theo nghĩa hoàn toàn loại suy, nhưng thực sự là một ngôi vị, và đây là đặc ân siêu nhiên trong yếu tính và tuyệt đối độc nhất của Giáo hội.

Điều này xuất phát từ chính sự kiện này là Giáo Hội đã nhận được sứ mệnh đề xuất cho chúng ta các sự thật được Thiên Chúa mạc khải, và để tiếp tục cho đến tận thế công trình của Chúa Kitô trên mặt đất. Nếu một dân tộc, - dân tộc mới của Thiên Chúa, - đã nhận được một sứ mệnh như vậy, thì bởi vì đó không chỉ là một dân tộc hay một đám đông, mà còn là một ngôi vị chung được cấu thành một cách siêu nhiên, tồn hữu từ thế hệ này sang thế hệ nọ, và là ngôi vị, để hoàn thành sứ mệnh của mình, tin rằng mình chỉ có một trái tim duy nhất, nói như chỉ có một tiếng nói duy nhất, hoạt động như chỉ có một ý chí duy nhất, trong khi luôn được giúp đỡ, như Người đã hứa, bởi Chúa Kitô, Người đứng đầu và Chàng rể của mình.

2. Đây thực sự là điều Thánh Irênê nói với chúng ta: "Sau khi nhận được lời rao giảng [tông truyền] và đức tin này..., Giáo Hội mặc dù đã được phân tán ra khắp thế giới, nhưng vẫn trung thành gìn giữ kho tàng này, như thể Giáo Hội ấy cư ngụ trong một ngôi nhà duy nhất; và trong những điều này, Giáo Hội cũng tin giống như vậy, ý tôi muốn nói chỉ có một linh hồn và một trái tim duy nhất; và chính cũng bằng sự thống nhất này mà Giáo Hội đã rao giảng chúng, dạy dỗ chúng và lưu truyền chúng cho các thế hệ, cũng như chỉ có một giọng nói duy nhất. "{8}

Đây là lý do tại sao Thánh Tôma cũng có thể nói: "Kinh Lạy Cha được ngôi vị chung của toàn thể Giáo Hội đọc lên. Vì vậy, nếu ai đó từ chối tha thứ cho những người đã xúc phạm đến mình mà đọc Kinh Lạy Cha, thì người đó, vì tất cả những điều này, không nói dối, mặc dù điều anh ta nói không đúng đối với ngôi vị của anh ta: vì điều này đúng với ngôi vị của Giáo hội. "{9}

Chính tư cách ngôi vị của Giáo hội này được chúng ta mặc nhiên khẳng định mỗi lần chúng ta tuyên bố: Tôi tin vào Giáo hội, vào Giáo hội duy nhất và thánh thiện, Công Giáo (nói cách khác: phổ quát) và tông truyền.

Xem xét Giáo hội trong sự hiệp nhất và Tính phổ quát của Giáo Hội có tư cách Ngôi vị siêu nhiên vượt quá tư cách ngôi vị của các thành viên của Giáo Hội

1. Không một cộng đồng nào thuộc trật tự hoàn toàn tự nhiên có thể là một ngôi vị đồng thời là một đám đông gồm nhiều hữu thể nhân bản. Một quốc gia tồn hữu bằng sự tồn hữu của mọi công dân cá nhân của nó; nó có một lịch sử, nó có những đặc điểm điển hình, những phong tục chung, nó theo đuổi một mục đích chung và có những lợi ích chung: lịch sử này, những đặc điểm điển hình này, những phong tục này, mục đích chung này, những lợi ích chung này hoàn toàn và đơn giản là những điều ấy của các công dân của nó, hoặc của khối quần chúng lớn lao của nó. Và nó không có sứ mệnh thần linh, cũng không có bất cứ lời hứa trường tồn và luôn được Thiên Chúa trợ giúp nào.

Nó hoàn toàn khác với Giáo hội. Giáo hội có sự tồn hữu kép: sự tồn hữu tự nhiên như mọi cộng đồng con người, - sự tồn hữu của những ngôi vị là thành viên của Giáo hội: {10} nếu tất cả các Kitô hữu bị tiêu diệt thì sẽ không còn Giáo hội ở đây trên trái đất này nữa. Và, bao lâu Giáo Hội còn là toàn thể duy nhất và phổ quát, của đám đông có tổ chức gồm những người sống bằng sự sống của Giáo Hội, thì Giáo Hội còn có một tồn hữu siêu nhiên, một tồn hữu giả định nhưng vượt quá sự tồn hữu tự nhiên của các ngôi vị cá thể là thành viên của Giáo Hội.

2. Mặt khác, đối với hữu thể có chúng, rõ ràng sự tồn hữu và tư cách ngôi vị là điều lên mô thức cho nó hoặc hoàn thiện nó từ trong nội tại. Từ đó, có thể kết luận sự tồn hữu siêu nhiên và tư cách ngôi vị siêu nhiên của Giáo hội cũng thuộc về trật tự tạo dựng như chính bản thân Giáo Hội. Dù các khác biệt giữa hai trường hợp này có thể sâu xa và cốt yếu bao nhiêu đi chăng nữa, Giáo Hội vẫn là một ngôi vị (chung hoặc tập thể) như Thánh Phêrô hoặc Thánh Phaolô là một ngôi vị (cá thể).

Làm sao điều này có thể có được, khi Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, mỗi vị là một bản thể cá thể, trong khi Giáo hội là một đám đông mênh mông các con người? Nghịch lý phi thường đánh dấu sự chói lọi huy hoàng của mầu nhiệm Giáo hội (mầu nhiệm siêu nhiên, mầu nhiệm được Thiên Chúa mạc khải), - Giáo hội, trong khi tồn hữu một cách tự nhiên với sự tồn hữu của man vàn chi thể cá thể, một cách siêu nhiên, bao lâu còn là toàn thể, duy nhất và phổ quát, của đám đông này, vẫn sở hữu một tư cách ngôi vị, thực sự và có tính hữu thể học (chứ không theo nghĩa hoàn toàn loại suy, theo kiểu được các nhà luật học gọi là "các ngôi vị tập thể" hoặc "các ngôi vị tinh thần"), bản thân Giáo Hội là một ngôi vị theo nghĩa thích đáng và đệ nhất đẳng của từ ngữ này, một ngôi vị tôn thờ Thiên Chúa, đề nghị với chúng ta các sự thật do Người mạc khải, thánh hóa chúng ta bằng các bí tích của mình, một ngôi vị lên tiếng, dạy dỗ, hành động.

3. Chúng hãy dành một lúc bàn lại các công cụ triết học của chúng ta.

Xét trong tính yếu tính, Giáo hội có một linh hồn, tức ân sủng của Chúa Kitô, và một sự sống, tức đức ái, cả hai đều tham dự một cách siêu nhiên vào sự sống thần linh, và một thân thể, cơ thể hữu hình rộng lớn và phức tạp, bắt đầu thành hình từ thời các tông đồ và thời các đặc sủng lớn lao: Thánh Phaolô nói {11}, "Thiên Chúa đã thiết lập trong Giáo Hội, đầu tiên, các tông đồ, thứ hai các nhà tiên tri, thứ ba các thầy dạy, rồi các người làm phép lạ, các người chữa bệnh, các người phụ tá, các người quản lý và những người nói tiếng lạ"- để "nhờ Người [Chúa Kitô là đầu] toàn bộ cơ thể phát triển, và với sự vận hành thích đáng của các chi thể được kết hợp chặt chẽ với nhau bởi từng gân mạch nuôi dưỡng, được xây dựng trong tình bác ái. " {12} Và tùy theo họ được thúc đẩy bởi ân sủng và đức ái, các chi thể của cơ thể vĩ đại này được linh hồn của nó làm cho sống động và sống bằng sự sống của nó.

Hai điểm cần được lưu ý ở đây. Trước hết, nếu ân sủng phải được coi là linh hồn của Giáo hội, thì đó là vì, như tôi sẽ giải thích trong một chương khác, ân sủng mà Giáo hội nhận được là sự viên mãn của mọi ân sủng từng cá nhân nhận được, trong khi được phân phối nơi mọi chi thể “sống” của Giáo hội, ân sủng được ban cho mỗi người chỉ theo mức lớn nhiều hay ít chứ không bao giờ trọn vẹn.

Thứ hai, không giống như trường hợp thân xác của mỗi người chúng ta, thân xác mà linh hồn của nó sẽ lìa bỏ vào lúc chết và sẽ tan thành cát bụi, thân thể của Giáo Hội không thể tách rời khỏi linh hồn của nó. Bất cứ chi thể nào của Giáo hội đều có thể đánh mất ân sủng và phải chịu sự chết đời đời. Điều này không thể có đối với Giáo Hội duy nhất và phổ quát, luôn luôn là Nhiệm Thể của Chúa Kitô và là Hiền Thê của Người. Thân thể của Giáo Hội được sống động nhờ ân sủng và đức ái, không những cho đến tận thế, mà là vĩnh viễn. Đã có, và vĩnh viễn sẽ có một Giáo hội vinh quang gồm mọi người được chúc phúc, được mang tới tình trạng ân sủng trọn vẹn, và có Chúa Kitô lãnh đạo mà không cần đến sự trung gian của vị đại diện của Người. Và trong thân thể của Giáo Hội vinh quang này, các thiên thần cũng là một thành phần.

Xét theo tính hiện hữu, chính trong thân thể và linh hồn của Giáo hội tạo thành một hữu thể sống động duy nhất và bất khả tiêu, chính trong linh hồn (ân sủng của Chúa Kitô) và thân thể kết hợp với nhau, mà Giáo hội có một sự tồn hữu siêu nhiên và một tư cách ngôi vị siêu nhiên.

Sở dĩ như thế là do hình ảnh của Chúa Kitô mà Thiên Chúa thấy trong đám đông được phân bố trên khắp trái đất và trải qua mọi thế kỷ này, như Người cũng thấy hình ảnh đó trong đám đông những người được chúc phúc.

4. Đây có phải là một quan điểm độc đáo và ít nhiều võ đoán được một người-triết gia [philosopher-man] tội nghiệp đề xuất hay không? Không; rõ ràng nó tuân theo những gì chính Thánh Phaolô đã viết. Để tự thuyết phục về sự thật của nó, chỉ cần suy gẫm, - tôi nói là suy gẫm, chứ không chỉ thoáng nhìn mà thôi, - cùng một lúc lời dạy của Thánh Tông đồ về Giáo hội như Nhiệm thể và Nàng dâu của Chúa Kitô (về điều này tôi vốn đã nhấn mạnh), và giáo huấn của ngài về Kitô hữu như một tạo vật mới được biến đổi thành hình ảnh của Chúa Kitô.

Ngài nói gì với chúng ta về chủ đề này? "Nếu ai ở trong Chúa Kitô, thì người ấy là một tạo vật mới", {13} - "con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá, để được ơn thông hiểu " {14}. " Người thứ nhất bởi đất mà ra thì thuộc về đất; còn người thứ hai thì từ trời mà đến... Cũng như chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra, thì chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến"{15}. "Những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người "{16}. "Tất cả chúng ta, mặt không màn che, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương; như vậy, chúng ta được biến đổi nên giống cũng một hình ảnh đó.... "{17}

Do đó, ở đâu và làm thế nào chúng ta trở thành "một tạo vật mới", chúng ta mang "họa ảnh của người từ trời", chúng ta đổi mới chính mình theo hình ảnh của Chúa Giêsu, và chúng ta được "biến đổi thành cùng một hình ảnh này", nếu không ở trong Thân thể của Chúa Kitô và Hiền thê của Chúa Kitô, và như các chi thể của Giáo hội Người, sống bằng sự sống của Giáo Hội? Điều mà Thánh Phaolô dạy chúng ta là: hình ảnh của Chúa Kitô, của con người này vốn là chính Thiên Chúa, được in sâu vào Giáo hội của Người, Nàng dâu mang trong mình hình ảnh của Chàng Rể, hay đúng hơn Giáo Hội là chính hình ảnh này, - được trình diện với Chàng Rể, tinh tuyền và "rực rỡ" ngay từ ban đầu, và lớn lên theo từng thời đại trong các chiều kích trần gian cũng như trong việc giống như sự phong phú vô tận của các đặc điểm của Đấng vô cùng Thánh thiện.

Xét về tính thống nhất và tính phổ quát của mình, hay nói chính xác bao lâu ân sủng vô hình của Chúa Kitô còn làm sinh động cơ thể nhân bản rộng lớn của mình, Giáo hội mang trong mình hình ảnh của Chúa Kitô, và dâng nó lên thánh nhan Thiên Chúa, Đấng nhìn thấy điều vô hình và nhận ra ân sủng tận đáy cõi lòng. Qua hình ảnh này, man vàn các chi thể của Giáo Hội, những người đang sống bằng sự sống của Giáo Hội được mặc lấy một cấu hình cá nhân, để nhờ tính cá nhân của hình ảnh Chúa Kitô, nó có thể nhận được sự tồn hữu của chính nó như thể nó là một cá thể. Tính cá nhân của hình ảnh Chúa Kitô được Giáo hội mang là một loại suy của tính cá nhân của bản chất bản thể mà mỗi người chúng ta sở hữu được; và cũng như khi kêu gọi Phêrô hay Phaolô vào hiện hữu, Thiên Chúa ban cho bản chất cá nhân này nọ sự tồn hữu vốn lập nó thành chủ thể hoặc ngôi vị thế nào, khi kêu gọi Giáo Hội của Con Người vào hiện hữu, Thiên Chúa cũng ban cho Giáo Hội, qua hình ảnh mà Người nhìn thấy nơi Giáo Hội này, một sự tồn hữu làm cho tổng thể đa dạng gồm nhiều hữu thể nhân bản thành một chủ thể hay ngôi vị như thế.

Đó là câu trả lời được Thánh Phaolô gợi ý cho câu hỏi đang làm chúng ta ưu tư. Chính nhờ hình ảnh của Chúa Kitô, được Giáo hội dâng lên trước nhan Thiên Chúa, mà Giáo hội, khi đón nhận trong tính phổ quát của mình, tất cả các chi thể của thân thể mình, những người đang sống bằng sự sống của mình, đều sở hữu một sự tồn hữu và một tư cách ngôi vị như thể Giáo Hội là một nhân vị đơn nhất: sự tồn hữu và tư cách ngôi vị, giống như linh hồn của Giáo hội và giống như hình ảnh của Chúa Kitô mà Giáo hội mang trong mình, thuộc về trật tự siêu nhiên trong yếu tính, và làm cho Giáo hội trở thành ngôi vị duy nhất và phổ quát trong đó, phản ảnh "Hữu thể Thần linh, hữu thể phổ quát nhất có tính ngôi vị nhất trong mọi hữu thể", {18} và vượt trên tư cách ngôi vị của mọi cá nhân vốn là chi thể của Giáo Hội.

Một đám đông vô vàn, trong không gian và thời gian, có tư cách ngôi vị theo nghĩa thích đáng của từ ngữ này và thực sự tạo thành một ngôi vị, - liệu có cần phải ngạc nhiên trước sự xung đột dường như không thể hòa giải của các khái niệm mà với chúng, chúng ta phải đương đầu ở đây không? Đây là trường hợp trước nó chúng ta thấy mình giáp mặt với mọi mầu nhiệm của đức tin: một Thiên Chúa hoàn toàn duy nhất trong bản tính của Người nhưng lại trong ba Ngôi vị khác nhau, - một Ngôi vị thần linh nhập thể nhưng lại có hai bản tính, bản tính thần linh và bản tính nhân loại, đến nỗi bao lâu là con người, Người phải chịu một cơn thống hối dữ dội và chết trên Thập giá, - một thứ bánh được chúng ta ăn và thực tế là Thân thể của Chúa Kitô vinh hiển... Ở đó liên quan tới các đối tượng siêu việt trong yếu tính, các khái niệm của chúng ta bị vượt qua và dường như xung đột không thể hòa giải, tuy nhiên, chúng nối kết với nhau không hề có bất cứ mâu thuẫn nào.

Nếu Giáo Hội của Chúa Kitô là một đám đông lớn lao được ban tặng một cách siêu nhiên một tồn hữu ngôi vị và một cách siêu nhiên tạo thành một ngôi vị đơn nhất và duy nhất, thì đơn giản đây là dấu hiệu cho thấy Giáo hội là một mầu nhiệm đức tin.

Các thuộc tính, như hành động, "thuộc chủ thể", thuộc suppositum [bản vị], một bản vị, trong các hữu thể được ban tặng một linh hồn thiêng liêng, là một ngôi vị. Do đó, chúng ta hãy nói rằng chính ngôi vị của Giáo hội là duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền.

Chính ngôi vị của Giáo hội đề nghị với chúng ta các chân lý của đức tin.

Chính ngôi vị của Giáo hội được Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần không ngừng trợ giúp.

* * *

5. Cần phải nhận xét một lần nữa rằng để nhận được sự tồn hữu và tư cách ngôi vị theo tính hiện hữu, cấu trúc khả niệm mà người ta gọi là bản chất này phải hoàn chỉnh hoặc toàn bộ trong trật tự riêng của nó, nói cách khác là không thiếu bất cứ yếu tố có tính yếu tính nào. Nếu một người thiếu một cánh tay, điều này hoàn toàn không ngăn cản họ trở thành một nhân vị. Nhưng nếu thiếu cả năm giác quan nơi họ, hoặc vỏ não, họ sẽ không phải là một nhân vị, giả thiết lúc đó họ vẫn hiện hữu.

Chúng ta vừa thấy rằng nhờ một đặc ân độc đáo, vốn là dấu chỉ thích đáng của mầu nhiệm Giáo hội, nên, dù được cấu tạo bởi một số đông trong không gian và thời gian, nhờ hình ảnh của Chúa Kitô mà Giáo hội mang trong mình, Giáo Hội đã nhận được từ Thiên Chúa một tư cách ngôi vị siêu nhiên theo nghĩa thích hợp của từ ngữ này. Giáo Hội là một ngôi vị đơn nhất và cùng là một ngôi vị này ở trên trời và ở dưới đất.

Do đó, điều thích hợp là xem xét điều đó, điều, trong trường hợp của Giáo hội Chúa Kitô, xuất phát từ sự phân biệt siêu hình giữa bản chất và ngôi vị.

Thí dụ, chúng ta hãy nghĩ tới các Giáo hội "bất đồng" hoặc "ly khai" như Giáo hội Chính thống Hy lạp – Lạp phu (Gréco-Slaves). Thoạt nhìn, họ có vẻ sở hữu mọi điều vốn cấu thành nên bản chất của Giáo hội. Đúng là lời tuyên xưng đức tin của họ không bao gồm bất cứ tín điều nào được công bố sau Công đồng Nixêa lần thứ hai, được tổ chức năm 787. Nhưng vì lời tuyên xưng đức tin này (tôi không nói tới nhà thần học Chính thống này hay nhà thần học Chính thống nọ) không phủ nhận một cách minh nhiên những tín điều đang được đề cập, nên việc thiếu mà các Giáo Hội tôi đang nói tới này từng phải chịu đối với bản chất Giáo Hội Chúa Kitô vẫn không thể ngăn cản dấu ấn về tư cách ngôi vị siêu nhiên được đóng sâu trên họ.

Tuy nhiên, về phía cơ thể rộng lớn và phức tạp là chính thân thể của Giáo hội ở đây trên trái đất này, phải chăng, thoạt nhìn, không có điều gì thiếu thốn một cách trầm trọng hơn, trong các Giáo hội này, về bản chất làm Giáo hội Chúa Kitô của họ? Họ có tất cả mọi điều (hoặc gần như mọi điều) thuộc bản chất này, ngoại trừ việc họ thiếu người lãnh đạo hoặc người đứng đầu Giáo hội trong tình trạng lữ hành trên trần gian: vị đại diện của Chúa Giêsu Kitô, người kế vị Thánh Phêrô. Mà đầu rõ ràng là một cơ quan thiết yếu. Kể từ khi họ tách khỏi Rôma, bản chất các Giáo hội của Chúa Kitô ở đây trên trái đất này là bản chất bị chặt mất đầu.

Một triết gia thực sự buộc phải kết luận: họ có thể thánh thiện đến đâu đi nữa (và điều này họ vô cùng nóng lòng khẳng định, rất chính đáng là đàng khác), họ vẫn không vì thế được hòa nhập vào ngôi vị của Giáo hội. Họ là những cộng đồng các cá nhân được tổ chức với nhau, - theo cách thức của một quốc gia, của một dân tộc với quân đội vô số kể - và họ sở hữu những đặc điểm điển hình giống như vậy (trong đó, có ân sủng của Chúa Kitô) bởi lý do này mà danh xưng "ngôi vị tinh thần" có thể áp dụng một cách loại suy cho họ. Chừng nào vẫn còn phân rẽ, họ không mang dấu ấn của tư cách ngôi vị thực sự và đáng gọi do Thiên Chúa ban cho Giáo Hội độc đáo duy nhất của Người, cho Nàng dâu của Chúa Kitô, Nàng Dâu mà Thánh Gioan đã nhìn thấy như Người phụ nữ từ Thiên đàng, từ Nhà Thiên Chúa ngự xuống, và tham gia vào cuộc đấu tranh với Con Rồng tại đây trên trái đất này {19}. Họ không phải là chính ngôi vị của Giáo hội dưới tình trạng trần thế của Giáo Hội.

Tôi sẽ quay trở lại chủ đề này trong một chương khác (Chương X), trong đó, nhân nói tới điều người ta gọi là các yếu tố của Giáo hội, tôi sẽ cố gắng chứng minh rằng có sự hiện diện tiềm ẩn và vô hình của ngôi vị Giáo hội trong những hệ phái bất đồng, và tới một mức độ hết sức nổi bật trong Giáo hội Chính thống và Giáo hội Anh giáo. Tôi cũng sẽ cố gắng khám phá yếu tố tuyệt đối nền tảng và phổ quát của Giáo hội mà vì nó, ngôi vị của Giáo hội hiện diện một cách tiềm ẩn và vô hình trong toàn thể nhân loại. Sự kiện vẫn là trong số mọi gia đình thiêng liêng trên thế giới, Giáo Hội Công Giáo Rôma, Una, Sancta, Catholica, Apostolica [Duy nhất, Thánh thiện, Công Giáo, Tông truyền] mà Vị Đại diện của Chúa Kitô là người đứng đầu trên trái đất, một mình, ở đây trên trái đất này, mang dấu ấn tư cách ngôi vị của Giáo Hội, nói cách khác, là ngôi vị của Giáo hội trong tình trạng lữ hành, trong đó Giáo hội tự thể hiện mình một cách hiển hiện ở đây trên trái đất này.

Ghi chú

{1} "Id quo," trong từ vựng của Aristốt.

{2} "Id quod," trong từ vựng của Aristốt.

{3} Đối với một cuộc thảo luận kỹ thuật về khái niệm tồn hữu, xem Les Degrés du Savoir, Annexe IV [Các mức độ kiến thức, Phụ lục IV]. Đây là bản thảo thứ hai của Phụ lục này (trang 855-876) phát biểu trên đây suy nghĩ dứt khoát của tôi về điểm này, và đó là điều tôi đã tóm tắt ngắn gọn ở đây.

{4} Ý tôi muốn nói đây là một hiện thực hóa [actuation] qua đó vật có thể được tạo ra được giải phóng khỏi trật tự của tính yếu tính: như một bức tranh một khi đã được vẽ (bản chất) được giải phóng khỏi giá vẽ, hoặc khỏi trật tự có thể biến thành sự kiện [factibilité], khi nó được đóng khung (tồn hữu) để được treo trên tường (hiện hữu). Hình ảnh chắc chắn sẽ khập khiễng, vì nó chắc chắn liên quan đến những sự vật thuộc kinh nghiệm khả giác, tất cả đều đã hiện hữu.

{5} Bất kể là vấn đề thuần thần hay con người, bao gồm một linh hồn thiêng liêng và bất tử và một cơ thể tồn hữu với sự tồn hữu của linh hồn.

Bị tước mất cơ thể, mà không có nó, bản chất con người không hoàn chỉnh, các linh hồn bị phân tách không phải là ngôi vị, về mặt hữu thể học. Nhưng họ vẫn giữ tư cách ngôi vị tinh thần của mình.

{6} Thư Êphêsô 5, 25-2 7.

{7} Đã dẫn, 29-30.

{8} Adv. Haer., liv. I, c. 10, 2. (Trích dẫn bởi Cha Humbert Clérissac, Le Mystère de l'Église, trang 49.)

{9} Tổng luận Thần học, II-II, q. 83, a. 16, ad 3.

{10} Tư cách ngôi vị của mỗi người được nâng cao phẩm giá trong nó nhờ ân sủng. Xem thêm thông điệp Mystici Corporis, tr. 33; và Jean-Hervey Nicolas, Les profondeurs de la grâce, Paris, Beauchesne, 1969, tr. 310.

{11} 1Cr. 12, 28. - Xem Rm. 12, 4-7.

{12} Thư Êphêsô 4, 15-16.

{13} IICr. 5, 17.

{14} Cl 3, 10.

{15} ICr. 15, 47-49.

{16} Rm. 8, 29.

{17} II Cr. 3, 18.

{18} Humbert Clérissac, Le Mystère de l'Église, ấn bản thứ 5, Paris, Le Cerf, 1918, tr. 43.

{19} Kh 12: 1-6; 21: 9.