Chương chín: Cơ cấu của Giáo Hội



Các dữ kiện của Tin Mừng và Phác thảo Tiên tri chứa trong đó



1. Chúa Giêsu, con Thiên Chúa, sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, trước khi bắt đầu cuộc đời công khai của Người, đã muốn nhận phép rửa của Gioan, như một dấu hiệu cho thấy Người đã đến để tự mình gánh lấy tội lỗi của mọi người{1 }.

Rồi Người bắt đầu rao giảng, dạy dỗ, và loan báo tin mừng Cứu rỗi. Và Người đã chọn Nhóm Mười Hai làm tông đồ của Người, trong đó có Giuđa, kẻ đã phản bội Người.

Và Chúa Giêsu đã chỉ định Simong Phêrô làm lãnh tụ của các tông đồ, "con là Phêrô và trên tảng đá này, thầy sẽ xây dựng Giáo hội của thầy, và thầy sẽ giao cho con chìa khóa vương quốc thiên đàng". Ngài được giao trách nhiệm như vậy để cai quản toàn thể Giáo Hội của Chúa Kitô, "hãy chăn chiên con của thầy, hãy chăn chiên mẹ của thầy", và để là người giám hộ tối cao của đức tin trong Giáo Hội đó, "đến lượt anh, anh phải củng cố anh em của mình".

Về Simong Phêrô, tôi đã nói trong chương trước. Liên quan đến quyền tối thượng của ngài, tôi sẽ trở lại sau này (trong Phần 5).

Phêrô đại lượng một cách kỳ diệu này là một tông đồ trong số các tông đồ, mặc dù có trách nhiệm cao hơn, nhưng ngài vẫn chỉ là một con người như họ. Vào thời điểm cuộc Khổ nạn, ngài sẽ bác bỏ thầy của mình. Nhưng sự ăn năn của ngài đã khiến ngài trở thành nhân chứng và anh hùng vĩ đại nhất của đức tin.

Ở đây, tôi xin nhận xét rằng để thay thế Giuđa, Nhóm Mười Một đã chọn Matthias{2}, người đã ở cùng họ vào ngày Lễ Ngũ Tuần; nhưng vào nhóm tông đồ đã được tái tạo như vậy, Thiên Chúa còn muốn thêm hai người phi thường nữa, - Barnabê (Bar Nabûâh, Người an ủi ), người uy nghi mà tại Lystra, một ngày kia, những người ngoại giáo đã coi là thần Giupite, và Phaolô, người tân tòng bách hại đạo (từng tán thành việc giết Stêphanô, đã đặt áo của vị này dưới chân mình), Phaolô, tông đồ của Dân ngoại, người được bầu chọn vĩ đại của Chúa Thánh Thần, bậc thầy có một không hai trong tín lý sự thật.

Nhưng từ thời các tông đồ, Phêrô và Phaolô xuất hiện như hai người được sai đi xuất sắc nhất của Chúa Giêsu để thiết lập nơi ở của Người với chúng ta; và trong suốt quá trình lịch sử, họ sẽ không thể tách rời nhau, mặc dù hai sứ mệnh của họ rất khác nhau.

Khi lưu ý sự khác biệt này, một sự khác biệt mang tính bổ sung, không hề đối lập, như một số tác giả Thệ phản mong muốn, người ta không thể quên rằng Phaolô, nhờ Thiên Chúa và Chúa Kitô của Người, được kết nhập một cách đúng đắn vào đoàn tông đồ, qua phúc tử đạo, đã góp phần vào việc thành lập Giáo hội Rôma, đến nỗi, như nhiều người muốn tuyên bố, Đức Giáo Hoàng, giám mục của Giáo hội Rôma, kế vị cả Thánh Phaolô lẫn Thánh Phêrô. Tuy sự ngang hàng nền tảng như vậy trong thừa tác vụ tông đồ và giám mục đã được công nhận rõ ràng, nhưng sự khác biệt giữa các sứ mệnh lịch sử vẫn gây ấn tượng trong mắt tôi. Phêrô là người có thẩm quyền tối cao trong Giáo hội của trái đất, tảng đá trên đó ngôi đền bao la của sự sống này được xây dựng, Nhà Lãnh đạo chịu trách nhiệm cai quản cho đến ngày tận thế; trong Giáo hội mặt đất, Phaolô là sự tự do thánh thiện của trí hiểu đang lục lọi sự thật dưới sự thúc đẩy của Thần trí Chúa Kitô và làm cho sự thật của đức tin tỏa sáng, dạy dỗ sự thật này cho những ai tìm kiếm nó, và thúc giục họ cho đến ngày cuối cùng họ thâm hậu được nó.

Cả Phêrô lẫn Phaolô đều làm cho đoàn chiên của Chúa Giêsu thăng tiến, mỗi người theo cách riêng của mình, Phêrô, cùng với các anh em của ngài trong hàng giám mục{3}, cấu thành Huấn quyền và là cơ quan chỉ đạo sự sống của nhiệm thể ở đây trên trái đất; Phaolô cùng với những người đi theo ngài (mà không vì thế được ban cho bất cứ thẩm quyền huấn quyền nào, mặc dù họ có thể là bậc thầy về thần học) trong việc mở rộng không ngừng công trình khôn ngoan, trở thành chất men của nghiên cứu trí thức và của sự tiến bộ của Nhiệm thể qua các thời đại.

Và vẫn còn một người thứ ba để được Chúa Giêsu sai đi một cách xuất sắc, và phục vụ và thúc đẩy Giáo hội trên mặt đất, theo cách riêng của ngài, hoàn toàn được giấu kín trong Thiên Chúa. Ngài duy trì mãi mãi, không như Phêrô, nhờ sự kế thừa của những người nắm giữ quyền lực của ngài; nhưng, như Phaolô, nhờ dòng dõi con cái của tinh thần ngài. Ngài là Gioan, con nuôi của Đức Maria và là ẩn sĩ của Đảo Patmos, vị tông đồ của tình yêu và sự chiêm niệm, cùng với những người bạn của ngài, những người, như ngài, nằm ở ngay trung tâm của Nhiệm thể, nâng đỡ mọi sự, bù đắp mọi sự, đổi mới mọi sự, trong tình thân mật của sự kết hợp yêu thương với Người yêu dấu duy nhất, và trong sự tham dự đồng công cứu chuộc vào các đau khổ của Hấp hối và Thập giá vẫn tiếp tục trong họ.

2. Tin Mừng dạy chúng ta thêm rằng Chúa Giêsu Kitô không chỉ truyền lệnh cho các tông đồ rao giảng từ nóc nhà, và không chỉ làm cho Phêrô trở thành người thứ nhất trong số họ, để thiết lập ý nghĩa của Lời mạc khải và bảo đảm việc truyền tải Lời này, để cai quản Giáo hội và để chủ trì trong Giáo hội toàn bộ trật tự pháp lý. Ngài cũng thiết lập trật tự bí tích mà Giáo hội của Người vốn sống nhờ, bằng cách thiết lập, trong Bữa Tiệc Ly, Bí tích hàng đầu, được liên kết bất khả phân ly với hy tế Thập giá, làm nó hiện diện giữa chúng ta, hàng ngày và trên khắp bề mặt trái đất, qua Hy tế Thánh lễ. Bí tích Thánh Thể là tâm điểm của toàn bộ trật tự bí tích, lý lẽ hiện hữu của các Bí tích khác, và đặc biệt là bí tích Truyền Chức Thánh.

Và chính Chúa Kitô, trước khi lên trời, đã nói với các tông đồ của Người: "Vậy, hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ. Làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và và Thánh Thần"{4}. Đây không còn là một phép rửa sám hối, như của Gioan Tẩy Giả nữa; đây là phép rửa ban sự sống và sự sống lại.

3. Vì vậy, Giáo Hội được thành lập bởi Vị Lãnh Đạo Thần linh của mình trong khi Người sống giữa chúng ta, trước khi Giáo Hội này bắt đầu sự hiện hữu riêng của nó, khi rời khỏi trái đất, Người gửi đến các tông đồ những lưỡi lửa trong Lễ Ngũ Tuần, và từ đó, dưới sự hướng dẫn trên trời của Người, và "nhận được sự nhất quán và gắn kết hài hòa từ Đấng là đầu, tức Chúa Kitô," Giáo Hội bắt đầu xây dựng bản thân, theo cách của mọi sinh vật sống động, "lớn lên và xây dựng bản thân trong tình yêu"{5}, trong một diễn trình quan trọng sẽ tiếp tục cho đến ngày Chúa tái lâm.

Và khi Ngôi Lời Nhập Thể hiện diện ở đây trên trái đất, và cùng rảo bước khắp đường đất Giuđêa cùng đoàn chiên nhỏ các tông đồ của Người và sai bảy mươi hai môn đồ đi trước Người {6}, và loan báo cho dân về việc xuất hiện của nước Thiên Chúa, thời kỳ mới của sự tràn đầy ân sủng tối cao và ơn tha thứ tội lỗi, chính bản phác thảo tiên tri về Giáo hội đã xuất hiện trên trái đất, và các câu chuyện đẹp nhất của con người đã cung cấp cho chúng ta bức tranh của Giáo Hội này.

Ân sủng Kitô trong Thời đại Chúa Kitô đã đến

1. Trước Nhập thể, tất cả những ân sủng mà loài người nhận được từ Thiên Chúa kể từ Biến cố Sa ngã, bắt đầu với việc Ađam và Êvà ăn năn, đã được ban cho họ nhờ công trạng của Đấng Cứu Chuộc sắp đến; chúng là những ân sủng có tính Kitô, đại dương tình yêu mà trong nhiều thiên niên kỷ đã trải rộng tới mọi dân tộc trên trái đất; sau đó, do một tước hiệu đặc biệt, tới dân được chọn.

Nhưng kể từ ngày Nhập thể {7} những ân sủng có tính Kitô này là những ân sủng của Chúa Kitô đã đến. Chúng ta hãy nói rằng ân sủng của Chúa Kitô đã đến là ân sủng trong trạng thái trưởng thành vượt bậc: theo nghĩa nào? Theo nghĩa này, là nó không những là ơn thánh hóa đưa con người đến sự sống vĩnh cửu, mà còn là ân sủng "có tính xây dựng" [architectonique], ý tôi là làm cho con người đã được thánh hóa bởi nó trở thành một phần của Thân thể số đông [Corps multitudinaire] sẽ tồn tại vĩnh viễn và là Nhiệm thể của Chúa Kitô, Giáo hội của Chúa Kitô, sự viên mãn của Người và là Nàng dâu của Người.

Là thành viên sống động của Thân thể số đông đó, của Una, Sancta, Catholica [duy nhất, thánh thiện, Công Giáo], bất cứ ai đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội {8} một cách hợp lệ và trung thành đủ với ân sủng phép rửa để nó sinh ra trong mình hoa trái của đức tin, tình yêu và kết hợp với Thiên Chúa. Do đó, họ thấy mình được sinh động hóa từ trên cao hoặc "được lên mô thức" [informé], theo mức cá nhân của mình, và như một phần của toàn bộ Nhiệm thể, bởi linh hồn của sinh vật bao la và phức tạp này, vốn được tạo thành từ mọi ân sủng thánh hóa nhận được riêng lẻ. Áp dụng vào Giáo hội, định nghĩa của Aristốt về linh hồn quả vẫn luôn có giá trị: mô thức đầu tiên hay tình trạng hoàn chỉnh của hữu thể (entéléchie] nơi một cơ thể có tổ chức trong tiềm năng có sự sống. Linh hồn lên mô thức cho chất thể để cấu tạo nên một cơ thể sống thế nào, thì ân sủng của Chúa Kitô trong tính viên mãn của nó, linh hồn của Giáo hội, cũng lên mô thức, để cùng chúng xây dựng nên một cơ thể có tổ chức đơn nhất với đầy đủ mọi khớp xương và việc nối kết các khớp xương này, cho số đông nhân loại tụ họp với nhau trong hiệp nhất, không những của một Phép Rửa, nhưng trước hết và trên hết là việc tuyên xưng đức tin chân chính.

Điều rõ ràng là không nên đẩy loại suy này đi quá xa, vì Giáo hội, cũng như mỗi người chúng ta, không phải là một bản thể cá nhân, mà là một tập thể nhân loại được ban tặng cho một tư cách nhân vị siêu nhiên. Trong khi linh hồn của một sinh vật sống động hiện hữu toàn diện trong toàn bộ và trong từng bộ phận, thì linh hồn đúng nghĩa của Giáo Hội chỉ hiện diện ở trong toàn bộ, và chỉ hiện diện trong mỗi chi thể riêng lẻ theo mức ân sủng mà họ đã đích thân nhận lãnh.

2. Mặt khác, ân sủng thần linh không những nuôi sống các chi thể hữu hình của Giáo Hội; nó cũng nuôi sống, khắp thế giới, một số lượng không thể đếm xuể những con người vốn là thành viên của các gia đình tâm linh khác, có tôn giáo hoặc vô tôn giáo, và là những người chân thành tìm kiếm Thiên Chúa, dù chính bản thân họ không hề hay biết: họ thuộc về Giáo hội hữu hình một cách vô hình.

Nhưng ân sủng mà mỗi người trong số họ nhận được là một trong những phần cấu thành linh hồn của Giáo Hội. Do chính sự kiện này, họ thấy mình dù không nghi ngờ gì điều này, được sắp xếp cho thân thể bao la và phức tạp của Giáo hội. Tôi sẽ đề cập đến vấn đề này trong Chương X.

Chức Tư Tế Vương Giả của dân Chúa

1. Đoạn văn trong thư thứ nhất của Thánh Phêrô đoạn văn mà trong Hiến chế Tín lý về Giáo hội, Công đồng Vatican II đã đặc biệt kêu gọi sự chú ý của các Kitô hữu, có liên quan tới thời đại của Chúa Kitô đã đến, và tới ân sủng có tính Kitô trong trạng thái trưởng thành vượt bậc, tới Giáo hội của Chúa Kitô, đã thành hình trên trái đất kể từ ngày Lễ Ngũ tuần, lúc Người đã ban Chúa Thánh Thần của Người xuống trên các tông đồ của Người: " Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền. Xưa anh em chưa phải là một dân, nay anh em đã là Dân của Thiên Chúa"{9}. Ở đây, như Công đồng đã giải thích, Thánh Phêrô đã nghĩ tới tất cả các tín hữu mà trong họ lễ hy sinh Thập giá đã sinh hoa kết quả.

Do đó, chức vụ tư tế hoàng gia được Thánh Phêrô nói đến là chung cho hàng giáo phẩm và cho giáo dân, cho tất cả các thành viên "sống động" của Giáo Hội. Chức tư tế chung của các tín hữu và chức tư tế thừa tác hoặc phẩm trật "khác nhau về bản chất chứ không chỉ về mức độ"{10}. Tuy nhiên, chúng "có liên quan với nhau. Mỗi chức trong số này, theo cách đặc biệt riêng, đều tham gia vào chức tư tế duy nhất của Chúa Kitô. Vị linh mục thừa tác bằng quyền năng thánh thiêng mà ngài được hưởng, đào tạo và hướng dẫn dân tư tế. Hành động nhân danh ngôi vị Chúa Kitô, ngài thực hiện Hy Tế Thánh Thể, và nhân danh mọi người dâng nó lên Thiên Chúa. Về phần họ, các tín hữu tham gia vào việc dâng Thánh Thể do chức linh mục vương giả của họ. Họ cũng thực thi chức linh mục đó bằng cách lãnh nhận các bí tích, bằng lời cầu nguyện và tạ ơn, bằng chứng tá một đời sống thánh thiện, bằng từ bỏ bản thân và đức ái tích cực"{11}.

Như Cha Labourdette từng viết, "tham gia vào ân sủng đầu của Chúa Kitô, nhận được cho người được cứu chuộc nhờ hành vi linh mục của Thập giá, vốn là chiến thắng vĩ đại của Vua thiên sai, ân sủng Kitô, nơi toàn thể Giáo hội và trong từng thần dân của Giáo hội, là một ân sủng đồng thời có tính linh mục và hoàng gia: gens sancta, populus acquisitionis, regale sacerdotium [dân thánh, dân được chọn, hàng tư tế vương giả].... Mỗi Kitô hữu, theo nghĩa này, là một ‘linh mục’, linh mục và vương đế, giống như vị lãnh đạo của họ: đàn ông hay đàn bà, đến trước Chúa Kitô kể từ Ađam hoặc đến sau Người về phương diện lịch sử, mỗi người đã được cứu chuộc, do ân sủng của mình, đều có chức linh mục này." Họ sở hữu nó "bằng cùng một tước vị và cùng một mức độ như ân sủng," chức tư tế này được ghi khắc trong ân sủng Kitô. Trên Thiên đàng, nơi mà 'chức tư tế vương giả’ sẽ nở rộ trọn vẹn trong dân Chúa và trong mọi thành viên của nó, sự thờ phượng ngợi khen và cảm tạ sẽ không còn là một phương tiện của ân sủng, hay là một biểu tượng của một sự hoàn tất vẫn chưa đến, nhưng là một biểu thức của vinh quang bên trong; mà hy tế bí tích cũng không cần được cử hành nữa, và chức tư tế bí tích cũng sẽ không cần phải thực hiện nữa, cũng như các tín hữu sẽ không phải tham dự vào việc đó nữa. Việc Kitô hữu là linh mục và vương đế sẽ tự xác minh như nhau cho những người được chọn nhưng chưa bao giờ có ấn tín phép rửa hoặc ấn tín linh mục, cũng như cho những người khác. 'Chức tư tế vương giả’ này sẽ tồn tại vĩnh viễn như là hoa trái của lễ hy sinh trên Thập giá"{12}.

2. Ý tưởng tuyệt vời về chức tư tế vương giả của dân Chúa chỉ là một với ý tưởng về ơn gọi nên thánh của mọi Kitô hữu. Điều càng cấp thiết hơn là phải nhắc nhớ lại nó vì nó đã bị lãng quên phần lớn trong một thời gian khá dài. Hơn nữa, điều cần thiết là đừng hiểu sai về nó, hoặc tưởng tượng rằng mình đang tuân theo tinh thần của Công đồng khi cố gắng, nhân danh chức tư tế vương giả của dân Chúa, tạo ra một chất tẩy khử hết tính thánh thiêng của các đặc tính thích đáng của chức linh mục thừa tác hoặc phẩm trật, vốn là chức tư tế theo nghĩa đầu tiên của hạn từ này.

Công Đồng nói rằng, trong yếu tính của nó, chức tư tế thừa tác do linh mục thực hiện và chức tư tế vương giả chung cho tất cả các tín hữu có khác nhau.

Mỗi người phải thi hành chức tư tế vương giả bằng đời sống của mình, việc cầu nguyện của mình (Chúa Giêsu nói, orate semper [hãy cầu nguyện luôn luôn],) tình yêu của họ đối với Thiên Chúa và người lân cận, việc tham gia của họ trong các Bí tích, và sự kiên trì của họ trong việc phục vụ, bất chấp những yếu đuối của mình, sự hoàn thiện của đức ái; nếu họ ở trong bậc sống giáo dân và thế tục, họ cần phải vượt qua những xáo trộn và cám dỗ của thế giới như một người què được các thiên thần nâng đỡ, và với một sự tin tưởng và hy vọng càng phải vững chắc hơn.

Chức tư tế thừa tác là chức nhờ đó, một số người, được thánh hiến, bởi Bí tích Truyền Chức Thánh, để phục vụ Thiên Chúa và Giáo Hội, có sứ mệnh thích đáng là cử hành hy tế Thánh Thể, phân phát các Bí tích và giáo huấn Dân Kitô giáo, để trợ giúp người bệnh và người hấp hối, hỗ trợ và an ủi người đau khổ, cầu thay cho tất cả mọi người, và cống hiến hết mình, trên hết mọi sự, để làm chứng cho Chân lý là Chúa Kitô, và cho các thực tại đời sau.

Điều thích hợp và hợp qui, và đặc biệt được thời đại hiện nay yêu cầu, là trong khi vẫn còn là chính mình, linh mục tự do tham gia vào đời sống chung của con người, phá vỡ mạng lưới các phong tục truyền thống từng cô lập mình, tham gia vào các hoạt động xã hội và văn hóa của thời mình. Trong chừng mực trong đó một số người nào đó cảm thấy được ơn gọi (và có thời gian cần thiết để tùy ý sử dụng), không có gì phản đối việc họ kiếm sống bằng công việc chính tay họ làm, tuy đó không phải là công việc chính và cần hơn cả của họ. Vì công việc của họ là phục vụ các linh hồn, một công việc cũng hữu ích đối với con người như các công việc khác, có khi còn hữu ích hơn là đàng khác; và khi sai các môn đệ đi trước Người, Chúa Giêsu nói rằng họ xứng đáng được đền đáp như những người khác: dignus est operarius mercede sua [làm thợ thì đáng được trả công] (Lc 10: 7). Thánh Phaolô là một thợ làm lều; người ta hẳn tin rằng việc nghề này đã dành cho ngài nhiều thời gian để du hành.

Nhưng nhờ việc truyền chức của mình, linh mục thuộc lãnh vực thánh thiêng, thuộc vương quốc của Thiên Chúa, ngài là người của Thiên Chúa; Kinh thành ngài phục vụ trên hết là Giáo hội; và nhờ danh hiệu này, ngài không 'giống như mọi người khác'; nếu ngài muốn giống như mọi người (mà không nhận ra rằng thực tế ngài là một kẻ giả mạo), ngài sẽ mất tất cả sức mạnh của mình, và cả tính "hiệu năng" được thời nay tìm kiếm rất nhiều nhưng rất vô vọng. Điều người ta cần nơi ngài chính là đừng "giống như mọi người..."

Thừa tác vụ phẩm trật

Giáo Hội là một hữu thể vĩ đại mà Đấng Lãnh Đạo vô hình là Chúa Kitô, "ngự bên hữu Chúa Cha", và, tổ chức hữu hình ở trên mặt đất của nó, trong Bí tích, do đó, trong tác giả ân sủng, có nguyên tắc phẩm trật.

1. Vài lời về hàng ngũ giáo dân. - Trong kinh thành trần thế, và theo như nó tham gia vào các công việc của thế giới, vô số những con người vốn lập thành Giáo hội, tức giáo dân, chỉ là dân tự do nếu các nhà cầm quyền trần thế, trong các quốc gia đa dạng trên thế giới có trách nhiệm chỉ đạo nó, chịu hiến mình cho mục tiêu bảo đảm quyền tự do của công dân (điều đó theo luật là chuyện bình thường, nhưng trên thực tế lại khá hiếm hoi). Cũng chính số người này, trong Giáo hội, và theo như họ tham gia vào những điều thuộc sự sống vĩnh cửu, là những người tự do, vì cùng đích được Thiên Chúa chỉ định cho thẩm quyền thiêng liêng có trách nhiệm chỉ đạo nó tự trong nó không liên quan gì đến việc thống trị (ngoại trừ qua các tác nhân của nó, khi sai lạc). Đó là việc phục vụ các linh hồn để giúp họ tự giải thoát khỏi ách nô lệ cũ của tội lỗi, và sống với sự tự do của con cái Thiên Chúa. Thẩm quyền thiêng liêng đang đề cập không gì khác hơn là sự tham gia vào thẩm quyền của Đấng đã đến để giải thoát chúng ta bằng Máu của Người. Và những con người mà nó cư trú bên trong chắc chắn có thể lạm dụng nó (họ đã làm như vậy trong quá trình lịch sử, và Giáo hội đã phải trả giá đắt cho điều đó, mặc dù bản thân Giáo Hội vô tội về lỗi của họ), nhưng Thầy của họ sẽ nghiêm khắc với họ nhiều hơn so với những người khác khi Người sẽ giải quyết sổ sách của họ; và họ biết rõ điều đó.

Có thể nói giáo dân là thịt và máu của thân thể Giáo hội. Tại Phép rửa, họ đã được tẩy sạch tội lỗi của Ađam và trở thành những người tham dự vào sự sống thần linh; ba nhân đức đối thần đã được khắc ghi vào linh hồn của họ, cùng với ân sủng; lúc Thêm Sức, họ nhận được ấn tín của Chúa Thánh Thần; họ là bầy chiên của Chúa Giêsu, và qua Bí tích Hôn phối, họ được ủy thác để duy trì nó mãi mãi. Bánh nuôi dưỡng họ khi họ lữ hành trên trái đất này là Mình Chúa. Và cũng giống như Bí tích Thánh Thể, Bí tích Sám Hối và Xức Dầu Bệnh Nhân là những bảo đảm ơn trợ giúp của Thiên Chúa đối với họ cũng như đối với các linh mục của họ. Cùng với các linh mục, họ được kêu gọi tạo nên giống nòi được chọn, quốc gia thánh thiện, chức linh mục vương giả, dân Thiên Chúa, sống theo sự thật của Người, làm công việc của Người trong lịch sử. Công việc nhờ đó Giáo hội sinh hoa kết trái và tiến triển trên thế gian là công việc chung của giáo dân và của linh mục.

2. Chức linh mục. - Tôi vừa nói đến sáu Bí tích; chính nhờ Bí tích thứ bảy, Bí tích Truyền Chức Thánh, mà trong thân thể Giáo Hội, có thể nói, hệ thống thần kinh đã được cấu tạo nên; chính nhờ Bí tích Truyền chức thánh mà tổ chức phẩm trật của Giáo hội đã tiến hành.

Tổ chức này ra đời từ thời các tông đồ. Chính từ Nhóm Mười Hai, định chế phó tế đã phát xuất, khi bảy người được chọn để phục vụ bàn ăn{13}. Các tông đồ đã đặt tay các ngài lên người đầu tiên trong số những người kế vị họ.

Đối với Giáo hội, một thế kỷ cũng như một năm đối với con người. Thời thơ ấu của Giáo Hội kéo dài ba hoặc bốn thế kỷ. Trong diễn trình tăng trưởng đầu tiên này, dần dần hai chức năng lớn lao mà việc phong chức của giám mục sẽ trao phó trách nhiệm cho đã thành hình và trở nên nhất quán- tức các chức năng liên quan đến các Bí tích và các chức năng liên quan đến huấn quyền và quyền tài phán.

Bí tích Truyền chức thánh, trong căn bản, bao gồm ba bậc khác nhau: chức phó tế, chức linh mục đơn giản, và chức giám mục. Giám mục là sự toàn vẹn của chức linh mục. Với tước vị này, giám mục có toàn quyền trong giáo phận hoặc giáo hội địa phương của mình; nhưng bởi vì Giáo hội hoàn vũ là Nhiệm thể của Chúa Kitô, Thân thể hoàn hảo duy nhất, nên chính sự hiệp nhất của Giáo hội và ích chung của Giáo hội đòi hỏi rằng những vấn đề mà tự chúng có liên quan đến Toàn thể phụ thuộc tùy vào thẩm quyền của vị đứng đầu ở đây trên trái đất này của Giáo hội trong tính phổ quát của nó. Chính Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã thiết lập quyền tối thượng này của Phêrô, và từ chính Chúa Giêsu Kitô, nó đến với Đức Giáo Hoàng{14}.

Đối với chức Giáo hoàng tối cao, không có sự tấn phong bí tích đặc biệt nào, Giáo hoàng là Giáo hoàng bởi sự kiện duy nhất là ngài được bầu làm giám mục của Rôma và được đặt vào tòa của Phêrô. Ngài là Phêrô, như Đức Phaolô VI đã nói trong bài diễn văn trước Hội đồng đại kết tại Geneva, ngày 10 tháng 6 năm 1969. Đức Giáo Hoàng cũng có nhiều tước hiệu khác: giám mục tối cao của Giáo hội hoàn vũ, thượng phụ phương Tây, giáo chủ nước Ý, tổng giám mục của giáo tỉnh Rôma, quốc trưởng của Kinh thành Vatican. Những người phàn nàn về chúng chỉ chứng minh rằng chúng không có ý nghĩa lịch sử.

Về sự không thể sai lầm của Đức Giáo Hoàng, tôi đã nói ở trên (Chương VII).

Giáo hội của trái đất ở trong thời gian và hoàn thành sự phát triển của mình trong thời gian. Khi có vấn đề về Giáo Hội, điều rất quan trọng là phải có một số hiểu biết về lịch sử. Nhiều điều làm chúng ta kinh ngạc và đôi khi gây sốc cho chúng ta ngày nay đều có sự nhất thiết của chúng, về trật tự hoàn toàn nhân bản, hơn nữa, vào thời kỳ lịch sử đa dạng mà Giáo Hội phải trải qua. Đó là trường hợp chẳng hạn với quyền lực trần thế của các Giáo hoàng, vốn có những nhược điểm rất lớn (quân đội của các giáo hoàng, các trận chiến mà họ tham gia...), nhưng là điều trong thực tế là cần thiết cho sự độc lập của Giáo hội, trong một thế giới Kitô giáo mà các vị vua và hoàng đế của chúng tuy đã được xức dầu nhưng thường chỉ lo lắng bắt mọi sự phục tùng quyền lực của họ, ngay cả Nàng dâu của Chúa Kitô. Và việc vẫn còn tồn tại, dù nhỏ bé và không có vũ khí đến đâu, một thị quốc Vatican, - thì điều này rõ ràng vẫn cần thiết. Đức Giáo Hoàng, trong thực tế, không thể là công dân của bất cứ quốc gia nào, với những nghĩa vụ đặc thù được bao hàm phải có đối với quốc gia này; và tính siêu quốc gia mà ngài hưởng được với tư cách là quốc trưởng khiêm tốn của một lãnh thổ nhỏ bé là dấu chỉ và đảm bảo cho sự độc lập tuyệt đối của người lãnh đạo ở đây trên trái đất của Giáo hội hoàn cầu đối với những con quái vật đeo mặt nạ trong cuộc xung đột vĩnh viễn với các Quốc gia có chủ quyền.

Tương tự như vậy, người ta có thể nhận xét rằng sự can thiệp của những người vĩ đại trên thế giới này (bắt đầu với Constantine), của các tham vọng và phe nhóm của họ, vào các công việc của chức linh mục đã xảy ra hết sức thường xuyên trong thế giới Kitô giáo cách đây đã lâu mà cảnh tượng của thế giới hiện tại làm chúng ta nghiêng về việc lý tưởng hóa chúng quá đáng. Tuy nhiên, tự chúng có thể đáng trách và đáng ghê tởm đến đâu, chúng vẫn là giá chuộc, được Chủ nhân lịch sử cho phép, một sự thiện trước tiên được yêu cầu bởi các nhu cầu cấp thiết của thời đại, và hệ ở sự thống nhất tinh thần của nền văn minh; và xét chung, sự trợ giúp của Chúa Giêsu Kitô đã giúp Giáo hội của Người vượt qua tất cả bùn lầy của con người này, chắc chắn không khỏi bị những tổn thất nặng nề, nhưng luôn luôn tiến triển trong sự phát triển chính mình và trong việc hoàn thành sứ mệnh của mình.

3. Việc chỉ định người. - Điều quan trọng hơn hết đối với thẩm quyền trong Giáo hội là các ân sủng và các quyền hành thiêng liêng được thông ban bởi Bí tích Truyền Chức Thánh, và bởi các đặc sủng liên kết với sứ mệnh của Vị Đại Diện Chúa Kitô. Phương thức chỉ định hoặc lựa chọn các người được ủy thẩm quyền, vốn có nguồn gốc từ Thiên đàng, tự nó chỉ là thứ yếu, và nó thay đổi theo thời gian. Trong Giáo hội nguyên thủy, dường như chính các giám mục đầu tiên đã chỉ định những người kế vị các ngài. Sau đó, do sự tung hô của dân, như trường hợp Thánh Ambrôsiô, hoặc do sự lựa chọn của giám mục đoàn, mà các giám mục mới đã được chỉ định. Hiện nay, trong số những người Công Giáo theo nghi thức phương Đông, chính Thượng hội đồng, xung quanh Đức Thượng phụ, đã thực hiện việc chỉ định này, trước khi được Tòa thánh phê chuẩn. Quy tắc ủy thác cho Đức Giáo Hoàng lo việc đề cử các ngài đã được thiết lập nhanh chóng trong Giáo hội Latinh, và chắc chắn có những lợi thế lớn khi để vị chịu trách nhiệm đối với Giáo hội hoàn vũ chỉ định các mục tử của các giáo hội địa phương.

Điều có vẻ đáng nghi vấn là việc chỉ định này, ít nhất ở các quốc gia trong đó Tòa thánh có đại diện ngoại giao, thường được thực hiện theo gợi ý của các Sứ thần Tòa thánh: vì những vị này đôi khi có xu hướng đề cao hơn hết sự khôn ngoan ngoại giao và sợ những người có tính khí quá mạnh mẽ và trí tuệ quá đòi hỏi, - tất cả đều tạo cơ hội cho sự tầm thường, và không chuẩn bị cho một hàng giám mục đặc biệt vững vàng và mạnh mẽ trong những thời điểm khủng hoảng thực sự. Điều có vẻ chắc chắn đáng mong muốn là sứ thần Tòa Thánh được hỏi ý kiến, nhưng cả và trên hết là các giám mục mà người được chỉ định mới sẽ là đồng nghiệp, và những nhân vật đa dạng quen thuộc với thế giới giáo hội nhưng không nhất thiết phải là một phần của hệ thống phẩm trật, trong việc nhận định ai, vì lý do này hay lý do khác, Đức Giáo Hoàng hy vọng sẽ tìm được một số chỉ dẫn hữu ích. Theo ý kiến khiêm tốn của tôi, một cuộc tham khảo như vậy nên giữ hoàn toàn riêng tư và được mở rộng hơn cũng như tự do hơn và ít cố định hơn về mặt pháp lý.

Về Đức Giáo Hoàng, trong nhiều thế kỷ, chính Hồng Y đoàn (được Đức Phaolô VI tăng số lượng rất nhiều) bầu ngài, và tôi nghĩ rằng những đề xuất được đưa ra đây đó để bãi bỏ chế độ bầu cử này, đã không tính đến trọng điểm cần được xem xét. Hồng Y đoàn bao gồm những vị mà các vị tiền nhiệm của tân Giáo hoàng được bầu chọn đã chọn từ tất cả các quốc gia trên trái đất để trở thành anh em của các ngài và cộng tác trong sứ mệnh phổ quát của các ngài, và những vị đã được nâng lên hàng Hồng Y trong Giáo hội Rôma như đại diện cho tính phổ quát của Giáo hội. Như thế, hợp đoàn này mang trong mình một kinh nghiệm không gì sánh được về những điều thuộc Giáo hội; và dường như có khả năng tốt hơn bất cứ ai khác để đánh giá những người trong số các ngài có thể chọn làm vị lãnh đạo tối cao của Giáo Hội.

Tôi đã lưu ý rằng nếu hợp đoàn này bầu Giáo hoàng bằng việc bầu giám mục Rôma, thì không phải từ nó cũng như từ Giáo hội phổ quát mà Đức Giáo Hoàng nắm giữ quyền hành của mình; ngài nắm giữ chúng từ chính Chúa Kitô. Tôi cũng đã lưu ý thêm rằng đôi khi người ta tưởng tượng quy luật là các Hồng Y phải bầu cho triều Giáo hoàng một Hồng Y giống như các ngài. Đây là lầm lẫn nặng nề. Bất cứ Kitô hữu nào cũng là papabilis [có thể làm Giáo Hoàng], bất cứ người đàn ông nào tuyên xưng đức tin Công Giáo đều có thể được bầu làm giám mục của Rôma, cho dù họ là linh mục hay giáo dân; trong trường hợp cuối cùng này (vốn là trường hợp của Alexander VI, tên Borgia khét tiếng đó, quả làm mất danh tiếng của hàng ngũ giáo dân), họ được tấn phong giám mục ngay sau khi được bầu chọn.

Tính hợp đoàn

1. Về các quyền hành đa dạng trong việc cai quản Giáo hội, các quyền hành của hợp đoàn giám mục, hoặc của cơ quan giám mục được xem xét trong tính tập thể của nó, đã được Công đồng Vatican II làm sáng tỏ. Tôi không thể làm tốt hơn việc tóm tắt ở đây tuyên bố rõ ràng mang tính quyết định mà Đức Hồng Y Journet đã trình bầy cho chúng ta về chủ đề này{15}.

Bao lâu các ngài, ngoại trừ Phaolô và Barnabê, những người bạn đồng hành của Đấng Cứu Rỗi trong cuộc sống trần thế của Người, và, tất cả, những “sứ thần” của Người (apostoloi = tông đồ) để đặt nền móng đầu tiên cho Giáo hội Người và khiến Giáo hội phát sinh ở đây trên trái đất này, nói cách khác, liên quan đến sự ra đời của Giáo hội trong thời gian, các tông đồ được phú ban một thẩm quyền không thể chuyển nhượng, trong đó tất cả các ngài đều bình đẳng, mỗi người đều nhận được toàn bộ ân sủng của việc làm tông đồ, và Phêrô chỉ là primus inter pares [người thứ nhất trong số những người bình đẳng]. Nhưng bao lâu các ngài thực thi chức năng có thể truyền cho người khác được là chăn nuôi bầy chiên của Chúa Kitô, và bao lâu Chúa Giêsu chỉ định một người trong số các ngài, không giống những người khác, làm mục tử phổ quát, các ngài không bình đẳng về quyền hạn liên quan đến chức năng này, và họ truyền lại cho các người kế vị họ để điều hành Giáo hội, hay nói cách khác là liên quan đến việc bảo tồn Giáo hội và tính vĩnh viễn của Giáo hội trong thời gian: về mặt này, chính Phêrô là người nắm giữ quyền lực cao nhất, cho đến tận thế.

Hiến chế Lumen Gentium (III, 22) nói rằng, "Một người trong số họ được quy định làm mục tử của tất cả các chiên mẹ và các chiên con của chúng (Ga 21: 15-17). Một người đơn nhất trong số họ nhận được chìa khóa Nước Trời và được thiết lập như tảng đá, có nghĩa là như một cơ sở hữu hình tối thượng mà trên đó Giáo hội sẽ không ngừng tựa vào (Mt 16:18)". Một người duy nhất trong số họ, khi Người 'trở lại', có sứ mệnh đặc biệt là củng cố anh em mình (Lc 12:32)".

Do đó, thẩm quyền tối cao hiện hữu hoặc chỉ trong một mình (seorsim) Giám mục Rôma, hoặc trong Giám mục Rôma với sự tham gia (simul cum) của các giám mục như một tập thể, nói cách khác là hợp đoàn giám mục [collège episcopal]. "Giáo hoàng là chủ thể của quyền lực tối cao và đầy đủ đối với Giáo hội hoàn vũ. Hợp đoàn giám mục, hợp nhất với Giám Mục Rôma, người lãnh đạo của nó, và không bao giờ không có nhà lãnh đạo này, cũng là chủ thể của quyền lực tối cao và đầy đủ đối với Giáo hội hoàn vũ".

"Khi một người hỏi lý do tại sao Chúa Cứu thế lại muốn chủ thể kép này, thao tác kép này, cá nhân và hợp đoàn này, của một quyền lực tối cao đơn nhất, thì câu trả lời dường như sẽ là một sự bố trí như vậy là điều cần thiết bởi lý do căng thẳng hiện hữu trong Giáo hội giữa một mặt là tính hiệp nhất của nó và mặt khác là tính Công Giáo của nó. Việc thực thi cá nhân dường như có nhiệm vụ bảo vệ tính hiệp nhất của Giáo hội hoàn vũ, một cách không hẳn độc quyền, cho bằng, ít nhất một cách chính yếu; trong khi việc thực thi hợp đoàn dường như có nhiệm vụ bảo vệ, không hẳn là độc quyền, nhưng một cách chính yếu, tính Công Giáo, nghĩa là việc lồng vào từng thị tộc trên thế giới, - và theo các phương thức một cách nào đó trở thành đồng tự nhiên đối với họ, - của Giáo hội đơn nhất và không thể phân chia được vốn là Nàng dâu".

2. Tính hợp đoàn được đề cập ở đây là tính hợp đoàn của giám mục đoàn toàn thế giới. Nó là toàn bộ hợp đoàn hay cơ chế Giám Mục, hợp nhất với Đức Giáo Hoàng, người lãnh đạo của nó, có thẩm quyền tối cao và trọn vẹn đối với Giáo hội hoàn vũ. Do đó, khi đưa ra ánh sáng mối liên hệ như thế giữa Đức Giáo Hoàng và tính hợp đoàn, và quyền lực tối cao được sở hữu hoặc bởi một mình Đức Giáo Hoàng hoặc bởi hợp đoàn giám mục hợp nhất với Đức Giáo Hoàng, thì đó là mối liên hệ giữa Đức Giáo Hoàng và Công đồng, vốn là đối tượng của rất nhiều cuộc tranh cãi thần học trong quá khứ, mà Công đồng Vatican II đã làm sáng tỏ một cách dứt khoát.

Tuy nhiên, rõ ràng là nguyên tắc được Công đồng Vatican II phát hiện, tức nguyên tắc về sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Đức Giáo Hoàng và các giám mục, được áp dụng xa hơn so với những dịp "bất thường" là các Công đồng; mặc dù, cũng đúng là nó phải được áp dụng một cách thức hoàn toàn khác, trong diễn trình cai quản Giáo hội bình thường. Ở đây, người ta nghĩ, một mặt, tới các Hội đồng giám mục, trong đó các Giám mục của một quốc gia nhất định đi đến thỏa thuận về những đề nghị mà họ muốn đệ trình lên Tòa Phêrô, mặt khác tới các Thượng hội đồng giám mục trong đó, đại diện của cơ quan giám mục quốc tế, một số được chọn bởi các giám mục của quốc gia của họ, số khác được chọn bởi Đức Giáo Hoàng, cũng làm tương tự như vậy, nhưng không kém rõ ràng là, ngoài trường hợp của Thượng Hội Đồng, trong đó Đức Giáo Hoàng và giám mục của Toàn thể thế giới cùng nhau thực thi quyền lực tối cao, Đức Giáo Hoàng, miễn là ngài không triệu tập một Công đồng, một mình thực thi quyền lực này, mà không có sự hợp tác của hàng giám mục với ngài, bất kể nó có thể gần như với Thượng hội đồng đến đâu trong việc nêu lên những vấn đề liên quan đến Giáo hội phổ quát, có thể vẫn gặp rủi ro xâm hại hoặc ngăn cản bất cứ cách nào quyền tự do hành động của ngài. Điều này có nghĩa là vai trò của các cơ quan đại diện mà tôi vừa ám chỉ là cần thiết vẫn phải là vai trò tham vấn{16}, dĩ nhiên, ngoại trừ khi là vấn đề phải đạt tới các quyết định chỉ liên quan đến toàn bộ các Giáo hội địa phương, và các diễn trình cai quản mà các giám mục, do quyền hành thông thường của họ, và trong sự phục tùng thông thường đối với việc Chăn dắt của Đức Giáo Hoàng, thiết lập trên bình diện các Giáo hội đặc thù của họ.

Còn 1 kỳ