Tính ưu việt của chiêm niệm trong đức tin
Giờ đây, người ta có thể thấy đời sống chiêm niệm là trung tâm và không thể thiếu trong Giáo hội nói chung. Không có hành động bên ngoài nào mà không có sự chiêm niệm bên trong (vốn là chiều kích hiện sinh của chính đức tin), trong khi hoàn toàn có thể làm đầy cuộc sống bằng sự chiêm niệm bên trong mà không cần hành động bên ngoài. Vì hành vi chiêm niệm là hành vi liên tục nằm ở gốc rễ của mọi hành động bên ngoài; nó hoạt động tích cực và hữu hiệu, sinh hoa kết trái và có tính truyền giáo, vượt trên mọi nhiệm vụ bên ngoài của Giáo hội. Đối với Giáo hội, sẽ là một dấu chỉ nghèo nàn, theo nghĩa xấu, khi Giáo hội không còn hiểu điều này nữa và khi các nhà thần học của Giáo hội ngày càng quảng bá một cách trơ trẽn quan điểm cho rằng việc chiêm niệm, mà Giáo hội rất coi trọng, ngay cả dưới hình thức sống bên ngoài, kể từ thế kỷ thứ ba, thực sự là một thực hành xa lạ mà việc loại bỏ nó đầy khó khăn và cuối cùng đã thắng lướt nhưng đã mất hàng thiên niên kỷ mới đạt được. Vì vậy, Đức Hồng Y Suenens, chẳng hạn, trong cuốn Krise und Erneuerung der Frauenorden [Khủng hoảng và Canh tân Các Dòng Nữ], đã nói về “các giai đoạn biến hóa” (3), trong đó việc vây kín [cloistering] các nữ tu, điều mà ngài hiển nhiên hết sức hối tiếc, cuối cùng đã giảm bớt và cuối cùng đã bị bãi bỏ phần lớn. Các Thánh Angela Merici, Pierre Fournier, Francis de Sales, Jane Frances de Chantal, và Vincent de Paul đều là những giai đoạn trong “cuộc chiến giành tự do của Chúa Thánh Thần. Thánh Vincent đã thành lập một đầu cầu đổ bộ, nhưng ngài đã không chinh phục được toàn bộ địa hình” (4). Đối với thánh nhân, Đất Hứa này, nhìn một cách tổng thể, là sự tự do và mạnh dạn của cam kết bên ngoài trong việc phục vụ người lân cận. Theo ngài, trong mỗi trường hợp, cam kết này là động lực thành lập đầu tiên, và càng về sau, những nỗi sợ hãi rút vào tu viện và dòng kín thẩy đều là sự phản bội của nó ở một mức độ nào đó. Số phận việc thành lập của Thánh de Chantal có thể là một ví dụ ở đây. Đức Hồng Y Suenens chắc chắn thừa nhận (nhưng chỉ là một trường hợp hiếm hoi và ngoại lệ) một cuộc sống thuần túy chiêm niệm, chẳng hạn như cuộc sống mà các ẩn sĩ và các vị tu theo cộng đồng [cenobites] đầu tiên đã nỗ lực. Lối sống này trước hết hướng về Thiên Chúa, “chủ yếu tìm kiếm Thiên Chúa trong chính Người và cho chính Người. Nó tương ứng với nhiệm vụ thờ phượng trực tiếp và tập trung vào đời sống phụng vụ —Opus Dei [việc của Chúa] — và vào tác dụng của tôn giáo. Mặt khác, đời sống tông đồ được điều hướng về Thiên Chúa trong chính Người và phụng sự Thiên Chúa bằng cách phục vụ người lân cận...người tông đồ bỏ Thiên Chúa vì Thiên Chúa” (5).
Ở đây, lập luận nằm ở bên dưới là một đánh giá chiêm niệm hoàn toàn không chính xác về thần học và lịch sử, điều mà Đức Hồng Y Suenens, khi nhìn trở lui, đã sửa lại phần nào khi ngài mô tả sự bất khả phân giữa việc sống chuyên nhất cho Thiên Chúa và việc sẵn sàng có đó cho Giáo hội (6). Khi nói đến việc suy niệm trong đức tin của Kitô giáo, người ta không nên sử dụng thuật ngữ quen thuộc trong triết học Hy Lạp, là triết học chủ trương một sự “đi lên” rõ ràng một chiều từ tạm thời đến vĩnh cửu, rời xa thế giới để hướng về phía Thiên Chúa — một khái niệm lấp ló đâu đó trong bối cảnh không những của phong trào đơn tu Syria-Ai Cập (Thánh Evagrius và trường phái của ngài) mà ngay cả với Thánh Tôma Aquinô và khái niệm này chỉ có thể hướng ra bên ngoài và sau đó được liên kết với việc tông đồ đi vào thế giới. Thay vào đó, chúng ta phải tiếp cận việc chiêm niệm theo quan điểm chính là Kinh thánh, vì nhờ thế, nó mới bao hàm trong chính nó đáp ứng toàn diện của người tin vào Lời Thiên Chúa, tức là cam kết vô hạn đối với Lời này và ý định cứu chuộc thế giới của nó. Đây là cách mà Tổ Phụ của phong trào đơn tu, Thánh Antôn, đã thay mặt chúng ta đánh những trận đấu tích cực chống lại kẻ ác; đây là vai trò mà Origen cho rằng những nhà chiêm niệm nên đảm nhiệm bằng một cam kết lớn nhất, giống như Môsê, người, với đôi tay dang thẳng lên trời, phải được nâng đỡ, để từ trên núi cao, ông có thể tham gia trận chiến của dân Chúa; đây là cách Thánh Têrêsa cải tổ Dòng Cát Minh để có thể tiếp thêm sức mạnh cho Giáo hội, qua cầu nguyện và lễ hy sinh toàn thiêu, chống lại những tổn thất của cuộc Cải cách; cũng vậy, Thánh Têrêsa Hài Đồng đã hiểu việc chiêm niệm của mình còn toàn diện hơn như là trung tâm của công việc truyền giáo của Giáo Hội, và Giáo Hội, với sự xác nhận rõ ràng quan điểm của ngài, đã nâng ngài lên địa vị Bổn mạng của các Xứ Truyền giáo. Với tinh thần tương tự, Charles de Foucauld đấu tranh hàng ngày trước Nhà Tạm, trong sa mạc, để hoàn toàn đáp trả trong yêu thương, vì biết rõ ràng rằng ngài không thể giúp thế giới một cách sâu sắc hơn là bằng cách làm như vậy.
Khi mọi người tìm cách khuyến khích các nữ tu đan viện “kiểu cũ” với lập luận cho rằng, cùng với số lượng ngày càng tăng của các cộng đồng thế tục, họ vẫn được biện minh phần nào trong Giáo hội, ngay cả ngày nay, bởi vì họ “làm chứng (témoignage) hữu hình cho mọi người” (7), điều này tất nhiên là đúng, nhưng không hề đầy đủ. Tác dụng cốt yếu của việc chiêm niệm chân chính hoàn toàn nằm ở cõi vô hình, bất chấp tất cả các số liệu thống kê; đức tin tự đặt mình vào quyền sử dụng của Thiên Chúa, không tính toán và không suy tư, và Thiên Chúa có thể làm gì với nó rốt cuộc không phải là mối quan tâm của người tin. Họ là một tù nhân, một nô lệ bị bóc lột đến mức con đường chiêm niệm, nếu được theo một cách trung thực và không đi chệch hướng, thường dẫn đến một đêm đen, không còn thấy những gì mình đang cầu xin, những gì mình đã từ bỏ tất cả, không còn biết Chúa thậm chí có đang lắng nghe, còn muốn lễ hy sinh này, hoặc còn chấp nhận nó hay không...
Chúng ta hãy hy vọng rằng Giáo hội sẽ không bán những mầu nhiệm sâu xa nhất và những đặc ân cao cả nhất của mình đổi lấy nồi cháo hỗn độn là thỏa mãn với việc tông đồ bề ngoài; Giáo Hội sẽ không từ bỏ những hình thức táo bạo cuối cùng, chỉ có thể biện minh về mặt thần học, vì mọi cân nhắc tâm lý, xã hội học và thống kê. Đây có thể là một trong những việc san bằng được mô tả từ đầu. Không phải là lắng nghe Chúa Thánh Thần khi người ta bỏ ngoài tai các sứ điệp của Thánh Têrêsa thành Lisieux, của Edith Stein, và Charles de Foucauld. Vì “chứng tá” được họ đưa ra chủ yếu không phải là chứng tá của lối sống chuyên nhất chiêm niệm, vốn luôn luôn là công việc của một số ít, được chọn và được kêu gọi, mà là chứng tá của nền tảng chiêm niệm cho mọi cuộc sống Kitô hữu, như chúng ta đã cố gắng vạch ra.
Ai không chịu nghe Thiên Chúa trước hết thì không có gì để nói với thế giới. Giống như rất nhiều linh mục và giáo dân ngày nay, họ chỉ “lo lắng và phiền muộn về nhiều điều”, đến mức bất tỉnh và kiệt lực, và do đó sẽ bỏ lỡ điều duy nhất cần thiết; quả thật, họ sẽ tự nói với mình rất nhiều lời nói dối nho nhỏ để quên đi hoặc biện minh cho sự bỏ sót này. Ngày nay, ở khắp mọi nơi, chúng ta vẫn nghe thấy những lời biện minh như vậy, trên môi miệng của giáo dân và linh mục. Đủ khiến người ta phải rùng mình. Chúng ta được người ta cho biết thời chiêm niệm cuối cùng đã kết thúc. Việc chiêm niệm thuộc về một thời đại văn hóa đã qua, đây chỉ là bóng ma của khái niệm triết học cổ đại theoria [lý thuyết], trong đó điều cao quý (và tất nhiên, dành riêng cho những người cao quý có thời gian rảnh rỗi) là ngắm nhìn những vì sao và cảm thấy khao khát thể tuyệt đối. Bất cứ ai lãng mạn nhìn lên bầu trời hôm nay sẽ thấy ánh mắt của mình chỉ thấy những ống khói đang nhả khói. Chúng ta đang sống trong một thế giới làm việc thực tế, nơi dứt khoát đòi sự dấn thân của cả con người. Dù sao, ngay trong khu chung cư hiện đại, trong căn hộ gia đình hiện đại với những căn phòng thông qua nhau, đầy tiếng ồn ào của trẻ nhỏ, không còn một góc nào để chúng ta có thể tập trung tư duy và chìm đắm vào những giấc mơ không hạn chế. Và ít nhất đối với một linh mục nội thành bị quấy rối, bị bao vây cả ngày lẫn đêm: nếu ngài có thể lo liệu đọc được sách nguyện tóm tắt của mình, thì chắc chắn đó là điều tối đa người ta có thể mong đợi nơi ngài. Ngày nay, tất cả chỉ còn là việc gặp gỡ Thiên Chúa giữa hoạt động của chúng ta; nếu không, chúng ta sẽ để lỡ mất Người. Thế giới đang nổ máy và sẵn sàng tiến bước, và không ai có thể tắt máy nó lúc này.
Đó là cách người ta ăn nói, và họ không muốn nghe thêm bất cứ phản biện nào nữa. Họ đã tiến đến chỗ chấp nhận điều này và nghĩ rằng sự từ bỏ của họ (vốn thoải mái) có một điều gì đó có tính hết sức hiện thực, thậm chí còn có thể anh hùng nữa. Thánh Gioan d’Arc từng nói: “Phải phụng sự Thiên Chúa trước nhất”. Đúng vậy, nếu Thiên Chúa được phụng sự trước tiên, thì toàn bộ đời sống chúng ta trên thế gian này có thể mang ý nghĩa phụng sự Thiên Chúa, khi đó việc phục vụ nô dịch của chúng ta trong sưởng máy nhân loại có thể là một hành vi cam kết và chấp nhận tự do, rồi việc chúng ta gặp gỡ liên tục và không thể tránh khỏi với điều hoàn toàn trần gian có thể được nâng đỡ và hướng dẫn bởi cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, một cuộc gặp gỡ sẽ càng đồng hành với cuộc gặp gỡ này một cách mạnh mẽ hơn, khi nó càng ghi nhớ một cách nhấn mạnh hơn việc nó đã được thiết lập ở tận nguồn gốc đời sống đức tin của chúng ta. Lựa chọn căn bản “Ý Cha thể hiện” sẽ thắng thế suốt trong mọi điều đang thách thức chúng ta, chính tại nơi nó cắt ngang ý chí của tôi và đòi hỏi ở nơi tôi nhiều hơn điều tôi đã dự tính. Theo nghĩa này, sống và hành động trong thế giới là một cuộc huấn luyện về chiêm niệm. Vì giờ đây, chúng ta không còn có Chúa ở phía sau nữa mà thay vào đó, chúng ta đang hớn hở sải bước tiến về phía Người.
Chúng ta chỉ có thể tiến về phía Thiên Chúa khi, vượt trên mọi vấn đề của chúng ta, vẫn còn có chỗ trống bên trong chúng ta dành cho tính bất ngờ của thánh ý Người và khi mọi chương trình, dự định và tính toán của chúng ta được khởi động và giữ cho sinh động bởi những mời gọi luôn lớn lao hơn của Người. Chỉ với thái độ vâng phục tuyệt đối, kiên quyết trước mọi điều khác như thế, người Kitô hữu mới có thể chiếm hữu hạn từ “yêu thương” cho cuộc sống và việc làm của mình. Nếu không, thái độ và sự cam kết của họ sẽ không vượt quá sự cam kết của con người trung bình, một cam kết, như chúng ta biết do kinh nghiệm, thường có thể đạt được nhiều điều hơn nữa và sẵn sàng cho những hy sinh lớn hơn là cam kết của nhiều Kitô hữu.
Ý nghĩa của một lần và mãi mãi
Tại thời điểm này, sự dè dặt thận trọng trong lời cam kết của họ mà người ta rất thường gặp nơi các Kitô hữu trẻ ngày nay đã trở nên đáng nghi ngờ. Họ muốn tự dấn thân nhưng đồng thời lại muốn tự tay hãm đà. Họ cũng muốn dấn thân trọn vẹn, nhưng chỉ trong một thời gian có hạn. Vì về lâu về dài, không thể chắc chắn liệu dấn thân của họ có đáng giá hay không và họ muốn được tự do thay đổi tâm trí một lần nữa, sử dụng năng lực của họ ở những nơi khác, dấn thân vào các mối liên hệ mới. Họ tưởng tượng rằng bằng cách đó họ sẽ tăng tổng thành quả của họ, vì họ chỉ luôn làm những gì xem ra tốt đẹp đối với họ và bao lâu theo ý kiến của họ vẫn là điều đáng giá, và chính họ vẫn còn kiểm soát được.
Nó hơi giống một cuộc hôn nhân tạm thời hoặc “hôn nhân thử”. Thực thế, ngày nay thậm chí còn có cả một thứ gọi là đời sống đan viện “tạm thời”. Mặc dù trên thực tế không thể có điều nào trong cả hai trường hợp. Một đàng là liên hệ giao hợp tình dục trên cơ sở thử nghiệm; đàng kia là không gian hít thở chiêm niệm cho những người bận rộn, trong một số trường hợp làm khách trong bốn bức tường đan viện. Cuộc hôn nhân được chính thức thiết lập bởi một lời thề hứa hỗ tương mãi mãi thế nào, người ta cũng chỉ có thể trở thành linh mục đời đời chứ không phải trong một thời gian, nên nó cũng như vậy, trong hình thức sống được điều hướng bởi các lời khuyên của Tin Mừng. Điều hiển nhiên là, trong mỗi trường hợp, chính tính cứu cánh của hành vi mang lại hình thức đặc thù cho đời sống Kitô hữu, và bên trong nó là mọi hành vi cá nhân của nó, mang lại sức nặng trọn vẹn của nó trước mặt Thiên Chúa.
Từ những điều trên, ta có thể dễ dàng thấy rằng tính cứu cánh của một đời dấn thân có liên hệ sâu xa với sự tuân phục đức tin của người Kitô hữu. Trong cả ba trường hợp, kết hôn, chức linh mục, đời sống tu trì, đời sống chúng ta được giao phó cho Thiên Chúa một cách bất phản hồi. Trong niềm hy vọng rằng trái banh chúng ta thẩy ra sẽ được bàn tay của Đấng toàn năng nắm bắt. Ngược lại, người nào chỉ cống hiến đời sống của mình từng chút một vẫn giữa lại quyền kiểm soát nó. Như thế, trên thực tế, họ đâu có cho nó đi đâu. Có lẽ họ có thể đi truyền giáo ba năm như là một người trợ giúp giáo dân, và rồi sau đó có thể xem xét lại. Hoặc họ trở thành một nữ tu với ý nghĩ đâu đó ẩn hiện trong đầu là, bằng mọi giá, họ vẫn có thể kết hôn. Dù sao, mọi điều đang thay đổi quá nhanh chóng trong những ngày này.
Nhưng mọi tính sinh hoa trái chân chính của đời người đều bắt nguồn từ một cam kết một lần và mãi mãi. Phương án thay thế là điều bị Kierkegaard gọi là cuộc hiện sinh thẩm mỹ (một điều, đối với ông, tìm thấy biểu thức thuần túy nhất nơi Don Juan), trong khi thứ cam kết trước được ông gọi là cuộc hiện sinh đạo đức (trong trường hợp kết hôn) và cuộc hiện sinh tôn giáo (trong trường hợp từ bỏ hôn nhân). Điều tồi tệ duy nhất là khi, lấy cớ đạo đức, ai đó chọn một hiện sinh thẩm mỹ. Ngày nay có rất nhiều bằng chứng về tệ nạn này, do việc lạm dụng một hạn từ đẹp đẽ nhưng bị biến thành một khẩu hiệu nguy hiểm, khẩu hiệu Kitô hữu “trưởng thành” hoặc “giải phóng”.
Ai là "Kitô hữu trưởng thành"?
Cách diễn đạt này thực sự có ý nghĩa gì trong bối cảnh mạc khải Kinh thánh? Chẳng hạn, trong Cựu Ước có những điều như “người Do Thái trưởng thành” không? Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã vâng lời Chúa Cha cho đến chết, đã trưởng thành chưa? Trong Giáo Hội, có khi nào một linh mục, một tu sĩ, một nữ tu được coi là trưởng thành không? Hay chúng ta chỉ áp dụng hạn từ này cho giáo dân, những người có lẽ chỉ trưởng thành một khi họ vuợt qua "phong thái cha chú" của các giáo sĩ? Để hiểu rõ hơn một chút, chúng ta cần mở Kinh thánh.
Chữ Hy Lạp chỉ trẻ vị thành niên, nepios, có thể chỉ có nghĩa là một đứa trẻ bình thường (“Khi còn là một đứa trẻ, tôi nói như một đứa trẻ, tôi nghĩ như một đứa trẻ, tôi lý luận như một đứa trẻ” [1Cr 13:11], hoặc : “ ‘Ngài sẽ cho miệng con thơ trẻ nhỏ cất tiếng ngợi khen’?” [Mt 21:16; Tv 8: 3]). Nhưng khi tình trạng thơ ấu tâm linh bị kéo dài quá mức, nó trở nên đáng trách, như trong thư gửi tín hữu Do Thái 5: 11–12: “Về vấn đề này, chúng tôi còn có nhiều điều phải nói, nhưng khó mà cắt nghĩa, vì anh em đã trở nên uể oải không muốn nghe. Quả thật, với thời gian, đáng lẽ anh em đã phải là những bậc thầy, thế mà anh em lại cần phải để cho người ta dạy anh em những điều sơ đẳng về các sấm ngôn của Thiên Chúa : thay vì thức ăn đặc, anh em lại phải cần dùng sữa”. Sự non nớt ở đây là sự thiếu hiểu biết, và điều này, ngược lại, bắt nguồn từ việc điếc, không nghe được Lời Chúa; kiểu nói được sử dụng ở đây có nghĩa đen: bạn là người lười biếng, những người làm việc tồi tệ với đôi tai của bạn. Thánh Phaolô nói rất giống như thế trong 1 Cr 3: 1–2. Trước đây, ngài từng tuyên bố rằng con người phàm trần không hiểu Thần Trí Thiên Chúa, cần phải là con người tâm linh mới làm được điều đó và ngài, Thánh Phaolô, có Chúa Thánh Thần. Rồi ngài nói tiếp: “Thưa anh em, về phần tôi, tôi đã không thể nói với anh em như với những con người sống theo Thần Khí, nhưng như với những con người sống theo tính xác thịt, như với những trẻ nhỏ trong Chúa Kitô. Tôi đã cho anh em uống sữa chứ không cho dùng thức ăn, vì anh em chưa chịu nổi”. Nếu chúng ta tìm cách hiểu, theo ngữ cảnh của bức thư, Thánh Phaolô muốn nói gì về những điều thuộc Chúa Thánh Thần, những điều chỉ những người tâm linh mới có thể hiểu được, thì đó (trong chương 1: 18—2: 5) chủ yếu là “logos [lời] của Thập giá”, là sự điên rồ đối với thế giới, nhưng là sự điên rồ vốn là sự khôn ngoan giấu ẩn của Thiên Chúa, thứ điên rồ kết án sự khôn ngoan của thế giới là điên rồ. Sự non nớt của người Côrintô hệ ở việc họ không thể vượt qua “tai tiếng” này, một điều chỉ có nó mới ban cho ta cái nhìn sâu sắc vào tận “tâm trí bên trong của Thiên Chúa”. Điều này càng được củng cố trong phân đoạn quan trọng nhất, thư Galát 4: 1–7, đồng thời là đoạn nghịch lý nhất.
Theo Giao ước Cũ, các tín hữu ở dưới Lề luật như thể dưới quyền một chủ nô lệ, nhưng giờ đây, nhờ đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô, tất cả họ đều là con cái Thiên Chúa. Thánh Phaolô sử dụng một hình ảnh luật pháp:
“Tôi thiết nghĩ: bao lâu người thừa kế còn là thiếu niên thì không khác gì một nô lệ, mặc dù là chủ mọi tài sản. Nó phải ở dưới quyền những người giám hộ và quản lý, cho đến khi mãn hạn người cha đã định. Chúng ta cũng vậy, khi còn là thiếu niên, chúng ta phải làm nô lệ những yếu tố của vũ trụ. Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên : “Áp-ba, Cha ơi!” Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa”.
Ở đây, hình ảnh đứa trẻ không còn là một Kitô hữu chưa trưởng thành nữa mà đúng hơn là một tín hữu trước thời Chúa Kitô, tức người Do Thái, vì họ chỉ phụng sự Thiên Chúa qua trung gian của Lề luật, của một trong những “tinh thần căn bản” (do “ các thiên thần” cai quản, nghĩa là, bởi sức mạnh vũ trụ), và không phải trong tự do và trực tiếp gần gũi với Thiên Chúa. Sự giải phóng để trưởng thành như con cái đích thực đạt được là nhờ Con Thiên Chúa, nhưng kỳ lạ thay, chính là nhờ sự kiện Chúa Con, được sinh ra như một người chịu tuân phục quy luật vật lý của sự sinh hạ (“sinh ra bởi một người phụ nữ”), do đó chịu tuân phục "Lề luật". Vì vậy, chính nhờ Thần Khí của Chúa Con này mà các nô lệ được trở thành con cái và người thừa kế. Đó là Thần Khí của một tình yêu tự hạ, tự tuân phục, quên mình, vâng lời, như Thánh Phaolô mô tả chi tiết trong các chương tiếp theo (Gl 5–6). Đó là Thần Khí của những người “thuộc về Chúa Giêsu Kitô” và “đã đóng đinh tính xác thịt vao Thập giá cùng với các dục vọng và đam mê” (5:24).
Điểm chung của những đoạn văn trên là sự liên đới của trưởng thành và Thập giá. Điều này được làm sáng tỏ qua phần kết luận của Thư gửi tín hữu Do Thái đã đề cập ở trên: “Thật vậy, phàm ai còn phải dùng đến sữa, thì không hiểu gì về đạo lý liên quan đến sự công chính, vì người ấy vẫn là trẻ con. Thức ăn đặc thì dành cho những người đã trưởng thành, những người nhờ thực hành mà rèn luyện được khả năng phân biệt điều lành điều dữ” (Dt 5: 13–14). “Sự chính trực cuả Lời Thiên Chúa” từng xuất hiện trong Chúa Kitô cũng là một như “lời từ Thập giá” hoặc trong Thư gửi tín hữu Do Thái, là lời nói của chức thượng phẩm của Chúa Kitô. Đối với Kitô hữu chưa được dạy dỗ, điều này vẫn không mấy ngon miệng và tiêu hóa. Để tiêu hóa nó, người ta cần có cảm giác mùi vị của một người trưởng thành. Chỉ có người như vậy mới có thể “nếm được ân huệ bởi trời..., mới thưởng thức được Lời tốt đẹp của Thiên Chúa và được cảm nghiệm những sức mạnh của thế giới tương lai” (Dt 6: 4–5), vì chân lý hiện sinh của cái chết và sự Phục sinh của Chúa Kitô đã mặc lấy một tầm quan trọng lớn hơn trong sự hiện hữu của chính Người và trở thành tiêu chuẩn cho nhận thức về đúng và sai.
Khi nhận thức thuộc giác quan này về Thập giá đã được hình thành đầy đủ trong một cá nhân hoặc trong một cộng đồng, thì Thánh Tông đồ có thể coi nhiệm vụ vú nuôi của mình đã hoàn thành. Ngài nói với người Galát, “Được người ta tỏ lòng nhiệt thành là điều tốt, miễn là vì mục đích tốt và trong mọi trường hợp, chứ không phải chỉ khi nào tôi có mặt giữa anh em. Hỡi anh em, những người con bé nhỏ của tôi, mà tôi phải quặn đau sinh ra một lần nữa cho đến khi Chúa Kitô được thành hình nơi anh em” (Gl 4: 18–19). Sự “hình thành” này, phải diễn ra trong Kitô hữu, cũng y hệt như sự “hình thành” ban đầu được Giáo hội đóng dấu trên người ấy qua phép rửa tội, với hy vọng rằng nó sẽ thắng thế trước những vấn đề nổi loạn. Vì “Anh em không biết rằng : khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Chúa Giêsu Kitô, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới. Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Chúa Kitô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại. Chúng ta biết rằng : con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Chúa Kitô....Nếu chúng ta đã cùng chết với Chúa Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người” (Rm 6: 3–8).
Theo nghĩa này, trưởng thành là người chu toàn thực tại bí tích khách quan, một cách chủ quan và hiện sinh, trong chính mình. Ai không còn cần được thúc bách, hết lần này đến lần khác từ bên ngoài, để chết cho thế gian này, nhưng là người đã một cách tự do và có trách nhiệm và một lần cho mãi mãi “đóng đinh xác thịt mình với những đam mê và ham muốn của nó” và có thể nói chuyện với Thánh Tông đồ về “Thập giá Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta ! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian...; vì tôi mang trên thân mình những dấu tích của Chúa Giêsu”(Gl 6:14,17).
Để kết luận, nếu chúng ta phải tìm kiếm một điển hình cuối cùng về sự trưởng thành cũng có thể đóng vai trò như một thước đo cho mọi cá nhân, thì điều đáng suy gẫm là Công vụ 16: 6–7: “Các ông đi qua miền Phyghia và Galát, vì Thánh Thần ngăn cản không cho các ông rao giảng lời Chúa ở Axia. Khi tới sát ranh giới Myxia, các ông thử vào miền Bithynia, nhưng Thần Khí Chúa Giêsu không cho phép”. Thánh Phaolô và những người bạn đồng hành của ngài bèn lập kế hoạch, chắc chắn trong tinh thần vị tha Kitô giáo và vì lợi ích cao nhất của Nước Thiên Chúa, tuy nhiên, Chúa Thánh Thần có những kế hoạch khác, nhìn xa trông rộng hơn. Một kế hoạch đối đầu với một kế hoạch khác. Kitô hữu nào có khả năng, trong tinh thần mật thiết cầu nguyện và tin cậy với Thần khí luôn hiện diện, hướng dẫn và chỉ huy của Chúa Giêsu, sẽ hiểu rằng họ phải từ bỏ toàn bộ kế hoạch của mình để tiếp nhận kế hoạch của Thiên Chúa, một người như vậy có thể được coi là một Kitô hữu trưởng thành, như một người đã hoàn toàn trở thành materia [chất liệu] “vật chất” để tạo hình theo hình dạng của Chúa Kitô, một chất liệu được nâng lên từ sự xem ra “thụ động” lên mức độ hoạt động cao nhất của “Thể Mẹ” [Matrix] và “Mẫu Thân” của Chúa Giêxu. Vì họ “... là anh em, chị em và mẹ tôi ”(Mt 12:50).
Kỳ tới: Sống theo sứ mệnh