V. Giàn hỏa Rouen

Hỡi nữ tử Thiên Chúa, hãy đi, hãy đi, hãy ra đi!



1. Câu chuyện về Gioanna thành Arc là câu chuyện phi thường nhất trong thời Kitô giáo: chói lọi nhất và bí mật nhất. Người ta có thể cố gắng hình thành cho mình một ý tưởng về nó, càng chính xác càng tốt; để hiểu nó, với những lý luận xuông nghèo nàn của chúng ta? Nó quá phi thường và quá cao cả. Mỗi người đều biết đại khái. Tuy nhiên, ta nên nhắc lại các sự kiện, và sau đó nhấn mạnh vào một số điểm quan trọng đặc biệt.

Tại Domrémy, việc canh giữ bầy chiên chung được phân chia cho mỗi gia đình, luân phiên nhau; và khi cha mẹ cô đến lượt, Gioanna chắc chắn tháp tùng họ. Nhưng hoàn toàn không đúng khi cho rằng cô là một nữ chăn chiên, bất chấp Catherine thành Pisa và "nghề vui vẻ" [joli mestier] mà bà ấy gán cho cô trong các câu thơ của mình và làm lưu truyền trong truyền thuyết. "Thời trẻ, cô có học nghề gì không? - Có, cháu học may và kéo sợi. Trong nghề may và kéo sợi, cháu không sợ phụ nữ nào ở Rouen. Khi ở nhà với cha, cháu thấy những công việc bình thường trong nhà. Cháu không ra ngoài đồng để chăm sóc cừu và các động vật khác"{1}.

Cô sinh vào ngày 6 tháng 1 năm 1412. Năm mười ba tuổi, cô bắt đầu nghe được các Tiếng nói với cô. Lần đầu tiên cô rất hoảng sợ. "Đó là khoảng một giờ trưa, vào mùa hè, và ở trong vườn của cha cháu". Có một ánh sáng ở bên cạnh mà từ đó "Tiếng Nói tuyệt vời" đã phát xuất. Đó là Thánh Micae, cô chỉ biết điều này {2} vào lúc xẩy ra một trong những lần hiện ra sau đó (chắc chắn là lần thứ ba), trong đó cô đã dấn thân vào đức tin của mình{3}. Ngài đã thông báo với cô rằng Thánh Catherine và Thánh Margaret {4} cũng sẽ đến để "giúp cô định hướng chính mình". Ở lần hai thánh này đến thăm lần đầu, các vị đã nói cho cô biết tên các vị; sau đó, các vị quay trở lại không ngừng để giáo huấn cô và hướng dẫn cô. Chắc chắn, cô đã hỏi ý kiến các vị trước khi thực hiện lời khấn giữ mình đồng trinh.

"Không bao giờ cháu cần đến các vị mà các vị không đến". Cứ như thế bao lâu Gioanna còn sống, và bất kể cô ở đâu.

Ba vị tạo thành "ban khuyên bảo" cô - cô nhìn thấy các vị một cách "thực sự và trong thân xác", họ giống như chúng ta về mặt thể chất trong không gian. Thánh Micae xuất hiện vì những chỉ thị lớn liên quan đến sứ mệnh của cô, hai vị thánh thì hàng ngày. Cô lặp lại không mệt mỏi "rằng các Tiếng nói với cô phát xuất từ Thiên Chúa, cô nghe thấy chúng hàng ngày, vài lần trong ngày, cô nhìn thấy các vị bằng mắt, nghe thấy các vị bằng tai của mình, ‘giống như cháu nhìn thấy qúy ngài, thưa các quan tòa, xin vui lòng tin cháu!’” Cô quỳ gối trước Thánh Catherine và Thánh Margaret, “hôn họ và ôm lấy họ, - ôm đầu gối họ giữa hai cánh tay cô; cô ngửi thấy mùi thơm của họ; lần mò hình dáng của họ, không biến mất khi chạm vào"{5}.

Giọng nói của các vị rất "tươi đẹp, dịu dàng và khiêm tốn": Con gái của Thiên Chúa, Con gái có trái tim vĩ đại, các vị gọi Gioanna như thế. Các vị hứa với cô Nước Thiên đàng.

Trong cuộc điều tra sơ bộ cho phiên tòa phục hồi, Dunois sẽ làm chứng rằng một ngày nọ, nhà vua, ông và Bá tước Harcourt hỏi Gioanna: "Khi cháu nói rằng cháu phải nhờ đến ban khuyên bảo của cháu, điều gì xảy ra trong cháu?" Cô trả lời: "Rất đơn giản: Cháu lui ra một nơi, cháu cầu nguyện với Thiên Chúa, và sau khi cầu nguyện với Thiên Chúa, cháu nghe thấy một giọng nói: hỡi Con gái của Thiên Chúa, hãy đi, hãy đi, hãy đi, ta sẽ giúp con, hãy ra đi!" Và khi cô nghe thấy điều này, cô từng ước nó sẽ kéo dài mãi mãi.

2. Tại Domrémy, đứa trẻ được tiếng nói với em chỉ dẫn liên quan đến hành vi cần được tuân theo bởi một nữ Kitô hữu tốt lành yêu Thiên Chúa trên hết mọi sự. Cô lớn lên. Và rồi kìa, Tổng lãnh thiên thần, trong nhiều dịp và với sự hết sức nhấn mạnh, bắt đầu tiết lộ cho Gioanna thoạt đầu rất sợ hãi về sứ mệnh đáng kinh ngạc của mình: là cô, một cô gái nông dân nghèo nàn dốt nát, đến giúp đỡ cảnh đáng thương to lớn của Vương quốc Pháp, trở thành người lãnh đạo chiến tranh, giúp Thái Tử được xức dầu và lên ngôi, giải phóng Orleans, đánh đuổi người Anh.

Vào tháng 3 năm 1429, cô được Thái Tử tiếp đón tại Chinon, người mà cô nhận ra trong số các lãnh chúa của triều đình ngài (ông đã cải trang thành một trong số họ), - giống như cô đã nhận ra Baudricourt tại Vaucouleurs, - và là người cô cho biết nhân danh Thiên Chúa rằng ông là người thừa kế thực sự và là con trai của Charles VI. Một ủy ban do Regnault thành Chartres, Tổng giám mục Rheims chủ trì, đã tra khảo Gioanna. (Sau đó, với Thầy Seguin, hỏi cô tiếng nói với cô dùng ngôn ngữ nào, cô trả lời: "Tiếng Pháp hay hơn của ngài" – ngài trả lời "Đúng như vậy, vì tôi nói giọng limosin")

Cô không ước có thanh kiếm nào khác ngoài thanh kiếm mà giọng nói với cô đã tiết lộ cho cô biết sự hiện hữu, - được chôn giấu trong Nhà thờ Thánh Catherine de Fierbois. Người ta đặt cho cô một lá cờ như những vị Thánh của cô mong muốn, và được cô luôn mang theo trong các trận chiến. (Bản thân cô chưa bao giờ đổ máu, "Cháu chưa bao giờ giết bất cứ ai". Hơn nữa, như cô đã tuyên bố nhiều lần, trong lòng cô không có hận thù đối với người Anh. Cô muốn họ trở về đất nước của họ; và cô cẩn thận yêu cầu họ trước việc tự nguyện làm điều này. Nhưng họ chế giễu những lá thư của cô, và cô đã chiến đấu chống lại họ).

Ngày 8 tháng 5, Orleans được giải thoát.

Ngày 17 tháng 7, Charles VII đăng quang tại Rheims.

Gioanna lúc đó đúng mười bảy tuổi.

Sau khi được xức dầu và lên ngôi, nhà vua vội vàng chuyển sang các biện pháp ngoại giao, làm ngơ Gioanna trong khi, được hỗ không tốt về mặt quân sự, cô tiếp tục cuộc chiến. Cô thất bại trước Paris. Cô đến bảo vệ Compiègne; vào ngày 24 tháng 5 năm 1430, cô bị người Burgundi bắt ở đó. Tù nhân trong Lâu đài Beaurevoir, cô cố gắng trốn thoát, "nhảy vọt" từ đỉnh tháp nơi cô bị giam giữ, ngã xuống đất ngất xỉu; họ lại nhốt cô trở lại.

Vua Anh và Công tước Bedford lập kế hoạch của họ: cần phải xử cô ấy trước tòa án giáo hội, để hạ nhục Charles VII và chiếc vương miện mà ông ta nắm giữ từ một kẻ lạc giáo và từ một phù thủy" người bị “Giáo hội" đưa lên giàn hỏa. Người của họ sẽ là Pierre Cauchon, Giám mục Beauvais, và là người bảo tồn các đặc quyền của Đại học Paris, nơi rất sùng bái tiếng Anh. Vào tháng 11, qua cơ quan của Cauchon, Gioanna bị người Burgundi bán cho người Anh với giá 10,000 phật lăng thành Tours, và đưa đến Rouen, nơi họ giam cô trong một nhà tù giáo hội và nhốt cô vào lồng sắt.

Việc kết án

1. Phiên tòa Rouen, bắt đầu vào ngày 9 tháng 1 năm 1431, hoàn toàn bất thường. Đó là một "phiên tòa của Đấng Bản Quyền" không phải của Tòa Lạc giáo; và Cauchon, người chủ tọa nó với cái cớ Gioanna đã bị bắt trên lãnh thổ thuộc quyền tài phán của mình, hoàn toàn không phải là Đấng Bản Quyền của Gioanna. Ông được chỉ định bởi Vua Anh, chứ không phải bởi Đức Giáo Hoàng, người mà họ không hề thông báo và người mà họ cố gắng giấu giếm. Ông không ngần ngại sử dụng các tài liệu bị sửa sai hoặc giả mạo. Các thẩm phán đều là bạn của nước Anh và là kẻ thù của Gioanna, những người chỉ nghĩ đến việc gài bẫy cô (nhưng để đáp lại cô có sự khéo léo tuyệt vời của mình). Cô yêu cầu thêm các nhà thần học thuộc cánh Pháp vào số các giám định viên, - điều này đương nhiên bị bác bỏ. Trong số một trăm mười ba giám định viên, - luật gia, nhà giáo luật, v.v., linh mục triều hoặc linh mục dòng, - những người đã trả lời lệnh triệu tập của Cauchon, tám mươi là tiến sĩ do Đại học Paris cử đến. Tại sáu cuộc thẩm vấn công khai đối với Gioanna, khoảng năm mươi hoặc khoảng sáu mươi giám định viên này đã có mặt. Sau đó, cô phải trải qua chín cuộc thẩm vấn khác trong tù.

Phiên tòa này là một phiên tòa mang tính giáo hội được dàn dựng một cách phô trương, do Vua nước Anh chủ động và được thúc đẩy bởi một lòng căm thù chính trị khôn nguôi, nhưng, dù bất thường và gian lận, vẫn hoàn toàn mang tính giáo hội trong toàn bộ thủ tục của nó. Tất cả các người tố cáo đều hoàn toàn là người tôn giáo.

Để trả lời cho mười hai điều cáo buộc tổng hợp, Đại học Paris đã coi Gioanna là công cụ của quỷ dữ, kẻ nói dối, kẻ phạm thượng, kẻ bội giáo, v.v... Tuy nhiên, để kết án tử hình và thiêu sống cô, cách an toàn nhất là kết cô vào tội tái lạc giáo. Do đó, điều quan trọng hơn hết là phải dẫn cô ấy đến chỗ thề bỏ trước, sau đó người ta thực sự mong đợi cô sẽ tái lạc giáo. Tại sân nhà thờ Saint-Ouen, vào ngày 24 tháng 5, người ta đã hứa với cô đủ thứ lời hứa, và họ đã đưa cho cô một bản ghi nhớ mà cô không hiểu gì cả. Chắc chắn cô không phủ nhận tiếng nói với mình và sứ mệnh của mình, nhưng, khi cạn kiệt năng lực thể chất và nỗi sợ hãi bị hỏa thiêu, như cô sẽ nói sau này, "Cháu thích ký hơn là bị thiêu sống," cô đồng ý từ bỏ quần áo đàn ông, do đó, không vâng lời các Thánh của cô {6}, và ký tên vào bản ghi nhớ bằng một dấu thánh giá trong khi tuyên bố cô không thu hồi điều gì ngoại trừ với điều kiện điều này làm hài lòng Thiên Chúa. Sau lời thề từ bỏ giả hiệu này, cô bị kết án tù vĩnh viễn.

Do đó, khi được đưa trở lại nhà tù của mình, cô mặc quần áo phụ nữ; nhưng trong khi cô ngủ, lính canh cô đã đánh cắp chúng từ cô, đến nỗi lúc buộc phải đứng dậy khỏi giường bởi sự cần thiết của tự nhiên, cô phải mặc lại quần áo đàn ông trong giây lát (lời khai của Jean Massieu tại phiên tòa phục hồi). Ngày hôm sau hoặc ngày hôm sau nữa một lãnh chúa người Anh đã toan tính hãm hiếp cô. Sau đó, cô quyết định mặc lại quần áo đàn ông (lời khai của Isambart de la Pierre và Martin Ladvenu). Đó! Tội tái lạc giáo đó! Ngày 29 tháng 5, phiên tòa tái lạc giáo: kết án bị thiêu vào ngày hôm sau.

Sau khi tuyên bố rằng cô đã sa vào tội ly giáo, thờ ngẫu tượng, kêu cầu ma quỷ, và nhiều tội ác khác, và sau khi thề từ bỏ những hành vi sai trái này, cô lại đã rơi trở lại cùng những sai lạc như trước, như con chó trở lại ăn thứ nó đã mửa ra, bản án kết luận: "Ngươi là một kẻ tái lạc giáo và là một kẻ lạc giáo: Thành viên của Satan, bị cắt rời khỏi Giáo hội, bị nhiễm bệnh phong lạc giáo, các quan tòa chúng ta phán xử và phán quyết rằng để ngươi không lây nhiễm cho người khác, ngươi phải bị bỏ rơi vào cánh tay thế tục, và chúng ta bỏ rơi ngươi cho nó"{7}.

Vào đầu giờ đầu tiên của buổi sáng ngày thứ Tư, 30 tháng Năm, Tu sĩ Martin Ladvenu, người giải tội của Gioanna, đến nhà tù của cô để thông báo với cô rằng cô sẽ bị thiêu trên giàn hỏa. Cô kêu lớn tiếng và phản đối trước mặt Thiên Chúa, xé tóc. "Cơ thể tôi vốn trong sáng, đã biến thành tro tàn!"

Sau đó Cauchon đến với bảy giám định viên. Gioanna nói với ông, "thưa Giám mục, tôi chết vì ngài. Nếu ngài đưa tôi vào nhà tù của Giáo hội, điều này đã không xảy ra; đó là lý do tại sao tôi kháng án ngài trước mặt Thiên Chúa".

Sau khi Giám Mục đi khỏi, Gioanna đã đến xưng tội hai lần với Tu sĩ Ladvenu, và lãnh nhận Bí tích Thánh Thể.

2. Không phải là không có mưu kế khi Cauchon đến thăm Gioanna trước khi cô bị hành quyết. Há cô đã không hy vọng đến cùng ngược với mọi hy vọng việc giải thoát mà Tiếng nói với cô vốn hứa hẹn đó sao? {8} Kẻ đáng thương này muốn chiến thắng cô, dày vò đến tận cùng linh hồn cô hiện đang đau đớn thống khổ. "Không phải các Tiếng nói với cháu đã hứa với cháu là cháu sẽ được giải cứu sao? Nhưng cháu sắp chết. Bây giờ cháu thấy chúng đã lừa dối cháu như thế nào" - đó là những điều ông ta đến để nói với cô{9}.

Lúc đó, hai vị Thánh của cô có đến an ủi Gioanna không? Tôi nghĩ rằng có đến chăng nữa, họ cũng sẽ giữ im lặng. Gioanna biết rõ cô "sẽ bị trầm luân nếu cô nói rằng Thiên Chúa không sai cô đi". Cô hoàn toàn một mình phải bước vào đêm vĩ đại của Thiên Chúa, vào một thảm họa hoàn toàn. Tất cả các bảo đảm, mà ban khuyên bảo của cô đã đưa ra cho cô, trong một bình minh tuyệt diệu của lòng phấn khởi, táo bạo và tin tưởng hân hoan cô thấy đã hoàn thành trong suốt một năm đầy những sự kiện phi thường, những tiên đoán được thể hiện từng chữ, những trận chiến khó khăn đã chiến thắng{10}. Còn, như cô tuyên bố vào ngày 14 tháng 3, khi các Tiếng nói nói với cô rằng cô sẽ được giải phóng "nhờ một chiến thắng vĩ đại", và không nên băn khoăn về cuộc tử đạo của cô, và cuối cùng cô sẽ lên Thiên đàng, cuộc tử đạo này là gì? Chắc chắn, là "nỗi đau đớn và nghịch cảnh mà cô sẽ phải chịu trong tù". Có cần phải chịu đựng nhiều hơn nữa không? Cô không biết điều này và tin tưởng vào Chúa của chúng ta {11}. Và ngay cả khi (như cô nói vào ngày 8 tháng 5, trong Tháp Lớn, trước các công cụ tra tấn), cô đã hỏi các Tiếng nói với cô rằng liệu cô có "bị hỏa thiêu" không,và câu trả lời là: "Hãy tin cậy nơi Chúa chúng ta, Người sẽ giúp con", thì chúng ta cũng đừng tưởng tượng rằng cô hiểu tất cả những gì mà câu trả lời này ngụ ý; cô vẫn tin rằng cô sẽ được tha ngọn lửa, cô tin theo nghĩa đen vào những gì cô đã nghe, và sự giải cứu và "chiến thắng vĩ đại" là cho sự sống ở đây trên trái đất này, - hãy đi, con gái của Thiên Chúa, ta sẽ giúp con, hãy đi, - hy vọng trần thế đã không rời bỏ cô. Bây giờ mọi sự đã kết thúc; phải hiểu sự giải cứu và chiến thắng vĩ đại và sự ưu ái tối cao của Thiên Chúa, - chính là ngọn lửa không biết thương hại, và "cơ thể cô vốn tinh khiết, nay biến thành tro".

Ở đây, chúng ta đứng trước một phương pháp thông thường của Thiên Chúa. Những lời hứa của Người mang một ý nghĩa kép, sự thật của chúng quá cao cả, sự huy hoàng của chúng có tính quá hiến sinh đến nỗi chúng ta khó có thể nắm bắt được ngay ý nghĩa cuối cùng và quyết định của chúng. Thiên Chúa giấu nó trong bóng tối của cuộc đời này. Và Người thu xếp cho bạn bè của Người bằng cách chuẩn bị cho họ từng chút một...

Chính Đức Trinh Nữ Maria, vào ngày Lễ Thăm viếng, khi nói với bà Êlisabét: "Người đã ôm Israel tôi tớ của Người trong vòng tay, hằng nhớ đến lòng thương xót của Người", có phải lúc đó ngài nghĩ đến đồi Canvê, đến Giáo hội của Con ngài bị đóng đinh, và đến dân mới của Thiên Chúa không? Không, nhưng đến dân Israel xưa, nơi đã duy trì mãi dòng dõi Ápraham. Và khi ông già Simêong thông báo với ngài rằng thanh gươm sẽ xuyên qua ngài, ngài đã giữ lời nói này trong lòng, nhưng chỉ dưới chân Thánh giá, ngài mới hiểu được tất cả sự thật.

Ở đó có một định luật mà cách này hay cách khác, vào một ngày nào đó, sẽ được áp dụng trong đời sống của mỗi Kitô hữu.

3. Sáng nay, ngày 30 tháng Năm, trước chín giờ, Gioanna ngồi cùng với Tu sĩ Martin Ladvenu trong chiếc xe đẩy đưa cô đến Vieux-Marché. Mũ ống khói (mitre) mà cô đội trên đầu có dòng chữ: lạc giáo, tái phạm, bội giáo, thờ ngẫu thần. Một bài giảng khác cần phải nghe, do Nicolas Midi giảng, và trong lúc đó cô kêu cầu các Tiếng nói của cô. Rồi, cô bước lên giàn hỏa, cùng với Tu sĩ Ladvenu, với người này cô nói, khi nhìn thấy ngọn lửa: "Thưa thầy Martin, đi xuống! Ngọn lửa!" Cô đã yêu cầu người ta nâng cây Thánh giá có hình Chúa Giêsu bị đóng đinh lên, để cô có thể nhìn thấy "cho đến tận ngưỡng cửa sự chết". Tu sĩ Isambart cầm Thánh giá trước mặt cô; cô kêu lên "Lạy Chúa Giêsu, lạy Chúa Giêsu, lạy Chúa Giêsu," cầu khẩn các Thánh; cô chết trong tiếng kêu: "lạy Chúa Giêsu!"

Lúc ấy, cô mới mười chín tuổi.



4. "Cơ thể tôi vốn trong trắng, giờ biến thành tro bụi..."

Tại cuộc điều tra sơ bộ cho phiên tòa phục hồi, Tu sĩ Isambart sẽ làm chứng rằng sau khi hành quyết, tên đao phủ đã đến với ông và với người bạn đồng hành của ông là Tu sĩ Martin Ladvenu, "bị đánh động và xúc động đến phải ăn năn một cách huyền diệu và đau đớn một cách khủng khiếp, hết sức tuyệt vọng, lo sợ không bao giờ được Thiên Chúa tha thứ và khoan dung cho những gì hắn đã làm với người phụ nữ thánh thiện này; và đã nói và khẳng định với tên đao phủ này rằng bất chấp dầu, lưu huỳnh và than củi mà hắn đã bôi lên lòng và tim của Gioanna, nhưng bất cứ cách nào, hắn cũng đã không thể tiêu hao hay biến thành tro cả lòng lẫn tim; hắn rất ngạc nhiên khi nghe thấy vậy coi như một phép lạ tỏ tường” (12).

Phục hồi

1. Năm 1451, Đức Hồng Y Guillaume d'Estouteville, đặc sứ của Đức Giáo Hoàng Nicôla V bên cạnh Charles VII, mở cuộc điều tra theo giáo luật liên quan đến việc kết án, chắc chắn, theo yêu cầu của nhà vua, lo lắng muốn tẩy rửa vương miện của mình khỏi sự ô nhục vốn phản chiếu lên nó về việc đã làm nhục Gioanna. Ngài được sự trợ giúp của cha dòng Đa Minh Jean Bréhal, Tổng Quan tòa lạc giáo của Pháp, một nhân vật vĩ đại và cao quý, người sẽ trở thành linh hồn của phiên tòa phục hồi. Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng do dự trong việc can thiệp và đứng về phía nào trong cuộc tranh luận giữa Anh và Pháp, hai cường quốc Công Giáo. Để giúp ngài thoát khỏi khó khăn này, Bréhal đề nghị mở phiên tòa mới theo yêu cầu của mẹ và hai anh em của Gioanna, những người đã gửi đến Tòa thánh một bản kiến nghị về việc đó. Trong khi đó, Đức Nicôla V qua đời, và người kế nhiệm ngài là Đức Calixtô III, trong một chỉ dụ ngày 11 tháng 6 năm 1455, đã mở phiên tòa mới{13}.

Phiên tòa này, - phiên tòa phục hồi, - là một phiên tòa Giáo Hội hoàn toàn bình thường, trong đó, trong nhiều cuộc thẩm vấn, tất cả các nhân chứng sống sót đã làm chứng, và nhờ họ, chúng ta có được những thông tin quý giá liên quan đến Gioanna, cũng như những lời giải thích đáng chú ý về tín lý. Nó được tiến hành bởi những con người chắc chắn có thể sai lầm nhưng chính trực, và chắc chắn là những người có gắn bó chính trị, - với Pháp lần này (giờ đây đã hoàn toàn được giải phóng như Gioanna đã dự đoán), - nhưng trước hết và trên hết là niềm đam mê đối với công lý và sự thật, và ý thức về bổn phận của họ trước Thiên Chúa và trước Giáo Hội.

Phán quyết được đưa ra vào ngày 7 tháng 7 năm 1456, tại Điện Tổng Giám mục Rouen. Các quyết định và phán quyết của các thẩm phán năm 1431 được tuyên bố ở trong đó là "nhuốm màu lừa dối, vu khống, bất công, mâu thuẫn, sai lầm rõ ràng trên thực tế và luật pháp," và do đó "vô hiệu, không có giá trị, không có hiệu lực, và bị bác bỏ"{14}. Phán quyết phục hồi này được ban hành cùng ngày tại Quảng trường Saint-Ouen và vào ngày hôm sau tại Quảng trường Vieux-Marché, với một bài giảng trọng thể và việc trồng cây Thánh giá đền tội.

2. Ký ức về Gioanna thành Arc do đó đã được báo đền, và sự thật lịch sử được tái lập trước con người. Điều này có đủ đối với Đấng là Người được Gioanna yêu cho đến chết, và tên của của Người được cô kêu lớn trên giàn hỏa?

Năm thế kỷ trôi qua.

Đức Lêô XIII đã mở án phong chân phước cho Gioanna vào ngày 29 tháng 2 năm 1894.

Cô được Đức Piô X phong chân phước vào ngày 18 tháng 4 năm 1909.

Gioanna được Đức Bênêđíctô XV phong thánh vào ngày 16 tháng 5 năm 1920. Đó là đoạn kết của một đường cong, điểm cuối cùng hướng tới việc phục hồi, việc khắc lên các lá cờ Thiên đàng việc hoàn thành trọn vẹn số phận của Gioanna và của các mục đích của Thiên Chúa liên quan đến cô.

Phong thánh là một hành động không thể sai lầm của Đức Giáo Hoàng. Kẻ "lạc giáo, tái phạm, bội giáo, thờ ngẫu thần" bị Cauchon và các thẩm phán của Rouen kết án thiêu sống, với sự xác tín không thể sai lầm, là một vị thánh, được Thiên Chúa yêu quý, và là người mà giờ đây toàn thể dân Chúa đang cầu khẩn. Các Tiếng nói của cô đã nói đúng với cô rằng cô sẽ lên thẳng Thiên đàng.

3. Việc kết án Galilêô là lỗi lớn nhất do các nhân viên của Giáo hội hành động một cách hợp lệ, nhưng như nguyên nhân chính, và do đó có thể sai lầm.

Việc kết án Gioanna thành Arc là tội ác tồi tệ nhất do một nhân viên của Giáo hội hành động một cách bất hợp lệ và gian lận, và như nguyên nhân chính, và do đó có thể sai lầm.

Việc phong thánh cho Gioanna, việc phục hồi cô đã thành toàn trong vinh quang các thánh, - chính là Giáo hội hoàn vũ, Una, sancta, catholica, apostolica, Thân thể huyền nhiệm của Chúa Kitô và Hiền thê của Người, chính là ngôi vị của Giáo hội và tính không thể sai lầm của Giáo Hội đã tự làm cho mình được nghe thấy ở đó, qua Đức Giáo Hoàng hành động một cách như công cụ và không thể sai lầm, như tiếng nói của ngôi vị Giáo hội dưới thế và trên thiên đàng được xem xét trong tính toàn vẹn của nó.

Về các mạc khải tư

1. Khi họ bàn đến mạc khải theo nghĩa chung nhất của hạn từ này, các nhà thần học đưa ra hai phân biệt: họ phân chia mạc khải thành thần học phi thần học tùy theo đối tượng nó đề cập được sắp xếp hay không nhằm ad fidem deitatis [tin vào thần tính], đạt tới chính sự thật về Thiên Chúa như đối tượng đầu tiên của niềm tin; và họ chia nó thành Công Giáo (hoặc công cộng) và tư riêng tùy theo cơ quan thông truyền nó hoặc "đề xuất" nó cho con người là thẩm quyền công khai của Giáo hội hay chỉ là con người tư riêng tiếp nhận nó.

Thánh Tôma dạy rằng kể từ khi Chúa Con duy nhất xuống thế, không có mặc khải nào từ đó về sau có thể là thần học, nghĩa là dạy chúng ta bất cứ điều gì mới, mà lại không chứa đựng trong kho Đức tin, liên quan đến Thiên Chúa hoặc liên quan đến chân lý về Thiên Chúa như đối tượng đầu tiên của đức tin.

Những điều mạc khải mới được thực hiện trong Giáo Hội không liên hệ đến điều Thiên Chúa là gì, mà liên quan đến những gì Thiên Chúa muốn nơi chúng ta, chúng thuộc về trật tự thực tế và để hướng dẫn các hành vi của con người, ad directionem actuum humanorum.

2. Đó là điều các nhà thần học nói với chúng ta: các mạc khải tư liên quan đến hướng ứng xử của con người. Tuy nhiên, há các bậc thầy linh đạo không cho chúng ta biết điều hoàn toàn ngược lại đó sao? Họ cảnh cáo các môn đệ của họ rằng đừng bao giờ nên hành động theo các mạc khải tư mà bản thân họ có thể đã tiếp nhận được hoặc những người khác có thể đã tiếp nhận được và được họ nghe biết. Thánh Têrêsa và Thánh Gioan Thánh Giá không mệt mỏi nhấn mạnh đến điều này, có khi mạnh mẽ hơn, vì bản thân họ, trong nhiều trường hợp, cũng đã được soi sáng bởi những mạc khải tư như vậy, những điều tỏ ra rất hữu ích trong tác phong thực tế của họ. Nhưng có ai biết với các thánh bao giờ không? Và với biện pháp của các ngài vốn không giống như biện pháp của chúng ta, và được các ngài sử dụng như một máy rà bí mật? Thánh Philip Néri là người đầy tràn các ân sủng phi thường, và đủ để một linh hồn được tràn đầy các ân sủng như vậy bày tỏ mối nghi ngờ rõ ràng nhất và mức độ nghiêm trọng nhất liên quan đến nó.

Quả thực, sự mâu thuẫn biểu kiến có thể được giải tỏa một cách dễ dàng. Nói chung, người ta sẽ tự chường mình cho sai lầm và ảo tưởng nếu họ coi một mạc khải tư như một quy tắc hành động trực tiếp. Quy tắc cho các hành vi của con người là lý trí, được nâng cao bởi đức tin (và bởi các ơn của Chúa Thánh Thần), và chúng ta phải bắt các hành vi của mình suy phục chính quy tắc này, chứ không phải các thị kiến và mạc khải. Nhưng những mạc khải tư giống như những đóm sáng hoặc pháo sáng trên bầu trời thu hút sự chú ý của chúng ta và phóng chiếu một tia sáng mờ mờ vào một khía cạnh nào đó của tình huống có lẽ đã thoát khỏi lý trí yếu ớt và mất tập trung của con người. Lúc đó, được cảnh cáo như thế, con người có thể sử dụng sự phán đoán khôn ngoan, vốn là công việc của lý trí và đức tin, làm quy tắc hành động có độ chính xác hiếm có và đáng ngạc nhiên, trong những trường hợp đặc biệt khó khăn. Quả theo cách thức này, các bậc thầy linh đạo vĩ đại, trong cách ứng xử của mình, đã áp dụng học thuyết của các nhà thần học đối với các mạc khải tư, được đưa ra ad directionem actuum humanorum [nhằm hướng dẫn các hành vi của con người].

3. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp đặc biệt, trong đó trường hợp của Gioanna thành Arc là một thí dụ điển hình. Có thể phân biệt các trường hợp ngoại lệ này nhờ hai đặc điểm đặc thù: trước hết, mạc khải tư mà nó đề cập đến lúc đó là mạc khải "hoàn hảo" hoặc mạc khải "hiển nhiên" từ bên trong, và do đó, linh hồn được chỉ dẫn như thế biết một cách hoàn toàn chắc chắn rằng chính Thiên Chúa là Đấng chỉ dạy điều đó; thứ hai, mạc khải này, mặc dù tự nó là một mạc khải tư, nhưng liên quan tới (theo sự phân biệt của Cajetan và của Đức Bênêđíctô XIV) không phải lợi ích riêng của một cá nhân mà là lợi ích chung của cơ chế xã hội, và trên hết là của Giáo Hội hoặc của thế giới Kitô giáo{15}.

Các mạc khải tư liên quan đến lợi ích chung của cơ chế xã hội, và trên hết của Giáo Hội hoặc của thế giới Kitô giáo, tự trao cho mình một sứ mệnh và là một sứ mệnh công cộng. Chúng cử người tiếp nhận chúng vào một chức năng nhất định có những đòi hỏi riêng của nó; chúng làm cho họ trở thành một đại sứ của Thiên Chúa, một sứ giả, một "thiên thần". Từ đó, theo quan điểm của các điều kiện chủ quan mà họ được đặt vào, họ thấy mình nằm trong trường hợp tương tự như các nhà tiên tri của Luật cũ: mạc khải nhận được liên kết họ với một nhiệm vụ thần linh. Đồng thời, nó trở thành quy tắc có tính chất ra lệnh, - một qui tắc chắc chắn không hủy bỏ quyền tự do phán đoán thực tiễn (Gioanna luôn giữ quyền tự do phán đoán này, đến mức đã hai lần không tuân theo các vị thánh của cô), nhưng là quy tắc mà phán đoán thực tiễn có nghĩa vụ đem đến chỗ có hiệu lực.

4. Hơn nữa, linh hồn sẽ mất đức tin nếu nó từ khước hoặc không còn tin vào sự mạc khải đã nhận được. Đây là hệ quả của đặc điểm phi thường khác mà chúng ta đã ghi nhận trong các mạc khải tư đang bàn: chúng là những mạc khải minh nhiên hoặc "hoàn hảo", được đi kèm bởi sự chắc chắn rằng chính Thiên Chúa là Đấng truyền dạy, nói cách khác là được đưa ra với bằng chứng, - một bằng chứng nói về người mạc khải (evidentia in attestante) và về sự kiện mạc khải đã nhận được.

Do đó, và tôi tin rằng về điểm này, tất cả các nhà thần học đều nhất trí với nhau, những điều mà Thiên Chúa truyền dạy linh hồn trong một mạc khải như vậy sẽ làm nảy sinh, cho chính người tiếp nhận nó, một hành vi đức tin không phải nhân bản mà là thần linh.

Hành vi đức tin này, theo giáo huấn của trường phái Tôma, không phát xuất từ đức tin đối thần, bởi vì chỉ những điều được Thiên Chúa mạc khải liên quan đến các mầu nhiệm của chính thiên tính như đối tượng đầu tiên của niềm tin mới là đối tượng của đức tin đối thần; thế mà các mạc khải tư theo Luật Mới không có đối tượng là sự thật của những điều giấu ẩn trong Thiên Chúa, mà là hướng hành động của con người. Hành vi đức tin dựa trên một mạc khải tư khi người tiếp nhận nó, nhờ một ánh sáng siêu nhiên hiển nhiên, biết chắc nó phát xuất từ Thiên Chúa, do đó phát xuất từ một loại đức tin khác ngoài đức tin đối thần; các nhà thần học của Salamanque nói với chúng ta rằng nó phát xuất từ "đức tin" được Thánh Phaolô kể vào số các đặc sủng hoặc ân sủng gratis datae [ban cho nhưng không].

Nhưng, và đây là điểm quan trọng, các nhà thần học cũng dạy rằng nếu linh hồn nhận được sự mạc khải hiển nhiên là của Thiên Chúa mà từ khước hoặc không còn tin những gì Thiên Chúa đã nói với họ, không những họ mất đức tin thuộc trật tự đặc sủng mà họ đã nhận được nhờ mạc khải tư này, nhưng cả mọi đức tin siêu nhiên, và do đó cả đức tin đối thần nữa. Vì quả thực, khi chủng [genre] bị tiêu diệt, tất cả các loài [èpeces] thuộc chủng này cũng sẽ bị tiêu diệt. Thế nhưng, điều tạo nên chủng đức tin siêu nhiên (bất kể đối tượng được mạc khải có thể là gì) chính là lý do mô thức, tức tính chân thật của Thiên Chúa mạc khải, mà vì nó người ta tin, và động cơ mô thức này là hoàn toàn không thể phân chia được. Do đó, từ khước việc tuân theo một mạc khải tư mà họ biết là của Thiên Chúa, đối với linh hồn đã nhận được một mạc khải như vậy, đã hoài nghi thẩm quyền không thể sai lầm của Thiên Chúa mạc khải, đã tiêu diệt lý do mô thức của đức tin siêu nhiên, và do đó, cũng đánh mất loại đức tin siêu nhiên này vốn là đức tin đối thần, đức tin cứu rỗi.

Đó là lý do tại sao Gioanna biết rằng nếu cô từ khước các Tiếng nói của mình, “cô sẽ chịu trầm luân". “Nếu tôi nói rằng Thiên Chúa không sai tôi, tôi sẽ phải chịu trầm luân. Quả đúng là Chúa đã sai tôi".

"Đối với điều phải tin vào những mạc khải của tôi, tôi không hỏi ý kiến giám mục, linh mục hay bất cứ ai khác."

"Cô tin chắc những lời nói và việc làm của Thánh Micae, người đã hiện ra với cô, cũng như tin rằng Chúa Giêsu Kitô của chúng ta đã phải chịu chết và thống khổ vì chúng ta".


Còn 1 kỳ