Phục vụ Thiên Chúa trước nhất

1. Gioanna, cháu có phục tùng Giáo hội không? Chính với câu hỏi này, các quan tòa Rouen đã sách nhiễu cô hơn cả.



Như tôi vừa lưu ý, cô có bằng chứng cho thấy các mạc khải của cô phát xuất từ Thiên Chúa: evidentia in attestante, bằng chứng mạnh mẽ đến nỗi Gioanna đã tiến xa đến mức tuyên bố những gì cô nghe được phát xuất từ Thiên Chúa không nhờ các phương tiện khác (sine alio modo), - không có trung gian {16}. Các Tiếng nói với cô không truyền cho cô một lời nào được Thiên Chúa nói qua họ cho cô; cô đã nghe chính lời của Thiên Chúa nói trực tiếp với cô; các Tiếng nói với cô không phải là trung gian, những phương tiện truyền thông; chúng là chính sự rung động trong các lỗ tai cô, sự diễn đạt bằng ngôn ngữ của con người chính Lời Thiên Chúa.

Đây là lý do chính của câu mà cô không quên thêm vào các câu trả lời của mình: Cháu sẵn sàng vâng lời Giáo hội, nhưng Thiên Chúa phải được phụng sự trước nhất{17}, hoặc nếu người ta không ra lệnh cho cháu bất cứ điều gì bất khả{18}.

2. Nếu đó là vấn đề kho mạc khải do Giáo hội thông truyền, và thẩm quyền kỷ luật của phẩm trật, thì ở đó, không có vấn đề gì cả: "Nếu trong câu trả lời của cô có bất cứ điều gì trái với đức tin Kitô giáo do Chúa chúng ta truyền lệnh, cô sẽ không muốn duy trì và cô sẽ rất nổi giận chống lại".

"Cô tin rằng Đức Thánh Cha của chúng ta, Đức Giáo Hoàng của Rôma, các Giám mục và những người khác trong Giáo hội có nhiệm vụ bảo vệ đức tin Kitô giáo và trừng phạt những ai lỗi phạm..."

Nhưng nếu đó là vấn đề "những lời nói và việc làm" của cô, như thực tế đã xảy ra, hay nói cách khác là những mạc khải cô nhận được, - ở đây "cô sẽ không thu hồi, vì bất cứ điều gì trên đời, cũng như vì bất cứ người nào đang sống, những gì cô đã nói và làm đối với Thiên Chúa". Không ai trên thế giới này có thể khiến cô phủ nhận điều mà cô biết chính Thiên Chúa đã nói với cô. Không ai trên thế giới, kể cả Đức Giáo Hoàng? Ngày 24 tháng 5 năm 1431, chính cô đã yêu cầu: "Đối với mọi việc cháu đã hoàn thành, và những lời cháu đã nói, hãy gửi chúng đến Rôma cho Đức Thánh Cha của chúng ta, vị Giáo hoàng, Đấng và trước hết Thiên Chúa là những vị cháu tín thác trước nhất".

Tuy nhiên, ở đây, người ta vẫn nhận thấy một số dè dặt nào đó (do cụm từ Thiên Chúa trước nhất). Điều cô mong muốn là được đích thân gặp Đức Giáo Hoàng và có thể trả lời với ngài. "Được hỏi liệu cô có muốn phục tùng Đức Thánh Cha là Giáo hoàng không, cô trả lời: Hãy đưa cháu đến gặp ngài và cháu sẽ trả lời ngài". “Cháu yêu cầu được dẫn đến trước mặt ngài và sẽ trả lời trước mặt ngài mọi điều cháu phải trả lời”. Chính vì Gioanna chắc chắn không sợ bị Đức Giáo Hoàng phán định là mất trí, hoặc ngài sẽ ra lệnh cho cô đừng tin vào những mạc khải của cô{19}. Nhưng ai biết được liệu ngài, vì hoàn cảnh này hay hoàn cảnh nọ, lại không thích cô hành động cách khác? Tốt hơn là được dẫn trước mặt ngài, lắng nghe ngài và có thể trả lời ngài (các Tiếng nói với cô có lẽ sẽ khuyên cô điều này).

3. Do đó, tại nhà thờ Saint-Ouen, cô đã kháng án lên Đức Giáo Hoàng. Nhưng người ta trả lời cô rằng Đức Giáo Hoàng ở quá xa; cô phải phục tùng các giám mục chịu trách nhiệm về cô (như Giám mục của Beauvais, người mà cô từng nói: "Về phần ngài, cháu không muốn phục tùng ngài, bởi vì ngài là kẻ tử thù của cháu"?){20}. Người ta nói với cô rằng không thể đi xa như thế để tìm gặp Đức Thánh Cha, cũng vì các vị Bản quyền là những thẩm phán, mỗi vị trong giáo phận riêng của mình; và vì điều cần là cô phải phục tùng mẹ thánh Giáo Hội và cô phải tuân theo những gì các giáo sĩ dòng và những người uyên bác khác đã nói và đã ấn định về những lời nói và việc làm của cô"{21}.

Trong bản án tử hình ngày 30 tháng 5, các giáo sĩ dòng và những người uyên bác khác sẽ được gọi là các scientifici doctores [các tiến sĩ khoa học] mà cô gái cố chấp bị nguyền rủa này không chịu phục tùng. "Licet debite et sufficienter tam per nos quam, pro parte nostra, per nonnullos scientificos et expertos doctores ac magistros salutem animae tuae zelantes saepe et saepius admonita fueris...[ Mặc dù cháu đã được cả chúng tôi khuyên nhủ đúng mức và đầy đủ, và về phần chúng tôi, bởi một số tiến sĩ và chuyên viên khoa học và các thẩm phán, những người nhiệt thành đối với sự an toàn của linh hồn cháu, cháu vẫn thường xuyên và thường xuyên hơn được khuyên nhủ]"{22}.

Các thẩm phán của Gioanna đã có một ý tưởng hồ đồ về Giáo hội. Và sự hồ đồ này bị họ làm cho tự ý trở nên tồi tệ hơn, hoàn toàn không thể vượt qua, bằng cách trục lợi từ sự thiếu hiểu biết hoàn toàn về mặt con người của cô gái có tấm lòng cao cả để làm cô choáng váng với những từ ngữ bác học mà cô không hiểu, trong câu hỏi của họ và điều gọi là giải thích liên quan đến Giáo hội chiến đấu và Giáo hội chiến thắng. Gioanna cảm thấy họ làm mọi điều khiến cô phải bối rối. Sự mơ hồ không thể khắc phục được của chữ Giáo Hội chẳng hạn như họ đã sử dụng nó, để biến nó trở thành lãnh vực độc chiếm của các chuyên gia và các tiến sĩ khoa học, những người đòi hỏi sự tuân phục trong việc đánh giá và "xác định" liên quan đến bí mật của cõi lòng và những lời lẽ nhận được từ Thiên Chúa, - đây là lý do thứ hai của cụm từ phụng sự Thiên Chúa trước nhất mà Gioanna không bao giờ quên sử dụng.

4. Như Bréhal nói trong Recollectio [hoài niệm] của mình{23}, về các thẩm phán ở Rouen, clarum est quid per Ecclesiam isti intenderunt, non quidem Ecclesiam romanam aut universalem, sed potius semetipsos [điều họ muốn nói về Giáo Hội rất rõ ràng, không phải Giáo Hội Rôma và hoàn vũ, mà là chính họ]. Điều họ hiểu chữ "Giáo hội" là chính họ.

Do đó, chính với đầy đủ lý lẽ và một sự chính thống hoàn toàn trong sáng, Gioanna đã không ngần ngại trả lời (liên quan đến sự đơn sơ mà Bréhal và bạn bè của ngài, những tiến sĩ như ngài, nhấn mạnh khá nhiều, - cô không hiểu gì về biệt ngữ của các chuyên gia ở Rouen, nhưng, theo cách riêng của mình, cô được thông tri tốt hơn họ nhiều liên quan đến Giáo hội): "Cháu tin rằng Giáo hội chiến đấu không thể có lỗi hoặc sai phạm, nhưng đối với những câu nói và việc làm của cháu, cháu đặt chúng và quy chiếu chúng tất cả về Thiên Chúa, Đấng đã khiến cháu làm tất cả những gì cháu đã làm"{24}. “Trả lời rằng cô thực sự tin Đức Thánh Cha là Giáo hoàng của Rôma, các giám mục và những người khác trong Giáo hội có nhiệm vụ bảo vệ đức tin Kitô giáo và trừng phạt những ai sai phạm; nhưng về phần cô, phần những việc làm của cô, cô sẽ chỉ phục tùng Giáo Hội Thiên đàng, điều đó có nghĩa là phục tùng Thiên Chúa, Đức Trinh Nữ Maria và các thánh của Thiên đàng"{25}.

Điều đáng ngạc nhiên là về chủ đề này, một quan niệm sai lầm to lớn vẫn bị vi phạm bởi nhiều nhà sử học và nhà phê bình, và nó vẫn tìm được đường đi vào những bộ óc tuyệt hảo nhất {26}. Người ta đã tin rằng cô đã biến Giáo hội Thiên đàng thành một Giáo hội khác, một Giáo hội tách biệt với Giáo Hội của trái đất, và là Giáo Hội được cô kêu gọi chống lại Giáo hội của trái đất, trong khi trên thực tế, đối với cô, đó là cùng một Giáo hội duy nhất, nhưng trên đó thấy Thiên Chúa còn dưới thế này đã không thấy Người; đến nỗi cô tin vào Giáo hội trên mặt đất cũng như vào Giáo hội trên thiên đàng, và hoàn toàn không kêu gọi Giáo hội trên thiên đàng chống lại Giáo hội trên mặt đất, mà chỉ nhắc đến một vấn đề (các mạc khải của cô), một điều, hòan toàn liên quan đến những gì chính cô phải làm theo lệnh của Thiên Chúa, chứ không có điểm nào về tín lý, vốn không thuộc lãnh vực của Giáo Hội trên mặt đất (trừ Đức Giáo Hoàng, và Thiên Chúa phải được phụng sự trước nhất) {27}).

Cô đã nói tất cả mọi điều ở bên trên trong một câu trả lời đầy ý nghĩa khôn thấu: "Cô trả lời: 'Cháu tuân theo Chúa chúng ta, Đấng đã sai cháu đến với Đức Trinh Nữ và tất cả các vị thánh trên thiên đàng. Và cháu quan điểm rằng tất cả đều là một và cùng là một, Chúa chúng ta và Giáo hội [trong các dị bản khác: tất cả đều là một và cùng là một, Chúa và Giáo hội], và điều đó sẽ không gây khó khăn gì. Tại sao các ngài lại gây khó khăn cho điều đó?'" {28}.

Thiên Chúa và Giáo hội, Tất cả chỉ là một

1. Trong câu trả lời sáng chói và là một tia sáng của trực giác này, Gioanna, người không thể giải thích bằng lời lẽ của các nhà thần học, đã nói tất cả những gì mà những lời này có thể nói và sẽ có khả năng nói điều đúng nhất liên quan đến mầu nhiệm Giáo hội.

Khi nói: Thiên Chúa và Giáo hội - tất cả là một và cùng là một điều, Gioanna muốn nói rằng Giáo hội không phải là Thiên Chúa bởi vì Giáo hội được tạo ra, nhưng Giáo hội là vũ trụ của các tinh thần được tạo dựng sống bằng chính sự sống của Thiên Chúa qua ân sủng (ân sủng in via [đi đường] ở đây trên trái đất, ân sủng viên mãn trên Thiên đàng). Cô muốn nói rằng Giáo hội bao gồm các thiên thần cũng như con người. Noi gương Thánh Phaolô, cô muốn nói rằng Giáo Hội là Thân Thể Chúa Kitô, là Hiền Thê của Chúa Kitô và là sự viên mãn của Chúa Kitô. Cô muốn nói rằng Giáo hội trên trời và dưới đất không phải là hai Giáo hội khác nhau, mà xét về yếu tính, là Giáo hội đơn nhất, cùng là một và duy nhất dưới hai trạng thái khác nhau {29}. Cô muốn nói, - Tôi dám nghĩ như thế, điều mà một triết gia ngốc nghếch tội nghiệp cố gắng chứng tỏ trong cuốn sách này, - rằng Giáo hội đơn nhất, cùng là một và duy nhất này, cùng một lúc ở trên trời và dưới đất, và chỉ là một với Chúa Kitô như Nàng dâu với Chàng Rể, là một ngôi vị được tạo dựng trong khi Người là một ngôi vị bất tạo, và tư cách ngôi vị độc đáo của Giáo Hội là một tư cách ngôi vị bao trùm, trong tính hiệp nhất siêu nhiên và tính cá thể siêu nhiên, một đám đông vô kể mọi chi thể của Chúa Kitô, bất kể họ đang nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa hay đang lữ thứ trên nẻo đường đức tin của mình.

2. Và khi nói rằng Thiên Chúa và Giáo hội - tất cả đều là một và cùng là một điều, cô muốn nói rằng khi dựa vào các vị thánh của Thiên đàng để làm những việc làm và nói những lời nói của mình, cô đã mắc nợ mọi sự nơi Giáo Hội trên trái đất. Cô muốn nói rằng các ngôi vị của Giáo hội Thiên đàng nhờ ánh sáng Hưởng Nhan Chúa, như chính cô nhờ bằng chứng thần linh, biết rằng các mạc khải cô nhận được đều phát xuất từ Thiên Chúa, trong khi các ngôi vị của Giáo hội trên trái đất, những người sống bằng đức tin, chỉ có thể phán đoán từ những gì phù hợp hoặc trái ngược với đức tin chung của tất cả các Kitô hữu, điều mà chính cô cũng tuyên xưng trọn vẹn với cả trái tim của mình. Và trong khi phó thác các việc làm và lời nói của cô cho các Thánh trên Thiên Đàng, đồng thời cũng phó thác chúng cho Giáo Hội trên mặt đất về các sự thật được Chúa Kitô mặc khải cho mọi người, thì vẫn là và luôn luôn phó thác cho cùng một ngôi vị Giáo Hội, và không phải là không biểu lộ lòng tôn trọng đối với Giáo hội trên mặt đất, vì cô đã sẵn sàng, và yêu cầu, được đặt các việc làm và lời nói của cô dưới quyền của người lãnh đạo Giáo hội trái đất, - với điều kiện phải phục vụ Thiên Chúa trước nhất - và ngay cả dưới quyền của Công đồng, những người duy nhất, trong trường hợp ít thông thường như vậy, có thể đại diện cho Giáo hội trong tính phổ quát của nó, và quyết định và phán xét nhân danh nó.

Hai sai lầm liên quan đến sứ mệnh của Gioanna

1. Đầu tiên là sai lầm "ngoan đạo". Trong thế kỷ trước, người Pháp, và trên hết là những người Công Giáo Pháp "cánh hữu", đã tôn kính nơi Gioanna thành Arc một vị thánh được Thiên Chúa sai đến để chứng thực rằng Pháp là quốc gia được lựa chọn trong số các quốc gia. Gioanna, thần tượng của tính tự cao tự đại quốc gia: tốt hơn, không nên làm hoen ố ký ức về cô. Như thể dân duy nhất được chọn không phải là dân Israel{30}, và như thể Thiên Chúa đã không chăm sóc tất cả các quốc gia trên thế giới một cách giống như nhau! Những người Pháp trẻ tuổi ngày nay không còn giản lược sứ mệnh của Gioanna vào việc tôn vinh quê hương của họ, nhưng, ngay cả khi họ là Kitô hữu, họ không còn muốn nghe về các vị thánh và về các thiên thần, và mặt khác, họ không cảm thấy tự hào lắm về đất nước của họ.

Tuy nhiên, quả thực, sứ mệnh hiển hiện trước mắt của Gioanna, và một cách kỳ diệu!, là giải phóng nước Pháp và giúp nó khôi phục nền độc lập chính trị của nó. Nhưng điều này không hề nhằm chứng tỏ rằng Pháp là quốc gia thứ nhất trong số các quốc gia; đó chỉ là vì, vào thời điểm nhất định của lịch sử, nước Pháp, một nước mà các tước hiệu trong thế giới Kitô giáo thời trung cổ đã được thiết lập rất vững chắc, đã phải chịu sự bất công tàn nhẫn, và vì sự bất công này phải chấm dứt. "Và Thiên thần nói với cô điều đáng thương đang diễn ra ở vương quốc Pháp". Đây chỉ là vấn đề công lý và lòng cảm thương đối với những người bị áp bức, - "Cháu đã được sai đến với những người nghèo khó và những người bần cùng" - và để tái lập một đất nước với các quyền và sự tự do của nó.

2. Sai lầm khác vốn là sai lầm "thông thái". Người ta đã thấy một số tác giả nghiêm túc tự hỏi kết quả thảm hại nào chắc chắn sẽ xảy ra trong lịch sử thế giới nếu Gioanna không thành công trong việc đánh đuổi người Anh. Họ chắc chắn đã tưởng tượng Thiên Chúa là một nhà lãnh đạo chính phủ trên đất, vạch ra các kế hoạch cho tương lai, và quên rằng Người nắm trong tay mọi nguyên nhân thứ hai, và khiến chúng thay đổi theo ý muốn của Người.

Tự nó, việc phong thánh cho Gioanna đã chấm dứt hai sự sai lệch trên, bằng cách cho thấy rằng sứ mệnh thực sự của Gioanna, sứ mệnh vô hình vĩ đại của cô, là một sứ mệnh hoàn cầu.

Sứ mệnh đích thực của Gioanna

1. Bất kể điều này có thể liều lĩnh ra sao, điều thực sự cần phải cố gắng làm, tốt nhất có thể, là khuôn đúc một ý niệm về sứ mệnh thực sự của Gioanna, một sứ mệnh xuất hiện nhiều tầng trên một số bình diện khác nhau, và là sứ mệnh được cho là vừa bao la vừa mầu nhiệm.

Trước hết, đối với tôi, dường như đầu hết và trên hết, Gioanna (sống và chịu tử đạo trong thế kỷ mười lăm) đã được sai đến như một lời từ biệt huyền diệu của Chúa với thế giới Kitô giáo thời trung cổ đang đến hồi kết liễu.

Bất chấp những dấu tích của sự man rợ mà nó vẫn còn mang theo, thế giới Kitô giáo này là đỉnh cao nhất của nền văn minh Kitô giáo trong lịch sử nhân loại. Chúng ta hãy nghĩ đến đức tin đáng ngưỡng mộ của toàn thể người dân thường theo Kitô giáo thời đó, và thậm chí của những vĩ nhân trên thế giới này (mặc dù họ có thể đã mất tất cả do tham vọng và sự yếu kém đạo đức của đa số họ). Người ta hãy nghĩ tới công trình to lớn của lý trí, - trong những lĩnh vực cao nhất của tư tưởng, và dưới ánh sáng của đức tin, - đã được hoàn thành vào thời điểm này; tới di sản trí thức và luân lý mà chúng ta vốn nợ nó, tới các nhà huyền nhiệm của nó, tới các vị thánh của nó, tới những người xây dựng các thánh đường, tới ý niệm danh dự, tới phẩm giá con người, tới việc phục vụ người nghèo, mà dù nó có thể đã phản bội trong thực hành đến đâu, nó vẫn đã truyền lại cho chúng ta. Người ta hãy tưởng nghĩ tới Thánh Louis và Thánh Tôma Aquinô đang ngồi ăn cùng một bàn...

Thiên Chúa yêu thích thế giới Kitô giáo thời trung cổ này, và vui mừng vì tất cả sự tốt lành và thánh thiện có trong nó. Trong giây phút nó sắp qua đi, trong con người Gioanna, Người đã ban một hồng phúc hoàn toàn phi thường, - không như một phần thưởng (thưởng ai đây?) Nhưng như một dấu chỉ, dấu chỉ của tình yêu và của lòng biết ơn. Như thể Thiên đàng đã ban tặng cho trái đất một hình tượng xanh lam và vàng không gì có thể so sánh được, trong một khung hình được trang trí bằng những bông hoa Thiên đàng tưới đẫm bằng Máu quý giá và bằng những giọt nước mắt của Trinh Nữ Diễm Phúc.

Nhưng hình tượng diễm phúc này là của một cô gái tội phạm bị hành quyết, - bị hành quyết bởi các linh mục của Chúa Kitô: và món quà của Thiên đàng cũng mang đến cho trái đất một dấu hiệu về sự nghiêm khắc của Thiên Chúa đối với những kẻ sai lầm và bạo lực đã vấy máu thế giới Kitô giáo thời trung cổ, - - đặc biệt là đối với Tòa Lạc giáo, mà bức biếm họa tàn bạo của nó, vốn được trưng bày rõ bởi phiên tòa ở Rouen, đã được ký bằng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Causae ad invicem sunt causae [nguyên nhân là nguyên nhân của nhau]. Sự kết thúc của thế giới Kitô giáo thời trung cổ kéo theo sự kết thúc của Tòa Lạc giáo thời trung cổ; và Tòa lạc giáo thời trung cổ là một trong những sai lầm lịch sử không thể sửa chữa mà vì nó, thế giới Kitô giáo thời trung cổ đã bị diệt vong.

Sự từ biệt của Vua Thiên đàng với thế giới Kitô giáo thời trung cổ, - khía cạnh ban đầu trong sứ mệnh của Gioanna và hành trình của cô trên trái đất, - đồng thời là một sự từ biệt đầy lòng biết ơn tuyệt vời và là một sự từ biệt đầy trừng phạt không thể tránh khỏi.

2. Trong sứ mệnh này của Gioanna, điều làm chúng ta có ấn tượng đầu tiên là sứ mệnh hiển hiện trước mắt, mà tôi đã nói vài lời ở trên: giải phóng nước Pháp, và là sứ mệnh đã thành công hoàn toàn (nó hoàn thành rất nhanh sau khi Gioanna qua đời).

Nhưng ở đó, trên cùng một bình diện của công việc trần thế cần phải hoàn thành, cũng có một sứ mệnh bí mật, và là một sứ mệnh có tầm ý nghĩa lớn hơn, mà về nó, trong suốt sinh thời của Gioanna, một điều gì đó đã được biểu lộ. Tôi nghĩ đến cảnh tượng đáng kinh ngạc diễn ra tại Chinon vào năm 1429. Tác giả cuốn Breviarium historiale [lịch sử sách nguyện] kể lại, "Một ngày nọ, Trinh Nữ yêu cầu nhà vua tặng cho cô một món quà. Lời yêu cầu đã được chấp nhận. Do đó cô xin chính vương quốc Pháp như một món quà. Sau một lúc do dự, Nhà vua ngạc nhiên đã trao nó cho cô, và cô gái trẻ đã nhận nó. Cô thậm chí còn muốn việc này được long trọng viết ra và được 4 thư ký của nhà vua đọc lên. Văn kiện được soạn thảo và được đọc lớn tiếng, nhà vua hơi sửng sốt khi cô gái chỉ vào ngài và nói với những người hiện diện: 'đây là hiệp sĩ nghèo nhất của vương quốc của ngài'.

"Và sau một thời gian ngắn, trước sự chứng kiến của cùng các công chứng viên, với tư cách chủ nhân của vương quốc Pháp, cô đã trả lại nó trong tay Thiên Chúa Toàn năng. Rồi, vào cuối một vài khoảnh khắc khác, hành động nhân danh Thiên Chúa, cô đã trao vương quốc Pháp cho Vua Charles; và tất cả những điều này, cô muốn rằng một văn kiện trang trọng sẽ được soạn thảo bằng văn bản"{31}.

Đối với Gioanna, những gì diễn ra ở đây có tầm quan trọng lớn. Cô không chỉ được sai đến để giải phóng nước Pháp. Cô cũng được sai đến để khôi phục "vương quốc thánh thiện" trở lại với thiên chức thực sự của nó: phục vụ Vua Thiên đàng. Chính theo các ý tưởng thời đó, và theo quan điểm của chế độ thánh thiêng, và chế độ quân chủ, một chế độ qua việc xức dầu đã được giao, một cách gần như bí tích, một nhiệm vụ trần thế nhưng trong yếu tính có tính Kitô giáo, mà Gioanna đã quan niệm ý nghĩa của điều vào ngày đó cô đã thực hiện cho Charles VII, và nhiệm vụ bí mật mà chính cô đã được giao phó. Dưới một chế độ khác không phải là chế độ thánh thiêng, các vị vua thực sự là Kitô hữu trong tâm hồn không phải là không thể hành động theo tinh thần mà cô yêu cầu. Trong thực tế, nhìn cách hành xử của các vị vua kế vị Charles VII (và nói chung nền chính trị của tất cả các nhà cầm quyền của chúng ta), cần phải nói rằng sứ mệnh bí mật của Gioanna là một thất bại hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu người ta nghĩ tới một cách thức hoàn toàn khác, trong đó tinh thần Kitô giáo không còn là của vua chúa mà là của dân trung thành hơn bao giờ hết phải nỗ lực để làm sống lại trật tự trần thế, thì có nên tin rằng trên Thiên đàng Gioanna đã quên một sứ mệnh rất yêu quý đối với cô không?

3. Chúng ta hãy chuyển sang một sự suy xét hoàn toàn khác, trong đó lần này sẽ là vấn đề về sứ mệnh của Gioanna, theo như nó vẫn tiếp tục trong lịch sử nhân loại trên bình diện tinh thần (tự bản chất của nó là bình diện vũ trụ).

Tôi nhận xét ngay từ đầu rằng không có vị thánh nào thu hút được nhiều sự chú ý của các nhà văn và nhà thơ, bên ngoài cũng như bên trong biên giới của đất nước chúng ta, và bất cứ gia đình tâm linh nào mà họ có thể thuộc về. Đầu tiên là Villon và Christine thành Pisa. Voltaire ghét cô; chắc chắn vì cô làm ông vô cùng khó chịu. Anatole France yêu cô trái với ý muốn của ông. Trong số những người yêu mến cô một cách hân hoan, những người nổi tiếng nhất là Schiller và Bernard Shaw.

Mặt khác, có những người mà trong họ người ta có thể biện phân được mối liên hệ họ hàng tinh thần với cô (đôi khi không được chính họ biết đến), hoặc chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thiên tài của cô: Thí dụ từ Pascal (người, theo như tôi biết, chưa bao giờ nói về cô, nhưng cũng là người ở dưới dấu hiệu "phục vụ Thiên Chúa trước nhất") tới Villiers de l'Isle-Adam, Léon Bloy, Charles Péguy, có lẽ Claudel, và, theo một nghĩa nào đó, có lẽ cả André Breton, nhưng chắc chắn, một đại họa sĩ như Georges Rouault....

Nhưng điều quan trọng nhất ở đây là chính bình diện linh đạo. Môi trường mà từ đó, Thánh Têrêsa thành Lisieux và tính tình tự nhiên của bà phát xuất, không có điểm gì giống như của Gioanna. Tuy nhiên, thánh nữ không những chỉ yêu cô như một người chị gái, và, ngay giữa lòng tu viện, đã sống tinh thần của cô, mà người ta còn có thể nói rằng trong lĩnh vực của đời sống nội tâm thuần túy, sứ mệnh của thánh nữ giữa chúng ta đã được đóng dấu bằng một dấu ấn đặc biệt kết thân nó với Gioanna: tự do phi thường, giản dị phi thường, can đảm phi thường, và trên hết, hoàn toàn hiến thân để giúp đỡ một cách anh dũng cho những người đáng thương đang ở trong vương quốc trái đất {32}. Câu nói được ca tụng của Thánh nữ Têrêsa: "Tôi sẽ dành Thiên đàng của tôi để làm điều tốt trên đất", có âm hưởng của câu trả lời của Gioanna {33}. Và nó mang lại cho chúng ta xiết bao ánh sáng! Rất nhiều Kitô hữu, hiểu sai kiểu nói Requiem aeternam [an nghỉ đời đời], đã nghĩ trong một thời gian dài rằng các Thánh đã dành thiên đàng của họ để nghỉ ngơi ở đó và ngủ ở đó một giấc ngủ phước hạnh! Thực ra, hưởng nhan Thiên Chúa không ngừng đề cao trong họ một lòng nhiệt thành không thể tưởng tượng nổi - và một sự nhiệt thành sẽ kéo dài cho đến ngày tận thế - muốn đến giúp đỡ những người đang lữ thứ ở đây trên trái đất này. Đức Trinh Nữ nói với hai người chăn cừu nhỏ của La Salette, trong thông điệp gửi mọi người, “Kể từ thời điểm Mẹ chịu đau khổ vì các con”. Và một lần nữa: "Nếu mẹ muốn Con của mẹ không bỏ rơi các con, mẹ được dạy phải không ngừng cầu nguyện với Người. Còn đối với các con, về phần các con, các con không biết đánh giá cao việc này. Các con có cầu nguyện, có làm gì đi nữa cũng không thể bù đắp nỗi đau mà mẹ đã chấp nhận vì lợi ích của các con".

4. Ở đây, xin cho phép tôi nhận xét một chút - để lấy lại hơi thở - ở một bình diện thấp hơn nhiều, - một lạc đề nhỏ, trong ngoặc, trong đó tôi muốn quay lại những mối quan tâm nghề nghiệp cũ của mình trong tư cách một triết gia. Các bậc thầy Kinh viện của tôi đã dạy tôi một học thuyết mà tôi rất yêu mến. Nhưng tôi luôn nghĩ rằng phương thức trình bày, thái độ và phong cách gọi là "Kinh viện" đã hết thời rồi, bởi vì chúng đã trở thành một trở ngại cho cuộc sống và cho sự tiến bộ của học thuyết vĩ đại này trong lịch sử nhân loại. Những gì nó cần không còn là một cách tiếp cận bác học và thẩm quyền, ghi vào đá cẩm thạch một sed contra (nhưng trái lại) hùng vĩ và những câu trả lời hết cãi nổi cho những phản chứng được đánh số; đó là một cách tiếp cận tự do, có tính cách tìm hiểu, vừa khiêm tốn vừa tự hào cùng một lúc; đó là tiến bước dưới lá cờ của Gioanna. (Có một chút gì thuộc điều này trong phong cách của Bergson).

Tôi mơ ước có những sinh viên thần học và những chủng sinh hết lòng cầu nguyện mỗi ngày với thánh Tôma Aquinô để ngài soi sáng và giúp họ tuân theo sự thật, và với thánh Gioanna thành Arc để cô có thể mang lại cho điều họ sẽ phải nói và phải làm giữa những con người một thái độ và phong cách được yêu cầu ngày nay.

5. Suy xét thứ ba và cuối cùng, liên quan đến những điều đặc biệt quan trọng, nhưng tôi sẽ trình bày theo cách ngắn gọn nhất (sẽ mất cả một cuốn sách để khai triển nó một cách thích đáng).

Tôi nghĩ Gioanna thành Arc - người đã thất bại, nhưng không phải mãi mãi, trong sứ vụ bí mật đã bàn ở trên - là vị thánh tuyệt vời và là người bảo trợ cho sứ mệnh trần thế của Kitô hữu; nói cách khác, vị thánh và người bảo trợ của giáo dân Kitô giáo: vì sứ mệnh trần thế này là việc của giáo dân, được tiến hành theo sáng kiến của họ và với rủi ro nguy hiểm cho họ{34}, với điều kiện là khi cộng tác với những người thuộc mọi tín ngưỡng và mọi quốc gia khác cho một công việc trần thế chung, họ giữ trong lòng một đức tin trong sáng, toàn vẹn và tuyệt đối như đức tin của Gioanna. (Không những được đòi hỏi bởi lòng trung thành đối với Thiên Chúa, mà còn bởi lòng trung thành - và sự hữu hiệu - của một tình bạn thực sự với người không phải là Công Giáo và không phải là Kitô hữu). Chúng ta nên lưu ý: trong công việc trần thế đang bàn, không phải là vấn đề mang lại hạnh phúc cho con người trên trái đất. Trong một nền văn minh ngày càng mất nhân tính hơn bởi chế độ kỹ trị, rất có thể công việc trần thế này, công việc mà ngày nay, cuối cùng chúng ta đã ý thức được sự cần thiết của nó, diễn ra đúng lúc, trong thời đại lịch sử của chúng ta, để bù đắp những tệ nạn lớn lao nhất và tránh những sự hủy diệt lớn lao nhất đang đe dọa thế giới.

Tôi cũng nghĩ rằng Gioanna là vị thánh tuyệt vời của những trận đánh cuối cùng của Giáo hội; và chính nhờ những bầy chiên nhỏ trung thành với Thiên Chúa được phục vụ trước nhất, mà những trận đánh này sẽ được tiến hành; và từ những cực hình tối cao của thế giới, mà giữa chúng, Giáo hội sẽ bị tấn công từ mọi phía, Giáo hội sẽ xuất hiện rạng rỡ và tử đạo. Đó sẽ là giờ của Gioanna.

Kỳ chót: Các ghi chú của cả chương Mười bốn