II. Số phận bất công dành cho người Do Thái trong thế giới Kitô giáo
Giáo huấn của Thánh Phaolô về dân Chúa chọn
1. Mầu nhiệm Israel không thể tách rời mầu nhiệm Giáo hội.
Dân tộc Do Thái sẽ luôn bị nghi ngờ đối với các quốc gia trên trái đất và đây là vinh quang của nó: bởi vì đó là dân tộc được chọn lựa, được chăm sóc qua mọi đau khổ của lịch sử bởi Đấng bị nó quay lưng lại và là Đấng đối với Người nó luôn được yêu quý, và Người luôn ban ơn phúc cho nó một cách không hối hận; dân của Môsê và của các tiên tri, dân mà từ đó Chúa Kitô xuất thân, và ơn cứu rỗi đến từ đó, salus ex Judaeis est [ơn cứu độ đến từ người Do Thái]. Ở đấy có điều kích thích lòng ghen tị của người ta, bất cứ họ ở phía nào, thậm chí ngay cả khi họ là những người vô thần.
Người ta không kết án một dân tộc vì một tội ác tư pháp do một số người vi phạm ở một thời điểm nào đó. Thánh Phaolô không trách cứ người Do Thái về cái chết của Chúa Giêsu, một việc, về nguyên nhân thứ hai hoạt động trong lịch sử, của một thượng tế, một nhóm Biệt Phái và của một viên tổng trấn La Mã thời đó. Hơn nữa, về Nguyên nhân Thứ nhất, Chúa Giêsu đã đến để chết như thế, và Người tự nguyện hiến mạng sống Người để xóa tội trần gian. Thánh Phaolô chỉ khiển trách người Do Thái vì đã không nghe Tin mừng và đã bác bỏ Đấng Cứu Chuộc bị đóng đinh.
Đối với Israel, ngài có những lời lẽ vừa khắc nghiệt vừa tràn đầy yêu thương. Ngài nói gì trong Thư gửi tín hữu Rôma? (Người ta sẽ miễn thứ cho các trích dẫn quá dài này, nhưng tôi tin rằng chúng cần thiết).
Rm 9:2-5: "Lòng tôi rất đỗi ưu phiền và đau khổ mãi không ngơi. Quả vậy, giả như vì anh em đồng bào của tôi theo huyết thống, mà tôi có bị nguyền rủa và xa lìa Chúa Kitô, thì tôi cũng cam lòng. Họ là người Israel, họ đã được Thiên Chúa nhận làm con, được Người cho thấy vinh quang, ban tặng các giao ước, lề luật, một nền phụng tự và các lời hứa; họ là con cháu các tổ phụ; và sau hết, chính Đức Kitô, xét theo huyết thống, cũng cùng một nòi giống với họ. Người là Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi sự. Chúc tụng Người đến muôn thuở muôn đời”.
Rm 9:18, 30-32: "Vậy Thiên Chúa thương xót ai là tùy ý Người, và làm cho ai ra cứng cổ cũng tuỳ ý Người... Thiên Chúa thương xót người mà Người muốn, và người mà Người muốn làm cho mình phải vâng lời... Vậy phải nói sao? Phải nói rằng: các dân ngoại không tìm cách để được nên công chính, thì được nên công chính, mà được nên công chính là nhờ đức tin. Còn dân Israel tìm một luật làm cho họ nên công chính thì lại không đạt tới Luật đó. Tại sao thế? Tại vì họ không tìm cách nên công chính nhờ đức tin, nhưng nhờ việc làm. Họ đã vấp phải hòn đá làm cho vấp ngã”.
Rm 10:19-21: " Trước hết, ông Môsê nói: Ta sẽ làm cho các ngươi ganh tị với một dân không đáng gọi là dân, tức giận một dân ngu đần. Ông Isaia còn dám nói: ‘Những kẻ không tìm Ta, lại được gặp Ta; những kẻ không hỏi Ta, Ta đã xuất hiện cho chúng thấy. Còn về dân Israel, ông nói: Suốt ngày Ta dang tay kêu gọi một dân không vâng lời và ngỗ nghịch’”.
Rm 11: 1: " Vậy tôi xin hỏi: Phải chăng Thiên Chúa đã ruồng bỏ dân Người? Không phải thế!... Thiên Chúa không ruồng bỏ dân Người, dân mà Người đã biết từ trước” {16}.
Rm 11:11: " Phải chăng Israel đã vấp đến mức phải ngã quỵ? Không phải thế! Nhưng vì họ sa ngã mà Thiên Chúa cho các dân ngoại hưởng ơn cứu độ, khiến họ phải ganh tị. Nếu vì người Do-thái sa ngã mà thế giới được ơn phúc dồi dào, nếu vì họ suy vi mà các dân ngoại được ơn phúc dồi dào, thì khi họ trở về đông đủ, tình trạng còn tốt đẹp hơn biết mấy!... 15:Thật vậy, nếu vì họ bị gạt ra một bên mà thế giới được hoà giải với Thiên Chúa, thì việc họ được thâu nhận lại là gì, nếu không phải là từ cõi chết bước vào cõi sống?”
"Bị gạt ra một bên" (ἀποβολὴ [apobolê]) này có nghĩa là gì, vốn không hề là một sự bác bỏ? {17} Theo tôi, đó là một việc 'bị gạt ra một bên' trong lịch sử cứu chuộc. Chừng nào họ còn không tin vào Chúa Kitô, thì người Do Thái không còn là chi thể của Thân thể dành riêng cho công việc cứu chuộc, từ nay vốn là Giáo hội. Nhưng “Israel chân chính” từ nay trở thành Giáo hội của Chúa Kitô, và dân Israel xưa đã tự đặt mình ra ngoài lịch sử cứu độ, điều này không có nghĩa là Thiên Chúa sẽ thu hồi ơn gọi và sự tuyển chọn dân tộc này cách nào đó, vốn là những điều "không hối hận", và do đó kéo dài mãi mãi. Nói cách khác, từ nay chỉ có Giáo hội là dân Thiên Chúa, theo nghĩa các chữ này biểu thị những con người thực sự cam kết với sự cứu chuộc thế giới. Nhưng Israel mãi mãi vẫn là dân Thiên Chúa, theo nghĩa những chữ này muốn nói rằng, dù không trung thành với sứ mệnh của mình, nó vẫn luôn được kêu gọi và được chọn, luôn được "yêu dấu vì các tổ phụ".
Rm 11: 16-18, 23-24: Thánh Phaolô nói tiếp, “Nếu cái bánh đầu tiên mà thánh thì cả khối bột làm bánh cũng vậy; nếu rễ cây mà thánh, thì cành cây cũng vậy. Một số cành cây ô-liu đã bị chặt đi, còn bạn là ô-liu dại đã được tháp vào đó, và cùng được hưởng sự sống dồi dào từ rễ cây ô-liu chính. Vì thế, bạn đừng có lên mặt khinh dể các cành khác. Thì bạn cứ lên mặt đi! Đâu phải bạn mang rễ, mà là rễ mang bạn !!... Còn người Do-thái, nếu họ từ bỏ thái độ ngoan cố chẳng chịu tin, thì họ sẽ được tháp vào, vì Thiên Chúa thừa sức tháp họ một lần nữa. Nếu bạn vốn là cành của cây ô-liu dại, mà còn được chặt đi và tháp vào cây ô-liu tốt, trái lẽ tự nhiên, thì phương chi họ vốn là những cành của cây ô-liu chính, họ lại càng có thể được tháp vào cây cũ”.
Rm 11: 25-26: “Thưa anh em, tôi không muốn anh em chẳng hay biết mầu nhiệm này, để anh em đừng tự cho mình là khôn, đó là: một phần dân Israel đã ra cứng lòng, cho đến khi các dân ngoại gia nhập đông đủ. Như vậy, toàn thể Israel sẽ được cứu độ”.
Rm 11: 28-29: “Đối chiếu với Tin Mừng thì họ là thù địch, điều đó có lợi cho anh em; nhưng theo ơn tuyển chọn, họ là những người được yêu thương, và đó là nhờ các tổ phụ. Quả thế, khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, thì Người không hề đổi ý”.
Rm 11:30-32: “Thật vậy, trước kia anh em đã không vâng phục Thiên Chúa, nhưng nay anh em đã được thương xót, vì họ không vâng phục; họ cũng thế: nay họ không vâng phục Thiên Chúa, vì Người thương xót anh em, nhưng đó là để chính họ cũng được thương xót. Quả thế, Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục, để thương xót mọi người” (18).
2. Thánh Phaolô đã không lường trước được tất cả sự kinh hoàng của những cuộc bách hại kéo dài mà dân tộc của ngài phải gánh chịu. Đối với tâm trí, quả là một mầu nhiệm đáng sợ khi nghĩ rằng tất cả những điều này đã được Thiên Chúa cho phép. Liệu một ông già lang thang không có tước hiệu gì có quyền bày tỏ ý kiến về điều này không? Tôi nghĩ rằng trong một ý chí cho phép độc đáo, Thiên Chúa đã bao trùm cùng một lúc cả lòng trung thành kiên trì của dân Israel đối với sự trông đợi, đối với việc chưa ứng nghiệm, lẫn sự bỏ mặc họ cho cơn thịnh nộ của loài người và của ma quỷ vốn tự chúng là hoa trái của việc bác bỏ Đấng Được Tuyển Chọn bởi dân được tuyển chọn, sau cái chết trên Thập giá: vì quy luật của trật tự vũ trụ là mọi cây cối đều sinh trái, và khi không muốn Chúa Kitô thì đó chính là sự phó mặc mà tôi vừa nói tới đã được Israel mong muốn mà không biết. Nói ra thì thật là bỉ ổi, nhưng tôi tin rằng điều này đúng: nó đã có được điều nó mong muốn, đây là dân tộc luôn được Thiên Chúa yêu thương vì các tổ phụ của nó, và Người không bao giờ ngừng yêu thương, và Người hằng trông đợi niềm khao khát bao la, và những dòng nước mắt mà dọc dài nhiều thế kỷ, Người vốn biến thành những viên ngọc tinh khiết trên Thiên đàng.
Thiên Chúa không phải là người yêu giận dữ, Đấng ghét bỏ người mình yêu và người đã phản bội mình. Thật là phạm thượng Người khi nghĩ rằng sự căm ghét và ác tâm của Người đã giáng xuống Israel và Người đã trả thù cho Người như một kẻ bị sỉ nhục{19}. Người đã tôn trọng trật tự của vũ trụ, như Người vẫn luôn làm thế, Người đã để cây ngoan cố đơm hoa kết trái. Trong khi vẫn yêu thương, hơn bao giờ hết, Israel bị bách hại, và cảm thông, bằng tất cả tình yêu của Người, đối với các đau khổ của nó.
Thời Kitô giáo cổ xưa
3. Trong thế kỷ thứ nhất, chính người Do Thái bách hại các Kitô hữu {20}.Và chính sự phản đối gay gắt của các thủ lãnh tư tế, ghét bỏ điều họ cho là một giáo phái bất đạo, một giáo phái kiên quyết phát động việc truyền bá Tin Mừng cho tất cả những người ngoại giáo được Thiên Chúa mong muốn, và đã được tiên báo bằng Phép Rửa của Viên Bách Quản Corneliô.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi các Kitô hữu giữ một ký ức xấu xa về những cuộc bách hại này. Từ điều này đến việc chính họ trở thành những kẻ bách hại, và căm ghét dân Do Thái, đã có cả một thế giới.
Người ta sẽ sai lầm rất nhiều nếu họ coi là sự căm thù thực sự hiện diện trong lòng tất cả những gì được các Giáo phụ của Giáo hội nói chống lại người Do Thái, ngay cả những vị đã nói về họ một cách xúc phạm nhất. Đó là những bạo lực hùng biện, do sự đối đầu của hai chủ nghĩa cải đạo trái ngược nhau, và người ta biết rằng không có tài hùng biện nào thâm độc hơn thứ được khai triển trong các cuộc cãi cọ tôn giáo: thực thế người ta quả ở trong một trận chiến tâm linh bao la, trong đó không ai chịu tiết kiệm đòn đánh, và trong đó tiền đặt cọc là số phận của nhân loại và cuộc sống vĩnh cửu.
Trong những thế kỷ đầu tiên, người Do Thái vẫn có uy thế lớn, người ta ngưỡng mộ kiến thức của họ, và duy trì sự gắn bó lẫn nhau, vì trong cộng đồng Kitô giáo, tỷ lệ tân tòng từ Israel vẫn lớn nhất. Đối với các Giáo phụ, đây là vấn đề trước hết tránh các nguy cơ nảy sinh đối với đức tin từ sự pha trộn giữa các phong tục và tín ngưỡng mà người ta gọi là Do thái-Kitô giáo{21}. Nếu Thánh Gioan Kim Khẩu coi các hội đường Do Thái như ổ điếm{22}, và Nếu Thánh Giêrônimô, trong một cụm từ không xứng đáng với ngài (người mắc nợ rất nhiều đối với các giáo sĩ Do Thái), tuyên bố rằng nếu có dịp để căm ghét con người và ghê tởm một dân tộc, thì người Do Thái, trong các hội đường Satan của họ, đối với ngài, sẽ là của sự thù hận hạng nhất{23}, tôi chỉ thấy ở đấy những sai lầm bút chiến và những cơn thịnh nộ bằng lời. Tuy nhiên, thậm chí chúng còn đi xa hơn nữa. Những vị trong số các Giáo phụ đã nhường bước cho chúng, không hề nghi ngờ rằng dù không muốn, các vị đã mở đường cho những ý nghĩ kinh tởm mà dưới một bầu không khí lịch sử và xã hội khác sẽ xâm nhập vào ý thức chung của những khoảnh khắc tươi đẹp thời Trung cổ Kitô giáo.
4. Từ một thời gian dài, đã có một khu định cư của người Do Thái tại Rome; những khu khác ở Tây Ban Nha và ở phía nam nước Gaul. Tuy nhiên, cuộc di cư ra khắp nơi tiếp theo cuộc tàn phá Giêrusalem và phá hủy Đền thờ vào năm 70 có tính quan trọng hơn; lúc đó, rất nhiều người Do Thái đã băng qua Tiểu Á để phân tán ở Châu Âu, về phía Đông, về phía Bắc, về phía Tây.
Không quên sự phân chia niên đại luôn ít nhiều tùy tiện, chúng ta hãy nói rằng trong giai đoạn đầu tiên, khoảng ba trăm năm (cuối Đế quốc La Mã, hay nói cách khác là "thời kỳ cổ xưa của Kitô giáo"), thân phận của người Do Thái ở châu Âu hơi khác so với thân phận những người cùng thời với họ. Đối với luật pháp La Mã, tôn giáo của người Do Thái được coi là religio licita [tôn giáo được phép]; và vào năm 313, Sắc lệnh Milan đã xác định quyền tự do tôn giáo. Cuộc tranh cãi về tôn giáo đã diễn ra sôi nổi ở cả hai phía, nhưng ngoại trừ cuộc đấu tranh chống hình thức Do thái-Kitô giáo do các Giáo phụ và Giám mục tiến hành nhằm bảo tồn đức tin của những người tân tòng, không có yếu tố bất hòa nghiêm trọng nào trong lĩnh vực xã hội và diễn biến bình thường của cuộc sống làm xáo trộn mối liên hệ giữa người Do Thái và Kitô hữu.
Đúng là việc trở lại của Constantinô, khoảng năm 323, đánh dấu sự khởi đầu của một sự thay đổi căn để trong tình hình của người Do Thái tha hương (Diaspora) cũng như trong lịch sử thế giới. Kitô giáo đã trở thành một tôn giáo của Nhà nước, và các luật gia cũng sẽ dấn thân vào việc bảo vệ các Kitô hữu chống lại sự thu hút của người Do Thái.
5. Chẳng bao lâu sau đó, sớm xuất hiện chế độ thánh thiêng trong đó đức tin tôn giáo không tạo ra đô thị, như trong các chế độ thần quyền, nhưng trong đó nó là giá trị cao nhất được công nhận trong đô thị, và được yêu cầu ra qui định và cai trị trật tự xã hội-trần thế từ trên cao (không phải không có những phản đối rất sôi nổi đôi khi của các hoàng tử). Tự nó, luận lý học nội tại của chế độ thánh thiêng có xu hướng loại trừ hoặc khuất phục người bất đồng chính kiến. Do đó, người Do Thái đã được định sẵn để trở thành những người xa lạ trên cả cơ sở tôn giáo lẫn dân sự, những alienigenae [ngoại nhân] mà sự hiện diện của họ là do khoan dung, chứ không phải do quyền lợi{24}, và chỉ có thể hưởng những đặc quyền được ban cấp nhưng không và luôn có thể bị thu hồi.
Nhưng luận lý học nội tại của một chế độ phát triển rất chậm, và phong hóa của con người còn chậm cải thiện hơn nữa nếu chúng xấu xa hoặc ra xấu thêm nếu chúng đang tốt lành. Phải có những khốn cùng của toàn bộ thời thượng Trung cổ, những nỗi thất vọng do chúng gây ra và nhu cầu dữ dội cần một vật tế thần, nhờ cách nói năng hùng biện của các giáo sĩ cấp thấp, mới làm phát sinh một sự căm ghét tôn giáo nhơ nhớp trong một dân Kitô giáo từ nay bao gồm hầu như hoàn toàn con cháu của những người ngoại giáo tân tòng vẫn còn bán khai.
Thời thượng trung cổ
Khoảng thời gian từ hậu bán thế kỷ thứ năm (Thánh Augustinô, qua đời năm 430, được coi như bản lề) một cách phỏng chừng, có thể được coi như giai đoạn thứ hai của lịch sử Cộng đồng Do Thái ở Châu Âu: một giai đoạn kéo dài cho đến thời thập tự chinh thứ nhất, nói cách khác, nó chiếm trọn thời thượng Trung cổ.
Sau cuộc xâm lăng của những kẻ man rợ, chế độ thánh thiêng vốn đặc trưng cho thời Trung cổ đã được thiết lập. Người Do Thái, vốn đã đông đảo ở Tây Ban Nha, ở Ý và ở Gaul, và dần dần rải rác khắp châu Âu, từ đó trở đi sẽ có tư thế ngoại nhân (dễ bị nghi ngờ giống như các hạ dân) trong một Kitô giáo đang mở rộng và trở nên mạnh mẽ hơn giữa những sóng gió. Trong khoảng thời gian tôi đang đề cập, họ thường bị sách nhiễu ít nhiều trầm trọng bởi chủ nghĩa cải đạo của Kitô giáo, trong khi ý tưởng ghê tởm cho người ta thấy nơi người Do Thái một kẻ thù của Chúa Giêsu Kitô và kẻ bị Thiên Chúa nguyền rủa từng chút từng chút thực hiện những bước đen tối đi vào quần chúng vô học. Nhưng chỉ đến đầu thế kỷ thứ mười một, lòng căm thù và sự bách hại mới bắt đầu được xổ lồng chống lại họ. Tuy nhiên, Phép Rửa được áp đặt bởi cưỡng ép hoặc đe dọa trục xuất đã trở thành một thực hành thường xuyên, nhất là ở Tây Ban Nha, bất chấp việc Thánh Grêgôriô Cả {25}và Isidore of Seville lên án phép Rửa tội cưỡng bức này. Tuy nhiên, trong giai đoạn thứ hai này của lịch sử họ, người Do Thái được hưởng một thời gian nghỉ ngơi lâu dài{26}, và, không kể các luật gia, họ không còn là đối tượng của sự kỳ thị có hệ thống trong các mối liên hệ xã hội nữa. Người ta đã không hoàn toàn quên rằng họ là dòng dõi con trưởng.
Lúc ấy, điều rất đáng chú ý là một sự thân tình (convivium) nhân bản chân chính vẫn còn đó, bất chấp lẽ thường tình giữa người Do Thái và Kitô hữu. Như Bernhard Blumenkranz đã làm nổi bật {27} các mối liên hệ láng giềng tốt đẹp "được tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều bởi sự kiện là ngoài tôn giáo, không có yếu tố quan trọng nào khác phân biệt người Do Thái với người không phải là Do Thái: không phải ngôn ngữ nói năng cũng như các ngành nghề được thi hành, cũng không phải nơi sinh sống. Một cách tích cực, tình láng giềng tốt được thể hiện qua việc nhập ngũ chung, qua những tiếp xúc thân thuộc trong cuộc sống hàng ngày, qua việc trao đổi trí thức thường xuyên"{28}. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh truyền giáo vẫn tiếp tục, cả hai bên đều hăng hái như nhau {29}, cũng như các cuộc bút chiến tôn giáo, kèm theo các "cuộc trao đổi trí thức được theo đuổi một cách vô vị lợi và nhưng không, được thúc đẩy bởi một mình khát vọng hiểu biết," và chứng thực một cách rực rỡ "sinh lực trí thức của thời thượng Trung Cổ"{30}.
Người Do Thái là những người bán hàng rong, thương gia (những người biết đường đến Phương Đông và là những người mà các chức sắc trong giáo hội đánh giá rất cao), bác sĩ, thủy thủ, nghệ nhân, - và những người làm nông nghiệp (cho đến cuối thế kỷ thứ mười, họ mới có được đất đai). Bất chấp sắc lệnh của Theodosiô II (438) và các ngăn cấm của các Công đồng, người ta thấy họ thường là những viên chức công (một quyền sau này sẽ bị tước bỏ hoàn toàn). Chưa có bất cứ khu biệt cư (ghettos) nào dành cho người Do Thái{31}.
Các giáo luật gia quả không thả lỏng chút nào trong sự thù địch của họ, nhưng các sắc lệnh của họ từ lâu vẫn chỉ là những tử ngữ. Tuy nhiên, chính họ là người chiếm thế thượng phong, bộ máy pháp luật quy định việc tước quyền hợp pháp của người Do Thái đã sẵn sàng khi sự rạn nứt tàn bạo trong liên hệ giữa người Do Thái và Kitô hữu diễn ra vào lúc có các cuộc Thập tự chinh.
Những thế kỷ cuối cùng của thời Trung cổ
Sự căm thù tôn giáo đối với người Do Thái phát triển, và sẽ tồn tại một thời gian dài trước khi qua đi
6. Như thế, người ta bước sang giai đoạn thứ ba, một giai đoạn thảm họa, của lịch sử Người Do Thái Tản Mạn Khắp Nơi thời trung cổ lúc này đang lan rộng khắp châu Âu. Quần chúng đã sẵn sàng thực hiện mọi hành động thái quá chống lại vật tế thần. Chính qua máu của dân tộc Chúa Giêsu mà các cuộc Thập tự chinh tiến về Đất Thánh.
Trong các đội quân Thập tự chinh, người Do Thái rõ ràng không thể có chỗ đứng; đây là lúc kết thúc nghĩa vụ quân sự chung, và kể từ thời điểm đó trở đi người Do Thái sẽ bị nghi ngờ thông đồng với kẻ thù. Các quyền mà họ được hưởng sẽ lần lượt bị bãi bỏ (cho đến khi bị trục xuất khỏi Anh năm 1290, khỏi Pháp năm 1306 {32} và năm 1394, khỏi Tây Ban Nha năm 1492).
Thế kỷ thứ mười một mở đầu một thời kỳ dài trong đó người ta sẽ thấy chế độ biệt cư {33}, và dấu hiệu kỳ thị {34} – biểu hiệu đùi bê (rouelle) ở Pháp, chiếc mũ nhọn đầu ở Đức; - "Đó là việc loại trừ khỏi một chuỗi dài các ngành nghề, đó là những lời buộc tội vi phạm Mình Thánh, giết người theo nghi lễ, đầu độc giếng nước, và lý thuyết khủng khiếp về những cuộc bách hại đẫm máu đi kèm với những lời buộc tội này, là những cuộc thảo luận tôn giáo được tổ chức một cách thông minh với phán quyết có lợi cho Kitô hữu được chuẩn bị sẵn, đó là hình phạt xử thiêu Talmud, đó là những nông lê Do Thái làm việc cho các ông hoàng và lãnh chúa, chỉ đơn thuần là hàng hóa không có ý chí hay quyền lợi của riêng họ, những người mà người ta trao đổi ở tỷ giá tốt nhất, những người mà người ta bán cho ai trả giá cao nhất, đó là những người cho vay nặng lãi {35} bị đẩy tới hoạt động này do một nền kinh tế đóng cửa họ khỏi mọi khả thể khác, bị toàn bộ những con người đoan chính phỉ nhổ và ghê tởm vì hoạt động này. Đó sẽ là một loại người dứt khoát bị đặt vào thế bị xã hội ngăn cấm, chuyên thúc ép để gây lợi nhuận lớn nhất cho các ông hoàng, bị thúc ép theo thú vui của họ, tiền bạc trao đổi giữa những ông lớn, buông thả theo bản năng thấp hèn của những đám đông quá bị kích thích, quá mẫn cảm bởi hình ảnh sùng đạo và khát máu, bởi một nền văn học cảm hóa và đáng sợ"{36}. Vào thời điểm của Dịch hạch Đen (1348-1350), chính họ sẽ là người chịu trách nhiệm về tai họa, một tai họa sẽ tàn sát họ mọi nơi.
Một số nét quan trọng cho ta nhận ra những tình cảm từng khích động đa số dân Kitô giáo. Trước tiên, chúng ta hãy lưu ý đến việc không qùy gối lúc đọc lời cầu nguyện Pro Judaeis [cho người Do Thái], tự nó rất đẹp, của Thứ Sáu Tuần Thánh{37}. Chỉ mang tính địa phương, tuy nhiên, các phong tục khác đặc biệt cho ta thấy nhiều điều: tại Béziers, chẳng hạn, một phong tục chỉ bị bãi bỏ vào năm 1160 (bởi giám mục Guillaume), đã cho phép các Kitô hữu ném đá nhà của người Do Thái từ những giờ đầu tiên của thứ Bảy trước Chúa Nhật Lễ Lá cho đến giờ cuối cùng của thứ Bảy sau Lễ Phục Sinh; hoặc ở nơi khác, có phong tục (hoàn toàn của giáo dân, nhưng hình như khá phổ biến) nạp thuế thân cầu đường bắt buộc đối với người Do Thái cũng như đối với động vật: "Trên mỗi con bò và con heo, và trên mỗi người Do Thái, phải nạp một xu"{38}; và lại một phong tục nữa (khá muộn, tôi tin vậy) tức phong tục tỏ lòng kính trọng vay mượn, vào ngày thứ Bảy đầu tiên của lễ hội hóa trang [carnaval], - và thật là một lễ hội phóng túng! – của những người Do Thái ở Rôma ngỏ với một chức sắc dân sự, người đã đặt chân lên gáy vị giáo sĩ trưởng, trước khi ông ta đứng dậy với lời nói: "Hãy đi"; và một lần nữa, có phong tục tát vào mặt [colaphisation], được thiết lập tại Toulouse vào đầu thế kỷ thứ mười một, và là sự kiện của các giáo sĩ: hàng năm, lễ vọng Phục sinh, một người Do Thái (thoạt tiên ông là chủ tịch của cộng đồng Do Thái ) phải bị tát vào mặt một cách công khai bởi một Kitô hữu (người lúc đầu là Bá tước Toulouse). Sau đó, cái tát vào mặt trở thành một cái tát nhẹ nhàng hơn nhưng không kém phần là cái tát có ý nghĩa lễ nghi, với điều kiện cộng đồng Do Thái phải nộp thuế cho tập đoàn tu sĩ vừa đáng kính vừa khôn khéo.
Nhưng điều quan trọng hơn hết cần chỉ ra là vai trò của hình ảnh được trình bày cho các tín hữu trong các bài đọc ở Nhà thờ; (Những hình ảnh này được ghi ở mặt sau của sách cuộn mà vị linh mục đang sử dụng, để khi ngài đọc, mọi người có thể chiêm ngưỡng chúng). Chúng ta đừng quên rằng, như Cha Jean-Julien de Santo Tomas lưu ý{39}, thời Trung Cổ tôn giáo là một nền văn minh của hình ảnh.
"Chỉ thông qua một quá trình tiến hóa chậm chạp và trong tương quan qua lại với các sự kiện chính trị và tôn giáo của thế giới Kitô giáo, mà khuôn mạo người Do Thái đã trở thành rập khuôn. Nghệ thuật thời Charlemagne và thời Ottonien không có thuộc tính biểu tượng nào để phân biệt người Do Thái với Kitô hữu đến nỗi kèm theo hình ảnh là một lời thuyết minh nhằm để nhận diện các nhân vật. Sau năm 1096, niên biểu của cuộc thập tự chinh đầu tiên, do đó, của một thực hành Kitô giáo theo đó người Do Thái thấy mình bị loại trừ, đã xuất hiện các dấu hiệu đặc biệt"{40}; hoặc trên quần áo (biểu hiệu đùi bê hoặc chiếc mũ nhọn), hoặc có tính biếm họa. Và những bức tranh nhỏ được Blumenkranz nghiên cứu cho chúng ta thấy điều gì? Những người lính La Mã (kể cả chính Philatô) đội mũ nhọn khi họ đánh đòn Chúa Kitô hoặc nhạo báng Người hoặc đóng đinh Người vào Thập giá, - điều cần thiết là một mình người Do Thái phải chịu tội. Người Do Thái "giữ vai trò kẻ thù của Giáo hội, kẻ ác, kẻ xấu xa, kẻ lạc giáo luôn ở vị trí đầu tiên trong mõm con quái vật địa ngục" {41}. Và làm thế nào lòng căm thù của mọi người đối với người Do Thái không dâng cao, khi những người Do Thái mà họ nhìn thấy đang đánh đòn Chúa Giêsu, đóng đinh vào tay Người và sỉ nhục Người trên Thập giá "ăn mặc giống hệt người bán hàng rong, chủ tiệm và người cầm đồ đương thời?" {42} Cuộc Khổ nạn của Chúa Kitô được trình bày trước mắt khán giả "như một tội ác được vĩnh viễn lặp đi lặp lại, trong đó người hàng xóm Do Thái của họ luôn thấy mình tham gia vào" {43}. "Tin Mừng tình yêu đã trở thành, với sức mạnh mãnh liệt của hình ảnh, một trường học dạy khinh miệt và hận thù"{44}.
7. Điều này có nghĩa gì, nếu không phải là trong giai đoạn thứ ba, đang làm chúng ta bận tâm lúc này, lòng căm thù dân Do Thái đã dứt khoát chiếm chỗ trong lòng các Kitô hữu? Lòng hận thù có tính tôn giáo trong yếu tính (ngay cả lúc nó ngỏ với kẻ cho vay nặng lãi bị ghê tởm vì những lý do khác, - anh ta cũng như những người khác đều là kẻ bị nguyền rủa vì đã giết Chúa Giêsu); hận thù “Kitô giáo” sẽ còn lâu mới chấm dứt. Chúng ta hãy nhớ lại những lời nói tàn bạo của Bossuet, vào năm 1652, tại nhà thờ chính tòa Metz: "Người đã phân tán họ trên toàn trái đất. Vì lý do gì? Hệt như các quan tòa, sau khi đã đánh nhừ tử một số kẻ bất lương đã ra lệnh trưng bầy chúng ở một số nơi, trên các con đường chính, tứ chi của chúng bị xé nát, để gieo rắc nỗi sợ hãi cho những kẻ bất lương khác; sự so sánh này làm bạn kinh hoàng: Thiên Chúa cũng cư xử gần như cùng một cách... Người đã phân tán họ khắp đó đây giữa thế gian, mang tứ phía dấu ấn báo thù của Người in rõ nơi họ; dân tộc quái dị, không có bếp lửa cũng không có nơi chốn..., bây giờ trở thành trò cười và sự căm ghét của mọi người, khốn khổ mà không được ai thương hại; trở thành trò cười cho những người ôn hòa nhất... Và Thiên Chúa bảo vệ người Do Thái không phải vì bất cứ lý do nào khác; mà chỉ để tấm gương báo thù của Người kéo dài mãi mãi ". Nếu Bossuet có thể thốt ra những lời này với một vẻ điềm tĩnh bình thản, đó là vì ngài đã dựa vào một truyền thống vững chắc, có từ hậu bán thời Trung cổ.
Có tính tôn giáo từ trong yếu tính, lòng căm thù mà tôi đang nói đã có chổ sưởi ấm ở tận đáy tâm hồn, một loại kính hội tụ nuôi dưỡng nó bằng ngọn lửa của lò sưởi này; tôi muốn nói tới ý niệm dân giết Chúa, - tính từ "giết Chúa" là một phần tạo ra bản thể, và chỉ một dấu hiệu của sự chúc dữ được in sâu mãi mãi và trở thành đồng bản thể: dân giết Chúa hôm qua, hôm nay, ngày mai; nó có giết Chúa trong da của nó, nó là dân giết Chúa y như nó là dân Do Thái.
Người ta thấy rằng các chữ "kẻ giết cha mẹ" {45} và "kẻ giết Chúa" {46} được áp dụng cho người Do Thái nơi một số Giáo phụ của Giáo hội, tuy nhiên, như tôi đã lưu ý ở trên, không có lòng căm thù thực sự nào trong lòng các vị. Đó chỉ là cuộc gây hấn bằng lời nói - vừa cực đoan vừa hùng hồn, do sự kịch liệt của các cuộc bút chiến truyền giáo, mà tôi gọi là 'ý tưởng phát ra bằng lời' hay 'ý tưởng phát ra trên giấy'. Nhưng cuối cùng công thức đã ở đó một cách tiềm ẩn, mặc dù bị lược bỏ ý nghĩa "có chất thể" mà tôi vừa trình bầy. Nó hẳn đã thực hiện một cuộc hành trình ngầm rất dài, trong tận cùng linh hồn và trải qua nhiều khủng khiếp của lịch sử, sau năm hoặc sáu thế kỷ, mới vươn tới 'ý tưởng ma cà rồng' {47} mà tôi vừa đề cập và mang theo trong đó tội giết người và hận thù.
Trái tim và tinh thần phụ thuộc lẫn nhau. Bắt đầu từ thế kỷ thứ mười một, ý niệm về một dân tộc giết Chúa vĩnh viễn hẳn đã chuốc độc tinh thần của dân Kitô giáo tới tận những tầng sâu thẳm của con vật vô thức, vì trái tim của nó đã bị đầu độc bởi lòng căm thù người Do Thái. Ý niệm ‘dân tộc giết Thiên Chúa' và lòng căm thù tôn giáo đối với người Do Thái nối kết với nhau như xương với thịt{48}.
Các vị Giáo Hoàng đã lên án bạo lực và hết sức bảo vệ người Do Thái
8. Lòng thù ghét dân Do Thái thời trung cổ là sự kiện của quần chúng và của nhiều người thuộc giới trưởng giả và qúy tộc, và của nhiều người trong hàng giáo sĩ cấp thấp.Các nhân sự cao cấp của Giáo Hội, nhất là ngôi vị Giáo Hoàng, không hề mắc lỗi trong vấn đề này.
Việc Tòa Thánh đối xử với người Do Thái thay đổi theo từng thời kỳ. Các vị Giáo Hoàng, kể cả các vị nghiêm khắc nhất trong các luật lệ của mình, cũng không bao giờ biết đến sự thù ghét này.Các vị biết đọc Thánh Phaolô mà không yêu cầu ngài phải viết ngược lại với những điều ngài đã viết.
Tôi vừa nhắc đến việc ra luật lệ. Các luật gia cảm thấy dễ chịu hơn nhiều trong việc biểu lộ tính nghiêm khắc của chúng vì giữa việc soạn thảo chúng và việc thông qua chúng thành luật, họ biết có một biên tế rất lớn. Dưới triều Đức Innôcentê III (1198-1216), sau đó, dưới triều Đức Phaolô IV (1555-1559), Piô V (1566-1572), Clêmentê VIII (1592-1605), các mệnh lệnh nhằm bảo vệ các Kitô hữu khỏi lây nhiễm người Do Thái vừa gây phiền nhiễu vừa hết sức tỉ mỉ. Ngày nay, người ta phải dụi mắt khi đọc một sắc lệnh của Thánh bộ Trừng giáo (Inquisition) về chủ đề này {49} ngày 15 tháng 9 năm 1751, 38 năm trước khi có Tuyên ngôn nhân quyền (có thế chứ! nhưng chính nữ thần Lý Trí đòi quyền tác giả, mặc dù các nguồn xa xăm của nó quả có tính Tin Mừng {50}). Tuy nhiên, tính nghiêm khắc tôi vừa nhắc đến không liên quan gì tới lòng thù ghét người Do Thái, nó liên quan tới nguyên tắc này (mà người ta không chỉ sử dụng chống lại người Do Thái, và là điều chúng ta sẽ bận tâm sau này) là các giới hạn luật lệ phải được sử dụng để bảo vệ đức tin.
Lúc này, ta hãy tạm bỏ qua các luật gia, và hướng về thực tại hiện sinh và các chứng từ do đời thực mang lại. Thực vậy, chính trong các lãnh thổ Giáo Hoàng, người Do Thái ít bị đối xử tệ hại hơn cả (người ta biết khá rõ trường hợp “người Do Thái Avignon”) và điều này đúng cho cả các thời kỳ trong đó họ bị phiền nhiễu bởi các biện pháp luật pháp mà nhờ khôn khéo họ đã tránh được một số (tuy nhiên, họ vẫn phải tham dự một loạt bài giảng bắt buộc, trong các lãnh thổ Giáo Hoàng). Trong suốt thời Trung cổ và các thời kỳ tăm tối nhất của thời này {51}, chính các vị Giáo Hoàng là những người đã bảo vệ và bênh vực họ. Hoàn toàn cố gắng ngăn cản việc cải đạo họ, Đức Grêgôriô Cả (590-604) đã lên án các bạo lực chống lại họ, đã ra lệnh phải tôn trọng việc thờ kính của họ và tự do lương tâm của họ, đòi cho họ được hưởng công bình và sự dịu dàng. Há các ngài không phải là các chứng tá sống động của lịch sử cứu rỗi, và của các kế sách của Thiên Chúa đối với nhân loại đó sao? Sắc chỉ của Đức Calixtô II (1120) lên án các bạo lực chống người Do Thái và phép rửa cưỡng bách của họ đã được xác nhận ít nhất 22 lần cho tới tận giữa thế kỷ 18. Đức Innôcentê III nghiêm khắc (1198-1216) đã bảo vệ họ chống các quấy nhiễu bất công; thời có bệnh dịch đen, Đức Clêmentê VI (1342-1352) đã vô vọng thực hiện nhiều cố gắng lớn để bảo vệ họ, và cung cấp nơi trú ẩn trong lãnh thổ Giáo Hoàng cho những người trốn thoát các vụ tàn sát tổng quát. Trước các nghiêm ngặt thời Phản Cải Cách, Đức Jules II (1503-1513) và Đức Lêô X (1513-1521) đã biểu lộ với họ cả lòng tin tưởng lẫn lòng nhân ái, Đức Clêmentê VII (1523-1534) và Đức Phaolô III (1534-1549) đã ban phát cho họ nhiều ơn huệ.
Nhiều Giám Mục cũng là bằng hữu của họ; nhiều người Do Thái than khóc trong các tang lễ của các ngài. Nếu những vị khác có cùng tâm tư như Bossuet, thì toàn bộ Giám Mục đoàn xét chung không có những tâm tình thù ghét người Do Thái. Sự thù ghét này, ngược lại, hết sức mạnh mẽ nơi Luther. Thời Phục Hưng đánh dấu buổi đầu nó biến mất. Nhưng Voltaire đã chứng tỏ rằng sự tức giận chống người Do Thái không hề thuộc trật tự tôn giáo và người ta rất dễ dàng thế tục hóa lòng thù hận này. Về phía Giáo Hội, thì gió đang thổi về hướng các Kitô hữu thừa nhận phẩm giá của Israel và các sợi dây bằng hữu cần được thiết lập giữa họ và Giáo Hội. Trước khi Công đồng Vatican I bị gián đoạn, hầu như mọi nghị phụ đều đã ký văn kiện Postulatum pro Hebraeis (Thỉnh cầu cho Người Do Thái) do anh em Nhà Lémann trình bầy, và ai cũng biết lời Đức Piô IX nói với họ: Vos estis filii Abrahae, et ego (các con quả là con cái Ápraham, và ta cũng thế).
Cuối cùng Công đồng Vatican II
Ngày nay, cuối cùng chúng ta hoàn toàn được giải thoát khỏi ý niệm dân giết Chúa và sự thù hận “Kitô giáo” đối với dân Do Thái. Chủ nghĩa phản Do Thái theo nghĩa tôn giáo mà lâu nay vốn làm vấy bẩn thế giới Kitô giáo dứt khoát đã biến mất. Và, giống như đối với ý niệm thánh chiến, đó là một trong các công phúc của Công đồng Vatican II. Ngôi vị của Giáo Hội, duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền, đã long trọng làm cho tiếng nói của mình được nghe biết, một tiếng nói từ lâu vốn bị các bất hạnh và tội ác lịch sử bóp nghẹt.
“ Giáo Hội Chúa Kitô nhận thực rằng, khởi điểm của đức tin Giáo Hội và việc Chúa tuyển chọn Giáo Hội đã được tìm thấy nơi các Tổ Phụ, Môsê và các Ngôn Sứ theo như mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa. Giáo Hội tuyên xưng rằng mọi Kitô hữu đều là con cái Abraham theo đức tin (xem Gl 3:7), hàm chứa trong ơn gọi của vị Tổ Phụ này... Giáo Hội tin rằng Chúa Kitô, Hòa Bình của chúng ta, đã giao hòa dân Do Thái và Chư Dân bằng thập giá và làm cho cả hai nên một nơi Người (xem Ephêsô 2:14-16)... Giáo Hội cũng luôn nhìn thấy trước mắt lời của Thánh Phaolô Tông Ðồ viết về anh em đồng chủng của ngài ‘là những người được thừa nhận làm nghĩa tử, được vinh quang, có giao ước, luật pháp, lễ nghi, lời hứa, có các tổ phụ, và Chúa Kitô, theo xác thịt cũng từ họ mà ra" (Rm 9,4-5), là con của Trinh Nữ Maria... Thánh Kinh làm chứng Giêrusalem không nhận biết thời gian Chúa thăm viếng mình (xem Lc 19:44) và phần lớn dân Do Thái không tiếp nhận Tin Mừng; trái lại nhiều người còn chống đối việc bành trướng Tin Mừng (xem Rm 11:28). Tuy thế, theo lời Thánh Tông Ðồ, Thiên Chúa vẫn rất quý yêu người Do Thái vì Tổ Phụ họ và Ngài không ân hận vì đã ban hồng ân và kêu gọi họ (xem Rm 11:28-29)... Mặc dầu chính quyền Do Thái và thuộc hạ đã đưa đến cái chết của Chúa Kitô (xem Ga 19:6), nhưng không thể quy trách một cách hàm hồ những tội ác đã phạm trong khi Người bị khổ nạn cho hết mọi người Do Thái thời đó, cũng như cho người Do Thái thời nay. Dù Giáo Hội là dân mới của Chúa, nhưng việc Chúa phế thải và nguyền rủa người Do Thái không thể coi như là kết luận của Thánh Kinh... Giáo Hội luôn phi bác mọi cuộc đàn áp đối với bất cứ người nào. Hơn nữa, nhớ mình có di sản chung với người Do Thái, cũng như được thúc đẩy bởi đức ái đạo hạnh của Tin Mừng chứ không phải vì lý do chính trị, nên Giáo Hội rất lấy làm đau lòng vì sự ghen ghét, đàn áp, những hành động của chủ nghĩa bài Do Thái trong bất cứ thời nào và do bất cứ ai chống lại người Do Thái... Giáo Hội bác bỏ mọi sự kỳ thị hoặc đàn áp chủng tộc hay màu da, giai cấp hay tôn giáo, vì thái độ ấy đối nghịch với tinh thần Chúa Kitô” {52}.
Còn 1 kỳ