Kết Luận: Cảm hứng chủ đạo của truyền thống trí thức Công Giáo



[Thiên Chúa nói:]

Đã một lần nhìn thấy Thánh Louis quỳ gối, người ta không còn muốn nhìn thấy nữa
nô lệ phương đông nằm sấp trên trái đất
Tất cả đều nằm sõng soài trên mặt đất. Để được yêu tự do,
Không gì có thể nặng bằng, không gì có thể đắt bằng.

Đó chắc chắn là phát minh vĩ đại nhất của Ta.
Khi một người đã nếm trải niềm vui
Được yêu tự do
Những gì còn lại không là gì ngoài sự phụ thuộc....
Khi Thánh Louis yêu Ta
Ta biết, Ta hiểu thế nào là được yêu.

(Và đó là tất cả). Chắc chắn ngài kính sợ Thiên Chúa,
Nhưng đó là một nỗi sợ hãi cao quý, tất cả đều tràn đầy, tất cả đều phồng lên,
Tất cả tràn đầy tình yêu, như một trái cây căng đầy nước cốt,
Không hề hèn nhát, một nỗi sợ hãi cơ bản, một nỗi sợ hãi không đứng đắn
Đau như chuột rút ở bụng. Nhưng một nỗi sợ hãi lớn, nhưng một nỗi sợ cao, nhưng một nỗi sợ cao quý,

Sợ làm phật lòng Ta vì ngài yêu Ta, và sợ không vâng lời Ta vì ngài yêu Ta,
Và bởi vì ngài yêu Ta, nỗi sợ hãi
Của việc bị thấy là không làm hài lòng
Không yêu thương và được yêu thương trước nhan Ta. Không xâm nhập vào nỗi sợ hãi cao quý đó
Một nỗi sợ hãi xấu xa và một sự hèn nhát nguy hiểm và hèn hạ.

Và khi ngài yêu Ta thì đó là sự thật. Và khi ngài nói ngài yêu Ta thì đó là sự thật. Và khi ngài nói rằng ngài thà
Mắc hủi còn hơn sa vào tội trọng (ngài yêu Ta lắm), đúng là như vậy.
Với ngài, Ta biết đó là sự thật.

Nó không chỉ đúng vì ngài nói thế. Đó là sự thật bởi vì ngài là sự thật. Ngài không chỉ nói điều đó để nghe cho hay.
Ngài nói điều đó không phải vì ngài đã thấy nó trong sách hay vì ngài được bảo phải nói điều đó.
Ngài nói vậy bởi vì nó là như vậy
. (1)

Đây đã là một cuốn sách dài và, nếu nó thành công chút nào, thì nó phải thuyết phục được người đọc rằng nó có thể – có lẽ là hữu ích – thậm chí còn dài hơn nữa. Từ cuộc canh tân của Đức Lêô XIII đến chứng tá công khai của Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI, từ sự chạy trốn của vợ chồng Maritains khỏi chủ nghĩa duy vật đến sự phản kháng của Czeslaw Milosz đối với chủ nghĩa toàn trị, qua những suy lý của Guardini, de Lubac, Rahner, von Balthasar, và công trình sáng tạo của Claudel, Bernanos, Mauriac, Hopkins, Waugh, Graham Greene, và nhiều người nữa, truyền thống trí thức Công Giáo đã thực hiện những công việc quan trọng trong thế kỷ XX, ngay cả khi nó bỏ ngỏ nhiều câu hỏi—chưa nói đến nhiều vấn đề—cho thời đại của chúng ta. Cuộc đối thoại giữa đức tin và lý trí không bao giờ kết thúc, như Đức Gioan Phaolô II đã viết trong thông điệp Fides et Ratio của ngài. Nhưng cuộc trò chuyện đang diễn ra đó, trên cả hai mặt, là điều cốt yếu đối với việc bảo tồn, không chỉ những điều của Công Giáo, mà còn của tất cả những thứ thực sự của con người ngày nay.

Bởi vì chủ yếu trong tầm nhìn trí thức của Công Giáo, mà Đức Gioan Phaolô II đã mô tả là có “mật độ triết học đặc biệt”, (2) mà tính nhân ái của nhân loại vẫn tìm thấy một sự bảo vệ đáng kể. Trong phần lớn thế kỷ 20, mối đe dọa đối với nhân loại phát xuất từ các hệ thống chính trị phủ nhận quyền tự do của con người và định nghĩa sự hiện hữu của con người theo các thuật ngữ ý thức hệ về cơ bản đã xóa bỏ những điều nhân bản. Trong khoảng một phần tư thế kỷ qua, những mối đe dọa tương tự vẫn tiếp tục, nhưng dưới các hình thức văn hóa tinh vi hơn, chính trị ít thô bạo hơn. Thí dụ, nhà triết học nổi tiếng người Mỹ (và là người vô thần) Thomas Nagel đã xuất bản vào năm 2012 một cuốn sách mỏng có tựa đề Mind and Cosmos: Why the Materialist Neo-Darwinian Conception of Nature Is Almost Certainly False [Tâm trí và Vũ trụ: Tại sao quan niệm Duy vật Tân Darwin về tự nhiên gần như chắc chắn là sai] (3), trong đó ông chỉ lập luận, trong khi vẫn là một người không tin, rằng chúng ta cần một số quan điểm khác về vật chất—có thể nói là một chủ nghĩa duy vật phong phú hơn—nếu chúng ta muốn bảo tồn không những tâm trí mà tất cả các chân lý nhân bản. Vì phẩm chất duy nhất nhưng quan trọng này - và vì lập luận cho rằng có thể có một loại "cứu cánh luận tự nhiên" trong vũ trụ - ông đã bị tấn công dã man. Một trong những người bảo vệ ông lập luận rằng Nagel bị đóng đinh vì ông đã phạm “tội chống lại Chúa Thánh Thần mà các nhà khoa học ngoan đạo được dạy là không bao giờ được tha thứ”. (4)

Tuy nhiên, chủ nghĩa duy vật khoa học, hiện là bối cảnh mặc định [default setting] trong văn hóa hiện đại, phải đối mặt với nhiều bức tường không thể vượt qua. Nó không những không thể giải trình các sự việc nhân bản—nỗ lực của người theo chủ nghĩa Tân Darwin nhằm cột chặt các suy nghĩ, cảm xúc và luân lý vào những lợi ích cho sự sinh tồn của nhóm là một trong những ý tưởng tự bác bỏ mình nhất trong thế giới hiện đại—mà thực tế, nó còn không thể giải thích được việc nó đang hướng tới sự tự bác bỏ triệt để các ý tưởng và suy nghĩ, những điều không phải là vật chất. Đương nhiên, hầu hết mọi người không ý thức được toàn bộ hậu quả của những lập luận “khoa học” này và sẽ rút lui khỏi chúng nếu họ ý thức được. Nhưng đồng thời họ có xu hướng nghĩ rằng những điều này là “đúng sự thật”. Vì vậy, truyền thống trí thức Công Giáo thấy mình ở một vị trí tế nhị khi cần phải khẳng định những điều mà các hình thức “lý trí” đương thời phổ biến nhất và hiếu chiến nhất hiện nay có xu hướng phủ nhận, nếu chúng ta muốn cứu lý trí khỏi chính nó.

Theo cách tương tự, tự do của con người - chính sự hiện hữu của ý chí tự do - đang bị bao vây. Các nhà thần kinh học—vượt ra ngoài lĩnh vực chuyên môn của họ để đi vào các lĩnh vực giá trị và triết học—muốn đồng nhất tâm trí với bộ não và đã coi những ý tưởng truyền thống về ý chí tự do như niềm tin “dân gian”. Vì vậy, trí óc, tinh thần, cảm xúc, trái tim, tự do, trách nhiệm, lòng dũng cảm, sự cao thượng—tất cả những từ ngữ mà chúng ta sử dụng để làm nổi bật những gì đặc biệt của con người và không thể tìm thấy ở bất cứ sinh vật nào khác trên thế giới của chúng ta—đều bị đặt dưới một khai trừ tương tự, một động lực thực sự kỳ lạ nhằm loại bỏ không những Thiên Chúa mà cả bản chất con người trong việc tuân thủ một cách mù quáng một phương pháp khoa học tự hủy hoại. Như C. S. Lewis từng nhận xét, các nhà khoa học duy vật có quan điểm làm cho công trình của họ không khác gì việc chảy nước miếng của con chó. Bạn không cần phải phủ nhận nhiều giới hạn đối với tự do của chúng ta, cả bên trong lẫn bên ngoài, để biết rằng đây là ngõ cụt của con người, một ngõ cụt đe dọa các nhà khoa học cũng như những người theo chủ nghĩa thế tục. Như Đức Gioan Phaolô II đã nhận xét vào đêm vọng của thiên niên kỷ thứ ba, “Sự thật và tự do hoặc song hành với nhau hoặc chúng sẽ cùng chết trong đau khổ.” (5)

Đây là nền tảng siêu hình sâu xa mà đạo Công Giáo phải bảo vệ để bảo tồn cả những gì thực sự thần thiêng và những gì thực sự nhân bản. Và mặc dù về điểm này nó đã thành công trong thế kỷ 20 – bằng chứng là Karl Rahner và Edith Stein và những người khác đã xử lý xuất sắc toàn bộ truyền thống Lục địa như nó tồn tại ở Heidegger, Husserl và các nhà tư tưởng vĩ đại khác; và cách Elizabeth Anscombe và Alasdair MacIntyre phản ứng một cách sáng tạo với toàn bộ truyền thống Wittgenstein và Anh-Mỹ— Đạo Công Giáo không còn là một phần quan trọng trong cuộc đối thoại văn hóa như trong tiền bán thế kỷ XX. Thật vậy, những rạn nứt đã xâm nhập vào chính truyền thống Công Giáo từ thế giới thế tục khiến truyền thống này trở nên kém gắn kết và hiệu quả hơn trong việc đưa ra lý lẽ của riêng mình.

Bên cạnh những câu hỏi triết học sâu sắc, còn có nhiều thách thức thực tiễn và chính trị tức thời hơn. Tôi tin rằng nhiều yếu tố tự mâu thuẫn trong chủ nghĩa thế tục đương thời có thể góp phần vào điều có thể gọi là tính bi ai (pathos) của chủ nghĩa thế tục—một mong muốn chân thành tôn trọng người khác và cổ vũ hạnh phúc con người, kết hợp với sự thiếu các nền tảng triệt để và đau đớn cho niềm tin vào phẩm giá của tất cả mọi người. (6) Một hậu quả của việc không tìm được các cơ sở siêu hình và đạo đức cho niềm tin vào nhân phẩm là việc không có khả năng đem niềm tin đó vào hành động mà không rơi vào một loại tự mâu thuẫn có thể vi phạm phẩm giá và tự nhân bản. Nhiều người—và không phải chỉ là người Công Giáo—đã nhận ra điều này. Trong The Rebel[Kẻ Nổi loạn], Albert Camus đã chỉ ra rằng, kể từ Cách mạng Pháp, khát vọng tự do tuyệt đối và công lý tuyệt đối không bắt nguồn từ điều gì ngoài việc chính con người đã dẫn đến bạo ngược và bất công lan rộng một cách không thể lay chuyển. Điều đó có lẽ là điều không thể tránh khỏi bởi vì, theo quan điểm sâu sắc của Kitô giáo, con đường của Babel, mong muốn xây dựng một thứ gì đó hoàn hảo, một công trình cao vút của con người, mà không nhắc gì tới Thiên Chúa đích thực— Đấng cũng chính là thực tại cơ bản đằng sau mọi sự—luôn dẫn đến sự tự hủy diệt. Bạn hẳn phải trao phó rất nhiều quyền lực cho Caesar nếu bạn muốn ông ấy thành lập một vương quốc tự do và công bằng tuyệt đối. Và như Charles Péguy đã từng nhận xét, điều đã tạo ra nhiều chiến tranh hơn là bất công, đó là sự theo đuổi công lý một cách điên cuồng.

Các nhà tư tưởng Công Giáo đã xử lý khá sáng tạo và thường là một cách hữu hiệu với những thách thức như vậy trong thế kỷ 20. Chúng ta không còn phải đối đầu với các chế độ chuyên chế công khai là Chủ nghĩa Cộng sản, Chủ nghĩa Quốc xã hoặc Chủ nghĩa Phát xít, vì lý do đó mà Nền Dân chủ Kitô giáo—như Maritain, Simon và những người khác đã khai triển—đã phát sinh như một giải pháp thay thế hữu hiệu vào thời của nó. Như mọi quan điểm méo mó về con người đã thể hiện khá nhanh chóng—và chủ nghĩa duy vật phương Tây của chúng ta với việc phá thai, tránh thai và sự sụp đổ nhân khẩu học sau đó có thể sẽ sớm minh họa cho chính nó—các nền văn minh bắt nguồn từ những quan niệm sai lầm về con người hoặc mảnh đất mỏng manh của chủ nghĩa duy lý cũng không tồn tại lâu dài. Thách thức bây giờ sau khi thế kỷ đó đã trôi qua là liệu một thế hệ mới có tìm ra cách đối phó với những mối đe dọa ít rõ ràng hơn nhưng không kém phần ngấm ngầm đối với cả con người và những điều thần thiêng hay không.

Tuy nhiên, liệu nỗ lực đó có thành công hay không còn phụ thuộc vào điều mà chúng tôi đã lưu ý trong lập trường của Péguy ngay từ đầu. Không giống như các truyền thống trí thức khác, truyền thống trí thức Công Giáo phải chịu sự xem xét kỹ lưỡng của hai bộ tiêu chuẩn khác nhau. Tất nhiên, nó phải đúng với bản thân trong tư cách một công trình trí thức, nghĩa là, nó phải có khả năng giữ vững làm của riêng mình tính nhất quán với chính mình, tính chặt chẽ và phạm vi nhân bản, và đồng thời - mặc dù có vẻ như không thể - đáp ứng yêu cầu này là trong kết quả cuối cùng của nó, nó phải tương ứng với sự đơn giản của chính Tin Mừng. Như T. S. Eliot đã từng lưu ý, chúng ta đang sống trong một thời đại phức tạp và sự đơn giản duy nhất có vẻ hợp lệ đối với chúng ta nằm ở phía bên kia của sự phức tạp. Một phần, đó là điều mà Đức Hồng Y Newman vĩ đại—người đã khai triển các lý thuyết ngoạn mục về sự phát triển tín lý, “ý tưởng” của một trường đại học, và sự thuận ý với đức tin vẫn đáng được nghiên cứu— muốn nói khi ngài nói về thần học Kitô giáo như là “nhận thức được mang đến cho trái tim”.

Đo lường trên cơ sở kép này, một số thách thức rõ ràng xuất hiện. Có lẽ quan trọng nhất từ khía cạnh đức tin của cuộc đối thoại là sự hỗn độn nguyên tuyền của tư tưởng đương thời, thế tục cũng như tôn giáo, dường như lấn át bất cứ quan niệm cố định nào về chân lý hay đạo đức trong thế giới hiện đại. Đây là một hiện tượng không thể quy cho bất cứ một nguyên nhân nào, và nó ảnh hưởng đến các nhóm tôn giáo cũng như những nhóm khác tự cho mình là sự thật bên ngoài quỹ đạo Công Giáo. (7) Nhiều người—giáo hoàng, triết gia, nhà thần học, nhà luân lý học, chính trị gia, thậm chí cả nhân vật truyền thông— công khai chỉ trích các mối đe dọa rõ ràng đối với sự hiện hữu của con người do những thái độ phổ biến như thuyết tương đối, chủ nghĩa hoài nghi và chủ nghĩa thực dụng hay chủ nghĩa kỹ thuật nông cạn gây ra. Bất cứ người quan sát rõ ràng nào cũng sẽ nhận thấy sự mất kết nối với văn hóa cao cấp và sự xuống cấp của văn hóa đại chúng, sự thờ ơ với quá khứ và tình trạng không ngụ cư trong hiện tại, đó là những đặc điểm dễ thấy của thế giới chúng ta. Đức Gioan Phaolô II nói thêm rằng một mối đe dọa nữa là chủ nghĩa chiết trung [eclecticism], (8) một khuynh hướng hoan nghênh các quan điểm khác nhau, mà không quan tâm thích đáng đến việc chúng có thể phiến diện đến mức nào, các quan điểm khác cần được điều chỉnh nghiêm túc như thế nào, và cuối cùng, làm thế nào chúng có thể được làm cho phù hợp với nhau, bởi vì sự thật là một. Trong điều có thể chỉ ra một tính bi ai [pathos] trong chính truyền thống Công Giáo đương thời, Đức Gioan Phaolô II đã nêu vấn đề này trong cùng một thông điệp, trong đó ngài khẳng định rằng không có triết học Công Giáo chính thức nào và các ngành trí thức khác nhau phải được tự do theo đuổi các nghiên cứu của mình theo tiêu chuẩn riêng của mình.

Tuy nhiên, cuối cùng, một truyền thống trí thức Công Giáo đích thực phải nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc phát huy điều được Đức Gioan Phaolô II gọi là “sự hiệp nhất bên trong”:

Tôi biết rõ rằng những yêu cầu được lời Chúa áp đặt lên triết học này có vẻ làm cho nhiều người tham gia nghiên cứu triết học ngày nay nản chí. Tuy nhiên, đây là lý do tại sao, trong khi tiếp tục điều đã được các vị Giáo hoàng giảng dạy nhiều lần trong nhiều thế hệ và được chính Công đồng Vatican II tái khẳng định, tôi muốn tái khẳng định mạnh mẽ niềm xác tín cho rằng con người có thể đạt được một tầm nhìn thống nhất và hữu cơ về nhận thức. Đây là một trong những nhiệm vụ mà tư tưởng Kitô giáo sẽ phải đảm nhận trong suốt thiên niên kỷ tiếp theo của kỷ nguyên Kitô giáo. Sự phân khúc nhận thức, với cách tiếp cận chân lý bị chia cắt và hậu quả là sự phân mảnh ý nghĩa, khiến con người ngày nay không thể đạt được sự thống nhất nội tâm. Làm sao Giáo hội có thể không quan tâm đến điều này? Chính Tin Mừng áp đặt trực tiếp nhiệm vụ khôn ngoan này lên các Mục tử của mình, và các ngài không thể chùn bước trước bổn phận phải đảm nhận nó. (9)

Nếu là như thế - và xem ra khó có thể bác bỏ - thì có những nhiệm vụ “mục vụ” phải được thực hiện theo giáo huấn cương quyết về sự thật mà trong một thời gian dài, đặc biệt kể từ Công đồng Vatican II, bị coi là chỉ thuộc về “Giáo hội duy pháp” già nua hơn. Chúng ta có thể không trở lại với các phạm trù của trường phái Tôma của quá khứ, nhưng chúng ta cần một điều gì đó giống như các phạm trù này - một điều gì đó có thực chất và toàn diện - có lẽ là dọc theo các đường lối mà MacIntyre đã mô tả, nếu chúng ta hy vọng có bất cứ cơ hội nào để đương đầu với thách thức.

Với việc bầu chọn Đức Giáo Hoàng Phanxicô có sức lôi cuốn cao vào năm 2013, người, ngay lập tức, đã thu hút được sự chú ý của toàn thế giới vì sự khiêm tốn và giản dị của mình, nhiều người Công Giáo và những người khác cho rằng ngài đang loại bỏ những nỗ lực cũ nhằm khẳng định đức tin và nền luân lý Công Giáo. Trên thực tế, ngay từ những ngày đầu tiên làm giáo hoàng, ngài đã cho thấy, không phải là từ bỏ những sự thật cũ, mà là một chiến lược muốn trình bày chúng theo một cách mới, hữu hiệu hơn:

34. Nếu chúng ta cố gắng đặt mọi điều vào giải pháp truyền giáo, thì điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta truyền đạt sứ điệp. Trong thế giới truyền thông tức khắc ngày nay và đôi khi các tường thuật thiên vị của phương tiện truyền thông, thông điệp mà chúng ta rao giảng có nhiều nguy cơ bị bóp méo hoặc giản lược thành một số khía cạnh thứ yếu. Bằng cách này, một số vấn đề thuộc giáo huấn luân lý của Giáo hội bị lấy ra khỏi bối cảnh vốn mang lại ý nghĩa cho chúng. Vấn đề lớn nhất là khi thông điệp mà chúng ta rao giảng dường như bị đồng nhất với những khía cạnh thứ yếu, dù quan trọng, nhưng trong chúng và tự chúng không chuyển tải được trọng tâm thông điệp của Chúa Kitô. Chúng ta cần phải thực tiễn và không cho rằng cử tọa của chúng ta hiểu được toàn bộ bối cảnh của những gì chúng ta đang nói, hoặc có khả năng liên hệ những gì chúng ta nói với chính trọng tâm của Tin Mừng vốn mang lại cho nó ý nghĩa, vẻ đẹp và sự hấp dẫn.

35. Mục vụ theo phong cách truyền giáo không bị ám ảnh bởi việc truyền tải rời rạc số đông các tín lý cần được áp đặt một cách nhất quán. Khi chúng ta chấp nhận một mục tiêu mục vụ và một phong cách truyền giáo thực sự đến được với mọi người không trừ ai, thông điệp phải tập trung vào những điều cốt yếu, vào những gì đẹp nhất, vĩ đại nhất, hấp dẫn nhất và đồng thời cần thiết nhất. Thông điệp được đơn giản hóa mà không làm mất đi chiều sâu và sự thật của nó, và do đó trở nên mạnh mẽ và thuyết phục hơn. (10)

Quan điểm truyền giảng Tin Mừng đó cung cấp những gì nên là đá tảng cho tất cả các công việc trí thức Công Giáo.

Đời sống trí thức hiện đại có xu hướng đề cao nghiên cứu, khám phá, ứng dụng thực tiễn mới thông qua kỹ thuật, v.v. Và ở đúng vị trí của chúng, tất cả đều là những phẩm chất hữu ích, thậm chí thiết yếu, của cuộc sống tâm trí. Tuy nhiên, kiến thức và thực hành tôn giáo—“đức tin và luân lý” trong ngôn ngữ cũ—không chủ yếu hệ ở một thái độ như vậy. Mặc dù chúng ta có thể hy vọng rằng triết học và thần học, nghiên cứu Kinh thánh và tư tưởng xã hội, sáng tạo nghệ thuật và văn học có thể mang lại cho chúng ta những phong phú bất ngờ từ truyền thống, nhưng chúng cũng có nền tảng chính là bắt nguồn từ và trung thành với truyền thống đó. Như Chesterton, người luôn khôn ngoan về điểm này và nhiều điểm khác, đã lập luận, sự tiến bộ duy nhất có thể có trong truyền thống Kitô giáo là sự tiến bộ lớn hơn vào và hướng tới sự trọn vẹn của sự thật Kitô giáo. Ở một góc nhìn nào đó, đây là một nghịch lý: một kiểu đổi mới bảo thủ hay duy truyền thống sáng tạo. Nhưng sau nhiều cuộc cách mạng và phản cách mạng thuộc đủ loại trong thế kỷ 20, bản thân sự thật dường như kiệt sức, và chỉ những sự thật rời rạc, khiêm tốn, thuộc loại hậu hiện đại—thường áp dụng cho một số vấn đề bản thân hoặc vấn đề kỹ thuật —xem ra mới còn lại. Như Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, và Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lập luận, chính lý trí có thể vừa nhìn thấy vấn đề này vừa hiểu trách nhiệm giải quyết nó.

Từ lâu, người Công Giáo đã tranh luận rằng mặc khải hiện hữu, đặc biệt là sự xuất hiện của Chúa Kitô trong thế giới, chính là để giải thoát chúng ta khỏi những điểm yếu và giới hạn tự tạo của chúng ta. Theo nghĩa này, mặc khải thực sự giải phóng lý trí để trở thành chính nó một cách đầy đủ hơn. Trong khi các nhà duy lý hiện đại coi mặc khải và thậm chí cả siêu hình học là bất hợp pháp, thì chính đức tin mới có quan điểm rộng hơn ở đây. Khoa học và kỹ thuật đã gợi ý rằng một số sự vật nằm ngoài giới hạn, chẳng hạn như tất cả các câu hỏi cổ điển “tại sao”: Tại sao thế giới tồn tại, chúng ta là gì, chúng ta có thể hy vọng điều gì trong kiếp này và kiếp sau? Khi Spinoza nói rằng chúng ta nên tập trung vào đời này, có lẽ ông đang điều chỉnh sự tập trung quá mức vào đời sau. Nhưng loại khôn ngoan nào của con người - ngay cả những người cổ đại ở đỉnh cao danh tiếng của họ cũng coi trọng điều này - lại không để trước mắt chúng ta sự thật này là chúng ta là loài tử sinh và chắc chắn sẽ chết? Hay điều đó há lại không hỏi xem ta có thể rút ra được những kết luận nào từ sự thật đó?

Trong những trang đầu tiên của tác phẩm này, chúng tôi đã chỉ ra rằng tại Công đồng Vatican II, Giáo hội đã rất đúng khi tìm cách điều hướng mình một cách khác biệt tới thế giới hiện đại. Sự nhấn mạnh có tính duy pháp và định chế hơn vào đầu thế kỷ đã nhường chỗ cho sự tập trung nhiều hơn vào khía cạnh mục vụ và bản thân của Nhiệm thể Chúa Kitô. Trong một số khía cạnh, sự nhấn mạnh sau gần như xóa sạch sự nhấn mạnh trước, trong khi điều cần là sự nhấn mạnh lâu năm của Công Giáo về “cả-lẫn” hơn là “hoặc-hoặc”. Nhưng trong nửa thế kỷ qua, rõ ràng là có một lời kêu gọi triệt để trong đạo Công Giáo đối với một sự lựa chọn bản thân: hoặc người ta tin vào Chúa Giêsu là Con duy nhất của Thiên Chúa và Giáo hội là biểu thức đầy đủ nhất nói lên ý muốn của Người đối với thế giới, hoặc người ta không tin. Hậu quả phát sinh từ sự lựa chọn đó. Trong hầu hết nửa thế kỷ qua, gần như mọi sự đều tương thích với đạo Công Giáo. Có một nhu cầu cấp thiết là phải tôn trọng sự khác biệt và tính phức tạp, nhưng cũng phải khôi phục sự khôn ngoan cổ xưa dạy rằng một số lựa chọn nhất định đặt bạn trong gia hộ, những lựa chọn khác đặt bạn ở bên ngoài. Vì vậy, dù đối với người Công Giáo, “cả-lẫn” thường là quy tắc, thì không thể tránh khỏi sự kiện là tại một số thời điểm, chúng ta phải đối mặt với “hoặc-hoặc”.

Đó có thể là thái độ đau đầu nhất trong thiên niên kỷ mới của Kitô giáo này. Sẽ cần rất nhiều công việc, công việc trí thức, chỉ để làm rõ việc Đạo Công Giáo nói Không đối với một số vấn đề không phải là sự hẹp hòi và loại trừ ra sao. Một trả lời “không” cho một câu hỏi cục bộ diễn ra trong bối cảnh câu trả lời “có” cho một sự thật đầy đủ hơn, thực sự là đầy đủ nhất. Và trò chơi có và không này không chỉ đơn thuần là một chủ nghĩa độc đoán khắc nghiệt nào đó. Nó thậm chí có thể là một sự chung thủy chân thành, biết rằng sự lựa chọn sẽ dẫn đến đau khổ, nhưng phản ảnh tình cảm cao nhất của con người. Hoặc, để nhắc lại, điều mà chính Thiên Chúa đã truyền cảm hứng cho một nhà thơ, cố gắng trung thành, viết cho Đức Mẹ thành Chartres vào thế kỷ 20:

Khi chúng con ngồi xuống tại ngã tư được hình thành bởi hai con đường
Và phải chọn hối tiếc cùng với hối hận
Và số phận kép buộc chúng con phải chọn một đường đi
Và viên đá đỉnh của hai mái vòm cố định cái nhìn của chúng con,

Hỡi cô giáo dạy bí quyết, một mình Mẹ làm chứng
Khúc dốc xuống nơi một con đường đi.
Mẹ biết ngả đường khác mà các bước của chúng con chọn,
Như người ta chọn cây tuyết tùng để làm rương.

Và không phải vì đức hạnh mà chúng con không có.
Chứ không phải vì nghĩa vụ, điều mà chúng con không yêu thích.
Nhưng, khi thợ mộc tìm thấy trung tâm của
Gỗ, để tìm trung tâm của sự khốn khổ.

Và để tiếp cận trục sầu khổ,
Và cho nhu cầu ngu ngốc muốn cảm nhận trọn bộ lời nguyền rủa,
Và làm điều khó hơn và chịu đựng điều tệ hơn,
Và để nhận đòn trong tất cả sự đầy đủ của nó.

Qua sự khéo tay đó, sự tinh ranh đó,
Vốn không bao giờ làm cho chúng con hạnh phúc nữa,
Ôi lạy Nữ Vương, xin Mẹ để chúng con ít nhất bảo vệ danh dự của chúng con,
Và cùng với nó là sự dịu dàng giản dị của chúng con.
(11)

Ghi Chú

1 Charles Péguy, The Mystery of the Holy Innocents [Mầu nhiệm các Thánh Anh Hài], Pansy Parkenham dịch (New York: Harper, 1956), 101-2; có sẵn trực tuyến tại http://www.centropeguy.org/cachepeguy7.htm.

2 Fides et Ratio 80.

3 Thomas Nagel, Mind and Cosmos: Why the Materialist Neo-Darwinian Conception of Nature Is Almost Certainly False [Tâm trí và Vũ trụ: Tại sao Quan niệm Duy vật Tân Darwin về Tự nhiên gần như chắc chắn là Sai] (New York: Nhà xuất bản Đại học Oxford, 2012).

4 David Gelerntner, “The Closing of the Scientific Mind [Sự khép kín của tâm trí khoa học]”, Bình luận, tháng 1 năm 2014: 18.

5 Fides et Ratio 90.

6 Để biết ví dụ về nỗ lực thế tục chân thành, tinh tế và tự nhận thức nhằm cung cấp nền tảng cho hành động nhân đạo bất chấp những nền tảng có thể bảo vệ được, xem Luc Ferry, A Brief History of Thought [Lược sử Tư tưởng], Theo Cuffe dịch (New York: Harper Perennial, 2011). Cuốn sách của Ferry là cuốn sách bán chạy nhất ở một số quốc gia, chứng tỏ sự khao khát những gì ông cố gắng cung cấp, mặc dù thực tế là cuối cùng ông đã thất bại.

7 Điều này đã được cá nhân tôi nhận ra cách đây vài năm khi tôi tham gia vào một cuộc đối thoại Công Giáo-Do Thái tại một hội đường Do Thái ở ngoại ô Washington, D.C., nơi tôi sống. Tôi kêu gọi khán giả, trong đó có một nữ giáo sĩ rất thông thái, người đã tổ chức biến cố này, đừng nghiêm túc coi trọng ý kiến cho rằng mọi điều một người Công Giáo có thể nói đều được Giáo hội dạy: “Các bạn Do Thái, với truyền thống học vấn của các bạn, sẽ không tin rằng hầu hết những người Công Giáo của chúng tôi hoàn toàn không biết gì về truyền thống của chúng tôi. Các cuộc khảo sát cho thấy một tỷ lệ lớn người Công Giáo, ngay cả sau hàng chục năm học trường Công Giáo hoặc hơn, thậm chí không thể liệt kê được Mười Điều Răn.” Tôi chưa nói xong thì bà ấy đã lắc đầu và nói rằng các giáo đoàn Do Thái đang tìm thấy điều tương tự ở những người trẻ tuổi của họ.

8 Fides et Ratio 86.

9 Cùng nguồn, 85.

10 Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn Niềm vui Tin Mừng (24/11/2013), số 34-35 (nhấn mạnh thêm).

11 Charles Péguy, “Prière de liberty” [Kinh cầu Tự do], trong Les Tapisseries [Các Bức Thảm] (Paris: Gallimard, 1968), 132 (bản dịch của tác giả).

Kỳ tới: Thay Lời Bạt, Kho Báu Chúng Ta Có: Truyền Thống Trí Thức Công Giáo