Chương 9: Sự tươi mát sâu thẳm của sự vật: Cuộc phục hưng văn học Công Giáo, tiếp theo

Gerard Manley Hopkins



Sự an ủi hóa thành thối rữa

Không, hỡi niềm an ủi hóa thành thối rữa, hỡi Tuyệt vọng, ta sẽ không ăn mừng ngươi;
Không tháo – dù chúng có thể lỏng lẻo - những sợi cuối cùng này của con người
Ở trong ta hay, vì quá mệt mỏi, ta không thể khóc nữa. Tacó thể;
Có thể mong muốn một ngày nào một điều gì đó, hy vọng, sẽ đến, không chọn không hiện hữu.
Nhưng ôi, nhưng ôi ngươi thật kinh khủng, tại sao ngươi lại thô lỗ với ta
Ngươi vặn-thế giới đá chân phải? đặt một bàn tay sư tử chống lại ta? quét
Với đôi mắt ngấu nghiến những khúc xương thâm tím của ta? và quạt,
Ôi trong nhiều cơn bão tố, ta chất đống ở đó; ta điên cuồng để tránh ngươi và chạy trốn?
Tại sao? Trấu của ta có thể bay; hạt thóc của ta nằm lại, tuyệt đối và rõ ràng.
Không, trong tất cả những cực nhọc đó, thăng trầm đó, vì (dường như) ta đã hôn cây roi,
Này tay đúng hơn, tim ta! quấn đầy sức mạnh, cướp được niềm vui, sẽ cười, hân hoan.
Cổ vũ ai đây? người anh hùng xử lý truyện trời đã ném ta, chân giẫm đạp
Ta? hay ta đã chiến đấu với Người? Ô ai đây? là mỗi người? Đêm đó, năm đó
Giờ đây bóng tối để qua một bên, ta [hiểu] ta khốn khổ vật lộn với Thiên Chúa của ta (lạy Chúa!)
.71

Mặc dù Gerard Manley Hopkins sống và chết trong thế kỷ 19 (1844–1889), tác phẩm của ông không được xuất bản cho đến khi Robert Bridges, một người bạn từ những ngày còn ở Oxford và sau này là nhà thơ người Anh đoạt giải, đã công bố chúng từng giai đoạn từ 1889 đến 1916. Đời sống văn học của Hopkins là một hiện tượng của thế kỷ hai mươi. Ông là một người trở lại đạo và chịu nhiều ảnh hưởng của Newman, có lúc, từng tìm cách nhận được một chức vụ giảng dạy trong một trường học do dòng Oratory điều hành. Sau đó, ông trở thành một tu sĩ Dòng Tên. Hopkins cũng là một trong những nhà thơ Anh đầu tiên thử nghiệm những thể thơ mới mà sau vài lần đọc, dường như có liên hệ mật thiết với những thử thách nội tâm mà ông đã trải qua. “Carrion Comfort”, một trong những bài được gọi là “thơ trữ tình [sonnet] khủng khiếp” mà ông sáng tác trong thời kỳ bị cô lập ở Ái Nhĩ Lan, cho thấy khá rõ ràng cả cuộc đấu tranh lẫn sự thừa nhận thẳng thắn rằng, giống như Giacóp vật lộn với thiên thần, Hopkins đang vật lộn với chính Thiên Chúa.

Tất nhiên, đây là một chủ đề phổ biến trong văn học Công Giáo và Kinh thánh. Không giống như những gì được thấy trong Chesterton và Belloc hiện hành trong văn học Công Giáo Anh, cảm giác đau khổ tột cùng không bao giờ xa vời nơi Hopkins. Thật vậy, đôi khi ông nói thẳng với Thiên Chúa rằng ông không biết mình có thể bị đối xử tệ hơn như thế nào nếu Thiên Chúa là kẻ thù của ông, mặc dù ông biết Chúa rất công bằng. Phần cuối của bài thơ trữ tình sau đây là một trong những phần sâu sắc nhất—và khủng khiếp—trong thi ca hiện đại:

Justus quidem tu es, Domine, si disputem tecum: verumtamen justa loquar ad te: Quare via impiorum prosperatur; bene est omnibus qui praevaricantur et inique agunt? v.v. (Grm. 12:1) [Lạy ĐỨC CHÚA, Ngài quả là chính trực, con đâu dám tranh luận với Ngài, nhưng chỉ xin thưa về một vài phán quyết: Tại sao kẻ gian ác thịnh đạt trên đường đời, tại sao mọi quân phản bội cứ bình an vô sự?]

Chúa thực sự công bằng, lạy Chúa, nếu con tranh luận
Với Ngài; nhưng, thưa Ngài, vì vậy những gì con cầu xin là chính đáng.
Tại sao con đường của kẻ tội lỗi thịnh vượng? và tại sao
Mọi cố gắng của con phải kết thúc trong Thất vọng?
Ngài có phải là kẻ thù của con, Ôi Ngài bạn hữu của con,
Con tự hỏi làm thế nào ngài có thể tệ hơn Ngài hiện nay
Đánh bại, cản trở con? Ôi, những bọn bí tỉ và tôi đòi dục vọng
Trong những giờ rảnh rỗi, vẫn phát đạt hơn con kẻ dành thời gian,
Thưa ngài, cuộc sống tùy thuộc chính nghĩa Ngài. Hãy xem, bờ và bụi
Bây giờ, lá dày xiết bao! dây nhợ lại mọc trở lại
Với mùi ngò chằng chịt, hãy nhìn, và gió mát lay động
Chúng; chim xây—nhưng con không xây; không, nhưng căng thẳng,
Thời gian là hoạn quan, và không tạo ra một tác phẩm đánh thức.
Của con, Ôi lạy chúa tể sự sống, hãy gửi mưa cho các rễ của con
. (72)

Phù hợp với nhiều nền văn hóa phi Công Giáo hiện đại, các nhà phê bình văn học thường để mình rơi vào cơn cám dỗ muốn nhấn mạnh tới bệnh học tâm lý [psychopathology], thậm chí có lẽ cả các cuộc đấu tranh đồng tính luyến ái, nơi Hopkins (có bằng chứng mâu thuẫn về vấn đề thứ hai vì các tác phẩm của Hopkins cho thấy rõ ràng sự lôi cuốn đối với phụ nữ, ít cảm xúc nhất định đối với nam giới). Điều rõ ràng là ông đã trải qua những đêm tối tâm hồn khá bão táp.

Điều cũng rõ ràng là ông đã có những trải nghiệm mà ông gọi là “inscape” [hướng nội?], một thuật ngữ mà ông vay mượn từ nhà tư tưởng thời trung cổ Duns Scotus, nhờ đó ông được thiên nhiên hoặc Thiên Chúa đánh động. Có lẽ nỗ lực thi ca thành công nhất của ông để ghi lại một trải nghiệm như vậy là như sau:

Chim cắt [windhover]:

Kính dâng Chúa Kitô Chúa chúng ta

Tôi đã bắt gặp con chim yêu qúi buổi mai, hoàng thái tử của vương quốc ánh sáng ban ngày, Chim ưng được bình minh lãng đãng mây trắng xám lôi cuốn, đang bay lượn
Một cách lắc lư dưới nó là không khí ổn định và cứ thế sải bước
Trên cao kia, nó lượn vòng quanh trên dây cương của một đôi cánh lăn tăn như khăn trùm đầu tu nữ
Trong sự ngây ngất xiết bao! Rồi vút đi, vút đi như trên một xích đu,
Khi gót chân của một người trượt băng lướt nhẹ nhàng trên một khúc rẽ rạp mình: phóng và lượn
Đẩy lui cả gió lớn. Trái tim tôi chùng xuống
Bị xúc động đối với con chim, - đạt được việc làm chủ sự vật!
Vẻ đẹp và dũng cảm và hành động thú vật, ồ, không khí, niềm tự hào, lông vũ, ở đây
Hòa hợp! Và ngọn lửa bùng lên từ Ngài lúc đó, một tỷ
Lần được nói là đáng yêu hơn, nguy hiểm hơn, Hỡi hiệp sĩ của con!
Không có gì lạ cả: chỉ là bước cần cù đẩy chiếc cày xuống những luống đất
Tỏa sáng, và các than hồng xanh ảm đạm, thưa đấng yêu qúi,
Rơi xuống, tự làm sầy da, và để lộ một đường son vàng lóng lánh
. (73)

Cách nhấn giọng kỳ lạ trong bài thơ này và những bài trước đó nhằm giúp hiểu được nhịp điệu của các dòng. Hopkins thường sáng tác trong những cuộc tản bộ dài, và ông cố gắng cho thấy, qua các phương tiện in ấn này, một số hiệu ứng âm thanh mà rất có thể ông đã nghe thấy ở trong tâm trí. Trong trường hợp này, sự độc đáo của nhịp điệu và của cảnh quan kết hợp với nhau để tạo ra một trải nghiệm văn học mạnh mẽ, thực như thế. Và không chỉ người Công Giáo chú ý. Hopkins trở thành nhà thơ Công Giáo lớn đầu tiên kể từ Alexander Pope trong thế kỷ 18 bước vào qui điển thơ Anh.

Pope chỉ là người Công Giáo trên danh nghĩa, Hopkins là người có bản chất Công Giáo. Và một thước đo khác của sự vĩ đại của ông là ông tiến vào thế giới văn học Anh bất chấp những trở ngại tôn giáo đáng kể. Trước sự kiện này, điều xem ra cực kỳ vô lý khi dự đoán rằng một người tân tòng Anh trở thành tu sĩ Dòng Tên, và được linh đạo Inhaxiô và Duns Scotus đào tạo, sẽ trở thành một nhà thơ Anh lớn hiện đại. Nhưng một cách khác, chỉ nguyên sự khác biệt về sự nhạy cảm của Hopkins so với sự nhạy cảm của các nhà thơ cùng thời với ông và cả thế kỷ XX đã mang lại cho ông một điều gì đó đặc biệt để làm việc. Và rồi những năng khiếu ngôn từ hiển nhiên của ông, vốn cố gắng đạt được những hiểu biết xa lạ về thế giới và cuộc sống, và là những điều không thuộc thế giới văn học vào thời của ông, đã kết hợp với nhau để tạo ra một điều gì đó phi thường và mới mẻ, cho dù tác phẩm cũng chứa đựng cả các yếu tố vừa truyền thống vừa làm người ta khiếp đảm.

Độc giả bắt gặp Hopkins trong các tuyển tập thường sẽ chỉ thấy tác phẩm thể hiện những điểm đặc thù này. Tuy nhiên, điều hữu ích là lưu ý rằng trong giai đoạn đầu của cuộc đời, Hopkins có thể viết thơ khá theo qui ước về cả chất liệu lẫn hình thức. Thí dụ: “The Habit of Perfection” [Thói quen hoàn thiện] dường như nói về những chủ đề điển hình của ơn gọi tôn giáo ẩn dật và mô tả những chủ đề đó bằng những vần thơ hoàn hảo và cân bằng, nhưng không có các pháo bông thiêng liêng và ngôn từ mà ông đã đặt ra sau đó: “Sự im lặng được tuyển chọn, hát cho tôi nghe / Và đập vào toàn bộ tai tôi / Hãy đưa tôi đến đồng cỏ tĩnh lặng và trở thành / Thứ âm nhạc mà tôi muốn nghe.” Và cứ tiếp tục như vậy cho sáu khổ thơ được trau chuốt kỹ lưỡng hơn. (74) Có thể dễ dàng chế giễu loại thơ “Công Giáo” này nếu Hopkins không tạo ra thứ gì khác. Tuy nhiên, ngay cả những bài thơ đầu tiên này cũng có sức hấp dẫn của chúng, và - nếu không có gì khác – điều hoàn toàn rõ ràng là Hopkins có thể viết một tác phẩm đúng về mặt hình thức nhưng tương đối tẻ nhạt như thế khi ông muốn. Một số điều chỉ đơn giản đến với nhau trong cuộc đời ông đã đưa ông vào vùng nước văn học và linh đạo sâu sắc.

Từ nhiều nguồn khác nhau, chúng ta biết rằng Hopkins cảm thấy có một sự căng thẳng nào đó giữa ơn gọi linh mục và thiên chức làm thơ của mình, một sự căng thẳng đôi khi khiến ông ngừng viết hoặc thậm chí đốt các bản thảo. Vào tháng 12 năm 1875, năm nữ tu từng bị trục xuất khỏi Đức trong thời kỳ Kulturkampf của Bismarck chống lại Công Giáo đã chết khi Deutschland, một con tàu chở khách của Đức, bị chìm trong một cơn bão ở cửa sông Thames. Bề trên dòng Tên của Hopkins đã yêu cầu ông viết một bài thơ về sự kiện này và ông đã đồng ý viết. “The Wreck of the Deutschland” [Đắm tầu Deutschland ]là kết quả, và mặc dù nó không phải là một bài thơ được mọi người đánh giá cao, nhưng chắc chắn nó cho thấy sự hội tụ mới giữa tôn giáo và thơ ca theo cách mang lại sự tươi mới cho cả hai. Trong hầu hết các ấn bản thơ của Hopkins, có ít hơn bảy mươi lăm trang từ dòng đầu tiên của “The Wreck of the Deutschland” đến những dòng cuối cùng được ông viết. Nhưng số trang ít ỏi đó chứa đựng tất cả thơ ca làm nền tảng cho danh tiếng của Hopkins trong tư cách nhà thơ lớn của Anh.

Đoạn mở đầu của “The Wreck of the Deutschland” ngay lập tức nói bằng một giọng nói mới, một giọng nói chứa đựng nhịp điệu căng thẳng và sự kết hợp từ ngữ phi thường của Hopkins ở âm vực cao nhất của ông:

Ngài làm chủ con
Lạy Thiên Chúa! Đấng ban hơi thở và bánh mì;
Sợi dây của thế giới, sự lắc lư của biển cả;
Chúa tể của người sống và người chết;
Chúa đã buộc xương và mạch trong con, thắt chặt xác thịt con,
Và sau khi gần như tháo bỏ nó, thật đáng sợ,
Việc làm của Chúa: và Chúa có đánh động con một lần nữa không?
Con lại một lần nữa cảm thấy ngón tay của Chúa và tìm thấy Chúa.
(75)

Trong cách cầu khẩn thi ca bất thường này, Hopkins ở đây rời khỏi thể thơ tiêu chuẩn của thế kỷ 19 mà phần lớn ông đã sử dụng cho đến thời điểm này cho một điều được ông mô tả là “nhịp điệu bừng nở” [sprung rhythm], một loạt các âm tiết và khuôn mẫu câu thơ thay đổi, không phải là thơ tự do — như chúng thường được mô tả một cách nhầm lẫn—, nhưng là những hình thức thử nghiệm cũng sử dụng các kiểu điệp âm [alliteration] chỉ được tìm thấy trong thơ cổ Anglo-Saxon và xứ Wales. Hopkins đã suy nghĩ về những câu hỏi kỹ thuật này trong một số bản văn. (76) Có vẻ như những vấn đề kỹ thuật này ít liên quan đến tính Công Giáo của Hopkins, nhưng trên thực tế, thơ Công Giáo phải tìm đường đạt được những quan tâm thẩm mỹ cao nhất. Nếu không có những phẩm chất văn học hạng nhất, sẽ khó hiểu tại sao có người lại quan tâm đến văn học Công Giáo, vì chúng ta vốn có thể tìm đến triết học, thần học và sách cầu nguyện để tìm tài liệu tín lý hoặc sùng kính.

Thiên tài vĩ đại của Hopkins xuất hiện trong những dòng này chính là khả năng tạo ra những nhịp điệu khác thường trong khi duy trì các khổ thơ và vần điệu nghiêm ngặt, đồng thời, tìm ra các công thức ngôn từ (“Đấng ban hơi thở và bánh mì”/Sợi dây của thế giới, sự lắc lư của biển cả”; “thắt chặt xác thịt con”), trình bày về Thiên Chúa truyền thống của Kitô giáo một cách sống động và tức khắc. Như Hopkins nói về Thiên Chúa trong khổ thơ thứ năm, “mặc dù Người ở dưới sự huy hoàng và kỳ diệu của thế giới, / Mầu nhiệm của Người phải được linh cảm trọn vẹn (instressed) (**), được nhấn mạnh.” (77) Nơi các tác giả Công Giáo truyền thống hơn như Belloc và Chesterton, có lời mời xem xét sự thật lâu đời này. Nơi một nhà văn Công Giáo sáng tạo hiện đại như Hopkins, chính hình thức của thơ đã nhập thân vẻ đẹp mà Thánh Augustinô đã mô tả một cách nổi tiếng tam antiqua et tam nova [hết sức cũ và hết sức mới]. Điểm mới trong tác phẩm của Hopkins nằm ở nỗ lực này nhằm hướng tới cảm nhận về vẻ đẹp đó bằng một thể loại văn học rất độc đáo - một thể loại ít quan tâm đến khoa hộ giáo của Công Giáo hơn là tới một thể loại sáng tạo bằng lời nói có chủ ý ở gần các thăng trầm của sáng thế Thiên Chúa.

Có một loại ý nghĩa thần học trong những nỗ lực như vậy, một ý nghĩa có thể được nhận ra khi nhìn trở lui. Như đã đề cập trước đó, Hopkins cảm thấy có mối quan hệ họ hàng gần gũi với nhà thần học dòng Phanxicô thời trung cổ Duns Scotus (“người trong tất cả mọi người khiến tinh thần tôi được yên ổn nhất”, dòng 11 của “Duns Scotus's Oxford” [Oxford của Duns Scotus]). (78) Điều mà Hopkins dường như đã cảm nhận được ở Scotus là một sự đánh giá cao của người tu sĩ Phanxicô đối với tính đặc thù do Thiên Chúa tạo ra (haeccitas) của mỗi sự vật trong vũ trụ. Một nhà thần học hoặc triết gia có thể cố gắng phân tích trực giác này dưới dạng các phổ niệm [universals] và chủ nghĩa duy danh [nominalism], nhưng điều đó có lẽ sẽ chuyển một cách không cần thiết tính cụ thể của điều ông gọi là inscape (**) thành một bản ghi trừu tượng trong đó kinh nghiệm nguyên ủy bị mất đi, bất kể sự suy tư sau này muốn làm gì với nó. Trong những bài thơ hay nhất của Hopkins, chúng ta thấy một bức tranh toàn cảnh về thế giới, tìm ra một hình thức độc đáo để diễn đạt nó, sau đó cung cấp thêm vấn đề để phân tích.

Chúng ta có thể lấy một thí dụ điển hình là bài thơ “Pied Beauty” [Vẻ đẹp nhiều mầu xen lẫn nhau] của Hopkins, trong đó, có lẽ chỉ một mình trong số những nhà thơ vĩ đại nhất thế giới, ông chỉ ra vẻ đẹp đặc thù của những sự vật không hoàn hảo hơn là hoàn hảo:

Vinh danh Thiên Chúa vì những thứ lốm đốm

Vì bầu trời hai màu như một con bò nâu đốm,
Vì mầu hồng lẫn đen tất cả đều có chấm trên cá hồi bơi lội;
Hạt dẻ rụng mầu than hồng tươi mát, cánh chim sẻ nhiều mầu xinh đẹp;
Phong cảnh từng mảng từng mảnh — bãi rào, đất hoang và đất cày,
Và mọi nghề, thiết bị và dụng cụ đồ nghề.
Mọi thứ đều đáng kể, độc đáo, dự phòng, kỳ lạ;
Điều gì cũng dễ thay đổi, có tàn nhang (ai biết như thế nào?)
Cái nhanh cái chậm; cái ngọt cái chua; cái óng ánh cái lờ mờ;
Người phát sinh với vẻ đẹp vượt đổi thay;
Ngợi khen Người.
(79)

Ở đây, chúng ta có cảm thức trong sự không hoàn hảo rất đặc thù của chúng và do đó, khả năng chống lại việc bị giản lược thành những phát biểu chung chung, phổ quát, mỗi sự vật đều vừa nói lên một điều gì đó về kẻ “người phát sinh” vừa dẫn trở lại Đấng có “vẻ đẹp vượt đổi thay”.

Theo một nghĩa nào đó, tất cả các nhà thơ lớn đều thấy cách sử dụng điều đặc thù này giúp chúng ta không rơi vào một sự trừu tượng hóa dễ dãi, ngay cả khi họ đang đưa ra những tuyên bố mang tính khái niệm lớn. Hopkins cũng hoàn toàn có khả năng làm điều đó. Một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của ông, "God's Grandeur" [Sự Cao cả của Thiên Chúa], lấy một trong những chủ đề Kitô giáo lâu đời nhất, tức vinh quang Thiên Chúa (như chúng ta đọc trong Thánh vịnh 8: 19, và những nơi khác) như được biểu lộ trong sáng thế của Người. Nhưng để ngăn người đọc khỏi rơi vào thái độ “tôn giáo” đã được tiếp nhận, Hopkins làm mới toàn bộ ý tưởng bằng một bài hát mới:

Thế giới dầy rẫy sự vĩ đại của Thiên Chúa.
Nó đột nhiên bừng cháy, như tỏa sáng từ giấy bạc bị rung;
Nó tập hợp thành một sự vĩ đại, như dầu rỉ ra
Bị nghiền nát. Thì tại sao con người lúc này không lưu ý tới cây gậy của Người?
Bao thế hệ khinh rẻ, khinh rẻ, khinh rẻ;
Và tất cả đều chai đá trong thương trường; thành u mê, lấm lem vì cực nhọc;
Và mang vết nhơ của con người và chia sẻ mùi của con người: đất
Giờ đây trần trụi, chân hết cảm giác, bị bịt giày.
Và đối với tất cả những điều này, thiên nhiên không bao giờ cạn kiệt;
Có sự tươi mát thân yêu nhất trong sâu thẳm sự vật;
Và mặc dù những ngọn đèn cuối cùng tắt đi làm phía Tây đen tối
Ôi, buổi sáng, ở bờ nâu phía đông, là những mùa xuân—
Bởi vì Chúa Thánh Thần ngó xuống thế giới
Bất lương, ấp ủ với vú ấm và ôi! đôi cánh sáng. (80)

Có nhiều điều đang diễn ra trong sự điêu luyện của bài trữ tình này. Không chỉ có sự lóe sáng khác thường của giấy bạc và dầu nghiền chảy ra - hai hình ảnh khá độc đáo về sự xuất hiện bất ngờ của Thiên Chúa - mà chúng ta còn có được một bản chất tách xa chúng ta vì hoạt động của chính chúng ta, tuy nhiên, bản chất đó vẫn sáng lên mỗi ngày vì ánh sáng của Chúa Thánh Thần.

Văn học hiện đại có xu hướng coi tất cả những thử nghiệm như vậy đều có giá trị tự chúng. Thực thế, chúng ta thường nghĩ thử nghiệm càng hoang dã thì cảm hứng nghệ thuật càng chân thực và có cá tính. Đây là một đề xuất đáng nghi ngờ, và những bài thơ thử nghiệm thành công nhất của Hopkins kết hợp cả truyền thống và đổi mới. Có những chỗ trong đó các canh tân của ông dày đặc đến mức bài thơ là một loại kỳ dị, theo nghĩa xấu, giống với một số bài thơ “cụ thể” được viết vào cuối thế kỷ XX. Nó nói gần như một ngôn ngữ riêng tư, và các chủ đề trở nên không thể hiểu được đến mức khó có thể nói liệu chúng có liên quan đến điều gì đó trong thế giới hay bên ngoài thế giới đó hay không. (Bạn đọc tò mò có thể xem “Spelt from Sibyl’s Leaves” [Lúa mì mịn từ Lá Sibyl].)

Hopkins đôi khi được gọi là nhà thơ hiện đại thực sự đầu tiên bằng tiếng Anh. Những đặc điểm như vậy có lẽ không đáng giá lắm, nhưng xét về tổng thể, không có nhà thơ Công Giáo nào trong thế kỷ 20 đặc biệt như vậy. Với tài năng xuất sắc nhất của mình - trong một số ít những bài thơ mà vì chúng ông được biết đến nhiều nhất - ông nói bằng một giọng điệu độc nhất vô nhị không chỉ đối với văn học mà còn đối với thế giới trí thức Công Giáo của thế kỷ XX. Có lẽ chỉ Paul Claudel mới có tầm vóc văn chương nghiêm chỉnh như vậy trong số các nhà thơ Công Giáo hiện đại. Người ta đã cố gắng tìm ra lời giải thích nào đó cho sự bùng nổ sáng tạo này trong quá trình trở lại đạo của Hopkins và trong kinh nghiệm của ông về cả những phụng vụ bị trấn lột của đạo Công Giáo Anh (so với sự hoành tráng của truyền thống Anh giáo) và những người dân lao động khiêm tốn mà ông phục vụ như một linh mục. Hầu hết điều này có tính suy lý và không thuyết phục. Có vẻ như Thiên Chúa ban tặng những món quà văn học của Người, như mưa rơi trong câu Tin Mừng, trên người công chính và kẻ bất lương, với sự ưu tiên nhất định dường như dành cho những kẻ bất lương nhiều hơn.

Cách tốt hơn để hiểu thành tựu đặc thù của ông trong tư cách nhà thơ là nhìn ra một kiểu hội tụ kiểu Tô Cách Lan giữa một bên là những điểm đặc thù của thế giới và ngôn ngữ thi ca, và một bên là những sự vật cá thể của thế giới đồng thời “tạo hình” [body forth] Chúa Kitô trên người khác:

Khi bói cá bắt lửa, chuồn chuồn hút lửa;
Khi rớt xuống vành giếng tròn
Các hòn đá kêu leng keng; như từng sợi dây kéo kể lể, quả lắc chuông treo
Đu đưa tung tên mình ra xa rộng;
Mỗi thứ tử sinh đều làm một việc và cùng một việc:
Làm sao mỗi người mỗi ở trong nhà;
Tự tạo bản thân—tự đi lấy; bản thân tôi nói và đánh vần,
Khóc những gì tôi làm là chính tôi: vì thế mà tôi đã đến.
Tôi xin nói hơn thế: người công chính làm điều công chính;
Giữ ơn thánh: giữ mọi việc họ làm là ơn thánh;
Hành động trước mắt Chúa điều họ là trước mắt Chúa—
Chúa Kitô - vì Chúa Kitô hành động ở mười ngàn nơi,
Đáng yêu ở tay chân, và đáng yêu ở đôi mắt không phải của Người
Với Chúa Cha qua nét mặt những con người. (81)

Kỳ tới: Đóng góp của Scandinavia: Sigrid Undset