Chương 9: Sự tươi mát sâu thẳm của sự vật: Cuộc phục hưng văn học Công Giáo (tiếp theo)

Tiến sĩ Công Giáo Johnson



Hilaire Belloc (1870—1953) là người lớn tuổi hơn trong hai người và là người Công Giáo gốc, không phải là người trở lại đạo. Ông sinh ra (một cách thích hợp, trong một cơn giông bão và khi Vatican I tuyên bố rằng Đức Giáo Hoàng không thể sai lầm trong các vấn đề về đức tin và đạo đức) tại La Celle-Saint-Cloud ngay bên ngoài Paris với mẹ là người Anh và bố là người Pháp. Mẹ ông nhanh chóng đặc biệt danh cho ông là “Sấm cũ”. Cả cha và mẹ đều có tổ tiên xuất sắc trong các lĩnh vực văn hóa bao gồm văn học và hội họa. Mẹ của Belloc cũng là chắt gái của nhà hóa học Joseph Priestley và đã chuyển sang làm việc trong giới văn học nổi tiếng thời Victoria. Belloc được đào tạo ở Anh (tại Trường Oratory Edgbaston, do Newman thành lập), nơi ông đã sớm bộc lộ những dấu hiệu của năng khiếu văn chương hiếm có. Nhưng ông đã trải qua những mùa hè ở Pháp, đi đi lại lại trên eo biển Manche và thông thạo cả tiếng Pháp lẫn tiếng Anh. Một trong những điểm mạnh dễ thấy mà ông đã mang lại cho Đạo Công Giáo ở Anh—ngoài việc là một trong những người nói nhiều nhất ở mọi thời đại—là sự quen thuộc cụ thể với văn hóa Công Giáo và cuộc sống hàng ngày trên Lục địa. Là một người mạnh mẽ cả về thể chất lẫn trí thức, ông phải tự nuôi sống mình bằng cách sản xuất một lượng đều đặn các tập sách sống động về nhiều chủ đề khác nhau—lịch sử, văn hóa, chiến tranh, tôn giáo—sau đó, như ông vẫn tin, ông đã bị từ chối chức giáo sư tại Oxford (nơi ông từng nghiên cứu lịch sử) vì đạo Công Giáo của mình. Ông bắt đầu giải quyết một số vấn đề lịch sử tương tự mà Christopher Dawson sau này sẽ giải quyết bằng sức mạnh ngang nhau. Nhưng bằng tính khí và sự lựa chọn, Belloc đã áp dụng một thái độ thông minh nếu không nói là ngoan cố đối với Phong trào Thệ phản và sự độc quyền của nó đối với tư tưởng Anh, vốn rất cần được mở rộng vượt ra ngoài những giả định văn hóa tiêu chuẩn của nó. Thật vậy, có thể nói rằng những nỗ lực của Belloc nhằm chỉnh sửa tính cách biệt của Anh thông qua sự quen thuộc của ông với các mối liên hệ lịch sử sâu sắc của lục địa Châu Âu với Giáo hội là một đặc điểm chung giữa nhiều nhân vật vĩ đại của Anh trong cuộc phục hưng văn học Công Giáo hiện đại.

Cha Martin D'Arcy đã từng mô tả tầm vóc của Belloc khá chính xác, gọi ông là "Tiến sĩ Công Giáo Johnson", (4) một ý kiến được lặp lại bởi Thời báo Luân Đôn khi Belloc qua đời. Giống như Johnson, Belloc không chỉ là một nhà văn vĩ đại mà còn là một trong những nhân vật ấn tượng nhất của thời kỳ này, như nhiều nhân chứng đã xác nhận. Từ những ngày tranh luận tại Liên minh Oxford cho đến khi căn bệnh lão suy bắt đầu cướp đi sức lực của ông, ông luôn là một tiếng nói sôi nổi và có mặt trong bất cứ cuộc tụ tập bằng hữu nào. Nhưng ông là một Tiến sĩ Johnson Công Giáo, và không bao giờ phải xin lỗi về đức tin của mình, thậm chí còn trong số những người có thành kiến mạnh mẽ đối với Thệ Phản. Trong một tình tiết khét tiếng, trong một cuộc mít tinh chính trị khi ông đang ứng cử vào Quốc hội để đại diện cho Nam Salford, ông đã bị chỉ trích vì là một “duy giáo hoàng”. Belloc lấy chuỗi tràng hạt của mình ra và trả lời một cách đặc trưng: “Tôi quỳ xuống và lần tràng hạt này bao lâu có thể mỗi ngày. Nếu bạn bác bỏ tôi vì lý do tôn giáo của tôi, tôi sẽ cảm ơn Thiên Chúa vì Người đã tha cho tôi sự sỉ nhục làm người đại diện cho bạn.” (5) Đám đông yêu thích điều đó, và Belloc đã giành được ghế.

Nhưng Belloc cũng có thể là người khó tính thất thường trong môi trường Công Giáo. Trong một trường hợp nổi tiếng khác, ông đã từng quỳ gối theo kiểu Pháp trong Thánh lễ tại nhà thờ Công Giáo tráng lệ nhất Luân Đôn, Nhà thờ Westminster. Một ông từ nhà thờ chính toà đến gần ông nói:

“Xin lỗi, thưa ngài, ở đây, chúng tôi đứng.”

"Xuống hỏa ngục đi."

“Xin lỗi, thưa ngài, tôi không biết ngài là người Công Giáo.”
(6)

Và đây không phải là trường hợp duy nhất mà lòng mộ đạo và một sự thô lỗ nào đó biểu lộ đồng thời trong suốt cuộc đời của Belloc. Thậm chí có thể nói rằng ông nghĩ rằng tính cộc cằn là một trong những yếu tố cần thiết của một lòng mộ đạo Công Giáo thực sự xứng đáng với cái tên ở nước Anh tự mãn vào thời ông.

Tuy nhiên, những cuốn sách đầu tiên của ông, và một số tác phẩm hay nhất của ông, là những tập thơ nhẹ nhàng và thông minh dành cho trẻ em, đặc biệt là The Bad Child’s Book of Beasts [Cuốn sách về những con thú của đứa trẻ hư], More Beasts for Worse Children [Những con thú khác dành cho những đứa trẻ tồi tệ hơn], và Cautionary Verses [Những câu thơ thận trọng]. (7) Cuốn cuối cùng bắt đầu với lời khẩn khoản yêu cầu người đọc trẻ tuổi, lời kêu gọi kết luận:

“Và khi những lời cầu nguyện của em hoàn thành trong ngày,
Em yêu dấu, đôi bàn tay nhỏ bé của em
Tôi nghĩ cũng được tạo ra để cầu nguyện
Cho những người đàn ông đã đánh mất vùng đất thần tiên của họ.”


Cả Belloc và Chesterton đều viết xuất sắc về kiểu tuổi thơ hay thay đổi này được kết hợp với những mục đích nghiêm túc hơn. Cả hai người đàn ông đều bày tỏ lòng tôn kính sâu sắc đối với sự ngây thơ vô tội. Và theo một nghĩa nào đó, Chesterton, hơn hầu hết bất cứ nhà văn nào của thế kỷ 20, đã gìn giữ trong suốt cuộc đời mình một loại niềm vui thích kéo dài của trẻ thơ đối với thế giới như lập trường thực sự của một Kitô hữu đối với sáng thế. Bài thơ “A Second Childhood” [Thời thơ ấu thứ hai] của ông là một đại diện chính đáng cho thái độ của cả hai người đàn ông:

Khi tất cả những ngày của tôi đang kết thúc
Và tôi không còn bài hát để hát,
Tôi nghĩ rằng tôi sẽ không quá già
Để nhìn chằm chằm vào mọi sự;

Như trước đây tôi nhìn chằm chằm vào một cánh cửa nhà trẻ
Hoặc một thân cây cao và một cái xích đu.
Nơi lòng thương xót nặng ký của Chúa treo lơ lửng
Trên mọi tội lỗi của tôi và chính tôi,

Vì Người không lấy đi
Nỗi kinh hoàng khỏi thân cây
Và các viên đá vẫn bóng loáng dọc đường
Đều là và không thể là.

Những người đàn ông quá già để yêu, em yêu,
Những người đàn ông quá già để uống rượu,
Nhưng tôi sẽ không quá già để thấy
Ánh sáng ban ngày phi thường chiếu sáng,
Đổi bụi trong phòng tôi thành tuyết
Cho đến khi tôi nghi ngờ liệu nó có là của tôi hay không.

Kìa, lòng thương xót lên vương miện tan chảy,
Những bất ngờ đầu tiên ở lại;
Và trong đống rác của tôi rơi một món quà
Mà vì nó tôi không dám cầu xin:
Rằng một người đàn ông quen với đau buồn và niềm vui
Nhưng không quen với đêm và ngày.

Những người đàn ông quá già để yêu, em yêu,
Những người đàn ông quá già để nói dối;
Nhưng tôi sẽ không quá già để thấy
Đêm mênh mông phát sinh,
Một đám mây lớn hơn thế giới
Và một con quái vật làm bằng mắt.

Tôi cũng không xứng đáng để cởi
Dây giày của tôi;
Hoặc phủi bụi khỏi chân tôi
Hoặc chiếc gậy đưa tôi đó đây
Trên mặt đất quá tốt để tồn tại,
Quá chắc chắn để trở thành sự thật.

Những người đàn ông quá già để tán tỉnh, em yêu,
Những người đàn ông quá già để kết hôn;
Nhưng tôi sẽ không quá già để thấy
Treo điên cuồng trên đầu
Những xà nhà đáng kinh ngạc khi tôi thức dậy
Và tôi thấy mình chưa chết.

Một hồi hộp sấm sét trong tóc tôi:
Mặc dù những đám mây đen thấy rõ,
Tôi vẫn bất ngờ và giật mình
Bởi giọt mưa đầu tiên:
Sự lãng mạn và niềm tự hào và niềm đam mê đều qua đi
Chỉ còn đây những giọt mưa.

Những thảm cỏ bò lổm ngổm lạ kỳ,
Các cửa sổ trời rộng mở:
Vì vậy, trong ân sủng nguy hiểm này của Thiên Chúa
Với tất cả tội lỗi của tôi ra đi, tôi:
Và mọi thứ phát triển mới mặc dù tôi già đi,
Dù tôi già đi và chết đi
. (8)

Những câu thơ của Belloc dành cho trẻ em đôi khi cũng hoạt động theo những dòng này, nhưng ông cũng chỉ ra một số luân lý khéo léo. Cuốn đầu tiên trong Cautionary Tales của Belloc (một số ấn bản có tựa đề Cautionary Verses [Những Vần thơ Cảnh cáo) có tiêu đề, "Jim, Người đã chạy trốn khỏi Y tá của mình và bị Sư tử ăn thịt", và dạy bài học sau:

Cha của em, người tự chủ,
Mời tất cả trẻ em đến xung quanh
Đến kết cục khốn khổ của James,
Và luôn giữ cô Y tá
Vì sợ phát hiện ra điều gì đó tồi tệ hơn
.”

Giữa phần nhiều những điều vô nghĩa được truyền cảm hứng, việc bám vào thẩm quyền đúng đắn lặp đi lặp lại cho đến khi cuốn Ladies and Gentlemen [Quý bà và quý ông ] của Belloc tuyên bố một biến thể tôn giáo về chủ đề sau: “Đạo đức là (thực sự là như vậy!), / Bạn không được đùa dỡn với Kinh Tin Kính. ”

Hồng Y Manning của Luân Đôn, người đã gây ấn tượng sâu sắc với mẹ của Belloc đến nỗi bà trở thành người Công Giáo, cũng gây ảnh hưởng lớn đến Belloc, giống như ngài đã làm với toàn bộ Giáo hội Anh vào thời của mình. Belloc đã gặp ngài nhiều lần và luôn ghi nhớ một nhận xét mà vị Hồng Y đã từng nói với cá nhân ông: “Tất cả xung đột của con người suy cho cùng đều là thần học”. Giống như Christopher Dawson, ông đã mang đến một quan điểm Công Giáo cho các sự kiện lịch sử, thường đủ để soi sáng nhiều điều khác nhau mà các sách lịch sử tiêu chuẩn Thệ phản bỏ qua — đặc biệt là về nước Anh. Chẳng hạn, ông đã chỉ ra nhiều lần rằng tầng lớp quý tộc Anh có được khối tài sản kếch sù từ việc cướp đoạt đất đai của các đan viện và Nhà thờ trong thời kỳ Cải cách. Và theo cách kể của ông (không hoàn toàn chính xác, như sẽ thấy ở bên dưới), những bất công xã hội sau này đều đã dựa trên chính sự bất công đầu tiên này, còn hơn cả sự lừa dối của Henry VIII và những tranh chấp thần học với những người theo thuyết Calvin (mặc dù ông cũng tố cáo những điều đó). Quan điểm của ông về Cách mạng Pháp nói riêng — đặc biệt là nó đã đi theo một hướng sai lầm và không cần thiết khi đặt Giáo hội và nền dân chủ chống lại nhau — là quan điểm mà Belloc chia sẻ với Péguy. Và ông đã thuyết phục được nhiều người trong thế giới nói tiếng Anh, những người có thể nghiêng về sự phê phán sắc bén của Edmund Burke đối với cuộc xung đột ở nước ngoài đó, đặc biệt là Chesterton. Hơn nữa, Belloc đã làm nổi bật trở lại một khái niệm tổng quát hơn về tôn giáo với tư cách là một lực lượng công cộng quan trọng, không chỉ đơn thuần là lực lượng tư nhân, trong việc hiểu quá khứ và hiện tại.

Việc trước tác của Belloc luôn mạnh mẽ - bản thân nó vốn là một kỳ tích vì ông phải gấp rút cho ra đời nhiều cuốn sách để kiếm sống (điều này cũng có thể góp phần nào đó vào xu hướng của ông hướng tới những lời giải thích “Công Giáo” sâu rộng về những câu hỏi lịch sử phức tạp). Tuy nhiên, cuốn sách đầu tiên và có lẽ là lâu dài nhất của ông dành cho người lớn là The Path to Rome [Đường tới Rôma]. Tiêu đề là một tiêu đề theo nghĩa đen. Là một người theo đạo Công Giáo, Belloc không cần phải viết về một cuộc trở lại đạo - mà tiêu đề có thể gợi ý cho độc giả hiện đại. Nó kể lại chuyến hành hương mà ông đã đi bộ—“vì tội lỗi của tôi”—từ Toul ở Alsace, nơi ông đã thực hiện nghĩa vụ quân sự của mình trong một năm trong Quân đội Pháp, qua dãy Alps đến Ý và xuống Rôma để có mặt trong Lễ Thánh Phêrô và Phaolô. Không rõ chính xác điều gì đã thôi thúc ông thực hiện cuộc hành trình đó, mặc dù Belloc gợi ý rằng nó có liên quan gì đó đến bức tranh Đức Trinh Nữ Maria ở nơi sinh của ông ở Pháp. Nhưng bất kể nguồn gốc tôn giáo của nó là gì, và với tất cả những lỗi lầm nhỏ của nó, cuốn sách là một tác phẩm kinh điển: một bản tường thuật kỳ diệu về một cuộc hành trình đơn độc tuyệt vời bằng cách đi bộ qua một phong cảnh đáng chú ý mà chỉ có cảm hứng văn học vĩ đại của Belloc mới sánh được. Và với một thiên phú bổ sung: giống như Chesterton, Belloc có năng khiếu vẽ, và ông đã minh họa bằng những phác thảo bút chì một địa hình mà, ở nhiều chỗ, có thể giết chết nhiều người đàn ông khác và suýt giết chết chính ông.

Toàn bộ tác phẩm thấm đẫm một cảm thức độc lập và tự do hiếm có—một năng lực và sự đơn giản gần như nguyên thủy. Belloc chơi với một “Lector” [Độc giả] tưởng tượng trong vài trang ở phần đầu trước khi bắt tay vào công việc. Điều này thật đáng tiếc vì nó mang lại ấn tượng sai lầm rằng toàn bộ cuốn sách sẽ là một thứ phù phiếm vô mục đích. Điều đó chắc chắn đã ngăn cản một số độc giả đến với nhiều trang đáng nhớ kể lại những cuộc phiêu lưu trên con đường đầy thử thách này và những quan sát nhỏ nhặt về con người và thiên nhiên hiếm khi được kể lại một cách mạnh mẽ như vậy. (Hai trong số các tập khác của Belloc—The Four Men [Bốn Người Đàn Ông], một “farrago” [món hổ lốn] kể về một chuyến đi bộ băng qua quê hương Sussex của ông, và The Cruise of the Nona [Du thuyền Nona], Nona là con thuyền yêu quý của Belloc—có chung một năng lực nam tính.) Đối với tất cả những yếu tố hấp dẫn này, Belloc bổ sung thêm một khía cạnh có tính xác định khác: sự hiện diện của nền văn hóa Công Giáo cũ của châu Âu như là xương sống thực sự của cuộc sống hàng ngày cụ thể, khác xa với các chuyến tàu hỏa và các tiện nghi khác của nền văn minh hiện đại. Toàn bộ tạo thành một loại gần gũi [immediacy] mới mẻ của Công Giáo trong thế giới vốn mang một số nét tương đồng với những nỗ lực hiếm hoi hơn nhiều của Gerard Manley Hopkins để đạt được sự tiếp xúc trực tiếp với sáng thế nguyên thủy của Thiên Chúa.

Khi không thể theo kịp chương trình gian khổ này, Belloc cảm thấy mình bị thu nhỏ lại. Thật vậy, sau khi thất bại trong nỗ lực trèo qua rào cản lớn nhất giữa Thụy Sĩ và Ý - đèo Gries - ông phàn nàn, "Dãy Alps đã đánh bại tôi", và nói về con đường mà những người khác đã đi với thái độ khinh bỉ:

Tôi trở lại “The Bear” [một quán trọ], im lặng và tức giận, và không chấp nhận nỗi nhục của thất bại đó. Sau đó, sau khi ăn xong, tôi cũng im lặng quyết định lên đường như bất cứ kẻ ngốc nào khác; băng qua Furka bằng một xa lộ đẹp đẽ, giống như bất cứ khách du lịch nào, và băng qua St. Gothard bằng một xa lộ đẹp đẽ khác, như hàng triệu người đã làm trước tôi, và không phải nhìn thẳng vào mặt trời một lần nữa cho đến khi tôi quay lại sau quãng đường vòng dài của mình, trên con đường thẳng một lần nữa dẫn đến Rôma.... Mãi đến Como tôi mới cảm thấy mình là một người đàn ông trở lại.(10)

Tuy nhiên, khi Belloc ở trên cao trên những ngọn núi ngoài đường mòn đó, ông đã đối đầu và ghi lại những điều mà ít người khác có thể có được: “Hãy để tôi nói như sau: rằng từ độ cao của Weissenstein, tôi đã nhìn thấy tôn giáo của mình. Ý tôi là, sự khiêm tốn, sợ chết, sợ độ cao và khoảng cách, vinh quang của Thiên Chúa, khả năng tiếp nhận vô hạn, từ đó khơi dậy cơn khát thiêng liêng của tâm hồn; khát vọng của tôi cũng hướng tới sự hoàn thành, và niềm tin của tôi vào số phận kép. Vì tôi biết rằng chúng ta, những kẻ hay cười, có mối quan hệ họ hàng thô thiển với những đấng cao siêu nhất, và chính sự tương phản và sự cãi cọ dai dẳng này đã nuôi dưỡng nguồn vui thú trong tâm hồn của một người đàn ông lành mạnh.” (11) Người đàn ông “lành mạnh” này là chủ đề chung của Chesterbelloc, một sự tỉnh táo có tiếng vang và bắt nguồn từ sự thánh thiện.

The Path to Rome [Con đường đến Rôma ] cũng là một ghi chép về cuộc sống hàng ngày được khám phá trên đường đi với một lượng lớn rượu, thức ăn, bài hát và thi ca. Ông nói, một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của Belloc đã được viết khi ông đi ngang qua Undervelier (“Ở Undervelier, họ nấu ăn tệ hơn bất cứ nơi nào tôi từng đến, có thể ngoại trừ Omaha, Neb.”). (12) Ông nhờ một nông dân cho cà phê, và khi người sau từ chối, "Tôi cho rằng anh ta là một kẻ dị giáo." Sau đó Belloc sáng tác một bài hát dọc đường:

Tất cả những kẻ dị giáo, bất kể bạn là ai,
Ở Tarbes hoặc Nîmes, hoặc trên biển,
Bạn sẽ không bao giờ có những lời tốt đẹp từ tôi.

Caritas non conturbat me [Đức ái không làm phiền tôi].
Nhưng những người đàn ông Công Giáo sống bằng rượu
Chìm sâu trong nước, thẳng thắn và tinh tế;

Bất cứ nơi nào tôi đi du lịch tôi đều thấy như vậy,
Benedicamus Domino [Ngợi khen Thiên Chúa].
Những người phụ nữ đang mang thai cô độc
Và những người đàn ông đổ mồ hôi không vì điều gì ngoài sự khinh miệt:

Nghĩa là tất cả những gì từng được sinh ra,
Miserere Domine [Xin Chúa thương xót]
Cho bản thân đáng thương của con trên giường hấp hối,
Và tất cả những người bạn đồng hành thân yêu của con đã chết,
Vì tình yêu mà con mang theo họ,
Dona Eis Requiem [xin ban cho họ yên nghỉ].
(13)

Vui đùa thỏa thích, nhưng không bất công—không phải tất cả những người dị giáo đều có nọc, và không phải tất cả người Công Giáo đều là những người uống rượu vui vẻ. Belloc thích tác động đến đạo Công Giáo cùn nhụt này, vốn phủ nhận mọi điều tốt đẹp trên thế giới và mọi nền văn minh thực sự (một thực tại sống động không được đồng nhất với những tiện nghi vật chất mà hầu hết mọi người nghĩ là nền văn minh) đối với bất cứ điều gì không minh nhiên có trong Giáo hội. Ông thậm chí còn cho rằng người Công Giáo có một cách hiểu đặc biệt về lịch sử và chuyện kể về nền văn minh phương Tây. Như ông đã diễn đạt nó một cách nổi tiếng trong một cuốn sách đáng chú ý khác, Europe and the Faith [Châu Âu và Đức tin]: “Một người Công Giáo khi đọc câu chuyện đó không dò dẫm nó từ bên ngoài, mà họ hiểu nó từ bên trong. Họ không thể hiểu nó hoàn toàn, bởi vì họ là một hữu thể hữu hạn; nhưng họ cũng là điều mà họ phải hiểu. Đức Tin là Châu Âu và Châu Âu là Đức Tin.” (14)

Chỉ có dòng cuối cùng của đoạn văn trên mới thường được trích dẫn, và khi đứng một mình, dường như nó đặt ra nhiều câu hỏi. Nhưng trong vòng vài trang Belloc giải thích thêm:

Người Công Giáo hiểu mảnh đất trên đó cây Đức tin ấy đã mọc lên. Theo cách mà không người nào khác có thể hiểu được, ông hiểu nỗ lực quân sự của La Mã; tại sao nỗ lực đó lại xung đột với đế chế Á Châu và thương nhân thô lỗ của Carthage; chúng ta dẫn khởi những gì từ ánh sáng của Athens; chúng ta tìm thấy thức ăn gì nơi người Ái Nhĩ Lan và người Anh, các bộ lạc Gallic, những ký ức mơ hồ nhưng khủng khiếp của họ về sự bất tử; chúng ta tuyên bố mối quan hệ anh chị em họ nào với nghi lễ của các tôn giáo sai lầm nhưng sâu xa, và thậm chí cả việc Israel cổ thời (dân tộc nhỏ bé bạo lực, trước khi họ bị đầu độc, trong khi chưa là Quốc gia ở vùng núi Giuđêa), là trung tâm như thế nào ít nhất trong cựu ức và (như người Công Giáo chúng ta nói) thánh thiêng ra sao: cống hiến cho một sứ mệnh đặc biệt.

Đối với người Công Giáo, toàn bộ viễn ảnh rơi vào đúng trật tự của nó. Hình ảnh là bình thường. Không có gì méo mó đối với họ. Diễn biến câu chuyện vĩ đại của chúng ta diễn ra dễ dàng, tự nhiên và đầy đủ. Nó cũng là chung cuộc. (15)

Tất cả điều trên đều đúng, mặc dù đã bị đẩy đi quá xa một chút; nếu không, người Công Giáo đáng lẽ đã có một vị trí nổi bật hiển nhiên trong các nghiên cứu lịch sử châu Âu, một điều đáng tiếc đã không xảy ra. Nhưng Belloc chắc chắn đúng khi cho rằng có một nền văn hóa phương Tây có thể nhận dạng được, mang ơn Công Giáo rất nhiều, có thể nắm bắt tốt nhất từ bên trong.

Tuy nhiên, kiểu tiếp cận này tan vỡ khi Belloc tìm cách sử dụng nó cho những giải thích quy mô lớn mà không thực sự giải thích được. Thí dụ, ông tin rằng phần Phổ của lãnh thổ Đức lúc bấy giờ không được dạy giáo lý đầy đủ khi Giáo hội đang mở rộng ở châu Âu - một điểm đáng tranh cãi. Nhưng sau đó ông tiếp tục đổ lỗi sự kiện này cho sự bùng nổ của Thế chiến thứ nhất:

Tại sao nước Phổ phát sinh? Bởi vì việc truyền giáo không hoàn hảo theo lối Byzantine của Đồng bằng Slavonic phía Đông không đáp ứng được, nên ở Phổ, cơn lũ truyền thống phương Tây sống động trào dâng từ Rôma. Phổ là một sự gián đoạn. Trong khu vực nhỏ bị bỏ quên đó, một nửa không được Đông Byzantine vun sới cũng như hoàn toàn không được vun sới bởi Tây Rôma, đã mọc lên một khu vườn đầy cỏ dại. Và cỏ dại tự gieo hạt lấy. Phổ, tức là đám cỏ dại này, không thể mở rộng cho đến khi phương Tây suy yếu do ly giáo. Nó phải đợi cho đến khi trận chiến Cải cách kết thúc. Nhưng nó đã đợi. Và cuối cùng, khi có cơ hội, nó đã phát triển một cách phi thường. Đám cỏ dại đầu tiên tràn qua Ba Lan và Đức, sau đó là một nửa châu Âu. Cuối cùng, khi nó thách thức toàn bộ nền văn minh, nó là chủ nhân của một trăm năm mươi triệu linh hồn.(16)

Điều trên làm căng thẳng niềm tin. Các quốc gia châu Âu đã gây chiến với nhau kể từ khi họ trỗi dậy—Người Công Giáo chống lại người Công Giáo cũng như người Công Giáo chống lại người Thệ phản. Nếu việc truyền bá Tin Mừng không trọn vẹn là chìa khóa giải thích, thì với bản chất sa ngã của con người, cuộc chiến của tất cả chống lại tất cả là điều không thể tránh khỏi.(17)

Belloc đã có chỗ đứng chắc chắn hơn khi ông nói rõ rằng sự cân bằng trong nền văn minh do Công Giáo mang lại, với sự tách biệt về mặt định chế với nhà nước nhưng có ảnh hưởng đến tác phong, là điều kiện cần thiết để có tự do. Như ông nói về cuộc xung đột khét tiếng của Thánh Thomas Becket với vua Anh về các đặc quyền của Giáo hội:

Khi đọc câu chuyện, một người Công Giáo thấy rằng Thánh Tôma rõ ràng và nhất thiết phải đánh mất, về lâu dài, mọi điểm cụ thể mà ngài đã nêu bật, thế nhưng ngài đã cứu được khắp châu Âu điều lý tưởng mà ngài rất nổi bật. Một người Công Giáo hiểu rõ lý do tại sao sự nhiệt tình của dân chúng tăng lên: việc bảo đảm có được một hiện sinh lành mạnh và hợp luân của người dân thường chống lại mối đe dọa của những người giàu có, và quyền lực của Nhà nước - chính quyền tự trị của Giáo hội nói chung, đã được bảo vệ bởi một quán quân cho đến chết. Vì nền luân lý do Giáo hội đặt để là bảo đảm của tự do. (18)

Một người Công Giáo hiểu điều này, chẳng hạn như các Nhà lập quốc Hoa Kỳ hiểu điều này bởi vì kỷ luật bản thân được hình thành trong đức tin là động lực thúc đẩy loại tự do ngăn cản nhà nước nuốt chửng mọi sự.

Về phương diện này, Belloc đúng khi phản đối một truyền thống từ thời Phong trào Ánh sáng, và ở Anh, đặc biệt từ Gibbon, cho rằng Kitô giáo chỉ trở thành tôn giáo của La Mã khi nó suy tàn. Ông phản bác: “Đức tin là điều mà La Mã đã chấp nhận khi trưởng thành; Đức tin cũng không phải là nguyên nhân dẫn đến sự suy tàn của nó, mà đúng hơn là người bảo tồn tất cả những gì có thể được bảo tồn.” (19) Đó là một điều chỉnh thực sự đối với lối chép sử cũ chống Công Giáo, và các nghiên cứu lịch sử tiếp theo đã xác nhận điều đó một cách rộng rãi. Cũng có thể nói một điều tương tự về quan điểm của Belloc đối với Thời đại “Tối tăm” và Trung cổ: chúng không tối tăm như thời Phục hưng và Phong trào Ánh sáng vốn tin, và Giáo hội không phải là nguyên nhân của bóng tối mà là người bảo vệ ánh sáng khi có thể trong điều kiện xã hội đã thay đổi. Chống lại huyền thoại cho rằng các bộ lạc Teutonic mang các xung lực dân chủ đến châu Âu, Belloc khẳng định rằng thói quen bỏ phiếu của đan viện, chẳng hạn, thường nằm sau các thực hành dân chủ sau này. Và Giáo hội, không ngăn cản việc học tập, đã hỗ trợ các trường học và thành lập các trường đại học vì sự đánh giá cao thực sự đối với nhận thức, điều mà Giáo Hội đã chứng tỏ kể từ khi bước vào thời thế giới cổ thời. Điều này cũng đã được xác nhận bởi nền học thuật sau này.

Ở nhiều điểm, rõ ràng mục tiêu chính của Belloc là cảm thức sai lầm về lịch sử đã tìm đường vào các sách giáo khoa của Anh. Tính đa dạng trong sự thống nhất của Đế Quốc La Mã Cổ và Giáo Hội Rôma Cổ đã bị bóp méo vì lợi ích của một huyền thoại quốc gia có tính tâng bốc. Như ông thường lập luận, Giáo hội là một định chế cụ thể với những nguyên tắc nhất định, không phải là một tâm trạng mơ hồ hay “đức tin” gần như không có nội dung. Đó là điều cho phép Giáo Hội sinh tồn và phát triển trước những thế lực có thể dễ dàng áp đảo mình. Và các Kitô hữu hiểu điều này một cách theo bản năng:

Họ gắn liền với quan niệm về một sự vật: về một cơ phận có tổ chức được thành lập vì một mục đích đã định, ra kỷ luật một cách dứt khoát và đáng chú ý vì sở hữu một tín lý cụ thể và được định tín. Khi nói về ba thế kỷ đầu tiên, người ta có thể nói về chủ nghĩa khắc kỷ, chủ nghĩa Epicure, hoặc chủ nghĩa tân Platông; nhưng người ta không thể nói về “chủ nghĩa Kitô giáo” hay “chủ nghĩa Kitô”. Thật vậy, không ai thiếu hiểu biết hoặc phi lịch sử đến mức thử những cụm từ đó. Nhưng cụm từ “Kitô giáo” [Christianity] hiện nay, được người hiện đại sử dụng như đồng nhất với cơ phận Kitô giáo vào thế kỷ thứ ba, về mặt trí thức tương đương với “chủ nghĩa Kitô giáo” [Christianism] hoặc “chủ nghĩa Kitô” [Christism]; và, tôi xin nhắc lại, nó bao hàm một ý tưởng hết sức phi lịch sử; nó nghe như một điều gì đó sai về mặt lịch sử; một điều gì đó không bao giờ hiện hữu. (20)

Tương tự như vậy, Belloc đã cho nổ tung - đúng như vậy - huyền thoại cho rằng “các bộ lạc man rợ” mạnh mẽ đã lật đổ một đế chế thối nát. Trên thực tế, những nhân vật như Alaric là người La Mã khi sinh ra, có thể là người Đức do nguồn gốc gia đình, và được đào tạo thành sĩ quan quân đội La Mã trước khi được cho là “xâm lược” các dân tộc Địa Trung Hải mềm yếu. Về điểm này, ông giống với nhiều vị tướng trước đây từng tham gia vào các cuộc nội chiến ở lãnh thổ La Mã. Ông ta tiếp quản lãnh thổ La Mã khi điều đó có vẻ có lợi cho ông ta. Belloc đã vượt xa phần lớn nền học giả Anh vào thời của ông về những vấn đề này, điều mà các nhà sử học ngày nay thường chấp nhận như ông hiểu chúng. Ông đúng khi mô tả sự sụp đổ và cuộc chinh phục được cho là của đế quốc như sau: “Không có cuộc chinh phục nào như vậy. Tất cả những gì đã xảy ra là một sự biến đổi nội bộ của xã hội La Mã, trong đó các chức năng chính của chính quyền địa phương rơi vào tay những người đứng đầu các lực lượng phụ trợ địa phương trong Quân đội La Mã. Vì các lực lượng phụ trợ này giờ đây chủ yếu là man rợ nên nhân cách của các thống đốc địa phương mới cũng vậy.” (21) Sự kiện này cũng thay đổi quan điểm của chúng ta về Các Thời Đại “Đen tối”, cho dù đế quốc nói chung nay đã tan thành nhiều mảnh, các thống đốc địa phương vẫn bảo tồn phần lớn các đặc tính cơ bản trước đó, và một số trong số họ đã phát triển thành các vị vua bắt đầu cai trị các vương quốc đã trở thành các quốc gia hiện đại. Tất cả những điều này nhằm mục đích dẫn đến một cách hiểu khác về nước Anh hiện đại, mà Belloc cho thấy là một phần của cùng một nền văn minh, trái ngược với việc tạo ra huyền thoại quốc gia gần đây.

Belloc rõ ràng đã đánh cuộc lớn vào mạch truyện khác biệt này. Như ông nói về những huyền thoại quốc gia, “Chúng không những khiến một người Anh không biết gì về quốc gia của mình và do đó không biết gì về bản thân mình, chúng còn khiến tất cả mọi người không biết gì về châu Âu: vì hiểu biết về nước Anh trong giai đoạn 500-700 cũng như trong giai đoạn 1530 —1630 là thước đo của lịch sử châu Âu: và nếu bạn sai ở hai điểm này thì bạn đã sai về tổng thể.” (22) Ông lập luận rằng nước Anh đã không trở nên tự do và ngoại hạng vì những cuộc được cho là xâm lược của người Teuton hoặc người Viking trong các Thời đại Đen tối và việc tự giải phóng nó khỏi Rôma trong thời kỳ Phục hưng. Belloc không gặp khó khăn gì trong việc phá bỏ những lập luận lịch sử vô căn cứ cho cuộc xâm lược và thống trị của phương Bắc. Nhưng đồng thời người đọc không thể không cảm thấy rằng khi bác bỏ một sự hiểu lầm thô thiển, ông đang bỏ qua một số thực tại - những thực tại không hoàn toàn tách rời nước Anh khỏi nền văn minh Kitô giáo nói chung của phương Tây, nhưng đã mang lại cho nước Anh một số nét khác biệt và thậm chí có lẽ các nét cải tiến không phổ biến ở Lục địa.

Cuối cùng, Belloc dường như đổ lỗi phong trào Cải cách cho ma quỷ. Và khi tiến gần đến thời hiện đại hơn, ông chỉ có thể nói rằng Giáo hội cuối cùng sẽ nhân bản hóa những phát triển hiện đại, nhưng chúng đến quá nhanh và choáng ngợp trong một khoảnh khắc yếu ớt. Một trong những kết quả nguy hiểm nhất là bóc lột kinh tế và phá vỡ sự cân bằng tâm linh của các xã hội phương Tây; một lý do khác là sự phát triển ma quái của một nhà nước hiện đại chi phối mọi sự vốn không còn đối trọng về mặt định chế trong Giáo hội:

Con người có thể và đã nổi dậy chống lại một chính phủ đặc thù, nhưng đó chỉ là để thiết lập một thứ gì đó cũng tuyệt đối ngang bằng thay thế cho nó. Không phải hình thức, nhưng sự kiện chính phủ được tôn thờ.

Tôi sẽ không lãng phí thời gian của độc giả trong bất cứ cuộc thảo luận nào về nguyên nhân của cơn sốt chính trị đáng kinh ngạc đó. Phải nói rằng trong một khoảnh khắc, nó đã thôi miên cả thế giới. Có lẽ nó không thể hiểu được đối với thời Trung cổ. Nó quả không thể hiểu được cho đến thế kỷ XIX. Nó hoàn toàn chiếm đoạt thế kỷ mười sáu. Nếu hiểu nó, phần lớn chúng ta hiểu được điều gì đã làm cho cuộc thành công của Cải cách trở thành khả hữu. (23)

Và chính bàn thua cuối cùng của Nước Anh cách riêng đã củng cố sự chia rẽ vĩnh viễn của Kitô giáo ở châu Âu: “Điều mà chúng ta gọi là 'Cuộc cải cách', trong yếu tính, là phản ứng của những nơi man rợ, những nơi được dạy dỗ tồi tệ và bị cô lập bên ngoài nền văn minh La Mã cổ và đã ăn sâu, chống lại ảnh hưởng của nền văn minh đó.” (24)

Belloc và Chesterton đều chấp nhận cách viết sử khá khác biệt này, với lời biện hộ cho Công Giáo như nền tảng thực sự của cả nền văn minh trần thế lẫn sự cứu rỗi trên trời—trái ngược hoàn toàn với những giả định văn hóa thông thường. Nhưng đối với họ đó không phải là một điểm trí thức trừu tượng. Nó có sự hiện thân ngay lập tức, cụ thể trong thế giới. Theo kinh nghiệm của họ, nó có thể dẫn đến một số quan điểm đứng sát bên nhau một cách thú vị. Chesterton kể một câu chuyện trong Tự truyện của mình về việc Henry James, tiểu thuyết gia người Mỹ rất tinh tế, đã đến thăm nhà Chesterton một lần khi Belloc xông vào vườn “đòi thịt xông khói và bia”:

Henry James nổi tiếng là tinh tế; nhưng tôi nghĩ rằng tình huống đó là quá tinh tế đối với ông ta. Cho đến ngày nay, tôi vẫn nghi ngờ liệu ông ta, trong số tất cả đàn ông, còn nhớ tình huống trớ trêu của vở bi kịch hay nhất mà ông ta từng đóng hay không. Ông ta rời Mỹ vì ông ta yêu Châu Âu, và tất cả những gì có nghĩa là Anh hoặc Pháp; giai cấp quý tộc, sự hào hiệp, các truyền thống dòng dõi và địa điểm, cuộc sống từng đã được sống bên dưới những bức chân dung cũ kỹ trong những căn phòng ốp gỗ sồi. Và ở đó, phía bên kia bàn trà, là châu Âu, là thứ cũ kỹ đã tạo nên nước Pháp và nước Anh, hậu duệ của các điền chủ Anh và những người lính Pháp; rách rưới, râu ria xồm xoàm, la hét đòi bia, không xấu hổ trước mọi sắc thái nghèo khó và giàu sang; nằm ườn ra, dửng dưng, an toàn. Và những gì nhìn qua nó vẫn là sự tinh tế Thanh giáo của Boston; và không gian mà nó nhìn qua còn rộng hơn cả Đại Tây Dương. (25)

Nhìn một cách trọn vẹn, toàn bộ các thái độ mang nhiều sắc thái và thách thức hơn so với vẻ ngoài lúc đầu. Mặc dù việc Belloc bác bỏ hoàn toàn chính trị và kinh tế hiện đại như một sự khác biệt với những gì ông coi là sự sắp xếp lành mạnh hơn của thời Trung cổ và các quốc gia Công Giáo là không hoàn toàn đúng, nhưng ông nắm được một số điểm chính. Cần lưu ý rằng Belloc tỏ ra gay gắt với những người Thệ phản (và Công Giáo Nhặt nhiệm - một điều mâu thuẫn về từ ngữ đối với ông) bởi vì điều này cũng giải thích một phần - dù chỉ một phần - một số điều ông nói về người Do Thái, một điều trong thế giới hậu Shoah đã khiến một số người coi Belloc là một kẻ bài Do Thái thô bạo. Điều này khá sai. Belloc đã kinh qua những thời kỳ ngưỡng mộ Chủ nghĩa phát xít và một nhân vật như Mussolini - có vẻ như chủ yếu là vì những gì họ có mà nước Anh thiếu. Nhưng ông bác bỏ như là vô nghĩa và nguy hiểm kiểu chủ nghĩa bài Do Thái nhắm vào chính người Do Thái. Ông có một số bạn bè Do Thái thân thiết, những người hiểu ông đang làm gì. Tuy nhiên, ông có thể sử dụng thứ ngôn ngữ đối với chúng ta có vẻ khá “bài Do Thái” khi nói về người Do Thái với tư cách là những người tham gia vào chủ nghĩa tư bản hiện đại, một thuật ngữ gần như ma quỷ đối với Belloc. (26) Đây không phải là tất cả những gì chúng ta có thể yêu cầu từ một người Công Giáo hiện đại. Nhưng giống như Charles Péguy ở Pháp, tiếng nói của ông, trong yếu tính, phát xuất từ và hết sức nỗ lực bảo vệ những cách thức phổ biến cũ đã phát triển từ một dân Công Giáo và thậm chí sau đó nhanh chóng biến mất do sự lan rộng của các nền kỹ thuật và kinh tế hiện đại.

Việc những cách thức cũ đang biến mất hết sức rõ ràng. Việc thời Trung cổ là “thời kỳ hạnh phúc nhất trong lịch sử quá khứ của chúng ta”, (27) như Belloc lập luận trong The Servile State [Nhà nước nô dịch], một cuốn sách đáng nhớ khác của ông, lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Tất nhiên, Đạo Công Giáo phát triển mạnh mẽ vào thời Trung Cổ, và không nghi ngờ gì về việc Kitô giáo đã giúp biến xã hội Hy Lạp-La Mã cổ đại dựa trên chế độ nô lệ thành một xã hội phong kiến trong đó giai cấp nông dân có một số phần đất đai. Nhưng mối liên hệ chính xác giữa hai điều này không rõ ràng lắm. Ngay cả Belloc cũng thừa nhận những ghi chép còn sót lại không cho chúng ta biết nhiều lắm. Bằng cách nào đó, nô lệ đã biến thành nông nô, nhưng chúng ta không thấy nhiều giáo huấn Kitô giáo thẳng thừng chống lại chế độ nô lệ cho đến Thời đại Khám phá (Age of Discoveries], vượt quá đỉnh cao của thời Trung cổ. Belloc lập luận thêm rằng cảnh ngộ hiện đại của người lao động ít do kỹ nghệ hóa bằng do sự tôn thờ Mammon [thần tài] dưới sự thúc đẩy của người theo học thuyết Calvin và sự bóc lột công nhân một cách khủng khiếp và sự bất bình đẳng kinh tế, lan rộng từ Anh sang phần còn lại của thế giới. Bất chấp mọi cuộc nói chuyện của chúng ta về dân chủ và thị trường tự do, Belloc dự đoán chính phương Tây cũng đang hướng tới tình trạng nô lệ, chắc chắn như Marx đã từng dự đoán.

Belloc đã thuyết phục Chesterton rằng đây là lịch sử thực sự bị che giấu bởi các sách lịch sử chính thức, và cả hai về cơ bản vẫn trung thành với cách đọc quy mô lớn này về quá khứ và hiện tại. Nhưng những ghi chép mà chúng tôi có có thể đã và đang được đọc theo những cách rất khác với câu chuyện mà Belloc cố gắng làm chúng kể lại. Thí dụ, các phường hội đã hạn chế cạnh tranh kinh tế và do đó, theo một nghĩa nào đó, ngăn chặn sự bất bình đẳng phát triển trong một số ngành nghề nhất định. Nhưng đây không phải là một phước lành đơn thuần. Cạnh tranh trong thị trường làm giảm chi phí hàng hóa và dịch vụ. Và các phường hội và các biện pháp khác được cho là ngăn chặn sự bất bình đẳng cũng hạn chế tư cách thành viên và làm chậm phát minh và đổi mới. (Ngay cả Belloc cũng thừa nhận ở những nơi khác rằng các phường hội đến để bảo vệ “đặc quyền” trong “sự tham nhũng” của họ.) Hơn nữa, theo thuật ngữ lịch sử đơn giản, sự chuyển dịch từ phân phối đất đai thời trung cổ sang chủ nghĩa tư bản hiện đại rõ ràng cũng không theo sự phát triển của Thệ phản. Belloc đúng khi cho rằng tầng lớp quý tộc Anh trở nên giàu có vì giới quý tộc Anh chiếm đoạt đất đai từ các đan viện và các tài sản khác của Giáo hội. Nhưng tầng lớp quý tộc đó là một điều hoàn toàn khác với trật tự kinh tế và kỹ nghệ hiện đại, vốn không phát triển từ việc truất hữu Giáo Hội. Và một thí dụ đáng chú ý là Pháp về cơ bản đã đi theo con đường giống như Anh mà không có ảnh hưởng mạnh mẽ của Thệ phản.

Chương trình xã hội của Belloc và Chesterton được gọi là “chủ nghĩa phân phối”[ distributism], một nỗ lực nhằm khôi phục lại việc phân phối rộng rãi hơn của tài sản sản xuất để thoát khỏi hai tệ nạn là chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa cá nhân triệt để (được họ cũng như nhiều người khác trong Giáo hội coi là tương đương với một chủ nghĩa tư bản không kiềm chế). Trong cách viết lịch sử này, Phong trào Thệ Phản trực tiếp dẫn đến các tệ nạn xã hội, không bao giờ dẫn đến bất cứ lợi ích nào của con người. Châu Âu Tiền Cải cách dường như chưa bao giờ trải qua bất cứ vấn đề nào được chúng ta thấy trong xã hội Hậu Cải cách. Vì vậy, như ông đã tóm tắt trong cuốn Europe and the Faith [Châu Âu và Đức tin], bây giờ chúng ta có:

Sự ghê tởm của chủ nghĩa kỹ nghệ; việc mất đất và vốn của người dân ở các khu vực lớn của châu Âu; sự thất bại của khám phá hiện đại để phục vụ cùng đích của con người; hàng loạt các cuộc chiến tranh lớn hơn và vẫn còn lớn hơn sau đó với mức độ khốc liệt và hủy diệt ngày càng gia tăng nhanh chóng—cho đến khi số người chết được tính bằng hàng chục triệu; sự hỗn loạn và bất hạnh ngày càng tăng của xã hội - tất cả những điều này gắn liền với nhau, mỗi thứ rơi vào vị trí của nó và hàng trăm hiện tượng nhỏ hơn nữa, khi chúng ta đánh giá đúng bản chất và mức độ nghiêm trọng của thảm họa căn bản đó, như chúng ta có thể làm ngày nay. (28)

Tất nhiên, có một số sự thật trong mỗi chủ trương này, nhưng ít sự thật hơn trong việc chúng “gắn liền với nhau”.

Belloc và Chesterton đã nhận diện một quá khứ hấp dẫn nhiều người trong thế giới hiện đại: cuộc sống làng quê của cộng đồng mặt đối mặt, sự gần gũi với thiên nhiên và ý thức truyền thống về Thiên Chúa như đang hoạt động trong các thế giới tự nhiên và nhân bản ấm cúng này – điều mà J. R. R. Tolkien sẽ làm cho bất tử trong Lord of the Rings [Chúa tể của những chiếc nhẫn] như là Quận Huyện [Shire]. Thật vậy, một số đoạn trong Belloc kể lại chuyến du hành của ông dường như dự đoán những cuộc đối thoại giữa các nhân vật trong Lord of the Rings. Nhưng giờ đây chúng ta biết ngoài mọi tranh cãi hợp lý rằng hồ sơ lịch sử không xác nhận bức chân dung lý tưởng hóa về những gì chúng nghĩ đã từng hiện hữu. Và ngay cả Quận Huyện [Shire] cũng cần một trật tự quân sự và chính trị lớn hơn nhiều để xua đuổi cái ác. Chủ nghĩa phân phối, dù hấp dẫn với những mục tiêu nhân ái của nó, không thực sự là một giải pháp thiết thực cho các vấn đề kinh tế và chính trị hiện đại và không bao giờ có thể tạo ra sự thịnh vượng và quan trọng hơn, sự độc lập mà chúng tìm kiếm. (29) Các giải pháp hữu hiệu cho một số vấn đề xã hội hiện đại vẫn còn cần được tìm ra.

Belloc dự đoán rằng chủ nghĩa tư bản không ổn định và chắc chắn sẽ tạo ra chủ nghĩa xã hội và chế độ nô lệ, hoặc chủ nghĩa phân phối và tự do. Tất nhiên, trên thực tế, nhiều vấn đề đã nảy sinh trong các xã hội tư bản chủ nghĩa và tiếp tục hiện hữu, nhưng những giải pháp thay thế rõ ràng này đã được vẽ vời quá mức. Phần lớn, tư bản và lao động trong thế kỷ 20 đầy sóng gió đã đi theo con đường ít triệt để hơn như Đức Lêô XIII đã mô tả trong Rerum Novarum. Đức Lêô nói, về nguyên tắc, chúng không đối lập nhau, nhưng mỗi bên đều là những thành phần quan trọng trong một tổng thể xã hội, với các quyền và trách nhiệm tương ứng. Đó là loại xã hội xuất hiện ở Anh, Pháp và Mỹ, bất kể lịch sử tôn giáo của họ, và tiếp quản ở Đức, Ý và Tây Ban Nha sau thời kỳ Phát xít của họ. Người lao động ở tất cả các quốc gia đó đều khá giả hơn nhiều so với nhiều quốc vương và quý tộc thời Trung Cổ, ngay cả khi các nền dân chủ hiện đại vẫn phát triển chậm chạp—giống như mọi xã hội được biết đến trong lịch sử—với vô số bất bình đẳng và bất ổn về chính trị và kinh tế—và giờ đây đang phải đối đầu với các vấn đề văn hóa sâu xa liên quan đến sự giàu có và não trạng tiêu dùng. Đến những năm 1980, người ta có thể nghe thấy những người theo chủ nghĩa Mác phàn nàn rằng bằng cách làm giàu cho công nhân, chủ nghĩa tư bản đã làm cạn kiệt nhiệt huyết cách mạng của họ.

Tuy nhiên, tầm nhìn của Belloc đã thu hút một bộ phận lớn độc giả hiện đại, tất cả những người tiếc nuối nhìn lại bản chất nông nghiệp và đơn giản hơn của thời trung cổ— và cảm thức thiếu điều gì đó trong cuộc sống hiện đại mà kỹ thuật và sự thịnh vượng không thỏa mãn. Sự nổi tiếng của bộ ba cuốn Lord of the Rings của J. R. R. Tolkien và Chronicles of Narnia [Biên niên sử Narnia] của C. S. Lewis vào cuối thế kỷ 20 chứng thực cho sự kiện này: sự bùng nổ của chủ nghĩa trung cổ, từng bắt đầu từ đầu thế kỷ 19 với Chủ nghĩa lãng mạn, đã có một sức sống lâu dài và tiếp tục kéo dài đến tận thiên niên kỷ thứ ba của Kitô giáo. Tolkien là một người Công Giáo và Lewis là một người Anh giáo truyền thống, và một số lượng lớn độc giả của họ chính là những Kitô hữu nghiêm túc. Nhưng lượng độc giả và sự thiện cảm dành cho chủ nghĩa trung cổ thậm chí còn rộng hơn thế, với những quan điểm khác nhau về vai trò của Giáo Hội Công Giáo trong thời đại xa xưa đó. Về mặt giải quyết các vấn đề xã hội hiện đại, chủ nghĩa trọng nông [agrarianism] và chủ nghĩa trung cổ không tiến xa lắm. Chúng nhấn mạnh việc tìm lại mối quan hệ khác với tự nhiên, với Thiên Chúa và với những người khác - và có lẽ quan trọng nhất là phân tản tài sản, điều đã trở thành một nhu cầu cấp thiết trong chính trị và kinh tế hiện đại - nhưng không rõ chúng có thể hỗ trợ và cổ vũ như thế nào sự triển nở của hàng tỷ người trong thế giới hiện đại. Không có xã hội nào ở bất cứ đâu đã thử giải pháp đó.

Nếu các phần lịch sử của Belloc và các liệu pháp xã hội của ông còn gây tranh cãi, thì ông có một cái nhìn sâu sắc về thần học. Như ông đã nói trong Europe and the Faith [Châu Âu và Đức tin], “Châu Âu sẽ trở lại với Đức tin, nếu không nó sẽ diệt vong.” (30) Tất nhiên, ông không có ý nói rằng mọi con người sẽ biến mất khỏi lục địa Châu Âu trừ khi Công Giáo quay trở lại. Ông muốn nói rằng những giá trị sâu sắc mà trên đó châu Âu đã được xây dựng—sự kế thừa của nó từ Do Thái giáo và Kitô giáo thậm chí nhiều hơn là từ Hy Lạp và La Mã—sẽ tan biến nếu không có định chế trung tâm nhờ đó chúng được duy trì cho sống động. Và ông tin tất cả những điều này mặc dù, tự bản chất, ông vốn là một người hoài nghi, như ông đã viết trong một bức thư gửi cho Chesterton, chỉ hai ngày sau khi ông được tiếp nhận vào Giáo Hội:

Giáo Hội Công Giáo là người giải thích Thực tại. Đúng như thế. Các tín lý của nó trong các vấn đề lớn và nhỏ là những tuyên bố về điều đang hiện hữu. Đây là điều mà hành động cuối cùng của trí hiểu chấp nhận. Đây là điều mà ý chí hữu ý xác nhận. Và đó là lý do tại sao Đức tin thông qua một hành vi Ý chí là Luân lý. Nếu bản đồ địa hình cho tôi biết rằng còn 11 dặm nữa tới Wookey Hole thì [trong] tâm trạng uể oải của tôi khi đi bộ dưới mưa vào ban đêm khiến tôi cảm thấy như 30 dặm, tôi sử dụng Ý chí và nói: 'Không. Trí thông hiểu của tôi đã được thuyết phục và tôi buộc mình phải sử dụng nó để chống lại tâm trạng của mình. Bây giờ là 11 dặm và mặc dù trong sâu thẳm con người tôi cảm thấy mình đã đi được 20 dặm và hơn thế nữa, nhưng tôi biết rằng tôi chưa đi 11 dặm’.

Bản chất tâm trí của tôi là hay hoài nghi, bản chất cơ thể của tôi là cực kỳ duy cảm. Duy cảm đến mức những tác dụng hạn chế của cảm giác chỉ là những lời nói xuông đối với tôi. Nhưng tôi chấp nhận những lời nói xuông này là đúng và hành động theo chúng cũng như một con người đang gặp khó khăn có thể làm. Và đối với sự nghi ngờ của linh hồn, tôi phát hiện ra nó là sai: một tâm trạng: không phải là một kết luận. Kết luận của tôi - và của tất cả những người đã từng một lần nhìn thấy nó - là Đức tin. Hợp đoàn, có tổ chức, một nhân cách, giáo huấn. Một điều, không phải là một lý thuyết. (31)

Kỳ tới: G. K. Chesterton: Người Công Giáo viết theo văn phong Dickens