Chương 8: Sự xuất hiện của văn hóa như người chủ đạo
Có một nền đất cao nhỏ trên Đồi Capitol ở Rome nhìn ra Forum [Diễn đàn] và hàng ngàn năm lịch sử ngoại giáo và Kitô giáo. Tại chỗ đó, bạn vẫn có thể uống nước từ Aqua Marcia, cống dài nhất trong số các cống dẫn nước cổ xưa dẫn nước từ những ngọn đồi phía đông Rome xuống. Ngay bên dưới là Umbilicus Urbis Romae, "cái rốn" mà từ đó mọi khoảng cách được đo trong Đế quốc La Mã, và Rostrum, nơi đầu và tay của Cicero bị đóng đinh sau khi ông bị hành quyết trong Cách mạng La Mã. Ẩn mình trong sườn đồi là Nhà tù Mamertine, nơi các Thánh Phêrô và Thánh Phaolô bị giam giữ vào những thời điểm khác nhau trước khi bị hành quyết ở những nơi bên ngoài thành phố cổ. Một bản sao của Tượng cưỡi ngựa của hoàng đế-triết học Marcus Aurelius nằm ở quảng trường gần đó, và dưới chân đồi là tượng đài của nhà rực lửa cách mạng Rôma thế kỷ 14 Cola di Rienzo. Nói tóm lại, từ vị trí đó, một du khách có hiểu biết có thể tiếp thu phần lớn văn hóa Kitô giáo và ngoại giáo của Rome chỉ trong nháy mắt. Mặc dù lịch sử lâu dài đó chỉ mới được khám phá lại từng phần, bắt đầu từ thời Phục hưng, một cuộc khám phá lại vẫn đang tiếp diễn cho đến ngày nay, nhưng nó vẫn đủ để kích thích chàng trai trẻ Edward Gibbon viết: “Chính tại Rome, vào ngày 15 tháng 10 năm 1764, khi tôi ngồi trầm ngâm giữa đống đổ nát của Điện Capitol, trong khi các tu sĩ đi chân trần đang hát Kinh chiều trong đền thờ Jupiter, ý tưởng viết về sự suy tàn và sụp đổ của Thành phố lần đầu tiên nảy ra trong đầu tôi.” (1) Kết quả là cuốn The Decline and Fall of the Roman Empire [Sự sụp đổ của Đế chế La Mã].
Vào ngày lễ Phục sinh năm 1909, một thanh niên 19 tuổi người Anh cũng ngồi tại chỗ đó. Anh cảm thấy xúc động trước một điều gì đó mà sau này anh mô tả như một loại trải nghiệm huyền nhiệm để thực hiện một dự án không kém phần tham vọng, ở một số khía cạnh, bác bỏ lời giải trình của Gibbon về sự suy đồi của đức hạnh La Mã ngoại giáo do ảnh hưởng băng hoại của Kitô giáo: một lịch sử đầy tham vọng của văn hóa nhân bản, bao gồm khá rõ ràng tầm quan trọng của văn hóa Kitô giáo đối với sự hiểu biết và phục hồi thế giới hiện đại. Trong một mục nhật ký sau đó, anh đã mô tả kế hoạch của mình, trên thực tế, là “một lời thề được lập vào Lễ Phục sinh ở Ara Coeli” và nói thêm rằng, kể từ lần được linh hứng ban đầu, anh đã nhận được “ánh sáng tuyệt vời về cách nó có thể được thực hiện. Bất kể tôi có thể không phù hợp đến đâu, tôi tin rằng đó là ý muốn của Thiên Chúa, tôi nên thử nó.” (2) Dù câu chuyện này được tạo ra như thế nào đi chăng nữa—Rome thường vẫn mê hoặc các tính khí Lãng mạn—cuốn sách tiếp theo, mặc dù diễn biến chậm, nhưng khá ấn tượng và đã gây ảnh hưởng rộng rãi đối với cả việc Công Giáo tự hiểu về mình về phương diện lịch sử lẫn quan điểm về mối quan hệ của nó với văn hóa hiện đại, cả trong và ngoài Giáo hội.
Sau gần hai thập niên, trong đó có mười bốn năm đọc và chuẩn bị trong yên lặng nhưng mãnh liệt, tác giả cuối cùng đã xuất bản cuốn sách đầu tiên của mình, The Age of the Gods: A Study in the Origins of Culture in Prehistoric Europe and the Ancient Near East [Thời đại của các vị thần: Nghiên cứu về nguồn gốc văn hóa ở Châu Âu thời tiền sử và Cận Đông cổ đại] (1928), cuốn sách được dự định là cuốn đầu tiên trong bộ lịch sử văn hóa hoàn cầu, toàn diện gồm năm tập. Ông tiếp nối phần đầu tiên với hai tập khác trong bộ: Progress and Religion [Tiến bộ và Tôn giáo] (1929) và The Making of Europe [Sự hình thành Châu Âu] (1931), nhưng chưa bao giờ hoàn thành hai tập cuối cùng. Tuy nhiên, ông ngay lập tức được công nhận là một tiếng nói văn hóa lớn. T. S. Eliot coi ông là “người có ảnh hưởng trí thức mạnh mẽ nhất ở Anh” (3) và mời ông trở thành cộng tác viên thường xuyên cho tạp chí The Criterion của ông, như các chủ bút của các ấn phẩm uy tín khác đã làm. Vào thời điểm Gifford Lectures [Các giảng khóa Gifford] năm 1948–1949 của ông tại Đại học Edinburgh được xuất bản với tựa đề Religion and the Rise of Western Culture [Tôn giáo và Sự trỗi dậy của Văn hóa Phương Tây], lời khen ngợi quả là phổ quát. Tờ Saturday Review gọi tác giả là “nhà văn đáng lưu ý nhất trong thời đại của chúng ta” và “nhà sử học văn hóa vô song”. Tờ New York Times mô tả ông là người có ít đối thủ "về bề rộng kiến thức và sự sáng suốt trong phong cách". Ở Anh, phản ứng thậm chí còn dào dạt hơn. Tờ The Spectator đã gọi Tôn giáo và Sự trỗi dậy của Văn hóa Phương Tây là "một trong những cuốn sách đáng chú ý nhất được sản xuất trong thế hệ này". Nhà dìu dắt cũ của tác giả tại Oxford, giáo sư lỗi lạc về triết học chính trị cổ điển Sir Ernest Barker, gọi ông là “một con người và một học giả có cùng phẩm chất như Acton và von Hügel”. (4)
Những khen ngợi trên càng khiến mọi sự trở nên kỳ lạ hơn khi ngày nay hầu như không ai còn biết đến tên của một trong những nhà sử học và nhà bình luận văn hóa vĩ đại nhất của thế kỷ XX: Christopher Dawson. Một số yếu tố có thể giúp giải thích điều này. Đầu tiên, Dawson trở lại Công Giáo sau trải nghiệm Rôma, một phần vì ông tin rằng văn hóa Công Giáo là một đặc điểm trung tâm và bị bỏ qua ở phương Tây, và ông rất lo lắng về tương lai của nền văn minh phương Tây. Đối với Dawson, đạo Công Giáo thực chất hiện có chủ yếu không phát xuất từ Kitô giáo thời cổ xưa hay trung cổ—thời mà ông ngưỡng mộ nhưng cho rằng đã bị một số nhà hộ giáo Công Giáo hiện đại nhấn mạnh quá mức—mà là từ các thế kỷ gần đây hơn của chủ nghĩa nhân bản Kitô giáo, vốn là cốt lõi đích thực của văn hóa phương Tây. Và do đó, con đường tốt nhất để phục hồi nền tảng tinh thần của phương Tây, theo quan điểm của ông, nằm ở việc nghiên cứu văn hóa Kitô giáo. Ông thậm chí còn vạch ra một chương trình học cho các trường cao đẳng và đại học Công Giáo vì chính mục đích này, (5) và một số học viện Công Giáo đã tạo ra các chương trình theo hướng mà ông đề xuất.
Văn hóa Kitô giáo với tư cách là một chủ đề cụ thể mang lại nhiều lợi thế, đặc biệt là nó có thể được xác định rõ ràng và tiếp cận theo cách giống như cách chúng ta có thể nghiên cứu văn hóa Trung Mỹ hoặc Hy Lạp-La Mã cổ điển. Chủ nghĩa nhân bản Kitô giáo phát sinh vào cuối thời Trung cổ và thời Phục hưng và củng cố sự phục hồi của thời cổ đại cổ điển, sự phát triển mới của nghệ thuật và sự phát triển của khoa học hiện đại sơ khai. Bỏ qua chủ nghĩa nhân bản Kitô giáo đó — và vai trò của nó trong việc định hình văn hóa phương Tây, ngay cả ở dạng chủ yếu ngày nay là hậu Kitô giáo — sẽ là quan niệm sai lầm về thế giới hiện đại và khiến nó mất gốc cả về mặt văn hóa lẫn tâm linh. Và bất cứ sinh vật nào bị cắt đứt khỏi nguồn sống của nó đều đang sống trong thời gian vay mượn.
Chính ở điểm quan trọng này, Dawson đã thách thức không chỉ Gibbon mà cả toàn bộ truyền thống của người Anh và châu Âu vốn tin rằng để chủ nghĩa nhân bản xuất hiện, Kitô giáo phải suy thoái. Đây là những vấn đề lịch sử và tâm linh sâu sắc và khó định hình rõ ràng. Nhưng rõ ràng là cách tiếp cận của Dawson có phạm vi rộng hơn và có thiện cảm với các đường nét rộng lớn của lịch sử loài người hơn là cách tiếp cận của hầu hết các nhà sử học quan tâm đến những vấn đề như vậy. Chẳng hạn, ông ca ngợi Gibbon vì đã nỗ lực thực hiện một nghiên cứu cẩn thận và thực tế về quá khứ, trái ngược với những nhân vật người Pháp như Voltaire, Bayle và Leclerc, những người bằng lòng đưa ra những tuyên bố triết học lớn mà không có nhiều kiến thức lịch sử chính xác. Tuy nhiên, Gibbon đã chia sẻ một số sự hẹp hòi của họ trong các thiện cảm triết học. Như Dawson đã viết trong một bài tiểu luận về Gibbon vào những năm 1930, “Các nhà lãnh đạo của tư tưởng thế kỷ 18 thường biểu lộ sự khinh bỉ và căm ghét tích cực đối với quá khứ. Hoặc nếu không thì họ viết như thể họ đã vượt qua những giới hạn của thời gian bằng một nỗ lực của lý trí thuần túy để họ có thể nhìn xuống lịch sử từ đỉnh cao triết học của mình với một thái độ vô tư và bình tĩnh của một vị thần trên đỉnh Olympus.” (6) Kết quả là họ (bao gồm cả Gibbon ) thường chỉ coi bốn thời kỳ là đáng nghiên cứu: Hy Lạp cổ điển, La Mã thời August, Ý thời Phục hưng và Pháp thời Louis XIV.
Đối với một người như Dawson, người có cuốn sách đầu tiên về Thời kỳ đồ đá và tư tưởng của ông trải rộng khắp các nền văn hóa từ châu Mỹ đến toàn bộ lịch sử châu Âu cho đến Viễn Đông, thì đây là một cái nhìn còi cọc về con người. Và nó bắt nguồn chủ yếu từ sự kiện này là các giá trị tôn giáo cụ thể là một “chiều kích không ai hay” đối với những bộ óc như của Gibbon. Evelyn Waugh đã châm biếm sự mù quáng này, đồng thời chỉ ra những thiên phú văn học của Gibbon, trong cuốn tiểu thuyết Helena của ông. Ở đó, một nhà sử học cổ thời nói:
“Giả sử rằng trong những năm sắp tới, khi những rắc rối của Giáo Hội dường như đã qua, thì sẽ có một kẻ bội đạo trong nghề của tôi, một nhà sử học giả, với đầu óc của Cicero hoặc Tacitus và linh hồn của một con vật,” và anh ta gật đầu về phía con vượn kéo xích vàng ríu rít đòi trái cây. “Một người như thế có thể coi việc ghi tên các vị tử vì đạo và bào chữa cho những kẻ bắt bớ là việc kinh doanh của mình. Anh ta có thể bị bác bỏ hết lần này đến lần khác nhưng những gì anh ta viết sẽ lưu lại trong tâm trí người ta khi những phản chứng đã hoàn toàn bị lãng quên. Đó là những gì văn phong thường làm - nó có bí quyết Ai Cập của những người ướp xác. Không nên coi thường nó.” (7)
Bản thân Dawson là một người quá tỉ mỉ công bằng trong việc đặt vấn đề một cách khá sắc bén như vậy, nhưng theo cách riêng của mình, ông không những đưa ra một lời bác bỏ khác đối với việc viết sử của Gibbon—nhiều nhà sử học hiện đại cũng đã làm như vậy—mà, bằng sức hấp dẫn của tư tưởng của chính ông, cả trí tưởng tượng và phong cách, còn tìm cách chuyển sự hiểu biết hoàn cầu của chúng ta về tầm quan trọng của Kitô giáo sang một chủ nghĩa nhân bản thực sự.