Tìm kiếm sự cân bằng
Bản chất khinh suất và đôi khi công khai bài trừ hình tượng của phần lớn trước tác kinh thánh là điều hiển nhiên đối với các học giả ôn hòa hơn, nhưng nó có ảnh hưởng không nhỏ đối với các định chế và nhiều tín hữu Công Giáo. Như một sử gia đã lưu ý, ngay cả tác phẩm hay nhất cũng có tác dụng cắt đứt Giáo hội khỏi gốc rễ của nó:
Những người sáng lập vĩ đại của Giáo hội cùng với các nhà thần học có ảnh hưởng nhất của Giáo hội dựa suy tư thần học của họ trên những cách giải thích Kinh thánh, cả Cựu ước lẫn Tân ước, mà các học giả hiện đại coi là không hợp lệ. Người ta chỉ cần nghĩ đến nhiều lời nói trong Tân Ước mà theo truyền thống được giải thích là lời của chính Chúa Giêsu nhưng bị nền học giả hiện đại gán cho Giáo hội sơ khai để nhìn ra vấn đề trong mọi sức mạnh của nó.
Và, ông này nói tiếp, điều này đã có tác động không những đối với các tín hữu đơn giản ngồi trên băng ghế nhà thờ, bị hoang mang trước các chủ trương và phản chủ trương đó; nó còn làm tê liệt các nhà thần học tinh vi, những người muốn tìm đến Kinh thánh để tìm kiếm nền tảng luân lý, tâm linh và mục vụ:
Một sự không dứt khoát nào dó vốn được chấp nhận trong thần học như một biện pháp kiểm tra chống lại chủ nghĩa giáo điều. Nhưng tình hình đã phát triển trong phê bình lịch sử vượt xa sự kiểm tra cần thiết này. Rất ít công trình tái tạo lịch sử với những chi tiết đôi chút có giá trị đã giành được sự đồng thuận lâu dài giữa các học giả. Sự vắng mặt của sự đồng thuận về tình huống đã trải dài qua việc không có sự đồng thuận về ý nghĩa của bản văn phụ thuộc vào tình huống đó. Không có cả một căn bản tương đối chắc chắn trong bản văn, suy tư thần học đã bị trì hoãn. Sự trì hoãn này thường là vô thời hạn. Suy tư thần học bị hoãn lại sine die [không thời hạn]. (13)
Ngay cả trước khi những triệu chứng này tự biểu lộ, Vatican đã lo lắng về những gì có thể xảy ra từ việc cởi mở mới. Trong chính Công Đồng, trong khi các Nghị Phụ đang tranh luận về tài liệu Kinh Thánh, thì Ủy Ban Giáo Hoàng về Kinh Thánh đã ban hành một “Huấn thị về Sự thật Lịch sử của các sách Tin Mừng” (tiếng Latinh, Sancta Mater Ecclesia [Mẹ Thánh Giáo Hội]), trong đó nêu ra sáu mối nguy hiểm mà các nhà chú giải Công Giáo phải tránh:
1. phủ nhận một trật tự siêu nhiên
2. phủ nhận sự can thiệp của Thiên Chúa vào thế giới trong sự mặc khải đúng nghĩa
3. phủ nhận khả thể và sự hiện hữu của phép lạ
4. đức tin không thể tương thích với sự thật lịch sử
5. một sự phủ nhận gần như tiên thiên đối với giá trị và bản chất lịch sử của các tài liệu mặc khải
6. coi thường lời chứng của các tông đồ và nhấn mạnh quá mức vào cộng đồng sáng tạo của Giáo hội sơ khai
Huấn Thị tiếp tục khẳng định rằng sự khác biệt không nên nghi vấn tính đáng tin cậy thiết yếu của bản văn: “Vì sự thật của câu chuyện (hoặc tường thuật, nếu người ta muốn nhấn mạnh) không bị ảnh hưởng bởi sự kiện này là các tác giả Tin Mừng kể lại lời nói và việc làm của Chúa theo một trật tự khác và diễn đạt những lời của Người không phải theo nghĩa đen, nhưng theo cách khác, trong khi vẫn giữ nguyên ý nghĩa [của chúng].” (14) Không cần phải nói, những lời cảnh cáo như vậy và những nỗ lực cẩn thận trong Dei Verbum để thúc đẩy cả nền học giả lẫn sự gắn bó cá nhân với Kinh thánh đã không có những hiệu quả dự tính.
“Giải thích Kinh thánh trong Giáo hội”
Không có gì ngạc nhiên khi Rôma đã thực hiện một số nỗ lực khác nhằm củng cố lòng tin nơi Kinh Thánh. Năm 1993, Ủy ban Giáo hoàng về Kinh thánh đã triệu tập để chuẩn bị một tài liệu bao quát và cân đối về “Việc giải thích Kinh thánh trong Giáo hội”. (15) Như chúng ta đã nhận thấy, ủy ban đã được thành lập vào những năm đầu tiên của thế kỷ 20 theo sau sự lãnh đạo của Đức Lêô XIII trong Providentissimus Deus—một định chế khác cho thấy các mục tiêu thiết thực của ngài về đổi mới trí thức. Cho đến Công đồng Vatican II, nó là một nguồn giải thích Kinh thánh chính thức và có thẩm quyền, đồng thời cung cấp đào tạo học thuật cho các nhà chú giải, thậm chí cấp bằng giáo hoàng cho họ. Tuy nhiên, vào năm 1971, nó đã được tái cấu trúc bởi Đức Phaolô VI và trở thành một cơ quan tư vấn đơn thuần cho Bộ Giáo lý Đức tin, bao gồm nhiều học giả từ khắp nơi trên thế giới. Khi họ gặp nhau vào năm 1993 vào dịp kỷ niệm một trăm năm của Providentissimus Deus để chuẩn bị một số hướng dẫn về việc giải thích Kinh thánh trong Giáo hội, chính các thành viên của nó đã là những người thực hành thành thạo các phương pháp chú giải hiện đại khác nhau, và tài liệu mà họ tạo ra có sự cân bằng hợp lý giữa nhu cầu phải có một nền học giả có tính học thuật và việc sử dụng nền học giả này trong Giáo Hội Công Giáo.
Sự cân bằng trong và tự nó không phải là một phẩm chất rất phấn khích nhưng thiên về việc xoa dịu các cuộc khủng hoảng rõ ràng. Đôi khi, bản văn của ủy ban có thể tỏ ra quá nhạt nhẽo để có thể đáp ứng một cách thỏa đáng tình trạng rối loạn trí thức rộng lớn và hỗn loạn mục vụ mà ủy ban đang đề cập. Nhưng mỗi đoạn cũng đưa ra những hiểu biết vững chắc về các phương pháp chú giải khác nhau—và cách sử dụng chúng cũng như cách sử dụng chúng sai trong gần ba mươi năm trôi qua từ khi Công đồng ban hành Dei Verbum. Không có phương pháp nào hiện hữu hoàn toàn bị loại trừ, ngay những hình thức gai góc hơn được các phương pháp tiếp cận duy cấp tiến và duy nữ trình bày. Mỗi phương pháp đều được khảo sát và đánh giá từ điểm mạnh và điểm yếu chung của nó. Ủy ban thậm chí còn công nhận rằng “một số coi sự đa dạng của các phương pháp và cách tiếp cận này như một dấu hiệu của sự phong phú, nhưng đối với những người khác, nó gây ấn tượng về nhiều sự nhầm lẫn”. (16) Tuy nhiên, tuy không khuyến cáo bất cứ cách giải thích đặc thù nào hay lên án bất cứ phương thức nào, bản văn đã trình bầy một lối đọc Kinh thánh có cơ sở và cởi mở—một lối đánh giá đúng những đóng góp của học giả và nhu cầu của tín hữu bình thường cũng như của Giáo hội hoàn vũ.
Do đó, có lẽ nguyên tắc bao quát toàn bộ là mối quan tâm duy trì cả việc điều tra khách quan về quá khứ lẫn niềm tin sống động vào hiện tại: “điều có nghĩa là lúc đó và điều có nghĩa lúc này”. Như Đức Hồng Y Ratzinger lúc đó đã viết trong một ghi chú mở đầu: “Lời Kinh Thánh bắt nguồn từ một quá khứ có thật. Tuy nhiên, nó không chỉ đến từ quá khứ, mà đồng thời từ sự vĩnh hằng của Thiên Chúa và nó dẫn chúng ta vào cõi vĩnh hằng của Thiên Chúa, nhưng một lần nữa dọc theo con đường xuyên thời gian, mà quá khứ, hiện tại và tương lai đều thuộc về.”(17) Bản chất nhập thể của Kitô giáo đòi hỏi phải nghiên cứu về lịch sử loài người, chính tài liệu nói, nhưng nó cũng cảnh cáo các học giả không rơi vào những sai lầm giống như các luật sĩ bị chỉ trích trong Kinh thánh vì đã tước mất chìa khóa trí thức khỏi người khác và không tự mình bước vào. (Mt 23:13).
Ratzinger khẳng định, “Tất cả những gì thu hẹp tầm nhìn của chúng ta và cản trở chúng ta nhìn và nghe vượt ra ngoài những gì đơn thuần là con người đều phải được mở ra. Vì vậy, sự xuất hiện của phương pháp phê bình-lịch sử được khởi động đồng thời với một cuộc đấu tranh về phạm vi và cấu hình riêng của nó chưa hề có nghĩa là kết thúc.” (18) Thí dụ, khi tài liệu bắt đầu xem xét các phương pháp khác nhau, nó cho thấy trong “giả thuyết tài liệu” [documentary hypothesis] có giá trị khác đối với Cựu Ước (tức giả thuyết nói rằng bốn nguồn—Giavê, Elohist, Đệ nhị luật, và Tư tế—đóng góp cho Ngũ Kinh), hình thức và ý nghĩa cuối cùng của Cựu Ước đôi khi bị mất giữa các lý thuyết phức tạp. Một điều tương tự cũng xảy ra với “giả thuyết hai nguồn” trong Tân Ước (Máccô + một tài liệu Q không xác định nằm đàng sau Mátthêu và Luca).
Đó là một khiếu nại phổ biến đối với một số phương pháp hiện đại. Thí dụ, chỉ sau khi khoa phê bình soạn thảo (redaction criticism) ra đời (người soạn thảo có nghĩa là người soạn thảo cuối cùng hoặc nhóm sọan thảo cung cấp cho chúng ta hình thức cuối cùng mà chúng ta hiện có, một hình thức giả thiết được linh hứng) thì người ta mới thấy diễn trình biên tập, hình thức của bất cứ bản đặc thù nào và các cộng đồng mà chúng được dự định gửi tới không tạo thành các yếu tố ngoại lai xác định tính trung thực của bản văn cuối cùng (như đôi khi xuất hiện trong các nhà chú giải nổi tiếng như Martin Dibelius và Rudolf Bultmann). Ngược lại, những phương pháp này cho thấy các quá trình khác nhau mà cộng đồng tín hữu đã được thông tri và thừa nhận tính hợp lệ của các bản văn mà chúng ta hiện có. Đối với một người Công Giáo hay Kitô hữu khác, biết nhận ra tính không thể thiếu của cộng đồng đó - có thể nói là Giáo hội - trong toàn bộ quá trình phát triển, đúng hơn trong việc tin rằng Giáo hội được Thiên Chúa dự định như một phần của quá trình cứu rỗi, các phương pháp hiện đại chỉ ra một hướng rất khác so với hướng họ theo khi chỉ được hướng dẫn bởi các nguyên tắc duy nghiệm. Ủy ban nhận xét về toàn bộ phương pháp lịch sử: “Đó là một phương pháp, khi được sử dụng một cách khách quan, tự nó không có nghĩa là tiên thiên. Nếu việc sử dụng nó đi kèm với các nguyên tắc tiên thiên, thì đó không phải là điều gắn liền với bản thân phương pháp, mà là đối với một số lựa chọn giải thích nào đó điều khiển việc diễn giải và có thể mang tính thiên vị.” (19) May mắn thay, phương pháp này đã được tách biệt khỏi các giả thiết đó, và các nhà giải thích hiện nay có khái niệm đầy đủ hơn về cách các phương pháp khác nhau có thể được sử dụng một cách hợp pháp và nhận ra rằng không một phương pháp nào là thỏa đáng đối với toàn bộ nhiệm vụ.
Các phương pháp văn học
Thật vậy, ủy ban khảo sát một số phương pháp—phân tích tu từ học, tường thuật và ký hiệu học—là những phương pháp nổi bật vào cuối thế kỷ 20 trong các nghiên cứu văn học thế tục và giúp mở rộng các phương pháp tiếp cận bản văn Kinh thánh. Mỗi một trong số này, mặc dù theo những cách khác nhau, đều cho thấy rõ rằng một bản văn văn học không chỉ đơn thuần là một thứ để phân tích khách quan, giống như một mẫu vật trong ống nghiệm. Với bản chất là một bản văn văn học, nó tìm cách gợi ra một phản ứng nhất định từ người đọc—chứ không chỉ truyền đạt thông tin trung lập. Đối với nhiều người ủng hộ phê bình lịch sử chặt chẽ hơn, điều này dường như đưa chủ nghĩa chủ quan vào việc đọc Kinh thánh, điều mà ngay cả khoa chú giải truyền thống lâu đời cũng lo ngại. Nhưng có sự khác biệt giữa, một mặt, nói rằng ai đó sử dụng một biện pháp tu từ nhất định hoặc kể một câu chuyện theo một cách nhất định hoặc sử dụng các dấu hiệu cụ thể để gợi lên phản ứng trong một chủ thể, và mặt khác, một chủ nghĩa chủ quan xuyên suốt, với đứa con bất hạnh của nó là chủ nghĩa tương đối và chủ nghĩa hoài nghi. Rõ ràng không phải là không thể nghiên cứu khía cạnh khách quan của bản văn và cùng một lúc xét xem những tài liệu khách quan đó nhằm mục đích gây ảnh hưởng bản vị ra sao đối với người nghe. Người ta thường nói rằng phương pháp lịch sử đóng vai trò như một loại “cửa sổ” nhìn vào quá khứ, trong khi phương pháp văn học là một loại “tấm gương soi”. Cách các thành viên của một cộng đồng tiếp nhận bản văn không bảo đảm rằng họ đã giải thích nó đúng cách, điều này đòi hỏi các tiêu chuẩn thần học. Nhưng trong trường hợp của truyền thống, nó đưa ra một số lời giải thích về cách những khán giả từ những ngày đầu của Kitô giáo có thể đã phản ứng.
Các phương thức dựa trên truyền thống
Thực vậy, ủy ban đảm nhận điều nó gọi là toàn bộ một nhóm các phương thức “dựa trên truyền thống”. Điểm nổi bật nhất trong số này vào thời điểm đó là “phê bình quy điển” [canonical criticism], do Brevard S. Childs, một người Thệ Phản Mỹ, và các sinh viên của ông tại Đại học Yale khởi xướng. Họ đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau về lý do tại sao các bản văn đặc thù được cộng đồng tín hữu chính thức chấp nhận như một phần của “quy điển” [canon] hoặc quy tắc mà nhờ đó, Kitô giáo được xác định. James A. Sanders, một người Thệ phản Mỹ khác được ủy ban xem xét, đã có một cách tiếp cận mới đối với câu hỏi về “hình thức” bằng cách lập luận rằng việc chấp nhận vào qui điển cũng là sự xác nhận hình thức cuối cùng của Kinh thánh như chúng ta đang có. Cả hai phương pháp này đều phù hợp đáng kể với một trong những nguyên tắc giải thích trung tâm của Công Giáo được diễn tả trong Dei Verbum: rằng các phần riêng lẻ của Kinh thánh chỉ có ý nghĩa đầy đủ khi ý nghĩa của chúng được nhìn dưới ánh sáng của toàn bộ. Rõ ràng, điều này cũng liên quan đến một sự hiểu biết tinh tế và nhạy cảm về sự phụ thuộc của Kitô giáo, về mặt lịch sử cũng như về mặt thiêng liêng, vào các bản văn Do Thái. (20)
Trong cùng một việc lên nhóm lớn này, ủy ban cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến cách tiếp cận thông qua lịch sử ảnh hưởng của bản văn, Wirkungsgeschichte, như nó được gọi trong tiếng Đức. Tất nhiên, điều này đặt ra đủ loại câu hỏi lịch sử về giá trị hoặc thiếu giá trị trong các bước phát triển bên trong Giáo hội ở các thời kỳ khác nhau. Nhưng nó cũng tập chú vào một sự kiện này là, ở mức độ lớn, độc giả của bản văn không phải là những cá nhân cô lập đến với bản văn mà không có giả định nào, như cả những người duy nghiệm và những người duy chính thống cực đoan đôi khi nghĩ. Hầu hết việc đọc Kinh thánh diễn ra trong một số loại truyền thống có sẵn, một điều cần được xem xét. Một độc giả cá nhân có thể chấp nhận hoặc bác bỏ một phần những truyền thống như vậy và, trong một số trường hợp hiếm hoi, đi đến một cách hiểu mới có giá trị nhưng từ lâu đã không được thể hiện trong các bản văn. Nhưng ngay thành tố riêng lẻ đó cũng có một lịch sử hơn hai thiên niên kỷ mà giờ đây cần được kết hợp vào các nỗ lực diễn giải.
Các chiều kích khoa học mới
Sự bùng nổ kiến thức trong hai thế kỷ qua đã cung cấp cho các nhà chú giải Kinh thánh những tài liệu khảo cổ và tài liệu mới đáng lưu ý—Các sách cuộn Qumran (“Biển Chết”) có lẽ là tài liệu ấn tượng nhất trong thông tin về Palestine vào thời Chúa Kitô. Nhưng có những ngành khoa học hiện đại khác cũng ảnh hưởng đến việc giải thích: xã hội học, nhân học văn hóa và tâm lý học (bao gồm cả phân tâm học). Những khoa này rõ ràng đã được sử dụng với một sự tự tin ngây thơ nào đó trong cơn sốt nhiệt tình đầu tiên sau khi chúng được khai triển. Nhưng chúng cũng có nhiều công dụng có tính phòng thủ hơn. Chẳng hạn, phân tích xã hội học thường là một loại hình thức phê bình nhìn vào Sitz-im-Leben [ngữ cảnh] của các nhà văn và độc giả trong cộng đồng. Các vấn đề với cách tiếp cận này thường xuất phát từ việc quá chú trọng vào các yếu tố kinh tế, xã hội và chính trị và tương đối bỏ qua “các khía cạnh tôn giáo và bản thân”. Rõ ràng, có những cảnh cáo tương tự được áp dụng cho nhân học văn hóa và tâm lý học. Vì chúng được khai triển trong bối cảnh thế tục rõ ràng hàng nghìn năm sau các bản văn mà chúng nghiên cứu, nên chúng có thể giúp ích—nhưng cũng làm sao lãng. (21)
Tuy nhiên, các cách tiếp cận gây tranh cãi nhất mà ủy ban xem xét là các trường phái duy giải phóng và duy nữ, mà ủy ban cho là hoạt động "theo ngữ cảnh". Thần học giải phóng, bắt nguồn từ cả châu Âu lẫn các nước đang phát triển, tìm kiếm sự giải phóng xã hội cho các dân tộc hiện đang sống và không nhất thiết đòi hỏi niềm tin vào bất cứ lý thuyết chính trị hay kinh tế đặc thù nào. Tuy nhiên, trên thực tế, đặc biệt là ở những nơi như Châu Mỹ Latinh và Châu Phi, nó có xu hướng chấp nhận những ý niệm không rõ ràng của chủ nghĩa Mác, chẳng hạn như bóc lột, phụ thuộc và đấu tranh giai cấp—và những ý niệm đó không chỉ trong phạm vi từng quốc gia mà còn ở bình diện quốc tế. (22) Tuy nhiên, yếu tố Mácxít đã phần nào giảm đi với sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1989, hiển nhiên là một phương pháp tập chú vào các vấn đề xã hội tức khắc một cách hết sức cuồng nhiệt đã mở ra một số chiều kích Kinh thánh nhưng có xu hướng hiểu chúng theo cách ý thức hệ. Ủy ban nhận xét rằng thần học giải phóng vẫn đang phát triển và rằng “để phát triển hơn nữa và mang lại hiệu quả trong giáo hội, một yếu tố quyết định sẽ là làm sáng tỏ các giả định giải thích, các phương pháp và sự gắn kết của nó với đức tin và truyền thống của giáo hội như một tổng thể.” (23)
Tuy nhiên, không có phương pháp nào gây tranh cãi trong Giáo hội nhiều hơn các phương pháp duy nữ. (24) Thực thế, ở một trong ba chú thích duy nhất, ủy ban ghi lại rằng trong số mười chín học giả đã bỏ phiếu cho phần cụ thể này, mười một người ủng hộ, bốn người phản đối, và bốn phiếu trắng — và bốn đối thủ đã yêu cầu và được cấp một ghi chú giải thích phản ứng của họ. Các cách tiếp cận duy nữ liên quan đến các câu hỏi về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội và do đó, thậm chí còn được cảm nhận rộng rãi hơn các thần học giải phóng. Đồng thời, ủy ban cảnh cáo rằng việc sử dụng các nguyên tắc phê phán hoặc xã hội học để bác bỏ các bản văn Kinh thánh đơn thuần do văn hóa qui định— hay "khoa giải thích nghi ngờ" [hermeneutic of suspicion] nổi tiếng—thường tiến hành theo cách các giả định tiên thiên triệt để và có nguy cơ "giải thích các bản văn Kinh thánh một cách thiên vị. Để thiết lập lập trường của mình, vì muốn đạt được điều gì đó tốt hơn, nó thường phải viện đến các lập luận ex silentio [nghĩa là bằng cách im lặng].” Ủy ban viết tiếp:
Khoa chú giải duy nữ thường nêu ra những câu hỏi về quyền lực bên trong giáo hội, những câu hỏi hiển nhiên là những vấn đề được thảo luận và thậm chí đối đầu. Trong lĩnh vực này, khoa chú giải duy nữ chỉ có thể hữu ích cho Giáo hội đến mức độ nó không rơi vào chính những cái bẫy mà nó tố cáo và không đánh mất giáo huấn Tin Mừng liên quan đến quyền lực hiểu như việc phục vụ, một giáo huấn được Chúa Giêsu ngỏ với mọi đệ tử, nam và nữ. (25)
Chủ nghĩa chính thống cực đoan
Nếu ủy ban thận trọng chỉ trích một số cách sử dụng các phân tích “cấp tiến”, thì ủy ban đó chỉ đơn giản bác bỏ chủ nghĩa chính thống cực đoan. Nó bác bỏ bất cứ cách tiếp cận “duy chiểu tự ngây thơ nào theo nghĩa đen”, một cách, dù có chủ ý tốt và nồng nhiệt bao nhiêu, và dù có thể hiểu được như một phản ứng chống lại điều mà những người duy chính thống cực đoan Thệ phản coi như cố ý làm mất thanh thế các sự thật của Kinh thánh, thì nó vẫn đơn giản không trung thành với Kinh thánh:
Cách thức trình bày những sự thật này của nó bắt nguồn từ một ý thức hệ không có trong Kinh Thánh, bất kể những người ủng hộ cách tiếp cận này có thể nói gì. Vì nó đòi hỏi một sự tuân thủ không thể lay chuyển đối với các quan điểm tín lý cứng ngắc và áp đặt, như nguồn giáo huấn duy nhất về đời sống và sự cứu rỗi của Kitô hữu, một cách hiểu Kinh thánh nhằm bác bỏ mọi việc nghi vấn và mọi loại nghiên cứu phê bình.
Vấn đề căn bản với cách giải thích duy chính thống cực đoan thuộc loại này là, khi bác bỏ việc tính đến tính cách lịch sử của sự mặc khải Kinh thánh, nó tự làm cho nó không có khả năng chấp nhận sự thật trọn vẹn của chính sự nhập thể. Liên quan đến mối quan hệ với Thiên Chúa, chủ nghĩa chính thống cực đoan tìm cách thoát khỏi bất cứ sự gần gũi nào giữa thần linh và con người. Nó từ chối thừa nhận rằng lời được linh hứng của Thiên Chúa đã được diễn đạt bằng ngôn ngữ loài người và lời này đã được diễn đạt, dưới sự soi dẫn của Thiên Chúa, bởi các tác giả con người sở hữu những khả năng và nguồn lực hạn chế. Vì lý do này, nó có xu hướng coi bản văn Kinh thánh như thể nó đã được Thần Khí đọc từng chữ một. Nó không thừa nhận rằng lời Thiên Chúa đã được hình thành trong ngôn ngữ và cách diễn đạt tùy thuộc vào các thời kỳ khác nhau. Nó không chú ý đến các hình thức văn học và các cách suy nghĩ của con người được tìm thấy trong các bản văn Kinh thánh, nhiều trong số đó là kết quả của một quá trình kéo dài trong thời gian dài và mang dấu ấn của các tình huống lịch sử rất đa dạng. (26)
Một cách chuyên biệt, những người duy chính thống cực đoan hiểu tính không sai lầm một cách hoàn toàn đến mức họ coi các bản văn như có tính lịch sử trong khi chúng vốn không có ý nghĩa như vậy và, một phần do đó, không hiểu việc các cộng đồng Kitô giáo đầu tiên đã viết và tiếp nhận Kinh thánh như thế nào— một việc bao gồm các kinh tin kính, tín lý, và phụng vụ. Trong mong muốn trung thành, nó đã phá hủy tư tưởng Kitô giáo: “Không cần phải nói nhiều bằng nhiều lời như thế, chủ nghĩa chính thống cực đoan thực sự mời người ta đến một kiểu tự sát trí thức. Nó chích vào cuộc sống một sự chắc chắn giả tạo, vì nó vô tình lẫn lộn bản chất thần linh của sứ điệp Kinh thánh với những điều thực ra chỉ là những hạn chế của con người". (27)