Chương 2: Triết học Công Giáo trong thời kỳ hỗn loạn



Trong đêm từ ngày 10 đến ngày 11 tháng 11 năm 1691, một người Pháp ở độ tuổi đôi mươi tên là René Descartes đã có một loạt ba giấc mơ hoặc viễn kiến mạnh mẽ. Lúc đó ông phục vụ cho một hoàng tử nước ngoài, nhưng đang miệt mài giải quyết một số vấn đề toán học phức tạp. Những giấc mơ đến với ông khi ông đang ngủ, hoặc cố gắng ngủ, ở Neuburg an der Donau, một thị trấn nằm giữa Augsburg và Regensburg, nơi trước đây là địa điểm diễn ra Cuộc Tuyên Xưng nổi tiếng năm 1530 mô tả niềm tin của Luther, sau này là một thị trấn đại học nơi Joseph Ratzinger, tức Đức Giáo Hoàng tương lai Bênêđictô XVI, sẽ dạy thần học vào những năm 1970. Descartes đang cố gắng kết hợp toán học và vật lý thì những giấc mơ của ông xuất hiện, và chúng dường như tiết lộ một giải pháp cách nào đó cũng liên quan đến tôn giáo. Trong giấc mơ đầu tiên, ông thấy mình đang ở giữa những cơn gió hú khi cố gắng đến nhà nguyện tại trường trung học Dòng Tên cũ của ông ở La Flèche. Và trong giấc mơ cuối cùng, ông bị bao vây bởi một loại tinh thần xấu xa nào đó. Dù sao, ông cảm thấy mình được trao chìa khóa để giải quyết vấn đề của mình, và do đó, sau một thời gian, ông thề hứa sẽ thực hiện một cuộc hành hương đến đền thờ Đức Mẹ Loreto ở Ý, cuộc hành hương mà sau đó ôngđã thực hiện.

Thế là bắt đầu một trong những bước ngoặt quan trọng nhất trong triết học hiện đại: một mô tả toán học về các hiện tượng vật lý và, trong một bước phát triển tiếp theo, bước ngoặt hướng nội của Descartes nhằm tìm kiếm một sự chắc chắn tuyệt đối về sự hiện hữu của chính ông trong tư cách một hữu thể biết suy nghĩ—câu nói nổi tiếng “Cogito ergo sum” (Tôi nghĩ do đó tôi hiện hữu). Khoa học và toán học đã có một quá trình phát triển rất thành công. Triết lý thì ở thế tranh chấp nhiều hơn. Một câu chuyện ban đầu, có lẽ là ngụy tạo, kể về một phụ nữ trẻ hơi điên điên [featherheaded] đến gặp triết gia trong một phòng khách ở Pháp và hỏi, “Nhưng thưa ông Descartes, còn tôi thì sao? Tôi không suy nghĩ, nhưng tôi vẫn hiện hữu.” Những bộ óc nghiêm túc hơn đã hỏi mệnh đề này có nghĩa gì, chẳng hạn, khi chúng ta đang ngủ hoặc bất tỉnh hoặc không nhận thức được chính mình. Nhưng đối với tất cả những nghi ngờ nảy sinh về việc chạy tới các nội dung của tâm trí cá nhân để tìm sự chắc chắn, Descartes đã có một tác động khôn lường đối với việc hầu như mọi triết gia hiện đại đã nghĩ sao về con người và thế giới.

Triết lý không dám nói ra tên của nó

Một trào lưu lớn khác mà chúng ta phải kể đến trong triết học Công Giáo hiện đại là một trào lưu mà tên của nó, một số người nói đùa, ghê gớm đến mức tốt nhất là không nên nhắc đến nó trước công chúng: đó là hiện tượng học. Trường phái này khá quan trọng, nhất là bởi vì, trong một phần tư thế kỷ cuối cùng của hế kỷ 20 và sau đó, Giáo hội được lãnh đạo bởi một vị giáo hoàng vốn là một nhân vật quan trọng trong tư tưởng hiện tượng học. Đức Gioan Phaolô II có thể không có những đóng góp to lớn, độc đáo cho phong trào hiện tượng học rộng lớn hơn, nhưng ngài minh họa một trong những lý do tại sao nó lại lôi cuốn nhiều người, một mặt, đã chán nản với việc quay sang chủ thể từ Descartes qua Kant, hoặc mặt khác, một số người thực hành thứ Tân Kinh Viện khô khan hơn. Ngay từ cái tên của nó, hiện tượng học dường như đã là một công việc khá bí truyền, mang đậm chất Giéc-manh [Teutonic] xa rời cuộc sống hàng ngày. Nhưng như trong trường hợp của Karol Wojtyła, việc thực hành hiện tượng luận thực sự lại mở chủ thể cho thế giới và thêm vào một truyền thống như thuyết Tôma giúp làm cho nó phản ảnh toàn bộ thực tại một cách phong phú hơn.

Như đã biết, thuật ngữ hiện tượng học ít nhất có từ Hegel, nhưng phiên bản hiện đại có nguồn gốc chủ yếu từ Edmund Husserl (1859—1938). Bất cứ điều gì khác có thể nói về hiện tượng học dưới bàn tay của Husserl – và đây là một chủ đề phức tạp và gây nhiều tranh cãi – thì ảnh hưởng của nó đối với các sinh viên của ông đã được thiết lập rõ ràng. Nhiều nhân vật lỗi lạc nhất—Adolf Reinach, Dietrich von Hildebrand, và Edith Stein nổi bật trong số họ—đã trở thành Kitô hữu, và những người khác, như Max Scheler và Martin Heidegger, bày tỏ các quan điểm rõ ràng ít nhiều nằm ở ranh giới đức tin. Stein đặc biệt quan trọng đối với công việc của Husserl khi bà phục vụ với tư cách là trợ lý của ông (Heidegger tiếp nối trong vị trí đó), tổ chức các bản thảo của ông—vốn thường được trước tác một cách bừa bãi—thành những cuốn sách có thể xuất bản. Dù sao, chính vị thầy trọng tuổi đã ghi nhận biết bao học trò của ông đã lao vào và quay trở lại với đức tin, cho rằng ông nên được mệnh danh là một Giáo phụ. Lúc gần chết, chính ông cũng đã trở thành một Kitô hữu.

Có một lý do tại sao rất nhiều sinh viên của ông bắt đầu nghĩ rằng đức tin có thể là một khả thể trở lại. Husserl bắt đầu bằng cách cố gắng trình bày lại một vấn đề đã gây khó khăn cho toàn bộ triết học hiện đại: Nếu chúng ta bắt đầu với những ý tưởng trong tâm trí, như nơi Descartes, thì làm sao có thể biết được rằng có bất cứ điều gì khác hiện hữu ở “bên ngoài” các suy nghĩ của chúng ta, và liệu có thể có mối liên hệ nào giữa thế giới bên ngoài và những gì chúng ta tìm thấy ở bên trong không? Tóm lại, triết học hiện đại đang kinh qua một cuộc khủng hoảng về nhận thức luận (lý thuyết về nhận thức) và về mối liên hệ rất lung lay với thực tại. Mặc dù ý định của Husserl đôi khi bị hiểu lầm (và theo các học trò của ông và các độc giả sau này, dường như ông thường quay trở lại chủ nghĩa chủ quan cũ), ông đã cố gắng khắc phục những vấn đề này bằng cách điều chỉnh lại cách chúng ta nhìn vào các hiện tượng, sự tự bộc lộ của một thế giới tự nó ngỏ lời với chúng ta. Ông không bắt đầu với chủ thể biệt lập - hơi vô lý khi chúng ta bắt đầu nghĩ về nó. Descartes học ra sao để nói câu “Cogito ergo sum” nếu không phải trong các khóa học tiếng Latinh với các tu sĩ Dòng Tên ở La Flèche, và tại sao ông lại lao vào việc tìm kiếm một cách tuyệt vọng các cơ sở nhận thức luận nếu các cơ sở đó không sụp đổ trong nền văn hóa mà ông vốn là một thành phần sáng chói?

Bằng cách đặt tất cả những câu hỏi như “luôn luôn đã rồi” trong một bối cảnh cụ thể, hiện tượng học đã loại bỏ một cách đúng đắn nhiều câu hỏi hóc búa triết học hiện đại phát sinh và vẫn thường phát sinh từ quan điểm sai lầm và phiến diện về việc chúng ta là ai và chúng ta là gì. Học thuyết Tôma hiện đại cũng đã cố gắng giải quyết vấn đề nhận thức luận nơi Descartes, nhưng đôi khi nó dường như tiến hành theo hướng – ít nhất trong các điều kiện hiện đại – dẫn đến những ngõ cụt giống như chủ nghĩa Descartes. Trong học thuyết Tôma cổ điển, “các hình ảnh giác ấn” [phantasms] được trí hiểu tác nhân biến thành những hình ảnh tâm trí và ghi ấn vào trí hiểu khả hữu. Công thức này dường như giải thích mọi điều nhưng dường như cũng chen một loại sức mạnh mầu nhiệm cũng như hình ảnh hoặc trung gian nào đó vào giữa chúng ta và thế giới. Theo cách riêng của nó, diễn trình này, nhìn từ một góc độ nào đó, dường như cũng có thể tách ly thế giới và suy nghĩ, mặc dù nó không được sử dụng theo cách này. Tất nhiên, học thuyết Tôma là một phong trào tinh vi và có nhiều cách để đáp ứng những vấn đề như vậy. Nhưng hiện tượng học ở mức tốt nhất của nó có một số điểm khởi đầu đáng lưu ý nhằm khuếch đại lực đẩy cơ bản của học thuyết Tôma khiến cho nhận thức hoàn toàn phù hợp với cách sự vật thực sự là.

Một khái niệm quan trọng trong hiện tượng học là ý hướng tính, vốn là một thuật ngữ kỹ thuật có nghĩa một điều gì đó hoàn toàn khác với ý định mà chúng ta thường hiểu. Hiện tượng học chấp nhận quan điểm hàng ngày mà chúng ta có cho rằng khi chúng ta có ý thức thì đó luôn là ý thức về một điều gì đó. Đôi khi chúng ta chỉ ý thức được những suy nghĩ hoặc nhận thức của chính mình, như trong Descartes, nhưng điển hình hơn, chúng ta nhận thức được bản thân đang ở trong một thế giới trong đó sự vật tự biểu lộ cho chúng ta nhiều cách khác nhau có thể giải thích được một cách thận trọng. Chúng ta vừa ở trong thế giới đó vừa là một hữu thể có khả năng tiếp nhận các biểu hiện của các hữu thể trong thế giới đó, “các tặng cách [datives] của bộc lộ”, như Cha Robert Sokolowski thường nói. (1) Theo quan điểm này, các biểu lộ không phải chỉ là “những hình tướng”[appearances] như những hình tướng đã được khái niệm hóa trong phần lớn triết học hiện đại, đặc biệt trong lập luận nổi tiếng của Immanuel Kant khi cho rằng chúng ta chỉ có thể biết hiện tượng (những điều xuất hiện trong tâm trí chúng ta), không bao giờ biết được noumena (tự thể, sự vật trong chính chúng như chúng thực sự hiện hữu, giả sử chúng thực sự hiện hữu). Một khi chúng ta coi những hình tướng như một loại trung gian giữa tâm trí và sự vật theo kiểu hiện đại hoặc như một biểu tượng trong tâm trí, thì toàn bộ khó khăn trong việc quay trở lại thế giới bên ngoài lại nảy sinh.

Hiện tượng học không giải quyết được vấn đề nan giải này, bởi vì nó không thể được giải quyết. Nó bắt đầu ở một nơi khác bằng cách nói rằng các hữu thể trên thế giới tự “tiết lộ” chúng cho những hữu thể có khả năng nhận được sự tiết lộ đó. Tiết lộ đơn giản chỉ là những hữu thể đó theo một cách hiện hữu nào đó của chúng:

“Hiện tượng học thừa nhận thực tại và sự thật của các hiện tượng, những sự vật xuất hiện. ‘Là một bức tranh’ hay ‘là một đối tượng được tri nhận’ hoặc ‘là một biểu tượng’ không phải chỉ có trong tâm trí, như truyền thống Descartes làm chúng ta tin. Chúng là những cách trong đó sự vật có hiện hữu. Cách sự vật xuất hiện là một phần hữu thể của sự vật; sự vật xuất hiện như chúng là, và chúng là như chúng xuất hiện. Sự vật không phải chỉ hiện hữu; chúng cũng tự biểu lộ như những gì chúng là.” (2)

Phản ứng thông thường đối với loại khẳng định này là chúng ta phạm sai lầm về những gì xuất hiện với chúng ta hoặc đôi khi chúng ta có những ảo giác thuộc thị giác hoặc thính giác về những thứ không “thực sự” hiện hữu và những trải nghiệm như vậy sẽ khiến chúng ta cảnh giác về sự thật của các xuất hiện. Hiện tượng học không phủ nhận rằng những vấn đề như vậy phát sinh, nhưng nó lập luận rằng chúng ta không thể mắc những sai lầm như vậy nếu chúng ta chưa có—và tin tưởng ở một mức độ nào đó—những giải thoát thông thường của nhận thức có ý thức của chúng ta về thế giới. Sai lầm, ảo giác và các hiện tượng sai lệch khác tự chúng là những biểu lộ có thể kiểm tra được. Thí dụ, một ảo giác có thể được nhận diện là như vậy ngay cả bởi chính người mắc chứng ảo giác đó và sau đó có lẽ truy tìm nó do một tri nhận sai lầm hoặc một tình trạng thể chất hoặc cảm xúc nào đó đã tạo ra ảo giác đó. Tuy nhiên, không có khó khăn nào trong số này buộc chúng ta phải phủ nhận rằng chúng ta là những người tiếp nhận những biểu lộ rất khác nhau của nhiều loại hữu thể.

Đây có vẻ là một vấn đề nhỏ, nhưng đối với bất cứ ai quen thuộc với khó khăn được nhiều trường phái triết học hiện đại khác nhau gặp phải trong việc chuyển từ những ý tưởng trong tâm trí sang thế giới—và thiệt hại to lớn mà khó khăn này gây ra cho quan niệm của công chúng về chân lý như một tiêu chuẩn chung— nó có tiềm năng bùng nổ. Hầu như tất cả các khai triển chi tiết sau này về động thái duy nhất này đều không tốt bằng. Một khi chúng ta thừa nhận rằng những niềm tin và nhận thức của lương tri có giá trị chân lý của riêng chúng trong cách nhìn nhận sự vật thông thường, thì tất cả những điều còn lại - sự suy tư triết học sử dụng, nhưng không thay thế, những cách hiểu biết "bình thường" này - có thể tốt hơn hoặc tồi tệ hơn tùy thuộc vào kỹ năng của người suy tưởng cũng như sự nhạy cảm và kỹ năng của cá nhân nhà hiện tượng học trong việc phân loại các bình diện và loại sự thật khác nhau. Ngoài ra, việc nhấn mạnh vào cách sự vật tự biểu lộ với chúng ta đòi hỏi cả sự quan sát cẩn thận ở bình diện bình thường và việc cẩn thận bao gồm tất cả các loại hiện tượng đến với chúng ta. Chẳng hạn, một số nhà hiện tượng học giỏi nhất sẽ tìm đến một tiểu thuyết gia tinh tế như Henry James hoặc các nhà thơ để có những hiểu biết sâu sắc về thế giới và con người.

Triết học này không thể chỉ dựa vào các diễn dịch trừu tượng theo kiểu duy tâm hay bằng lòng với những quan niệm hiện thực thô thiển về những vật thể bên ngoài tác động lên một loại phim ảnh trong tâm trí:

“Đối với hiện tượng học, không có sự xuất hiện ‘đơn thuần’ và không có gì ‘chỉ’ là sự xuất hiện. Hình tướng là có thật; chúng thuộc về hữu thể. Sự vật quả xuất hiện. Hiện tượng học cho phép chúng ta nhận ra và khôi phục thế giới dường như đã mất khi chúng ta bị nhốt vào thế giới nội tại của chính mình bởi những nhầm lẫn triết học. Những sự vật từng bị tuyên bố có tính thuần tâm lý giờ đây được coi là có tính hữu thể, một phần hữu thể của sự vật. Hình ảnh, từ ngữ, biểu tượng, đối tượng được tri nhận, trạng thái sự việc, các tâm trí khác, luật pháp và các quy ước xã hội đều được thừa nhận là thực sự ở đó, như chia sẻ hữu thể và như có khả năng xuất hiện theo phong cách riêng của chúng.” (3)

Các nhà triết học nghiêm túc đương nhiên sẽ muốn tiếp tục sử dụng cái nhìn sâu sắc có tính sửa chữa này để khám phá thêm về triết học, và nhiều người đã làm như vậy theo nhiều cách khác nhau.

Một dấu hiệu cho thấy hiện tượng học có sức mạnh to lớn trong việc mở toang không gian đóng kín của triết học hiện đại, như đã lưu ý trước đó, là việc nhiều sinh viên của Husserl đã trở thành tín hữu Kitô giáo, một điều đôi khi làm ông thất vọng, trong khi những người khác, lúc bắt đầu đã là tín hữu, nay tìm được sự hỗ trợ bổ sung trong phương thức này giúp họ xem xét các hiện tượng của niềm tin. Như đã đề cập trên đây, một người theo phương pháp hiện tượng luận là Karol Wojtyła, người vừa hấp thụ truyền thống vừa đóng góp cho nó trước khi gánh vác những nhiệm vụ khác.

Mặc dù đến sau trong những bước phát triển này, nhưng sự tham gia của Wojtyła giúp làm sáng tỏ một số đặc điểm của toàn bộ diễn trình. Như chúng ta đã thấy trong chương đầu tiên, Wojtyła đã có cách tiếp cận dựa trên kinh nghiệm đối với các vấn đề trí thức. Khi theo học Garrigou-Lagrange ở Rôma, ngài đã hấp thụ rất nhiều triết lý trung tâm của phái Tôma của tiền bán thế kỷ XX, nhưng trong luận án tiến sĩ của ngài, ngài đã áp dụng nó vào các tác phẩm của nhà huyền nhiệm vĩ đại dòng Cát Minh, Thánh Gioan Thánh Giá. Sau đó, khi Wojtyła quyết định lấy bằng tiến sĩ thứ hai, ngài chuyển sang nghiên cứu hiện tượng học của Max Scheler và sau đó thậm chí còn viết một chuyên luận dày đặc, The Acting Person, đề cập đến nhiều chủ đề hiện tượng học khác nhau. Tuy nhiên, một trong những nhà giải thích sắc sảo nhất về ngài tuyên bố rằng Karol Wojtyła đã cho thấy “cuối cùng ngài đã trở lại với Thánh Tôma, sau mỗi cuộc gặp gỡ của ngài với triết học hiện đại. Sự trở lại này, mà trên đó ngài đã suy gẫm một cách có phê phán, là phương tiện mà với nó, Wojtyła đã tạo ra một cấu trúc triết học độc đáo.” (4)

Không ngạc nhiên gì khi Wojtyła chuyển sang hiện tượng luận. Mối quan tâm của ngài đối với triết học không bao giờ chỉ đơn thuần là trí thức, mà đúng hơn, nó kết hợp với mối quan tâm của ngài đối với người khác và các vai trò mục vụ khác nhau của ngài. Ở mức tốt nhất, hiện tượng học, với sự tôn trọng đối với các phương thức hiểu biết tự nhiên và chú ý cẩn thận đến tất cả các cách các hữu thể bộc lộ bản thân với chúng ta, cung cấp cho ta một cách tiếp cận mới mẻ cho các câu hỏi triết học, một cách tiếp cận có lẽ phong phú hơn bất cứ điều gì khác trong triết học hiện đại hoặc thậm chí cổ đại. Một người theo học thuyết Tôma vĩ đại như Jacques Maritain, ý thức rõ các cáo buộc thông thường về sự cứng ngắc và thiếu trí tưởng tượng thường hướng vào học thuyết Tôma hiện đại, đã đề xuất những điều sau đây trong một bức thư nổi tiếng:

"Điều đáng tiếc đối với cách giảng dạy kinh viện điển hình, và trên hết là phương pháp thần học cẩm nang (manualism), là thói quen bỏ qua yếu tố trực giác rất thiết yếu và thay thế nó ngay từ đầu bằng một phép biện chứng giả tạo gồm các khái niệm và công thức. Không thể làm được gì nếu trí hiểu chưa nhìn thấy—nếu triết gia hay triết gia tập sự không có trực giác trí thức về hữu thể. Từ quan điểm này, người ta nên lưu ý tới lợi ích sư phạm lớn của một năm khai tâm triết học hoàn toàn tập trung vào sự cần thiết của việc dẫn dắt tâm trí đến việc trực giác hữu thể và những trực giác căn bản khác mà nhờ đó triết học của trường phái Tôma mới sống còn.” (5)

Sự hấp dẫn đầu tiên của Wojtyła đối với hiện tượng học dường như được thúc đẩy bởi một cảm giác tương tự và cũng bởi tình bạn với Roman Ingarden, một trong những học trò xuất sắc nhất của Husserl và là một người bạn Ba Lan.

Bản thân Ingarden có lập trường nhiệt tình nhưng phê phán đối với công trình của Husserl, tin rằng trong các bản văn bản sau này của ông, Husserl đã quay lưng lại với các trực giác quan trọng của công trình trước đó của ông. Ingarden coi hiện tượng học là một phương pháp có thể làm phong phú thêm các trường phái triết học khác, chứ không phải là một triết học hoàn chỉnh tự trong nó. Dường như ông đã phản đối chủ yếu vì nó thiếu tính siêu hình học và tương đối kém khai triển các mối quan tâm về đạo đức, ít nhất trước nửa thế kỷ này—hai vấn đề cũng được Wojtyła quan tâm hàng đầu. Không ai có thể xác định chính xác lý do tại sao Wojtyła lại chọn viết về Max Scheler, một nhân vật đầy màu sắc nhưng không ổn định trong số các học trò trực tiếp của Husserl, tác phẩm của ông đặc biệt nhấn mạnh đến hiện tượng các phản ứng xúc cảm đối với sự vật và kinh nghiệm như đối lập với các khái niệm triết học trừu tượng. Có lẽ cả Ingarden, một trong những thành viên của ủy ban luận án của Wojtyła, và bản thân vị giáo hoàng tương lai chỉ đơn giản tin rằng Scheler quan trọng trong giới Ba Lan đủ để phải phản hồi phần nào. Sau cái chết của Scheler vào năm 1928, một nhân vật không kém quan trọng là Martin Heidegger vĩ đại đã gọi ông là “thế lực mạnh nhất” trong nền triết học hiện đại.

Đối với Wojtyła, vẫn đang chuyển dịch giữa các cách tiếp cận của trường phái Tôma và hiện tượng học, những phê phán của Scheler về Kant đã đưa chất liệu quan trọng trở lại cuộc điều tra đạo đức. Kant nhấn mạnh nghiêm ngặt tới nhiệm vụ chống lại việc cảm giác phần nhiều bị bỏ rơi khỏi trải nghiệm bình thường của con người. Như trong nhiều cấu trúc trí thức hiện đại khác, những chân lý mà chủ nghĩa Kant chứa đựng - có một yếu tố nghĩa vụ trong cuộc sống của chúng ta - và sự rõ ràng biểu kiến trong các khái niệm của ông đã được mua bằng cái giá rất quý giá và phong phú của con người. Scheler lập luận rằng giá trị và bất giá trị, giống như yêu và ghét, là những phản ứng căn bản đối với sự vật trong thế giới. Những phản ứng ban đầu của chúng ta có thể sai lầm, nhưng nếu không nhận ra những cảm xúc tự phát của mình, chúng ta sẽ không thể xác định được giá trị nào cả. Ông sắp xếp các giá trị theo thứ bậc và cố gắng chứng tỏ những lựa chọn sai lầm liên quan đến việc thích giá trị thấp như khoái lạc hơn giá trị cao hơn như cao quý, chân thực, đẹp đẽ hoặc thánh thiện. Đối với tất cả những khó khăn tiềm ẩn của nó, cách tiếp cận của Scheler ít nhất cũng có ưu điểm là cho phép thảo luận về kinh nghiệm sống, mà đối với Kant, đôi khi, dường như là một điều không liên quan và có lẽ là một sự sao nhãng khỏi nghĩa vụ tuyệt đối.

Đối với một nhân vật như Wojtyła, người suốt đời thể hiện mối quan tâm mục vụ nhằm khuyến khích điều tốt, sự nhạy cảm văn học đối với sự phức tạp của động cơ con người, và mong muốn hiểu biết của một triết gia, dường như đã có một sự say mê với lối suy nghĩ này, một lối suy nghĩ gần như đúng về sự vật. Ít nhất nó đã bắt đầu với một kiểu chấp nhận thống nhất về mọi điều có tính nhân bản. Nhưng Wojtyła dường như cũng đã rút tỉa học thuyết Tôma cho các tác phẩm của mình – mặc dù không ai có thể gọi ngài là một người theo học thuyết Tôma theo nghĩa mạnh của thuật ngữ này. Ngài lập luận rằng Scheler đã không nhận ra rằng các giá trị, mặc dù có lẽ bắt nguồn từ cảm xúc, chỉ có thể được đánh giá hoặc sắp xếp dựa trên cơ sở của một điều khác, tức là, các phán đoán về giá trị của hành động con người. Hành động của con người nơi Aristốt và Thánh Tôma có một giá trị kép: nó nhằm mục đích đạt được điều tốt đẹp và cũng hoàn thiện người thực hiện hành động bằng cách phát triển bên trong người hành động đúng đắn những năng lực tiềm tàng theo truyền thống gọi là các nhân đức. (Trong khía cạnh này, Wojtyła đại diện cho một truyền thống khác với Josef Pieper: ngài mong muốn mang lại một cái nhìn phong phú về lao động của con người, một quan niệm có lẽ nói về phẩm giá của các tầng lớp lao động ở châu Âu, những người mang tiếng đã từ bỏ đức tin.) Kant ít sử dụng đến nhân đức, bởi vì đối với ông, hành động đạo đức là sự lựa chọn trần trụi của ý chí muốn phù hợp với quy luật đạo đức. Scheler đã đi đến một thái cực ngược lại khi cố gắng đặt căn bản cho đạo đức dựa trên những cảm xúc hướng dẫn ý chí, điều này có thể dẫn đến niềm tin sai lầm - một niềm tin dường như đã dẫn đến sự rối loạn không nhỏ trong tác phong bản thân của chính Scheler – cho rằng những cảm xúc mạnh mẽ hơn cho chúng ta biết hơn cả về sự hoàn thiện đạo đức của chính chúng ta.

Liệu triết học của Scheler hay sự phê phán một phần của Wojtyła về nó có đứng vững trước thử thách của thời gian hay không là việc vẫn còn phải chờ xem. Nói một cách nghiêm túc, hiện nay, có vẻ như cả hai sẽ không được ghi nhớ là có đóng góp lớn cho triết học. Nhưng sự quan tâm đến việc phục hồi một đời sống con người đầy đủ hơn, bao gồm cả đời sống tình cảm, cho suy tư về triết học và đạo đức đã dẫn Wojtyła và nhiều người đương thời của ngài vào những nẻo đường mới. Theo một nghĩa nào đó, điều mà Kant, Scheler và cả chính Wojtyła, cùng với các triết gia hiện đại khác, đang tìm cách thực hiện là bảo tồn những điều thiết yếu của con người bằng cách bắt đầu từ con người. Truyền thống Aristốt-Tôma lâu đời hơn đã bắt đầu, trong hầu hết các lối hiểu, với một số ý tưởng siêu hình dẫn khởi từ thế giới. Khoa học cổ thời với vũ trụ học quy địa dường như cung cấp một nền tảng vững chắc cho quan điểm của họ về con người. Việc thay thế vũ trụ học cổ xưa đó bằng một vũ trụ học hiện đại không chỉ làm suy yếu các quan điểm triết học và đạo đức bắt nguồn từ khoa học cổ thời, mà còn làm phức tạp thêm việc sử dụng khoa học cho các vấn đề của con người. Vật lý hiện đại trình bày một hệ thống khó khăn hơn nhiều để tích hợp vào một sự hiểu biết có thể chấp nhận được về những điều thuộc con người và thần linh.

Trong hoàn cảnh đó, hai lựa chọn thay thế duy nhất là hỗn loạn – điều rõ ràng đã xuất hiện trong một số trào lưu hậu hiện đại cấp tiến hơn – hoặc là sự đúc kết lại toàn bộ dự án bắt đầu với sự nhấn mạnh mạnh mẽ vào ý nghĩa triết học của con người. Điều khá quan trọng là dự án đó bắt đầu ra sao. Nơi Descartes và Kant, con người hoạt động trong một chân trời rõ ràng và khác biệt, nhưng cũng khô cằn và hạn chế. Để phản ứng, Scheler đã cố gắng đưa tình cảm của con người và toàn bộ kinh nghiệm trở lại vọng nhìn. Cảm nhận được vấn đề trong tất cả các cách tiếp cận này, Wojtyła đã quay sang Thánh Tôma và truyền thống Tôma, nơi ngài tìm thấy một ý niệm sâu sắc về con người, nhưng một ý niệm tương đối kém phát triển theo các tiêu chuẩn đương thời. Wojtyła đã đưa ra phương thuốc sâu xa cho vấn đề này bằng một “sự đổi mới” thực sự bằng cách lấy điều thiện và đạo đức, thay vì hiện hữu, làm điểm khởi đầu có thể giúp chúng ta phục hồi chiều kích siêu hình. (6) Rocco Buttiglione, một người bạn của Wojtyła trong nhiều năm và là một người có thẩm quyền thông diễn, bình luận: “Dưới ánh sáng của điều này, nay đã rõ việc đặt câu hỏi liệu có thể lấy lại các phạm trù căn bản của siêu hình học theo học thuyết Tôma dựa trên cơ sở suy tư về kinh nghiệm đạo đức của con người, như được tiến hành bằng phương pháp hiện tượng học là điều quan trọng xiết bao.” (7) Buttiglione nói rằng cách cuối cùng trong Năm Con Đường nổi tiếng của Thánh Tôma để chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa, thường được gọi là lập luận theo ý định [design], phụ thuộc vào kinh nghiệm của con người. Do đó, nó đưa ra một con đường từ con người và điều thiện đến siêu hình học đích thực – một siêu hình học không chỉ áp đặt các chân lý trừu tượng lên con người, như Scheler e ngại, mà đúng hơn là biến chân lý của kinh nghiệm bản thân thành một cánh cửa dẫn vào trật tự của hữu thể.

Có lẽ tầm quan trọng lớn nhất của nghiên cứu này đối với ơn gọi sau này của Wojtyła là cơ sở mới mẻ mà nó mang lại cho ngài để tiếp cận các vấn đề về tình dục trong các tác phẩm như Love and Responsibility [Tình yêu và Trách nhiệm] và, trong tư cách là giáo hoàng, Theology of the Body [Thần học về Thân xác]. Trong cả hai tác phẩm quan trọng này, ngài cho phép cả thành phần cảm xúc của tình yêu bình thường của con người lẫn yếu tố chuẩn mực bắt nguồn từ hiện tượng học về trải nghiệm tình yêu và ý nghĩa của các hành vi thể xác, trong khi Scheler thì không cho phép như vậy.

Tuy nhiên, đóng góp chính của Wojtyła cho hiện tượng học đích thực là The Acting Person [Con Người Hành Động]. Bản dịch tiếng Anh của tác phẩm này đã gây ra tranh cãi lớn, bắt đầu với tiêu đề, mà trong nguyên bản tiếng Ba Lan được dịch sát nghĩa hơn là “Người và Hành động”. (8) Được xuất bản năm 1969, nó rõ ràng được sử dụng như một phản hồi đối với một số khuynh hướng phi luật [antinomian] được thả lỏng xung quanh Công đồng Vatican II, vốn tìm cách khẳng định điều thiện trong các ý niệm hiện đại về tự do của con người nhưng phần nào đã vướng vào những biến động văn hóa hoàn cầu năm 1968. Vị giáo hoàng tương lai, người đã từng là một người cấp tiến tại Công đồng, du nhập một số phân biệt quan trọng. Trong lời nói đầu của mình, ngài tuyên bố rằng ngài sẽ tìm cách trả lời một câu hỏi nằm chính ở điểm giao nhau của hai truyền thống: “Đâu là mối liên hệ giữa hành động như được giải thích bởi đạo đức truyền thống là actus humanus [hành vi nhân bản] và hành động như một trải nghiệm?” Câu trả lời là mê cung và ẩn phiá sau một ngôn ngữ gần như không thể hiểu thấu, nhưng lý tưởng—hợp nhất những hiểu biết sâu sắc cổ xưa và hiện đại—là điều rõ ràng. Wojtyła đã không thành công trong việc giải quyết vấn đề này, nhưng ngài không đơn độc trong nỗ lực đó.