Shutterstock


Theo Aleteia, nhân Ngày Truyền thông Thế giới, Đức Giáo Hoàng Phanxicô công bố một thông điệp. Năm nay, ngài tập trung suy tư về trí khôn nhân tạo.

Đây là bản dịch thông điệp của Vatican:

Trí khôn nhân tạo và sự khôn ngoan của trái tim: Hướng tới một truyền thông hoàn toàn mang tính con người



Anh chị em thân mến!

Sự phát triển của các hệ thống trí khôn nhân tạo, mà tôi đã cống hiến Thông điệp nhân Ngày Hòa bình Thế giới gần đây, đang ảnh hưởng một cách triệt để đến thế giới thông tin và truyền thông, và qua đó, một số nền tảng nhất định của cuộc sống trong xã hội. Những thay đổi này ảnh hưởng đến tất cả mọi người chứ không chỉ riêng những chuyên gia trong lĩnh vực đó. Sự lan rộng nhanh chóng của những đổi mới đáng kinh ngạc, mà khả năng hoạt động và tiềm năng của chúng vượt quá khả năng hiểu và đánh giá của hầu hết chúng ta, đã tỏ ra vừa gây phấn khởi vừa khiến chúng ta mất phương hướng. Điều này chắc chắn dẫn đến những câu hỏi sâu sắc hơn về bản chất của con người, sự khác biệt của chúng ta và tương lai của chủng loại homo sapiens [con người hiểu biết] trong thời đại trí khôn nhân tạo. Làm thế nào chúng ta có thể vẫn là con người trọn vẹn và hướng dẫn sự biến đổi văn hóa này để phục vụ một mục đích tốt đẹp?

Bắt đầu từ trái tim

Trước hết, chúng ta cần gạt bỏ những dự đoán thảm khốc và những ảnh hưởng tê liệt của chúng. Một thế kỷ trước, Romano Guardini đã suy gẫm về kỹ thuật và nhân tính. Guardini kêu gọi chúng ta đừng từ chối “cái mới” trong nỗ lực “bảo tồn một thế giới tươi đẹp bị kết án sẽ biến mất”. Đồng thời, ngài cảnh cáo một cách tiên tri rằng “chúng ta không ngừng trong quá trình trở thành. Chúng ta phải tham gia vào quá trình này, mỗi người theo cách riêng của mình, với sự cởi mở nhưng cũng nhạy cảm với mọi điều mang tính hủy diệt và vô nhân đạo trong đó”. Và ngài kết luận: “Đây là những vấn đề kỹ thuật, khoa học và chính trị, nhưng chúng không thể giải quyết được nếu không bắt đầu từ nhân tính của chúng ta. Một loại con người mới phải được hình thành, được phú cho một nền linh đạo sâu sắc hơn, sự tự do và nội tâm tính mới”. [1]

Vào thời điểm lịch sử này, có nguy cơ trở nên giàu có về kỹ thuật và nghèo nàn về nhân tính, những suy tư của chúng ta phải bắt đầu từ trái tim con người. [2] Chỉ bằng cách áp dụng một cách nhìn thiêng liêng về thực tại, chỉ bằng cách khôi phục lại sự khôn ngoan của trái tim, chúng ta mới có thể đương đầu và giải thích được sự mới mẻ của thời đại chúng ta và khám phá lại con đường dẫn đến một truyền thông nhân bản trọn vẹn. Trong Kinh thánh, trái tim được coi là nơi tự do và đưa ra quyết định. Nó tượng trưng cho sự toàn vẹ và thống nhất, nhưng nó cũng gắn kết những cảm xúc, mong muốn, ước mơ của chúng ta; trên hết nó là nơi nội tâm để chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa. Vì vậy, sự khôn ngoan của trái tim là nhân đức giúp chúng ta hòa nhập tổng thể và các bộ phận của nó, các quyết định và hậu quả của chúng, sự cao quý và sự dễ bị tổn thương của chúng ta, quá khứ và tương lai, cá tính và tư cách thành viên của chúng ta trong một cộng đồng lớn hơn.

Sự khôn ngoan của trái tim này tự để nó được những người tìm kiếm nó tìm thấy và được những ai yêu mến nó nhìn thấy; nó dự ứng những ai mong muốn nó và nó đi tìm những người xứng đáng với nó (x. Kn 6:12-16). Nó đồng hành với những người sẵn sàng nghe theo lời khuyên (x. Cn 13:10), những người có trái tim ngoan ngoãn và biết lắng nghe (x. 1V 3:9). Là một món quà của Chúa Thánh Thần, nó cho phép chúng ta nhìn mọi sự bằng đôi mắt của Thiên Chúa, nhìn thấy những mối liên hệ, tình huống, sự kiện và khám phá ý nghĩa thực sự của chúng. Không có loại khôn ngoan này, cuộc sống sẽ trở nên nhạt nhẽo, vì chính sự khôn ngoan - có gốc Latinh là sapere liên quan đến danh từ sapor – điều mang lại “hương vị” cho cuộc sống.

Đức Giáo HoàngPhanxicô trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần tại Hội trường Phaolô VI ở Vatican vào ngày 01 tháng 5 năm 2024]


Cơ hội và nguy hiểm

Sự khôn ngoan như vậy không thể được tìm thấy từ máy móc. Mặc dù thuật ngữ “trí khôn nhân tạo” hiện đã thay thế thuật ngữ chính xác hơn là “học ở máy” [machine learning] được sử dụng trong tài liệu khoa học, nhưng việc sử dụng thuật ngữ “trí thông minh” có thể gây hiểu lầm. Không còn nghi ngờ gì nữa, máy móc có khả năng lưu trữ và liên kết các dữ kiện lớn hơn rất nhiều so với con người, nhưng chỉ có con người mới có khả năng hiểu được dữ kiện đó. Đây không chỉ đơn giản là vấn đề làm cho máy móc trở nên giống con người hơn mà còn là việc đánh thức nhân loại khỏi giấc ngủ do ảo tưởng về sự toàn năng gây ra, dựa trên niềm tin rằng chúng ta là những chủ thể hoàn toàn tự chủ và tự quy chiếu, tách rời khỏi mọi ràng buộc xã hội và quên đi địa vị của chúng ta như những tạo vật.

Con người luôn nhận ra rằng họ không thể tự cung tự cấp và đã tìm cách khắc phục tính dễ bị tổn thương của mình bằng cách sử dụng mọi phương tiện có thể. Từ những đồ tạo tác thời tiền sử sớm nhất, được sử dụng như phần mở rộng của cánh tay, và sau đó là phương tiện truyền thông, được sử dụng như phần mở rộng của lời nói, giờ đây chúng ta đã có khả năng tạo ra những cỗ máy cực kỳ tinh vi hoạt động như một công cụ hỗ trợ cho tư duy. Tuy nhiên, mỗi công cụ này có thể bị lạm dụng bởi cơn cám dỗ nguyên thủy muốn trở nên giống như Thiên Chúa mà không có Thiên Chúa (x. St 3), nghĩa là muốn bằng nỗ lực riêng của mình nắm bắt được những gì đáng lẽ phải được đón nhận một cách đặc biệt như một món quà từ Thiên Chúa, để được vui hưởng cùng với những người khác.

Tùy thuộc vào khuynh hướng của trái tim, mọi điều trong tầm tay của chúng ta đều trở thành cơ hội hoặc mối đe dọa. Chính thân xác của chúng ta, được tạo dựng để truyền thông và hiệp thông, có thể trở thành một phương tiện gây hấn. Tương tự như vậy, mọi sự mở rộng kỹ thuật của nhân loại chúng ta đều có thể là một phương tiện phục vụ yêu thương hoặc thống trị thù địch. Hệ thống trí khôn nhân tạo có thể giúp khắc phục sự thiếu hiểu biết và tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi thông tin giữa các dân tộc và các thế hệ khác nhau. Ví dụ, chúng có thể làm cho một kho tàng kiến thức thành văn khổng lồ từ xa xưa trở nên dễ tiếp cận và dễ hiểu hoặc cho phép truyền thông giữa những cá nhân không có chung ngôn ngữ. Tuy nhiên, đồng thời, chúng có thể là nguồn gây “ô nhiễm nhận thức”, bóp méo thực tại bởi những câu chuyện sai sự thật một phần hoặc hoàn toàn, được tin tưởng và phát sóng như thể chúng là sự thật. Chúng ta chỉ cần nghĩ đến vấn đề tồn tại từ lâu về thông tin sai lệch dưới dạng tin giả, [3] mà ngày nay có thể sử dụng “deepfakes” [giả tạo sâu thẳm], cụ thể là việc tạo ra và phổ biến những hình ảnh có vẻ hoàn toàn hợp lý nhưng sai sự thật (tôi cũng từng là một đối tượng về điều này), hoặc tin nhắn có âm thanh sử dụng giọng nói của một người để nói những điều mà người đó chưa bao giờ nói. Kỹ thuật mô phỏng đằng sau các chương trình này có thể hữu ích trong một số lĩnh vực chuyên biệt, nhưng nó trở nên sai trái khi làm biến dạng mối quan hệ của chúng ta với người khác và với thực tại.

Bắt đầu với làn sóng trí khôn nhân tạo đầu tiên, làn sóng truyền thông xã hội, chúng ta đã trải qua sự mâu thuẫn của nó: những khả thể nhưng cũng có những rủi ro và các bệnh lý liên quan. Bình diện thứ hai của trí khôn nhân tạo sáng tạo chắc chắn thể hiện một bước nhảy vọt về phẩm chất. Do đó, điều quan trọng là phải hiểu, đánh giá và điều chỉnh các công cụ nếu rơi vào tay kẻ xấu có thể dẫn đến những tình huống đáng lo ngại. Giống như mọi sản phẩm khác của trí khôn và kỹ năng của con người, các thuật toán không hề trung tính. Vì lý do này, cần phải hành động phòng ngừa, bằng cách đề xuất các mô hình quy định đạo đức, để ngăn chặn những tác động có hại, phân biệt đối xử và bất công về mặt xã hội của việc sử dụng các hệ thống trí khôn nhân tạo và chống lại việc lạm dụng chúng nhằm mục đích giảm đa nguyên, phân cực quan điểm công chúng hoặc tạo ra các hình thức suy nghĩ nhóm. Một lần nữa tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế “cùng hợp tác để thông qua một hiệp ước quốc tế mang tính ràng buộc nhằm quản lý việc phát triển và sử dụng trí khôn nhân tạo dưới nhiều hình thức”. [4] Đồng thời, giống như trong mọi bối cảnh của con người, tự nó, quy định là chưa đủ.

Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần tại Hội trường Phaolô VI ở Vatican vào ngày 01 tháng 5 năm 2024


Lớn lên trong nhân tính

Tất cả chúng ta được mời gọi cùng nhau phát triển, trong nhân tính và trong tư cách nhân tính. Chúng ta được thách thức thực hiện bước nhảy vọt về phẩm tính để trở thành một xã hội phức tạp, đa sắc tộc, đa nguyên, đa tôn giáo và đa văn hóa. Chúng ta được mời gọi suy gẫm kỹ lưỡng về sự phát triển lý thuyết và việc sử dụng thực tế các công cụ truyền thông và kiến thức mới này. Những khả năng tốt đẹp to lớn của chúng đi kèm với nguy cơ biến mọi thứ thành những phép tính trừu tượng thu gọn các cá nhân thành dữ kiện, suy nghĩ theo một quy trình máy móc, kinh nghiệm thành những trường hợp cá biệt, lòng tốt để thu lợi nhuận và trên hết là phủ nhận tính độc đáo của mỗi cá nhân, và câu chuyện của anh ấy hoặc cô ấy. Tính cụ thể của thực tại tan biến trong một loạt dữ kiện thống kê.

Cuộc cách mạng kỹ thuật số có thể mang lại cho chúng ta nhiều tự do hơn, nhưng không, nếu nó giam cầm chúng ta trong những mô hình mà ngày nay được gọi là “phòng cách âm”. Trong những trường hợp như vậy, thay vì tăng cường tính đa nguyên của thông tin, chúng ta có nguy cơ thấy mình trôi dạt trong vũng lầy hỗn loạn, làm mồi cho lợi ích của thị trường hoặc của các cường quốc. Không thể chấp nhận được rằng việc sử dụng trí khôn nhân tạo sẽ dẫn đến tư duy tập thể, thu thập dữ kiện chưa được xác minh, dẫn đến việc lơ là nhiệm vụ theo lối chủ biên tập thể. Việc trình bầy thực tại trong “nhữg dữ kiện lớn”, dù hữu ích cho hoạt động của máy móc, nhưng cuối cùng sẽ dẫn đến sự mất mát đáng kể về sự thật của sự vật, cản trở việc truyền thông liên bản vị và đe dọa đến chính nhân tính của chúng ta. Thông tin không thể tách rời khỏi các mối quan hệ sống động. Những điều này liên quan đến cơ thể và sự hòa nhập vào thế giới thực; chúng liên quan đến mối tương quan không chỉ giữa dữ kiện mà còn cả trải nghiệm của con người; chúng đòi hỏi sự nhạy cảm với khuôn mặt và nét mặt, lòng cảm thương và sự chia sẻ.

Ở đây tôi nghĩ đến việc đưa tin về các cuộc chiến tranh và “cuộc chiến tranh song song” đang được tiến hành thông qua các chiến dịch đưa tin sai lệch. Tôi cũng nghĩ đến tất cả những phóng viên đã bị thương hoặc thiệt mạng khi làm nhiệm vụ để giúp chúng ta thấy được những gì chính họ đã chứng kiến. Bởi vì chỉ bằng cách tiếp xúc trực tiếp với nỗi đau khổ của trẻ em, phụ nữ và nam giới, chúng ta mới có thể đánh giá sự vô lý của chiến tranh.

Việc sử dụng trí khôn nhân tạo có thể đóng góp tích cực cho lĩnh vực truyền thông, miễn là nó không loại bỏ vai trò của báo chí trên thực địa mà còn cố gắng hỗ trợ nó. Với điều kiện là nó đánh giá tính chuyên nghiệp của truyền thông, làm cho mọi người truyền thông ý thức hơn về trách nhiệm của mình và giúp mọi người trở thành những người tham gia sáng suốt vào công việc truyền thông như họ nên làm.

Các câu hỏi cho hôm nay và tương lai

Về vấn đề này, một số câu hỏi được đặt ra một cách tự nhiên. Làm thế nào để chúng ta bảo vệ tính chuyên nghiệp và phẩm giá của người lao động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, cùng với phẩm giá của người dùng trên toàn thế giới? Làm thế nào để chúng ta đảm bảo khả thể tương tác của các hệ điều hành (platforms)? Làm cách nào để chúng ta cho phép các doanh nghiệp phát triển hệ điều hành kỹ thuật số chấp nhận trách nhiệm của họ đối với nội dung và quảng cáo giống như cách các biên tập viên của phương tiện truyền thông truyền thống? Làm cách nào để chúng ta làm minh bạch hơn các tiêu chuẩn hướng dẫn hoạt động của các thuật toán để đánh chỉ số [indexing] và hủy đánh chỉ số cũng như cho các công cụ tìm kiếm có khả năng tôn vinh hoặc hủy bỏ các cá nhân và ý kiến, lịch sử và văn hóa? Làm thế nào để chúng ta đảm bảo tính minh bạch của việc xử lý thông tin? Làm thế nào để chúng ta xác định được nguồn tác giả [paternity] của các bài viết và khả năng truy tìm nguồn gốc của các nguồn được che giấu đằng sau lá chắn vô danh? Làm cách nào để chúng ta làm rõ liệu một hình ảnh hoặc video đang mô tả hay mô phỏng một sự kiện? Làm cách nào để ngăn chặn việc giảm bớt các nguồn thành một nguồn duy nhất, từ đó thúc đẩy một cách tiếp cận duy nhất, được phát triển trên cơ sở một thuật toán? Thay vào đó, chúng ta thúc đẩy một môi trường phù hợp để bảo tồn chủ nghĩa đa nguyên và làm thế nào phác họa tính phức tạp của thực tại? Làm thế nào chúng ta có thể tạo ra một kỹ thuật bền vững mạnh mẽ, tốn kém và tiêu tốn năng lượng như vậy? Và làm thế nào chúng ta có thể làm cho các nước đang phát triển có thể tiếp cận được với nó?

Câu trả lời mà chúng ta đưa ra cho những câu hỏi này và những câu hỏi khác sẽ quyết định liệu trí khôn nhân tạo có tạo ra các đẳng cấp mới dựa trên khả năng tiếp cận thông tin và do đó làm phát sinh các hình thức bóc lột và bất bình đẳng mới hay không. Hoặc, liệu nó có dẫn đến sự bình đẳng hơn bằng cách thúc đẩy thông tin chính xác và nhận thức rõ hơn về sự thay đổi mang tính thời đại mà chúng ta đang trải qua bằng cách giúp chúng ta có thể thừa nhận nhiều nhu cầu của các cá nhân và các dân tộc trong một mạng lưới thông tin đa nguyên và có cấu trúc tốt hay không. Liệu, một mặt, chúng ta có thể thoáng thấy bóng ma của một hình thức nô lệ mới, mặt khác, chúng ta cũng có thể hình dung ra một phương tiện mang lại tự do lớn hơn; liệu khả thể một số ít người được chọn có thể điều khiển suy nghĩ của người khác hoặc tất cả mọi người có thể tham gia vào việc phát triển tư duy hay không.

Câu trả lời mà chúng ta đưa ra cho những câu hỏi này không được xác định trước; nó phụ thuộc vào chúng ta. Chúng ta có quyền quyết định liệu chúng ta sẽ trở thành thức ăn cho các thuật toán hay sẽ nuôi dưỡng trái tim của chúng ta bằng sự tự do mà nếu không có nó thì chúng ta không thể lớn lên trong sự khôn ngoan. Sự khôn ngoan như vậy trưởng thành bằng cách sử dụng thời gian một cách khôn ngoan và chấp nhận những điểm yếu của chúng ta. Nó phát triển trong giao ước giữa các thế hệ, giữa những người nhớ về quá khứ và những người nhìn về tương lai. Chỉ cùng nhau, chúng ta mới có thể nâng cao khả năng phân định, cảnh giác và khả năng nhìn mọi thứ dưới ánh sáng của sự thành tựu của chúng. Kẻo nhân tính của chúng ta mất phương hướng, chúng ta hãy tìm kiếm sự khôn ngoan vốn có trước mọi sự (x. Hc 1:4): nó cũng sẽ giúp chúng ta đưa các hệ thống trí khôn nhân tạo vào phục vụ việc truyền thông trọn vẹn của con người.

Rôma, tại Nhà thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 24 tháng 1 năm 2024

PHANXICÔ

[1] Những lá thư từ hồ Como.

[2] Thông điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội năm 2024 tiếp nối các Thông điệp trước đó dành cho việc gặp gỡ những người họ ở đâu và hiện hữu như thế nào (2021), và nghe bằng đôi tai của trái tim (2022) và nói với trái tim (2023).

[3] Xem. “Sự Thật Sẽ Giải Thoát Các Con” (Ga 8:32). Tin giả và Báo chí vì Hòa bình, Thông điệp Ngày Truyền thông Xã hội Thế giới 2018.

[4] Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 57, 1 tháng 1 năm 2024, 8.