CŨ VÀ MỚI: Ghi chú về mối tương quan giữa Trí khôn nhân tạo và Trí khôn con người
IV. Vai trò đạo đức học trong việc hướng dẫn phát triển và sử dụng AI
36. Với những xem xét này, người ta có thể tự hỏi AI có thể được hiểu ra sao trong kế hoạch của Thiên Chúa. Để trả lời câu hỏi này, điều quan trọng là phải nhớ rằng hoạt động khoa học kỹ thuật không mang tính trung lập mà là nỗ lực của con người, gắn kết các chiều kích nhân văn và văn hóa của sự sáng tạo của con người.[71]
37. Được coi là thành quả của tiềm năng được ghi khắc trong trí khôn con người,[72] nghiên cứu khoa học và phát triển các kỹ năng kỹ thuật là một phần của “sự hợp tác của nam và nữ với Thiên Chúa trong việc hoàn thiện tạo thế hữu hình”.[73] Đồng thời, tất cả các thành tựu khoa học và kỹ thuật, về cơ bản, đều là những hồng phúc từ Thiên Chúa.[74] Do đó, con người phải luôn sử dụng khả năng của mình theo mục đích cao cả hơn mà Thiên Chúa đã ban cho họ.[75]
38. Chúng ta có thể biết ơn khi thừa nhận rằng kỹ thuật đã “khắc phục vô số điều xấu từng gây hại và hạn chế con người”,[76] một sự kiện mà chúng ta nên vui mừng. Tuy nhiên, không phải tất cả những tiến bộ kỹ thuật tự thân chúng đều đại diện cho sự tiến bộ thực sự của con người.[77] Giáo hội đặc biệt phản đối những ứng dụng đe dọa đến sự thánh thiêng của sự sống hoặc phẩm giá của con người.[78] Giống như bất cứ nỗ lực nào của con người, sự phát triển kỹ thuật phải hướng đến việc phục vụ con người và góp phần theo đuổi “công lý lớn hơn, tình anh em rộng rãi hơn và trật tự nhân đạo hơn trong các mối tương quan xã hội”, “có giá trị hơn những tiến bộ trong lĩnh vực kỹ thuật”.[79] Những lo ngại về những hệ luận đạo đức của sự phát triển kỹ thuật không chỉ được chia sẻ trong Giáo hội mà còn giữa nhiều nhà khoa học, chuyên gia kỹ thuật và hiệp hội chuyên môn, những người ngày càng kêu gọi sự suy tư đạo đức để hướng dẫn sự phát triển này theo cách có trách nhiệm.
39. Để giải quyết những thách thức này, điều cần thiết là phải nhấn mạnh tầm quan trọng của trách nhiệm đạo đức dựa trên phẩm giá và ơn gọi của con người. Nguyên tắc chỉ đạo này cũng áp dụng cho các câu hỏi liên quan đến AI. Trong bối cảnh này, chiều hướng đạo đức đóng vai trò quan trọng hàng đầu vì chính con người thiết kế các hệ thống và xác định mục đích sử dụng chúng.[80] Giữa máy móc và con người, chỉ có con người mới thực sự là tác nhân đạo đức - chủ thể của trách nhiệm đạo đức, người thực hiện quyền tự do trong các quyết định của mình và chấp nhận hậu quả của chúng.[81] Không phải máy móc mà chính con người mới là người có mối tương quan với chân lý và lòng tốt, được hướng dẫn bởi lương tâm đạo đức kêu gọi con người “yêu thương và làm điều thiện, tránh điều ác”,[82] làm chứng cho “thẩm quyền của chân lý liên quan đến sự Thiện tối cao mà con người hướng tới”.[83] Tương tự như vậy, giữa máy móc và con người, chỉ có con người mới có thể tự nhận thức đủ để lắng nghe và tuân theo tiếng nói của lương tâm, phân định một cách thận trọng và tìm kiếm điều tốt có thể có trong mọi tình huống.[84] Trên thực tế, tất cả những điều này cũng thuộc về việc rèn luyện trí thông minh của con người.
40. Giống như bất cứ sản phẩm nào của tính sáng tạo của con người, AI có thể hướng tới mục đích tích cực hoặc tiêu cực.[85] Khi được sử dụng theo cách tôn trọng phẩm giá con người và cổ vũ phúc lợi của cá nhân và cộng đồng, nó có thể đóng góp tích cực vào ơn gọi của con người. Tuy nhiên, giống như trong mọi lĩnh vực mà con người được kêu gọi đưa ra quyết định, bóng ma của cái ác cũng lờ mờ ở đây. Khi tự do của con người cho phép khả năng lựa chọn điều gì là sai, thì việc đánh giá đạo đức về kỹ thuật này sẽ cần phải tính đến cách nó được định hướng và sử dụng.
41. Đồng thời, không chỉ mục đích có ý nghĩa về mặt đạo đức mà cả phương tiện được sử dụng để đạt được mục đích đó cũng quan trọng. Ngoài ra, tầm nhìn và sự hiểu biết tổng thể về con người được lồng vào các hệ thống này cũng rất quan trọng để xem xét. Các sản phẩm kỹ thuật phản ảnh thế giới quan của các nhà phát triển, chủ sở hữu, người dùng và cơ quan quản lý của chúng,[86] và có sức mạnh “định hình thế giới và thu hút sự chú ý của lương tâm ở bình diện giá trị.”[87] Ở bình diện xã hội, một số phát triển kỹ thuật cũng có thể củng cố các mối tương quan và động lực quyền lực không phù hợp với sự hiểu biết đúng đắn về con người và xã hội.
42. Do đó, mục đích và phương tiện được sử dụng trong một ứng dụng AI nhất định, cũng như viễn kiến tổng thể mà nó kết hợp, đều phải được đánh giá để đảm bảo chúng tôn trọng phẩm giá con người và cổ vũ ích chung.[88] Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tuyên bố, “phẩm giá nội tại của mọi người đàn ông và mọi người đàn bà” phải là “tiêu chuẩn chính trong việc đánh giá các kỹ thuật mới xuất hiện; chúng sẽ chứng minh được sự lành mạnh về mặt đạo đức ở mức độ chúng giúp tôn trọng phẩm giá đó và tăng cường biểu thức của nó ở mọi bình diện của cuộc sống con người,”[89] bao gồm cả các lĩnh vực xã hội và kinh tế. Theo nghĩa này, trí thông minh của con người đóng vai trò quan trọng không những trong việc thiết kế và sản xuất kỹ thuật mà còn trong việc chỉ đạo việc sử dụng kỹ thuật phù hợp với lợi ích đích thực của con người.[90] Trách nhiệm quản lý điều này một cách khôn ngoan thuộc về mọi bình diện của xã hội, được hướng dẫn bởi nguyên tắc bổ trợ và các nguyên tắc khác của Giáo huấn xã hội Công Giáo.
Hỗ trợ Tự do và Ra quyết định của Con người
43. Cam kết để đảm bảo rằng AI luôn hỗ trợ và cổ vũ giá trị tối cao của phẩm giá mỗi con người và sự trọn vẹn của ơn gọi con người phục vụ như tiêu chuẩn phân định đối với các nhà phát triển, chủ sở hữu, nhà điều hành và cơ quan quản lý AI, cũng như đối với người dùng AI. Nó vẫn có giá trị đối với mọi ứng dụng của kỹ thuật ở mọi bình diện sử dụng nó.
44. Đánh giá các hệ luận của nguyên tắc chỉ đạo này có thể bắt đầu bằng cách xem xét tầm quan trọng của trách nhiệm đạo đức. Vì nguyên nhân tính đạo đức đầy đủ chỉ thuộc về các tác nhân có bản vị, không phải tác nhân nhân tạo, nên điều quan trọng là phải có khả năng xác định và định nghĩa ai chịu trách nhiệm cho các quy trình liên quan đến AI, đặc biệt là những tác nhân có khả năng học hỏi, sửa chữa và tái lập trình. Trong khi các phương pháp tiếp cận từ dưới lên và mạng nơ-ron rất sâu cho phép AI giải quyết các vấn đề phức tạp, chúng lại khiến việc hiểu các quy trình dẫn đến các giải pháp mà chúng áp dụng trở nên khó khăn. Điều này làm phức tạp thêm trách nhiệm giải trình vì nếu một ứng dụng AI tạo ra các kết quả không mong muốn, việc xác định ai chịu trách nhiệm sẽ trở nên khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, cần chú ý đến bản chất của các quy trình giải trình trong các bối cảnh phức tạp, tự động hóa cao, nơi mà kết quả chỉ có thể trở nên rõ ràng trong trung hạn đến dài hạn. Đối với điều này, điều quan trọng là trách nhiệm cuối cùng đối với các quyết định được đưa ra bằng AI thuộc về những người ra quyết định là con người và phải có trách nhiệm giải trình về việc sử dụng AI ở mỗi giai đoạn của quá trình ra quyết định.[91]
45. Ngoài việc xác định ai chịu trách nhiệm, điều cần thiết là phải xác định các mục tiêu được giao cho các hệ thống AI. Mặc dù các hệ thống này có thể sử dụng các cơ chế học tập tự động không giám sát và đôi khi đi theo các con đường mà con người không thể tái tạo, nhưng cuối cùng chúng vẫn theo đuổi các mục tiêu mà con người đã giao cho chúng và được điều chỉnh bởi các quy trình do các nhà thiết kế và lập trình viên của chúng thiết lập. Tuy nhiên, điều này đặt ra một thách thức vì khi các mô hình AI ngày càng có khả năng học tập độc lập, khả năng duy trì quyền kiểm soát đối với chúng để đảm bảo rằng các ứng dụng như vậy phục vụ cho mục đích của con người có thể giảm đi đáng kể. Điều này đặt ra câu hỏi quan trọng về cách đảm bảo rằng các hệ thống AI được sắp xếp vì lợi ích của con người chứ không phải chống lại họ.
46. Trong khi trách nhiệm về việc sử dụng đạo đức các hệ thống AI bắt đầu từ những người phát triển, sản xuất, quản lý và giám sát các hệ thống như vậy, thì trách nhiệm này cũng được chia sẻ bởi những người sử dụng chúng. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lưu ý, máy móc “thực hiện lựa chọn kỹ thuật giữa một số khả năng dựa trên các tiêu chuẩn được xác định rõ ràng hoặc dựa trên suy luận thống kê. Tuy nhiên, con người không chỉ lựa chọn mà trong thâm tâm họ còn có khả năng quyết định”.[92] Những người sử dụng AI để hoàn thành một nhiệm vụ và theo dõi kết quả của nó tạo ra một bối cảnh mà trong đó họ chịu trách nhiệm cuối cùng về quyền hạn mà họ đã ủy quyền. Do đó, trong chừng mực AI có thể hỗ trợ con người đưa ra quyết định, các thuật toán quản lý nó phải đáng tin cậy, an toàn, đủ mạnh mẽ để xử lý các mâu thuẫn và minh bạch trong hoạt động của chúng để giảm thiểu sự thiên vị và các tác dụng phụ không mong muốn.[93] Các khuôn khổ quản lý phải đảm bảo rằng tất cả các pháp nhân [legal entities] vẫn chịu trách nhiệm về việc sử dụng AI và mọi hậu quả của nó, với các biện pháp bảo vệ thích hợp về tính minh bạch, quyền riêng tư và trách nhiệm giải trình.[94] Hơn nữa, những người sử dụng AI nên cẩn thận để không trở nên quá phụ thuộc vào nó trong quá trình ra quyết định của họ, một xu hướng làm tăng sự phụ thuộc vốn đã cao của xã hội đương thời vào kỹ thuật.
47. Giáo huấn đạo đức và xã hội của Giáo hội cung cấp các nguồn lực để giúp đảm bảo rằng AI được sử dụng theo cách bảo tồn tính tác nhân của con người. Ví dụ, những cân nhắc về công lý cũng nên giải quyết các vấn đề như cổ vũ động lực xã hội công bằng, duy trì an ninh quốc tế và cổ vũ hòa bình. Bằng cách thực hiện sự thận trọng, các cá nhân và cộng đồng có thể phân định cách sử dụng AI để mang lại lợi ích cho nhân loại trong khi tránh các ứng dụng có thể làm giảm phẩm giá con người hoặc gây hại cho môi trường. Trong bối cảnh này, khái niệm trách nhiệm không chỉ được hiểu theo nghĩa hạn chế nhất mà còn là “trách nhiệm chăm sóc người khác, không chỉ đơn thuần là tính đến kết quả đạt được”. [95]
48. Do đó, AI, giống như bất cứ kỹ thuật nào, có thể là một phần của câu trả lời có ý thức và có trách nhiệm cho ơn gọi của nhân loại hướng đến điều tốt đẹp. Tuy nhiên, như đã thảo luận trước đây, AI phải được trí khôn con người chỉ đạo để phù hợp với ơnn gọi này, đảm bảo tôn trọng phẩm giá của con người. Nhận ra “phẩm giá cao quý” này, Công đồng Vatican II khẳng định rằng “trật tự xã hội và sự phát triển của nó phải luôn hướng đến lợi ích của con người”. [96] Theo quan điểm này, việc sử dụng AI, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói, phải “đi kèm với một đạo đức lấy cảm hứng từ tầm nhìn về ích chung, một đạo đức tự do, trách nhiệm và tình huynh đệ, có khả năng cổ vũ sự phát triển toàn diện con người trong mối tương quan với người khác và với toàn thể tạo thế”. [97]
Còn tiếp