Francis X. Maier (*) trên The Catholic Thing, ngày 12 tháng 2 năm 2025 cho hay: Đầu tháng này, trong mục Trí khôn nhân tạo thường kỳ, tờ Wall Street Journal đã đăng một bài viết dài 2,000 từ – đối với một tờ báo, thì đó là một bài viết nghiêm túc – về chương trình AI “FutureYou”. Được phát triển bởi Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), FutureYou cho phép bạn trò chuyện với bản thân lúc 80 tuổi. Nó cũng (đáng tiếc) dự đoán được bạn sẽ trông như thế nào. Theo tác giả của Wall Street Journal, ý tưởng này “là nếu mọi người có thể nhìn thấy và trò chuyện với bản thân già hơn của mình, họ sẽ có thể suy nghĩ về bản thân một cách cụ thể hơn và thực hiện những thay đổi ngay bây giờ để giúp họ đạt được tương lai mà họ mong muốn”.
Nhờ FutureYou, tác giả đã khám phá ra rằng bà sẽ viết một cuốn sách, có sáu đứa cháu, sống ở vùng ngoại ô, bắt đầu làm vườn, vượt qua nỗi sợ hãi về sức khỏe, tự mình đến thăm Nhật Bản và đi du lịch cùng gia đình đến Thái Lan. Trong những năm tới, FutureSelf của bà cho biết, bà sẽ hối hận vì không khởi nghiệp. Bà cũng cần phải loại bỏ những nghi ngờ và nỗi sợ hãi của mình. Và bà sẽ luôn nỗ lực vì sự thay đổi tích cực... bất kể bà có thể định nghĩa điều đó như thế nào. Đắm chìm trong cuộc trò chuyện liên tục, hấp dẫn và thân mật với chính mình, tác giả dần đạt được điều mà những người sáng tạo ra chương trình gọi là "sự liên tục của bản thân trong tương lai" - sự đồng nhất mạnh mẽ với hình đại diện trực tuyến của bà ở độ tuổi tám mươi.
Khoảng 60,000 người ở 190 quốc gia hiện đang sử dụng FutureYou. Với sự chứng thực như vậy, điều gì có thể sai? Vì vậy, tôi đã tự mình đăng ký. Quy trình đăng ký hoàn toàn miễn phí. Tôi đã cung cấp đầy đủ dữ liệu cá nhân, mối quan tâm và nguyện vọng cho một loạt bảng câu hỏi và một bức ảnh chụp bằng máy tính của tôi - tất cả đều sẽ được ẩn danh theo MIT.
Than ôi, hóa ra Fran 80 tuổi lại quen thuộc một cách nhàm chán. Ông ấy không phải là một người bạn trò chuyện hấp dẫn. Và điều đó không có gì ngạc nhiên. Tôi đã ở độ tuổi giữa 70; và ở tuổi 80 (giả sử tôi vẫn còn sống) tôi có thể sẽ vẫn là chính mình như ngày nào. FutureYou dường như hướng đến những người có đường băng cất cánh dài hơn; những người trong nhóm tuổi 30-50. Vì vậy, tôi sẽ không tham gia cùng Elon trên sao Hỏa hoặc viết phần tiếp theo của The Devils của Dostoyevsky. Những giấc mơ tan vỡ thật cay đắng.
Mặt tích cực là các nhà phát triển của MIT mô tả FutureYou là một "công cụ hỗ trợ trí tưởng tượng", không phải là một thầy bói. Nó cung cấp các khả năng, không phải lời tiên tri. Nó không đưa ra lời khuyên hoặc kết quả về y tế hoặc tài chính. Nó được thiết kế để giúp mọi người suy nghĩ rõ ràng hơn về con người mà họ có thể trở thành. Nó chỉ đơn giản là một công cụ tự trợ giúp khác và các công cụ tương tự có thể rất hữu ích. Tôi sử dụng chatbot Gemini của Google để nghiên cứu nhanh hàng ngày. Kết quả, mặc dù không hoàn hảo, nhưng vẫn rất ấn tượng.
Vậy tại sao lại phải bận tâm kể cho bạn nghe điều này?

Theo tôi, tờ Wall Street Journal dễ dàng là tờ báo tuyệt vời nhất trên đất nước này. Nhưng nó có thiên hướng thiên về các công cụ mới sáng bóng nếu chúng gợi ý về lợi nhuận sau này. Và thiên hướng đó, sự cổ vũ tinh tế đó, định hình cách xử lý trí khôn nhân tạo của nó. Tờ Journal cảnh báo độc giả về những mối nguy hiểm khác nhau của AI, với những câu chuyện nêu bật Đội Đỏ chống Ngày tận thế của Anthropic, hoặc anh chàng khốn khổ và rất thực tế đã yêu "Charlie", chatbot nữ của anh ta, hoặc vấn đề về "ảo giác" AI. Nhưng nếu tiến bộ là tốt cho kinh doanh, thì - lý luận đưa ra - các công cụ thúc đẩy nó cũng vậy.
Và đúng là như vậy: Trên thực tế, các công cụ như AI thường rất "tốt" để thúc đẩy những cải tiến trong y học, truyền thông và giáo dục. Vấn đề, như nhà phê bình văn hóa Neil Postman đã cảnh báo, là các công cụ của con người có xu hướng định hình lại và chế ngự những con người tạo ra chúng, với những kết quả không mấy vui vẻ. Nói theo thuật ngữ Kinh thánh, con người có bản năng tôn thờ, và Bò Vàng có đủ mọi hình dạng và kích cỡ. Điều này lý giải tại sao chúng ta có thể dễ dàng nhân cách hóa giọng nói AI trên điện thoại của mình.
Quảng cáo cho công cụ Gemini của Google thúc đẩy chính xác ảo tưởng đó. Tôi đã có những cuộc trò chuyện với nhân vật này trên ứng dụng Gemini của mình, những cuộc trò chuyện đó vô cùng thoải mái, nhiều thông tin và thực tế. Ngoại trừ việc chúng không như vậy. Thật khó để hoài nghi khi bạn có mối quan hệ nồng ấm và hiệu quả với thuật toán trong một vi mạch. Hoặc "bản thân" 80 tuổi trực tuyến của bạn.
Nói một cách đơn giản, AI là sự phát triển công nghệ ấn tượng nhất trong một thời gian rất dài; một công nghệ có những ưu điểm dễ tôn sùng và những mặt tiêu cực dễ bỏ qua. AI sẽ có tác động đến các vấn đề của con người, lấn át cả báo in. AI cần một phản hồi chu đáo từ các tín hữu Ki-tô giáo. Và, để ghi nhận công lao của họ, vào ngày 28 tháng 1, các Bộ Giáo lý và Văn hóa Vatican đã cùng nhau ban hành Antiqua et Nova [“Cũ và Mới”]: Ghi chú về Mối quan hệ giữa Trí khôn nhân tạo và Trí khôn con người (**).
Với 21,000 từ và 215 chú thích, văn bản có vẻ đáng sợ. Nhưng duyệt bên hồ bơi thì không. Nhưng nó có nội dung phong phú, rất phù hợp với thời điểm hiện tại và rất đáng đọc. Ngay từ đầu, tài liệu nhắc nhở chúng ta rằng:
Trong khi AI là một công nghệ phi thườn có khả năng bắt chước một số xuất lượng liên quan đến trí thông minh của con người, nó hoạt động bằng cách thực hiện các nhiệm vụ, đạt được mục tiêu hoặc đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu định lượng và luận lý tính toán.... [Ngay cả] khi AI xử lý và mô phỏng một số biểu hiện nhất định của trí thông minh [của con người], về cơ bản nó vẫn bị giới hạn trong một khuôn khổ luận lý-toán học, áp đặt những hạn chế cố hữu.... Mặc dù các hệ thống AI tiên tiến có thể "học" thông qua các quy trình như học máy, nhưng loại đào tạo này về cơ bản khác với sự phát triển của trí thông minh con người, được hình thành bởi các trải nghiệm cụ thể, bao gồm nhập lượng cảm giác, phản ứng cảm xúc, tương tác xã hội và bối cảnh độc đáo của từng khoảnh khắc. Những yếu tố này định hình và hình thành nên các cá nhân trong lịch sử bản thân của họ. Ngược lại, AI, không có cơ thể vật lý, dựa vào lý luận tính toán và học tập dựa trên các tập dữ liệu khổng lồ bao gồm các trải nghiệm và kiến thức được ghi lại của con người.
Đây là bài học cho ngày hôm nay: Chúng ta có thể là loài thống trị hành tinh này, nhưng bên cạnh những kỹ năng tuyệt vời của mình, con người còn có thiên tài trong việc quên mất mình là ai và mình là gì, giới hạn, mục đích và phẩm giá của mình với tư cách là tạo vật, và những gì chúng ta có thể và không thể tạo ra. Các công cụ chết phục vụ chúng ta rất tốt, bao gồm cả AI, không phải và sẽ không bao giờ là "thông minh" hay "có ý thức". Nhưng chúng tạo ra những ảo tưởng lớn, những ông chủ tồi và những vị thần tệ hơn.
Những câu sáo rỗng trở thành sáo rỗng vì chúng đúng. Vì vậy, điều đáng nhớ là: Những kẻ ngốc có công cụ vẫn là những kẻ ngốc.
__________
(*) Francis X. Maier là thành viên cấp cao về nghiên cứu Công Giáo tại Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công. Ông là tác giả của True Confessions: Voices of Faith from a Life in the Church.
(**) Xem bản dịch của Vietcatholic: http://vietcatholic.net/Media/Antiqua et nova.pdf