1. Các Giám mục Ukraine kêu gọi ăn chay liên đới với người Ukraine khi mùa đông dưới không độ đang ập đến

Các giám mục Công Giáo Ukraine tại Canada đang kêu gọi tất cả người Công Giáo cầu nguyện, đóng góp cho các hoạt động bác ái và ăn chay trong ba ngày từ 24 đến 26 tháng 11 để thể hiện tình liên đới với những người Ukraine đang sống trong tình trạng thiếu lương thực và đối mặt với những ngày không có nhiệt, ánh sáng và nước khi Nga tiếp tục nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng dân sự, đặc biệt là các mạng lưới điện của Ukraine.

Trong một lá thư mục vụ được công bố thông qua Hội đồng Giám mục Công Giáo Canada, các Giám mục Lawrence Huculak, David Motiuk và Bryan Bayda so sánh các cuộc tấn công của Nga vào các mục tiêu dân sự với kế hoạch của Joseph Stalin năm 1932-33 nhằm khiến Ukraine phải khuất phục trước nạn đói — một sự kiện được người Ukraine nhớ đến với cái tên Holodomor, đó là một tội ác diệt chủng được quốc tế công nhận.

“Đối với tôi đó là một loại liên kết tự nhiên,” Đức Cha Edmonton David Motiuk nói với The Catholic Register. “1932-1933 là một cuộc diệt chủng. Một lần nữa, một cuộc diệt chủng đang được thực hiện để nói rằng quốc gia Ukraine không tồn tại.”

Vào tháng 2, khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu, Vladimir Putin đã phủ nhận rõ ràng rằng Ukraine chưa từng có “tư cách nhà nước thực sự”. Ông cho biết Ukraine là một phần không thể thiếu trong “lịch sử, văn hóa, không gian tâm linh” của Nga.

Tuần đầu tiên của tháng 11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky báo cáo rằng 4.5 triệu người Ukraine, tức là hơn 10% dân số trước chiến tranh, không có điện vì các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga vào các máy biến áp và nhà máy điện. Đồng thời, chính quyền quân sự Nga tại các khu vực bị chiếm đóng của Ukraine đã bắt đầu một chương trình “di dời hàng loạt” người Ukraine.

“Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người phải chịu đựng chiến tranh, những người bảo vệ đất nước và quốc gia của họ, những người sống trong sợ hãi và những người buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ,” các giám mục Ukraine của Canada đã viết trong lá thư mục vụ của các ngài. “Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người đã chết vì chiến tranh và cho những người đã chết hôm nay và những người sẽ chết vào ngày mai.”

Các giám mục liệt kê Hiệp hội Phúc lợi Công Giáo Cận Đông - Canada, gọi tắt là CNEWA, Phát triển và Hòa bình - Caritas Canada, tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ Canada, và Cứu trợ quốc tế của Dòng Tên Canada là những cơ quan đáng tin cậy để quyên góp cho những người Ukraine đang chịu đựng chiến tranh.

Ba ngày chay tịnh trong tình đoàn kết với Ukraine được sắp xếp trùng với lễ kỷ niệm Holodomor hàng năm ở Canada.

“Chay tịnh nhiều nhất có thể. Đối với một số người, điều đó có nghĩa là chỉ có bánh mì và nước, đối với một số người không có đồ ngọt, đối với những người khác chỉ một bữa mỗi ngày,” các giám mục viết. “Tuy nhiên, bạn hãy chọn nhịn ăn để hiệp nhất trong suy nghĩ và lời cầu nguyện trước Chúa vì hòa bình cho người dân Ukraine.”

Ăn chay có ý nghĩa nếu anh chị em muốn đoàn kết với những người đang đói, Đức Cha Motiuk nói.

“Có những người ở Ukraine đang đói và thực sự chật vật để bày thức ăn lên bàn.”
Source:National Catholic Register

2. Vatican mở cuộc điều tra sơ bộ về lạm dụng đối với Hồng Y người Pháp

Vatican cho biết hôm thứ Sáu rằng họ đã quyết định mở một cuộc điều tra sơ bộ về lạm dụng tình dục đối với một Hồng Y nổi tiếng của Pháp sau khi ngài thừa nhận đã cư xử một cách “đáng trách” với một bé gái 14 tuổi cách đây 35 năm.

Người phát ngôn của Vatican Matteo Bruni cho biết một cuộc tìm kiếm đang được tiến hành để tìm ra một điều tra viên chính với “sự tự chủ, vô tư và kinh nghiệm cần thiết”.

Đức Hồng Y Jean-Pierre Ricard, tổng giám mục đã nghỉ hưu của Bordeaux và là cựu chủ tịch hội đồng giám mục Pháp, đã thú nhận về vụ lạm dụng trong một lá thư vào tuần trước trong khi các giám mục Pháp đang họp tại hội nghị thường niên của họ ở Lộ Đức. Tiết lộ này càng làm dấy lên những hoang mang trong Giáo Hội Công Giáo Pháp, vốn đang quay cuồng với những tiết lộ được nêu chi tiết trong một báo cáo vào năm ngoái.

Các công tố viên Marseille tuần này thông báo rằng họ đã mở một cuộc điều tra về Đức Hồng Y Ricard liên quan đến những cáo buộc chống lại ngài nhưng “không có khiếu nại” nào được đệ trình chống lại vị Hồng Y.

Việc Vatican quyết định mở cuộc điều tra riêng trong khi cuộc điều tra tội phạm của Pháp đang được tiến hành là một điều bất thường và cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề đối với Rôma. Là Hồng Y từ năm 2006, Đức Hồng Y Ricard là thành viên cấp cao của một số văn phòng quan trọng của Vatican. Đáng chú ý nhất, ngài là thành viên bỏ phiếu trong Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican, có nghĩa là ngài đã tham gia xét xử các vụ lạm dụng tình dục các giáo sĩ khác trong nhiều năm.

Không có thông tin nào về việc liệu ngài sẽ bị đình chỉ hay chỉ bị loại khỏi các chức vụ thành viên Vatican của mình trong khi chờ các cuộc điều tra. Hồng Y Ricard cho biết trong lá thư của mình rằng ngài đang đặt mình theo quyết định của Giáo Hội và chính quyền dân sự.

Khi thông báo về cuộc điều tra của họ, các công tố viên Marseille cho biết họ lần đầu tiên nhận được báo cáo về Hồng Y Ricard là vào tháng 10 vừa qua từ Đức Giám Mục Nice. Đức Cha Jean-Philippe Nault cho biết đã nhận được một bức thư từ cha mẹ của nạn nhân bị cáo buộc sau khi Hồng Y Ricard đã được Vatican bổ nhiệm vào một nhóm điều tra một hiệp hội Công Giáo điều hành các nhà nuôi dưỡng. Họ không đồng ý với bổ nhiệm này và chỉ muốn Tòa Thánh rút lại việc bổ nhiệm nói trên. Tuy nhiên, theo các giao thức do Hội Đồng Giám Mục Pháp thông qua, Đức Cha Jean-Philippe Nault phải báo cáo cho cảnh sát. Đến nay, vẫn không rõ các công tố viên Marseille có tiến hành cuộc điều tra hay không vì không có người tố cáo, sai phạm không nghiêm trọng và vụ việc xảy ra đã lâu.

Các công tố viên của Marseille cho biết khi Đức Giám Mục Nice Jean-Philippe Nault đối chất với Hồng Y Ricard về bức thư của cha mẹ người phụ nữ, vị Hồng Y “thừa nhận với vị giám mục này rằng, hơn 40 năm trước, ngài đã hôn cô con gái của cặp vợ chồng này. Sau này ngài đã cử hành hôn lễ cho cô gái ấy.”

Sơ Véronique Margron, người đứng đầu hội nghị các dòng tu ở Pháp, nói với tờ báo Công Giáo La Croix của Pháp trong tuần này rằng chính nạn nhân đã hai lần viết thư cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô - một lần cách đây 5 năm, và một lần nữa vào tháng 5 hay tháng 6 năm nay sau khi cô không viết thư mà không nhận được phản hồi.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, không trả lời khi được hỏi liệu Đức Giáo Hoàng có nhận được một trong hai bức thư hay không. Nhưng ông cho biết quyết định mở cuộc điều tra sơ bộ về Hồng Y Ricard được đưa ra “để hoàn tất việc kiểm tra những gì đã xảy ra, dựa trên các yếu tố đã xuất hiện trong những ngày gần đây và tuyên bố của Hồng Y.”

Đức Phanxicô đã tuyên bố “không khoan nhượng” đối với các giáo sĩ lạm dụng và trong những năm gần đây đã cách chức một số giám mục và một số Hồng Y vì lạm dụng và che đậy.
Source:AP

3. Ba triều đại giáo hoàng và Công đồng Vatican II

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “Three pontificates and Vatican II”, nghĩa là “Ba triều đại giáo hoàng và Công đồng Vatican II”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Vào sáng ngày 17 tháng 10 năm 1978, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị mới được bầu đã đồng tế thánh lễ với Hồng Y Đoàn và cam kết rằng chương trình giáo hoàng của ngài sẽ là việc thực hiện đầy đủ Công Đồng Vatican II. Đó là “nhiệm vụ tối hậu của ngài”, vì Công đồng là “một sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhất” trong hai thiên niên kỷ của lịch sử Kitô giáo. Như tôi giải thích trong cuốn “To Sanctify the World: The Vital Legacy of Vatican II” nghĩa là “Để Thánh Hóa Thế Giới: Di quản quan yếu của Vatican II” do nhà xuất bản Basic Books in, 26 năm rưỡi tiếp theo chứng kiến Đức Gioan Phaolô II thực hiện lời cam kết đó, vì triều đại giáo hoàng của ngài là một bản hùng ca về giáo huấn và chứng tá đã giúp cung cấp cho Công Đồng các diễn giải chủ yếu mà chính Công Đồng đã không đưa ra.

Không giống như 20 công đồng chung trước đây, Công đồng Vatican II đã không trình bày rõ ràng hoặc xác định một chìa khóa cuối cùng để giải thích đúng đắn Công Đồng: một điều gì đó làm rõ rằng “Đây là ý của chúng tôi”. Các Công Đồng khác đã viết các tín điều, xác định tín điều, lên án dị giáo, lập pháp thành luật Giáo hội và xác lập các giáo lý. Công đồng Vatican II đã không làm những điều đó, đó là một lý do tại sao một tình huống mơ hồ liên quan đến ý định và ý nghĩa của Công đồng đã xảy ra sau đó.

Trong tông huấn năm 1975 Evangelii Nuntiandi (Công bố Tin Mừng), Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã bắt đầu quá trình trao cho Công đồng không-có-chìa-khoá một cách giải thích có thẩm quyền bằng cách nhắc lại ý định ban đầu của Đức Gioan XXIII đối với Công đồng: Công đồng Vatican II là để khởi động Giáo hội trên một sự hồi sinh sứ mệnh truyền giáo lấy Chúa Kitô làm trung tâm. Đức Gioan Phaolô II đã điền vào chỗ trống về những gì mà nỗ lực Tân Phúc Âm Hóa sẽ liên quan đến huấn quyền rộng lớn của ngài - và bằng chuyến thăm mục vụ của ngài đến Thánh Địa vào tháng 3 năm 2000, điều này nhắc nhở Giáo hội rằng Kitô giáo bắt đầu bằng cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Phục sinh, Đấng phải luôn luôn là trung tâm của mọi đề xuất và công bố của Giáo hội cho thế giới.

Ở bên cạnh Đức Gioan Phaolô II trong công việc vĩ đại nhằm cung cấp các chìa khóa diễn giải cho Công đồng là Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, người sẽ kế vị Đức Giáo Hoàng người Ba Lan với tư cách là Đức Giáo Hoàng Bênêđictô 16. Giống như vị giáo hoàng tiền nhiệm, Đức Hồng Y Ratzinger là người của Công đồng; trên thực tế, nhà thần học trẻ người Bavaria đã từng là một trong ba cố vấn thần học có ảnh hưởng nhất đối với các giám mục trong công đồng. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi trong bài diễn văn Giáng Sinh đầu tiên của mình trước Giáo triều Rôma năm 2005, Đức Bênêđictô XVI đã thẳng thắn đề cập đến câu hỏi về cách giải thích đúng đắn Công đồng Vatican II.

Giống như người đã triệu tập Công Đồng, là Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, Đức Bênêđíctô biết rằng Công đồng không được triệu tập để tái tạo Công Giáo; đó không phải là những gì các Công Đồng Chung thực hiện. Đúng hơn, Công Đồng nhằm mục đích khơi lại niềm tin của Giáo Hội nơi Chúa Giêsu Kitô và đổi mới kinh nghiệm của Giáo Hội về Chúa Thánh Thần, để, giống như các môn đệ sau Lễ Hiện Xuống Kitô đầu tiên, Giáo hội sẽ được khích lệ cho việc truyền giáo triệt để. Thành ra, ngài dạy rằng Công đồng Vatican II, nên được hiểu như một Công đồng đã phát triển truyền thống của Giáo hội một cách hữu cơ. Công đồng Vatican II không phải là một sự đoạn tuyệt với truyền thống, mà là sự đào sâu sự hiểu biết về bản thân của Giáo hội trong sự liên tục sự mặc khải của Thiên Chúa.

Đó là lý do tại sao, trong cuốn “Để Thánh Hóa Thế Giới”, tôi đề nghị rằng các triều đại giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI nên được hiểu như một cung đường diễn giải liên tục, kéo dài 35 năm, cung cấp những chìa khóa mở ra giáo huấn có thẩm quyền và sức mạnh truyền bá Phúc âm của Vatican II.

Còn triều đại giáo hoàng hiện nay thì sao?

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói lên sự tôn trọng của ngài đối với Công đồng. Và lời kêu gọi của ngài về một Giáo hội “truyền giáo vĩnh viễn” chắc chắn phản ánh ý định ban đầu của Đức Gioan XXIII đối với Công đồng Vatican II, mà Đức Giáo Hoàng Gioan đã tóm tắt trong một câu ngắn gọn vào tháng 9 năm 1962: “Mục đích của Công đồng là…. Phúc âm hóa”. Tuy nhiên, triều đại giáo hoàng hiện nay đã khác xa với giáo huấn của Công đồng về một số phương diện.

Chính sách hiện tại liên quan đến Trung Quốc của Vatican mâu thuẫn với giáo huấn của Công đồng rằng không có quyền lực nào hoặc đặc quyền nào được trao cho các chính phủ trong việc bổ nhiệm giám mục - một giáo huấn hiện được thể hiện hợp pháp trong Giáo luật 337 triệt 5. Việc Tòa Thánh tuân thủ Tuyên bố Abu Dhabi năm 2019 và tuyên bố rằng sự đa dạng của các tôn giáo là sự thể hiện thánh ý của Thiên Chúa không dễ dàng tương hợp với tuyên bố của Công đồng về Chúa Giêsu Kitô là Đấng cứu chuộc độc tôn, và duy nhất của nhân loại: Chúa là trung tâm của lịch sử và vũ trụ. Một trong những thành tựu đáng chú ý của Công đồng Vatican II là sự khẳng định mạnh mẽ về thẩm quyền cai quản được trao bằng bí tích truyền chức cho hàng giám mục; những cải cách gần đây của Giáo triều Rôma, việc phế truất các giám mục mà không theo thủ tục hợp pháp và các quy định của giáo triều về việc cử hành Thánh lễ đúng cách (và thậm chí cả nội dung của các bản tin giáo xứ!) đã cắt xén thẩm quyền đó. Và cách giải thích hạn hẹp đặc biệt của Đức Giáo Hoàng đối với giáo huấn của Công đồng về phụng vụ đã làm cho việc thực hiện Công đồng Vatican II thậm chí còn gây tranh cãi hơn nữa.

Những khác biệt này sẽ là trọng tâm của mật nghị giáo hoàng tiếp theo.


Source:First Things