Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp tục kêu gọi các nhà lãnh đạo Nga và Ukraine đàm phán để chấm dứt chiến tranh, nhưng người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Ukraine nói với ngài rằng Nga chỉ muốn hủy diệt Ukraine.

Đức Tổng Giám Mục Ukraine Sviatoslav Shevchuk của Kyiv-Halych đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 7 tháng 11 tại Vatican, đây là lần đầu tiên hai người gặp mặt trực tiếp kể từ khi Nga bắt đầu chiến tranh vào cuối tháng Hai, mặc dù hai vị đã nói chuyện qua điện thoại nhiều lần.

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk đã trao cho Đức Giáo Hoàng “một mảnh vỡ của một quả mìn Nga đã phá hủy mặt tiền của nhà thờ Công Giáo Ukraine ở thị trấn Irpin, gần Kyiv, vào tháng Ba,” văn phòng Đức Tổng Giám Mục cho biết. “Đó là một món quà rất mang tính biểu tượng, không chỉ vì Irpin là một trong những 'thị trấn tử vì đạo' đầu tiên bị ảnh hưởng bởi cuộc xâm lược của Nga chống lại Ukraine, mà còn vì những mảnh mìn tương tự được lấy ra từ thi thể của binh lính, dân thường và trẻ em Ukraine, là một dấu chỉ hữu hình của sự tàn phá và chết chóc mà chiến tranh mang lại mỗi ngày. “

Trở về Vatican từ Bahrain vào ngày 6 tháng 11, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với các phóng viên đi cùng ngài rằng Vatican “thường xuyên chú ý” đến những gì đang xảy ra ở Ukraine và rằng Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh tiếp tục làm những gì có thể và đã làm việc ở hậu trường để giúp sắp xếp trao đổi tù nhân.

Đức Giáo Hoàng cũng nói với các phóng viên rằng ngài nghĩ sự tàn khốc của các cuộc tấn công vào Ukraine và dân thường của quốc gia này là do những người lính đánh thuê, không phải người Nga, những người là “một dân tộc vĩ đại” và có một “chủ nghĩa nhân đạo” mạnh mẽ. Thực ra, những người lính đánh thuê cũng chủ yếu là người Nga và các cuộc pháo kích nhắm vào các cơ sở hạ tầng và dân thường Ukraine là do các tướng lĩnh Nga quyết định. Tất cả những điều này vượt quá xa thẩm quyềb của những người lính đánh thuê.

Gặp Đức Tổng Giám Mục Shevchuk vào ngày hôm sau, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại cam kết của Tòa Thánh trong việc chấm dứt chiến sự và tìm cách đạt được “một nền hòa bình công bằng”, văn phòng tổng giám mục cho biết.

“Cuộc chiến ở Ukraine là một cuộc chiến thuộc địa, và những đề xuất hòa bình đến từ Nga là những đề xuất nhằm bình định thuộc địa”, Đức Tổng Giám Mục nói với Đức Giáo Hoàng. Những đề xuất này liên quan đến việc phủ nhận sự tồn tại của người dân Ukraine, lịch sử, văn hóa của họ và thậm chí cả Giáo hội. Đó là sự phủ nhận chính quyền tồn tại của nhà nước Ukraine, được cộng đồng quốc tế công nhận chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”.

Bất kể có các khác biệt sâu sắc về quan điểm, Đức Tổng Giám Mục cảm ơn Đức Giáo Hoàng vì tất cả những lời cầu nguyện và nỗ lực của ngài “để ngăn chặn chiến tranh và đạt đến hòa bình, giải phóng con tin và tù nhân và tổ chức sự đoàn kết toàn cầu của Giáo Hội Công Giáo thay mặt cho những người dân Ukraine đang đau khổ”, tuyên bố cho biết.
Source:Sunday Visitor