1. Tổng Giám Mục Nga, cha giải tội của Putin, kêu gọi ông ta chấp thuận dự thảo đầu hàng

Một giám mục được mệnh danh là 'cha giải tội' của Vladimir Putin đã đưa ra lời cầu xin thật phi thường về việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine sau nhiều tháng đổ máu.

Đức Tổng Giám Mục Tikhon Shevkunov, người được biết đến là đặc biệt thân thiết với tổng thống Nga, nói rõ ràng cần có 'hòa bình theo thánh ý Chúa' giữa hai quốc gia.

Vị Tổng Giám Mục, người được nhiều người coi là cố vấn tinh thần của Putin đã gọi cuộc chiến bắt đầu bằng cuộc xâm lược trái phép của Nga vào Ukraine vào tháng 2, là một 'thảm kịch chưa từng có' và nói rằng nó 'nên kết thúc bằng hòa bình'.

Những lời nhận xét vừa được đưa ra là một sự can thiệp bất thường của hàng giáo sĩ Chính Thống Giáo Nga và đã làm dấy lên những đồn đoán rằng Putin có thể sẵn sàng chấp nhận một thỏa thuận đầu hàng sau thất bại nhục nhã ở Kherson.

Quân đội Nga buộc phải rời khỏi thành phố vào cuối tuần trước trong bối cảnh quân đội Ukraine phản công, với báo cáo rằng hành ngàn người Nga đã chết chìm trong cuộc tháo chạy tán loạn.

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh Rossiya 1, và có lẽ là cuộc nói chuyện với sự cho phép của Putin, vị giám mục 64 tuổi thừa nhận cuộc xung đột đang bắt đầu đè nặng lên tâm trí người Nga.

“Chúng ta phải nói về những gì xuất hiện trong đầu óc chúng ta khi chúng ta thức dậy, những gì trong đầu chúng ta cả ngày và những gì chúng ta mang theo khi đi ngủ - đó là Ukraine,” ông nói.

'Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta đang phải trải qua một thảm kịch chưa từng có, một giai đoạn định mệnh trong cuộc đời của người dân, đất nước chúng ta và Ukraine.

'Nó sẽ kết thúc như thế nào?’

'Tất nhiên, chúng tôi sẽ cầu nguyện rằng mọi chuyện sẽ kết thúc trong hòa bình và an toàn. Mọi người đang kêu gọi hòa bình ngay bây giờ. '

Vị giám mục nói thêm rằng ông có quan điểm rằng 'chỉ có Chúa toàn năng' mới có thể kết thúc cuộc đổ máu.

Shevkunov nói: “Chúng ta cần hòa bình theo ý muốn của Chúa, để giải quyết vấn đề này, những trận chiến, và những thù hận giữa những người anh em.”

Putin có thói quen sử dụng hàng giáo sĩ Chính Thống Giáo Nga để cung cấp các vỏ bọc thần học cho các quyết định của mình, và như thế thu hút được sự đồng tình của đông đảo các tín hữu Chính Thống Giáo. Đầu hàng là một quyết định khó khăn đối với Putin. Đó là bối cảnh Đức Tổng Giám Mục Tikhon Shevkunov đã bất ngờ xuất hiện. Cũng có thể an toàn để nói rằng, nếu Putin chấp nhận đầu hàng, và trong thời gian ngắn sắp tới Thượng Phụ Kirill không tuyên bố câu nào nhằm ủng hộ quyết định khó khăn ấy, Đức Cha Tikhon Shevkunov sẽ sớm trở thành Tân Thượng Phụ của Chính Thống Giáo Nga.

Giáo sư Valery Solovey, trước đây làm việc tại Học viện Quan hệ Quốc tế có uy tín của Mạc Tư Khoa và người tuyên bố có mối quan hệ bên trong Điện Cẩm Linh, cho biết thỏa thuận đầu hàng sẽ khiến Nga phải từ bỏ tất cả lãnh thổ ở Ukraine, ngoại trừ Crimea, nơi sẽ trở thành một khu phi quân sự và vị thế của nó sẽ không được thảo luận lại cho đến năm 2029.

Đổi lại, Putin và những người thân cận của mình sẽ tránh được các cáo buộc hình sự về chiến tranh và được phép tiếp tục nắm quyền.

Ông cho biết đề xuất này, về danh xưng, được gọi là thỏa thuận đầu hàng, không phải là những đề nghị cho một cuộc đàm phán, đã được thảo luận giữa Kyiv và các đồng minh phương Tây trước khi được trình bày trước vòng tròn bên trong của Putin - những người đã phản ứng rất tích cực với ý tưởng này vì nó loại bỏ trách nhiệm chiến tranh của họ. Họ sẽ được tại vị và không bị bắt ra trước một tòa án quốc tế.

2. Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô cho biết các tín hữu Công Giáo, Chính thống giáo đang suy nghĩ về một ngày chung để cử hành lễ Phục sinh

Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô tuyên bố rằng cả hai phía Chính thống và Công Giáo đều có ý định tốt là cuối cùng thiết lập một ngày chung cho việc cử hành Lễ Phục sinh, cử mừng sự Phục sinh của Chúa Kitô. Tuy nhiên, ngài nói vẫn còn quá sớm để nói về bất kỳ chi tiết nào.

Đức Thượng phụ Chính thống giáo đã bày tỏ ý kiến này trong cuộc gặp ở Istanbul với một nhóm các linh mục và nhà báo đến Thổ Nhĩ Kỳ để thăm những địa điểm liên quan đến cuộc đời của Thánh Phaolô, Vatican News đưa tin.

Chuyến đi do Văn phòng Hành hương và Du lịch Vatican tổ chức. Trả lời câu hỏi của các nhà báo, Đức Thượng phụ Đại kết nói về những nỗ lực chung với Đức Giáo Hoàng Phanxicô liên quan đến việc cử hành lễ kỷ niệm 1.700 năm Công đồng Đại kết đầu tiên, diễn ra tại Nicea vào năm 325.

Đức Thượng phụ nhắc lại rằng trong số các quyết định của Công đồng có việc ấn định ngày cử hành Lễ Phục sinh. “Nhưng, thật không may, trong nhiều năm, chúng ta không còn cử hành nó cùng nhau nữa, trong nhiều thế kỷ. Do đó, trong khuôn khổ của lễ kỷ niệm này, chủ đề của những nỗ lực chung của chúng tôi với Đức Giáo Hoàng là tìm ra giải pháp cho vấn đề này. Có thể chưa đến lúc để nói về bất kỳ chi tiết nào, nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng có ý định tốt từ phía Chính thống giáo và Công Giáo để cuối cùng ấn định một ngày chung cho lễ kỷ niệm Phục sinh của Chúa Kitô”

Trả lời câu hỏi về những hy vọng cho hòa bình khi đối mặt với cuộc chiến tàn khốc mà Ukraine đã trở thành nạn nhân, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô nhấn mạnh rằng “cuộc chiến này không thể được biện minh bằng bất cứ điều gì” và điều này cần được nhấn mạnh “nhân danh đức tin Kitô của chúng ta.”

“Đối với tôi, dường như tất cả những người có cái nhìn đúng đắn về sự việc không thể không lên án cuộc chiến này. Đức Giáo Hoàng cũng muốn gia tăng sự nhạy cảm của toàn thế giới đối với hòa bình. Trong thông điệp của ngài vào ngày đầu tháng Giêng tức là Ngày Thế giới Hòa bình vài năm trước, Đức Giáo Hoàng đã tuyên bố rằng không thể có hòa bình nếu không có công lý. Đây là những từ ngữ thực sự rất chính xác,” Đức Thượng Phụ Đại Kết nói

Trong chuyến thăm tới Tòa Thượng phụ Đại kết lần này có phái đoàn của chính phủ Ukraine. Đệ nhất phu nhân Ukraine Olena Zelenska cùng với Chánh văn phòng Tổng thống Andriy Yermak, Phó Thủ tướng thứ nhất Yulia Svyridenko, Phó Văn phòng Tổng thống Andriy Sybiha, và Đại sứ Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ Vasyl Bondar cảm ơn Đức Thượng Phụ đã hỗ trợ và giúp đỡ Ukraine.

3. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 14 tháng 11

Chúa Nhật 13 tháng 11, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 33 Mùa Quanh Năm và cũng là Ngày Thế Giới Người Nghèo lần thứ 6.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca

Khi ấy, Đức Giêsu nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Bài Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta lên Giêrusalem, nơi thánh thiêng nhất: đó là đền thờ. Ở đó, xung quanh Chúa Giêsu, một số người nói về vẻ tráng lệ của tòa nhà đồ sộ đó, “được tô điểm bằng những viên đá quý” (Lc 21:5). Nhưng Chúa nói: “Sẽ không còn hòn đá nào trên hòn đá nào mà không bị ném xuống” (Lc 21:6). Sau đó, Ngài thêm vào câu chuyện, giải thích rằng trong lịch sử, hầu hết mọi thứ đều sụp đổ như thế nào: Ngài nói, sẽ có các cuộc cách mạng và chiến tranh, động đất và đói kém, ôn dịch và bách hại (xem các câu 9-17). Như thể Chúa muốn nói: không nên đặt quá nhiều niềm tin vào những thực tại trần thế chóng qua. Đây là những lời khôn ngoan, tuy nhiên có thể khiến chúng ta hơi cay đắng. Đã có rất nhiều điều tiêu cực. Tại sao Chúa lại còn đưa ra những tuyên bố tiêu cực như thế? Trên thực tế, ý định của Ngài không phải là tiêu cực, mà ngược lại – Chúa muốn ban cho chúng ta một giáo huấn có giá trị, đó là con đường để có thể thoát khỏi tất cả sự bấp bênh này. Và đâu là lối thoát? Làm thế nào chúng ta có thể thoát ra khỏi thực tại đang trôi qua và sẽ không còn nữa?

Nó nằm trong một từ mà có lẽ sẽ làm chúng ta ngạc nhiên. Chúa Kitô mạc khải điều đó trong câu cuối cùng của Tin Mừng, khi Người nói: “Có bền đỗ, anh em mới giữ được mạng sống mình” (c. 19). Bền đỗ. Bền đỗ là gì? Từ này chỉ ra một cái gì đó “rất nghiêm ngặt”; nhưng nghiêm ngặt theo nghĩa nào? Phải chăng là nghiêm ngặt với chính mình, cho rằng mình không đạt tiêu chuẩn? Không. Phải chăng là nghiêm ngặt với những người khác, trở nên cứng nhắc và không linh hoạt? Cái này cũng không. Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta phải “nghiêm nhặt”, không khoan nhượng, kiên trì với những gì Ngài nghĩ trong lòng, với những gì đáng kể. Bởi vì, những gì thực sự quan trọng, thường không trùng khớp với những gì thu hút sự quan tâm của chúng ta. Giống như những người ở đền thờ, chúng ta thường ưu tiên cho công việc do bàn tay chúng ta thực hiện, những thành tựu, truyền thống tôn giáo và dân sự, những biểu tượng thiêng liêng và xã hội của chúng ta. Điều này là tốt, nhưng chúng ta dành quá nhiều ưu tiên cho những sự ấy. Những điều này quan trọng thật, nhưng chúng qua đi. Thay vào đó, Chúa Giêsu nói hãy tập trung vào những gì còn lại, đừng dành cuộc đời của chúng ta để xây dựng một cái gì đó rồi sẽ bị phá hủy, chẳng hạn như ngôi đền đó, và quên xây dựng những gì sẽ không sụp đổ, được dựng xây trên lời của Người, trên tình yêu, trên sự tốt lành. Hãy kiên trì, nghiêm khắc và kiên quyết xây dựng trên những gì không qua đi.

Vì thế, đây là sự bền đỗ của chúng ta: hãy xây dựng lòng tốt mỗi ngày. Bền đỗ là luôn luôn hướng thiện, đặc biệt là khi thực tế xung quanh thúc giục chúng ta làm khác đi. Chúng ta hãy suy ngẫm về một vài ví dụ: Tôi biết rằng lời cầu nguyện là quan trọng, nhưng, giống như mọi người, tôi cũng luôn có rất nhiều việc phải làm, và vì vậy tôi nói: “Không, tôi đang bận, tôi không thể, tôi 'sẽ làm điều đó sau’. Hoặc, tôi thấy nhiều người xảo quyệt lợi dụng các tình huống, những người né tránh các giới luật, và vì vậy tôi cũng ngừng tuân giữ những giới luật ấy, ngừng kiên trì với những gì là công lý và hợp pháp: “Nhưng nếu những kẻ vô lại này làm điều đó, thì tôi cũng vậy!”. Hãy coi chừng điều này! Và một lần nữa: Tôi thực hiện công việc phục vụ Giáo hội, cho cộng đồng, cho người nghèo, nhưng tôi thấy nhiều người trong thời gian rảnh rỗi chỉ nghĩ đến việc tận hưởng bản thân, nên tôi cảm thấy muốn từ bỏ và làm những gì họ làm. Bởi vì tôi không nhìn thấy kết quả, hoặc tôi cảm thấy buồn chán, hoặc nó không làm cho tôi hạnh phúc.

Thay vào đó, sự bền đỗ phải dựa vào sự thiện. Chúng ta hãy tự hỏi mình: sự bền đỗ của tôi là như thế nào? Tôi có liên tục không, hay tôi sống đức tin, công bằng và bác ái theo thời điểm: Tôi cầu nguyện nếu tôi cảm thấy thích; Tôi công bằng, sẵn lòng và giúp đỡ người khác nếu điều đó phù hợp với tôi; trong khi nếu tôi không hài lòng, nếu không ai cảm ơn tôi, tôi có dừng lại không? Tóm lại, lời cầu nguyện và sự phục vụ của tôi phụ thuộc vào hoàn cảnh hay vào tấm lòng kiên trung trong tình yêu Chúa? Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng nếu chúng ta bền đỗ, chúng ta không có gì phải sợ hãi, ngay cả trong những biến cố đau buồn và tối tăm của cuộc sống, thậm chí trước những điều xấu xa mà chúng ta thấy xung quanh mình, bởi vì chúng ta vẫn dựa vào điều tốt. Dostoevsky viết: “Đừng sợ tội lỗi của con người. Hãy yêu mến một người ngay cả trong tội lỗi của anh ta, vì đó là vẻ vang của Tình yêu Thiên Chúa và là tình yêu cao cả nhất trên trái đất “ (Anh em nhà Karamazov, II, 6, 3g). Sự bền bỉ là sự phản chiếu trong thế giới tình yêu của Thiên Chúa, bởi vì tình yêu thương của Thiên Chúa là sự chung thủy, nó bền bỉ, không bao giờ thay đổi.

Xin Đức Mẹ, tôi tớ Chúa, Mẹ luôn kiên trì cầu nguyện (x. Cv 1,12), xin Mẹ thêm sức cho chúng con.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến!

Ngày mai sẽ là ngày kỷ niệm đầu tiên ra mắt Nền tảng hành động Laudato si ', thúc đẩy chuyển đổi sinh thái và lối sống phù hợp với nó. Tôi muốn cảm ơn tất cả những người đã chấp nhận sáng kiến này: có khoảng sáu nghìn người tham gia, bao gồm các cá nhân, gia đình, hiệp hội, doanh nghiệp và các tổ chức tôn giáo, văn hóa và chăm sóc sức khỏe. Đây là một khởi đầu tuyệt vời cho cuộc hành trình kéo dài bảy năm nhằm đáp lại tiếng kêu của trái đất và tiếng kêu của người nghèo. Tôi khuyến khích sứ mệnh này, có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai của nhân loại, để nó có thể thúc đẩy mọi người cam kết thực sự chăm sóc tạo vật.

Từ góc độ này, tôi muốn nhắc lại Hội nghị cấp cao COP27 về biến đổi khí hậu đang diễn ra tại Ai Cập. Tôi hy vọng rằng các bước tiến về phía trước sẽ được thực hiện, với lòng dũng cảm và quyết tâm, sau Hiệp định Paris.

Chúng ta hãy luôn gần gũi với anh chị em của chúng ta ở Ukraine tử vì đạo. Hãy gần gũi trong lời cầu nguyện và với tình liên đới cụ thể. Hòa bình là có thể! Chúng ta đừng cam chịu chiến tranh.

Và tôi xin chào tất cả anh chị em, những người hành hương đến từ Ý và các quốc gia khác nhau, các gia đình, giáo xứ, hiệp hội và cá nhân tín hữu. Đặc biệt, tôi xin chào nhóm đặc sủng “El Shaddai” đến từ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, các nhạc công “bandoneon” người Uruguay – Tôi thấy lá cờ của các bạn ở đó, hoan hô! – Phái đoàn Công Giáo-Hy Lạp Rumani ở Paris, các đại diện mục vụ của trường từ Limoges và Tulle cùng với các giám mục của họ, và các thành viên của cộng đồng người Eritrea ở Milan, những người mà tôi cam kết cầu nguyện cho đất nước của họ. Tôi vui mừng chào đón những chú giúp lễ của Ovada, hợp tác xã “Gia đình Nuova” của Monza, lực lượng bảo vệ dân sự của Lecco, các tín hữu của Perugia, Pisa, Sassari, Catania và Bisceglie, cũng như các chàng trai và cô gái của Immacolata.

Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana