Các dị biệt có thể hoà giải được không?
Đôi khi trong lúc đưa tin về các phiên tòa hình sự, tôi đã gặp hai nhân chứng đưa ra lời khai y hệt như nhau, cho đến các chi tiết căn bản, chỉ để thấy chúng bị luật sư bào chữa xé toạc vì thông đồng với nhau trước phiên tòa. Vì thế, tôi nhận xét với Craig, "Giả sử cả bốn sách Tin Mừng giống hệt như nhau trong mọi chi tiết vụn vặt của chúng, điều này sẽ khiến ta nghi ngờ có chuyện đạo văn."
Ông nói, "Đúng, đó là một điểm rất tốt. Sự dị biệt giữa các trình thuật về ngôi mộ trống gợi ý rằng chúng ta có nhiều chứng thực độc lập về các trình thuật này. Thỉnh thoảng người ta nói, 'Mátthêu và Luca chỉ ăn cắp ý tưởng từ Máccô', nhưng khi ông xem xét kỹ các trình thuật, ông sẽ thấy sự khác biệt, một điều gợi ý rằng ngay cả khi Mátthêu và Luca biết rõ trình thuật của Máccô, tuy nhiên họ cũng có những nguồn riêng biệt, độc lập cho câu chuyện ngôi mộ trống của họ. Vì vậy, với nhiều trình thuật và là các trình thuật độc lập này, không có nhà sử học nào bỏ qua bằng chứng này chỉ vì các chênh lệch thứ cấp. Tôi xin trình bầy với ông một thí dụ thế tục. Chúng ta có hai câu chuyện về Hannibal băng qua dãy Alps để tấn công Rome, và chúng không tương hợp và không thể hòa giải với nhau. Thế nhưng, chưa nhà sử học cổ điển nào nghi ngờ sự kiện Hannibal đã mở một chiến dịch như vậy. Đó là một minh họa phi Kinh thánh về sự khác biệt trong các chi tiết phụ không làm suy yếu cốt lõi lịch sử của một câu chuyện lịch sử."
Tôi thừa nhận sức mạnh của lập luận đó. Và khi tôi ngẫm nghĩ về lời phê bình của Martin, đối với tôi dường như một số điều bị ông ta coi là mâu thuẫn có thể được hòa giải khá dễ dàng. Tôi đã đề cập điều này với Craig bằng cách nói, "Há không có cách nào để hòa giải một số khác biệt giữa các trình thuật này hay sao?"
Craig trả lời, "Có, đúng vậy, có. Thí dụ, thời điểm viếng mộ. Một nhà văn có thể mô tả nó như là vẫn còn tối, người kia có thể nói rằng trời đang sáng, nhưng điều đó giống như cuộc tranh luận giữa người lạc quan và người bi quan về việc chiếc ly cạn một nửa hay đầy một nửa. Đó là chuyện xung quanh bình minh, và họ đang mô tả cùng một điều với các từ ngữ khác nhau.
“Còn về số lượng và tên của những người phụ nữ, không có sách Tin Mừng nào có tham vọng đưa ra một danh sách đầy đủ. Tất cả đều bao gồm Maria Mađalêna và các phụ nữ khác, vì vậy có lẽ đã có một nhóm các môn đệ tiên khởi bao gồm những người được nêu tên và có lẽ một vài người khác. Tôi nghĩ sẽ thông thái rởm khi nói rằng đó là một mâu thuẫn."
Tôi hỏi, "Thế còn các trình thuật khác về những gì xảy ra sau đó thì sao?"
Craig giải thích, "Máccô nói những người phụ nữ đã không nói cho bất cứ ai, nhưng các Tin Mừng khác nói rằng họ có nói. Khi ông nhìn vào thần học của Máccô, ngài thích nhấn mạnh sự kính sợ và hoảng sợ, và kinh hoàng cùng tôn thờ trước nhan Thiên Chúa. Vì vậy, phản ứng này của những người phụ nữ chạy trốn với sự sợ hãi và run rẩy, và không nói gì với bất cứ ai vì sợ hãi là một phần trong phong cách văn chương và thần học của Máccô.
Cũng có thể đây là sự im lặng tạm thời, và sau đó những người phụ nữ này quay lại và nói với những người khác những gì đã xảy ra”. Ông kết luận với một nụ cười lớn, “Thực thế, đó phải là một sự im lặng tạm thời; nếu không, Máccô đã không thể kể câu chuyện về nó!"
Tôi muốn hỏi về một sự khác biệt khác thường được trích dẫn. "Chúa Giêsu nói trong Mátthêu 12:40, 'Vì như Giôna đã ba ngày và ba đêm ở trong bụng cá lớn, nên Con Người sẽ ở ba ngày ba đêm trong lòng đất.' Tuy nhiên, các Tin Mừng tường trình rằng Chúa Giêsu đã thực sự ở trong ngôi mộ một ngày trọn, hai đêm trọn và một phần của hai ngày. Há đây không phải là một thí dụ cho thấy Chúa Giêsu đã sai khi không ứng nghiệm lời tiên tri của chính Người hay sao?"
Craig cho hay, "Một số Kitô hữu có ý tốt đã sử dụng câu này để gợi ý Chúa Giêsu bị đóng đinh vào Thứ Tư thay vì Thứ Sáu, để có đủ thời gian ở trong đó! Nhưng hầu hết các học giả nhận ra rằng theo cách tính thời gian thời xưa của người Do Thái, bất cứ phần nào của một ngày cũng được tính như một ngày đầy đủ. Chúa Giêsu đã ở trong ngôi mộ buổi chiều thứ sáu, cả ngày thứ bảy và sáng chủ nhật- theo cách người Do Thái khái niệm thời gian hồi đó, điều này sẽ được tính như ba ngày”.
Ông kết luận, "Một lần nữa, đó chỉ là một thí dụ khác cho thấy biết bao nhiêu các khác biệt này có thể được giải thích hoặc giảm thiểu bằng một số kiến thức nguồn hoặc bằng cách chỉ suy nghĩ về chúng bằng một đầu óc cởi mở."
Các nhân chứng có đáng tin cậy không?
Các sách Tin Mừng đồng ý rằng ngôi mộ trống được phát hiện bởi những người phụ nữ vốn là bạn bè và môn đệ của Chúa Giêsu. Nhưng, theo lượng định của Martin, điều này làm cho lời khai của họ bị nghi ngờ, vì họ "có lẽ không phải là những người quan sát khách quan." Nên tôi đặt câu hỏi với Craig: "Liệu mối liên hệ của các phụ nữ với Chúa Giêsu có làm cho độ tin cậy trong lời chứng của họ bị nghi vấn không?"
Một cách vô tình, tôi rơi vào đúng kế hoạch của Craig. Craig trả lời, "Thực ra, lập luận này phản tác dụng đối với những người sử dụng nó. Chắc chắn những người phụ nữ này là bạn của Chúa Giêsu. Nhưng khi ông hiểu vai trò của phụ nữ trong Xã hội Do Thái thế kỷ thứ nhất, điều thực sự phi thường là câu chuyện ngôi mộ trống rỗng này nên có phụ nữ là những người trước nhất phát hiện ra cái trống rỗng của ngôi mộ.
"Phụ nữ ở một bậc rất thấp trong nấc thang xã hội ở Palestine vào thế kỷ thứ nhất. Có những câu ngạn ngữ cổ của các giáo sĩ Do Thái nói rằng, 'Hãy để những lời của Luật bị đốt cháy hơn là giao cho phụ nữ' và 'Phúc cho người có con trai, nhưng khốn cho người có con cái là nữ giới.' Chứng từ của phụ nữ vốn bị coi là vô giá trị đến nỗi họ thậm chí không được phép phục vụ như các nhân chứng hợp pháp trong một tòa án của pháp luật Do Thái.
“Dưới ánh sáng này, điều hoàn toàn đáng lưu ý là các nhân chứng chính cho ngôi mộ trống là những người phụ nữ vốn là bạn hữu của Chúa Giêsu này. Bất cứ trình thuật huyền thoại nào sau này chắc chắn sẽ mô tả các môn đệ nam đã khám phá ngôi mộ-Phêrô hoặc Gioan chẳng hạn. Sự kiện các phụ nữ là nhân chứng đầu tiên của ngôi mộ trống sẽ được giải thích cách hợp lý nhất bởi thực tạ là-dù muốn hay không-họ là những người khám phá ra ngôi mộ trống! Điều này chứng tỏ các người viết Tin Mừng đã ghi lại một cách trung thực những gì đã xảy ra, ngay cả khi đó là một điều đáng xấu hổ. Điều này nói lên tính lịch sử của truyền thống này hơn là tình trạng huyền thoại của nó."
Tại sao các phụ nữ đi viếng mộ?
Tuy nhiên, lời giải thích của Craig lại để lại một câu hỏi dai dẳng khác: tại sao các phụ nữ đi xức dầu cho xác Chúa Giêsu nếu họ đã biết rằng ngôi mộ của Người đã được niêm phong an toàn? Tôi hỏi "Hành động của họ thực sự có ý nghĩa không?".
Craig suy nghĩ một lúc trước khi trả lời - lần này không phải với giọng nói của người tranh luận nhưng với giọng dịu dàng hơn. "Lee ạ, tôi mạnh mẽ cảm thấy rằng các học giả, những người chưa biết đến tình yêu và sự tận tâm mà những người phụ nữ này cảm nhận đối với Chúa Giêsu, không có quyền phát ra các phán đoán lạnh lùng về tính khả thi của những gì các phụ nữ này muốn làm.
“Đối với những người đang đau buồn, những người đã mất một ai đó họ yêu thương và theo chân hết mình, muốn đi đến ngôi mộ trong một niềm hy vọng xa xôi được xức dầu cho thân xác-tôi hoàn toàn không nghĩ sau này lại có người phê bình đối xử với họ như người máy và nói, 'Đáng lẽ họ không nên đi."'
Ông nhún vai. "Có lẽ họ nghĩ sẽ có người đàn ông nào đó ở xung quanh có thể di chuyển hòn đá. Nếu có lính canh, có lẽ họ nghĩ những lính canh này sẽ làm việc đó. Tôi không biết.
Chắc chắn khái niệm thăm một ngôi mộ để xức dầu lên một thân xác là một thông lệ lịch sử của người Do Thái; câu hỏi duy nhất là tính khả thi của việc ai sẽ di chuyển hòn đá cho họ. Và tôi nghĩ chúng ta không ở vị trí đúng để phê phán họ có nên ở nhà hay không."
Tại sao các Kitô hữu không trưng dẫn ngôi mộ trống?
Để chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn với Craig, tôi đã vào các trang mạng của một số tổ chức vô thần để xem các loại lập luận mà họ đưa ra để chống lại Sự Phục Sinh. Vì một lý do nào đó, ít người vô thần bàn tới chủ đề này. Tuy nhiên, một nhà phê bình đưa ra một phản bác mà tôi muốn trình bày với Craig.
Về cơ bản, nhà phê bình này nói, lập luận chính chống lại ngôi mộ trống là: không ai trong số các môn đệ hoặc các nhà truyền giảng Kitô giáo sau này bận tâm để chỉ ra nó. Ông viết, “Chúng tôi mong các nhà thuyết giáo Kitô hữu đầu tiên nói: 'Bạn không tin chúng tôi phải không? Vậy hãy đi nhìn vào ngôi mộ đi! Nó ở góc đường Số Năm và Đường Chính, ngôi mộ thứ ba, bên tay phải."'
Thế nhưng, ông nói, Phêrô không đề cập đến ngôi mộ trống trong lời rao giảng ở Công vụ 2. Nhà phê bình này kết luận, "Nếu ngay cả các môn đệ cũng không nghĩ truyền thống ngôi mộ trống là điều tốt, tại sao chúng ta lại nên cho nó là tốt?"
Craig mở to mắt khi tôi đặt câu hỏi. Ông trả lời, với chút ngạc nhiên trong giọng nói, "Tôi chỉ không nghĩ đó là sự thật". Ông vừa nói vừa cầm cuốn Kinh thánh lên và lật sang chương thứ hai của sách Công vụ, trong đó ghi lại bài giảng của Thánh Phêrô ngày Lễ Ngũ Tuần.
Craig nhấn mạnh, “Ngôi mộ trống được tìm thấy trong bài phát biểu của Thánh Phêrô. Ngài tuyên bố trong câu 24 rằng 'Thiên Chúa đã khiến Người từ kẻ chết sống lại, giải thoát Người khỏi sự đau khổ của cái chết.' Rồi ngài trích dẫn một thánh vịnh nói về việc Chúa sẽ không cho phép Đấng Thánh của Người phải trải qua sự suy tàn. Điều này đã được viết bởi Đavít, và Thánh Phêrô nói, 'Tôi có thể tự tin nói với anh em rằng tổ phụ Đavít qua đời và được chôn cất, ngôi mộ của ông vẫn còn ở đây cho đến ngày nay.' Nhưng, ngài nói, Đấng Kitô 'không bị bỏ rơi trong mồ mả, cơ thể Người cũng không chịu mục nát. Thiên Chúa đã khiến Chúa Giêsu này sống lại, và tất cả chúng tôi đều là nhân chứng của sự kiện này.'"
Craig nhìn vào cuốn Kinh thánh. “Bài phát biểu này tương phản với ngôi mộ của Đavít, vẫn còn cho đến ngày hôm đó, với lời tiên tri trong đó Đavít nói Đấng Kitô sẽ sống lại, xác thịt Người sẽ không bị thối rữa. Điếu đó rõ ràng muốn ý rằng ngôi mộ bị bỏ trống."
Rồi ông lật sang chương sau trong sách Công vụ. "Trong Cv 13:29-31, Thánh Phaolô nói, 'Sau khi thực hiện tất cả mọi điều Kinh Thánh chép về Người, họ đã hạ Người từ trên cây gỗ xuống và mai táng trong mồ. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết. Trong nhiều ngày, Chúa Giêsu đã hiện ra với những kẻ từng theo Người từ Galilê lên Giêrusalem.' Chắc chắn ngôi mộ trống được ngụ ý ở đây.”
Ông gập cuốn Kinh thánh lại, rồi nói thêm, "Tôi nghĩ khá vụng về và không hợp lý khi tranh luận rằng những nhà thuyết giáo đầu tiên đã không đề cập đến ngôi mộ trống, chỉ vì họ đã không sử dụng hai hạn từ chuyên biệt là ‘ngôi mộ trống’. Không hoài nghi gì là họ biết-và nhờ lời rao giảng của họ, khán giả của họ hiểu -rằng ngôi mộ của Chúa Giêsu đã được bỏ trống."
Đâu là bằng chứng tích cực?
Tôi đã dành phần đầu tiên của cuộc phỏng vấn để chêm nếm với Craig những phản bác và lý lẽ thách thức ngôi mộ trống. Nhưng tôi chợt nhận ra rằng tôi đã không cho ông cơ hội để nói rõ lý lẽ tích cực của ông. Dù ông đã ám chỉ một số lý do tại sao ông tin rằng ngôi mộ của Chúa Giêsu không có người ở, tôi nói, "Tại sao ông không nói cho tôi hay lý lẽ tốt nhất của ông? Xin ông thuyết phục tôi với bốn hoặc năm lý do hàng đầu của ông về việc ngôi mộ trống là một sự kiện lịch sử."
Craig chấp nhận thử thách. Từng điều một, ông trình bầy rõ các lập luận chặt chẽ và mạnh mẽ của mình.
Ông nói, "Đầu tiên, ngôi mộ trống chắc chắn được ngụ ý trong truyền thống ban đầu được Thánh Phaolô truyền lại trong 1 Côrintô 15, đó là nguồn thông tin lịch sử rất xưa và đáng tin cậy về Chúa Giêsu. Thứ hai, vị trí ngôi mộ của Chúa Giêsu đã được các Kitô hữu và người Do Thái biết như nhau. Vì vậy, nếu nó không trống, thì một phong trào được thành lập dựa trên niềm tin vào sự Phục sinh sẽ không thể ra đời trong cùng một thành phố nơi người đàn ông này đã đã bị hành quyết và chôn cất công khai. Thứ ba, từ ngôn từ, ngữ pháp và phong cách, chúng ta có thể nói Máccô thực sự lấy được câu chuyện về ngôi mộ trống của mình, toàn bộ câu chuyện về cuộc khổ nạn của mình, từ một nguồn trước đó. Thực thế, có bằng chứng cho thấy nó được viết trước năm 37 sau Công nguyên, một niên biểu quá sớm để huyền thoại có thể làm sai lạc nó cách nghiêm trọng.
"A.N. Sherwin-White, nhà sử học cổ điển Hy Lạp-La Mã đáng kính xuất thân từ Đại học Oxford, cho biết không có tiền lệ ở bất cứ nơi nào trong lịch sử trong đó huyền thoại đã phát triển nhanh chóng và bóp méo đáng kể các sách Tin Mừng.
“Thứ tư, có một tính đơn giản trong câu chuyện ngôi mộ trống của Máccô. Các trình thuật hư cấu ngụy thư từ thế kỷ thứ hai chứa tất cả các loại tường thuật hoa mỹ, trong đó Chúa Giêsu đi ra khỏi ngôi mộ trong vinh quang và quyền lực, với tất cả mọi người nhìn thấy Người, bao gồm cả các tư tế, chính quyền Do Thái và lính canh La Mã. Đó là những cách truyền thuyết viết, nhưng những điều này chỉ đến với nhiều thế hệ sau các biến cố, khi các nhân chứng tận mắt đã chết đi. Ngược lại, trình thuật của Máccô về câu chuyện ngôi mộ trống rất đơn giản và không tô điểm bằng suy tư thần học.
“Thứ năm, chứng từ nhất trí cho rằng ngôi mộ trống đã được các phụ nữ khám phá đã luận chứng cho tính xác thực của câu chuyện, bởi vì điều này là điều đáng xấu hổ để các môn đệ thừa nhận và hầu như chắc chắn sẽ được che đậy nếu đây là một huyền thoại.
“Thứ sáu, cuộc bút chiến sớm nhất của người Do Thái giả định trước tính lịch sử của ngôi mộ trống. Nói cách khác, không có ai cho rằng ngôi mộ vẫn còn xác của Chúa Giêsu. Câu hỏi luôn là, 'Điều gì đã xảy ra cho thân xác?'
"Người Do Thái đề xuất câu chuyện lố bịch là các lính canh đã ngủ thiếp đi. Rõ ràng, họ đang loay hoay tìm cách giải thích mà không xong. Nhưng vấn đề là thế này: họ bắt đầu với giả định rằng ngôi mộ bị bỏ trống! Tại sao? Bởi vì họ biết nó trống!"
Còn các lý thuyết thay thế thì sao?
Tôi chăm chú lắng nghe Craig trình bày rõ ràng từng điểm, và với tôi sáu luận điểm trên cộng lại thành một lý lẽ đầy ấn tượng. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn xem có kẽ hở nào trước khi kết luận nó không có chỗ hở.
Tôi nói, "Năm 1907, Kirsopp Lake gợi ý cho rằng các phụ nữ đơn thuần đã đi vào một ngôi mộ không đúng. Ông ta nói họ bị lạc và một người trông nom ngôi mộ trống nói với họ, 'các chị tìm kiếm cho Ông Giêsu Nadarét. Ông ấy không ở đây,' thế là họ sợ hãi bỏ chạy. Đó không phải là một lời giải thích hợp lý sao?"' (7)
Craig thở dài nói, "Lake đã không tạo ra bất cứ điều gì tiếp theo điều này. Lý do là địa điểm ngôi mộ của Chúa Giêsu đã được nhà cầm quyền Do Thái biết đến. Cho dù các phụ nữ có mắc phải sai lầm này đi nữa, chính quyền cũng sẽ rất vui khi chỉ ra ngôi mộ và sửa sai các môn đệ khi họ bắt đầu tuyên bố rằng Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết. Tôi không biết ngày nay có ai theo lý thuyết của Lake hay không."
Thành thật mà nói, các giải pháp khác nghe cũng có vẻ không khả hữu lắm.
Rõ ràng, các môn đệ không có động cơ đánh cắp xác Chúa Giêsu để sau đó chết vì một lời nói dối, và chắc chắn là các nhà chức trách Do Thái sẽ không di chuyển xác của Người. Tôi nói, "Chúng ta còn lại giả thuyết cho rằng ngôi mộ trống là một truyền thuyết sau này và đến lúc nó được khai triển, người ta không thể bác bỏ nó, bởi vì vị trí của ngôi mộ đã bị lãng quên."
Craig trả lời, "Điều đó trở thành vấn đề từ năm 1835, khi David Strauss cho rằng các câu chuyện này là huyền thoại. Và đó là lý do tại sao trong cuộc trò chuyện hôm nay chúng ta lại tập trung nhiều vào giả thuyết huyền thoại này bằng cách chỉ ra rằng câu chuyện ngôi mộ trống đã có từ trong vòng một vài năm sau chính các biến cố. Điều này làm cho thuyết truyền thuyết vô giá trị. Cho dù có một số yếu tố huyền thoại trong các chi tiết phụ của câu chuyện, các yếu tố lịch sử cốt lõi của câu chuyện vẫn được thiết lập an toàn."
Đúng, đã có các câu trả lời cho những giải thích thay thế này. Phân tích ra, mọi lý thuyết dường như sụp đổ dưới sức nặng của bằng chứng và luận lý. Nhưng lựa chọn duy nhất còn lại là tin rằng Chúa Giêsu bị đóng đinh đã sống lại-một kết luận một số người thấy khó nuốt một cách ngoại thường.
Tôi nghĩ một lúc về cách tôi có thể diễn đạt điều này trong một câu hỏi cho Craig. Cuối cùng tôi nói, "Mặc dù các lý thuyết thay thế chắc chắn có lỗ hổng trong chúng, nhưng há chúng không hợp lý hơn ý tưởng hoàn toàn không thể tin được rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa nhập thể, người đã sống lại từ cõi chết hay sao?"
Rướn người về phía trước, ông nói, “Tôi nghĩ đây là vấn đề. Tôi nghĩ những người thúc đẩy các lý thuyết thay thế này sẽ thừa nhận, 'Vâng, các lý thuyết của chúng tôi không hợp lý, nhưng chúng không phải không thể xảy ra giống như ý tưởng cho rằng phép lạ ngoạn mục này đã xảy ra.' Tuy nhiên, tại điểm này, vấn đề không còn là một vấn đề lịch sử nữa; thay vào đó là một câu hỏi triết học về việc liệu phép lạ có thể xảy ra hay không."
Tôi hỏi, "Và ông sẽ nói gì về điều đó?"
"Tôi sẽ lập luận rằng giả thuyết cho rằng Thiên Chúa đã khiến Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết không phải là không thể xảy ra. Trên thực tế, dựa trên bằng chứng, đó là lời giải thích tốt nhất cho những gì đã xảy ra. Điều không thể là giả thuyết cho rằng Chúa Giêsu đã sống lại một cách tự nhiên từ cõi chết. Tôi đồng ý điều này là điều kỳ dị. Bất cứ giả thuyết nào cũng có xác suất nhiều hơn là xác chết của Chúa Giêsu tự nhiên trở lại với sự sống. Nhưng giả thuyết cho rằng Thiên Chúa khiến Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết không mâu thuẫn với khoa học hoặc bất cứ sự kiện kinh nghiệm nào từng được biết. Nó chỉ đòi hỏi giả thuyết này là Thiên Chúa hiện hữu, và tôi nghĩ có những lý do độc lập rất tốt để tin rằng Người hiện hữu."
Với điều đó Craig nói thêm lý lẽ đanh thép này: "Bao lâu sự hiện hữu của Thiên Chúa là điều khả hữu, thì Người có thể hành động trong lịch sử bằng cách khiến Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết."
Kết luận: Ngôi mộ quả trống
Craig rất thuyết phục: ngôi mộ trống, chắc chắn là một phép lạ vô song - có nghĩa dưới ánh sáng bằng chứng. Và đó chỉ là một phần của lý lẽ Phục sinh. Từ nhà của Craig ở Atlanta, tôi đã sẵn sàng tới Virginia để phỏng vấn một chuyên gia nổi tiếng về bằng chứng cho những lần hiện ra của Chúa Giêsu phục sinh, và sau đó đến California để nói chuyện với một học giả khác về bằng chứng gián tiếp đáng kể.
Khi tôi cảm ơn Craig và vợ ông, Jan, vì sự hiếu khách của họ, tôi suy nghĩ rất lung, trong chiếc quần jean mầu xanh dương và vớ trắng, Craig trông không giống một đối thủ đáng gờm sẵn sàng hạ ván các nhà phê bình Phục sinh tốt nhất trên thế giới. Nhưng chính tôi đã nghe băng ghi âm các cuộc tranh luận.
Trước các sự kiện, họ đã bất lực trong việc đặt thi thể Chúa Giêsu trở lại ngôi mộ. Họ lúng túng, họ đấu tranh, họ loay hoay, họ tự mâu thuẫn, họ theo đuổi các lý thuyết tuyệt vọng và ngoại thường để cố gắng giải thích chứng cớ. Tuy nhiên, cuối cùng, mỗi lần, ngôi mộ vẫn bỏ trống.
Tôi đã được nhắc nhở về việc đánh giá của một trong những nhà trí thức pháp lý cao chót vót mọi thời đại, Ngài Norman Anderson được giáo dục ở Cambridge, giảng dạy tại Đại học Princeton, đã được đề nghị một chức giáo sư suốt đời tại Đại học Harvard, và từng là khoa trưởng của Khoa Luật tại Đại học London.
Sau cả một cuộc đời phân tích vấn đề này, kết luận của ông, từ một góc độ pháp lý, đã được tóm tắt trong một câu: "Ngôi mộ trống, do đó, tạo thành một tảng đá thực sự mà tất cả các lý thuyết duy lý về sự sống đã lao vào một cách vô vọng” (8).
Tài liệu đọc thêm về chủ đề này
Craig, William Lane. " Did Jesus Rise from the Dead? [Chúa Giêsu có sống lại từ cõi chết không?]" Trong Jesus under Fire [Chúa Giêsu bị công kích], do Michael J. Wilkins và J. P. Moreland biên tập, 147-82. Grand Rapids: Zondervan, 1995.
Craig, William Lane " The Empty Tomb of Jesus [Ngôi mộ trống của Chúa Giêsu]." Trong In Defense of Miracles [Bênh vực các phép lạ], do R. Douglas Geivett và Gary R. Habermas, 247-61 hiệu đính. Downers Grove, Ill.: InterVarsity Press, 1997.
Craig, William Lane. Knowing the Truth about the Resurrection [Biết Sự Thật về Phục Sinh]. Ann Arbor, Mich.:Servant, 1988.
Craig, William Lane. Reasonable Faith [Niềm tin hợp lý]. Westchester, Ill.: Crossway, 1994.
Craig, William Lane và Frank Zindler. Atheism vs. Christianity: Where Does the Evidence Point? [Chủ nghĩa vô thần so với Kitô giáo: Bằng chứng chỉ tới đâu?] Grand Rapids: Zondervan, 1993. băng video.
Harris, Murray J. Crucial Questions about Jesus [Các câu hỏi quan trọng về Chúa Giêsu. Grand Rapids: Baker, 1994.
Ghi chú
1. Gerald O'Collins, The Easter Jesus [Chúa Giêsu Phục sinh](London: Darton, Longman & Todd, 1973), 134, trích trong Craig, The Son Rises [Chúa Con Trỗi dậy], 136.
2. Muốn có cuộn băng ghi âm cuộc tranh luận, xin xem William Lane Craig và Frank Zindler, Atheism vs. Christianity. Where Does the Evidence Point? (Grand Rapids: Zondervan, 1993), videocassette.
3. Templeton, Farewell to God [Giã từ Thiên Chúa], 120.
4. Martin, The Case against Christianity [Lý lẽ chống Kitô giáo], 78-79.
5. Đã dẫn, 81.
6. Michael Grant, Jesus: An Historian Review of the Gospels [Chúa Giêsu: Sử gia duyệt xét các sách Tin Mừng] (New York: Charles Schribner's Sons, 1977), 176.
7. Kirsopp Lake, The Historical Evidence for the Resurrection of Jesus Christ [Bằng chứng Lịch sử việc Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô] (London: Williams & Norgate, 1907), 247-79, trích dẫn trong William Lane Craig. Knowing the Truth about the Resurrection [Biết Sự thật về Phục sinh] (Ann Arbor, Mich.: Servant, 19881). 35-36.
8. J. N. D. Anderson, The Evidence for the Resurrection [Bằng chứng của Phục sinh] (Downers Grove, Ill.: InterVarsity Press, 1966), 20.