8.Năm Tầm nhìn Thông sáng của Thánh Pio Năm dấu về sự chết và hấp hối
Ngày 11 tháng 10 năm 2018, Trang mạng cho đăng 5 Tầm nhìn Thông sáng của Thánh Piô Năm dấu về sự chết và hấp hối:
Thánh Pio thành Petrelcina, được biết đến nhiều hơn với tên Padre Pio, là một trong những vị thánh nổi tiếng nhất thế giới. Sinh ra tại thị trấn Petrelcina năm 1887, ngài gia nhập Dòng Capuchin năm 1902 và thụ phong linh mục năm 1910. Tám năm sau đó, Thiên Chúa in cho ngài các dấu thánh. Thiên Chúa cũng đã ban cho ngài ơn ở cả hai nơi cùng một lúc và khả năng phi thường đọc được lòng người. Lo lắng trước tiếng tăm có khả năng siêu nhiên của ngài, Tòa Thánh, trong một thời gian ngắn vào đầu những năm 1930, rút phép ngồi tòa giải tội hoặc cử hành Thánh lễ công khai của ngài. Ngài qua đời ngày 23 tháng 9 năm 1968. Ngài được phong thánh năm 2002.
Trong lễ phong thánh, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã dâng lên ngài lời cầu nguyện bắt đầu như sau “Chúng con cầu xin ngài dạy chúng con lòng khiêm nhường, để chúng con được kể vào hàng những người bé mọn của Tin Mừng, những người mà Chúa Cha đã hứa sẽ mặc khải các mầu nhiệm của Vương Quốc Người cho”. Nó kết thúc: “Xin đồng hành với chúng con trong cuộc hành trình trần thế của chúng con hướng về Quê hương diễm phúc, nơi cả chúng con nữa cũng hy vọng được đến để chiêm ngưỡng mãi mãi Vinh Quang của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.
Có thể bạn không biết rằng ngay bây giờ tôi có thể cầu nguyện cho cái chết hạnh phúc của ông cố của tôi. Đối với Chúa, quá khứ không hiện hữu, tương lai không hiện hữu. Mọi điều đều là một hiện tại vĩnh cửu. Những lời cầu nguyện đó đã được tính đến. Và vì vậy, tôi nhắc lại rằng ngay cả bây giờ tôi có thể cầu nguyện cho cái chết hạnh phúc của ông cố tôi.
— Trích từ cuốn Padre Pio của C. Bernard Ruffin
Ngay cả khi cha mẹ của bạn đã ở trên Thiên đàng, chúng ta vẫn phải luôn cầu nguyện. Nếu các ngài không còn cần các lời cầu nguyện, chúng sẽ được áp dụng cho những linh hồn khác.
— Viết cho một con gái thiêng liêng
Lạy Chúa Giêsu, xin ở lại với con, vì trời đã xế chiều, ngày sắp tàn, cuộc đời cũng qua đi; cái chết, sự phán xét, sự vĩnh cửu đến gần. Cần phải đổi mới sức mạnh của con, để con không dừng lại trên đường và vì thế, con cần đến húa. Trời đã khuya và cái chết đến gần, con sợ bóng tối, những cám dỗ, khô khan, thập giá, đau khổ. Ôi lạy Chúa Giêsu của con, con cần Chúa xiết bao trong đêm lưu đày này! Lạy Chúa, xin ở lại với con, vì trong giờ lâm tử, con muốn được hiệp nhất với Chúa, nếu không nhờ việc rước lễ, thì ít là nhờ ân sủng và tình yêu.
— Trích lời cầu nguyện của Thánh Pio sau khi rước lễ
Hãy khát mong giải thưởng trên trời. Hãy liên tục nhìn về cõi vĩnh hằng trên Thiên Đàng và coi thường những tiện nghi và công việc của thế gian.
- Một câu cách ngôn thiêng liêng.
Lạy Chúa, Thiên Chúa của lòng con, chỉ một mình Chúa biết và nhìn thấy mọi khó khăn của con. Chỉ một mình Chúa biết rằng mọi đau khổ của con đều bắt nguồn từ nỗi sợ mất Chúa, sợ xúc phạm đến Chúa, từ nỗi sợ không yêu Chúa nhiều như con nên yêu và khao khát được yêu Chúa. Nếu húa, Đấng mà trước Chúa mọi sự đều hiện diện và là Đấng duy nhất có thể nhìn thấy tương lai, biết rằng chính vì sự vinh hiển lớn hơn của Chúa và vì sự cứu rỗi của con mà con nên ở lại trong tình trạng này, thì hãy cứ để như vậy. Con không muốn thoát khỏi nó. Xin cho con sức mạnh để chiến đấu và giành được giải thưởng dành cho các linh hồn mạnh mẽ.
— Từ một trong những lời cầu nguyện của Thánh Pio với Chúa Giêsu
9. Năm Tầm nhìn Thông sáng của J.R.R. Tolkien về sự chết và hấp hối
Ngày 6 tháng 12 năm 2018, Trang mạng cho đăng 5 Tầm nhìn Thông sáng của J.R.R. Tolkien về sự chết và hấp hối:
J. R. R. Tolkien, tác giả của The Lord of the Rings [Chúa tể của những chiếc nhẫn], gia nhập Giáo Hội khi còn là một cậu bé lúc người mẹ góa bụa của ông trở lại đạo, và mất bà khi ông mười hai tuổi vì bệnh tiểu đường. Ông và người anh trai được chăm sóc bởi Cha Francis Morgan, một linh mục của Dòng Nguyện Đường ở Birmingham. Sau khi tốt nghiệp Oxford, ông phục vụ quân đội trong Thế chiến thứ nhất, chiến đấu ở Somme. Ông trở về để bắt đầu sự nghiệp học thuật xuất sắc tại Leeds và sau đó tại Oxford. Ông kết bạn với C. S. Lewis và cùng với tác giả này thành lập nhóm thảo luận có tên là The Inklings, trong đó cả hai cùng trình bầy những cuốn sách chính mà họ đang viết. Ông sinh ngày 3 tháng 1 năm 1892, mất ngày 2 tháng 9 năm 1973.
Các trích dẫn được trích từ Những lá thư của J. R. R. Tolkien, xuất bản năm 1981.
Từ bóng tối cuộc đời ba, với quá nhiều thất vọng, ba đặt trước mặt con một điều tuyệt vời để yêu mến trên trái đất: Bí Tích Thánh Thể.... Ở đó, con sẽ tìm thấy sự thơ mộng, vinh quang, danh dự, lòng chung thủy và cách thức thực sự của tất cả các mối tình của con trên trái đất, và hơn thế nữa: sự chết: điều mà, theo nghịch lý thần linh, sẽ kết liễu cuộc sống và đòi hỏi sự đầu hàng của mọi người, nhưng do cùng một nếm trải (hoặc một tiền nếm trải) mà chỉ nhờ đó những gì con tìm kiếm trong các mối liên hệ trần thế của con (tình yêu, lòng chung thủy, niềm vui) mới có thể được duy trì, hoặc mang màu sắc thực tại, bền bỉ vĩnh cửu mà trái tim mọi người đều mong muốn.
— Từ một bức thư gửi cho con trai Michael, một học viên tại Trường Cao đẳng Quân sự Hoàng gia (1941)
Tolkien mô tả cảm giác mà câu chuyện về sự chữa lành kỳ diệu của một cậu bé ở Lourdes đã mang lại cho ông, và sau đó nói rằng vì cảm giác độc đáo này mà ông đã đặt ra hạn từ “eucatastrophe”[thảm họa êm diụ]. Ông giải thích rằng từ này có nghĩa là bước ngoặt hạnh phúc bất ngờ trong một câu chuyện khiến con cảm thấy vui sướng đến rơi nước mắt... Và ở đó, ba được dẫn đến quan điểm này: nó tạo ra hiệu quả đặc biệt của nó vì nó là một thoáng nhìn thấy Sự thật, toàn bộ bản chất của con bị xiềng xích trong chuỗi nhân quả thể chất, chuỗi sự chết, đột ngột cảm thấy nhẹ nhõm như thể một chi chính bị tháo rời nay bất ngờ được chấp lại. Nó tri nhận... rằng đây thực sự là cách mọi sự thực sự đã hoạt động ra sao trong Thế giới vĩ đại mà vì nó bản chất của chúng ta đã được tạo ra. Và ba đã kết luận bằng cách nói rằng Sự Phục sinh là “thảm họa êm dịu” vĩ đại nhất có thể có trong Câu chuyện cổ tích vĩ đại nhất - và đã tạo ra cảm xúc thiết yếu đó: niềm vui của Kitô giáo tạo ra nước mắt vì nó vốn là thế về phẩm chất giống như sự hối lỗi vì nó phát xuất từ những nơi trong đó, Niềm vui và Nỗi buồn chỉ là một, được hòa giải, khi sự ích kỷ và lòng vị tha đã biến mất trong Tình yêu.
— Từ một bức thư gửi cho con trai ông Christopher, người đang phục vụ trong Lực lượng Không quân Hoàng gia ở Nam Phi (1944)
Đôi khi ba cảm thấy kinh hoàng khi nghĩ đến tổng số đau khổ của con người trên khắp thế giới vào thời điểm hiện tại: hàng triệu người chia tay, phiền muộn, lãng phí trong những ngày chẳng ơn ích chi - hoàn toàn bị xa cách bởi tra tấn, đau đớn, chết chóc, mất mát, bất công. Nếu nỗi thống khổ có thể nhìn thấy được, thì gần như toàn bộ hành tinh tối tăm này sẽ bị bao phủ trong một làn hơi đen dày đặc, che khuất khiến ta không còn thầy bầu trời rực rỡ ! Và sản phẩm của nó chủ yếu là sự ác... [Nhưng] không ai có thể ước tính điều gì đang thực sự diễn ra sub specie aeternitatis [theo viễn tượng đời đời]. Tất cả những gì chúng ta biết, và phần lớn bằng kinh nghiệm trực tiếp, là cái ác lao động với sức mạnh to lớn và thành công vĩnh viễn – một cách vô ích: chỉ luôn chuẩn bị đất cho những điều tốt đẹp bất ngờ nảy mầm.
— Từ một bức thư gửi Christopher (1944)
Về cái chết của C. S. Lewis: Cho đến nay ba vẫn cảm nhận được những cảm xúc bình thường của một người đàn ông ở độ tuổi của ba - giống như một cây cổ thụ lần lượt rụng hết lá: cảm giác này giống như một nhát rìu bổ gần rễ.
— Từ bức thư gửi con gái Priscilla, viết bốn ngày sau cái chết của Lewis (1963)
Sau cái chết của người vợ Edith ba năm trước đó, ông qui cảm giác bất an về thể chất của mình chủ yếu do hậu quả tàn khốc của sự mất mát mà chúng ta phải chịu đựng. Ba không cảm thấy hoàn toàn “ có thực” hay trọn vẹn, và theo một nghĩa nào đó, không có ai để trò chuyện... Kể từ khi ba trưởng thành, và 3 năm xa cách của chúng ta kết thúc, chúng ta đã chia sẻ mọi niềm vui và nỗi buồn, và mọi ý kiến (đồng ý hay không), vì vậy ba thường thấy mình nghĩ rằng “Mình phải nói với Edith về điều này” - và rồi đột nhiên ba cảm thấy mình như một kẻ lạc loài bị bỏ lại trên một hòn đảo cằn cỗi dưới bầu trời vô định sau khi mất một con tàu lớn. Ba nhớ mình đã cố gắng nói với Marjorie Incledon [em họ một đời của ông] cảm giác này, khi ba chưa tròn mười ba tuổi sau cái chết của mẹ ba (ngày 9 tháng 11 năm 1904), và vẫy tay lên bầu trời một cách vô vọng và nói “trời thật trống rỗng và lạnh lùng". Và một lần nữa, ba nhớ sau cái chết của Cha Francis, “người cha thứ hai” của ba (ở tuổi 77 vào năm 1934), đã nói với C. S. Lewis: “Tôi cảm thấy mình như một người sống sót bị lạc vào một thế giới xa lạ mới sau khi thế giới thực đã qua khỏi”. Nhưng tất nhiên, những nỗi đau này dù sâu xa đến đâu (đặc biệt là nỗi đau đầu tiên) đã đến với tuổi trẻ với cuộc sống và công việc vẫn đang khai mở.
— Từ bức thư gửi con trai Michael (1972)
10.Năm Tầm nhìn Thông sáng của Thánh Oscar Romero về sự chết và hấp hối
Ngày 18 tháng 10 năm 2018, Trang mạng cho đăng 5 Tầm nhìn Thông sáng của Thánh Oscar Romero về sự chết và hấp hối:
Đức Tổng Giám Mục San Salvador, tử đạo năm 1980 khi đang cử hành Thánh lễ, Thánh Oscar Romero đã được phong thánh vào Chúa nhật vừa qua, ngày 14 tháng 10 năm 2018. Với tư cách là người lãnh đạo Giáo hội ở El Salvador, ngài đã thách thức các đội tử thần do chính phủ hỗ trợ, vì biết rằng cuối cùng họ sẽ giết ngài vì việc này. Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng Romero “đã từ bỏ sự an toàn của thế giới, ngay cả sự an toàn của chính mình, để hiến mạng sống mình theo Tin Mừng, gần gũi với người nghèo và người dân của mình, với trái tim hướng về Chúa Giêsu và các anh chị em của mình". Ngài được phong thánh cùng với người bạn và là người ủng hộ mình, Thánh Giáo hoàng Phaolô VI.
Hầu hết các trích dẫn được lấy từ The Scandal of Redemption, một bộ sưu tập các bài viết và bài giảng của vị thánh, được xuất bản bởi nhà xuất bản Anabaptist Plough
Chấp nhận sự chết
Tôi bày tỏ sự tận hiến cho trái tim Chúa Giêsu... Tôi đặt dưới sự quan phòng đầy yêu thương của Người suốt cuộc đời tôi, và tôi chấp nhận một cách đầy tin tưởng vào Người cái chết của mình, dù điều đó có khó khăn đến đâu... Đối với tôi, để được hạnh phúc và tin tưởng, chỉ cần biết chắc chắn rằng nơi Người là sự sống và sự chết của tôi, bất chấp tội lỗi của mình, tôi đã đặt niềm tin vào Người và sẽ không thất vọng, còn những người khác sẽ tiếp tục thi hành một cách khôn ngoan và thánh thiện hơn các công việc của Giáo hội và quốc gia.
Đẹp đẽ là khoảnh khắc mà chúng ta hiểu rằng chúng ta không hơn gì một công cụ của Thiên Chúa; chúng ta chỉ có thể làm những gì Thiên Chúa cho phép chúng ta làm; chúng ta chỉ thông minh như Thiên Chúa muốn chúng ta thông minh; chúng ta chỉ sống bao lâu như Thiên Chúa muốn chúng ta sống.
Kẻ tội lỗi thành thánh ở trên trời
Có lẽ ở đây những người coi mình là công nhân được thuê ngay từ giờ đầu tiên cảm thấy bất mãn và lên tiếng hỏi: “Làm sao tôi lại phải lên Thiên đàng với những tên tội phạm đó?” Thưa anh chị em, trên Thiên Đàng không có người tội lỗi. Những tên tội phạm lớn nhất, một khi họ đã ăn năn tội lỗi của họ, giờ đây là con cái của Thiên Chúa. Vào thời Chúa Giêsu, những người đáng kính cứ chỉ vào cô gái điếm Maria Magđalêna ngay cả khi cô ấy đang khóc vì tội lỗi của mình: “Kìa, nếu ông ấy thực sự là một nhà tiên tri, ông ấy sẽ biết người phụ nữ đang chạm vào ông ấy là ai chứ” (Lc 7:39). Nhưng Chúa Kitô đã đến để bảo vệ cô ấy: Cô ấy không còn là tội nhân nữa vì cô ấy đã yêu nhiều và cô ấy đã ăn năn về lỗi lầm của mình; cô ấy đã là Thánh Maria Magđalêna (Lc 7:47). Những tội lỗi trong quá khứ không còn được kể nữa; chúng tan biến rồi.
Sống Hướng Về Sự Chết
Các mối phúc ngày nay là những con đường rất nguy hiểm, và đó là lý do tại sao có rất ít người sẵn sàng bước đi trên đó. Chúng ta đừng sợ! Chúng ta hãy tiếp tục bước đi trên con đường mà một ngày nào đó sẽ dẫn chúng ta đến cái chết để người ta cầu nguyện cho chúng ta, nhưng để chúng ta cũng nên thánh trên Thiên Đàng, tham dự vào vinh quang của Chúa Kitô phục sinh!
Những gì Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta
Người cha nào lại trao nộp con trai mình để một tù nhân hoặc nô lệ có thể được cứu? Đó là điều Chúa Cha hằng hữu đã làm; Người đã ban cho chúng ta Con của Người, Ngôi Lời của Người, sự sống của Người, và trong Đấng Kitô, chúng ta có thể phục hồi sự sống của Thiên Chúa. Tội lỗi được tha thứ vì Chúa Kitô đã trở nên giá chuộc nợ cho chúng ta, và giờ đây tất cả chúng ta có thể chết với niềm hy vọng được hưởng Thiên đàng vì Chúa Kitô đã hiến mình để mở cho chúng ta cánh cửa Thiên đàng mặc dù chúng ta là những kẻ tội lỗi. Chúng ta chỉ cần ăn năn, hoán cải và trở về với Đấng đã phán: “Ta là đường đi, lẽ thật và là sự sống” (Ga 14:6).
Chúa Kitô cuối cùng đã chết trên Thập giá. Cuộc sống của một người công chính đã kết thúc như thế! Làm người tốt và cuối cùng bị đóng đinh có đáng không?... [Nhưng] bây giờ Chúa Kitô đã sống lại; bây giờ kẻ thù của Người đã chạy trốn trong kinh hoàng. Một số người cố gắng dập tắt tiếng nói phục sinh bằng cách âm mưu: “Chúng tôi sẽ nói với người ta rằng trong lúc lính canh các anh ngủ, họ đã lấy trộm xác đi” (Mt 28:13). Nhưng ai lấy ngón tay che được mặt trời? Sự phục sinh là mặt trời đã chiếu sáng.
Những lời ngài nói ngay trước khi bị bắn chết
Như thế, thánh lễ tạ ơn này chỉ là một hành động đức tin như vậy. Nhờ đức tin Kitô giáo, chúng ta biết rằng vào lúc này bánh thánh trở thành Mình Chúa, Đấng đã tự hiến mình để cứu chuộc thế giới, và rượu trong chén này được biến đổi thành máu là giá cứu chuộc. Xin thân xác đã hiến tế và xác thịt hiến tế vì nhân loại này cũng nuôi dưỡng chúng ta để chúng ta có thể hiến dâng thân xác và máu mình cho những đau khổ như Chúa Kitô đã làm, không phải vì chúng ta, nhưng để đem lại công lý và hòa bình cho nhân dân ta. Do đó, chúng ta hãy hiệp nhất chặt chẽ với nhau trong đức tin và đức cậy vào thời điểm cầu nguyện này cho Doña Sarita và cho chính chúng ta.
11.Năm Tầm nhìn Thông sáng của Dietrich Bonhoeffer về sự chết và hấp hối
Ngày 24 tháng 4 năm 2018, Trang mạng cho đăng 5 Tầm nhìn Thông sáng của Dietrich Bonhoeffer về sự chết và hấp hối
Dietrich Bonhoeffer, một mục sư và nhà thần học thuộc phái Luthêrô, trở về Đức sau khi du học ở Mỹ vào năm 1931, nơi kinh nghiệm của ông về các nhà thờ của người da đen đã giúp ông biến đức tin của mình “từ lời nói thành hiện thực”. Ông nhanh chóng trở thành một nhà lãnh đạo của cuộc kháng chiến Kitô giáo chống lại Đức quốc xã, trong khi các nhà thờ Thệ phản Đức ủng hộ chế độ. Năm 1933, ở tuổi 27, ông là một trong những người đầu tiên lên án sự đàn áp người Do Thái của Đức Quốc xã, nói rằng những người theo đạo Kitô không nên chỉ “băng bó cho các nạn nhân dưới bánh xe mà phải làm kẹt nan hoa của bánh xe”. Mặc dù an toàn ở Anh sau khi làm mục sư ở đó vào năm 1933, nhưng năm 1935, ông trở lại Đức. Ông đã lãnh đạo lực lượng Kitô giáo mạnh mẽ nhất chống lại chế độ, cuối cùng tham gia vào một âm mưu ám sát Hitler. Ông bị bắt vào tháng 4 năm 1943. Ông bị xử tử cùng với những kẻ chủ mưu khác theo lệnh trực tiếp của Hitler vào ngày 9 tháng 4 năm 1945.
Các trích dẫn đầu tiên và cuối cùng lấy từ một trong những bức thư thông tri của ông (thư ngày 15 tháng 8 năm 1941) gửi cho các chủng sinh của ông sau khi chủng viện bất hợp pháp của họ bị đóng cửa. Ba trích dẫn ở giữa lấy từ Những bức thư và Bài viết từ nhà tù của ông. Đoạn trích cuối cùng là một cách diễn giải của câu 4:14 Sách Khôn Ngoan
Thiên Chúa Không Muốn Điều đó
Tất nhiên, chúng ta biết rằng Thiên Chúa và ma quỷ đang giận dữ trong trận chiến trên thế giới và ma quỷ cũng có tiếng nói trong sự chết. Đối diện với cái chết, chúng ta không thể chỉ nói một cách định mệnh thuyết nào đó rằng “Thiên Chúa muốn điều đó”; nhưng chúng ta phải đặt nó cạnh một thực tại khác, “Thiên Chúa không muốn điều đó”. Cái chết cho thấy thế giới không phải như nó nên là mà nó cần được cứu chuộc. Chỉ một mình Chúa Kitô là người chiến thắng sự chết. Ở đây, sự đối lập gay gắt giữa “Thiên Chúa muốn điều đó” và “Thiên Chúa không muốn điều đó” nảy sinh và cũng tìm thấy cách giải quyết. Thiên Chúa đồng ý với điều mà Người không muốn, và từ nay trở đi, chính sự chết phải phục vụ Thiên Chúa. Từ giờ trở đi, “Chúa muốn điều đó” bao gồm cả điều “Chúa không muốn điều đó”. Thiên Chúa muốn chiến thắng sự chết qua sự chết của Chúa Giêsu Kitô. Chỉ trong thập giá và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, sự chết mới được hút vào quyền năng của Thiên Chúa, và giờ đây nó phải phục vụ mục đích của chính Thiên Chúa. Đó không phải là sự đầu hàng theo thuyết định mệnh mà là đức tin sống động vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta, là ta có khả năng đương đầu sâu xa với sự chết.
Sự chết được biến đổi
Tại sao chúng ta lại sợ hãi khi nghĩ đến sự chết? … Sự chết chỉ đáng sợ đối với những ai sống trong kinh hoàng và sợ hãi nó. Sự chết không hoang dã và khủng khiếp, miễn là chúng ta có thể yên lặng và níu chặt vào Lời Thiên Chúa. Sự chết không cay đắng nếu chính chúng ta không cay đắng. Chết là ân sủng, là hồng ân lớn nhất Thiên Chúa ban cho những ai tin vào Người. Sư chết nhẹ nhàng, cái chết ngọt ngào và dịu dàng; nó vẫy gọi chúng ta với sức mạnh thượng giới, chỉ cần chúng ta nhận ra rằng đó là cửa ngõ dẫn đến quê hương của chúng ta, là nhà tạm của niềm vui, là vương quốc vĩnh cửu của hòa bình.
Làm sao chúng ta biết rằng sự chết thật đáng sợ? Trong nỗi sợ hãi và thống khổ của loài người, ai biết liệu chúng ta chỉ run rẩy và rùng mình trước sự kiện vinh quang, thiêng liêng và may mắn nhất trên thế giới? Cái chết là địa ngục, đêm tối và lạnh lẽo, nếu nó không được biến đổi bởi đức tin của chúng ta. Nhưng đó chính là điều kỳ diệu khi chúng ta biết chuyển hóa sự chết. Thời gian là hồng ân quý giá nhất mà chúng ta sở hữu, vì nó là hồng ân bất khả phản hồi hơn cả. Đó là điều khiến việc chúng ta nhìn lại khoảng thời gian đã đánh mất trở thành bối rối. Thời gian đã mất là thời gian khi chúng ta chưa sống trọn vẹn cuộc đời con người, thời gian không được làm giàu bằng kinh nghiệm, nỗ lực sáng tạo, hưởng thụ và đau khổ. Thời gian đã mất là thời gian không được lấp đầy, thời gian bị bỏ trống.
Sự Mất mát một người thân yêu đối với chúng ta
Không có gì có thể thay thế sự vắng mặt của một người thân yêu đối với chúng ta, và thậm chí người ta không nên mưu toan làm như vậy. Người ta phải đơn giản cầm cự và chịu đựng nó. Thoạt đầu điều đó nghe có vẻ rất khó khăn, nhưng đồng thời cũng là một niềm an ủi lớn lao. Vì trong chừng mực sự trống rỗng thực sự vẫn chưa được lấp đầy, người ta vẫn được kết nối với người khác qua nó. Thật sai lầm khi nói rằng Thiên Chúa lấp đầy khoảng trống rỗng. Thiên Chúa không hề lấp đầy nó mà, hơn thế nữa, còn để nó không được lấp đầy và do đó giúp chúng ta duy trì được - ngay cả trong đau đớn - mối liên hệ đích thực. Hơn nữa, kỷ niệm càng đẹp đẽ, càng trọn vẹn, thì chia ly càng khó khăn. Nhưng lòng biết ơn biến đổi nỗi day dứt của ký ức thành niềm vui thầm lặng. Người ta mang điều vốn đáng yêu trong quá khứ không phải như một cái gai mà như một hồng ân quý giá thẳm sâu bên trong, một kho báu giấu ẩn mà người ta luôn có thể chắc chắn về nó.
Nhớ Thiên Đàng
Chưa ai tin vào Chúa và vương quốc Thiên Chúa, chưa ai nghe nói về lãnh vực của người được phục sinh, mà không nhớ nhà từ giờ đó, chờ đợi và vui mừng mong đợi được giải thoát khỏi sự hiện hữu trong thân xác. Cho dù chúng ta trẻ hay già, không có gì khác biệt. Hai mươi, ba mươi hay năm mươi năm là gì trước mặt Thiên Chúa? Và ai trong chúng ta biết mình có thể đã ở gần mục tiêu đến mức nào? Sự sống chỉ thực sự bắt đầu khi nó kết thúc ở đây trên trái đất, tất cả những gì ở đây chỉ là phần mở đầu trước khi bức màn kéo lên.
Cái chết của người trẻ
Ai có thể hiểu thấu việc những người được Thiên Chúa cất đi quá sớm đã được chọn ra sao? Há cái chết sớm của các Kitô hữu trẻ tuổi không luôn có vẻ như thể Thiên Chúa đang cướp đi những công cụ tốt nhất của chính Người vào thời điểm mà chúng cần thiết nhất hay sao? Tuy nhiên, Thiên Chúa không phạm sai lầm. Có thể nào Thiên Chúa cần anh em của chúng ta thực hiện một số công việc bí mật thay cho chúng ta ở thế giới trên trời không? Chúng ta nên chấm dứt các suy nghĩ phàm nhân của chúng ta luôn muốn biết nhiều hơn những gì chúng ta có thể, và bám chặt vào những điều chắc chắn. Bất cứ ai được Thiên Chúa gọi về nhà đều là người Thiên Chúa yêu thương. “Vì linh hồn của họ đẹp lòng Chúa, nên Người đã nhanh chóng đem họ ra khỏi cảnh đồi bại”.
12.Năm Tầm nhìn Thông sáng của Thánh Charles de Foucauld về sự chết và hấp hối
Ngày 1 tháng 12 năm 2018, Trang mạng cho đăng 5 Tầm nhìn Thông sáng của Thánh Charles de Foucauld về sự chết và hấp hối
Thánh Charles de Foucauld, người có ngày lễ (1 tháng 12), lớn lên trong một gia đình quý tộc, nhưng đã rời bỏ Giáo hội khi còn trẻ. Ngài sống một cuộc đời phiêu lưu bên ngoài Giáo Hội, sau đó trở lại với Đức tin sau một năm cải trang đi khắp Bắc Phi. Đức tin của người Do Thái và người Hồi giáo mà ngài gặp đã truyền cảm hứng cho ngài. Sau khi thử ơn gọi của mình trong một số đan viện, vào năm 1901, ngài định cư tại một ngôi làng nông thôn ở Marốc, với hy vọng bắt đầu một dòng tu phục vụ tất cả các dân tộc và tín ngưỡng. Năm 1905, ngài chuyển đến một ngôi làng nông thôn ở Algérie với mục tiêu tương tự. Ở cả hai nơi, ngài đều không thành công, theo nghĩa thế gian. Ngài bị sát hại — tử vì đạo — bởi những người thuộc bộ lạc Hồi giáo vào năm 1916.
Khi phong chân phước cho ngài năm 2005, Đức Bênêđictô XVI nói: “Trong đời sống chiêm niệm và ẩn dật của ngài ở Nadarét, ngài... đã khám phá ra rằng Chúa Giêsu, Đấng đã đến tham gia cùng chúng ta trong nhân tính của chúng ta, mời gọi chúng ta đến với tình huynh đệ đại đồng, điều mà sau đó ngài đã sống ở Sahara, và đến với tình yêu, mà Chúa Kitô đã nêu gương cho chúng ta. Là một linh mục, ngài đã đặt Bí tích Thánh Thể và Tin Mừng làm trung tâm cuộc sống của mình, hai bàn tiệc Lời và Bánh, nguồn mạch của đời sống và sứ mệnh Kitô hữu”.
Ngày 15 tháng 5 năm 2022, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phong hiển thánh cho ngài.
Các trích dẫn được lấy từ Charles de Foucauld: Hermit and Explorer của Rene Bazin, xuất bản năm 1923.
Khi Người Thân Yêu Chết
Bức thư ngài gửi cho Giám quản Tông tòa Sahara về cái chết của mẹ vị này:
Thánh lễ của con được dành cho linh hồn rất thân yêu đó đối với ngài, thân yêu nhiều hơn đối với Trái tim Chúa Giêsu. Chúng ta yêu bằng trái tim đáng thương của tội nhân, Người yêu bằng Trái Tim thần linh của Người. Bà đang ở trong những bàn tay tốt lành tại một nơi tốt lành, nơi mà ngài vốn vô cùng khao khát được ở, nơi mà một ngày nào đó ngài sẽ được ở bên bà và bên Đấng mà bà đã dạy ngài yêu thương. Bà đang nghỉ ngơi. Tuy nhiên, bà không cần nghỉ ngơi. bà đã bước vào sự dư tràn bình an, nơi không còn mưa gió hay mùa đông nữa, bởi vì những điều này đã qua đi.
Khi nào chúng ta sẽ ở đó? Đối với bản thân con, hầu như con không dám nghĩ đến nơi an nghỉ đó, nơi an nghỉ mà con rất bất xứng. Liệu chúng ta có dám hy vọng không nếu Chúa không khiến việc này thành một bổn phận của chúng ta? Hy vọng là niềm tin vào Trái Tim Người. Cuộc trò chuyện của chúng ta sẽ ngày càng nhiều hơn trên thiên đàng. Ở đó, ngài không những chỉ tìm thấy Đấng được thờ phượng mà thôi, mà còn cả người mẹ thân yêu của ngài nữa. Từ giờ trở đi, đối với bà không còn khoảng cách, không còn sự vắng mặt: đêm và ngày bà sẽ nghe thấy ngài, canh chừng ngài, trả lời những câu hỏi của ngài, những yêu cầu của ngài, bằng những lời cầu nguyện của bà: đối với bà rào cản đã được vượt qua, bức tường đã bị phá xập, đêm đã qua. Bà hạnh phúc biết bao!
Đối với vài năm có lẽ còn lại đối với ngài trong cuộc sống, sự xa cách là một thập giá — một thập giá mà ngài đã chấp nhận với tất cả những người còn lại, khi ngài nói với Chúa Giêsu rằng ngài yêu Người. Một thập giá biểu kiến, vì niềm vui trước hạnh phúc của linh hồn rất được yêu thương đó, cuộc trò chuyện mỗi ngày một thân mật và liên tục hơn với bà, khát vọng ngày càng gia tăng được kết hợp hoàn toàn với Chúa Giêsu và sự mệt mỏi ngày càng tăng của cuộc sống trần gian, sẽ sớm chỉ để lại cho ngài niềm vui cảm thấy bà gần Chúa Giêsu và mong muốn được tái hợp với bà ở đó. Chúng ta hãy hôn thập giá mà Chúa Giêsu gửi đến. Trong cuộc đời này, người ta chỉ có thể ôm lấy Chúa Giêsu bằng cách ôm lấy Thánh Giá của Người. Và chúng ta hãy ca ngợi Người vì hạnh phúc của linh hồn yêu dấu của bà.
Chuẩn bị chết
Trích từ những ghi chú viết cho người bạn Hồi giáo Musa ag Amastane, tù trưởng Tuareg trong vùng:
Hãy hạ mình xuống ở bên trong: Chỉ một mình Chúa là vĩ đại; tất cả mọi người đều nhỏ bé: người tự phụ là người điên, vì anh ta không biết mình sẽ lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục.
Thiên Chúa nhìn thấy mọi suy nghĩ, lời nói và việc làm của bạn; hãy ghi nhớ và làm chúng tất cả như đang ở trước mặt Người.
Làm mỗi hành động như bạn sẽ làm nó vào giờ chết.
Giờ chết không ai biết: hãy để tâm hồn bạn như bạn sẽ có nó vào giờ chết.
Mỗi buổi tối hãy suy tư về những suy nghĩ, lời nói và việc làm trong ngày; xin Chúa tha thứ cho những điều xấu xa và mọi tội lỗi trong cuộc đời bạn, như thể bạn sắp chết trong đêm, và nói với Thiên Chúa từ tận đáy lòng: “Lạy Chúa, con yêu Chúa bằng cả trái tim, trên tất cả mọi sự. Lạy Chúa, ý Chúa trong mọi sự là ý của con. Lạy Chúa, tất cả những gì Chúa muốn con làm, con sẽ làm”.
Cái chết của một đứa trẻ
Charles đã viết thư cho em gái và anh rể sau cái chết của đứa con nhỏ của họ. Người viết tiểu sử của ngài viết rằng ngài an ủi họ, “theo phong tục của ngài, bằng cách mở hé cửa thiên đàng”.
Cháu vĩ đại biết bao so với cô chú và với tất cả chúng ta! Cháu cao hơn chúng ta biết bao! Không đứa con nào trong số các con của cô chú yêu cô chú nhiều như cháu, vì cháu đã uống sâu suối nước tình yêu thần linh. Tôi đã thân mật khẩn cầu ông thánh cháu trai nhỏ của mình. Hãy liên tục cầu nguyện với cháu, Marie thân mến ạ, và cảm ơn Chúa vì đã biến bạn thành mẹ của một vị thánh. Một người mẹ sống trong những đứa con của mình: cô đã một phần ở trên thiên đường rồi! Hơn bao giờ hết kể từ bây giờ, cô sẽ có “cuộc trò chuyện của cô trên thiên đàng”.
Đời này và Đời sau
Đừng để chúng ta coi trọng những sự kiện của cuộc sống này, cũng như của cải vật chất. Chúng chỉ là những giấc mơ sau cuộc vui thâu đêm. Chúng ta còn lại gì vào giờ chết, ngoại trừ công đức và tội lỗi của chúng ta?
Hãy sống hôm nay như thể bạn sẽ chết như một kẻ tử vì đạo tối nay.
Cái chết của chính Thánh Charles
Từ một báo cáo quân sự về cái chết của ngài:
Cha de Foucauld, kể từ khi trở lại đạo, không một ngày nào không dừng lại nghĩ về giờ phút mà sau đó không có giờ phút nào khác nữa, và đó là cơ hội tối thượng dành cho chúng ta để sám hối và tích lũy công đức. Ngài qua đời vào ngày thứ Sáu đầu tiên của tháng 12, ngày tôn kính Thánh Tâm, và theo cách mà ngài mong muốn, luôn mong muốn một cái chết bạo lực vì lòng căm thù tên Kitô giáo, được chấp nhận với tình yêu vì sự cứu rỗi của những kẻ vô đạo của lãnh thổ được ngài lựa chọn — Châu Phi. Bị phản bội và bị trói buộc, ngài từ chối đáp trả những lời lăng mạ cũng như những câu hỏi của những người vây quanh ngài, và không nói một lời nào nữa, bắt chước mô hình thần linh của mình: Jesus autem tacebat [song Chúa Giêsu giữ im lặng].
13.Năm Tầm nhìn Thông sáng của Flannery O’Connor về sự chết và hấp hối
Ngày 24 tháng 5 năm 2018, Trang mạng cho đăng 5 Tầm nhìn Thông sáng của Flannery O’Connor về sự chết và hấp hối
Một học giả đã viết rằng trong tất cả các câu chuyện của Flannery O'Connor, “việc chuẩn bị cho cái chết, hoặc thường là sự thiếu vắng nó, chiếm tỷ lệ đáng kể”. Đối với một nhà văn có những câu chuyện thường bao gồm cái chết, và người đã viết khi đang chiến đấu với căn bệnh thoái hóa giai đoạn cuối đã giết chết cô ở tuổi 39, Flannery O'Connor đã nói rất ít về điều đó trong tác phẩm phi hư cấu của mình. Tuy nhiên, cô quả đã nói một điều gì đó.
Một trong những bình luận đầu tiên của cô là một đoạn nhật ký về cái chết đột ngột của cha cô khi cô mười lăm tuổi. Cô viết: “Thực tại cái chết đã ập đến với chúng tôi và ý thức về quyền năng của Thiên Chúa đã phá vỡ sự tự mãn của chúng tôi như một viên đạn xuyên qua hông. Một cảm giác bi thương, bi thảm, vô hạn đã giáng xuống chúng tôi, khiến chúng tôi đau buồn, nhưng trên cả đau buồn, là sự ngạc nhiên. Các kế hoạch của chúng tôi đã được sắp đặt rất đẹp đẽ, sẵn sàng để thực hiện, nhưng với sự chắc chắn tuyệt vời, Chúa đã đặt chúng sang một bên và nói, 'Các con đã quên – Kế hoạch của ta?'”
Bệnh tật như việc chuẩn bị
Tôi không bao giờ là chi ngoài việc bị đau ốm. Theo một nghĩa nào đó, bệnh tật là một nơi, mang tính giáo huấn nhiều hơn là một chuyến đi dài đến châu Âu, và đó luôn là nơi không có bạn đồng hành, nơi không ai có thể theo dõi. Ốm đau trước khi chết là một điều rất thích hợp và tôi nghĩ những ai không mắc bệnh là bỏ lỡ một trong những lòng thương xót của Thiên Chúa.
- Trích từ The Habit of Being [Thói quen hiện hữu]
Cái chết không tự nhiên
“Đối với tôi, sự sinh hạ đồng trinh, sự nhập thể, sự sống lại là những quy luật thực sự của xác thịt và thể chất. Cái chết, sự suy tàn, sự hủy diệt là sự đình chỉ những quy luật này. Tôi luôn ngạc nhiên về sự nhấn mạnh của Giáo hội đối với thân xác. Giáo Hội nói không phải linh hồn sẽ trỗi dậy mà là thể xác, được tôn vinh”.
- Trích từ The Habit of Being [Thói quen hiện hữu]
Viết về cái chết như một nhà văn Công Giáo
Tôi là một người Công Giáo từ lúc mới sinh và cái chết luôn là anh em trong trí tưởng tượng của tôi. Tôi không thể tưởng tượng được một câu chuyện không có kết thúc thích đáng ở trong đó hoặc trong những điềm báo của nó.
Nhà văn Công Giáo, bao lâu còn có tâm tư của Giáo hội, sẽ cảm nhận cuộc sống từ quan điểm của mầu nhiệm trung tâm của Kitô giáo: bất chấp mọi kinh hoàng của nó, nó vẫn được Thiên Chúa thấy là đáng chết cho.
- Trích từ Conversations With Flannery O’Connor [Các cuộc trò chuyện với Flannery O'Connor]
Chuẩn bị cho cái chết
Hành động sáng tạo của đời sống Kitô hữu là chuẩn bị cho cái chết của mình trong Chúa Kitô. Đó là một hành động liên tục trong đó những điều tốt lành của thế giới này được tận dụng tối đa, cả những hồng ân tích cực lẫn điều mà Cha Teilhard de Chardin gọi là “các suy giảm thụ động”.
- Trích từ Introduction to A Memoir of Mary Ann [Giới thiệu về Hồi ký của Mary Ann]
Vị trí quan trọng nhất
Nhân vật nữ chính của câu chuyện này [“A Good Man is Hard to Find” [Thật khó tìm được một người tốt], Bà ngoại, ở vị trí quan trọng nhất mà cuộc sống mang lại cho Kitô hữu. Cụ đang đối mặt với cái chết. Và trái với mọi vẻ bề ngoài, giống như những người khác trong chúng ta, cụ chuẩn bị rất tốt cho điều này.
-Trích từ Mystery and Manners [Mầu nhiệm và Tác phong]
Còn 1 kỳ