Theo Sandro Magister, trong số mười lăm bản văn, Đức Bênêđíctô XVI đã viết sau khi ngài từ chức giáo hoàng và được sắp xếp để công bố sau khi ngài qua đời, trong sưu tập do Mondadori xuất bản, “Kitô giáo giáo là gì. Một gần như chúc thư thiêng liêng”, bốn bản lần đầu tiên ra ánh sáng, và trong số này, một bản nổi bật hơn cả.

Nó dài 17 trang và có tựa đề “Ý nghĩa của việc rước lễ”. Nó được hoàn thành vào ngày 28 tháng 6 năm 2018, ngay khi một cuộc đụng độ rất gay gắt đang diễn ra trong Giáo hội Đức và giữa Giáo hội này với Rôma về vấn đề có nên cho các cặp vợ chồng Thệ phản rước lễ hay không, trong trường hợp hôn nhân liên phái, với Đức Giáo Hoàng Phanxicô bối rối, lúc nghiêng về phía có, lúc nghiêng về phía không, và đôi khi có và không cùng được nói lên với nhau.

Trong bản văn này, Joseph Ratzinger đi vào gốc rễ của vấn đề. Ngài viết, nếu người Công Giáo cũng giản lược Thánh lễ thành một bữa ăn tối huynh đệ, giống như đối với người Thệ phản, thì mọi thứ đều được cho phép, kể cả việc rước lễ đó cũng sẽ trở thành dấu ấn chính trị của sự thống nhất nước Đức sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, như thực tế đã xảy ra “trước con mắt của máy quay truyền hình.”

Nhưng Thánh Lễ không phải là một bữa ăn tối, ngay cả khi nó được phát sinh trong bữa ăn tối cuối cùng của Chúa Giêsu. Nó cũng không bắt nguồn từ các bữa ăn của Chúa Giêsu với những người tội lỗi. Ngay từ đầu, nó chỉ dành cho cộng đồng các tín hữu, tuân theo “các điều kiện nghiêm ngặt mới được đến gần”. Tên thật của nó là “Eucharistia” [lễ tạ ơn]” và trung tâm của nó là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu phục sinh. Đức Bênêđictô nhắc nhớ: hơn nhiều nhà phụng vụ học, những người nắm bắt được bản chất của nó là những người trẻ đã âm thầm thờ lạy Chúa trong Mình Thánh, trong các Ngày Giới trẻ Thế giới ở Cologne, Sydney và Madrid.

Phần đầu của bài tiểu luận của Đức Bênêđíctô được chép lại dưới đây. Uyên bác, nhưng linh động. Với những ký ức bản thân lóe lên và với những tham chiếu nhanh chóng và gợi lên những câu hỏi chẳng hạn như nền tảng của đời sống độc thân linh mục hay ý nghĩa của “lương thực hàng ngày” được viện dẫn trong Kinh Lạy Cha.



Ý nghĩa của việc Rước Lễ
Tác giả: Joseph Ratzinger / Bênêđictô XVI

Trong những thế kỷ gần đây, việc cử hành Bữa Tiệc Ly hoàn toàn không chiếm một vị trí trung tâm trong đời sống giáo hội của các Giáo hội Thệ Phản. Trong không ít cộng đồng, Tiệc Thánh chỉ được cử hành mỗi năm một lần, vào Thứ Sáu Tuần Thánh. [...] Rõ ràng là xét về loại thực hành này, câu hỏi về việc rước lễ liên phái không hề có ý nghĩa gì cả. Chỉ có việc áp dụng một cách có thực chất hình thức sinh hoạt chung của Công Giáo ngày nay mới có thể làm cho vấn đề trở nên khẩn cấp về mặt nhân bản.

Thật đáng ngạc nhiên, trong Giáo hội cổ thời, việc cử hành Thánh lễ hàng ngày được coi là hiển nhiên từ rất sớm. Theo những gì tôi biết, không có cuộc thảo luận nào xung quanh thực hành này, vốn đã hình thành một cách hòa bình. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể hiểu được lý do tại sao [trong kinh “Pater noster” (Lạy Cha)] tính từ mầu nhiệm “epiousion” gần như hiển nhiên được dịch là “quotidianus” [hàng ngày]. Đối với Kitô hữu, “supersubstantial” (Siêu bản thể) là điều cần thiết hàng ngày. Việc cử hành Thánh Thể hàng ngày tỏ ra cần thiết trước hết đối với các linh mục và giám mục, với tư cách là “tư tế” của Giao Ước Mới. Lối sống độc thân đóng một vai trò quan trọng trong việc này. Sự tiếp xúc trực tiếp có tính “xác thịt” với các mầu nhiệm của Thiên Chúa, đã có từ thời Cựu Ước, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc loại trừ các liên hệ vợ chồng đối với tư tế cử hành vào những ngày ông chịu trách nhiệm về việc này. Tuy nhiên, kể từ đây, linh mục Kitô giáo không còn tạm thời xử lý các mầu nhiệm thánh nữa, mà mãi mãi chịu trách nhiệm về Mình Chúa, về lương thực “hàng ngày”, nên việc dâng mình hoàn toàn cho Người trở nên cần thiết. […]

Tuy nhiên, đối với giáo dân, thực hành rước lễ đã trải qua những bước phát triển đáng chú ý. Dĩ nhiên, giới luật Chúa nhật đòi hỏi mọi người Công Giáo phải tham gia cử hành các mầu nhiệm trong ngày của Chúa, nhưng quan niệm của người Công Giáo về Bí tích Thánh Thể không nhất thiết bao gồm việc rước lễ hàng tuần.

Tôi nhớ lại trong thời đại sau thập niên 1920, đối với các bậc sống khác nhau trong Giáo hội, có những ngày Rước lễ luôn luôn cũng là những ngày Xưng tội, và những ngày này cũng chiếm một vị trí nổi bật trong đời sống gia đình. Có giới luật phải xưng tội ít nhất mỗi năm một lần và rước lễ trong mùa Phục sinh. [...] Khi người nông dân, chủ gia đình, xưng tội, một bầu không khí đặc biệt ngự trị trong trang trại: mọi người tránh làm bất cứ điều gì có thể khiến ông khó chịu và do đó gây nguy hiểm cho tình trạng trong sạch của ông trước các mầu nhiệm thánh thiện. Trong những thế kỷ này, Mình Thánh không được phân phát trong cử hành Thánh Lễ, nhưng tách biệt, trước hoặc sau cử hành Thánh Thể. […]

Nhưng cũng luôn có những khuynh hướng muốn Rước lễ thường xuyên hơn, gắn liền với phụng vụ hơn, điều này đã đạt được sức mạnh khi bắt đầu có phong trào phụng vụ. [...] Công đồng Vatican II đã nhận ra những lý do chính đáng cho điều này và cố gắng làm nổi bật sự thống nhất nội tại giữa việc cử hành Thánh Thể chung và việc cá nhân Rước lễ.

Đồng thời, đặc biệt là trong những năm chiến tranh, về phía Tin Lành, một sự chia rẽ đã phát triển thời Đệ tam Đế chế giữa điều được gọi là “deutsche Christen,” những người Đức theo Kitô giáo, một bên, và bên kia là “bekennende Kirche,” Giáo hội xưng tội. Sự chia rẽ này đã dẫn đến một thỏa thuận mới giữa “bekennende Christen”, những người theo đạo Tin lành xưng tội và Giáo Hội Công Giáo. Kết quả là việc thúc đẩy Rước Lễ chung giữa các tín phái. Trong hoàn cảnh này, đã nảy sinh ước muốn về một thân thể duy nhất của Chúa mà ngày nay, tuy nhiên, có nguy cơ đánh mất nền tảng tôn giáo mạnh mẽ của nó và, trong một Giáo hội hướng ngoại, được xác định bởi các lực lượng chính trị và xã hội hơn là bởi cuộc tìm kiếm Chúa trong tâm hồn.

Về vấn đề này, tôi nhớ lại hình ảnh của một thủ tướng Công Giáo thuộc Cộng hòa Liên bang, người đã uống chén Thánh Thể trước ống kính truyền hình và do đó cũng trước mắt những người thờ ơ với tôn giáo. Cử chỉ đó, ngay sau khi đất nước thống nhất, xuất hiện như một hành động chủ yếu có tính chính trị, trong đó sự đoàn kết của mọi người Đức được biểu lộ. Nghĩ lại điều đó, cho đến tận ngày nay, tôi vẫn cảm thấy vô cùng mạnh mẽ một lần nữa sự ra xa lạ của niềm tin bắt nguồn từ việc này. Và khi các tổng thống của Cộng hòa Liên bang Đức, đồng thời là chủ tịch các thượng hội đồng của Giáo hội họ, thường xuyên lớn tiếng kêu gọi Rước lễ liên phái, tôi thấy yêu cầu ăn bánh và uống chén chung có thể phục vụ các mục đích khác ra sao.

Có thể chỉ cần đưa ra một vài nhận xét về tình hình hiện tại của đời sống Thánh Thể trong Giáo Hội Công Giáo là đủ. Một diễn trình có tác động lớn là việc gần như biến mất hoàn toàn bí tích Sám hối, một việc, tiếp theo cuộc tranh cãi về tính bí tích hoặc thiếu tính bí tích của việc giải tội tập thể, trên thực tế, đã biến mất ở phần lớn Giáo hội, chỉ tìm được một nơi ẩn náu nhất định trong các đền thờ. [...] Với sự biến mất của bí tích Sám hối, một quan niệm thực dụng về Bí tích Thánh Thể đã lan rộng. […] Những người hiện diện tại cử hành Thánh Thể, dù coi nó chỉ như một bữa ăn tối hiển nhiên cũng lãnh nhận hồng ân Thánh Thể. Trong tình huống Thệ phản hóa cao độ cách hiểu về Bí tích Thánh Thể như vậy, việc rước lễ liên phái dĩ nhiên xem ra rất tự nhiên. Tuy nhiên, mặt khác, sự hiểu biết của Công Giáo về Bí tích Thánh Thể không hoàn toàn biến mất, và trên hết, Ngày Giới trẻ Thế giới đã dẫn đến việc tái khám phá việc tôn thờ Thánh Thể và do đó cũng khám phá ra sự hiện diện của Chúa trong bí tích.

Bắt đầu từ khoa chú giải Thệ phản, ngày càng có nhiều sự ủng hộ cho ý kiến cho rằng điều dọn đường cho Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu là “các bữa ăn với các người tội lỗi” của Thầy Chí Thánh, và các bữa ăn này chỉ có thể hiểu được trên cơ sở này. Nhưng không phải vậy. Việc dâng Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô không liên quan trực tiếp đến các bữa ăn với người tội lỗi. Ngoài câu hỏi liệu Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu có phải là bữa ăn của Lễ Vượt Qua hay không, nó được đặt trong truyền thống thần học và pháp lý của lễ Pesach [Vượt Qua]. Kết quả là, nó được nối kết chặt chẽ với gia đình, quê hương và tư cách thành viên trong dân Israel. Để phù hợp với quy định này, Chúa Giêsu đã cử hành lễ Pesach cùng với gia đình Người, nghĩa là với các tông đồ, những người đã trở thành gia đình mới của Người. Vì vậy, Người đã tuân theo một nguyên tắc mà theo đó những người hành hương đến Giêrusalem có thể tham gia cùng nhau trong các nhóm gọi là “chaburot” [đồng chí].

Các Kitô hữu tiếp tục truyền thống này. Họ là “chaburah” [đồng chí], là gia đình của Người, mà Người đã thành lập từ đoàn hành hương của Người, những người cùng Người đi trên con đường Tin Mừng qua vùng đất lịch sử. Do đó, việc cử hành Thánh Thể trong Giáo hội cổ xưa ngay từ đầu đã được liên kết với cộng đồng tín hữu và cùng với điều này là những điều kiện nghiêm ngặt để được tiếp cận, như có thể thấy từ những nguồn cổ xưa nhất: “Didachè,” Justin Martyr, v.v. không liên quan gì đến những khẩu hiệu như “Giáo Hội cởi mở” hoặc “Giáo Hội đóng kín”. Thay vào đó, việc trở nên một cách sâu xa của Giáo hội, một thân thể duy nhất với Chúa, là điều kiện tiên quyết để Giáo hội có sức mạnh mang sự sống và ánh sáng của mình vào thế giới.

Trong các cộng đồng giáo hội phát sinh từ cuộc Cải cách, các cử hành bí tích được gọi là “Bữa tối”. Trong Giáo Hội Công Giáo, lễ cử hành bí tích Mình và Máu Chúa Kitô được gọi là “Lễ Thánh Thể”. Đây không phải là một sự phân biệt ngẫu nhiên, thuần túy về mặt ngôn ngữ. Thay vào đó, trong sự khác biệt của các giáo phái, có một sự khác biệt sâu sắc gắn liền với cái hiểu về chính bí tích. Nhà thần học Thệ phản nổi tiếng Edmund Schlink, trong một bài phát biểu được theo sát chặt chẽ tại Công đồng, đã tuyên bố rằng ông không thể công nhận chính Chúa thiết lập ra việc cử hành Bí tích Thánh Thể của Công Giáo. [...]Rõ ràng, ông tin chắc rằng Luther, nhờ quay trở lại với cấu trúc thuần túy của Bữa Tiệc Ly, đã vượt qua sự xuyên tạc của Công Giáo và tái lập rõ ràng lòng trung thành với mệnh lệnh của Chúa, "Hãy làm việc này...".

Ở đây không cần thiết phải thảo luận về những gì đã được thiết lập như một sự kiện, trong khi chờ đợi, nghĩa là từ góc độ lịch sử thuần túy, ngay Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu cũng hoàn toàn khác với việc cử hành Bữa Tiệc Ly của phái Luther. Thay vào đó, quả đúng khi nhận xét rằng Giáo hội nguyên thủy đã không lặp lại Bữa Tiệc Ly theo hiện tượng học, mà đúng hơn, thay vì Bữa Tiệc Ly vào buổi tối, đã cố ý chọn buổi sáng để cử hành cuộc gặp gỡ với Chúa, điều từ thời xa xưa nhất đã không còn được gọi là Bữa Tiệc Ly nữa, mà là Lễ Thánh Thể. Chỉ trong cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh vào buổi sáng ngày thứ nhất, việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể mới hoàn tất, bởi vì chỉ với Chúa Kitô hằng sống, các mầu nhiệm thánh mới có thể được cử hành.

Điều gì đã xảy ra ở đây? Tại sao Giáo hội mới thành lập lại hành động như vậy? Chúng ta hãy quay lại một chút với bữa ăn tối và việc Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể trong bữa ăn tối. Khi Chúa nói “Hãy làm điều này,” Người không có ý khuyên các môn đệ lập lại Bữa Tiệc Ly như vậy. Nếu đó là một cử hành lễ Vượt Qua, thì rõ ràng là, theo giới luật của Xuất Hành, Lễ Vượt Qua chỉ được tổ chức mỗi năm một lần và không thể lặp lại nhiều lần trong năm. Nhưng ngay cả ngoài điều này, rõ ràng là mệnh lệnh được đưa ra là không được lặp lại toàn bộ bữa ăn tối thời đó, mà chỉ là lễ vật mới của Chúa Giêsu, trong đó, phù hợp với những lời thành lập, truyền thống của Sinai được gắn liền với việc công bố Giao ước mới vốn được Giêrêmia đặc biệt làm chứng. Giáo hội, vốn biết mình bị ràng buộc vào những những chữ “Hãy làm việc này”, do đó đồng thời cũng biết rằng bữa ăn tối không được lặp lại toàn bộ, nhưng cần phải ngoại suy điều gì về yếu tính là mới và vì điều này phải tìm ra một hình thức tổng thể mới. […]

Trình thuật cổ xưa nhất về việc cử hành Thánh Thể mà chúng ta có – tức trình thuật được Thánh Justinô Tử Đạo truyền lại cho chúng ta từ khoảng năm 155 – đã cho thấy rằng một sự hợp nhất mới đã được hình thành bao gồm hai thành phần nền tảng: cuộc gặp gỡ với Lời Chúa trong một phụng vụ Lời Chúa, và sau đó là “Thánh Thể” như “logiké latreia [thờ phượng hợp luận lý?].” “Lễ Thánh Thể” là dịch hạn từ “berakah” trong tiếng Hípri, nghĩa là lễ tạ ơn, và cho thấy cốt lõi trung tâm của đức tin và lời cầu nguyện của người Do Thái vào thời Chúa Giêsu. Các bản văn về Bữa Tiệc Ly thường nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu “đã tạ ơn bằng lời cầu nguyện chúc phúc,” và vì thế Bí tích Thánh Thể, cùng với lễ vật bánh và rượu, được coi là cốt lõi của hình thức Bữa Tiệc Ly của Người. Đặc biệt là J.A. Jungmann và Louis Bouyer, người đã nhấn mạnh tầm quan trọng của “Thánh Thể” như một yếu tố cấu thành.

Khi việc cử hành việc thiết lập Chúa Giêsu diễn ra trong bối cảnh Bữa Tiệc Ly được gọi là Bí tích Thánh Thể, thì điều được diễn tả một cách hợp lệ với thuật ngữ này là cả sự vâng phục đối với việc thiết lập Chúa Giêsu và hình thức bí tích mới được phát triển trong cuộc gặp gỡ với Đấng Phục sinh. Đây không phải là vấn đề mô phỏng Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu, nhưng là biến cố mới của cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh: sự mới lạ và lòng trung thành đi đôi với nhau. Sự khác biệt giữa lối gọi “Bữa Tiệc Ly” và “Thánh Thể” không phải là hời hợt và ngẫu nhiên, nhưng cho thấy một sự khác biệt căn bản trong cách hiểu về mệnh lệnh của Chúa Giêsu.