Trật tự của trái tim và các lý lẽ để tin của nó
Theo lời của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, “truyền thống Công Giáo ngay từ đầu đã bác bỏ điều gọi là chủ nghĩa duy tín [fideism], tức là mong muốn tin chống lại lý trí”. [52] Pascal cũng gắn bó sâu sắc với “tính hợp lý của đức tin vào Thiên Chúa”, [53] không chỉ bởi vì “tâm trí không thể bị buộc phải tin vào những gì nó biết là sai”, [54] mà còn bởi vì “nếu chúng ta phủ nhận các nguyên tắc của lý trí, tôn giáo của chúng ta sẽ là vô lý và lố bịch”. [55] Tuy nhiên, trong khi đức tin là hợp lý, nó vẫn là một hồng ân của Thiên Chúa và không thể bị áp đặt. “Chúng ta không chứng minh rằng chúng ta nên được yêu thương bằng cách nêu ra những lý do tại sao; điều đó thật lố bịch”, [56] Pascal nói với chúng ta bằng sự hài hước tinh tế của mình, so sánh tình yêu của con người với cách Thiên Chúa vẫy tay mời gọi chúng ta. Giống như tình yêu con người, “đề xuất nhưng không bao giờ áp đặt – tình yêu Thiên Chúa không bao giờ áp đặt chính nó”. [57] Chúa Giêsu làm chứng cho sự thật (x. Ga 18:37), nhưng “từ chối dùng vũ lực áp đặt lên những người lên tiếng chống lại nó”. [58] Đó là lý do tại sao “có đủ ánh sáng cho những ai chỉ muốn nhìn thấy, và đủ bóng tối cho những ai có ý định ngược lại”. [59]
Pascal tiếp tục nói rằng “đức tin khác với bằng chứng. Một điều là nhân bản, điều kia là quà tặng của Thiên Chúa”. [60] Do đó, không thể tin “trừ khi Thiên Chúa hướng lòng về”. [61] Mặc dù đức tin cao hơn lý trí, nhưng không có nghĩa là đức tin đối lập với lý trí; đúng hơn, đức tin vô cùng vượt trên lý trí. Khi đọc tác phẩm của Pascal, trước tiên chúng ta không bắt gặp lý trí làm sáng tỏ đức tin, mà một Kitô hữu có tính luận lý học chặt chẽ tuyệt vời giải thích về một trật tự, được Thiên Chúa thiết lập một cách nhân từ, vượt quá lý trí: “Khoảng cách vô tận giữa thể xác và tâm trí tượng trưng cho khoảng cách vô cùng vô hạn hơn giữa tâm trí và đức ái, vì điều sau có tính siêu nhiên”. [62] Là một nhà khoa học chuyên về hình học, khoa học về các vật thể định vị trong không gian, và một nhà toán học chuyên về triết học, khoa học về trí óc được định vị trong lịch sử, Blaise Pascal, được soi sáng bởi ân sủng của đức tin, có thể tóm tắt toàn bộ kinh nghiệm của mình trong những lời này: “Từ tất cả các cơ thể gộp lại với nhau, người ta không thể thành công trong việc tạo ra một ý nghĩ nhỏ bé. Điều đó là không thể vì thuộc một trật tự khác. Từ mọi cơ thể và tâm trí, người ta không thể rút ra một xung lực bác ái thực sự. Điều đó là không thể vì thuộc một trật tự siêu nhiên khác”. [63]
Bản thân các hoạt động của hình học cũng như lý luận triết học đều không cho phép chúng ta đạt được một “cái nhìn rất rõ ràng” về thế giới hoặc về bản thân chúng ta. Những người bị mắc kẹt trong các chi tiết tính toán của họ không được hưởng lợi từ quan điểm tổng thể cho phép chúng ta “thấy tất cả các nguyên tắc”. Đó là nhiệm vụ của “tinh thần tinh tế” [spirit of finesse] mà Pascal đề cao, vì khi cố gắng nắm bắt thực tại, “người ta phải ngay lập tức nắm bắt mọi thứ trong nháy mắt”. [64] Tầm nhìn trực quan này có liên quan đến điều được Pascal gọi là “trái tim”. “Chúng ta biết sự thật không những bằng lý trí mà hơn thế nữa bằng trái tim; chính nhờ trái tim mà chúng ta mới biết được những nguyên tắc đầu tiên, và quả là vô dụng khi việc lý luận, vốn không có phần nào trong đó, cố gắng bác bỏ chúng”. [65] Những sự thật được Thiên Chúa mạc khải – chẳng hạn như sự kiện Thiên Chúa, Đấng tạo dựng chúng ta, là tình yêu, Người là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và Người đã nhập thể trong Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết và sống lại để cứu độ chúng ta – là những điều không thể chứng minh bằng lý trí. Chúng chỉ có thể được biết đến bằng sự chắc chắn của đức tin, và rồi ngay lập tức chuyển từ trái tim thiêng liêng sang trí tuệ hữu lý, là trí tuệ biết thừa nhận sự thật của chúng và ngược lại có thể giải thích chúng. “Đây là lý do tại sao những người được Thiên Chúa ban cho đức tin tôn giáo bằng cách đánh động trái tim của họ thực sự được ban phước và được thuyết phục đúng đắn”. [66]
Pascal không bao giờ cam chịu sự kiện một số người nam và người nữ không những không biết Chúa Giêsu Kitô, mà còn coi thường việc coi trọng Tin Mừng, vì lười biếng hoặc vì đam mê của họ. Vì trong Chúa Giêsu Kitô, chính cuộc sống của họ đang bị đe dọa. “Sự bất tử của linh hồn rất quan trọng đối với chúng ta, một điều đụng đến chúng ta một cách sâu sắc đến mức chúng ta cần phải mất hết cảm giác mới không quan tâm đến việc biết điều gì đang bị đe dọa… Và đó là lý do tại sao, trong số những người không tin vào điều này, tôi sẽ phân biệt rõ ràng giữa những người nỗ lực hết sức để điều tra nó và những người sống cuộc sống của họ mà không quan tâm hay nghĩ đến nó”. [67] Chúng ta biết rất rõ rằng chúng ta thường cố gắng chạy trốn cái chết, hoặc vượt qua nó, nghĩ rằng chúng ta có thể “xua đuổi ý nghĩ về sự hiện hữu có hạn của mình” hoặc “loại bỏ sức mạnh của nó và xua tan nỗi sợ hãi. Nhưng đức tin Kitô giáo không phải là một cách xua đuổi nỗi sợ chết; đúng hơn, nó giúp chúng ta đối diện với cái chết. Sớm muộn gì tất cả chúng ta cũng sẽ bước qua cánh cửa đó… Ánh sáng đích thực chiếu soi mầu nhiệm sự chết đến từ sự phục sinh của Đức Kitô”. [68] Chỉ có ơn Chúa mới giúp cho tâm hồn con người nhận biết Thiên Chúa và sống đức ái. Điều này khiến một nhà bình luận quan trọng về Pascal trong thời đại của chúng ta đã viết rằng “tư tưởng không trở thành Kitô giáo trừ khi nó đạt đến điều mà Chúa Giêsu Kitô đã mang lại, đó là đức ái”. [69]
Pascal, tranh cãi và đức ái
Trước khi kết thúc, tôi phải đề cập đến mối quan hệ của Pascal với chủ thuyết Jansen. Một trong những chị em gái của ông, Jacqueline, đã bước vào đời sống tu trì ở Port-Royal, trong một dòng tu mà nền thần học chịu ảnh hưởng rất nhiều của Cornelius Jansen, người có chuyên luận Augustinus xuất hiện vào năm 1640. Vào tháng 1 năm 1655, sau “đêm lửa” của ông, Pascal thực hiện một cuộc tĩnh tâm tại tu viện Port-Royal. Trong những tháng sau đó, một cuộc tranh luận quan trọng và kéo dài về cuốn Augustinus đã nảy sinh giữa các tu sĩ Dòng Tên và “những người theo chủ thuyết Jansen” tại Sorbonne, đại học Paris. Cuộc tranh luận chủ yếu xoay quanh vấn đề ân sủng của Thiên Chúa và mối quan hệ giữa ân sủng và bản chất con người, đặc biệt là ý chí tự do của chúng ta. Pascal, mặc dù không phải là thành viên của cộng đoàn Port-Royal, cũng không đứng về phía nào – như ông đã viết, “Tôi đơn độc…. Tôi hoàn toàn không phải là một phần của Port-Royal” [70] – được những người theo chủ thuyết Jansen trao cho việc bảo vệ họ, nhờ kỹ năng hùng biện xuất sắc của ông. Ông đã làm như vậy vào năm 1656 và 1657, xuất bản một loạt mười tám trước tác gọi là Thư Gửi Người Ở Tỉnh[The Provincial Letters].
Mặc dù một số mệnh đề được coi là “đi theo chủ thuyết Jansen” thực sự trái ngược với đức tin, [71] một sự kiện mà chính Pascal đã thừa nhận, ông khẳng định rằng những mệnh đề đó không có trong Augustinus hoặc được chủ trương bởi những người có liên quan đến Port-Royal. Dù là vậy, một số tuyên bố của riêng ông, chẳng hạn như những tuyên bố về tiền định, được rút ra từ thần học sau này của Thánh Augustinô và được Jansen trình bày nghiêm túc hơn, vẫn không đúng. Tuy nhiên, chúng ta nên nhận ra rằng, giống như Thánh Augustinô đã tìm cách chống lại những người Pêlagiô vào thế kỷ thứ năm, những người tuyên bố rằng con người có thể, bằng sức mạnh của chính mình và không cần ân sủng của Thiên Chúa, vẫn làm được điều tốt và được cứu rỗi, Pascal cũng vậy, về phần mình, chân thành tin rằng ông đang chiến đấu với thuyết Pêlagiô hoặc thuyết bán Pêlagiô [semipelagian] tiềm ẩn trong những lời dạy của các tu sĩ Dòng Tên theo chủ thuyết Molina (Molinist), được đặt theo tên của nhà thần học Luis de Molina, người đã qua đời vào năm 1600 nhưng vẫn còn khá nhiều ảnh hưởng vào giữa thế kỷ XVII. Chúng ta nên ghi công Pascal về sự thẳng thắn và chân thành trong ý định của ông.
Thư này không phải là nơi để mở lại vấn đề. Mặc dù vậy, điều mà Pascal đã cảnh cáo một cách đúng đắn vẫn là nguồn gốc gây lo ngại cho thời đại của chúng ta: một “chủ thuyết tân Pêlagiô” [72] khiến mọi sự phụ thuộc vào “nỗ lực của con người được dẫn dắt bởi các quy tắc và cấu trúc của giáo hội” [73] và có thể được công nhận bởi sự kiện nó “khiến chúng ta say sưa với giả định cho rằng sự cứu rỗi kiếm được nhờ nỗ lực của chính chúng ta”. [74] Cũng cần chỉ ra rằng quan điểm cuối cùng của Pascal về ân sủng, và đặc biệt là việc Thiên Chúa “muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tm 2:4), đã được nêu ra theo cách hoàn hảo của Công Giáo vào cuối đời ông. [75]
Như tôi đã lưu ý trước đó, Blaise Pascal, khi kết thúc một cuộc đời ngắn ngủi nhưng vô cùng phong phú và hữu hiệu, đã đặt tình yêu thương của anh chị em mình lên trên tất cả. Ông cảm thấy và biết rằng ông là một phần của một cơ thể, bởi vì “Thiên Chúa, sau khi tạo ra trời và đất vốn không ý thức được hạnh phúc của sự hiện hữu của chúng, muốn tạo ra những hữu thể biết hạnh phúc đó và tạo nên một cơ phận gồm các thành viên biết suy nghĩ". [76] Pascal, với tư cách là một Kitô hữu giáo dân, đã thưởng thức niềm vui của Tin Mừng, nhờ đó Chúa Thánh Thần muốn chữa lành và làm phong phú “mọi khía cạnh của nhân loại” và mang “mọi người nam nữ đến cùng một bàn tiệc với nhau trong Nước Thiên Chúa”. [77] Vào năm 1659, khi soạn Lời cầu nguyện tuyệt vời Cầu xin Chúa sử dụng bệnh tật đúng cách, Pascal là một người bình an, không còn tham gia vào các cuộc tranh cãi hay thậm chí hộ giáo nữa. Bị bệnh nặng và sắp chết, ông xin được rước lễ, nhưng điều đó không thể thực hiện ngay được. Vì vậy, ông đã xin chị gái mình: “vì em không thể rước lễ đầu [Chúa Giêsu Kitô] được nên em muốn rước lễ các chi thể”. (78) Ông “rất muốn được chết cùng với những người nghèo.” (79) Người ta nói về Pascal, ngay sau khi ông trút hơi thở cuối cùng vào ngày 19 tháng 8 năm 1662, rằng “ông đã chết với sự đơn sơ của một đứa trẻ.” (80) Sau khi lãnh nhận các bí tích, lời cuối cùng của ông là: “Xin Chúa đừng bao giờ bỏ rơi con”. (81)
Chớ gì tác phẩm xuất sắc của Blaise Pascal và mẫu gương cuộc đời của ông, vốn đắm chìm sâu xa trong Chúa Giêsu Kitô, giúp chúng ta kiên trì đến cùng trên con đường chân lý, hoán cải và bác ái. Vì cuộc đời này qua đi trong chốc lát: “Niềm vui vĩnh cửu đổi lấy một ngày nỗ lực trên trái đất”. [82]
Rôma, Nhà thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 19 tháng 6 năm 2023
Phanxicô
______________________________________________________
[1] Pensées, B 72, L 199. Trong các trích dẫn từ Pensées sau đây, các chữ cái B và L lần lượt đề cập đến cách đánh số Brunschvicg và Lafuma.
[2] G. Perier, Vie de M. Pascal [Cuộc Đời của M. Pascal] trong Œuvres complètes [các Tác phẩm trọn bộ], par M. Le Guern, I, Paris, 1998, 91.
[3] Pensées, B 670, L 270.
[4] B 425, L 148.
[5] B 546, L 417.
[6] Entretien avec M. de Sacy [Đối thoại với M. de Sacy], trong Œuvres complètes, par M. Le Guern, II, Paris, 2000, 90.
[7] Pensées (Mémorial [Tưởng niệm]), L 913.
[8] Pensées (Le Mystère de Jésus [Mầu nhiệm Chúa Giêsu]), B 582, L 926.
[9] Tông Huấn Gaudete et Exsultate [hãy hân hoan nhẩy mừng], 65.
[10] Sđd., 167.
[11] Pensées, B 187, L 12.
[12] G. Perier, sđd, 64.
[13] X. Sđd., 65.
[14] Sđd.
[15] “Pascal”, trong: The Glory of the Lord, A Theological Aesthetics III: Lay Styles [Vinh quang của Chúa, thần học thẩm mỹ III: Phong cách giáo dân]. San Francisco; New York: Ignatius Press, Crossroads Publications, 1986, tr. 182.
[16] Pensées, B 764, L 307.
[17] B 282, L 110.
[18] B 331, L 533.
[19] Pascal, Entretien avec M. de Sacy, sđd, 98.
[20] X. Pensées, B 435, L 208.
[21] B 347, L 200.
[22] B 72, L 199.
[23] B 194, L 427.
[24] Tông huấn Evangelii Gaudium [niềm vui Tin Mừng], 231.
[25] Pensées, B 358, L 678.
[26] Tông huấn Evangelii Gaudium, 232.
[27] Pensées, B 397, L 114.
[28] B 409, L 117.
[29] B 194, L 427.
[30] B 139, L 136.
[31] B 131, L 622.
[32] B 425, L 148.
[33] B 398, L 116.
[34] B 434, L 131.
[35] B 443, L 613.
[36] B 430, L 149.
[37] H.U. Vov Balthasar, sđd, tr. 186.
[38] Pensées, B 430, L 149.
[39] Pensées (Mémorial), L 913.
[40] Giáo lý, ngày 3 tháng 6 năm 2020.
[41] Pensées (Mémorial), L 913.
[42] L 913.
[43] Thông điệp Fides et Ratio [Đức tin vàLý trí] (14 tháng 9 năm 1998), 76: AAS 91 (1999), 64.
[44] H. Gouhier, Blaise Pascal. Commentaires [Blaise Pascal, Các Bình luận], Paris, 1971, 44-45.
[45] Pensées, B 547, L 189.
[46] Sđd.
[47] Tông huấn Evangelii Gaudium, 8.
[48] X. Pensées, B 283, L 298.
[49] B 435, L 208.
[50] B 585, L 242.
[51] Pensées (Le Mystère de Jésus), B 553, L 919.
[52] Giáo Lý, 21 tháng 11, 2012.
[53] Sđd.
[54] Pascal, Entretien avec M. de Sacy, sách đã dẫn, tr. 87.
[55] Pensées, B 273, L 173.
[56] B 283, L 298.
[57] Bài giảng Lễ Trọng Chúa Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ, ngày 20 tháng 11 năm 2022.
[58] Công đồng Vatican II, Tuyên bố Dignitatis Humanae [Phẩm giá Con người], 11.
[59] Pensées, B 430, L 149.
[60] B 248, L 7.
[61] B 284, L 380.
[62] B 793, L 308.
[63] B 793, L 308.
[64] B 1, L 512.
[65] B 282, L 110.
[66] Sđd.
[67] B 194, L 427.
[68] Giáo lý, ngày 9 tháng 2 năm 2022.
[69] J.-L. Marion, La Métaphysique et après [Siêu hình học và sau đó], Paris, 2023, 356.
[70] Dix-septième lettre provinciale (Thư thứ 17 gửi người ở tỉnh], trong Œuvres complètes, par M. Le Guern, II, Paris, 2000, 781.
[71] X. B. Neveu, L’erreur et son juge: remarques sur les censures doctrinales à l’époque moderne [Sai lầm và thẩm phán của nó: các nhận xét về việc kiểm duyệt tín lý vào thời hiện đại], Naples, 1993.
[72] Bộ Giáo lý Đức tin, thư Placuit Deo [đẹp lòng Thiên Chúa] (22 tháng 2 năm 2018); Tông Huấn Gaudete et Exsultate, 57-59.
[73] Tông Huấn Gaudete et Exsultatee, 59.
[74] Tông Thư Desiderio Desideravi [Rất mong muốn], 20.
[75] X. Pensées (Le Mystère de Jésus), B 550, L 931. Những chữ đầu tiên - “Tôi yêu tất cả mọi người như anh em của tôi, vì tất cả đều được cứu chuộc” - bị gạch bỏ trong ấn bản Lafuma.
[76] B 482, L 360.
[77] Tông huấn Evangelii Gaudium, 237.
[78] G. Perier, sách đã trích dẫn, trang 92-93.
[79] Sđd., 93.
[80] ID. Sách đã dẫn, tr. 90.
[81] Sđd., tr. 94.
[82] Pensées (Mémorial), L 913.