1. Hàng lãnh đạo Do Thái đặt vấn đề đối với một bài huấn dụ của Đức Thánh Cha

Các nhà chức trách Do Thái Giáo hàng đầu của Israel đã nói với Vatican rằng họ lo ngại về những bình luận mà Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra về sách luật thánh thiêng của họ và đã yêu cầu Tòa Thánh làm rõ.

Trong một bức thư được chuyển đến Tòa Thánh và một bản sao gởi cho thông tấn xã Reuters, Giáo sĩ Rasson Arousi, chủ tịch Ủy ban Đối thoại với Tòa thánh của Rabbi trưởng Israel, cho biết những lời bình luận dường như nhằm cho thấy luật Do Thái đã lỗi thời.

Các giới chức thẩm quyền Vatican cho biết họ đang nghiên cứu bức thư và đang xem xét việc đưa ra lời phúc đáp.

Giáo sĩ Arousi đã viết thư trên một ngày sau khi Đức Giáo Hoàng đề cập đến Torah, tức là năm cuốn sách đầu tiên của Kinh thánh Do Thái, trong một buổi tiếp kiến chung vào ngày 11 tháng 8.

Kinh Torah chứa đựng hàng trăm điều răn, hay còn gọi là mitzvot, để người Do Thái tuân theo trong cuộc sống hàng ngày của họ. Mức độ tuân thủ nhiều hay ít các hướng dẫn này có sự khác biệt giữa người Do Thái Chính thống và người Do Thái Cải cách.

Tại buổi tiếp kiến ngày 11 tháng 8, Đức Giáo Hoàng khi trình bày các suy tư về những gì Thánh Phaolô đã nói về kinh Torah trong Tân Ước, và nhận định rằng:

“Trên thực tế, Kinh Torah, hay Lề Luật, không có trong lời hứa được đưa ra với Áp-ra-ham. Tuy nhiên, khi nói điều này, ta không nên nghĩ rằng Thánh Phaolô chống lại Luật Môisê. Không, thánh nhân đã tuân giữ nó. Một vài lần trong Thư của mình, ngài bảo vệ nguồn gốc thần thánh của nó và nói rằng nó có một vai trò được xác định rõ ràng trong lịch sử cứu độ. Tuy nhiên, Lề Luật không ban sự sống, nó không mang lại sự thành toàn lời hứa bởi vì nó không có khả năng làm điều đó. Lề Luật là một cuộc hành trình, một cuộc hành trình dẫn đến một cuộc gặp gỡ. Thánh Phaolô dùng một từ, tôi không biết nó có trong văn bản hay không, nhưng là một từ rất quan trọng: lề luật là “phương pháp sư phạm” hướng đến Chúa Kitô, một phương pháp sư phạm hướng đến đức tin nơi Chúa Kitô, nói cách khác lề luật là người thầy cầm tay anh chị em dắt tới cuộc gặp gỡ (x. Gl 3,24). Những ai tìm kiếm sự sống cần phải nhìn vào lời hứa và sự hoàn thành lời hứa trong Chúa Kitô”.

Giáo sĩ Arousi đã gửi lá thư thay mặt cho Rabbi trưởng Do Thái Giáo – là Rabbi có thẩm quyền tối cao trong hàng giáo sĩ Do Thái Giáo ở Israel. Lá thư đã được gởi cho Đức Hồng Y Kurt Koch, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Đối Thoại Liên Tôn.

“Trong bài giảng của mình, Đức Giáo Hoàng trình bày đức tin Kitô không chỉ thay thế kinh Torah; mà còn khẳng định rằng kinh Torah không còn mang lại sự sống, ngụ ý rằng thực hành tôn giáo của người Do Thái trong thời đại hiện nay đã trở nên lỗi thời”, Arousi nói trong bức thư.

Ông nói: “Điều này thực chất là một phần và là cốt lõi của “giáo huấn khinh miệt” đối với người Do Thái và Do Thái Giáo mà chúng tôi nghĩ rằng đã bị Giáo Hội Công Giáo bác bỏ hoàn toàn,” ông nói.

Mối quan hệ giữa người Công Giáo và người Do Thái đã được cách mạng hóa vào năm 1965, khi Công đồng Vatican II bác bỏ khái niệm tội lỗi tập thể của người Do Thái về cái chết của Chúa Giêsu và bắt đầu nhiều thập kỷ đối thoại giữa các tôn giáo. Đức Phanxicô và hai vị tiền nhiệm đã đến thăm các giáo đường Do Thái.

Hai học giả Công Giáo hàng đầu về quan hệ tôn giáo với người Do Thái đồng ý rằng nhận xét của Đức Giáo Hoàng có thể được coi là một bước lùi rất rắc rối và cần được làm rõ.

Cha John Pawlikowski, cựu giám đốc Chương trình Nghiên cứu Công Giáo-Do Thái tại Liên đoàn Thần học Công Giáo ở Chicago cho biết: “nói rằng tín lý nền tảng này của Do Thái Giáo không đem lại sự sống là bôi lọ quan điểm tôn giáo nền tảng của người Do Thái và của Do Thái Giáo. Lẽ ra nó chỉ có thể xảy ra trước thời Công đồng”.

Giáo sư Philip Cunningham, giám đốc Viện Các Liên hệ Do Thái-Công Giáo tại Đại học St. Joseph ở Philadelphia nói, “Tôi nghĩ đó là một vấn đề đối với đôi tai của người Do Thái, nhất là vì nhận xét của Đức Giáo Hoàng được ngỏ với khán giả Công Giáo. Nó có thể được hiểu như làm giảm giá trị việc tuân theo kinh Torah của người Do Thái ngày nay”.

Giáo sĩ Arousi và Cha Pawlikowski nói rằng có thể ít nhất một phần trong bài giảng của Đức Giáo Hoàng, được gọi là bài giáo lý, được viết bởi các phụ tá và cụm từ này đã không được hiệu đính thích đáng.

Văn phòng của Đức Hồng Y Koch, hôm thứ Tư, cho biết ngài đã nhận được bức thư, đang “xem xét nó một cách nghiêm túc và suy nghĩ về một phúc đáp”.

Đức Phanxicô đã có một mối liên hệ rất tốt với người Do Thái. Khi còn là tổng giám mục ở nơi sinh quán Buenos Aires, ngài từng cùng viết sách với một trong những giáo sĩ Do Thái của thành phố, Abraham Skorka, và đã duy trì một tình bạn lâu dài với vị này.

Trong lá thư gửi cho Hồng Y Koch, Giáo sĩ Arousi yêu cầu vị Hồng Y “chuyển sự đau khổ của chúng tôi đến Đức Giáo Hoàng Phanxicô” và yêu cầu Đức Giáo Hoàng làm rõ để “bảo đảm rằng bất kỳ kết luận xúc phạm nào rút ra từ bài giảng này đều được bác bỏ rõ ràng”.
Source:Reuters

3. Đức Tổng Giám Mục kêu cứu cho các học sinh trung học và phụ huynh của tổng giáo phận bị mắc kẹt ở Afghanistan

Một nhóm học sinh trung học California và gia đình của họ nằm trong số những người Mỹ hiện đang bị mắc kẹt ở Afghanistan, và Đức Tổng Giám Mục của San Francisco đang khẩn cầu những lời cầu nguyện và những hành động cụ thể để họ có thể trở về an toàn.

Một số học sinh từ Học khu Cajon Valley, gần San Diego, đã đến Afghanistan trong một chuyến đi thực địa mùa hè thì Taliban bất ngờ giành quyền kiểm soát đất nước vào ngày 15 tháng 8.

Theo thông tin cập nhật gần đây nhất từ khu học chánh vào sáng thứ Sáu, “theo hiểu biết tốt nhất của chúng tôi, 14 học sinh của Cajon Valley Union và tám phụ huynh vẫn còn mắc kẹt”.

“ Tôi cầu xin lời cầu nguyện của các bạn rằng những đứa trẻ Mỹ này sẽ được giải cứu khỏi nguy hiểm nghiêm trọng, cùng với cha mẹ và những người đi kèm với các em. Trong thời kỳ đen tối và nguy hiểm này, cầu xin Chúa Giêsu Kitô ban cho chúng ta can đảm để hy vọng”, Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của San Francisco viết trong một thông điệp ngày 25 tháng 8.

Đức Tổng Giám Mục Cordileone cũng yêu cầu những lời cầu nguyện cho một tổ chức bác ái có trụ sở trong khu vực San Francisco, và đang hoạt động ở Afghanistan, và tổ chức này đang đối mặt với khó khăn trong việc di tản các nhân viên về lại Hoa Kỳ. Roots for Peace, một nhóm có trụ sở tại San Rafael làm công việc bác ái về nông nghiệp ở Afghanistan, đã nhiều lần bị Taliban tấn công.

Theo Heidi Kuhn, người sáng lập tổ chức bác ái, hơn 350 nhân viên Afghanistan đang bị mắc kẹt và tổ chức của ông đã không kịp đưa họ ra khỏi Afghanistan.

“Đối với tất cả những người Công Giáo, tôi thay mặt những người lao động này xin những lời cầu nguyện khẩn thiết của anh chị em dâng lên Đức Mẹ Sầu Bi. Đây chỉ là một bi kịch trong số rất nhiều bi kịch xảy ra khi các tín hữu Kitô cùng với những người Afghanistan theo đạo Hồi từng làm việc với người Mỹ bị Taliban nhắm mục tiêu”, Đức Tổng Giám Mục Cordileone nói.

Các chiến binh Taliban, một nhóm Hồi giáo cực đoan, đã giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul của Afghanistan vào ngày 15 tháng 8. Bước tiến nhanh chóng của nhóm này diễn ra khi nhiều thường dân Afghanistan và công dân Mỹ tìm cách rời khỏi đất nước trước khi Mỹ và các lực lượng khác rút lui hoàn toàn.

Ít nhất hàng chục nghìn người vẫn đang tìm cách rời khỏi Kabul trong những ngày tới.

Đức Tổng Giám Mục Cordileone nói: “Cuộc khủng hoảng diễn ra ở Afghanistan là buồn không tả xiết và kinh hoàng. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ đoàn kết hành động để bảo vệ những người đang trong tình trạng vô cùng khẩn cấp”.


Source:Catholic News Agency

4. IS bất ngờ tấn công quân Mỹ, hàng trăm người thiệt mạng

Ngũ Giác Đài cho biết trong bối cảnh hỗn loạn, 13 quân nhân Mỹ và hàng trăm người Afghanistan đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom tự sát do bọn khủng bố Hồi Giáo IS thực hiện ở Khorasan bên ngoài sân bay Kabul. Theo CBS News, số người chết trong các vụ đánh bom ít nhất là 170 người.

Một quan chức của tổ chức bác ái Roots of Peace xác nhận với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, hôm thứ Sáu rằng không có thành viên nào bị thương hoặc mất tích trong các vụ nổ, nhưng vẫn chưa có “đột phá” nào trong việc di tản các thành viên khỏi Afghanistan.

Nhiều giám mục Hoa Kỳ đã lên tiếng về tình hình ở Afghanistan và kêu gọi người Công Giáo cầu nguyện và đóng góp viện trợ. Hội đồng giám mục Hoa Kỳ đã tweet vào thứ Năm, “ Hãy dành một chút thời gian để cầu nguyện cho những người đã thiệt mạng tại sân bay Kabul sáng nay, bao gồm một số công dân Hoa Kỳ. Lạy Chúa, xin Chúa ban ơn yên nghỉ cho họ và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên họ. Amen”.

Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cũng yêu cầu người Công Giáo cung cấp viện trợ cho những người tị nạn Afghanistan sắp đến.

Đức Tổng Giám Mục Timothy Broglio của Tổng Giáo phận Quân đội Hoa Kỳ cho biết ngài đã nhận được tin về các vụ đánh bom khi đang ở San Diego trong một cuộc họp với các linh mục tuyên uý quân đội.

“Tôi ngay lập tức cùng các linh mục tập hợp để cầu nguyện cho các linh hồn được nghỉ yên trong Chúa và gia đình họ được ơn an ủi. Chúng tôi cùng nhau cầu xin Hoàng tử Hòa bình cho một thời gian đối thoại và một sự tôn trọng sâu sắc đối với giá trị vô giá của cuộc sống con người”.

Đức Tổng Giám Mục William Lori của Baltimore đã lên án các cuộc tấn công hôm thứ Năm, viết rằng ngài “rất đau lòng trước những sự kiện ngày càng bạo lực xảy ra ở Afghanistan và sự mất mát vô nghĩa của những sinh mạng quý giá”.

“Hành động khủng bố là một cuộc tấn công chống lại tất cả chúng ta và không có chỗ đứng trong một xã hội văn minh hay công bằng. Xin vui lòng, tôi kêu gọi các thành viên của Tổng giáo phận Baltimore của chúng ta hãy cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô và cộng đồng toàn cầu của chúng ta cầu nguyện cho hòa bình và một cuộc đối thoại cởi mở tạo ra một con đường dẫn đến các giải pháp không còn chết chóc và đau khổ”.
Source:Catholic News Agency