1. Sử gia Do Thái nói các cuộc tấn công chống lại Kitô Hữu ở Giêrusalem là “đáng trách”
Sau vụ tấn công khạc nhổ vào một tu viện trưởng dòng Bênêđíctô vào ngày 3 tháng 2 ở Giêrusalem, một sử gia Do Thái đã chỉ trích những sự việc như vậy là đáng trách và kêu gọi chấm dứt hận thù.
“ Đặc biệt là ở Giêrusalem, các nhà hoạt động chính thống tự coi mình là những người Do Thái gương mẫu khi họ khạc nhổ hoặc thậm chí đánh đập các Kitô hữu hoặc người theo đạo Hồi”.
Wolffsohn, một nhà sử học người Đức gốc Israel và là cựu giáo sư tại trường, cho biết: “Những người Do Thái chính thống đó đắm mình trong Torah, Talmud và truyền thống hàng giờ liền, ngày này qua ngày khác, nhưng đạo Do Thái sơ cấp rõ ràng không nằm trong chương trình giảng dạy của họ”.
“Người Do Thái chúng tôi đã phàn nàn một cách đúng đắn về lòng căm thù người Do Thái trong hàng ngàn năm. Sự căm ghét của người Do Thái đối với người theo Kitô giáo hoặc người theo đạo Hồi cũng đáng trách”, ông nói.
'Tôi luôn cầu nguyện cho những kẻ gây án'
Những lời của sử gia này đưa ra sau cuộc tấn công ngày 3 tháng 2 chống lại tu viện trưởng Tu viện Đức Mẹ An Nghỉ, Cha Nikodemus Schnabel, và được báo cáo là có sự gia tăng các cuộc tấn công của những người Do Thái chính thống và chủ nghĩa dân tộc ở Giêrusalem chống lại Kitô hữu.
Schnabel nói với CNA vài ngày sau vụ việc: “Thông thường, tôi đã quen với việc mọi người khạc nhổ vào tôi - đây là một trải nghiệm xảy ra hàng ngày, đặc biệt là ở Núi Zion nơi tọa lạc của tu viện”.
“Tôi không có thù hận,” linh mục người Đức nói. “Tôi đã cầu nguyện cho hai kẻ đã quấy rối tôi cũng như tôi luôn cầu nguyện cho những kẻ thủ ác. Đây là DNA của con người tôi với tư cách là một Kitô hữu.”
Tòa Thượng Phụ Latinh tại Giêrusalem đã lên án “cuộc tấn công vô cớ và đáng xấu hổ” chống lại vị bề trên tu viện trong một tuyên bố.
“Việc truy tố những tội ác căm thù như vậy là một công cụ quan trọng để ngăn chặn và nâng cao cảm giác an toàn của các giáo sĩ Kitô giáo ở Thánh địa, đặc biệt là ở Giêrusalem,” tuyên bố nói.
Mối quan tâm đối với cộng đồng và khách hành hương
Các thượng phụ và nhà lãnh đạo các giáo hội ở Giêrusalem đã bày tỏ tình liên đới của họ trong một lá thư gửi cho tu viện trưởng Bênêđíctô được công bố ngày 10 tháng 2.
Bức thư viết: “Chúng tôi biết rằng đây không phải là vụ tấn công đầu tiên mà bạn phải đối mặt, nhưng việc bạn tình cờ ghi lại vụ việc đã phơi bày cho thế giới thấy hành vi đáng trách mà bạn và nhiều lãnh đạo Giáo Hội và giáo dân của chúng ta đã phải chịu đựng trong suốt thời gian qua, đặc biệt là trong thời gian gần đây.”
Các Đức Thượng Phụ cũng viết rằng các ngài cầu nguyện rằng “hành động pháp lý chống lại thủ phạm sẽ không chỉ nhằm nhấn mạnh bản chất không thể chấp nhận được của những cuộc tấn công này, mà còn dẫn đến một cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa các cộng đồng liên tôn của chúng ta, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy sự tôn trọng, hòa bình và thiện chí lẫn nhau.” giữa tất cả những người sống ở Thành Thánh cũng như những người hành hương đến đây.”
Source:Catholic News Agency
2. Nhà hoạt động Hương Cảng: Dự luật có thể làm xấu đi tự do tôn giáo, đàn áp người Công Giáo
Một người ủng hộ tự do tôn giáo từ Hương Cảng đang cảnh báo rằng dự luật được đề xuất có thể hạn chế hơn nữa quyền tự do tôn giáo và dẫn đến cuộc đàn áp Giáo Hội Công Giáo và các Kitô hữu khác.
Cô Hồ Dĩnh Đình hay Frances Hui, một người gốc Hương Cảng tị nạn chính trị ở Hoa Kỳ, bày tỏ lo ngại về khả năng ban hành đề xuất gây tranh cãi Điều 23, vốn sẽ mở rộng luật an ninh quốc gia năm 2020. Cô ấy đã đưa ra những nhận xét này trong một cuộc thảo luận của Viện Hudson về “Sự đàn áp ở Hương Cảng và chủ nghĩa anh hùng của Jimmy Lai”.
Lai, một nhà báo ủng hộ dân chủ và chuyển sang Công Giáo, đã bị bắt vì một số tội danh theo luật an ninh quốc gia năm 2020 của Hương Cảng và có thể phải đối mặt với án tù chung thân. Tờ báo của ông, Apple Daily, thường xuyên đăng tải các tài liệu chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc. Mặc dù chính phủ Trung Quốc buộc tội ông thông đồng với các lực lượng nước ngoài, nhưng những người chỉ trích cơ quan công tố cho rằng ông - và hàng trăm nhà bất đồng chính kiến về chính trị và tôn giáo khác - đã bị bắt vì hoạt động tích cực của họ.
Nếu được ban hành, Điều 23 sẽ mở rộng luật nhằm tăng cường việc chính phủ đàn áp những người bất đồng chính kiến, vốn đã diễn ra trong hơn ba năm rưỡi.
Sự thay đổi này sẽ bổ sung thêm các tội danh mới, bao gồm cấm can thiệp từ bên ngoài vào Hương Cảng, cấm hỗ trợ các tổ chức tình báo bên ngoài và cấm các hoạt động điện tử và máy tính mà không có thẩm quyền hợp pháp gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, cùng với việc cấm các hoạt động phá hoại nói chung, theo Báo chí Tự do Hương Cảng.
Cô Hồ, người đóng vai trò là điều phối viên chính sách và vận động tại Ủy ban Tự do ở Tổ chức Hương Cảng, cho biết trong hội thảo rằng luật này sẽ “nhắm vào các tổ chức nước ngoài và hoạt động của họ ở Hương Cảng,” có thể được sử dụng để chống lại các nhà truyền giáo Kitô nước ngoài và cấm Giáo Hội Công Giáo Hương Cảng liên lạc với Vatican.
Cô Hồ cho biết: “Rất nhiều nhóm của Giáo Hội Công Giáo quy mô vừa và nhỏ, và các nhà truyền giáo nước ngoài đều sẽ bị ảnh hưởng”.
Cô nói thêm: “Chúng tôi không biết họ sẽ sử dụng luật này như thế nào để chống lại các nhóm tôn giáo, nhưng việc luật này được thông qua và áp đặt ở Hương Cảng sẽ là mối đe dọa lớn đối với các nhóm tôn giáo ở Hương Cảng”. “Họ có thể bị truy tố pháp lý. … Giáo Hội Công Giáo ở Hương Cảng… có thể phải ngừng liên lạc với Vatican vì đây là một quốc gia nước ngoài.”
Trong kịch bản như vậy, Cô Hồ cảnh báo rằng Giáo Hội Công Giáo ở Hương Cảng có thể bị buộc phải gia nhập Hiệp hội Công Giáo Yêu nước mà chính quyền cộng sản thành lập năm 1957 để thực thi quyền kiểm soát của chính phủ đối với các nhà thờ Công Giáo ở Trung Quốc đại lục.
“Chúng tôi không biết họ sẽ sử dụng điều này như thế nào vì đây là một luật khác được viết mơ hồ, nhưng… nếu họ không thích những gì bạn đang làm và họ tấn công vào bạn, họ có luật để sử dụng điều đó để đe dọa bạn và tống bạn vào tù”, Cô nói.
Đạo luật này lần đầu tiên được đề xuất cách đây hơn 20 năm vào năm 2002, nhưng nỗ lực này đã bị từ chối sau phản ứng dữ dội từ người dân Hương Cảng, các hiệp hội nhà báo và chính phủ phương Tây. Tuy nhiên, nỗ lực này đã được Giám đốc điều hành Hương Cảng Gioan Lý Gia Siêu (John Lee Ka-chiu, 李家超), một người Công Giáo và là cựu sinh viên của trường đại học Dòng Tên, khôi phục vào năm 2022. Vào ngày 30 Tháng Giêng, Lee bắt đầu giai đoạn tham vấn kéo dài một tháng về đề xuất này.
“Tôi nghĩ đây là điều mà thế giới và chính phủ Mỹ nên chú ý và lên tiếng phản đối”, Cô Hồ nói.
Gần 300 người ở Hương Cảng, trong đó có Lai, đã bị bắt kể từ khi chính phủ cập nhật luật an ninh quốc gia vào năm 2020. Các nhà phê bình cho rằng đây là cuộc trấn áp quyền tự do ngôn luận và phản đối chính trị.
“Mục tiêu lớn nhất của luật an ninh quốc gia là trấn áp những người bất đồng chính kiến,” Cô Hồ nói. “Nó đã phá hủy quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và tự do báo chí. Đó là một luật được viết rất mơ hồ và áp dụng khá nhiều cho toàn bộ xã hội dân sự.”
Ủy ban Điều hành Quốc hội Hoa Kỳ về Trung Quốc đã khuyến khích chính quyền của Tổng thống Joe Biden ban hành các biện pháp trừng phạt đối với các thẩm phán và công tố viên liên quan đến vụ án Lai và các vụ án tương tự.
Thành viên ban biên tập The Wall Street Journal, William McGurn, cha đỡ đầu của Lai và đã biết ông hàng chục năm, cho biết trong buổi hội thảo rằng ông tin rằng Lai cũng muốn mọi người đừng quên “những người khác bị nhốt không có tên tuổi, hay sự công nhận hoặc thân thiện với các phóng viên và chính trị gia phương Tây.”
“Tôi nghĩ… anh ta ở lại Hương Cảng để chia sẻ số phận cùng họ” McGurn nói. “Tương tự với Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân. Ngài không bị truy tố theo cáo buộc an ninh quốc gia nhưng lại bị buộc tội khác về việc tổ chức một nhóm bác ái xã hội mà không có sự cho phép chính thức của cơ quan quản lý.”
Vào tháng 11 năm 2022, Đức Hồng Y Đức Hồng Y Quân bị kết án vì tội không ghi danh một quỹ giúp chi trả các chi phí pháp lý và điều trị y tế cho những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hương Cảng. Ngài đã kháng cáo bản án đó.
Ủy ban Tự do tại Tổ chức Hương Cảng đã công bố một báo cáo vào ngày 30 Tháng Giêng cho thấy tự do tôn giáo đang “xuống cấp” trong thành phố trong bối cảnh “sự tiếp quản thù địch” từ Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo báo cáo, các nhóm Công Giáo và Kitô giáo khác đã phải đối mặt với cáo buộc ủng hộ “các cuộc biểu tình bạo lực” và thông đồng với “các tổ chức nước ngoài” theo luật an ninh quốc gia năm 2020.
Ngoài việc đàn áp Kitô hữu, các nhà phê bình còn cáo buộc Đảng Cộng sản Trung Quốc đàn áp người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và những người theo Pháp Luân Công, một phong trào tôn giáo và chính trị.
Source:National Catholic Register
3. Nhận định của cha Gianni Criveller về Công Giáo tại Trung Quốc
Cha Gianni Criveller, Giám đốc Tạp chí Mondo e Missione, Thế giới và Truyền giáo, của Hội Giáo hoàng Truyền giáo Milano, bắc Ý, nhận định rằng ba bổ nhiệm giám mục mới đây của Tòa Thánh tại Trung Quốc là điều tích cực, nhưng có một sự im lặng nặng nề từ phía Trung Quốc.
Trong một tuần lễ hồi cuối tháng Giêng vừa qua, Phòng Báo chí Tòa Thánh đã công bố ba bổ nhiệm giám mục cho Giáo phận Trịnh Châu (Zhengzhou), tỉnh Hà Nam, Giáo phận Duy Phường (Weifang), tỉnh Sơn Đông (Shandong), và Phủ doãn Tông tòa Thiệu Vũ (Shaowu) ở tỉnh Phúc Kiến.
Theo cha Criveller, đó là những dấu chỉ ý chí không cắt đứt với Tòa Thánh. Nhưng hiệp định với Tòa Thánh không hề được phía Trung Quốc nhắc đến. Trong khi đó, kế hoạch ngũ niên dành cho các tín hữu Công Giáo ở Trung Quốc chỉ trích dẫn Chủ tịch Tập cận Bình, thay vì Đức Giáo Hoàng, và nhắc đến “nền tảng thần học” của chính sách Hoa hóa, trong thực tế đây chỉ là một thích ứng với chính sách của đảng cộng sản.
Năm 2023 trước đó là năm “kinh khủng” đối với Tòa Thánh, với vụ nhà nước Trung Quốc tự ý thuyên chuyển giám mục Thẩm Bân, nguyên Chủ tịch Hội đồng Giám mục Trung Quốc, từ Hạ Môn về làm Giám mục Thượng Hải. Đây là hành động đơn phương thứ hai của Trung Quốc, gạt Tòa Thánh ra khỏi mọi tham khảo ý kiến. Tòa Thánh phản đối, và sau đó đã chấp nhận sự đã rồi, và yêu cầu đừng tái diễn.
Ba bổ nhiệm nói trên trong tháng Giêng, với sự công nhận của Tòa Thánh, tạo cho người ta cảm tưởng phía Trung Quốc không muốn cắt đứt với Tòa Thánh và phê chuẩn trường kỳ hiệp định.
Cha Criveller cho biết người ta không rõ trong lễ truyền chức giám mục nói trên, sự bổ nhiệm của Tòa Thánh có được nêu bật hay không, vì từ lâu những lễ truyền chức như thế, các quan sát viên từ bên ngoài không được tham dự.
Nhưng trong kế hoạch 5 năm để Hoa hóa Công Giáo tại Trung Quốc, từ 2023 đến 2027, với nhiều chi tiết gồm 33 đoạn trong 4 chương, được các tổ chức tôn giáo của nhà nước Trung Quốc là Hội đồng Giám mục và Hội Công Giáo yêu nước Trung Quốc, thuộc Mặt Trận Thống nhất của đảng, chấp thuận ngày 13 tháng Mười Hai năm ngoái, đều không nhắc gì đến vai trò của Đức Thánh Cha và Tòa Thánh, nhưng bốn lần nhắc đến Chủ tịch Tập Cận Bình và nhấn mạnh rằng Công Giáo phải đón nhận các đặc tính Trung Hoa và từ Hoa hóa, Trung Hoa hóa được dùng tới 53 lần.
Kế hoạch ngũ niên này là một chương trình làm việc để tiến trình Hoa hóa sâu rộng hơn, ý thức hệ và hiệu năng hơn: “Cần tăng cường sự nghiên cứu để mang lại nền tảng thần học cho sự Hoa hóa Công Giáo, để liên tục cải tiến hệ thống tư tưởng thần học được Hoa hóa, xây dựng một nền tảng lý thuyết vững chắc cho sự Hoa hóa Công Giáo, để Công Giáo được luôn biểu lộ với những đặc tính Trung Hoa”.