ĐỨC GIOAN XXIII VỚI VẤN ĐỀ HÒA BÌNH

LTS : Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII được Giáo Hội công nhận là đấng thánh. Ngài đã thực hiện nhiều công trình cho Giáo Hội và Xã hội. Ngài lại là người có tình nghĩa sâu đậm với người Công Giáo Việt Nam.

Khi làm Sứ thần tại Paris, ngài đã liên hệ với cha Trần Thanh Giản, Giám đốc Giáo xứ Việt nam Paris qua thư đề ngày 17.04.1951.

Ngày 28.10.1958, vừa được bầu làm Giáo Hoàng, Ðức Gioan XXIII đã tái chấp nhận những quyết định của Vị Tiền Nhiệm, cử Ðức Hồng Y Gregorio Pietro Agagianian làm đặc sứ đến Việt Nam tham dự Đại Hội Thánh Mẫu vào năm 1959, một sự kiện lớn nhất do sáng kiến của các Đức Giám Mục miền Nam. Đại hội được tổ chức trong ba ngày 16, 17, 18 tháng 2/1959 tại Sài Gòn, nhân dịp Năm Thánh Mẫu, kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức, đồng thời mừng 300 năm việc bổ nhiệm hai Giám Mục tiên khởi tại Việt Nam ngày 9/9/1659 là Đức Cha Pallu tại Đàng Ngoài và Đức Cha Pierre Lambert de la Motte tại Đàng Trong.

Ngày 24/11/1960, qua Tông sắc Venerabilium Nostrorum, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã quyết định thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam. Tông sắc Venerabilium Nostrorum là tiếng nói quyết định của Tòa thánh, công nhận sự tăng trưởng và lớn mạnh của Giáo Hội tại Việt Nam, đáng được nâng lên địa vị hàng Giáo Phẩm, bằng cách thiết lập 3 Giáo tỉnh mới : 1 ở Bắc, 1 ở Trung, 1 ở Nam, với ba Tòa tổng Giám Mục Hà Nội, Huế, Sàigon.

Nhân dịp Giáo Hội phong hiển thánh cho Đức Gioan XXIII vào ngày 27.04.2014, để góp phần ghi ơn và mộ mến ngài, chúng tôi xin trích đăng một số bài trong tập sách « Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII », do Ban Tu Thư Giáo Xứ Việt Nam Paris biên soạn và xuất bản năm 2000, gợi lại những công trình lớn mà ngài đã làm cho Giáo Hội và cho nhân loại.

Đã được phổ biến :

• Ngày 22.04.2014 : « ĐƯỜNG NÊN THÁNH CỦA ĐỨC GIOAN XXIII », do Lm Mai Đức Vinh

• Ngày 29.04.2014 «ĐƯỜNG CÔNG ĐỒNG VATICAN II ĐỨC GIOAN XXIII KHAI MỞ » do Ls Nguyễn Thị Hảo

• Ngày 06.05.2014 « ĐỨC GIOAN XXIII VỚI CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI » do Lm Mai Đức Vinh

Hôm nay, 13.05.2014, xin giới thiệu bài 4 về « ĐỨC GIOAN XXIII VỚI VẤN ĐỀ HÒA BÌNH » do Gs Trần Văn Cảnh



Thông điệp là thơ chung của Đức Giáo Hoàng gởi cho các Giám Mục để phổ biến cho toàn thể giáo dân. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII lấy sáng kiến chẳng những chỉ gởi cho giáo sĩ và giáo dân Công Giáo mà còn cho tất cả những người có thiện tâm nữa. Người đầu tiên gởi thông điệp là Đức Benoit XIV vào năm 1740. Một trăm năm sau, từ 1832, thời Đức Grégoire XVI, thì thông điệp mới được các Đức Giáo Hoàng xử dụng đều đặn.

Thông điệp thường đề cập đến hoặc một vấn đề học thuyết của Giáo Hội, hoặc một khuyên nhủ làm những việc đạo đức, hoặc một kỷ niệm. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã soạn tất cả chín thông điệp.

1. Ad Petri Cathedram, khai trương triều đại Giáo Hoàng ; 1959

2. Sacerdotii nostri primordia, về linh mục xứ Ars ; 1959

3. Grata Recordatio, về tràng hạt Mân Côi ; 1959

4. Princeps pastorum, về sứ mệnh truyền giáo ; 1959

5. Inde a primis, về Máu Thánh ; 1960

6. Aeterna Dei sapientia, về Đức Thánh Giáo Hoàng Leo Cả ; 1961

7. Mater et Magistra, về các vấn đề xã hội ; 1961

8. Paenitentiam facere, về việc chuẩn bị công đồng ; 1962

9. Pacem in terris, về hòa bình 1963

Trong chín thông điệp ấy, hai thông điệp gây nhiều tiếng vang và có nhiều ảnh hưởng hơn cả là Mẹ và Thầy (Mater et magistra) và Hòa Bình trên Thế Giới (Pacem in terris). Thông điệp Mẹ và Thầy, công bố ngày 15.5.1961, đề cập đến những đổi mới của vấn đề xã hội qua ánh sáng học thuyết Kitô, với bốn phần.

Phần thứ nhất đề cập đến những giảng dậy của các Giáo Hoàng tiền nhiệm từ Leo XIII với thông điệp “Tân sự”, qua Pio XI với thông điệp “Năm thứ 40”, đến Pio XII với “Sứ điệp truyền thanh vào ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống” năm 1941.

Phần thứ hai đưa ra những bổ xung cho những vấn đề đã được Đức Leo XIII giảng dậy qua thông điệp Tân Sự: vấn đề xã hội hóa, vấn đề trả lương lao động, vấn đề công lý trong các tổ chức lao động và vấn đề tư hữu.

Phần thứ ba vạch ra bốn khía cạnh mới của vấn đề xã hội: công lý trong các ngành sản xuất, công lý trong các giao dịch giữa các quốc gia, dân số và phát triển kinh tế, và cộng tác thế giới.

Phần thứ tư đưa ra những áp dụng hầu nối kết đời sống cộng đoàn trong sự thật, công lý và tình thương.

Thông điệp Hòa Bình trên Thế Giới, được Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII công bố (11.04.1963) hai tháng trước khi qua đời, có thể được coi là di chúc quan trọng mà ngài lưu lại cho Giáo Hội và thế giới.

Quan trọng vì thông điệp đã được thai nghén với những kinh nghiệm sống của một người có lòng đạo đức sâu xa, có hiểu biết uyên bác về thánh kinh, giáo phụ và giáo sử, lại quen biết sâu rộng những vấn đề quân sự ngoại giao, chính trị hiện đại.

Quan trọng vì thông điệp đã được phát sinh từ một tham dự cụ thể vào việc giảm bớt căng thẳng, dập tắt ngọn lửa đại chiến thứ ba nguyên tử giữa hai siêu cường Nga - Mỹ. Lý thuyết đã phát sinh từ thực tại và thực hành.

Quan trọng vì không quên tiếp nối truyền thống Giáo Hội, thông điệp Hòa Bình trên Thế Giới đã nêu lên những vấn đề mới và đưa ra những giải quyết mới: Sứ mệnh hiệp nhất và hòa bình của Giáo Hội, làm sao để chiến tranh không thể xẩy ra nữa, xây dựng một “chính phủ thế giới”, cộng tác giữa giáo dân và lương dân.

Quan trọng như vậy, thông điệp Hòa Bình trên Thế Giới đáng được trình bày trong một bài riêng. Đó là đối tượng của bài này với chủ đề “Thông điệp Hòa Bình trên Thế Giới của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII”, qua hai điểm chính:

1. Kinh nghiệm sống chiến tranh của Đức Roncalli.

1) Quân ngũ trong đệ nhất thế chiến

2) Ngoại giao trong đệ nhất thế chiến

2. Thông điệp Hòa Bình trên Thế Giới của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII

1) Dịp phát sinh ra thông điệp: khủng hoảng Cuba

2) Nội dung thông điệp “Hòa Bình trên Thế Giới”.

I. KINH NGHIỆM SỐNG CHIẾN TRANH CỦA ĐỨC RONCALLI.

Sinh trưởng trong một gia đình Công Giáo gần thị trấn Bergame, nước Ý, Đức Roncalli đã sống một cuộc đời dài 82 năm, trong đó: 12 năm thơ ấu được đào tạo trong tinh thần bác ái Công Giáo của gia đình 1881-1893; 11 năm thụ huấn trong chủng viện để chuẩn bị đời sống tận hiến linh mục 1893-1904; 21 năm làm linh mục 1904-1925, với ba công tác chính: tuyên úy quân đội, giáo sư chủng viện Bergame và nhân viên giáo triều Roma trong hai thánh bộ Truyền Giáo (1920) và Đức Tin (1921); 28 năm giám mục làm việc trong ngành ngoại giao ở nhiều nước có văn hóa khác nhau từ chính thống như Bảo Gia Lợi (1925-1935), Hy Lạp (1935-1944), qua Hồi Giáo như Thổ Nhĩ Kỳ (1935-1944), đến Công Giáo như Pháp (1944-1953), 5 năm làm Hồng Y giáo chủ Venise 1953-1958; và 5 năm sau cùng làm Giáo Hoàng 1958-1963.

Qua cuộc đời dài và phong phú ấy, đức Roncalli đã thu thập nhiều kinh nghiệm mà có lẽ kinh nghiệm quan trọng nhất là kinh nghiệm về chiến tranh. Ngài đã sống chiến tranh một cách trực tiếp và cụ thể: Trong quân ngũ thời đệ nhất thế chiến, hoặc ở một cương vị khác trong ngành ngoại giao thời đệ nhị thế chiến.

1. Kinh nghiệm quân ngũ trong đệ nhất thế chiến.

Hòa Bình trên Thế Giới, thông điệp ban bố vào năm cuối đời, có thể được coi như một chúc thư, đúc kết các kinh nghiệm sống của Đức Roncalli, trước khi làm Giáo Hoàng. Hơn ai hết ngài biết do đâu mà chiến tranh xẩy ra và những hậu quả ghê sợ mà nó gây ra. Kinh nghiệm đầu tiên về chiến tranh mà thầy và cha Roncalli đã sống là kinh nghiệm nghĩa vụ quân dịch 1901-1902 và kinh nghiệm tuyên úy quân đội 1915-1918 trong đệ nhất thế chiến.

1) Quân dịch (1901-1902).

Từ tháng 11.1901 đến tháng 11.1902, thầy Roncalli thi hành nghĩa vụ quân dịch. Kinh nghiệm sống trong trại lính đã để lại những ấn tượng mạnh về tai họa tâm thần. Có lẽ đây là cái va chạm đầu tiên của thầy Roncalli với thế giới. Dường như thầy lo sợ sẽ đánh mất lòng trong trắng tâm hồn. Trên đường từ Roma về Bergame để thi hành nghĩa vụ quân dịch, thầy đã ngừng lại ở Florence vào tháng 10 năm 1901 để vào nhà thờ ”Truyền tin cực thánh” dâng hiến xác hồn mình cho Đức Mẹ. Mười hai tháng thi hành nghĩa vụ quân dịch, lúc đầu làm lính, rồi làm hạ sĩ quan. Thầy ghi trong nhật ký về giai đoạn này như sau: “Ôi! thế giới xấu xa thay, chỉ có những cái nhơ bẩn, chỉ có những cái tục tằn. Trong suốt một năm thi hành nghĩa vụ quân dịch, tôi đã sờ đụng đến thế giới ấy! Trời ơi, quân ngũ là một suối nước chan hòa chảy ra những điều dơ dáy, có thể làm lụt ngập nhiều thị thành. Ai có thể cứu được cơn hồng thủy này nếu không có ơn Chúa giúp đỡ”.

Thầy cũng không quên cám ơn Chúa, vì “tôi đã có thể mất ơn gọi như bao kẻ bất hạnh khác. Thế mà tôi vẫn không mất. Sự tinh sạch thánh thiện, ơn Chúa và chính Chúa đã cứu tôi. Tôi đã đi qua bùn nhơ, mà Chúa đã giữ tôi không nhiễm nhơ bùn”.

Về sau này, trong thơ gởi cho gia đình, thầy Roncalli đã viết những dòng ít tiêu cực hơn: “Con vẫn nhớ cái năm con đi quân dịch, từ vài tháng lính, rồi lên hạ sĩ quan. Hoàn cảnh sống khác xa nhau biết chừng nào: từ chủng viện Roma đến trại lính...”. Trong một lá thư khác gởi cho một đứa cháu trai thầy viết: “quân ngũ, nhất là quân ngũ trong thời chiến, quả thật là một trường đào tạo. Đối với chú, chú tạ ơn Chúa đã tạo nên quân ngũ thời bình cũng như thời chiến. Quân ngũ đã đưa cho chú một kinh nghiệm sống về con người và về cuộc đời”.

2) Bị tổng động viên làm tuyên úy quân đội (1915-1918).

Rời quân ngũ, thầy Roncalli trở lại chủng viện tiếp tục học trình. Đậu tiến sĩ thần học và được thụ phong linh mục cùng năm 1904. Cha được bổ nhiệm làm giáo sư tại chủng viện Bergame, và nhập hội Thánh Tâm từ năm 1911. Một năm sau ngày đệ nhất thế chiến bùng nổ, ngày 23.5.1915 cha Roncalli bị gọi tổng động viên với chức hạ sĩ quan. Rồi một năm sau, từ ngày 28.3.1916, cha làm tuyên úy cho đến khi mãn lính vào ngày 10.12.1918.

Vào lính với ý tưởng “chứng minh bằng việc làm lòng yêu nước chân thật của tôi và lòng thương mến linh hồn các anh em tôi”, cha Roncalli đã khích lệ lòng ái quốc của hai em trai mình là Saverio và Giuseppe qua những dòng viết như sau: “Chúng ta không nói xuông và phát ngôn bừa bãi như bao kẻ hèn lười khác, phải không các chú? Chúng ta biết rằng lòng yêu nước không là gì khác hơn là lòng yêu tha nhân và lòng yêu tha nhân này cũng đồng nghĩa với lòng mến Chúa”. Hoặc ngài viết “Không cần tôi phải ra tiền tuyến mới hiểu được người lính Ý cảm gì, muốn gì và chịu gì. Chiến tranh là chiến tranh”.

Năm 1917 cha Roncalli hy vọng rằng “chiến tranh sẽ sắp chấm dứt”. Nhưng mong ước rằng “mọi điều sẽ tốt đẹp cho phe ta, nghĩa là chiến tranh của quân đội ta và hòa bình đích thực và lâu bền”. Nhưng cũng năm 1917, sau khi trận tuyến Caporetto bị quân đội Áo Hung bẻ gẫy, cha Roncalli an ủi người em Saverio rằng:“Ta hãy xin Chúa chúc phúc cho quê hương yêu dấu này, quê hương này rất cần được Chúa chúc phúc. Phần thì anh run sợ, phần thì anh vẫn tin rằng Chúa sẽ cho quân đội ta chiến thắng”. Ngày 22.11.1917, cha Roncalli biên: “Giờ đây kẻ thù đã vào nhà rồi! Bằng bất cứ giá nào cũng phải đuổi nó ra, nếu không ta sẽ nguy hiểm vô cùng. Ai có nhà nấy! Ai trong chúng ta cũng có lỗi lầm. Nhưng bổn phận của ta hôm nay là phải hy sinh tất cả để đuổi quân Đức ra khỏi nước Ý”. Rồi trong thơ đề ngày 15.12.1917, cho chú em Giuseppe, cha biên: “Họa thay! nhiều binh lính của ta khi nghe nói đến hai chữ quê hương thì nhún vai, mỉm cười, nhạo báng hay nguyền rủa! Anh em ta không thế; Anh em ta làm bổn phận mình mà nhìn lên cao. Nhữøng người đã và đang cai trị ta không đáng ta hy sinh cho, nhưng quê hương ta, nay nguy hiểm, đáng hết thảy chúng ta hy sinh: người ta qua đi, nhưng quê hương còn đó. Hy sinh cho quê hương, ta biết rằng hy sinh cho anh em ta”.

Kết luận về bốn năm thế chiến, cha Roncalli viết trong nhật ký tâm hồn rằng: “Qua bốn năm chinh chiến thế giới sôi sục biến loạn, Chúa đã ban cho tôi bao hồng ân, bao kinh nghiệm, bao dịp để giúp ích anh em tôi”. Ngày được giải ngũ, cha Roncalli ghi lại “Tạ ơn Chúa”. Rồi biên thêm: “Tôi đến quân y viện để cáo từ ban giám đốc. Về đến nhà tôi muốn tẩy bỏ nơi tôi, nơi áo quần của tôi, tất cả những dấu tích của quân đội. Tôi vui biết chừng nào! Lạy Chúa, Chúa đã bẻ gẫy những xiềng đã xích tôi. Tôi xin dâng Chúa lễ vật hy sinh tán tụng. Tôi dâng lễ vật lên Chúa, trước dân Chúa, ở cửa vào nhà Chúa, ở giữa thành thánh Giêrusalem...”

3) Hoạt động sau thế chiến.

Rời quân ngũ, trước những ấn tượng đã chứng kiến cảnh những người trẻ bị tàn tật trong quân y viện, cha Roncalli trong chức vụ linh hướng chủng viện Bergame (1918-1920) quyết chí hiến thân làm việc cho giới trẻ sinh viên, chọn sống khó nghèo trong sứ vụ linh mục và không quên lãnh vực chính trị.

Cha Roncalli tìm được ở nơi thánh Jean Baptiste de Sale mẫu gương khó nghèo để loan tin mừng Phúc âm. Cha cũng tìm được ở lời khuyên của Đức Hồng Y Ferrari, Tổng giám mục Milan, lối hướng dẫn các hoạt động của mình. Cha ghi lại “Cuộc nói truyện với Đức Hồng Y đã cảm hóa tôi. Không nên chỉ đứng cửa sổ nhìn xuống. Nhưng phải làm việc. Cử động lên, xê dịch đi, chiếm mỗi ngày một ít. Những đảng viên đảng xã hội tuyên truyền và cố gắng vô cùng. Khốn cho ta nếu ta ngủ im!” Ngài suy nghĩ thêm: ”Ngoài vấn đề pháp lý, theo tôi còn hai bảo đảm khác, đó là bảo đảm của đức tin và bảo đảm của nhân tính thần thánh. Mỗi người hãy làm việc và làm tông đồ để tăng số con cái xứng đáng của Giáo Hội lên. Tại sao Guillaume đệ nhị thời ông và Wilson thời nay đã nghĩ rằng khi đến Roma là có bổn phận phải đến bái chào Đấng đại diện Đức Kitô? Bởi vì họ biết rằng sau họ có hàng triệu giáo dân có tổ chức, mà họ phải nghĩ đến. Chúng ta phải làm cho điều ấy được tôn trọng ngay tại nước Ý của chúng ta bằng bất cứ hình thức hợp pháp nào. Và chúng ta sẽ được bảo đảm thấy rằng Giáo Hội, Đức Kitô, Đức Giáo Hoàng sẽ chiến thắng”.

Cha Roncalli tham gia tổ chức “Đảng bình dân” ở Bergame. Nhưng ngài từ chối theo quyến rũ tái tạo một khối toàn tòng Công Giáo, vì ngài thấy ở đó nguy cơ quá khích tiềm ẩn trong ý tưởng lập đảng “Công Giáo”, dẫu rằng đảng chỉ dành cho giáo dân và không phải là chính thức của Giáo Hội.

Ngài chủ trương dùng đường lối ôn hòa và mong muốn linh mục tham gia vào việc quản trị “Công Giáo vụ” và việc truyền bá nông dân. Ngài viết: Sự hiện diện của linh mục biết giữ đúng chỗ đứng của mình luôn luôn là điều bổ ích. Ngược lại sự vắng mặt của linh mục sẽ tạo dịp cho “sự dữ” được tự do lưu hành hơn, cho những thiên kiến xấu được củng cố vững mạnh hơn. “Ở đâu cũng vậy. Chỗ nào có tội lỗi, chỗ ấy phải có linh mục hiện diện để mang ánh sáng Chúa Kitô đến”.

Ở điểm này, cha Roncalli không đồng ý với Đức Cha Luigi Marelli, tân giám mục Bergame. Ngài viết: “Tôi nói truyện với Đức Cha về nhiều điều, cũ cũng như mới, về bầu cử, về nghị viện, về các công việc kinh tế mà các linh mục nắm giữ... Điều làm tôi luôn luôn buồn là chỉ nghe thấy Đức Cha khen những việc cũ kỹ ngày xưa và chê những việc mới mẻ ngày nay. Nhẽ ra Đức Cha phải khích lệ bất cứ việc gì giúp ích cho dân Chúa. Trong bất cứ sáng kiến nào, ngài cũng chỉ nhìn thấy nguy hiểm và sai lầm, mà không bao giờ nhìn ra những lợi điểm tích cực. Tôi có cảm tưởng rằng Đức Cha là một người thánh thiện, chính trực, nhưng quá tiêu cực, không có chương trình kế hoạch”. Ngài biên thêm: “Đức Cha thường rất hay lưỡng lự, rồi rất lâu mới quyết định, rồi lại rụt rè. Đức Cha rất đáng mến, nhưng về cách nhìn các vấn đề và các nhu cầu tân tiến, về tư tưởng và chương trình, thì ngài quả là kém và nghèo. Một số trường hợp ngài không hiểu được. Một số hành động ngài không đủ can đảm làm, dẫu đó là những hành động sẽ làm cho ngài được vẻ vang. Ngài xin lỗi và rút lui. Trong lúc đó, những điều xấu miệng được đồn đại ra và làm hại nhiều cho Giáo Hội Chúa, giảm uy tín hàng giám mục. Nhiều lần tôi đã phải ngăn cản những cuộc nói chuyện rông dài, để nói tốt cho Đức Cha và bảo vệ ngài”. “Tôi có cảm giác rằng Đức Cha rất tốt và rất ngay thẳng. Ngài lưu tâm lo cho mọi việc liên quan đến địa phận ngài. Nhưng nghi ngờ và sợ sệt những điều mới lạ. Ngài lo lắng tránh né trở ngại, thích giải quyết những vấn đề đơn giản thường ngày hơn là xác định và khích lệ một đường lối hoạt động”.

Ngày 6.11.1919 trong cuộc bái kiến Đức Giáo Hoàng Bemoit XV, cha Roncalli đã được Đức Giáo Hoàng bày tỏ những bận tâm của ngài về phong trào thợ thuyền ở Bergame. Một năm sau, cha Roncalli được Đức Giáo Hoàng Benoit XV gọi về Roma để điều hành “Hội truyền bá đức tin ở Ý” (1920-1921). Từ năm 1921 cha Roncalli được bầu làm kinh sĩ danh dự hội Thánh Tâm, mà ngài đã gia nhập 10 năm trước đây. Cũng năm 1921, ngài được phong danh tước đức ông. Rồi năm 1924, đức ông Roncalli được mời làm giáo sư tại đại học Latran.

2. Kinh nghiệm ngoại giao Tòa Thánh trong đệ nhị thế chiến.

Hai giai đoạn đời sống đã được phân chia rõ rệt qua cuộc đời 82 tuổi của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII: đời sống 44 năm chính yếu phục vụ Giáo Hội Ý và đời sống 38 năm chính yếu phục vụ Giáo Hội hoàn vũ. Thời điểm phân chia hai cuộc sống ấy là năm 1925. Ngày 19.3.1925, đức ông Roncalli được bổ nhiệm làm việc trong ngành ngoại giao của Tòa Thánh và được tấn phong Giám mục. Từ đó 28 năm liên tục ngài làm việc trong ngành ngoại giao. Từ Giám mục Đại diện tông tòa tại Bảo Gia Lợi 1925-1935. Qua Giám mục Khâm mạng Tòa Thánh tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp 1935-1944. Đến Khâm sứ Tòa Thánh tại Pháp 1944-1953. Qua 28 năm ấy, Đức Cha Roncalli đã thâu thập được nhiều kinh nghiệm về các sự kiện chính trị và ngoại giao của trần thế. Thời chiến, chiến tranh thế giới thứ hai, qua 9 năm ở Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Cũng như thời bình, qua 10 năm tại Bulgarie và 9 năm tại Pháp. Những kinh nghiệm này đã dạy ngài nhiều bài học, qua đó ngài thấy được những mâu thuẩn giữa cái nhìn hành chánh của giáo triều Roma và thiên chức rao giảng tin mừng của Giáo Hội; ngài đặt lại vấn đề chiến tranh chính đáng; và ngài tìm ra được con đường kiến tạo hòa bình.

1) Đại diện tông tòa tại Bảo Gia Lợi (1925-1935).

Trong 10 năm được bổ nhiệm là Đại diện Tông tòa tại Bảo Gia Lợi, ấn tượng mạnh nhất lưu lại trong tâm hồn Đức Cha Roncalli là ấn tượng đau buồn lưu đầy mà ngài gọi là “rừng gai góc”.

Đau buồn vì thấy các chỉ thị mâu thuẫn nhau từ giáo triều Roma. Chỉ thị của Đức Hồng Y Sincero, chỉ thị của Đức Hồng Y Tisserant, chiều theo vị này thì mất lòng vị kia.

Đau buồn vì thấy sự cách biệt giữa điều mình thấy tại chỗ và điều mình đọc qua các chỉ thị của giáo triều. Ngài viết trong nhật ký: “Điều làm tôi rất đau buồn là thấy sự xa biệt giữa điều mà tôi nhìn thấy tận mắt tại chỗ và cách phê phán những điều ấy ở giáo triều Roma. Đó là thánh giá duy nhất mà tôi phải vác. Tôi muốn vác thánh giá ấy với đức khiêm nhường, với lòng chân thành muốn làm theo ý các bề trên có quyền trên tôi. Tôi muốn làm như vậy và chỉ có thế thôi. Tôi nói sự thật, nhưng từ tốn, bỏ qua những điều người ta xúc phạm tôi, tôi sẵn sàng hy sinh tôi. Chúa biết hết và xét xử tôi. Trước hết tôi luôn muốn làm điều lành đáp lại điều ác, và làm hết sức để luôn luôn chọn lựa Tin Mừng thay vào cơ xảo chính trị trần thế”.

Như khẩu hiệu đã chọn lúc được tấn phong giám mục và năm 1925: “Vâng lời và hòa bình”, Đức Cha Roncalli luôn luôn vâng theo các chỉ thị của giáo triều. Ngài giữ trong lòng và hy sinh những xác tín hay những dự án không phù hợp với các chỉ thị.

2) Khâm mạng Tòa Thánh tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp (1935-1944).

Ngày 5.1.1935, Đức Cha Roncalli được bổ nhiệm làm khâm mạng Tòa Thánh tại Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Ngài thi hành chức vụ này suốt 9 năm, trong đó 6 năm đệ nhị thế chiến. Những kinh nghiệm ở giai đoạn này đã mang lại cho Đức Roncalli nhiều yếu tố mới lạ và phong phú.

Làm đại diện cho Đức Giáo Hoàng, Đức Roncalli cho rằng mình có bổn phận làm đại diện cho vị cha chung của tất cả mọi người. Xác tín này đã làm ngài dần dà thay đổi quan niệm. Từ ái quốc quốc gia trong những năm chủng sinh và linh mục làm nghĩa vụ quân sự và làm tuyên úy quân đội Ý thời đệ nhất thế chiến, ngài đã tạo cho mình một tinh thần đại đồng. Khám phá ra rằng chiến tranh có bản chất chính trị và hiểu được rằng Giáo Hội có vai trò phổ cập, đó là hai khám phá mới khiến Đức Roncalli không còn hoàn toàn tin tưởng vào những giá trị thần thánh của chiến tranh nữa. Ngài đặt lại vấn đề chiến tranh chính đáng. Tiến trình thay đổi tư tưởng này không phải đường đột, nhưng chậm rãi và nhiều lúc gay go mâu thuẩn.

a. Trong các thơ gởi về gia đình. Đọc qua những thơ Đức Cha Roncalli gởi về cho gia đình của ngài, nhiều người cho rằng ngài còn bảo thủ, theo những tư tưởng của thời mình.

Trong thơ gởi gia đình vào giáng sinh 1939 từ Istambul, lúc mà nước Ý còn tuyên bố chưa tham chiến, ngài viết: “Xin hãy nghĩ đến những kẻ lâm vào chiến tranh, nghĩ đến dân Balan, dân Phần Lan, dân Đức, dân Nga. Các binh lính ra sao? Họ bị thương có, tử thương có, gây tang tóc cho bao gia đình! Những người lãnh đạo đã có trách nhiệm. Những vị này, hết thảy đều cứng đầu. Gia đình ta có cái may được ở Ý. Phải nói rằng có bàn tay Chúa dẫn dắt Đức “Duce” trong việc cai tṛ dân Ý. Có lẽ Chúa muốn thưởng người cầm quyền và dân chúng nước Ý vì đã biết làm hòa với Giáo Hội”.

Ngày 21.6.1940, ngài khuyên gia đình hãy theo “lời vàng ngọc” của Đức Bernareggi, giám mục Bergame, mà phục tòng chính quyền và “cầu nguyện để nước Ý vừa lâm chiến, mau thoát khỏi, nhờ một trật tự công lý mới và nhờ một hòa bình đảm bảo lâu bền”.

b. Trong nhật ký. Nhưng những hậu quả ghê gớm của chiến tranh ở Hy Lạp đã làm Đức Giám Mục Roncalli từ bỏ ý tưởng lợi ích chiến tranh của quốc gia, để dần dà thiên về ý tưởng chiến tranh là hình phạt của Thiên Chúa. Trong nhiều trang nhật ký viết vào những năm 40, ngài còn chỉ trích, kết án chiến tranh một cách toàn diện, trên bình diện luân lý. Ngài viết: “Tiếng than của các dân tộc, nổi dậy từ khắp các nẻo ngỏ âu châu và từ nhiều nơi khác nữa, tôi đã nghe thấy. Chiến tranh tàn sát, thiêu rụi trên đất, trên biển, trên trời, không là gì khác hơn là sự trừng phạt của Thiên Chúa. Nhiều người đã và còn đang chủ trương rằng Chúa phải bảo vệ dân này hay dân kia, hoặc cho họ thất bại hay chiến thắng, vì nơi họ còn có người tốt, còn có việc lành. Những người này đã quên rằng Chúa đã tạo lập lên các quốc gia, nhưng Chúa đã để cho con người được tự do dựng nên các quốc gia ấy. Chúa đã ban luật sống cho tất cả mọi người và mọi quốc gia: đó là luật Phúc âm. Chúa chỉ hứa bảo đảm giúp đỡ riêng cái quốc gia của những người tin vào Chúa, đó là Giáo Hội, và chỉ Giáo Hội mà thôi. Và ngay cả đối với Giáo Hội, Chúa cũng chỉ hứa giúp đỡ Giáo Hội khỏi tan rã, chứ không hứa giúp Giáo Hội khỏi bị nghịch cảnh và khỏi bị bắt bớ”.

“Luật sống của các cá nhân và của các dân tộc xác định công lý và quân bình phổ quát, xác định giới hạn xử dụng tài nguyên, giới hạn thỏa mãn thú vui, và giới hạn xử dụng quyền hành. Nếu người ta vi phạm luật sống này, thì những trừng phạt ghê gớm và khủng khiếp tức khắc sẽ được áp dụng. Không một quốc gia nào thoát khỏi. Mỗi quốc gia đều có lượt mình”.

“Chiến tranh là một trong những trừng phạt ghê sợ nhất. Không phải vì Chúa muốn, nhưng vì các con người, các dân tộc, các quốc gia, và những đại diện của các con người ấy, của các dân tộc ấy, của các quốc gia ấy muốn. Động đất, lụt lội, đói kém, dịch hạch chỉ là do những luật lệ thiên nhiên mù quáng áp dụng, mù quáng vì thiên nhiên vật chất không có trí hiểu và không có ý chí. Còn chiến tranh, trái lại, là do con người muốn, dẫu biết rõ nguyên nhân, mà vẫn chê bỏ mọi luật thánh. Bởi vậy, chiến tranh vẫn nghiêm trọng hơn nhiều. Kẻ khơi ra, kẻ xúi dục chiến tranh luôn mãi là “Vương tử của thế gian“, chứ không dính líu gì đến Đức Kitô, “hoàng tử của hòa bình”. Và khi chiến tranh khởi sự, thì mọi dân tộc chỉ còn lầm than và bị lòng thương xót Chúa bỏ rơi: chiến tranh chà đạp chân lý; và may ra, nhờ một ân sủng vô bờ nào đó, khiến các kẻ cầm quyền của thế gian này tìm lại được lý tính, may ra tìm lại được những tư tưởng về hòa bình”.

3) Sứ Thần Tòa Thánh tại Pháp (1944-1953).

Đêm mồng 6 rạng mồng 7 tháng 12 năm 1944, Đức Giám Mục Roncalli nhận được một điện tín từ Vatican “Đức Thánh Cha dự định bổ nhiệm ngài vào chức vụ Sứ Thần Tòa Thánh ở Paris. Xin ngài điện lại cho biết trả lời của ngài. Dẫu sao mặc lòng, ngay khi nhận được công điện, ngài nên đi ngay, vì người ta đợi ngài ở Paris, ngày đầu năm dương lịch, để đại diện ngoại giao đoàn”.

Ngày hôm sau 7.12.1944, Đức Cha Roncalli điện cho Đức Giám Mục Tardini, phủ quốc vụ khanh: “Tôi biết tôi, tôi biết rằng tôi thích ở lại Istambul hơn. Nhưng ý Chúa quan phòng đã rõ rệt qua sự chỉ định của Đức Thánh Cha, tôi không bao giờ từ chối bổn phận thi hành ý Chúa và phục vụ giáo triều trong những giờ phút nghiêm trọng”.

Ngày 29.12.1944 Đức Thánh Cha Pio XII tiếp Đức Roncalli tại Roma. Đức Thánh Cha nói: “Tôi chỉ có 10 phút để tiếp truyện Đức Cha. Tôi muốn nói ngay rằng tôi cử đặt Đức Cha không phải vì ai cả. Tôi đã suy nghĩ, cầu nguyện và quyết định. Bởi vậy, xin Đức Cha tin chắc rằng ý Chúa đã rất rõ rệt và rất khích lệ”. Đức Roncalli liền đáp lời: “Tâu Đức Thánh Cha, 9 phút triều yết còn lại con không cần nữa. Vì con đã có đủ “lệ phí lương thực” để tập nghề mới rồi”.

Rời Roma, đi Paris nhận nhiệm sở mới, Đức Tổng Giám Mục Roncalli làm Sứ Thần 9 năm tại Pháp (1944-1953). Chín năm rất quan trọng cho sự nghiệp Giáo Hoàng sau này của ngài. Nhiều kinh nghiệm mới đã được thâu thập: hòa đàm, linh mục thợ, liên lạc với các sinh lực Công Giáo mới và với thế giới ngoại giao. Ngài học hỏi được rất nhiều điều, nhưng điều quan trọng hơn cả, có lẽ là kinh nghiệm tìm kiếm hòa bình.

Ngày 1.1.1945, Đức Sứ Thần Roncalli bước nhanh trên bậc thang ở bộ chiến tranh, đường Saint Dominique, để trình ủy nhiệm thơ lên tướng de Gaulle. Trong nghi lễ, Đức Sứ Thần Roncalli đã dám thưa với vị lãnh đạo chính phủ lâm thời những điều mà ít vị trong ngành ngoại giao Vatican dám nghĩ đến: “Nhờ sự sáng suốt chính trị và lòng quật cường của đại tướng, mảnh đất quí yêu này đã tìm lại được sự tự đo và tin tưởng vào được vận mệnh của mình”.

Ngày 2.1.1945 Đức Sứ Thần Roncalli qua tòa đại sứ Nga thăm xã giao đại sứ Alexandre Bogomolov. Thủ tục ngoại giao đòi hỏi như vậy, vì nếu Đức Sứ Thần Roncalli đã không đến Paris kịp thời, thì đại sứ ALexandre Bogomolov, vì lão niên, đã phải đại diện ngoại giao đoàn chúc tuổi tướng de Gaulle.

Tiếp theo đó là bao cuộc gặp gỡ các nhân vật chính trị khác, những nhân vật chính trị nắm trong tay vận mệnh hòa bình thế giới, từ Molotov ở Nga, đến Churchill ở Anh, qua Eishenhower ở Mỹ, Nehru ở Ấn... Nhưng Đức Sứ Thần vẫn thấy rằng gặp các vị có quyền lực là thứ yếu so với gặp các nền văn minh và văn hóa. Trong một bài giảng ở nhà thờ chính tòa Bourges ngài nói: “Ra khỏi cơn bão táp, trước khi định hướng, để tìm lại yên tịnh, đôi khi ta do dự... Ta quay hướng này, ta thử hướng kia, tìm về, nhớ lại những nền văn hóa khác. Những sự việc đổi thay, những hiến chương mới mẻ, những tiến bộ chắc chắn... đều có thể làm cho đời sống của ta dễ chịu hơn. Cố gắng, cố gắng của mọi dân tộc tìm về công lý, tìm về sự thật, tìm về trật tự. Nhưng ta có thể thực sự tìm được điều gì có thể thay thế và có thể biến đổi thân xác và tâm hồn con người được không? Ta có thể tìm được luật luân lý nào cao hơn luật luân lý của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta không?”

Ngày 28.8.1946, Đức Sứ Thần tham dự ngày khai mạc hòa đàm tại dinh Luxembourg. Cũng dịp này ngài tiếp đoàn đại biểu của Hồ Chí Minh, đang ở Pháp, và tiếp cả phái đoàn Bảo Gia Lợi nữa. Lúc này, các đề tài lớn mà Đức Sứ Thần Roncalli thường hay đề cập đến đều xoay quanh ba vấn đề sau đây. Vấn đề văn hóa xã hội của các nước bại trận, vấn đề văn hóa xã hội của các nước đang trên đường được giải thoát thực dân. Và các vấn đề về quan niệm hòa bình quá khứ, nhằm giải quyết tương lai thế giới, trên căn bản các ý thức hệ hủ hóa, và dưới sức ép bị diệt vong.

Ngày 31.12.1949, trong bài diễn văn cuối năm đọc trước tổng thống Vincent Auriol, Đức Sứ Thần Roncalli vạch rõ ra rằng sự bất công là nguồn gốc sinh ra các loại chiến tranh. Ngài nói: “Hai đại chiến thế giới tiếp nối nhau. Đại chiến thứ hai khủng khiếp hơn đại chiến thứ nhất, với sức tàn sát càng ngày càng khủng khiếp hơn, bởi các tiến bộ khoa học đã phục vụ cho quân sự, dẫn ta đến thời điểm càng ngày càng buồn tủi hơn của nhân loại, buồn tủi đến nỗi tất cả chúng ta đều hổ thẹn. Vì chiến tranh, các tâm tư lo âu, các gia đình và các quốc gia xáo trộn, toàn thể địa cầu bực dọc. Lý do vì đã hết hy vọng được phồn thịnh, sự phồn thịnh có thể dẫn đưa Thổ thần về trái đất, sự phồn thịnh mà rút cục, cho đến hôm nay, chỉ là chia sẻ cái khó nghèo và cái đau khổ. Sự thất vọng này đã phát thành tiếng rên xiết não nề và ghê rợn của quần chúng, hết còn nhẫn nại được nữa vì đã đợi chờ quá lâu rồi”.

Cũng dịp tương tự năm sau, ngày 30.12.1950, Đức Sứ Thần xác định rõ rệt hơn học thuyết của ngài: “Luật của hòa bình là luật của văn minh. Trước khi được khảm lên đá trên núi Thánh Kinh, luật này đã được ghi, và còn ghi mãi, trong tâm khảm mỗi người. Trước khi được Đức Kitô nâng lên và hội nhập vào giáo lý tuyệt hảo của Ngài, luật này đã được đặt làm thành nền tảng cho trật tự nhân loại, ở bình diện cá nhân, gia đình, cũng như xã hội”.

Ngày 11.7.1951, trước đại hội của tổ chức UNESCO, Đức Sứ Thần tóm gọn học thuyết của ngài qua câu rằng: “Với hết mọi tâm hồn thiện tâm, đều có một tình cảm huynh đệ, sáng lên trên nét mặt của từng người, như một phản ánh dung nhan Thiên Chúa”.

Ngày 12.1.1953, Đức Sứ Thần được tấn phong Hồng Y và đồng thời được bổ nhiệm làm giáo chủ Venise. Ngài ghi trong nhật ký: “Buồn vì ra đi, nhưng êm ái trong sự hiệp nhất với Chúa và trong an bình lương tâm vì đã làm cho người ta yêu mến sự lành. Thánh lễ 6 giờ sáng. 7 giờ 30 từ giã, yên lặng, cảm động, đâu đây vài giọt lệ”.

Ngày 15.3.1953, ngài tuyên thệ nhậm chức Hồng Y giáo chủ Venise, cũng là ngày Staline chết.

II. THÔNG ĐIỆP ”HÒA BÌNH TRÊN THẾ GIỚI” CỦA Đức Giáo Hoàng GIOAN XXIII.

Những kinh nghiệm chiến tranh và chính trị ngoại giao đã dần dần xây dựng nên trong tâm trí Đức Roncalli hai học thuyết căn bản là công lý và hòa bình. Công lý trong các vấn đề xã hội. Hòa bình trong các vấn đề chính trị. Được bầu làm Giáo Hoàng thứ 261 của Giáo Hội vào ngày 25.10.1958, ngài chọn danh hiệu là Gioan XXIII.

Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII cai trị Hội Thánh chỉ được 5 năm từ 1958 đến 1963, gần 40 năm sau, năm 2000, chúng ta còn đang sống trước mắt những công trình ngài để lại. Ngài đã khai trương nhiều công trình lớn qua hai chiều hướng.

- Về nội bộ Giáo Hội: cải tổ sâu rộng về tổ chức, canh tân phụng vụ, đổi mới việc trình bày giáo lý, tu chính giáo luật...

- Về đối ngoại, gần thì tiến tới sự hiệp nhất giữa các Giáo Hội Kitô với khẩu hiệu “Ut sint Unum” xin cho họ được nên một, xa hơn thì tiến đến với lương dân với hai nền tảng vững chắc “justicia et pax” công lý và hòa bình.

Có nhiều tài liệu ghi lại các công trình ấy, mà một trong những nguồn tài liệu ấy là các thông điệp Giáo Hoàng. Như chúng ta đã thấy ngay trang đầu của bài này. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã ban bố tất cả 9 thông điệp, trong đó thông điệp “Mẹ và Thầy” và thông điệp “Hòa Bình trên Thế Giới” là hai thông điệp có tầm ảnh hưởng quan trọng và sâu rộng hơn cả, trong mục vụ tông đồ giáo dân cũng như trong văn hóa xã hội thế giới. Hai thông điệp này gắn liền với nhau như “lợi với răng”. Không thể có hòa bình nếu còn bất công. Nếu có công lý thì ắt có hòa bình. Hai thông điệp trình bày hai khía cạnh của hòa bình: hòa bình xã hội qua thông điệp Mẹ và Thầy và hòa bình chính trị qua thông điệp Hòa Bình trên Thế Giới. Nếu hiểu được một khía cạnh thì ắt cũng dễ đạt được khía cạnh thứ hai. Để tiếp nối chương IV, trình bày về thông điệp Mẹ và Thầy, dưới đây là phần trình bày về thông điệp Hòa Bình trên Thế Giới dưới hai điểm: dịp phát sinh ra thông điệp và nội dung thông điệp.

1. Dịp phát sinh ra thông điệp.

1) Khủng hoảng Cuba: tháng 10.1962.

Cuba cách bờ biển Mỹ 90 dậm.

Trên đất Cuba, nhân công làm việc ngày đêm để thiết bị dàn hỏa tiễn Sô-viết. Trên không máy bay trinh thám 42 của Mỹ chụp hình các kỹ sư, cán bộ Sô-viết đang ráo riết xây dàn hỏa tiễn: có 42 hỏa tiễn đầu đạn nguyên tử. Trên biển, 25 tầu Sô-viết chở các thiết bị, vật liệu, hỏa tiễn qua Đại Tây Dương đến Cuba, 90 tầu chiến Mỹ, có 8 hàng không mẫu hạm chở 68 phi cơ chiến đến hộ tống, theo lệnh tổng thống Kennedy để chận đón tầu của Khrouchtchev.

Từ sau đệ nhị thế chiến, chưa bao giờ có một cuộc tụ quân ghê gớm như vậy tại eo biển Floride.

Cùng lúc ấy, tại Vương cung thánh đường thánh Phêrô, 2.540 giám mục đã được triệu tập từ khắp thế giới về dự Công đồng Vatican II, khai mạc từ ngày 11.10.1962. Giáo Hội và các nghị phụ Công đồng có thể nào ngồi yên mà hát nhạc bình ca và thảo luận về phụng vụ được chăng, trước nguy cơ chiến tranh thứ ba, chiến tranh nguyên tử khủng khiếp? Trong vài ngày, nhiều vị trách nhiệm Vatican đã nghĩ đến việc đình hoãn Công đồng lại để các nghị phụ kịp trở về các địa phận của mình trước khi bất trắc xẩy ra.

Ngày 20.10.1962, Đại hội các nghị phụ tán đồng phổ biến một “sứ điệp cho thế giới”. Các nghị phụ cả quyết rằng “rất lưu tâm đến những thống khổ của con người, đặc biệt là của lớp người bần cùng, yếu đau”. Các ngài “thương xót đám đông đói rách, khổ cực và dốt nát”. Khai mạc Công đồng với một tuyên ngôn về các vấn đề của con người như vậy quả là một sự kiện mới lạ trong Giáo Hội. Dẫu không hề đá động gì đến tương tranh Mỹ-Nga, nhưng sự căng thẳng này đã làm xao động hàng giáo phẩm Công Giáo về số phận của con người và sự xao xuyến này đã tràn sâu vào khắp cả Giáo Hội.

Ngày 21.10.1962, lần đầu tiên một cơ quan báo chí Nga, thông tấn xã Tass phản ứng. Thông tấn xã chính thức của Moscou đã ghi nhận sự quan trọng của sứ điệp mà các nghị phụ gởi đi và đặc biệt trích dẫn đoạn văn sau đây: “Ai không ghê tởm chiến tranh? Ai không mong muốn hòa bình? Giáo Hội cũng vậy. Giáo Hội không ngừng công bố lòng mình hâm mộ hòa bình và lòng mình trung thành hết sức cộng tác để xây dựng hòa bình”.

Ngày 22.10.1962, tổng thống Kennedy quyết định phong tỏa Cuba, ngăn chận tất cả mọi tầu bè đi vào Cuba.

Trong phòng họp Liên Hiệp Quốc, đại diện Mỹ, ông Stevenson, tuyên bố: “Từ sau thế chiến thứ hai, chưa bao giờ hòa bình bị đe dọa một cách quyết liệt như vầy, chưa bao giờ có thách thức trầm trọng như vầy cho các nước đã ký hiến chương Liên Hiệp Quốc. Mọi hy vọng của nhân loại đã bị khóa chặt trong căn phòng này”. Ở Anh, ở Mỹ, nhiều trí thức và các phong trào chủ hòa kết án quyết đ̣nh của Kennedy.

Mỹ và Nga dường như không còn có thể ngồi chung đối thoại với nhau được nữa. Trên nước, trên bộ, trên không, chỗ nào họ cũng gườm nhau. Liên Hiệp Quốc bất lực, bị loại ra khỏi mọi vòng môi giới. Các nhà ngoại giao Nga, Mỹ, rải rắc khắp thế giới, không còn chỉ thị, khoanh tay chờ đợi. Từ giờ phút này, không còn chiến thuật, chiến lược nào nữa. Mọi nẻo đường đều dẫn đến tai họa. Điện Cẩm Linh và Nhà trắng bắt buộc sẽ phải có phản ứng dây chuyền, không thể tránh được.

May thay còn một chỗ mà các nhà học giả Mỹ Nga còn đang ngồi chung trong một làng nhỏ gần Andover, tiểu bang Maryland, trong khuôn khổ các hiệp ước văn hóa của hai siêu cường. Nhưng ngay ở đây, bầu khí hội nghị cũng rất nặng nề vì ưu tư và lo lắng. Chiều 23.10.1962, có người đã gợi ý với phái đoàn Nga nên lấy máy bay về nước đi, bằng không sẽ chẳng còn kịp nữa.

Chiều 23.10.1962, Tổng thống Kennedy điện thoại cho ký giả Norman Cousins một trong những đại diện của Mỹ, đồng chủ tịch của hội nghị này, để nhờ ông xin Đức Giáo Hoàng XXIII can thiệp. Tổng thống Kennedy cho Cousins hay rằng: “Tình thế không còn có thể kiểm soát và điều khiển được nữa. Có lẽ trong vòng 6 giờ nữa đây, sẽ phải bấm nút bom nguyên tử. Điều đó có nghĩa là ít nhất sẽ có 1 tỷ 200 triệu người sẽ bị tử vong”. Ký giả Cousins là người có một chủ thuyết đặc biệt để giải quyết các khủng hoảng thế giới. Theo ông, phải tạo một cơ quan có uy quyền và hiệu năng để phòng ngừa và giải quyết các căng thẳng giữa các cường quốc. Mà Liên Hiệp Quốc thì bất lực. Chỉ còn có một người trên thế giới. Đó là Đức Giáo Hoàng ở Roma, qua con người của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, được mọi phía công nhận là có uy tín và uy quyền. Nếu Đức Giáo Hoàng chịu can thiệp, thì sẽ không bị nghi ngờ là thiên tư và sẽ được cả tổng thống Kennedy lẫn tổng thư ký Khrouchtchev kính nể, bởi không ai sẽ bị coi là bại trận. Ngoài ký giả Cousins ra, tổng thống Kennedy còn tìm kiếm nhiều đường dây khác để nhờ Vatican can thiệp.

Ký giả Cousins liền nói chuyện ngay với linh mục Felix Morlion, khách ông mời kín đáo tham dự hội nghị với ông. Ký giả Cousins trình bày tình hình và xin cha Morlion vận dụng hết các liên lạc quen biết của ngài ở giáo triều Roma, hầu xin Đức Giáo Hoàng can thiệp. Cha Morlion liền điện thoại cho Đức Cha Cardinale, một trong những cộng sự viên của Đức Giáo Hoàng ở phủ quốc vụ khanh. Mấy phút sau, cha được Đức Cha Cardinale cho hay rằng Đức Giáo Hoàng sẵn sàng can thiệp bằng cách viết một sứ điệp, ưu tiên gởi cho hai phe Nga-Mỹ liên hệ. Tổng thống Kennedy là người đầu tiên chấp nhận sáng kiến này. Nhưng ông lo lắng không biết làm sao để kéo tổng thư ký Khrouchtchev ra khỏi vòng ảnh hưởng của phe chủ chiến ở Nga.

Trong phái đoàn Nga dự hội nghị Andover có hai người là bạn riêng của Khrouchtchev là ông Choumeiko và ông Feosdorov. Cha Morlion gặp hai ông này. Họ ngỡ ngàng vì lần đầu tiên được nói truyện với một linh mục Công Giáo. Hiểu chuyện rồi, họ cho hay rằng theo ý họ, có lẽ tổng thư ký Khrouchtchev sẽ chấp nhận sự trung gian của Đức Giáo Hoàng. Họ xin cha Morlion biên một sứ điệp để họ chuyển ngay cho tổng thư ký Khrouchtchev bằng mật hiệu. Cha Morlion liền biên ngay một sứ điệp đại cương tin tưởng vào lòng yêu chuộng hòa bình của ông Khrouchtchev và ý chí của ông không muốn giết hàng trăm ngàn triệu người chỉ vì uy quyền chính trị.

Sáng ngày thứ tư, 24.10.1962, Đức Thánh Cha được báo tin rằng đã đến lúc phải lên tiếng. Nhà Trắng và Điệm Cẩm Linh đều phó thác cho ngài sứ mệnh giải tỏa căng thẳng. Đức Thánh Cha biết rằng tổng thư ký Khrouchtchev chờ đợi một dấu hiệu công khai quí chuộng ông. Dịp may sẵn có. Theo chương trình, Đức Thánh Cha sẽ phải đọc một diễn văn trước một ngàn người Bồ Đào Nha đang hành hương tại Roma. Sau khi đã đọc bài diễn văn viết sẵn, Đức Thánh Cha ứng khẩu thêm rằng: “Giáo Hoàng luôn luôn sẵn sàng nói tốt về mọi người có trách nhiệm quốc gia. Các vị này, đâu đó khắp nơi trên hoàn cầu, nên tìm gặp nhau, để tránh chiến tranh, mà đưa lại chút ít hòa bình cho nhân loại. Nhưng ai cũng phải biết rằng chỉ có Thần Linh Chúa mới làm được phép lạ này. Bởi vì, hiển nhiên rằng, nếu thiếu thực chất, tức là đời sống tinh thần, thì làm sao tưởng tượng được gì? Làm sao mà tìm kiếm được gì?”

Đêm ấy, Đức Thánh Cha và hai cộng sự viên của ngài là Đức Cha Cardinale và Đức Cha Dell'Acqua làm việc rất khuya để chuẩn bị văn bản. Hừng sáng lời kêu gọi được soạn thảo xong, các phân bộ ngôn ngữ liền tức khắc dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau.

Sáng ngày thứ năm, 25.10.1962, các sứ giả Vatican gõ cửa hai tòa đại sứ Mỹ và Nga để trao sứ điệp của Đức Thánh Cha. Ngài viết: “Tôi xin lập lại lời đã nói khi đón 86 phái đoàn đặc biệt hiện diện tại Công đồng rằng Giáo Hội không hề để tâm đến gì khác hơn bằng hòa bình và huynh đệ giữa các dân tộc. Giáo Hội không ngừng làm việc để xây dựng hai điều ấy. Ở điểm này, tôi xin xác định lại trách nhiệm nghiêm trọng của quí vị có trách nhiệm công quyền. Tôi cũng xin thêm rằng đặt tay trên lương tâm, xin quí vị hãy lắng nghe tiếng kêu rên thảm thiết từ mọi phương trời, từ trẻ đến già, từ cá nhân đến cộng đoàn, đang dâng lên đến tận trời xanh: xin được hòa bình. Xin được hòa bình”!

“Hôm nay, tôi xin được lập lại lời khẩn nài long trọng này. Tôi xin tất cả quí vị cầm quyền đừng làm ngơ giả điếc trước tiếng kêu van này của nhân loại. Xin quí vị hãy làm tất cả những gì nơi quí vị để cứu vãn hòa bình. Như vậy, quí vị sẽ tránh được cho thế giới những khủng khiếp của một chiến tranh mà không ai có thể lường trước được những hậu quả ghê gớm”.

“Xin quí vị hãy tiếp tục thương thuyết, vì đó là thái độ đứng đắn và cởi mở có giá trị bảo đảm, trước lương tâm của mỗi người và trước lịch sử. Cổ võ, tán trợ và chấp nhận những người đàm phán, ở mọi cấp bậc và ở mọi thời điểm, đó là mẹo mực khôn ngoan và cẩn trọng được trời và đất chúc phúc”.

Trưa ngày thứ năm, 25.10.1962, đài phát thanh Vatican phổ biến lời kêu gọi. Cùng giờ ấy, một nửa chiến thuyền Nga gần vùng phong tỏa ở biển Đại Tây Dương quay mũi trở lui.

Chiều 25.10.1962, Nhà Trắng được báo tin rằng hai đại sứ Nga ở Luân Đôn và ở Bonn bày tỏ ưu tư tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho tranh chấp.

Ngày thứ sáu, 26.10.1962, Báo Pravda ấn hành lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng trên trang nhất và in đậm lời Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII kêu gọi cần thiết phải thương nghị.

Cùng ngày ấy, Nhà Trắng nhận được một điện tín dài do tổng thư ký Khrouchtchev gởi cho tổng thống Kennedy, đại cương nói rằng nếu Mỹ hứa sẽ không xâm lấn Cuba và sẽ không cho phép ai khác làm điều ấy, nếu Mỹ ra lệnh cho hạm đội ngoài biển ngưng phong tỏa Cuba, thì mọi chuyện sẽ thay đổi ngay. Nga sẽ cho rằng không cần thiết phải ở lại Cuba nữa.

Tổûng thống Kennedy trả lời ngay cho tổng thư ký Khrouchtchev rằng sẵn sàng ký một hiệp ước.

Chúa Nhật 28.10.1962, tổng thư ký Khrouchtchev trả lời lại tổng thống Kennedy rằng sẵn sàng giao ước ngưng mọi hoạt động xây cất dàn hỏa tiễn, rút quân khỏi Cuba về Nga và khởi sự đàm phán ở Liên Hiệp Quốc.

Các báo chí ngày Chúa Nhật ở Roma còn đăng tải nhiều tin hoang mang. Ít ai biết rằng sợi dây chiến tranh đã được cắt đứt kịp thời. Trong nhà nguyện riêng, Đức Thánh Cha Gioan XXIII cử hành thánh lễ cầu nguyện cho hòa bình. Đó cũng là ngày kỷ niệm 4 năm ngài được bầu làm Giáo Hoàng, ngày 28.10.1958. Đức Cha Dell'Aqua dâng ngài bức điện mật gởi đi từ Mỹ báo tin rằng tổng thư ký Khrouchtchev đã nhận lời mời của Đức Thánh Cha và tổng thống Kennedy tỏ lòng tạ ơn Đức Thánh Cha đã giúp can thiệp. Điện Cẩm Linh, ngoài ra, còn đòi hỏi phải tiếp tục đối thoại cả trên những vấn đề tổng quát hơn: cấm vũ khí nguyên tử, giảm trừ binh bị và dịu hòa thế giới.

2) Thiết kế thông điệp hòa bình, tháng 11.1962.

Bốn ngày sau cơn khủng hoảng Cuba, Đức Thánh Cha Gioan XXIII quyết định nhân dịp này, biên soạn một thông điệp về hòa bình thế giới. Thực ra từ lâu ngài đã cảm thấy nhu cầu làm một bản tổng hợp tóm gọn tư tưởng Công Giáo về hòa bình, một tổng hợp trong đó thuyết nhân bản mới sẽ được đề cập đến. Đàng khác, thông điệp “Mẹ và Thầy”, công bố năm 1961, đề cập đến công lý xã hội đòi phải được bổ túc, như chính lời Đức Thánh Cha đã nói với một người bạn rằng: “Phải có hòa bình thì mọi năng lực thế giới mới có thể được xử dụng để chống lại bất công xã hội, để thăng tiến nhân tính và linh tính của con người. Thông điệp ‘Mẹ và Thầy’ đòi hỏi tư tưởng mới này của Giáo Hội về hòa bình”.

Ngày 16.11.1962, sau khi đã nói truyện với giáo sư Pietro Valdoni và với bác sĩ riêng của mình là giáo sư Pietro Mazzoni, Đức Thánh Cha Gioan XXIII đã biến ý tưởng thành một quyết định: xác định qua trọn một bản văn những viễn tượng mới về hòa bình nhân loại. Đức Thánh Cha quyết định như vậy vì các bác sĩ của ngài cho ngài hay rằng ngài mắc một chứng bệnh nan y, chắc chẳng còn sống nổi một năm nữa đâu. Ngài quyết định dùng những ngày tháng còn lại này để cống hiến cho hòa bình.

Ngồi vào bàn viết, Đức Thánh Cha đánh máy những ý tưởng đến trong tâm trí.

“Và giờ đây các ngươi hãy chúc tụng Thiên Chúa hoàn vũ, vì Ngài đã làm những việc kỳ công, vì Ngài đã làm cho đời ta tươi lên từ lòng mẹ và vì Ngài đã đãi ngộ ta với lòng nhân hậu của Ngài. Xin Ngài cho ta được con tim vui mừng và xin Ngài cho những ngày sống của ta nơi Israel được hòa bình, như những ngày thuở xưa” (Si 50, 22-23).

“Trong khi thành thánh được an cư thái bình và luật lệ được trọn hảo tuân giữ, nhờ lòng đạo đức gớm ghét sự dữ của thượng tế Onya, thì ngay cả các vua cũng tôn kính nơi thánh và trọng kính Đền Thờ” (2M 3,1-2)

“Hòa bình là sự yên tịnh theo trật tự trong mọi sự, là sự tuân giữ có thứ tự theo luật đời đời trong trung tín. Thứ tự là dành cho mọi sự cái chỗ của nó. Hòa bình nhân loại là sự hòa hợp có thứ tự, trong nhà, trong thành, trong mỗi người. Dân xa lạ với Chúa thì bất hạnh thay” (Thánh Augustino,de civilitate Dei).

Bản thảo tiên khởi này đã được thai nghén trong thánh kinh và giáo phụ. Nguyên thủy của bản thảo này chỉ là những trích dẫn những văn bản tôn giáo mà Đức Thánh Cha hằng nuôi dưỡng mình từ thuở còn trẻ mà ngài muốn đưa ra như một sườn bài và như một nguồn cảm hứng để viết thông điệp.

Thủ tục chuẩn bị một thông điệp là phải tạo một nhóm soạn thảo. Đức Thánh Cha phác họa những ý chính, rồi nhóm chuyên viên soạn thảo làm đề án và thực hiện. Theo thủ tục ấy, lập tức trong tháng 11.1962, Đức Thánh Cha cho mời cha Pietro Pavan, 58 tuổi, giáo sư đại học Latran mà ngài đã biết từ lâu. Ngài nói với cha Pavan: “Chúa vừa giải thoát chúng ta thoát một tai nạn chiến tranh mới. Tôi góp ít sức mà tôi có thể. Ngày nay nghe nói rằng khi Giáo Hoàng nói về hòa bình thì người ta có nghe chút ít. Nếu thế, thì tôi có nên khai triển rộng rãi hơn sơ đồ về hòa bình của tôi chăng?”. Rồi Đức Thánh Cha cho cha Pavan hay những mục tiêu, những ý hướng của ngài. Ngài cũng bàn luận với cha Pavan về những ý tưởng chính của thông điệp tương lai.

Từ buổi gặp gỡ này, cha Pavan, nhà xã hội học, đã xuất bản năm 1952 cuốn sách nhan đề “Dân Chủ và Kitô giáo”, suy nghĩ về những ý hướng của Đức Thánh Cha để soạn thảo một đồ án thiết kế thông điệp. Thứ nhất thông điệp phải có một ý hướng mục vụ, nghĩa là thực tế, để hướng dẫn người Công Giáo trong các hoạt động bảo vệ hòa bình, trong một xã hội đa phương, đa dạng và lương giáo. Thứ hai, thông điệp phải khích lệ giáo dân tham gia vào chính trường với đầy đủ khả năng thực lực và hoàn toàn độc lập. Lý do vì lòng đạo đức mà thôi không đủ, và nữa, trong lãnh vực này, tôn giáo không thể còn được coi như tiêu chuẩn phân biệt được nữa. Càng ngày giáo dân càng thường làm việc với lương dân. Có nên vì thế mà bảo rằng những giáo dân này ít còn Công Giáo không? Mẹo luật căn bản về giao tương giữa các dân tộc và các cá nhân là phải tìm điều nối kết hơn là điều phân ly. Vậy giữa giáo dân và lương dân có cái gì là chung, nối kết họ lại với nhau? Xin thưa đó là ý thức nhân vị, ý thức của mỗi người rằng mình là một nhân vị. Đó là một di sản giá trị vô cùng, trên bình diện tôn giáo cũng như trên bình diện nhân bản. Cha Pavan bắt đầu thiết kế ngay dự án thông điệp theo chiều hướng ấy.

Nhưng mười ngày sau, cha Pavan đã phải thất vọng linh cảm rằng công việc mình vừa bắt đầu sẽ chẳng bao giờ hoàn thành trọn vẹn thực hiện được. Sức khỏe của Đức Thánh Cha xem ra suy sút nhiều. Buổi xuất triều mới nhất, ngày 25.11.1962, Đức Thánh Cha đã rõ rệt ám chỉ rằng ngài sẽ chẳng còn sống được bao ngày nữa. Ngày hôm sau Đức Thánh Cha bị bao tử xuất huyết. Buổi triều yết thứ tư bị bãi bỏ. Các bác sĩ ra vào điện Vatican nhiều hơn, chứng tỏ tình trạng nguy kịch sức khỏe của Đức Thánh Cha. Ngày 28.11.1962 báo Observatore Romano đăng tin Đức Thánh Cha có triệu chứng đau dạ dầy và triệu chứng thiếu máu. Ngày 2.12.1962, ra cửa sổ đọc kinh Truyền Tin với giáo dân, Đức Thánh Cha nói với dân chúng rằng: “Những ngày gần đây dường như sức khỏe muốn bỏ tôi. Nhưng nay nó đang trở lại. Và thực sự nó đã trở lại”. Ngày thứ tư, 5.12.1962, buổi trước ngày bế mạc Công Đồng khóa I, Đức Thánh Cha quyết định ra cửa sổ ban phép lành cho dân chúng ở công trường thánh Phêrô.

Ngày 19.12.1962, ký giả Norman Cousins vừa về từ Moscou đến gặp Đức Thánh Cha. Ông ta đã được tổng thư ký Khrouchtchev tiếp đón ngày 13.12.1962 vừa qua tại điện Cẩm Linh. Ông ta trao dâng Đức Thánh Cha một bức thơ của tổng thống Kennedy và một sứ điệp kèm lời chúc mừng giáng sinh của tổng thư ký Khrouchtchev. Ông ta thưa với Đức Thánh Cha về ông Khrouchtchev rằng: “Tổng thư ký Khrouchtchev công nhận rằng Đức Thánh Cha có ước muốn làm tất cả những gì có thể hầu các khác biệt giữa các quốc gia không còn là mầm mống nuôi dưỡng một cuộc chiến tranh nguyên tử nữa. Ông ấy sẵn sàng tiếp nhận sáng kiến bắt liên lạc và thông giao với Tòa Thánh một cách không chính thức và kín đáo. Ông ấy sẽ cho nghiên cứu thỉnh cầu của Tòa Thánh về việc cải thiện ấn in và phổ biến các tài liệu tôn giáo tại Liên Xô. Ông ấy hứa sẽ cứu xét trường hợp Đức Tổng giám mục Slipyj”.

Đức Thánh Cha đáp lời với ký giả Cousins rằng: “Ngày nay có rất nhiều điều tùy thuộc vào sự kiện người ta có mở rộng và củng cố thông giao hay không. Tháng mười vừa qua, trong cơn khủng hoảng Cuba, sức tàn sát của bom nguyên tử đã rất có thể thực sự xảy ra. Tôi đã xin các vị lãnh đạo quốc gia làm tất cả những gì phải làm để giảm bớt căng thẳng buồn tủi đó. Lời kêu gọi của tôi đã được họ lưu ý chấp nhận. Tôi rất vui mừng. Đó là một điều tốt”. Rồi ngài nhờ ký giả Cousins chuyển trao cho Kennedy một bức tranh i-côn và cho Khrouchtchev một huy chương Giáo Hoàng.

Lý thuyết và thực tế chưa bao giờ hòa điệu với nhau như vậy. Lý thuyết thì thông điệp về hòa bình đang được thiết kế, soạn thảo và khai triển trên bàn giấy của cha Pavan. Thực tế thì Đức Thánh Cha đang từ từ tháo gỡ từng khâu lịch sử và ý thức hệ của quá khứ. Báo Time chỉ định Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII là người trong năm và in hình ngài cả trang bìa. Thủ tục phóng thích Đức Tổng giám mục Slipyj bắt đầu mở màn.

Ngày 7.1.1963 cha Pavan đệ trình Đức Thánh Cha bản thảo thứ nhất của thông điệp. Nội trong ngày hôm sau Đức Thánh Cha đã đọc một mạch bản thảo này và ghi chú ở cuối câu này: “Những áp dụng mục vụ thật là đặc sắc”.

Những áp dụng mục vụ này thực ra phản ảnh trung thực cái triết lý về con người của Đức Thánh Cha: đòi hỏi phải đi tìm chân lý, ngay cả ở nơi những người ưa lầm lỗi. Cái thực và cái sai, trước khi trở thành những khái niệm trừu tượng của triết học và của luân lý, thì đã được khảo sát trong thực tại cụ thể của con người rồi, một thực tại có sử tính, với động lực biến chuyển liên tục. Bởi vậy, trong các quan niệm tổng thể sai lạc, Đức Thánh Cha Gioan XXIII vẫn tìm ra những mảnh chân lý. Ngài cũng vẫn luôn luôn xác tín rằng rút cục rồi thế nào chân lý cũng thắng lầm lạc. Bởi vậy ngài cho rằng người Công Giáo có thể cộng tác với những người và những phong trào có ý thức hệ khởi đầu sai lạc.

Nghĩ như vậy phải chăng Đức Thánh Cha Gioan XXIII đã muốn cắt đứt liên lạc giữa đức tin và ý thức hệ? Đây là một thách thức quá mới lạ. Vấn đề được đặt ra là sự tiếp nối giữa “chính trị” của Đức Thánh Cha Gioan XXIII với quan niệm của các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm. Vấn đề càng sôi nổi khi Đức Thánh Cha Gioan XXIII quyết định mời một số cơ quan giáo triều Roma tham dự vào việc soạn thảo thông điệp.

Hệ thống Roma, nhất là phủ Quốc vụ khanh, liền thấy ngay những trở ngại trong các đề nghị mà bản thảo thông điệp đưa ra. Trong tháng giêng 1963 bản thảo thông điệp đã được hai cơ quan giáo triều kiểm duyệt, đặc biệt là văn phòng thần học giáo hoàng do cha Luigi Ciappi trách nhiệm.

Kết luận của cha Ciappi được đệ trình lên Đức Thánh Cha. Đại cương cha Ciappi đưa ra ba nhận xét:

a) Trên bình diện giáo lý, không có gì trở ngại. Chỉ là duy trì và củng cố những điều Đức Giáo Hoàng tiền nhiệm Pio XII đã dậy.

b) Trên bình diện tiếp nối truyền thống, có vài điểm trái ngược với những tài liệu của các Giáo Hoàng tiền nhiệm. Tỷ như nguy cơ làm cho người ta có cảm tưởng và nghi ngờ rằng thông điệp có chiều hướng thiên về tự do chủ nghĩa và lãnh đạm luân lý chủ nghĩa. Đó là điều không hòa điệu với những giảng dậy của các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm Grégoire XVI và Pio IX.

c) Về vấn đề cộng tác giữa người Công Giáo với những người theo thuyết xã hội chủ nghĩa mà dường như thông điệp cho phép thì không phải là người Công Giáo nào cũng đồng ý đâu. Không phải ai cũng cho rằng các hệ thống tư tưởng này đã hết nguy hiểm ý thức hệ rồi đâu. Đức Giáo Hoàng Pio XII đã kết án cộng sản. Tuy nhiên bản văn vẫn sẽ có thể chấp nhận được, nếu thêm vào câu này: “Trong những điều hòa hợp với giáo huấn xã hội của Giáo Hội và theo quyết định của các cấp giáo quyền”

Đức Thánh Cha rút cục chấp nhận cho phép ghi thêm câu văn cha Ciappi đề nghị. Nhưng để chắc chắn hơn, ngài quyết định trao bản thảo thông điệp cho một chuyên viên khác nữa kiểm duyệt, cha dòng Tên Georges Jarlot, giáo sư xã hội học tại đại học Grégorien và cộng tác viên của báo Etudes. Cha Jarlot trình Đức Thánh Cha một bản báo cáo mà Đức Thánh Cha cho rằng “quân bình và chân thực”. Cha Jarlot ghi ba nhận xét chính:

a) Tài liệu cho sống lại giáo huấn của Giáo Hoàng ”trong những ngày đẹp nhất của triều đại Leo XIII”.

b) Nhưng bật đèn xanh cho phép người Công Giáo cộng tác với người theo xã hội chủ nghĩa có thể đưa những người Công Giáo đến nguy hiểm bị nhiễm ý thức hệ, mà kinh nghiệm các linh mục thợ ở Pháp đã cho thấy. Có người sẽ cho rằng đây là đưa tay ra nắm với cộng sản, điều mà Đức Pio XII đã cảnh giác và rõ rệt lời cảnh giác này vẫn còn hiệu lực.

c) Sau cùng “tự do” không thể cùng được xếp ở một mức với những nền tảng hòa bình khác được: công lý, sự thật và đức ái. Ba nền tảng này có thể coi là những “chỉ đạo vững chắc”, ngược lại “tự do” là một “chỉ đạo bấp bênh”.

Đức Thánh Cha sau khi đã đọc bản báo cáo của cha Jarlot, liền truyền lệnh cho ban soạn thảo lưu ý đến những nhận xét của cha Jarlot.

Tổng kết lại thì những nhận xét của hai cha Jarlot cũng như Ciappi đều qui về một điểm chính: vấn đề tiếp nối truyền thống với các Giáo Hoàng tiền nhiệm trong lập trường liên hệ với xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Những sự kiện trên chính trường Ý cũng như trên chính trường thế giới dường như càng vạch rõ hơn và chứng thực hơn những nhận xét của hai nhà kiểm duyệt: cha Ciappi và cha Jarlot.

Ý thức được những nhận xét và những sự kiện chính trị tương khắc, không vì vậy mà Đức Thánh Cha thay đổi bản chất về học thuyết hòa bình của ngài. Ngài có cái nhìn dài hạn hơn. Ngài nói rằng: “Một đệ tử chân chính của Đức Kitô không thể không lưu tâm đến hòa bình. Nhiều người sẽ lạm dụng lời tôi nói. Tôi không tránh được và cũng không lấy làm lạ. Tuy nhiên ý hướng của thông điệp thì thật là rõ rệt. Những lời đầu tiên của thông điệp đã nêu rõ ràng ‘lòng kính sợ Chúa’ như là một nền tảng của hòa bình. Sự kính sợ Chúa không loại bỏ kẻ chưa tin, nhưng xác định rằng không có Chúa, người ta chẳng làm được gì. Chúng ta có thể loại trừ kẻ chưa tin ra khỏi những lo toan của Giáo Hội được chăng? Họ chưa tin, nhưng họ có đó và nói với chúng ta: này đây, chúng tôi nữa, chúng tôi cũng hiện hữu”.

Sau một số sửa chữa trong đó một số trang do chính tay Đức Thánh Cha biên soạn, đặc biệt là những trang liên hệ đến việc phân biệt sự lầm lỗi với kẻ lầm lỗi, liên hệ đến sự cộng tác giữa người Công Giáo và lương dân, thông điệp đã được lấy tên là ”Hòa Bình trên Thế Giới” (Pacem in terris), gởi cho hàng giáo phẩm, giáo sĩ và toàn giáo dân trên thế giới, cũng như tất cả những người có thiện tâm, công bố ngày thứ năm Tuần Thánh, 11.4.1963, năm thứ năm triều đại Giáo Hoàng của Đức Gioan XXIII.

2. Nội dung thông điệp Hòa Bình trên Thế Giới.

1) Lời mở đầu: TRẬT TỰ.

Mở đầu thông điệp là một chương dẫn nhập rất ngắn đề cập đến bốn điểm chính: Nền tảng căn bản của hòa bình là tôn trọng trật tự. Trật tự trong vũ trụ thiên nhiên thì các khoa học đã khám phá ra. Nhưng trật tự giữa con người thì lại đã bị đảo lộn bởi những quyền lực sức mạnh. Bởi đó, để tìm lại được hòa bình, con người phải tìm lại được những qui luật cư xử căn bản đã được khắc ghi trong bản tính con người.

1- “Hòa bình thế giới, đối tượng ước mong thầm kín của nhân loại qua mọi thời đại chỉ có thể được xây dựng và củng cố bằng sự tôn trọng một cách tuyệt đối trật tự mà Thiên Chúa đã an bài”.

2- “Trật tự này nhờ các tiến bộ khoa học và các phát minh kỹ thuật, chúng ta ai cũng xác tín rằng: ”trong thế giới sinh vật cũng như trong các biến lực của vũ trụ, luôn luôn có một trật tự. Sự cao cả của nhân loại là có thể khám phá ra cái trật tự này và có thể chế tạo được các dụng cụ để chinh phục và xử dụng các năng lượng tự nhiên này”.

3- “Cái trật tự rất hoàn hảo của vũ trụ, đau thương thay lại không thấy được nơi con người. Những hỗn loạn giữa các cá nhân và giữa các dân tộc, dường như chỉ có sức mạnh mới là giường mối điều chỉnh được các tương quan của con người”.

4- “Những qui luật cư xử của con người phải được tìm ở nơi mà Thiên Chúa đã ghi khắc, nghĩa là ở trong ‘bản tính con người’. Chỉ những qui luật này mới chỉ rõ cho con người thấy họ phải cư xử làm sao giữa các cá nhân với nhau trong đời sống xã hội; giữa các công dân và các chính quyền trong đời sống chính trị quốc gia; giữa các cộng đoàn chính trị quốc gia với nhau; và sau cùng giữa các cộng đoàn chính trị quốc gia và cộng đoàn thế giới, mà ngày nay, vì công ích của hoàn cầu, khắp nơi đều đòi hỏi phải thiết lập”.

Đây cũng là dàn bài mà Đức Thánh Cha Gioan XXIII đã dùng để trình bày vấn đề hòa bình thế giới.

2) Chương I: NHỮNG TƯƠNG QUAN GIỮA CÁC CÁ NHÂN VỚI NHAU: NHÂN QUYỀN VÀ NHÂN VỤ.

Chương thứ nhất đề cập đến những tương quan giữa các cá nhân với nhau qua hai đề tài chính: nhân quyền và nhân vụ. Chương này có thể coi như “bản tuyên ngôn nhân quyền” và “bản tuyên ngôn nhân vụ”. Quyền lợi và nhiệm vụ không thể tách rời nhau. Đó là quan niệm nền tảng của học thuyết Công Giáo: “Mỗi người là một nhân vị, có quyền lợi và có nhiệm vụ”. Những quyền lợi và những nhiệm vụ này đều là phổ cập, bất khả vi phạm và bất khả tha hóa.

1- Nhân quyền gồm tám loại sau đây:

* Quyền sinh tồn và có một mức sống xứng đáng.

* Quyền tôn trọng và tiếp nhận những giá trị luân lý và văn hóa.

* Quyền thờ phượng Thiên Chúa theo lương tâm ngay chính của mình.

* Quyền tự do chọn lựa bậc sống.

* Quyền làm việc và có sáng kiến kinh tế.

* Quyền hội họp và lập hội.

* Quyền di cư và nhập cư.

* Quyền công dân tham dự đời sống chung và đóng góp vào công ích.

2- Nhân vụ gồm năm lãnh vực sau đây:

* Những nhiệm vụ của mỗi người với chính mình như nhiệm vụ bảo tồn sự sống, cư xử có nhân phẩm...

* Những nhiệm vụ của mỗi người với người khác: nhiệm vụ tôn trọng quyền lợi của người khác.

* Những nhiệm vụ trong sự cộng tác với nhau.

* Những nhiệm vụ với ý nghĩa trách nhiệm.

* Và những nhiệm vụ để cùng nhau sống trong chân lý, công bình, tình thương và tự do.

3- Để tóm tắt chương nhân quyền và nhân vụ, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng “trật tự của cộng đoàn nhân loại là trật tự luân lý”. Và để kết thúc chương này, dưới hình thức một biểu đồ, ngài đưa ra những “dấu chỉ thời gian”, tức là những sự kiện và những khuynh hướng xuất hiện trong thời đại mới. Ba sự kiện độc đáo của thời đại ta. Một là tầng lớp lao động được thăng tiến về kinh tế và xã hội. Hai là phụ nữ tham gia nhiều hơn vào đời sống chung. Ba là nhiều dân tộc được tiến tới độc lập chính trị.

Những sự kiện này chứng minh một ý tưởng mà ngày nay được mọi người công nhận đó là sự bình đẳng tự nhiên của con người.

3) Chương 2: NHỮNG TƯƠNG QUAN GIỮA CÔNG DÂN VÀ CHÍNH QUYỀN.

Chương thứ hai đề cập đến những tương quan giữa các cá nhân với công quyền trong mỗi cộng đồng chính trị. Trọng tâm là bổn phận của công quyền và bổn phận của công dân. Mười điều đã được vạch ra:

1- Cần thiết phải có công quyền. Nhưng nguồn gốc của quyền hành là Thiên Chúa như lời thánh Phaolô dậy rằng “không có quyền hành nào mà không đến từ Thiên Chúa”.

2- Lẽ sống và mục tiêu của công quyền là thực hiện công ích.

3- Những khía cạnh của công ích phải liên hệ đến con người trong toàn thể của nó, với những nhu cầu vật chất cũng như tinh thần của nó. Đức Thánh Cha lập lại điều ngài đã viết trong thông điệp Mẹ và Thầy rằng: “Công ích bao gồm tất cả những điều kiện sinh sống trong xã hội khiến con người có thể đầy đủ và dễ dàng đạt được sự hoàn thiện của mình”.

4- Vai trò của công quyền đối với nhân quyền và nhân vụ. Cùng với Đức Pio XII, Đức Thánh Cha Gioan XXIII xác quyết rằng: “Sứ mệnh căn bản của mọi quyền hành chính trị là bảo vệ những nhân quyền được bất khả xâm phạm và làm thế nào để mỗi cá nhân dễ dàng thực hiện được chức phận riêng của mình”.

5- Hòa giải và bảo vệ nhân quyền, đó là bổn phận căn bản của công quyền.

6- Thăng tiến nhân quyền.

7- Quân bình hai hình thức hoạt động: hòa giải bảo vệ và thăng tiến nhân quyền. Đức Thánh Cha Gioan XXIII lập lại lời ngài đã viết trong thông điệp Mẹ và Thầy: “Hoạt động của quốc gia dưới khía cạnh kinh tế, dẫu cao sâu thế nào mặc lòng, cũng không thể xóa bỏ tự do hoạt động của các cá nhân công dân. Ngược lại, nó phải hỗ trợ để các nhân quyền căn bản được bảo vệ và cứu vãn”.

8- Tổ chức và sinh hoạt của công quyền tùy thuộc vào tình hình cá biệt, hoàn cảnh lịch sử của mỗi dân tộc. Nhưng hình thức phân chia tam quyền xem ra thuận lợi để bảo đảm được nhân quyền và nhân vụ của các công dân.

9- Trật tự luật pháp hòa điệu với trật tự luân lý; quả thật là một yếu tố căn bản để thực hiện công ích.

10- Các công dân tham dự vào đời sống chung. Đó là quyền lợi gắn liền với nhân phẩm con người.

11- Dấu chỉ thời gian. Cũng như ở chương nhất, để kết thúc chương hai, một biểu đồ đưa ra ba dấu chỉ thời gian. Một là khuynh hướng soạn thảo một hiến chương nhân quyền trong hiến pháp. Hai là trong các bản hiến pháp, dưới khía cạnh pháp luật, người ta đã xác định rõ rệt: hình thức để chỉ định các đại diện công quyền, liên quan giữa các công quyền, chiều kích hoạt động và các phương thế mà công quyền phải tuân giữ. Ba là tương quan giữa công quyền và công dân đã được xác định rõ rệt về quyền lợi và bổn phận.

4) Chương 3: TƯƠNG QUAN GIỮA CÁC CHÍNH PHỦ VỚI NHAU.

Sang đến chương ba, Đức Thánh Cha đã đề cập đến tương quan giữa các cộng đoàn chính trị với nhau, giữa các quốc gia với nhau. Mười điều đã được nêu lên.

1- Quyền lợi và nhiệm vụ hỗ tương giữa các cộng đoàn chính trị với nhau là chúng phải điều hòa các tương quan giữa chúng với nhau theo chân lý, công bình, với tinh thần hỗ tương tích cực và trong tự do. Luật luân lý là đầu mối quản trị các tương quan giữa các cá nhân cũng phải là giường mối qui định cách hành xử giữa các quốc gia với nhau.

2- Trong chân lý nghĩa là không kỳ thị, không lạm dụng tài nguyên và tài lực để bóc lột kẻ yếu hơn, không lạm dụng sự phát triển kinh tế để những người nghèo thành nghèo hơn, ngược lại phải tôn trọng danh dự của mỗi dân tộc và không xuyên tạc sự thật để bóp méo danh tiếng của họ.

3- Trong công bình, như lời thánh Augustino đã dậy: “Nếu bỏ công bình ra một bên thì các vương quốc sẽ ra sao nếu không phải là những đại cướp”.

4- Số phận của các dân tộc thiểu số: “Về điều này, tôi phải tuyên bố một cách minh bạch rằng bất cứ chính trị nào nhằm áp chế các dân tộc thiểu số đều phạm một lỗi lầm chống lại công bình, lỗi càng nặng hơn nếu nhằm thủ tiêu các dân tộc thiểu số”.

5- Tương trợ hữu hiệu dưới các hình thức kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa, vệ sinh sức khỏe và thể dục thể thao.

6- Quân bình về dân số, đất đai và tư bản bằng cách cộng tác để lao động và tư bản được lưu thông dễ dàng.

7- Vấn đề những người tỵ nạn chính trị, thảm kịch chứng tỏ còn có những chính quyền và chính thể chưa tôn trọng các nhân quyền căn bản của con người. “Tôi khen ngợi những sáng kiến, do đức ái Công Giáo soi dẫn, làm việc để làm dịu bớt những khổ cực của những người tỵ nạn chính trị này”.

8- Vấn đề giảm binh bị: Sự công bình, sự khôn ngoan và lương tâm đòi hỏi phải ngưng chạy theo việc võ trang binh bị, đòi hỏi việc giảm trừ binh bị, đòi hỏi phải cấm chỉ việc võ trang nguyên tử và đòi hỏi phải thiết lập các thỏa ước và thực hiện các kiểm tra giảm trừ binh bị, để như lời Đức Giáo Hoàng Pio XII đã tuyên bố “bằng bất cứ giá nào phải tránh một thế chiến với những đổ vỡ kinh tế và xã hội, với những xáo trộn luân lý lôi cuốn nhân loại vào lần thứ ba”.

9- Trong tự do nhờ một tổ chức liên quốc, tránh can thiệp vào nội bộ của quốc gia khác, ngược lại hỗ trợ họ phát triển về mọi lãnh vực.

10- Thăng tiến các quốc gia chậm tiến về kinh tế, để “đóng góp vào việc tạo lập một cộng đồng thế giới mà các thành viên ý thức được bổn phận và quyền lợi của mình, cùng làm việc một cách bình đẳng để xây dựng công ích thế giới”.

11- Đâu là dấu chỉ thời gian của thời đại ta về giao tương giữa các quốc gia? Đức Thánh Cha Gioan XXIII nêu ra ba sự kiện. Tích cực thì thấy càng ngày càng xuất hiện sự tin tưởng xử dụng đàm phán thay vì binh bị để giải quyết các xung đột. Tiêu cực thì vẫn còn thấy các dân tộc còn dành nhiều khoản tiền khổng lồ để sắm sửa binh bị mà họ bảo rằng đó là “võ trang dọa nạt cản ngăn”. Nhưng dẫu sao cũng thấy có niềm hy vọng rằng các dân tộc, vì thông giao nhiều hơn, trao đổi nhiều hơn, sẽ hiểu rằng một trong những bổn phận tiên quyết là tạo lập các thông giao trên nền tảng tình thương hơn là trên nền tảng sợ sệt.

5) Chương 4: VỚI CỘNG ĐỒNG THẾ GIỚI.

Ở mức cao hơn quốc gia là cộng đồng thế giới. Đó là đề tài của chương bốn về tương giao giữa các cá nhân và các cộng đoàn chính trị với cộng đoàn thế giới. Sáu vấn đề đã được Đức Thánh Cha chỉ dậy.

1- Các cộng đoàn chính trị và các quốc gia tùy thuộc lẫn nhau.

2- Các quốc gia không đủ tổ chức để bảo bảo đảm công ích hoàn vũ.

3- Chiều kích thế giới của công ích hoàn vũ là tiến trình lịch sử của công ích và của sinh hoạt các quốc gia.

4- Công quyền thế giới phải được thiết lập bằng đàm phán, chứ không bằng áp đảo vũ lực.

5- Công ích hoàn vũ, cũng như nhân quyền, đều đặt nền tảng trên nhân vị con người.

6- Nguyên tắc phụ trợ của tổ chức quốc tế là không được hạn chế hoạt động của các quốc gia, mà chỉ phụ trợ bằng cách tạo lập những điều kiện để các chính phủ và các cá nhân dễ dàng thực hiện được các phận sự cũng như các nhiệm vụ của mình và xử dụng được các nhân quyền của mình trong những điều kiện an toàn nhất.

7- Hai dấu chỉ thời gian đã được Đức Thánh Cha ghi nhận để kết thúc chương này. Một là sự thành lập “Tổ chức liên hiệp quốc” vào ngày 6.6.1945 và tiếp theo là nhiều tổ chức liên quốc khác. Hai là “bản tuyên bố hoàn vũ về nhân quyền” đã được tổ chức Liên Hiệp Quốc phê chuẩn ngày 10.12.1948.

6) CHỈ TH̉Ị MỤC VỤ.

Sau lời mở đầu để xác định hòa bình phải được xây dựng trên nhân tính và khai triển nền tảng nhân tính ở bốn mức độ tương giao của con người: giữa các cá nhân với nhau, giữa công dân và công quyền, giữa các công quyền với nhau và sau cùng giữa các cá nhân, công quyền và cộng đoàn thế giới, để kết thúc thông điệp, Đức Thánh Cha đã vạch chỉ đường hướng mục vụ cho dân Chúa. Mười chỉ thị mục vụ đã được đưa ra:

1- Bổn phận của dân Chúa phải tham dự vào việc chung trong các lãnh vực kinh tế, xã hội văn hóa và chính trị.

2- Trau dồi khả năng khoa học, kỹ thuật và chuyên nghề.

3- Tổng hợp các yếu tố khoa học, kỹ thuật và chuyên nghề vào các giá trị tinh thần trong mọi hoạt động qua châm ngôn: “chân lý làm nền, công bình làm thước, tình thương làm lực, tự do làm cảnh”.

4- Hòa hợp đức tin tôn giáo với những hoạt động trần thế.

5- Phát triển toàn diện bằng giáo dục tuổi trẻ.

6- Cố gắng kiên trì.

7- Tương giao giữa giáo dân và lương dân trong các lãnh vực kinh tế, xã hội và chính trị trên nền tảng nhân tính.

8- Hành động theo giai đoạn.

9- Công việc bao la cho tất cả những người thiện tâm: xây dựng các tương quan đời sống xã hội trên nền tảng chân lý, công bình, bác ái và tự do.

10- Vua hòa bình: “Chính Ngài là sự hòa bình của Ta, Đấng đã làm cho đôi bên nên một... và Ngài đã đến để loan báo hòa bình, hòa bình cho những kẻ ở xa và hòa bình cho những kẻ ở gần” (Ep 2,14-17) ”Ta mang hòa bình lại cho các ngươi, ta ban cho các ngươi hòa bình của Ta; Ta không ban cho các ngươi hòa bình như thế gian đã ban đâu” (Ga 14,27).

Tám tháng sau ngày được bầu làm Giáo Hoàng, ngày 11.6.1959, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã công bố thông điệp khai trương triều đại “Ad Petri Cathedram” để phác họa chương trình làm việc, trong đó vấn đề hòa bình giữ một chỗ quan trọng. Ngài hứa sẽ cống hiến sức lực để xây dựng hòa bình thế giới. Tám tháng cuối cùng của cuộc đời, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã thực hiện được chương trình đã phác họa năm năm trước. Trên lãnh vực thực tế, ngài đã can thiệp hữu hiệu vào khủng hoảng Cuba, tránh cho thế giới một chiến tranh nguyên tử giữa hai siêu cường. Hai siêu cường và cả thế giới biết ơn Đức Thánh Cha Gioan XXIII. Trên lãnh vực lý thuyết ngài đã phát huy được kinh nghiệm mục vụ ở quân ngũ cũng như ở ngoại giao để thiết kế được một thông điệp hòa hảo tổng hợp được thánh kinh, giáo phụ và truyền thống Giáo Hội với những vấn đề của thời đại, để đưa ra một học thuyết về hòa bình thế giới. Học thuyết này, 40 năm sau ngày công bố, còn nhiều ảnh hưởng và vẫn được áp dụng sâu rộng trên khắp địa cầu. Học thuyết này tuy rất quảng bác, như bài này đã cố gắng trình bày. Nhưng cũng rất đơn giản. Chỉ tóm gọn trong năm chữ: Hòa bình phải được xây dựng trên bốn nền tảng: “chân lý, công bình, bác ái và tự do”. Cả Giáo Hội và cả thế giới biết ơn Đức Thánh Cha Gioan XXIII.

Gs Trần Văn Cảnh