Ed. Condon của tạp chí The Pillar, ngày 23 tháng 5 năm 2024 tường trình việc Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Vatican Pietro Parolin cho biết trong bài phát biểu hôm thứ Ba tại một hội nghị ở Rome rằng người Công Giáo Trung Quốc có thể trở thành những công dân tốt nhất của đất nước họ.



Đức Hồng Y Parolin, ngoại trưởng của Tòa thánh và là người thiết kế thỏa thuận gây tranh cãi giữa Vatican-Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục, đã sử dụng ví dụ về một phái viên của Giáo hoàng ở thế kỷ 19 tại Trung Quốc để vạch ra tầm nhìn về mối quan hệ giữa Giáo hội và nhà nước và hội nhập văn hóa cho Giáo hội địa phương.

Theo Đức Hồng Y Parolin, chìa khóa cho một Giáo hội hưng thịnh ở Trung Quốc là làm cho Giáo hội địa phương trở thành “truyền giáo” nhưng không phải là người nước ngoài, và rút gọn sự tham gia của Tòa thánh với chính phủ ở bình diện các vấn đề giáo hội mà thôi.

Trong khi chỉ ra rằng thỏa thuận Vatican-Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ được gia hạn vào cuối năm nay, Đức Hồng Y cũng nhắc lại tham vọng của Tòa Thánh về sự hiện diện thường trực trên đất liền, với một phái viên tận tâm của Vatican tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Parolin nhấn mạnh, đặc phái viên đó sẽ phải hiện diện thuần túy mục vụ, loại bỏ vai trò ngoại giao của các sứ giả hoàn cầu của Vatican.

Bài phát biểu của Đức Hồng Y, đưa ra vào ngày 21 tháng 5 tại một hội nghị do Giáo hoàng Đại học Urbano ở Rome tổ chức với tựa đề “100 năm kể từ Công đồng Trung Hoa [Concilium Sinense]: Giữa Quá khứ và Hiện tại” đã đưa ra một cái nhìn đáng lưu ý về lộ trình mà Vatican đang theo đuổi ở Trung Quốc.

Nhưng nó cũng đặt ra những câu hỏi về bản sắc của Trung Quốc với tư cách là một quốc gia, và vị trí của người Công Giáo Trung Quốc cả trong Giáo hội lẫn quê hương của họ.

Liệu nỗ lực ngoại giao “không ngoại giao” với Trung Quốc của Parolin có hiệu quả hay nó là một tuyên ngôn cho một giáo hội làm ăn với Cộng sản?

ĐHY Parolin cho biết, Costantini đã có “một cái nhìn sâu sắc khác thường” về tình hình và những thách thức của Giáo hội ở Trung Quốc, từ đó định hình “chiến lược, cả truyền giáo lẫn ngoại giao” của ngài, dẫn tới Công đồng đầu tiên của Giáo hội ở Trung Quốc vào năm 1924.

Theo ĐHY Parolin, một vấn đề quan trọng được đại biểu của Đức Giáo Hoàng nhận diện, đó là Giáo hội “ở Trung Quốc” chứ không phải Trung Quốc, với “sự phụ thuộc dai dẳng và sau đó quá mức vào thành phần nước ngoài của sứ mệnh truyền giáo”, “được biểu lộ cả bằng sự hiện diện gần như độc quyền của các giáo sĩ nước ngoài lẫn bởi sự ưa thích nào đó của một số nhóm truyền giáo đối với sự bảo trợ do các cường quốc phương Tây thiết lập và các phương pháp mục vụ bắt nguồn từ đó.”

“Chúng ta đã ở Trung Quốc hơn ba thế kỷ. Toàn bộ phẩm trật giáo hội vẫn còn là điều xa lạ. Đây có phải là Giáo Hội mà Chúa Kitô mong muốn không?” Parolin dẫn lời viết của nhà ngoại giao. “Giáo hội phải được nhập tịch: nó không thể mãi mãi bao gồm những vị khách”.

Parolin cũng nêu lên mối lo ngại của Costantini rằng “viện trợ nhân bản” từ các thế lực nước ngoài có thể đã bảo vệ và ủng hộ việc mở rộng truyền giáo trong một thời gian, nhưng nó “cũng có sức nặng đạo đức thụ động trong nhiệm cục truyền giáo”.

Đức Hồng Y Parolin nói: “Niềm tin này đi kèm với nhận thức rằng, để khôi phục sức sống cho công cuộc truyền giáo trong nước, Giáo Hội Công Giáo sẽ phải tự giải thoát khỏi các sự kiện chính trị và lợi ích thuộc địa, đứng bên ngoài và ở trên chúng”.

Để thấy được sự chuyển đổi cần thiết của Giáo hội ở Trung Quốc từ “các sứ mệnh nước ngoài” sang một Giáo hội “hội nhập văn hóa đích thực” ở Trung Quốc, Đức Hồng Y Parolin nói, phải có cuộc đối thoại trực tiếp giữa Giáo hội và chính quyền nhà nước.

ĐHY Parolin kể lại việc Costantini cố tình tách mình ra khỏi cộng đồng ngoại giao nói chung ở Trung Quốc vào thời điểm đó và thiết lập nơi cư trú của mình “cách xa khu vực lân cận các tòa công sứ quốc tế, để tránh bất cứ sự hiểu lầm nào có thể xảy ra về bản chất sứ mệnh của nó”.

Đức Hồng Y tiếp nối bài phát biểu của mình bằng những bình luận với các phóng viên, nói với họ rằng: “từ lâu chúng tôi vốn hy vọng có được sự hiện diện ổn định ở Trung Quốc”.

Ngài thừa nhận, sự hiện diện đó “ban đầu có thể không mang hình thức đại diện giáo hoàng của một sứ thần tòa thánh”, nhưng một số phiên bản khác của một đại diện mục vụ thuần túy có thể đạt được mục tiêu trước mắt hơn.

Nhưng cả Costantini lẫn Parolin đều đồng ý rằng cuộc đối thoại phải được hỗ trợ bởi nền giáo hội học thực sự, với việc Quốc vụ khanh nói rằng việc hội nhập văn hóa của đức tin Công Giáo đi kèm với “một yêu cầu cơ bản, hay đúng hơn một điều kiện cần thiết và tiềm ẩn, hỗ trợ toàn bộ cấu trúc của nó: mối liên kết với Người kế vị Thánh Phêrô.”

“Trong suốt các bài viết của mình, đại biểu tông tòa đã nhiều lần quay lại chủ đề hiệp nhất giữa Đức Giáo Hoàng và tất cả người Công Giáo rải rác trên khắp thế giới, bất kể họ thuộc quốc gia nào, đồng thời nhấn mạnh rằng sự hiệp thông này chính là sự bảo đảm tốt nhất cho một đức tin xa rời các lợi ích chính trị bên ngoài, và gắn chặt vào văn hóa và xã hội địa phương,” Đức Hồng Y Parolin nói.

Ngài tiếp tục trích dẫn Costantini: “Giáo hoàng là nhà lãnh đạo tinh thần của tất cả người Công Giáo trên thế giới, cho dù họ thuộc quốc gia nào; nhưng sự vâng phục giáo hoàng này không những không làm tổn hại đến tình yêu mà mỗi người mắc nợ đất nước của mình, mà còn thanh lọc và hồi sinh nó”.

Dựa trên những điều kiện riêng của nó, bài phát biểu của ĐHY Parolin đã đưa ra một bài học bề ngoài đơn giản từ lịch sử về cách ứng xử của Giáo hội với Trung Quốc: một Giáo hội địa phương, do các giám mục Trung Quốc hợp tác với giáo hoàng lãnh đạo, được hỗ trợ bởi cuộc đối thoại trực tiếp giữa Rôma và Bắc Kinh, giới hạn trong các vấn đề giáo hội, là một kế hoạch thành công.

Tuy nhiên, như bất cứ ai quen thuộc với mối quan hệ Vatican-Trung Quốc trong sáu năm qua đều biết, tình hình không hề đơn giản. Và, trong con mắt của nhiều người quan sát, ĐHY Parolin đang vạch ra một con đường không dẫn đến đâu cả.

Đức Hồng Y Parolin mở đầu bài phát biểu của mình bằng lời chào đặc biệt dành cho Đức Giám Mục Joseph Shen Bin của Giáo phận Thượng Hải, người cũng đã có bài phát biểu tại hội nghị.

Trong khi Đức Hồng Y đưa ra lời chào đón “đặc biệt thân mật” đối với vị giám mục Trung Quốc, thì nhận xét của ngài đã làm sáng tỏ cách Đức Giám Mục Shen bản vị hóa một kiểu phê phán được bản vị hóa về kế hoạch can dự với Trung Quốc của Đức Hồng Y Parolin.

Đức Cha Shen được bổ nhiệm làm Giám mục Thượng Hải chỉ hơn một năm trước, một sự kiện được công bố và phê chuẩn với sự cộng tác của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc, chứ không phải Tòa thánh. Vào thời điểm đó, Shen là lần bổ nhiệm thứ ba liên tiếp trong đó một giám mục giáo phận Trung Quốc đại lục được bổ nhiệm tới giáo phận mới mà không có sự cho phép trước của Vatican.

Vào thời điểm đó, chính phủ quốc vụ khanh của ĐHY Parolin thừa nhận rằng lần đầu tiên họ biết đến việc sắp đặt này là khi đọc về nó trên báo chí.

Kể từ năm 2012, vị giám mục này cũng giữ chức chủ tịch Hội đồng Giám mục của Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc, một cơ quan được tổ chức dưới sự bảo trợ của Đảng Cộng sản nhưng không được Vatican chính thức công nhận và chịu trách nhiệm bổ nhiệm các giám mục dưới luật lệ của Đảng Cộng sản, một luật lệ vốn không công nhận vai trò của Vatican trong quá trình bổ nhiệm giám mục.

Nói tóm lại, Đức Giám Mục Shen là hiện thân của cả sự thiếu hiệp thông giữa các giám mục Trung Quốc được nhà nước phê chuẩn và Tòa thánh cũng như sự rối loạn của thỏa thuận hiện tại giữa Vatican và Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục – sẽ được gia hạn vào tháng 10 năm nay.

Thỏa thuận đó, như Đức Hồng Y Parolin đã nhiều lần nói trước đây, không đại diện cho một cam kết “ngoại giao” giữa hai cường quốc có chủ quyền, mà là một thỏa thuận mục vụ giữa Giáo hội và chính quyền địa phương.

Việc ưu tiên tham gia “chỉ trong nội bộ Giáo hội” đã dẫn đến sự chỉ trích nghiêm trọng đối với Vatican vì đã giữ im lặng trước các bằng chứng về vi phạm nhân quyền, bao gồm cả tội diệt chủng chống lại người Duy Ngô Nhĩ.

Do đó, việc ĐHY Parolin chào đón ĐC Shen giống như một kiểu xác nhận công khai về hiện trạng mà nhiều người, bao gồm cả những người thân cận với bộ phận của ngài và các nhân vật cấp cao trong Giáo hội Trung Quốc đại lục, coi là rõ ràng đã bị phá vỡ.

Bản thân ĐC Shen đã ca ngợi sự tiến bộ của Giáo hội ở Trung Quốc, đồng thời ca ngợi chương trình “Hán hóa” đang diễn ra vừa có kết quả vừa đồng nghĩa với hội nhập văn hóa.

ĐC Shen Bin nói: Ngày nay, người dân Trung Quốc đang thực hiện “sự tái sinh vĩ đại của quốc gia Trung Quốc theo cách hoàn cầu với sự hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”, và Giáo Hội Công Giáo “phải đi theo cùng một hướng, theo con đường Hán hóa phù hợp với xã hội và văn hóa Trung Quốc ngày nay.”

Một nguồn tin cấp cao thân cận với Quốc vụ khanh đặt vấn đề cách khác với The Pillar.

Họ nói: “Các nhà ngoại giao hàng đầu của Vatican biết rằng [kiểu hòa nhập văn hóa này] là bất khả, nhưng ở đây ĐC Shen đang nói điều đó một cách hụych toẹt.”

Chính sách của chính phủ Trung Quốc về Hán hóa đòi hỏi Giáo hội, bao gồm các giám mục và linh mục, phải công nhận và chấp nhận quyền tối cao của chính quyền nhà nước và giáo điều của Đảng Cộng sản đối với phẩm trật và giáo huấn của Giáo hội.

“Hán hóa không có nghĩa là hòa nhập văn hóa,” một giáo sĩ cấp cao ở Trung Quốc đại lục nói với The Pillar. “Nó có nghĩa là Giáo hội ở Trung Quốc phải phục tùng Đảng.”

Ngài nói, bài phát biểu của ĐHY Parolin “chỉ cho thấy Vatican cảm thấy mình thiên vị như thế nào trong mối quan hệ này – đây là người đã tự sắp xếp việc chuyển đến Thượng Hải một cách hiệu quả với chính phủ Trung Quốc”.

“Tòa thánh đã gần như công nhận [Shen] trong tư cách người đứng đầu trên thực tế của hội đồng giám mục trên thực tế và đang đặt mọi thứ phía sau để ông ta có thể đạt được một số thỏa thuận nào đó với Tập Cẩn Bình”.

Đối với các nguồn tin cả ngoại giao lẫn giáo sĩ cấp cao, ở Rome và Trung Quốc, vấn đề trong việc can dự của Parolin với Trung Quốc như được mô tả trong bài phát biểu của ngài hôm thứ Ba là nó chấp nhận tiền đề của ĐCSTQ rằng văn hóa và con người Trung Quốc không thể phân biệt được với Đảng Cộng sản, và do đó, việc khuất phục Giáo hội với đảng là một đặc tính cần thiết của quá trình hội nhập văn hóa đích thực.

Nhưng khi xác nhận tầm nhìn được chia sẻ bởi ĐC Shen và Đảng Cộng Sản Trung Quốc, cũng như chấp nhận vị giám mục này như người lãnh đạo trên thực tế của Giáo hội ở Trung Quốc, Vatican dường như đã phải chấp nhận sự vi phạm trong sự hiệp thông thực tế của giáo hội giữa giám mục do nhà nước bổ nhiệm và giám mục Rôma. - mặc dù ĐHY Parolin mô tả đây là một “yêu cầu cơ bản” và “điều kiện ngầm”.

Việc loại trừ lẫn nhau trong tiêu chuẩn song sinh của Đức Hồng Y Parolin về một tương lai hữu hiệu cho Giáo hội ở Trung Quốc cũng đòi hỏi một chính sách vụng về và hiển nhiên hơn bao giờ hết lên các giám mục ở Trung Hoa vốn bác bỏ thẩm quyền Cộng sản đối với các công việc của giáo hội.

Nhiều linh mục hầm trú và một số giám mục đã từ chối đăng ký với Hội Công Giáo Yêu Nước Trung Hoa, vì việc này đòi họ phải thừa nhận quyền lực của Đảng Cộng sản đối với Giáo hội và các giáo huấn của Giáo hội.

Các giám mục và linh mục từ chối đăng ký đã bị sách nhiễu, bắt giữ và giam giữ một cách có hệ thống. Đức Giám Mục Peter Shao Zhumin của Ôn Châu đã bị bắt vào đầu năm nay.

Phủ Quốc vụ khanh Vatican đã ban hành hướng dẫn không ký tên vào năm 2019, nói rằng “Tòa Thánh hiểu và tôn trọng sự lựa chọn của những người, theo lương tâm, quyết định rằng họ không thể đăng ký theo các điều kiện hiện tại”, nhưng không đưa ra phản đối công khai nào đối với việc quấy rối và bắt giữ các giám mục và linh mục của nhà nước.

Đối với nhiều người, kể cả nhiều người Công Giáo Trung Quốc, các giám mục và linh mục này - là người Trung Quốc, không phải nhà truyền giáo nước ngoài - là bộ mặt thực sự của đạo Công Giáo Trung Quốc được hòa nhập văn hóa đích thực, cam kết với mục vụ của họ, với người dân của họ, hiệp thông với Rôma và bác bỏ sự can thiệp của Cộng sản vào vấn đề đức tin.

Một vấn đề khác đối với chương trình can dự với Trung Quốc của ĐHY Parolin là, bất kể bài học nào ngài hy vọng rút ra được từ lịch sử, Vatican dường như không thể tạo dựng bất cứ mối quan hệ có ý nghĩa nào với Trung Quốc hoàn toàn tách biệt khỏi các vấn đề ngoại giao.

Bắc Kinh từ lâu đã thừa nhận và từ lâu đã làm thất vọng giấc mơ của Tòa Thánh về một đại diện thường trực tại lục địa Trung Quốc. Trong khi đó, Vatican là một trong số ít các cường quốc có chủ quyền vẫn công nhận và duy trì quan hệ ngoại giao đầy đủ với Đài Loan, chính thức là Trung Hoa Dân Quốc nhưng đối với Bắc Kinh là một tỉnh nổi loạn.

Vatican đã cố gắng cân bằng về mặt ngoại giao giữa cam kết của mình với Đài Loan với việc không gây phản cảm với Bắc Kinh, giữ cho sứ thần Đài Bắc luôn hoạt động nhưng không có sứ thần nào được bổ nhiệm trong nhiều thập niên.

Sau bài phát biểu của Đức Hồng Y Parolin hôm thứ Ba, Bộ Ngoại giao Đài Loan đã đưa ra một tuyên bố nói rằng “Chúng tôi hiểu rằng Tòa Thánh hy vọng thúc đẩy quyền tự do tín ngưỡng và quyền của người Công Giáo Trung Quốc, và đã công khai bày tỏ mong muốn cử đại diện đến Trung Quốc nhiều lần”.

Đài Bắc cũng chỉ ra rằng họ ủng hộ mọi nỗ lực quốc tế nhằm ngăn chặn “sự vi phạm quyền tự do tôn giáo và các quyền cơ bản của con người” của Trung Quốc.

Trong khi Đức Hồng Y Parolin có thể nói một cách nồng nhiệt về việc loại bỏ các vấn đề ngoại giao ra khỏi chính sách ngoại giao Trung Quốc, thì thực tế là Trung Quốc có chính sách rõ ràng về việc yêu cầu hủy công nhận Đài Loan như một điều kiện để tiến tới quan hệ với Bắc Kinh.

Mặc dù chưa bên nào sẵn sàng nói thẳng như vậy, nhưng không có nhà quan sát nghiêm túc nào mong đợi Đức Hồng Y Parolin sẽ thấy việc mở bất cứ loại phái bộ truyền giáo nào của Vatican trên đất liền bao lâu vẫn có đại sứ quán của Đức Giáo Hoàng ở Đài Bắc.

Ý nghĩa trong bài phát biểu hôm thứ Ba của Đức Hồng Y Parolin là Vatican muốn kín đáo thỏa thuận với chính phủ Trung Quốc, tổ chức các cuộc đàm phán về tương lai của Giáo hội ở đó tách biệt với bất cứ vấn đề hoặc cân nhắc nào khác, và xử lý các vấn đề cũng như các vấn đề khó xử hoàn toàn theo cách riêng của họ.

Thật không may cho Vatican, ngoại giao không thể được thực hiện trong chân không, và ngày càng rõ ràng rằng các trao đổi ngoại giao của nó với Trung Quốc là một trò chơi có tổng số bằng không.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Parolin có thể chào đón Đức Giám Mục Shen một cách thân tình và việc đổi mới Vatican-Trung Quốc thêm hai năm nữa, những năm đó có thể sẽ phải trả giá – trong sự hiệp thông của các giám mục địa phương như Shen với Đức Giáo Hoàng, sự đau khổ đối với các giám mục luôn giữ niềm tin với Rome hơn Đảng Cộng Sản Trung Quốc và ủng hộ các đồng minh ngoại giao của Vatican như Đài Loan.