1. Caritas Li Băng nhanh chóng viện trợ khi hàng triệu người chạy trốn khỏi cuộc xung đột leo thang giữa Israel và Hezbollah
Sự leo thang quân sự đang diễn ra giữa Hezbollah và Israel đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng di dời lớn. Tình hình rất tồi tệ, ảnh hưởng đến nhiều khu vực ở Li Băng.
Những người di tản trong nước, gọi tắt là IDP, chủ yếu từ phía nam và vùng ngoại ô phía nam của Beirut, đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo Thủ tướng Li Băng Najib Mikati, có thể “lên tới một triệu người”.
Cuộc khủng hoảng nhân đạo này đã vượt quá khả năng giúp đỡ của nhà nước nên các tổ chức cứu trợ địa phương và quốc tế đang vào cuộc để hỗ trợ những người phải di dời đã chuyển đến các nơi trú ẩn trên khắp đất nước. Trong số các tổ chức này có Caritas Li Băng, đang huy động viện trợ trên nhiều mặt trận.
Trong một cuộc phỏng vấn với ACI Mena, đối tác tin tức tiếng Ả Rập của CNA, Cha Michel Abboud, chủ tịch Hiệp hội Caritas Li Băng, đã giải thích về cách Caritas cung cấp viện trợ.
“Tổ chức của chúng tôi đang giải quyết cuộc khủng hoảng di dời thông qua một chiến lược ứng phó khẩn cấp toàn diện tại nhiều khu vực hoạt động khác nhau của mình”, ngài cho biết. “Thông qua việc phối hợp các nỗ lực với các tổ chức địa phương và quốc tế và dựa vào mạng lưới các tình nguyện viên và quản trị viên trên khắp các khu vực khác nhau, Caritas cung cấp hỗ trợ nhân đạo và đáp ứng nhu cầu của những người di dời nhiều nhất có thể”.
Cha Abboud cho biết Caritas đã chuẩn bị trước một phản ứng cho cuộc khủng hoảng tiềm tàng, nhưng các sự kiện gần đây đã vượt quá dự đoán của mọi người. “Do đó, chúng tôi đang làm phần việc của mình để bảo vệ mạng sống của những người phải di dời này”.
Về sự hỗ trợ của Caritas tại các nơi trú ẩn, vị linh mục cho biết: “Chúng tôi cung cấp nhiều dịch vụ, bao gồm thức ăn nóng và đóng hộp, nước uống và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Chúng tôi cũng đã bắt đầu cung cấp hỗ trợ tâm lý. Các nhà tâm lý học đang vào các nơi trú ẩn và lắng nghe nhu cầu của mọi người. Chúng tôi cũng đang nỗ lực cung cấp một môi trường an toàn cho trẻ em bằng cách tổ chức các chương trình giải trí.”
Khi được hỏi về tính bền vững của các dịch vụ trong trường hợp leo thang kéo dài, Cha Abboud cho biết: “Caritas đang nỗ lực tăng cường năng lực cứu trợ của mình thông qua hợp tác với các đối tác địa phương và quốc tế để bảo đảm các mặt hàng thiết yếu nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, việc duy trì năng lực của chúng tôi phụ thuộc vào sự hỗ trợ và quyên góp liên tục. Nếu tình trạng leo thang kéo dài, chúng tôi sẽ phải đối mặt với những thách thức đáng kể, nhưng chúng tôi liên tục xây dựng các kế hoạch khẩn cấp thay thế, tăng cường dự trữ và bảo đảm các khoản tiền cần thiết để đáp ứng nhu cầu của những người dễ bị tổn thương nhất trong thời gian dài nhất có thể”.
Ngài cho biết: “Trong mọi công việc, chúng tôi đều trông cậy vào sự quan phòng của Chúa trong hành trình và sứ mệnh của mình, và Người không bao giờ rời bỏ chúng tôi… Caritas trông cậy vào Chúa trong những nỗ lực đáp ứng nhu cầu của dân Người.
Source:Catholic News Agency
2. Trung Quốc đang gỡ bỏ thánh giá khỏi nhà thờ, thay thế hình ảnh Chúa Kitô bằng ảnh chân dung của Tập Cận Bình
Một báo cáo mới nêu chi tiết những nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm “thực hiện quyền kiểm soát hoàn toàn” đối với Giáo Hội Công Giáo và các tín ngưỡng tôn giáo khác trong phạm vi biên giới của mình và “xóa bỏ bằng vũ lực các thành phần tôn giáo” mà đảng này cho là trái với chương trình nghị sự chính trị và chính sách của mình.
Bản phân tích do Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, gọi tắt là USCIRF công bố hôm Thứ Ba, 01 Tháng Mười, khẳng định rằng chính sách “Hán hóa tôn giáo” của Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn vi phạm quyền tự do tôn giáo được quốc tế bảo vệ. Thuật ngữ Hán hóa có nghĩa là tuân theo văn hóa Trung Quốc, nhưng về cơ bản, chính sách này đặt các tín ngưỡng phụ thuộc vào “chương trình nghị sự chính trị và tầm nhìn Marxist của Đảng Cộng sản Trung Quốc về tôn giáo”, theo báo cáo.
Theo báo cáo, các quan chức Trung Quốc đã ra lệnh gỡ bỏ thánh giá khỏi các nhà thờ và thay thế hình ảnh Chúa Kitô và Đức Mẹ Đồng Trinh bằng hình ảnh Chủ tịch Tập Cận Bình. Họ cũng kiểm duyệt các văn bản tôn giáo, buộc các thành viên giáo sĩ rao giảng ý thức hệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc và ra lệnh trưng bày các khẩu hiệu của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong các nhà thờ.
Để các tôn giáo phục tùng đảng, chính phủ buộc các nhóm tôn giáo phải gia nhập vào các “hiệp hội tôn giáo yêu nước” khác nhau và các chi nhánh địa phương của họ. Đối với các nhà thờ Công Giáo, điều này có nghĩa là gia nhập Hội đồng Giám mục của Giáo Hội Công Giáo Trung Quốc, chính thức nằm dưới sự kiểm soát của Cục Quản lý Tôn giáo Nhà nước Trung Quốc và Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Bất kỳ ai thực hành tôn giáo bên ngoài các hiệp hội được nhà nước chấp thuận đều bị coi là “lợi dụng niềm tin tôn giáo”. Hàng giáo sĩ và giáo dân bị bắt buộc phải tuân theo các điều khoản chống tôn giáo trong luật pháp Trung Quốc, một chính sách đã dẫn đến các vụ bắt giữ và bỏ tù hàng loạt. Các quan chức Trung Quốc đã thực thi các điều khoản chống tôn giáo đối với những người Công Giáo hầm trú không công nhận thẩm quyền của giáo sĩ được chính phủ hậu thuẫn và sự bóp méo đức tin mà những ông này rao giảng.
Ủy viên USCIRF Asif Mahmood nói với CNA rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc coi những người Công Giáo hầm trú là mối đe dọa vì họ không công nhận thẩm quyền của chính phủ “trong việc áp đặt giáo lý tôn giáo và quản lý các vấn đề tôn giáo”.
Mahmood, người được Lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ tại Hạ viện Hakeem Jeffries bổ nhiệm vào USCIRF, cho biết: “Ngay cả một số người Công Giáo chọn thờ phượng hợp pháp trong Hiệp hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc do nhà nước kiểm soát, cũng chắc chắn không được tự do vì phải tuân thủ các cơ chế kiểm soát và can thiệp khắc nghiệt của Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Mahmood cho biết: “Cuối cùng, chính phủ Trung Quốc chỉ quan tâm đến việc tạo ra sự tuân thủ và tận tụy không lay chuyển đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, chương trình nghị sự chính trị và tầm nhìn của đảng này về tôn giáo, chứ không phải bảo vệ quyền tự do tôn giáo của người Công Giáo”.
Báo cáo lưu ý rằng Vatican đã ký một thỏa thuận không được tiết lộ với Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2018, thiết lập sự hợp tác giữa các nhà chức trách Giáo hội và các quan chức Trung Quốc trong việc bổ nhiệm các giám mục. Tuy nhiên, báo cáo nêu rằng “chính phủ đã đơn phương bổ nhiệm các giám mục liên kết với Đảng Cộng sản Trung Quốc mà không có sự tham vấn và chấp thuận của Vatican” bất chấp thỏa thuận đó.
“Chính quyền tiếp tục làm mất tích các nhà lãnh đạo tôn giáo Công Giáo ngầm từ chối Giáo Hội Công Giáo do nhà nước kiểm soát, bao gồm Giám mục Phêrô Thiệu Chúc Mẫn và Giám mục Augustinô Thôi Thái,” Mahmood nói. “Chính quyền cũng từ chối tiết lộ nơi ở của các nhà lãnh đạo Công Giáo đã mất tích trong nhiều thập niên, như Giám mục Giacôbê Tô Chí Dân.”
Nina Shea, giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo của Viện Hudson và là cựu ủy viên của USCIRF, nói với CNA rằng ĐCSTQ đang “cố gắng cắt đứt Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc khỏi Đức Giáo Hoàng”.
“Các giám mục Công Giáo là mục tiêu đặc biệt vì vai trò thiết yếu của họ trong Giáo hội có hệ thống phẩm trật trong việc bảo đảm sự hiệp thông với người kế nhiệm Thánh Phêrô,” Shea nói. “Những người chống lại sự xâm phạm của chính phủ sẽ bị giam giữ vô thời hạn mà không có thủ tục tố tụng hợp lệ, bị trục xuất khỏi các tòa giám mục của họ, bị cảnh sát an ninh điều tra vô thời hạn, bị mất tích và/hoặc bị ngăn cản thực hiện các chức vụ giám mục của họ.”
Shea nói thêm rằng thỏa thuận Vatican-Trung Quốc “không có sự dàn xếp nào cho các giám mục từ chối tham gia hiệp hội vì lý do lương tâm cũng như không giải quyết vấn đề đàn áp tôn giáo”. Bà cho biết cuộc đàn áp tôn giáo dưới thời Tập Cận Bình là “cuộc đàn áp nghiêm trọng nhất đối với người Công Giáo Trung Quốc kể từ thời Mao”.
Nỗ lực kiểm soát tôn giáo của Đảng Cộng sản Trung Quốc không chỉ giới hạn ở người Công Giáo mà còn mở rộng sang cả người Tin lành, Hồi giáo, Đạo giáo, Phật giáo và những người theo tôn giáo dân gian Trung Quốc. Các quan chức Trung Quốc cũng đàn áp phong trào tôn giáo Pháp Luân Công mới.
Một trong những ví dụ tệ hại nhất được đưa vào báo cáo là việc bắt buộc giam giữ người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ vào các trại cải tạo, nơi họ phải tuyên thệ trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc và từ bỏ ngôn ngữ, văn hóa và truyền thống tôn giáo của mình. Báo cáo gọi hành động của chính phủ là “diệt chủng và tội ác chống lại loài người” đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.
Báo cáo cũng ghi nhận các ví dụ về việc cưỡng bức cải tạo đối với Phật tử Tây Tạng và xóa bỏ hoặc thay đổi các văn bản và hình ảnh tôn giáo. Các quan chức Trung Quốc cũng đã phá hủy hoặc thay đổi các bức tượng và đền thờ thuộc về Phật giáo và Đạo giáo Trung Quốc, đàn áp các hoạt động bị coi là trái ngược với mục tiêu của mình và buộc phải trưng bày các khẩu hiệu của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Source:Catholic News Agency
3. Thanh tra Tông tòa Huynh đoàn thánh Phêrô
Trong thông cáo vừa được công bố tại thành phố Fribourg, bên Thụy Sĩ, Huynh đoàn thánh Phêrô cho biết Đức Hồng Y João Bráz de Aviz, người Brazil, Tổng trưởng Bộ các Dòng tu đã gặp Bề trên Tổng quyền của Huynh đoàn, cùng với các vị phụ tá. Ngài thông báo cuộc thanh tra vừa nói và minh xác rằng cuộc thanh tra này không phải vì vấn đề nào của Huynh đoàn, nhưng mục đích là để biết rõ hơn huynh đoàn, về lối sống và hoạt động để trợ giúp những gì cần thiết.
Huynh đoàn thánh Phêrô được thành lập ngày 18 tháng Bảy năm 1988, tại Đan viện Xitô Hauterive, Fribourg, do các linh mục tách rời khỏi Huynh đoàn thánh Piô X, do Đức cố Tổng giám mục Marcel Lefebvre thành lập, nhưng hồi cuối tháng Sáu năm 1988 đã tự ý truyền chức cho bốn giám mục mà không có phép của Đức Thánh Cha, và vì thế bị vạ tuyệt thông.
Ba tháng sau khi Huynh đoàn thánh Phêrô được thành lập, Tòa Thánh đã lập Ủy ban Ecclesia Dei, Giáo hội của Thiên Chúa, để đặc trách các tín hữu trước kia theo Huynh đoàn thánh Piô X nhưng nay vẫn tiếp tục trung thành với Tòa Thánh. Huynh đoàn thánh Phêrô trực thuộc Ủy ban này.
Năm 2019, sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô bãi bỏ Ủy ban Ecclesia Dei, thì Huynh đoàn thánh Phêrô thuộc Bộ Giáo lý đức tin, nhưng năm 2021, từ khi Đức Thánh Cha ban hành Tông thư Traditionis custodes, Người gìn giữ Truyền thống, giới hạn tối đa việc cử hành thánh lễ theo nghi thức tiền Công đồng chung Vatican II, thì Huynh đoàn thánh Phêrô thuộc Bộ các Dòng tu. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha vẫn cho phép Huynh đoàn cử hành thánh lễ theo nghi thức cũ, tức là theo sách lễ ban hành năm 1962, dưới thời Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII.
Cách đây mười năm, tức là năm 2014, cũng đã có một cuộc thanh tra tại Huynh đoàn này do Ủy ban Ecclesia Dei thi hành.
Hiện nay, Huynh đoàn thánh Phêrô có 368 linh mục và 201 chủng sinh, xuất thân từ hai đại chủng viện: trước tiên là Đại chủng viện Wigratzbad ở miền Bavaria, nam Đức, tiếp đến là Đại chủng viện ở Denton, bang Nebraska, bên Mỹ.
4. Suy tư của Đức Thượng phụ Michel Sabbah nhân ngày cầu nguyện cho Hòa Bình, 7 tháng 10: Giữ cho hy vọng sống động
Nhân ngày cầu nguyện cho hòa bình 7 tháng 10 sắp tới, cựu thượng phụ La Tinh của Giêrusalem, Michel Sabbah, người Palestine đầu tiên giữ chức vụ này, và các thành viên của tổ chức Christian Reflection từ Giêrusalem công bố các suy tư sau đây:
Sau một năm chiến tranh liên miên, khi chu kỳ tử thần vẫn tiếp diễn không ngừng, chúng ta cảm thấy cần phải là các Kitô hữu và những công dân tìm hy vọng từ đức tin của mình. Trước tiên, chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta đã kiệt sức, tê liệt vì đau buồn và sợ hãi. Chúng ta đang nhìn chằm chằm vào bóng tối.
Toàn bộ khu vực đang chìm trong cảnh đổ máu liên tục leo thang và không chừa một ai.
Trước mắt chúng ta, Thánh Địa yêu dấu của chúng ta và toàn bộ khu vực đang bị biến thành đống đổ nát.
Hàng ngày, chúng ta thương tiếc hàng chục ngàn người đàn ông, đàn bà và trẻ em đã thiệt mạng hoặc bị thương, đặc biệt ở Gaza, nhưng cũng ở Bờ Tây, Israel, Li Băng và xa hơn nữa ở Syria, Yemen, Iraq và Iran.
Chúng ta vô cùng phẫn nộ trước sự tàn phá mà khu vực này phải gánh chịu. Ở Gaza, nhà cửa, trường học, bệnh viện, toàn bộ khu phố giờ đây chỉ còn là đống đổ nát. Bệnh tật, nạn đói và sự tuyệt vọng đang ngự trị. Đây có phải là mô hình cho khu vực của chúng ta sẽ trở thành không?
Xung quanh chúng ta, nền kinh tế đang bị tàn phá, việc làm bị chặn đứng và các gia đình gặp khó khăn trong việc kiếm thức ăn. Ở Israel, quá nhiều người đang than khóc, sống trong lo lắng và sợ hãi. Phải có cách khác!
Thảm họa của chúng ta không bắt đầu vào ngày 7 tháng 10 năm 2023. Các chu kỳ bạo lực đã không có hồi kết, bắt đầu từ năm 1917, đạt đỉnh vào năm 1948 và năm 1967, tiếp tục kể từ đó, cho đến ngày nay. Và ngày nay, giấc mơ của người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái về một ngôi nhà an toàn cho người Do Thái tại một quốc gia Do Thái có tên Israel có mang lại an ninh cho người Do Thái không? Còn người Palestine? Họ đã bị cuốn vào thực tại cái chết, sự lưu đày và sự bỏ rơi quá lâu, chờ đợi trong khi liên tục đòi quyền được ở lại đất nước của họ, tại các thị trấn và làng mạc của họ.
Thật đáng kinh ngạc, cộng đồng quốc tế chỉ nhìn vào gần như vô cảm. Những lời kêu gọi ngừng bắn và chấm dứt sự tàn phá được lặp lại mà không có nỗ lực có ý nghĩa nào để kiềm chế những kẻ gây ra sự tàn phá. Vũ khí hủy diệt hàng loạt và phương tiện phạm tội ác chống lại loài người tràn vào khu vực này.
Khi tất cả những điều này tiếp diễn, những câu hỏi vang lên: Khi nào thì điều này sẽ kết thúc? Chúng ta có thể tồn tại như thế này trong bao lâu? Tương lai của con cháu chúng ta sẽ ra sao? Chúng ta có nên di cư không?
Là các Kitô hữu, chúng ta cũng phải đối đầu với những tình huống khó xử khác: Đây có phải là một cuộc chiến mà chúng ta chỉ là những người đứng ngoài thụ động? Chúng ta đứng ở đâu trong cuộc xung đột này, thường được trình bày là cuộc đấu tranh giữa người Do Thái và người Hồi giáo, giữa Israel, một bên, và Hamas và Hezbollah được Iran hỗ trợ, bên kia? Đây có phải là một cuộc chiến tranh tôn giáo không? Chúng ta có nên cô lập mình trong sự an toàn bấp bênh của các cộng đồng Kitô giáo của chúng ta, tách mình khỏi những gì đang diễn ra xung quanh chúng ta không? Chúng ta chỉ đứng ngoài quan sát và cầu nguyện, hy vọng rằng cuộc chiến này cuối cùng sẽ qua đi?
Câu trả lời là không. Đây không phải là một cuộc chiến tranh tôn giáo. Và chúng ta phải chủ động đứng về một phía, phía công lý và hòa bình, tự do và bình đẳng. Chúng ta phải sát cánh cùng tất cả những người Hồi giáo, Do Thái giáo và Kitô giáo, những người tìm cách chấm dứt cái chết và sự hủy diệt.
Chúng ta làm như vậy vì đức tin của chúng ta vào một vị Chúa hằng sống và trong niềm tin rằng chúng ta phải cùng nhau xây dựng một tương lai. Mặc dù cộng đồng Kitô giáo của chúng ta còn nhỏ, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng sự hiện diện của chúng ta là mạnh mẽ. Tin tưởng vào sự phục sinh của Người, chúng ta có ơn gọi giống như men trong bột nhào của xã hội. Với những lời cầu nguyện, tình liên đới, sự phục vụ và hy vọng sống động của mình, chúng ta phải khuyến khích tất cả những người xung quanh chúng ta, thuộc mọi tín ngưỡng và những người không có đức tin, tìm sức mạnh để tự vực dậy khỏi sự kiệt sức tập thể và tìm ra con đường phía trước.
Nhưng không ai trong chúng ta có thể làm điều này một mình. Chúng ta trông cậy vào các nhà lãnh đạo Kitô giáo, các giám mục và các linh mục của mình để được hướng dẫn. Chúng ta cần những người chăn dắt giúp chúng ta nhận ra sức mạnh mà chúng ta có khi ở bên nhau. Khi ở một mình, mỗi người chúng ta đều bị cô lập và bị thu hẹp vào im lặng. Chỉ khi ở bên nhau, chúng ta mới có thể tìm thấy nguồn lực để đối đầu với những thách thức.
Trong sự kiệt sức và tuyệt vọng của chúng ta, chúng ta hãy nhớ đến người bại liệt (Mc 2: 1-12) không thể đứng dậy. Chỉ khi bạn bè anh ta khiêng anh ta, khi họ dùng trí tưởng tượng của mình để tạo một lỗ trên mái nhà và hạ anh ta xuống trên chiếu của anh ta, thì anh ta mới có thể với tới Chúa Giêsu, Đấng đã nói với anh ta: “Hãy đứng dậy và bước đi.”
Chúng ta cũng vậy. Chúng ta phải nâng đỡ nhau nếu chúng ta muốn tiến về phía trước. Chúng ta phải sử dụng trí tưởng tượng của mình, bắt nguồn từ Chúa Kitô, để tìm ra những lối mở ở nơi dường như không có. Khi chúng ta đã đạt đến giới hạn của hy vọng, chúng ta cùng nhau nâng đỡ nhau, khi chúng ta hướng về Chúa và cầu xin sự giúp đỡ.
Chúng ta cần sự giúp đỡ này để không tuyệt vọng, không rơi vào bẫy hận thù. Đức tin của chúng ta vào Sự Phục sinh dạy chúng ta rằng tất cả con người đều được yêu thương, bình đẳng, được tạo ra theo hình ảnh
của Chúa, là con cái của Chúa và là anh chị em của nhau. Niềm tin của chúng ta vào phẩm giá của mỗi con người được thể hiện trong việc chúng ta phục vụ cộng đồng rộng lớn hơn. Trường học, bệnh viện, dịch vụ xã hội của chúng ta là những nơi chúng ta chăm sóc tất cả những người cần, không phân biệt đối xử.
Cũng chính đức tin thúc đẩy chúng ta nói lên sự thật và phản đối bất công. Chúng ta là những người tin vào sự bình an mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta và không thể bị tước đoạt. Người là sự bình an của chúng ta” (Ê-phê-sô 2:14). Chúng ta không được sợ lên tiếng phản đối bất cứ hình thức bạo lực, giết chóc và phi nhân tính nào. Đức tin của chúng ta khiến chúng ta trở thành phát ngôn nhân cho một vùng đất không có tường thành, không phân biệt đối xử, phát ngôn nhân cho một vùng đất bình đẳng và tự do cho tất cả mọi người, cho một tương lai trong đó chúng ta cùng chung sống.
Chúng ta sẽ chỉ biết đến hòa bình khi thảm kịch của người dân Palestine chấm dứt.
Chỉ khi đó, người Israel mới được hưởng an ninh. Chúng ta cần một thỏa thuận hòa bình dứt khoát giữa hai đối tác này chứ không phải lệnh ngừng bắn tạm thời hoặc các giải pháp tạm thời. Lực lượng quân sự hùng mạnh của Israel có thể hủy diệt và gây ra cái chết, có thể xóa sổ các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự và bất cứ ai dám đứng lên phản đối sự xâm lược và phân biệt đối xử. Tuy nhiên, nó không thể mang lại an ninh mà người Israel cần. Cộng đồng quốc tế phải giúp chúng ta bằng cách nhận ra rằng nguyên nhân gốc rễ của cuộc chiến này là sự phủ nhận quyền của người dân Palestine được sống trên mảnh đất của mình, tự do và bình đẳng.
Một tương lai hòa bình phụ thuộc vào việc sống với nhau vượt ra ngoài cộng đồng của chúng ta.
Chúng ta là một dân tộc, cả người theo Kitô giáo lẫn người theo đạo Hồi. Chúng ta phải cùng nhau tìm kiếm con đường vượt qua các chu kỳ bạo lực. Cùng với họ, chúng ta phải tham gia với những người Do Thái Israel cũng mệt mỏi với những lời lẽ hoa mỹ, những lời dối trá, những ý thức hệ về cái chết và sự hủy diệt.
Chúng ta hãy lên đường, cùng nhau gánh vác. Chúng ta hãy giữ cho hy vọng sống động, biết rằng hòa bình là điều khả hữu.. Sẽ rất khó khăn nhưng chúng ta hãy nhớ rằng chúng ta đã từng sống cùng nhau trên vùng đất này với tư cách là người Hồi giáo, người Do Thái và người Kitô giáo. Sẽ có nhiều khoảnh khắc con đường dường như bị chặn lại. Nhưng cùng nhau chúng ta sẽ mở ra một con đường tiến về phía trước, bắt nguồn từ hy vọng của Chúa, và “hy vọng không làm chúng ta thất vọng.” (Rô-ma 5:5). Hy vọng của chúng ta nằm ở Chúa, ở chính chúng ta và ở mỗi con người mà Chúa ban cho một số lòng tốt của Người.
Đức Thượng phụ Michel Sabbah và các thành viên của Christian Reflection từ Giêrusalem