1. Đức Giáo Hoàng ban cấp quy chế tỵ nạn cho bà Aung San Suu Kyi tại Vatican. Yêu cầu Miến Điện trả tự do

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi trả tự do cho nhà lãnh đạo dân chủ của Miến Điện, Aung San Suu Kyi, người đã bị bắt giữ trong cuộc đảo chính của quân đội vào tháng 2 năm 2021.

'Tôi đã kêu gọi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và đã đón con trai bà tại Rôma. Tôi đã đề nghị Vatican tiếp đón bà tại lãnh thổ của chúng tôi', Đức Giáo Hoàng nói trong một cuộc trò chuyện với các anh em Dòng Tên tại Jakarta, Indonesia, trong chuyến đi gần đây của ngài tới Á Châu và Châu Đại Dương. Tin tức này được tờ La Civiltà Cattolica hay Văn Minh Công Giáo đưa tin ngày Thứ Ba, 24 Tháng Chín.

'Tôi đã ở Miến Điện và ở đó tôi đã nói chuyện với bà Aung San Suu Kyi, người từng là thủ tướng và hiện đang ở trong tù,' Đức Giáo Hoàng giải thích, ám chỉ đến chuyến đi được thực hiện vào tháng 12 năm 2017, khi Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ nắm quyền ở quốc gia Đông Nam Á này. 'Sau đó, tôi đến thăm Bangladesh, và ở đó tôi đã gặp những người Rohingya đã bị đuổi đi,' Đức Giáo Hoàng nói tiếp về nhóm thiểu số theo đạo Hồi bị quân đội Miến Điện đàn áp.

Trả lời câu hỏi của một người anh em từ Miến Điện xin lời khuyên về việc nên làm gì sau ba năm xung đột dân sự, Đức Giáo Hoàng Phanxicô thừa nhận rằng “không có câu trả lời chung cho câu hỏi của anh”, nhưng nhắc lại nhu cầu về hòa bình: “Ở Miến Điện ngày nay, anh không thể im lặng: anh phải làm gì đó! Tương lai của đất nước anh phải là hòa bình dựa trên sự tôn trọng phẩm giá và quyền của tất cả mọi người, tôn trọng trật tự dân chủ cho phép mọi người đóng góp vào lợi ích chung”.

Cuộc đảo chính của chính quyền quân sự đã chấm dứt một thập niên mở cửa dân chủ và bắt đầu một cuộc xung đột nội bộ, theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, đang cướp đi ngày càng nhiều nạn nhân là dân thường. Theo báo cáo của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Volker Turk, từ tháng 4 năm 2023 đến tháng 6 năm 2024, số vụ giết người đã tăng 50%. Trong cùng thời kỳ, ít nhất 9.000 người đã bị bắt và được cho là đã bị chuyển đến các trung tâm huấn luyện quân sự.

Aung San Suu Kyi, 79 tuổi, người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1991, sau 15 năm ngồi tù vì phản đối chế độ độc tài quân sự, lần đầu tiên được bầu trong cuộc bầu cử bổ sung năm 2012. Ba năm sau, đảng của bà, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên của đất nước. Sau khi đảm nhận vai trò Cố vấn Nhà nước vì bà đã bị cấm làm Tổng thống, bà đã bắt đầu một loạt các cải cách dân chủ.

Tình hình chính trị trở nên căng thẳng vào đầu năm 2021, khi quân đội cáo buộc Aung San Suu Kyi phạm một loạt tội danh bịa đặt mà bà phải đối mặt với mức án lên tới 30 năm tù. Mặc dù có báo cáo rằng bà đã bị quản thúc tại gia vào tháng 4, nhưng gia đình bà không biết chính xác bà đang ở đâu. Tình trạng sức khỏe hiện tại của bà không được biết, sau khi bà bị ngăn cản không cho tiếp xúc với thế giới bên ngoài, bao gồm cả luật sư của bà.

'Ngay bây giờ, người phụ nữ này là một biểu tượng. Và các biểu tượng chính trị cần được bảo vệ,' Đức Giáo Hoàng nói thêm, khi nói chuyện với tu sĩ Dòng Tên trẻ người Miến Điện. 'Bạn có nhớ nữ tu quỳ gối giơ tay trước quân đội không? Nó đã lan truyền khắp thế giới. Tôi cầu nguyện cho các bạn trẻ, rằng các bạn sẽ can đảm như thế. Giáo hội ở đất nước các bạn rất can đảm'.


Source:Asia News

2. Nguy hiểm cho người Công Giáo Trung Quốc: Các giám mục cảnh báo một lần nữa về các giáo phái

“Người Công Giáo phải tránh xa các giáo phái và giáo lý của họ, tuyệt đối từ chối tham dự các cuộc họp của họ. Người đã chịu phép rửa tội phải kiên trì trong đức tin và tuân thủ các chân lý được tiết lộ trong Thánh Kinh và Huấn quyền của Giáo hội,” Đức Giám Mục Giáo phận Ninh Ba, thuộc Tỉnh Chiết Giang, Phanxicô Xaviê Kim Dương Khoa (Jin Yangke, 金阳科)cảnh báo trong lá thư mục vụ mới nhất của ngài.

Trong Thư, Đức Giám Mục “với tình cảm của một mục tử” yêu cầu tất cả các linh mục khẩn cấp cảnh báo cộng đồng của mình về những nguy hiểm của các giáo lý và thực hành do các giáo phái truyền bá, sử dụng ngôn ngữ khải huyền và các công thức có nguồn gốc từ Kitô giáo, tìm cách chiêu mộ tín hữu ngay cả trong các giáo xứ Công Giáo. Trong bối cảnh này, Đức Giám Mục đặc biệt đề cập đến các nhóm được gọi là “Giáo hội Thiên Chúa toàn năng” và “Trời mới Đất mới” và thúc giục cảnh giác chống lại những kế hoạch chiêu dụ tín đồ của họ. Đồng thời, Đức Giám Mục bảo đảm với những người “đã bị lừa dối” rằng “hãy luôn cầu nguyện với Chúa cho anh em, để Người ban cho anh em ơn phân định”. Đức Giám Mục nói thêm rằng “Tôi thúc giục anh em hãy nhận ra những sự thật sai lầm của những giáo lý này, hãy ăn năn và ngay lập tức quay trở lại với đàn chiên mà Chúa Kitô đã quy tụ và thành lập. Giáo phận sẽ phải thực hiện các biện pháp của Giáo hội đối với những người tiếp tục chọn sai lầm”.

Đây không phải là lần đầu tiên các giám mục Trung Quốc được thúc đẩy cảnh báo các linh mục, nữ tu và giáo dân về mối nguy hiểm bị dụ dỗ bởi các phương pháp tuyển dụng của các giáo phái liên tục nhắc đến các sách Thánh Kinh trong tuyên truyền của họ, do đó tạo ra sự nhầm lẫn ngay cả trong số những người Công Giáo. Một số giám mục và linh mục đã báo cáo rằng họ đã bị tống tiền, và đe dọa sau khi yêu cầu các thành viên trong cộng đồng của họ không giao du với các thành viên của các giáo phái ngày càng hung hăng và dai dẳng trong các nỗ lực tuyển dụng những người theo đạo mới trong số những người đã chịu phép rửa tội.

Quay trở lại năm 2012, các nhà lãnh đạo của cộng đồng Công Giáo và Tin lành tại thành phố Hàng Châu đã công bố một Bức thư ngỏ gửi đến các Kitô hữu, vào đêm trước ngày mà những người theo giáo phái “Giáo hội Thiên Chúa toàn năng”, còn được gọi là “Tia chớp phương Đông” đã dự đoán là ngày “tận thế”, vào ngày 21 tháng 12 năm 2012. Vào thời điểm đó, Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc khi đó cũng đã can thiệp, công bố trên Fides một hồ sơ thông tin về những giáo lý sai lệch và các hoạt động thao túng và tống tiền được các nhóm giáo phái sử dụng chống lại các cộng đồng Thiên chúa giáo.

Trong Thư Mục vụ của mình, Đức Cha Kim trích dẫn Bộ Giáo luật (Điều 750 triệt 1) và Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo (đoạn 85), nêu rằng “dựa trên các báo cáo từ giáo dân và các cuộc điều tra của giáo phận, chúng tôi đã xác định rằng các giáo phái như 'Trời Mới và Đất Mới (hay Đền Thờ của Nhà Tạm Chứng Ngôn)' và 'Giáo Hội Thiên Chúa Toàn Năng (hay Tia Chớp Phương Đông)' đã hoạt động gần đây.

Giáo phái Đền Thờ của Nhà Tạm Chứng Ngôn, tiếng Anh là “The Temple of the Tabernacle of the Testimony”, giải thích về cái tên khó hiểu của họ như sau:

“Nhà tạm Chứng ngôn” có nghĩa là nhà tạm làm chứng cho sự ứng nghiệm thể lý của Khải huyền mà người ta đã thấy và nghe. “Đền thờ” có nghĩa là ngôi nhà thánh nơi các thánh đồ thờ phượng Chúa. Nhà tạm Chứng ngôn là đền thờ đã hứa nơi mọi quốc gia đã được chữa lành đến thờ phượng.”

“Những bài phát biểu của họ,” Đức Cha cảnh báo, “có vẻ giống với những bài phát biểu của Giáo hội, nhưng trên thực tế, giáo lý của họ mâu thuẫn với giáo lý của Thánh Kinh và Truyền thống và khiến cuộc sống của chúng ta xa rời Phúc âm của Chúa Kitô.” Đức Cha Phanxicô Xaviê Kim đã trích dẫn đoạn 85 của Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo (trong đó có trích dẫn từ Hiến Chế Tín Lý “Dei Verbum” hay “Lời Chúa” của Công Đồng Vatican II) để nhắc lại rằng “nhiệm vụ giải thích một cách xác thực lời Chúa đã viết hoặc truyền thống chỉ được giao phó cho Huấn Quyền sống động của Giáo Hội - tức là cho các Giám mục hiệp thông với Người kế vị Thánh Phêrô, Giám mục Rôma - những người có thẩm quyền được thực hiện nhân danh Chúa Giêsu Kitô”.

Ở Trung Quốc, có năm tôn giáo được bọn cầm quyền công nhận chính thức là Đạo giáo, Phật giáo, Công Giáo, Tin lành và Hồi giáo. Các giáo phái tôn giáo và những lời dạy thường mang tính khải huyền và thiên niên kỷ của họ tìm thấy mảnh đất màu mỡ, đặc biệt là ở vùng nông thôn Trung Quốc, tập trung vào việc công bố ngày tận thế và lời hứa về sự xuất hiện của các vương quốc cứu thế trên trái đất.

Trong bức thư của mình, Đức Cha Phanxicô Xaviê Kim bác bỏ giáo lý của các giáo phái trong sáu điểm, nhấn mạnh rằng việc họ lợi dụng Kinh thánh chủ yếu tập trung vào các văn bản Sáng thế ký và Khải huyền, cũng như các đoạn trích từ Thư thứ hai của Thánh Gioan và Thánh Phaolô gửi cho dân thành Thessalonica.

Trong một số trường hợp, các thành viên giáo phái đã bị buộc tội và truy tố là thủ phạm của các tội ác và hành vi sai trái. Trong những năm gần đây, nhiều tín hữu của các giáo phái này đã rời khỏi Trung Quốc và chuyển đến Hoa Kỳ, Canada, Úc và di cư đến các nước Liên Hiệp Âu Châu, nơi họ tự coi mình là nạn nhân của sự đàn áp và là người bảo vệ quyền tự do tôn giáo. Họ cũng ráo riết truyền giáo tại hải ngoại và sự gia tăng số lượng tín hữu của họ trùng hợp với sự gia tăng các nguồn lực kinh tế và vật chất mà họ có thể tiếp cận.


Source:Fides

3. Các giáo phái mới nổi tại Trung Quốc đang thu hút người Công Giáo

Hai giáo phái mới nổi và nhanh chóng thu hút được một số đông các tín hữu tại Trung Quốc là “Giáo hội Thiên Chúa toàn năng”, còn được gọi là “Tia chớp phương Đông” và “Trời mới Đất mới” hay còn gọi là Đền Thờ của Nhà Tạm Chứng Ngôn.

Theo các quan sát viên về Trung Hoa, giáo phái Tia chớp phương Đông xuất hiện ở Trung Quốc vào năm 1991 và bị chính quyền Trung Quốc coi là một “giáo phái tà ác”. Học thuyết trung tâm của nhóm này tuyên bố rằng Chúa Giêsu Kitô đã trở lại trái đất trong thời đại của chúng ta và đã đầu thai thành một vị Chúa toàn năng. Theo hầu hết các học giả, người được những người theo giáo phái này xác định là Chúa toàn năng là một người phụ nữ sinh ra ở tây bắc Trung Quốc vào năm 1973, tên là Dương Hướng Bân (Yang Xiangbin, 杨向斌). Người sáng lập giáo phái này Triệu Duy Sơn (Zhao Weishan, 赵维山) là người đã xuất hiện vào cuối những năm 1980 từ các giáo đoàn Tin lành. Năm 2000, Triệu và Dương đã đến Hoa Kỳ, nơi họ xin tị nạn chính trị và bắt đầu lãnh đạo Giáo hội từ New York, trong khi ở Trung Quốc, một số nhà lãnh đạo đã bị cảnh sát bắt giữ.

Như hồ sơ do Fides công bố cho thấy, nhiều tín hữu của nhóm này đến từ các cộng đồng truyền giáo và Giáo Hội Công Giáo, bao gồm cả các nữ tu và linh mục Công Giáo bỏ đạo để gia nhập nhóm này.

Các chiến binh của nhóm tôn giáo này được hòa nhập vào các cộng đồng tôn giáo, “họ áp dụng hành vi mẫu mực trong thực hành Kitô giáo, họ thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến việc học hỏi”. Sau khi giành được lòng tin của mọi người, họ thường bắt đầu lan truyền tin tức sai sự thật và vu khống các nhà lãnh đạo cộng đồng, đồng thời sử dụng mạng xã hội cho các chiến dịch bôi nhọ này.

Một trong những chiêu thức phổ biến nhất của họ là mô tả Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc là một tà giáo. Các linh mục đua nhau tung ra những luận điểm ủng hộ các chính sách của Tập Cận Bình, Kinh Thánh bị xuyên tạc để phù hợp với chủ nghĩa cộng sản trong cái gọi là chính sách Hán Hóa, bao gồm cả việc treo ảnh của Tập Cận Bình ngang hàng với các thánh trong các nhà thờ Công Giáo.

Triển vọng được tị nạn tại Hoa Kỳ dưới danh nghĩa bị bách hại vì tôn giáo cũng là một yếu tố góp phần đáng kể vào việc chiêu mộ các tín hữu.

Chính vì thế, theo các ước tính của bọn cầm quyền Trung Quốc, nhóm này thu hút được ít nhất là 4 triệu tín hữu. Điều đau lòng là trong số các tín hữu của họ, không ít người từng là linh mục, nữ tu và tín hữu Công Giáo.

Nhóm này bị cáo buộc phạm nhiều tội khác nhau, bao gồm vụ giết người được quay phim vào năm 2014 tại một cửa hàng McDonald's ở Chiêu Viễn (Zhaoyuan, 招远) khi một phụ nữ trẻ bị sáu tín hữu sát hại.

Giáo phái thứ hai là giáo phái “Trời Mới Đất Mới”.

Nhóm này, còn được gọi là Giáo Hội Chúa Giêsu Kitô, Đền thờ Nhà Tạm Chứng Ngôn hoặc theo tên tiếng Hàn là Shincheonji, được thành lập vào ngày 14 tháng 3 năm 1984 bởi người Nam Hàn Lý Vạn Hy (Lee Man-hee, 이만희), và cũng đang phát triển nhanh chóng ở Trung Quốc, tấn công tuyên truyền chủ yếu vào các Kitô hữu trẻ tuổi, đang làm việc và giàu có ở thành phố Từ Hối (Xuhui, 徐汇) của Thượng Hải. Những người theo đạo này tin rằng Lý Vạn Hy là “người chăn chiên được hứa hẹn” của Tân Ước và chỉ có ông mới nắm giữ chìa khóa để giải thích các ẩn dụ của Sách Khải Huyền. Giáo phái này dạy rằng giáo lý Kitô chân chính đã dần bị cả Giáo Hội Công Giáo và Tin lành làm sai lệch kể từ khi Chúa Kitô đến và “người chăn chiên được hứa hẹn” Lý Vạn Hy được kêu gọi khôi phục lại sự trong sáng ban đầu của giáo lý nguyên thủy. Giáo phái này cũng sử dụng các khóa học nghiên cứu Kinh thánh và các cuộc họp về hòa bình và đối thoại liên tôn do các nhóm phụ tổ chức như một công cụ tuyên truyền. Giáo phái này cũng dạy rằng những người duy nhất sẽ được cứu vào thời điểm Phán xét cuối cùng sẽ là những người theo giáo phái này.

Vào năm 2014, số lượng “chi nhánh” của tổ chức này tại Trung Quốc đã vượt quá 100 và thậm chí còn lan rộng đến các thành phố có dân số một triệu người như Bắc Kinh và Quảng Châu.

Ngay từ ngày 23 tháng 3 năm 2015, Ủy ban Mục vụ Giáo phận Cát Lâm đã ban hành thông cáo cảnh báo về các hoạt động của “Giáo phái Trời Mới Đất Mới”, được nhiều trang web Công Giáo Trung Quốc đăng tải.

Nhóm này đã trở thành tâm điểm chú ý của giới truyền thông quốc tế vào năm 2020, khi một cuộc tụ tập trái phép của những người theo dõi trong thành phố được coi là nguyên nhân gây ra sự lây lan của đại dịch corona virus ở Nam Hàn. (Agenzia Fides, 19 Tháng Chín/2024)


Source:Fides

4. Diễn từ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô với các giáo sư đại học Công Giáo Leuven

Ngày 27 tháng 9 năm 2024, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tới Promotiezaal của Đại học Công Giáo LeuvenUniversiteit để gặp gỡ các giáo sư.

Trong diễn từ tại đây, Đức Thánh Cha nói:

Thưa Viện trưởng,

Các Giáo sư đáng kính,

Anh chị em thân mến, xin chào buổi chiều!

Tôi rất vui khi được ở đây giữa các quý vị. Tôi cảm ơn Viện trưởng về những lời chào mừng trong đó ông đã suy gẫm về truyền thống và nguồn gốc lịch sử của trường Đại học, và về những thách thức chính mà tất cả chúng ta đang phải đối diện ngày nay. Thật vậy, nhiệm vụ đầu tiên của một trường đại học là cung cấp sự đào tạo toàn diện để sinh viên có thể được trang bị các công cụ cần thiết để diễn giải hiện tại và lập kế hoạch cho tương lai.

Tuy nhiên, việc đào tạo văn hóa không bao giờ là mục đích trong chín nó và các trường đại học không bao giờ nên có nguy cơ trở thành “những nhà thờ chính tòa giữa sa mạc”. Theo bản chất của mình, chúng là động lực thúc đẩy các ý tưởng và nguồn cảm hứng mới cho cuộc sống và tư duy của con người, và để đối đầu với những thách thức trong xã hội. Nói cách khác, chúng là những nơi sinh sôi. Thật tuyệt khi xem các trường đại học như nơi tạo ra văn hóa và ý tưởng, nhưng trên hết là nơi thúc đẩy niềm đam mê tìm kiếm chân lý, phục vụ cho sự tiến bộ của con người. Theo một cách đặc biệt, các trường đại học Công Giáo như trường của quý vị được kêu gọi “cung cấp sự đóng góp quyết định của men, muối và ánh sáng của Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô và Truyền thống sống động của Giáo hội, luôn cởi mở với những tình huống và ý tưởng mới” (Tông hiến Veritatis Gaudium, 3).

Bây giờ tôi muốn gửi lời mời đơn giản đến từng người trong số quý vị: hãy mở rộng ranh giới của kiến thức! Thay vì nhân lên các khái niệm và lý thuyết, hãy biến việc đào tạo học thuật và văn hóa thành một không gian quan trọng vừa hiểu vừa nói về sự sống.

Có một câu chuyện ngắn trong Kinh thánh trong Sách Sử Biên mà tôi muốn chia sẻ với quý vị. Nhân vật chính, Jabez, đã cầu xin Chúa: “Ôi, ước gì Chúa ban phước cho tôi và mở rộng bờ cõi của tôi” (1 Sử biên 4:10). Tên Jabez có nghĩa là “đau đớn”, một cái tên được đặt cho ông vì mẹ ông đã phải chịu đựng rất nhiều trong khi sinh nở. Tuy nhiên, Jabez không muốn khép mình trong nỗi đau của riêng mình, lê bước trong than thở. Thay vào đó, ông cầu xin Chúa “mở rộng ranh giới” cuộc đời mình để ông có thể bước vào một nơi rộng lớn hơn, chào đón hơn và được ban phước hơn. Ngược lại, đó là sự khép lại.

Mở rộng ranh giới và trở thành một không gian mở cho nhân loại và xã hội là sứ mệnh lớn lao của một trường đại học.

Trong thời đại của chúng ta, chúng ta thấy mình đang phải đối diện với một tình huống mơ hồ với những ranh giới hạn hẹp. Một mặt, chúng ta đắm chìm trong một nền văn hóa được đánh dấu bằng sự từ chối tìm kiếm sự thật. Chúng ta đã mất đi niềm đam mê mãnh liệt trong việc tìm kiếm. Chúng ta thà tìm sự thoải mái và nơi ẩn náu trong suy nghĩ mong manh – bi kịch của suy nghĩ mong manh! – ẩn náu trong sự thật rằng mọi thứ đều bình đẳng, mọi thứ đều giống nhau, mọi thứ đều tương đối. Mặt khác, khi câu hỏi về sự thật nảy sinh trong bối cảnh trường đại học và những nơi khác, chúng ta thường có thể rơi vào cách tiếp cận duy lý, coi là “đúng” chỉ những thứ có thể đo lường, kiểm tra bằng thực nghiệm và chạm vào, như thể sự sống chỉ giới hạn ở những gì vật chất và hữu hình. Trong cả hai trường hợp này, ranh giới đều bị giới hạn.

Đối với loại giới hạn đầu tiên, chúng ta thấy một loại “mệt mỏi về mặt trí tuệ”, khiến chúng ta rơi vào trạng thái bất định liên tục, thiếu mọi đam mê, như thể việc tìm kiếm ý nghĩa là vô ích và thực tế là không thể hiểu được. Thế giới quan này được thể hiện qua một số nhân vật trong các tác phẩm của Franz Kafka, mô tả tình trạng bi thảm và đau khổ của con người vào thế kỷ XIX. Trong một cuộc đối thoại giữa hai nhân vật trong một trong những câu chuyện của ông, chúng ta thấy lời khẳng định này: “Tôi nghĩ cô ấy không lo lắng về sự thật vì nó quá gây mệt mỏi” (Racconti, Milano 1990, 38). Việc tìm kiếm sự thật thực sự mệt mỏi vì nó buộc chúng ta phải thoát khỏi chính mình, chấp nhận rủi ro, tự đặt câu hỏi cho bản thân. Tuy nhiên, do mệt mỏi về mặt trí tuệ, một cuộc sống hời hợt hấp dẫn chúng ta hơn, một cuộc sống không phải đối diện với những thách thức mới. Tương tự như vậy, cũng có nguy cơ bị thu hút bởi một “đức tin” dễ dàng, không cần nỗ lực và thoải mái, không đặt ra bất cứ câu hỏi nào.

Quay sang loại ranh giới hạn chế thứ hai, ngày nay chúng ta có nguy cơ một lần nữa rơi vào “chủ nghĩa duy lý vô hồn”; bị chi phối bởi một nền văn hóa kỹ trị dẫn chúng ta đến với nó. Khi con người bị coi là vật chất đơn thuần, khi thực tế bị hạn chế trong giới hạn của những gì hữu hình, khi lý trí bị thu hẹp lại thành luận lý toán học, khi lý trí chỉ đến từ “phòng thí nghiệm”, thì sự ngạc nhiên sẽ mất đi, và khi thiếu nó, người ta không thể suy nghĩ; sự ngạc nhiên là khởi đầu của triết học, là khởi đầu của tư duy. Theo cách này, chúng ta mất đi khả năng ngạc nhiên, điều thúc đẩy chúng ta nhìn xa hơn, hướng mắt lên trời, đào sâu vào sự thật ẩn giấu giải quyết những câu hỏi cơ bản: Tại sao tôi sống? Ý nghĩa cuộc sống của tôi là gì? Mục đích và mục đích cuối cùng của cuộc hành trình này là gì? Romano Guardini tự hỏi: “Tại sao con người, mặc dù đã tiến bộ rất nhiều, vẫn không biết chính mình và ngày càng trở nên không biết chính mình? Đó là vì con người đã đánh mất chìa khóa để hiểu bản chất của chính mình. Luật chân lý của chúng ta nêu rõ rằng con người chỉ hiểu chính mình nếu họ bắt đầu từ trên cao, từ bên ngoài chính mình, từ Thiên Chúa, vì chính sự hiện hữu của con người đến từ Người” (Preghiera e verità, Brescia 1973, 56).

Thưa các Giáo sư, thay vì rơi vào tình trạng mệt mỏi về mặt trí tuệ hoặc chủ nghĩa duy lý vô hồn, chúng ta cũng hãy học cách cầu nguyện như Jabez: “Lạy Chúa, xin mở rộng biên giới của chúng con!” Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban phước cho công việc của chúng ta, phục vụ cho một nền văn hóa có khả năng đối diện với những thách thức của ngày nay. Chúa Thánh Thần mà chúng ta đã nhận được như một hồng ân thúc giục chúng ta tìm kiếm, mở ra những không gian cho suy nghĩ và hành động của mình, cho đến khi Người dẫn chúng ta đến với sự trọn vẹn của chân lý (x. Ga 16:13). Chúng ta nhận thức được, như Viện Trưởng đã nói trước đó, rằng “chúng ta vẫn chưa biết mọi thứ”. Đồng thời, chính sự hạn chế này thúc đẩy chúng ta tiến về phía trước, giúp chúng ta duy trì ngọn lửa nghiên cứu và luôn là cánh cửa sổ mở ra thế giới ngày nay.

Về phương diện này, tôi muốn bày tỏ lời cảm ơn chân thành: Cảm ơn! Cảm ơn, vì thông qua việc mở rộng ranh giới, quý vị đã trở thành môi trường chào đón những người tị nạn buộc phải chạy trốn khỏi vùng đất của họ, giữa tình trạng bất ổn lớn, khó khăn to lớn và thường là đau khổ tột cùng. Cảm ơn quý vị một lần nữa. Chúng ta vừa xem một lời chứng thực bằng video cảm động. Trong khi một số người kêu gọi củng cố biên giới vật lý, quý vị đã mở rộng biên giới như một cộng đồng đại học. Cảm ơn Quý vị. Quý vị đã dang rộng vòng tay chào đón những người chịu nhiều đau khổ, để giúp họ học tập và phát triển. Cảm ơn Quý vị.

Thật vậy, điều chúng ta cần là một nền văn hóa mở rộng ranh giới và tránh “chủ nghĩa bè phái” - và cảm ơn Quý vị vì đã không bè phái - hoặc tự đề cao mình hơn người khác. Một nền văn hóa hòa nhập như “men” tốt trong thế giới của chúng ta, đóng góp vào lợi ích chung của nhân loại. Trách nhiệm này, “niềm hy vọng lớn lao” này được giao phó cho Quý vị!

Một nhà thần học từ đất nước của Quý vị, một sinh viên và giáo sư của trường Đại học này đã tuyên bố rằng, “Chúng ta là bụi cây cháy cho phép Thiên Chúa biểu lộ chính Người” (A. GESCHÉ, Dio per pensare. Il Cristo, Cinisello Balsamo 2003, 276). Hãy giữ ngọn lửa này cháy sáng; hãy mở rộng ranh giới! Xin hãy lo lắng với sự bất ổn của cuộc sống, và hãy là những người tìm kiếm chân lý không ngừng nghỉ, và đừng để sự nhiệt tình của Quý vị suy yếu kẻo Quý vị đầu hàng trước sự trì trệ về mặt trí tuệ, đó là một căn bệnh rất tồi tệ. Hãy là những người chủ động trong việc tạo ra một nền văn hóa hòa nhập, lòng cảm thương và sự quan tâm đến những người yếu đuối nhất khi Quý vị tìm cách vượt qua những thách thức lớn trong thế giới của chúng ta ngày nay.

Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn quý vị!