1. Chuẩn bị Ngày Quốc tế Giới trẻ năm 2027
Một nhóm mấy chục người trẻ Nam Hàn đã đến Bồ Đào Nha để thu thập các chứng từ và kinh nghiệm liên quan đến việc tổ chức Ngày Quốc tế Giới trẻ tại Lisbon, hồi tháng Tám năm ngoái, 2023, để chuẩn bị cho việc tổ chức Ngày Quốc tế Giới trẻ năm 2027 tới đây, tại Hán Thành (Hán Thành), thủ đô Nam Hàn.
Phần lớn các thành viên trong nhóm là các huynh trưởng và những người đặc trách mục vụ giới trẻ thuộc Tổng giáo phận Hán Thành. Ngoài thủ đô Lisbon, đoàn cũng đến viếng Đền thánh Đức Mẹ Fatima. Trong dịp này, phái đoàn cũng hành hương tại Đền thánh Giacôbê, ở Santiago de Compostela, miền tây bắc Tây Ban Nha.
Hồi cuối thánh lễ Chúa nhật, mùng 06 tháng Tám năm ngoái, bế mạc Ngày Quốc tế Giới trẻ ở Lisbon, trước sự hiện diện của một triệu 500.000 người, Đức Thánh Cha đã thông báo việc chọn Hán Thành làm nơi tổ chức Ngày Quốc tế Giới trẻ lần tới, 2027.
Chúa nhật, ngày 28 tháng Bảy vừa qua, tại nhà thờ chính tòa Minh Đỗng (Myeongdong), ở Hán Thành, thủ đô Nam Hàn, đã khai diễn cuộc gặp gỡ để chính thức chuẩn bị Ngày Quốc tế Giới trẻ năm 2027.
Buổi lễ xoay quanh chủ đề “Hy vọng bừng lên tại Hán Thành” và có hơn một ngàn bạn trẻ hiện diện tại buổi lễ, trong đó cũng có vài người trẻ Bắc Hàn, cùng với đông đảo các vị đại diện Giáo hội và chính quyền, đặc biệt có Đức Tổng Giám Mục Giovanni Gaspari, Sứ thần Tòa Thánh tại Nam Hàn và Mông Cổ, ông Gleison De Paula Souza, người Brazil, Tổng thư ký Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, các đại diện ngoại giao của tám quốc gia, ông Yong Ho-sung, Thứ trưởng văn hóa, thể thao và du lịch, 19 đại biểu quốc hội và 9 thành viên Hội đồng thành phố Hán Thành. Ngoài ra, cũng có sự hiện diện của vài anh chị em khuyết tật, quân nhân, biểu tượng sự hiệp nhất và bao gồm.
Đức Tổng Giám Mục Hán Thành cũng phác họa những giai đoạn kế tiếp trong tiến trình chuẩn bị, như công bố chủ đề vào tháng Chín, trao biểu tượng Thánh giá và ảnh Đức Mẹ Phần rỗi của dân Roma, cho đại diện giới trẻ Hán Thành, vào dịp Ngày Quốc tế Giới trẻ cử hành cấp giáo phận, vào Đại lễ Chúa Kitô Vua, ngày 24 tháng Mười Một năm nay. Năm tới, 2025, trong bối cảnh Năm Thánh 2025, sẽ có những ngày Năm Thánh dành cho giới trẻ, từ ngày 28 tháng Bảy đến ngày 03 tháng Tám.
2. “Hán hóa” không phải là hội nhập văn hóa
Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết nhan đề “‘Sinicization’ Is Not Inculturation”, nghĩa là “‘Hán hóa’ không phải là hội nhập văn hóa”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.
“Hội nhập văn hóa” đã là một thuật ngữ thông dụng của Công Giáo trong hơn nửa thế kỷ. Đây không phải là từ nhằm xuyên tạc ý nghĩa, lộng giả thành chân, như trong trường hợp nhiều thuật ngữ xã hội học khác. Trái lại, nó thể hiện một chân lý trong hoạt động truyền giáo của Công Giáo đã có từ hai thiên niên kỷ trước: Giáo hội sử dụng bất kỳ yếu tố thích hợp nào có sẵn trong một nền văn hóa nhất định để làm cho đề xuất Phúc Âm trở nên sống động trong môi trường đó. Các dụ ngôn do chính Chúa Giêsu đưa ra trong cuộc đời rao giảng của Ngài là sự bảo đảm trong Kinh thánh cho phương pháp truyền giáo này. Chúa đã sử dụng các yếu tố văn hóa quen thuộc có sẵn để truyền tải những chân lý quan trọng về Vương quốc của Chúa đang đi vào lịch sử—người buôn bán tìm thấy viên ngọc trai vô giá, người gieo hạt kiên nhẫn chờ đợi mùa gặt, hạt cải trở thành một cây lớn, v.v.
Thánh Phaolô là một “người hội nhập văn hóa” đầu tiên trong Công vụ Tông đồ 17, khi ngài cố gắng thuyết phục những người dân thành Athen hoài nghi rằng “vị thần vô danh” mà họ dùng để bảo vệ các luận lý tôn giáo của mình đã tự tỏ mình ra với dân Israel và trong Chúa Giêsu, bị đóng đinh và sống lại. Điều đó không hiệu quả như Phaolô hy vọng, nhưng chiến lược này là đúng đắn. Và vài thế kỷ sau, nó đã được Giáo hội triển khai để biến lời tuyên bố nguyên thủy của Kitô giáo—”Chúa Giêsu là Chúa”—thành tín điều và giáo điều, thông qua sự trung gian của các phạm trù rút ra từ triết học cổ điển tại các công đồng chung như Nicê I và Chalcedon.
Hội nhập văn hóa cũng có thêm một yếu tố quan trọng nữa. Khi Giáo hội tiếp nhận các yếu tố văn hóa từ một môi trường nhất định để làm cho thông điệp Phúc Âm trở nên “có thể nghe được”, thì một sự hội nhập văn hóa thành công sau đó sẽ dẫn đến việc Phúc Âm định hình lại môi trường đó để nó thể hiện sự hiểu biết theo Kinh thánh về phẩm giá và tình đoàn kết của con người. Như tôi đã giải thích trong Thư gởi người Công Giáo trẻ, sự hội nhập văn hóa của Phúc Âm ở Mễ Tây Cơ thông qua biểu tượng Đức Mẹ Guadalupe là một ví dụ điển hình về các yếu tố văn hóa bản địa đưa mọi người đến với đức tin, làm sâu sắc thêm đức tin đó và định hình lại một nền văn hóa.
Hội nhập văn hóa không phải là những gì đang diễn ra ở Trung Quốc ngày nay.
Dưới sự cai trị sắt đá của nhà độc tài Tập Cận Bình, chính sách tôn giáo của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là “Hán hóa”. Những người cả tin hoặc gian dối coi đây chỉ là một hình thức hội nhập văn hóa khác. “Hán hóa” không phải như vậy: Đó là sự đảo ngược lệch lạc của hội nhập văn hóa, nếu được hiểu đúng.
Đức tin Công Giáo ở Trung Quốc phải tuân theo “Tư tưởng Tập Cận Bình”; nó không được làm dịu đi, càng không được sửa đổi, ý thức hệ chính thức của nhà nước. Thực hành Công Giáo ở Trung Quốc phải thúc đẩy các mục tiêu bá quyền của chế độ cộng sản Trung Quốc; nếu chứng tá Công Giáo thách thức các mục tiêu đó, hoặc cách thức các mục tiêu đó được thúc đẩy thông qua các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trong nước và xâm lược quốc tế, thì kết quả là sự đàn áp, thường là thông qua hệ thống pháp luật tham nhũng mà người bạn Jimmy Lai của tôi là một nạn nhân nổi bật.
Một sự hội nhập văn hóa thực sự của Phúc Âm tại Trung Quốc sẽ kêu gọi Trung Quốc và chế độ chuyên chế hiện đang kiểm soát nó hoán cải. Ngược lại, “Hán hóa” là lời kêu gọi Giáo Hội Công Giáo quỳ lạy, và phục tùng một cách ngoan ngoãn chương trình kiểm soát xã hội của chế độ, về cơ bản là sự tinh chỉnh những gì George Orwell mô tả trong tiểu thuyết phản địa đàng 1984—mặc dù phản địa đàng hiện được quảng bá như một xã hội lý tưởng của sự sung túc, kết hợp với việc khôi phục danh dự và phẩm giá quốc gia thông qua sự thống trị thế giới.
Sự kiên trì ngoan cố của Vatican trong thỏa thuận thảm họa về mặt truyền giáo, sai lầm về mặt chiến lược và đáng ngờ về mặt giáo luật mà họ đã thực hiện với chế độ Tập Cận Bình vào năm 2018 – trong thỏa thuận trao cho Đảng Cộng sản Trung Quốc quyền đề cử giám mục, vi phạm giáo huấn của Công đồng Vatican II và lệnh cấm được nêu trong Điều 377 triệt 5 - là một dấu chỉ phản chứng chống lại tầm quan trọng của sự hội nhập văn hóa đích thực đối với Công cuộc Truyền giáo Mới. Thỏa thuận đó không thúc đẩy sứ mệnh công bố Phúc Âm của Giáo hội tại Trung Quốc. Thỏa thuận đó không đặt Giáo hội vào vị thế phục vụ xã hội Trung Quốc. Thay vào đó, thỏa thuận đó biến những người trong giáo hội thành những phát ngôn nhân trên thực tế cho một chế độ đang đàn áp người Hồi giáo và người Duy Ngô Nhĩ cũng như những người theo đạo Tin lành và Công Giáo thầm lặng. Vì vậy, Hồng Y Stêphanô Châu Thủ Nhân (Stephen Chow, 周星馳) của Dòng Tên mới được tấn phong gần đây thậm chí không thể dám nhắc đến những từ “Thiên An Môn” và “thảm sát” vào đúng ngày kỷ niệm 35 năm vụ thảm sát đó (hoàn toàn trái ngược với lời chứng dũng cảm của người tiền nhiệm của ngài là giám mục Hương Cảng, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, dòng Salêsiêng).
Sự đảo ngược của quá trình hội nhập văn hóa này cũng đang làm tổn hại đến danh tiếng của Công Giáo trên trường quốc tế. Nhà sử học vĩ đại người Anh Sir Michael Howard đã từng nói với tôi rằng sự chuyển đổi của Giáo Hội Công Giáo thành tổ chức bảo vệ quyền con người cơ bản nổi bật nhất thế giới là một trong hai cuộc cách mạng lớn của thế kỷ XX, cuộc cách mạng còn lại là cuộc tiếp quản của những người Bolshevik của Lênin ở Nga vào năm 1917. Cuộc cách mạng của Lenin vẫn tiếp diễn ở Trung Quốc. Trong khi đó, cuộc cách mạng nhân quyền của Công Giáo đã bị đình trệ ở Rôma trong thập niên qua, gây bất lợi cho cả Giáo hội và thế giới.
[First Things: “Sinicization” Is Not Inculturation]
3. Đức Tổng Giám Mục Công Giáo tại Mạc Tư Khoa nhấn mạnh tự do tôn giáo và nhân quyền
Đức Tổng Giám Mục Paolo Pezzi, Tổng giám mục Giáo phận Mẹ Thiên Chúa ở Mạc Tư Khoa, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Liên bang Nga, nhấn mạnh tính chất bất khả xâm phạm của tự do tôn giáo và các quyền con người, nhân vụ việc Quốc hội Ukraine thông qua luật cấm Giáo hội Chính thống có liên hệ với Tòa Thượng phụ Chính thống Mạc Tư Khoa từ nay không được hoạt động nữa.
Trả lời phỏng vấn về quyết định vừa nói của quốc hội Ukraine, Đức Tổng Giám Mục Paolo Pezzi, người Ý, nhận định rằng: “Đối với tình trạng khách quan phức tạp tại một nước khác, thì mọi bình luận chính thức là điều thuộc thẩm quyền của Tòa Thánh, đặc biệt là Phủ Quốc vụ khanh”. Tuy nhiên, Đức Tổng Giám Mục cũng nhận xét rằng vì vụ này ở Ukraine liên quan đến các quyền con người, nên cần nhắc lại giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo, theo đó, “nguồn mạch đích thực của các quyền con người, các quyền phổ quát, bất khả xâm phạm, mà không ai có thể tước đoạt, không đến từ ý chí của dân chúng, từ lệnh nhà nước hay từ nhà cầm quyền, nhưng từ chính con người và Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên con người”.
Dựa theo cuốn Toát yếu Giáo huấn xã hội Công Giáo, Đức Tổng Giám Mục Pezzi nêu rõ rằng trong số các nhân quyền vừa nói, thì quyền tự do lương tâm và tôn giáo là một trong những thiện ích tốt nhất và một trong những nghĩa vụ quan trọng nhất của mỗi quốc gia, của xã hội và nhà nước là không được cưỡng bách một người phải hành động trái với lương tâm của họ hoặc cấm họ hành động theo lương tâm.
Nhưng đàng khác, cũng giáo huấn của Giáo hội nhắc nhở chúng ta rằng quyền tự do tôn giáo tự nó không phải là vô giới hạn, nó có thể bị hạn chế trong những trường hợp chính đáng, phù hợp với những đòi hỏi của công ích. Trong bối cảnh này, Đức Tổng Giám Mục Pezzi nhắc đến tuyên ngôn mới đây của Bộ Giáo lý đức tin “Dignitas humanar”, Phẩm giá con người, và nhấn mạnh rằng nhà nước không thể lạm dụng khả thể giới hạn vừa nói, sự hạn chế này không thể do độc đoán hoặc do sự ủng hộ bất công đối với một phía nào, nhưng quyết định ấy phải được thực hiện phù hợp với các quy tắc pháp luật, phù hợp với trật tự luân lý khách quan và việc bảo vệ đích thực các quyền nhắm mưu ích cho mọi công dân
4. Thị trưởng Roma cho biết mỗi ngày hơn một trăm ngàn người đến Roma, nhân dịp Năm Thánh
Theo Thị trưởng thành Roma, ông Roberto Gualtieri, trong Năm Thánh 2025 tới đây, mỗi ngày Roma sẽ đón tiếp hơn một trăm ngàn tín hữu hành hương và du khách.
Phát biểu hôm 23 tháng Tám vừa qua, trong cuộc đối thoại trực tuyến với các tham dự viên “Cuộc gặp gỡ thân hữu”, tại thành Rimini, trung Ý, ông Gualtieri, cũng là Ủy viên chính phủ Ý về Năm Thánh, cho biết chính quyền Roma đang hết sức cố gắng để sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu của đông đảo các tín hữu hành hương Năm Thánh. Đây cũng là một cơ hội và cơ may làm cho thành Roma được đẹp đẽ và hiệu năng hơn, có tinh thần liên đới, bao gồm và kiên trì hơn.
Ông Gualtieri nhìn nhận rằng đây là một năm “cam go” đối với dân thành Roma, để mang lại cho Roma một bộ mặt mới. Tổng cộng, có sáu mươi công trường tái thiết và tu bổ, nguyên tại khu vực trung tâm lịch sử của Roma. Thêm vào đó, có hơn sáu trăm biện pháp khác nhau của thành phố Roma để cải thiện giao thông bằng xe đạp hay đi bộ, cải tiến về mặt xã hội, văn hóa và giáo dục.
Hiện diện trong cuộc hội luận về Năm Thánh trong cuộc gặp gỡ ở Rimini, cũng có Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Quyền Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin mừng, và cũng là vị điều hợp viên việc tổ chức và tiến hành Năm Thánh, về phía Giáo hội. Đức Tổng Giám Mục giải thích về giá trị của hy vọng và tha thứ, là hai từ chủ yếu trong Năm Thánh, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh trong Tông sắc “Spes non confudit”, Hy vọng không làm thất vọng, qua đó Đức Thánh Cha ấn định Năm Thánh 2025.
Đức Tổng Giám Mục nói: “Nét đặc sắc trong việc loan báo Năm Thánh hệ tại sự liên kết giữa hai yếu tố, là hy vọng và khả năng trao ban, cống hiến, tham gia, đề ra những dấu chỉ cụ thể về hy vọng (...). Tiếp đến là sự tha thứ, lãnh nhận ân xá như một hồng ân của Thiên Chúa: Năm Thánh, Giubileo, là loan báo một ơn đại tha thứ được ban cho chúng ta. Trong Tông sắc vừa nói, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng tha thứ không phải là thay đổi quá khứ, nhưng có thể giúp ta sống tương lai một cách tốt đẹp hơn... Trong một bầu không khí oán hận, bạo lực, báo thù, Năm Thánh đến nhắc nhở chúng ta về hồng ân lớn lao của Thiên Chúa. Ơn tha thứ, ân xá, là thánh ân, chứ không phải là một sự chinh phục. Đó là cảm nghiệm sự tha thứ của Thiên Chúa qua một hành trình: cuộc hành hương, bước qua Cửa Năm Thánh, tuyên xưng đức tin, làm việc bác ái. Loan báo rằng Thiên Chúa đang đến gặp gỡ bạn”.