1. Vatican đáp trả những hiểu lầm liên quan đến vụ Đức Hồng Y Sako
Sứ thần Tòa Thánh tại Iraq đã trả lời một tuyên bố được cho là của Tổng thống Cộng hòa Iraq, trong đó cho rằng Tòa Sứ Thần Tòa Thánh không phản đối việc rút lại sắc lệnh liên quan đến Đức Hồng Y Sako. Do những căng thẳng với Đức Thượng Phụ Sako, Tổng thống Barham Salih đã rút lại một sắc lệnh của người tiền nhiệm mình công nhận Đức Hồng Y Sako là Đức Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê tại Iraq.
Trong một tuyên bố được công bố trên trang web của Tòa Thượng phụ Chanđê, Sứ thần Tòa thánh tại Iraq bày tỏ sự hối tiếc về sự hiểu lầm và cách giải quyết không phù hợp liên quan đến vai trò của Đức Thượng phụ Louis Sako với tư cách là người được ủy thác tài sản của Giáo hội Chanđê.
Tuyên bố cũng đề cập đến một số báo cáo thiên vị và sai lệch xung quanh vấn đề này, thường bỏ qua thực tế rằng ngài là một nhân vật tôn giáo rất được kính trọng.
Sứ thần Tòa thánh làm rõ rằng Tổng thống Barham Salih đã yêu cầu một cuộc gặp với Đại biện lâm thời của Tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại Cộng hòa Iraq, Charles Lwanga Ssuuna, liên quan đến sắc lệnh gần đây liên quan đến Đức Thượng Phụ Louis Sako, là Thượng phụ của Giáo hội Chanđê.
Cha Ssuuna nhấn mạnh rằng việc quản lý các tài sản của Giáo hội - như được quy định trong hiến pháp Iraq - nên tiếp tục tự do dưới sự bảo trợ của những nhà lãnh đạo các Giáo Hội và trên thực tế, trước các tòa án và văn phòng chính phủ của Iraq. Tuy nhiên, Sứ thần Tòa thánh không bình luận về việc liệu điều này có được bảo đảm thông qua các sắc lệnh của tổng thống hay bất kỳ phương tiện thích hợp nào khác hay không
Trước đó vào thứ Hai, Tổng thống Cộng hòa đã gửi một tuyên bố về cuộc gặp giữa Tổng thống Barham Salih và Đại biện lâm thời của Tòa Sứ Thần Tòa Thánh.
Tuyên bố trích lời Ssuuna nói rằng Đại sứ quán không phản đối các thủ tục do Tổng thống Cộng hòa thực hiện liên quan đến việc rút lại sắc lệnh của tổng thống liên quan đến Hồng Y Louis Sako.
Source:shafaq.com
2. Người đàn ông bị bắt trong cuộc tấn công vào đền thờ Elizabeth Ann Seton tại Manhattan
Sở cảnh sát thành phố New York đã báo cáo về nhân thân của một người đàn ông xông vào một nhà thờ mặc áo lễ của các linh mục nhưng không mặc quần và đi đi lại lại trong nhà thờ.
Sở cảnh sát xác định người này là Walter Chisolm, 42 tuổi, cư dân New Jersey.
Cá nhân “nghểnh ngảng” được cho là đã đột nhập vào một nhà thờ Công Giáo ở Manhattan và phá hoại đền thờ Thánh Elizabeth Ann Seton vào cuối tuần qua.
Anh ta mặc lễ phục của linh mục - và được cho là không mặc quần - đã đột nhập vào Nhà thờ Công Giáo Đức Mẹ Mân Côi và giật đổ một cây thánh giá lớn tại đền thờ Seton, theo một báo cáo trên tờ New York Post, trích dẫn “cảnh sát và nhân chứng.”
Theo báo cáo, nghi phạm đã đuổi theo một nhân chứng và sau đó được tìm thấy ở bậc thềm trước nhà thờ giáo xứ, “đi đi lại lại” và cầm một chai rượu.
Một phát ngôn viên của Sở Cảnh sát New York đã xác nhận với CNA rằng các viên chức cảnh sát đã nhận được một cuộc gọi báo trộm tại địa chỉ của nhà thờ vào khoảng 11:20 sáng Thứ Bảy.
“Họ được một tình nguyện viên của nhà thờ thông báo rằng có một người đàn ông trong nhà thờ. Người đàn ông đó đã bị tạm giữ,” phát ngôn nhân nói.
Sở cảnh sát xác định người này là Walter Chisolm, 42 tuổi, cư dân New Jersey. Thủ phạm bị cáo buộc đã bị buộc tội tấn công một viên chức cảnh sát, trộm cắp, phạm tội hình sự, chống lại việc bắt giữ và cản trở chính quyền.
Toàn bộ thiệt hại và lý do phá hoại đều chưa rõ ràng vào sáng thứ Hai. Giáo xứ đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về vấn đề này.
Thành phố đã chứng kiến một số cuộc tấn công vào các nhà thờ địa phương trong thời gian gần đây. Những kẻ phá hoại năm ngoái đã làm hư hại nơi ở của Đức Hồng Y Timothy Dolan tại Nhà thờ St. Patrick ở Thành phố New York. Vào tháng 7 năm 2021, những kẻ phá hoại đã phá hủy các bức tượng của cả Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Têrêsa thành Lisieux tại một giáo xứ ở Queens.
Trong khi đó, cảnh sát hồi đầu tháng này đã bắt giữ hai cá nhân liên quan đến các vụ phá hoại và quấy rối tại các nhà thờ ở Brooklyn và Queens.
Và một nhà thờ ở Queens cho biết vào tháng trước rằng một người đàn ông đã vào giáo xứ, phá hủy một bức ảnh của Đức Thánh Cha Phanxicô, mặc áo choàng của một linh mục và tự đập vào đầu mình bằng một mặt nhật trước khi bị bắt. Nhà thờ cần phải thánh hiến lại trước khi Thánh lễ có thể được cử hành lại ở đó.
Source:National Catholic Register
3. Việc Nga chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc tác động nghiêm trọng đến vùng Sừng Phi Châu, Kenya nói
Bộ Ngoại giao Kenya cảnh báo hôm thứ Ba rằng quyết định của Nga chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc ở Hắc Hải là “cú đâm sau lưng đối với giá cả và an ninh lương thực toàn cầu”.
Bộ ngoại giao Kenya, cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Ba rằng quyết định này “tác động đặc biệt nghiêm trọng” đến các quốc gia ở vùng Sừng Phi Châu vốn đã bị ảnh hưởng bởi hạn hán.
Chính phủ Nga cho biết hôm thứ Hai rằng họ đã chấm dứt một thỏa thuận được ký kết cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Hắc Hải. Thỏa thuận này cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng của mình và điều hướng hành trình an toàn qua Hắc Hải đến eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ.
Một quan chức của Liên Hiệp Quốc cho biết hôm thứ Hai rằng mối quan tâm chính là sự đau khổ không thể tránh khỏi của con người theo sau việc chấm dứt thỏa thuận. Vị quan chức này nói: “Đơn giản là có quá nhiều thứ bị đe dọa trong một thế giới đói khát và đau thương.”
Thông tin thêm về tác động của thỏa thuận ở Phi Châu: Sáng kiến này đã cho phép xuất khẩu gần 33 triệu tấn lương thực từ Ukraine. Chương trình Lương thực Thế giới đã vận chuyển hơn 725.000 tấn để hỗ trợ các hoạt động nhân đạo – cứu trợ nạn đói ở một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới, bao gồm Afghanistan, Ethiopia, Kenya, Somalia, Sudan và Yemen