Jonathan Liedl trên National Catholic Register ngày 10 tháng 7, cho hay: trong khoảng thời gian từ ngày được công bố bổ nhiệm tại Bộ Giáo Lý Đức Tin và ngày được tuyên bố có tên trong danh sách tân Hồng Y, Đức Tổng Giám Mục Fernandez đã thực hiện một cuộc tấn công truyền thông hết sức ồ ạt: tiến hành các cuộc phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông đạo lẫn đời như với InfoVaticana Tây Ban Nha (5/7), trang mạng Crux, Hoa Kỳ (7/7), nhật báo Clarin, Á Căn Đình (8/7) và trang mạng của Tòa Thánh, VaticanNews (8/7). Ngoài ra, ngài còn cung cấp các nhận định cho tờ National Catholic Register và dùng chính các trang mạng xã hội của riêng ngài vừa để chia sẻ quan điểm của ngài về việc bổ nhiệm ngài lẫn ngỏ lời với những người chỉ trích ngài.



Nhưng trong khi ngài cung cấp một sự rõ ràng nào đó về cung cách lãnh đạo Bộ Giáo Lý Đức Tin cũng như các cam kết thần học rộng lớn hơn và cả một số quan điểm chuyên biệt về các vấn đề như chúc lành cho các cuộc kết hợp đồng tính, thì các mơ hồ về tư duy và nhiệm lệnh [mandate] của ngài vẫn còn đó.

Mơ hồ đầu tiên, theo Liedl chính là nhiện lệnh thư của ngài, một nhiệm lệnh thư mà Liedl hoài nghi là do chính ngài “viết ẩn danh” (ghost writer) vì nếu nối những cái chấm giữa các cuộc phỏng vấn ngài, người ta thấy một cái hiểu không đầy đủ, thậm chí mâu thuẫn về nhiệm lệnh của ngài: thực ra nó khác ra sao với cái hiểu xưa nay về “một trong những văn phòng cổ xưa nhất của Giáo Triều”.

Thí dụ, khi được InfoVaticana hỏi về việc Đức Phanxicô chỉ trích “các phương pháp vô luân” được Bộ Giáo Lý Đức Tin sử dụng “vào những thời điểm khác,” khi “thay vì thúc đẩy kiến thức thần học, người ta theo đuổi những sai lầm khả hữu về tín lý,” Đức Tổng Giám Mục Fernández đã minh nhiên liên kết cách tiếp cận có vấn đề này với "sự tra tấn và cái chết" của các nhà thần học bất đồng chính kiến, có lẽ là vào thời kỳ Bộ Giáo Lý Đức Tin còn được gọi là Toà dị giáo.

Do đó, đường hướng tiếp theo được Đức Giáo Hoàng mong đợi từ Đức Tổng Giám Mục Fernández khi lãnh đạo Bộ Giáo Lý Đức Tin “chắc chắn là một điều gì đó rất khác” dường như trái ngược với những phương pháp bạo lực cưỡng chế này từ nhiều thế kỷ trước.

Tuy nhiên, vào những thời điểm khác, Đức Hồng Y tân cử Fernández đã cố gắng ám chỉ rằng cách tiếp cận “rất khác” mà Đức Giáo Hoàng mong đợi nên tương phản với các thực hành gần đây hơn và ít “vô luân” hơn của Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Chẳng hạn, trong cuộc phỏng vấn với Crux, ngài lưu ý rằng việc bổ nhiệm ngài không nên được coi là một sự sỉ nhục đối với người tiền nhiệm trực tiếp của ngài, Đức Hồng Y Luis Ladaria, bởi vì trên thực tế, vị Hồng Y này đã không “lên án bất cứ ai” và những năm làm tổng trưởng của người tiền nhiệm đã “tạo ra một sự thay đổi.” Nhưng viện dẫn sự cần thiết phải tiếp tục biến đổi Bộ Giáo Lý Đức Tin, Đức Tổng Giám Mục Fernández lưu ý rằng chính Đức Hồng Y Ladaria trước đây đã nói với ngài rằng công việc của ngài chủ yếu tập trung vào các vấn đề về “kỷ luật” - và ít hơn vào việc thúc đẩy “việc đào sâu tư tưởng” và thần học, điều mà ngài nói là những gì Đức Giáo Hoàng đã giao nhiệm vụ cho ngài làm.

Tổng hợp lại, những tuyên bố của vị Hồng Y tân cử có thể được coi là ngụ ý một số kiểu liên kết giữa “các phương pháp vô luân” của những năm Tòa án dị giáo và vai trò liên tục của Bộ Giáo Lý Đức Tin trong việc cung cấp kỷ luật và sửa chữa các nhà thần học và giáo sĩ Công Giáo ương ngạnh - hoặc, ít nhất, nhận xét của ngài có thể tiếp tục bao che cho các nhà bình luận, những người muốn thúc đẩy ý tưởng này.

Đó là một sự đặt cạnh nhau cách kỳ lạ, bởi vì như lời của chính Đức Tổng Giám Mục gợi ý, Đức Hồng Y Ladaria đã có thể thực hiện một vai trò chủ yếu có tính kỷ luật đồng thời không có tính lên án một cách không cần thiết.

Có lẽ quan trọng hơn, nó gợi ý một sự hiểu biết về mối liên hệ giữa khoa tín lý và việc truyền giảng Tin Mừng, vốn khác với đường lối của Vatican kể từ Công đồng Vatican II.

Như đã được nhấn mạnh trên National Catholic Register, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, 50 năm trước đây, từng nhấn mạnh rằng vai trò bảo vệ đức tin của Bộ Giáo Lý Đức Tin “giờ đây được phục vụ tốt hơn” bằng cách không chỉ “nhẹ nhàng kêu gọi” những người lầm lạc trở về với sự thật mà còn bằng cách đem lại sức mạnh mới cho “những người loan báo Tin Mừng.” Và trong tông hiến mới mà ngài đã ban hành vào tháng 3 năm 2022, chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh rằng sứ mệnh của Bộ Giáo Lý Đức Tin — và vị trí mới trong hệ thống phẩm trật giáo triều bên dưới Thánh bộ Truyền giảng Tin Mừng mới được thành lập — vẫn bao gồm việc “bảo đảm để những sai lầm và giáo huấn nguy hiểm đang lan truyền giữa các Kitô hữu không thoát khỏi sự bác bỏ thích đáng.

Trong nhận xét của ngài với Vatican News, Đức Hồng Y tân cử Fernández minh xác rằng việc bảo vệ đức tin không loại trừ “việc cảnh giác”, miễn là nó phụ thuộc vào nhu cầu cho phép tín lý đức tin “phát triển trong sự hiểu biết của nó” – một lần nữa, tuyên bố này có thể được dung hòa với các cải cách của Bộ Giáo Lý Đức Tin trong thời kỳ hậu công đồng.

Nhưng không có cuộc phỏng vấn nào nói trên đã làm cho Đức Tổng Giám Mục Fernández đặt nhiệm lệnh Bộ Giáo Lý Đức Tin của mình trong bối cảnh liên tục với sự thay đổi việc nhấn mạnh rộng lớn hơn đang diễn ra này. Thay vào đó, ngài nói với Crux rằng bức thư của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thúc đẩy các nhà thần học gửi cho ngài các thông điệp coi đây như một “bước ngoặt” lớn trong sứ mệnh của Bộ Giáo Lý Đức Tin, tạo ấn tượng rằng ngài hiểu nhiệm lệnh của mình là một điều gì đó hoàn toàn khác biệt so với những gì trước đây - không những chỉ khác biệt với các thông lệ của thời kỳ Tòa dị giáo, nhưng với cả các thông lệ của những người tiền nhiệm gần đây nhất của ngài là Hồng Y Ladaria, Hồng Y Gerhard Müller, Hồng Y William Levada và Hồng Y lúc đó là Joseph Ratzinger.

Do đó, bản chất thực sự của sự thay đổi mà ngài dự định mang lại rất mơ hồ - đặc biệt là khi một số cách chủ chốt mà ngài dùng để mô tả nhiệm lệnh của mình, chẳng hạn như cổ vũ “một nền thần học hướng tới việc truyền giảng Tin Mừng” như ngài nói với Clarin, rõ ràng không nhất quán với cách những người đứng đầu Bộ Giáo Lý Đức Tin trước đây đã nhìn mối liên hệ giữa tín lý và việc công bố, trừ khi ngài hiểu việc truyền giảng Tin Mừng theo cách khác.

Trên thực tế, một đoạn trong cuộc phỏng vấn của ngài với Vatican News, trong đó ngài nói rằng “không có học thuyết tôn giáo nào thay đổi thế giới trừ khi có một sự kiện đức tin, một cuộc gặp gỡ định hướng lại cuộc sống,” đã được một số người chia sẻ trên mạng xã hội như thể đây là một cách tiếp cận mới lạ, trước đây chưa từng có từ người đứng đầu Bộ Giáo Lý Đức Tin. Trên thực tế, đó là sự trình bày lại lời dạy của Đức Bênêđíctô XVI trong Deus Caritas Est rằng Kitô giáo không phải là sản phẩm của một ý tưởng cao cả, mà là một cuộc gặp gỡ bản thân... Vì vậy, không thể nào nhìn nhận “tính ưu việt của cuộc gặp gỡ” là điều phân biệt được phương thức tiếp cận của người đứng đầu mới của Bộ Giáo Lý Đức Tin mới - vậy nó là gì?

Đức Hồng Y tân cử Fernández nói với Clarin rằng ngài sẽ không “phá vỡ bất cứ điều gì hoặc bắt đầu lại từ đầu.” Nhưng ngài lại thông báo với InfoVaticana rằng, theo mốt của Frank Sinatra, ngài sẽ làm công việc của mình trong tư cách người đứng đầu Bộ Giáo Lý Đức Tin “theo cách của tôi”. Chính xác thì cách thức của ngài trông như thế nào và nó “khác biệt” như thế nào vẫn chưa rõ ràng, điều này sẽ chỉ khiến những lo ngại về cách tiếp cận của người đứng đầu mới của Bộ Tín lý trở nên trầm trọng hơn.

Những Câu Hỏi Về Tín Lý và Thẩm Quyền

Tuy nhiên, có một số khía cạnh về cách Đức Hồng Y tân cử Fernández nhìn nhận nhiệm vụ của mình được ngài nói minh nhiên hơn. Chẳng hạn, ngài nói với Crux rằng ngài thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được ủy nhiệm của mình là bảo đảm “để các tài liệu của thánh bộ và của những thánh bộ khác ‘chấp nhận huấn quyền gần đây’”, nghĩa là những giáo huấn có thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Vị giáo phẩm người Á Căn Đình nói: “Đây là điều cần thiết cho sự gắn kết nội bộ về tư tưởng trong Giáo triều Rôma, bởi vì có thể xảy ra trường hợp các câu trả lời được đưa ra cho một số vấn đề thần học mà không chấp nhận những gì Đức Phanxicô đã nói là mới về những vấn đề đó”. Ngài nói thêm, không đủ nếu chỉ sử dụng một dòng của Đức Giáo Hoàng; con người phải được “biến hình theo tiêu chuẩn của ngài,” nhất là về thần học luân lý và mục vụ.

Tuy nhiên, việc Đức Hồng Y tân cử Fernández kiên quyết thực thi một loại “sự gắn kết nội bộ” giữa các cơ quan của Vatican (và “các thánh bộ khác”) có thể khiến một số người cho là mâu thuẫn với một số quan điểm khác của ngài về tính đa dạng trong cách diễn đạt tín lý và đối thoại thần học - chưa kể đến ác cảm trước đây của ngài đối với "kỷ luật."

Ngoài ra, nhận xét của ngài với Crux rằng “không phải mọi thứ [trong thần học] nên bị đóng cửa” bởi Giáo hội, mặc dù được đưa ra lúc nhắc đến một cuộc tranh cãi thần học ở thế kỷ 16 mà trên thực tế, không được Đức Giáo Hoàng Clêmentê VIII giải quyết, phải được lắng nghe trong bối cảnh giáo hội hiện nay, trong đó những vấn đề từng được cho là đã được giải quyết một cách có thẩm quyền - chẳng hạn như sự vô luân của việc làm tình cố ý tránh thai, sự hiện hữu của những chân lý tuyệt đối về luân lý hay sự bất khả của việc truyền chức cho phụ nữ - đang được một số người xem xét lại một cách mạnh mẽ.

Có thể gây nhầm lẫn cho một số người Công Giáo về việc làm thế nào mà sự hiểu biết về tín lý và thẩm quyền của Đức Hồng Y tân cử Fernández lại có thể kêu gọi một sự chấp hành mạnh mẽ như vậy đối với giáo huấn có tính huấn quyền của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong khi dường như cho phép việc có thể bác bỏ — chứ không phải phát triển — các giáo huấn có tính huấn quyền của các giáo hoàng gần đây, như các thánh Giáo Hoàng Phaolô VI và Gioan Phaolô II.

Trên thực tế, vị Hồng Y tân cử dường như sẵn lòng mở rộng một số khoản cho phép đối với những dị giáo khả hữu nhưng lại không cho phép như thế đối với những người không chịu biến hình đầy đủ theo các tiêu chuẩn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Về Con đường Đồng nghị của Đức, ngài nhận xét với InfoVaticana rằng ngài không nghĩ rằng “không có điều gì tốt đẹp” trong đó và tư tưởng ương ngạnh đó phải được phản hồi bằng cách giải quyết “một số ý định hợp pháp có thể nằm sau những sai lầm”, có thể làm sâu sắc thêm nhận thức thần học. Liệu người đứng đầu mới của Bộ Giáo Lý Đức Tin có ý định dành cùng một lỗ tai lắng nghe như vậy đối với những người bị ngài coi là không đồng hành đủ với giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô hay không - đặc biệt là khi các do dự của họ được thúc đẩy bởi sự không chắc chắn về việc tín lý mới nhất quán hoặc đào sâu ra sao những gì đã có trước đó?

Các phước lành và hôn nhân đồng tính

Một lĩnh vực đặc thù trong đó sự hiểu biết tín lý của Đức Hồng Y tân cử Fernández, và cách nó có thể và không thể phát triển ra sao, dường như đã được đề cập, là về vấn đề “ban phép lành” cho các mối liên hệ đồng tính, mà ngài đã nói đến trong ba cuộc phỏng vấn riêng biệt.

Trước tiên, ngài nói với InfoVaticana rằng hôn nhân chỉ có thể được hiểu như một điều: “sự kết hợp ổn định của hai hữu thể khác nhau là nam và nữ, những người, trong sự khác biệt đó, có khả năng tạo ra sự sống mới. Không có gì có thể so sánh được với điều đó và việc sử dụng cái tên đó để diễn đạt một điều gì đó khác là không tốt và không đúng.”

Tuy nhiên, Đức Hồng Y tân cử Fernández tiếp tục nói rằng mặc dù “phải hết sức cẩn thận để tránh các nghi thức hoặc phép lành có thể gây ra sự nhầm lẫn này,” một phép lành được ban “theo cách không gây ra sự nhầm lẫn đó” phải được phân tích và có thể được xác nhận là hợp pháp. Nó không nói rõ làm thế nào việc chúc lành cho một mối liên hệ dựa trên những gì Giáo hội dạy là vô luân có thể không góp phần gây ra nhầm lẫn, mặc dù có lẽ người đứng đầu mới của Bộ Giáo Lý Đức Tin đề cập đến việc chúc lành cho các tình bạn đồng tính trong sạch.

Trả lời câu hỏi của Crux về giáo huấn của Giáo hội về đồng tính luyến ái và hôn nhân, Hồng Y tân cử Fernández thậm chí còn mơ hồ hơn nữa. Ngài nói rằng “nghe có vẻ hơi viển vông khi tin rằng người ta có mọi điều rõ ràng về những vấn đề này,” bởi vì không phải “mọi điều đều là toán học” về những vấn đề này, vốn liên quan đến “mầu nhiệm đầy phấn khích của cuộc sống con người”. Sau đó, dường như ngài ám chỉ rằng giáo huấn của Giáo hội trong những lĩnh vực này là “những điểm đặc thù” có nguy cơ cản trở những điều yếu tính, trước khi kết luận rằng “tín lý của Tin Mừng không thay đổi, nhưng sự hiểu biết của chúng ta về tín lý đó thì thay đổi, và thay đổi rất nhiều.”

Cuối cùng, trong cuộc phỏng vấn với Clarin, Đức Hồng Y tân cử Fernández đã chỉ trích hướng dẫn năm 2021 của Bộ Giáo Lý Đức Tin nói rằng không thể ban phước lành cho người đồng tính vì “Thiên Chúa không thể và không ban phước cho tội lỗi” là thiếu “mùi của Đức Phanxicô.”

“Tôi nghĩ rằng không mâu thuẫn với những gì tài liệu đó nói, sẽ không sai khi suy nghĩ lại nó dưới ánh sáng mọi điều Đức Phanxicô dạy chúng ta”. Ngài muốn gợi ý rằng vấn đề sẽ được xem xét lại bởi Bộ Giáo Lý Đức Tin dưới sự giám sát của ngài và hướng dẫn năm 2021 cách nào đó không nhất quán với huấn quyền của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Một lần nữa, giống như một số vấn đề khác liên quan đến vai trò mới của ngài trong tư cách người đứng đầu Bộ Giáo Lý Đức Tin, điều vẫn chưa rõ ràng cả sau một tuần phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông đại chúng là Đức Hồng Y đắc cử Fernández chính xác đang nghĩ gì.

Rao giảng sự hỗn loạn

Dan Hitchens, của First Things (https://www.firstthings.com/web-exclusives/2023/07/archbishop-fernandez-preacher-of-chaos), đi xa hơn khi thẳng thừng cho rằng Đức Tổng Giám Mục Fernandez rao giảng sự hỗn loạn (preacher of chaos).

Hitchens không muốn nói tới cuốn Chữa lành em bằng miệng anh: Nghệ thuật hôn, cho bằng văn kiện năm 2016 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về hôn nhân, Amoris Laetitia , mà nhiều người cho rằng Đức Tổng Giám Mục Fernandez là tác giả ẩn danh, văn kiện mà Hitchens coi là “bản văn khét tiếng nhất trong lịch sử Công Giáo hiện đại”. Nhưng văn kiện này liên hệ chi tới việc “rao giảng sự hỗn loạn”?

Theo Hitchens, “giáo huấn của Giáo hội vốn dạy rằng những người ly dị và tái hôn chỉ có thể rước lễ nếu họ từ bỏ quan hệ tính dục với người bạn đời mới của mình. Chương Tám [Amoris Laetitia]chưa bao giờ hoàn toàn thách thức sự dạy dỗ đó, nhưng nó được viết một cách mơ hồ đến mức mở ra cánh cửa cho sự hỗn loạn trí thức và mục vụ”.

Hitchens đơn cử một thí dụ: “văn kiện tuyên bố rằng ‘Một chủ thể có thể biết rõ quy tắc, nhưng... ở trong một tình huống cụ thể không cho phép họ hành động khác đi và quyết định khác đi mà không phạm tội thêm.’ Trời đất, điều đó có nghĩa gì? Dựa vào một cách đọc, điều đó có nghĩa là đối với một số người, quan hệ tình dục ngoài hôn nhân là điều không thể tránh khỏi: một điều không thể tránh khỏi đáng buồn, giống như bị sốt cỏ khô vào mùa xuân. Ai đó đã viết một cuốn sách kỳ lạ (https://www.firstthings.com/web-exclusives/2018/11/against-inevitable-adultery) lấy cảm hứng từ đoạn văn này, lập luận cho sức mạnh không thể lay chuyển của quan hệ tình dục ngoại tình. Ba Hồng Y cấp cao đã cổ vũ nó, và Đức Giáo Hoàng thậm chí còn cho nó một sự chứng thực mơ hồ. Rồi, không ai nói tới ý tưởng đó nữa, vì vậy có lẽ Chương Tám rốt cuộc không có ý đó. Hoặc có thể nó đã có ý đó. Đó là điều tôi muốn hiểu về sự hỗn loạn”.

Hitchens còn qui lỗi cho lối hiểu trên đã dẫn tới một Jean Vanier “ủng hộ tự tử dựa trên cơ sở Chương 8 của Amoris Laetitia”; tới việc “Một nhà thần học tại một hàn lâm viện Vatican cho rằng giáo huấn của Giáo hội về ngừa thai giờ đây có thể bị loại bỏ”; tới việc “Vào tháng 5, các giám mục Flemish của Bỉ viện dẫn Amoris Laetitia để biện minh cho việc ban phép lành cho người đồng tính”...

Không phải chỉ có thảm họa trí thức, mà còn có thảm họa mục vụ nữa: “Do Chương Tám, một số giáo xứ đã từ bỏ những hạn chế của Giáo hội về việc rước lễ. Một giám mục người Á Căn Đình đã cho 30 cặp tái hôn rước lễ cùng một lúc như thể giáo lý Công Giáo không còn nữa. Ở Malta, các cặp vợ chồng được yêu cầu lãnh nhận Bí tích Thánh Thể nếu họ cảm thấy ‘bình an với Chúa’, hai thiên niên kỷ của kỷ luật bí tích đã bị ngôn ngữ của Eat Pray Love [ăn, cầu nguyện, yêu thương] gạt sang một bên”.

Hitchens tỏ ý lo ngại, “Nếu ngài có thể làm điều đó trong tư cách là một nhà thần học tương đối ít người biết đến, thì ngài còn có thể làm gì từ vị trí quyền lực mới của mình?”.

Và Hitchens chua chát cũng như hơi quá đáng khi kết luận rằng “Đối với một người như vậy được nâng lên tầm cao như vậy là một trò đùa tệ một cách kinh khủng, một cách nào đó, là cao điểm của bi kịch kéo dài hàng thập niên của triều đại giáo hoàng này”