Dẫn nhập
1. (Dignitas infinita) Mỗi con người đều có một phẩm giá vô hạn, được đặt nền tảng vững chắc trong chính hữu thể của mình, và phẩm giá này chiếm ưu thế trong và ngoài mọi hoàn cảnh, trạng thái hoặc tình huống mà con người có thể gặp phải. Nguyên tắc này, vốn hoàn toàn có thể được nhận biết ngay cả chỉ bằng lý trí, làm nền tảng cho tính ưu việt của con người và việc bảo vệ nhân quyền. Dưới ánh sáng Mặc Khải, Giáo Hội kiên quyết nhắc lại và khẳng định phẩm giá hữu thể học của con người, được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và được cứu chuộc trong Chúa Giêsu Kitô. Từ sự thật này, Giáo hội rút ra những lý do cho sự dấn thân của mình đối với những người yếu đuối và những người ít có quyền lực, luôn nhấn mạnh đến “tính tối thượng của con người và việc bảo vệ phẩm giá của họ trong mọi hoàn cảnh.”[2]
2. Phẩm giá hữu thể học này cũng như giá trị độc đáo và nổi bật của mọi người nam nữ trên thế giới đã được tái khẳng định một cách có thẩm quyền trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền do Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ban hành ngày 10 tháng 12 năm 1948.[3] Khi chúng ta kỷ niệm 75 năm văn kiện đó, Giáo hội nhận thấy cơ hội để tuyên bố một lần nữa niềm xác tín của mình rằng tất cả mọi người – được Thiên Chúa tạo dựng và được Chúa Kitô cứu chuộc – phải được nhìn nhận và đối xử với sự tôn trọng và yêu thương do phẩm giá bất khả nhượng của họ. Lễ kỷ niệm cũng là dịp để Giáo hội làm sáng tỏ một số quan niệm sai lầm thường gặp liên quan đến phẩm giá con người và giải quyết một số vấn đề liên quan nghiêm trọng và cấp bách.
3. Ngay từ khi bắt đầu sứ mạng của mình và được Tin Mừng thúc đẩy, Giáo hội đã cố gắng khẳng định quyền tự do của con người và thăng tiến các quyền của mọi người. [4] Trong thời gian gần đây, nhờ tiếng nói của các Đức Giáo Hoàng, Giáo hội đã nỗ lực có chủ ý để hình thành cam kết này bằng những thuật ngữ rõ ràng hơn thông qua một lời kêu gọi đổi mới để thừa nhận phẩm giá cơ bản vốn có của mỗi người. Về điểm này, Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã khẳng định rằng “không có ngành nhân học nào sánh bằng với nhân học của Giáo hội về con người - đặc biệt liên quan đến tính độc đáo, phẩm giá, tính không thể hiểu thấu [intangibility] và sự phong phú của các quyền cơ bản của con người, tính thánh thiêng, khả năng giáo dục, khát vọng đạt được một sự phát triển hoàn chỉnh và sự bất tử.”[5]
4. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong Đại hội lần thứ ba của các Giám mục Châu Mỹ Latinh và Caribe ở Puebla năm 1979, đã khẳng định rằng phẩm giá con người là “một giá trị Tin Mừng không thể bị coi thường nếu không xúc phạm nặng nề đến Đấng Tạo Hóa. Phẩm giá này bị xâm phạm ở cấp độ cá nhân khi không có sự tôn trọng thích đáng đối với các giá trị như tự do, quyền tuyên xưng tôn giáo, sự toàn vẹn về thể chất và tinh thần, quyền có những của cải thiết yếu, quyền sống. Nó bị vi phạm trên bình diện xã hội và chính trị khi con người không thể thực hiện quyền tham gia của mình, hoặc khi họ bị ép buộc bất công và bất hợp pháp, hoặc bị tra tấn về thể xác hoặc tinh thần, v.v. […] Nếu Giáo hội hiện diện trong việc bảo vệ hoặc thăng tiến phẩm giá con người, Giáo Hội làm như vậy phù hợp với sứ mệnh của mình, sứ mệnh này, mặc dù mang tính tôn giáo chứ không phải xã hội hay chính trị, nhưng không thể không xem xét con người trong toàn bộ con người họ.”[6]
5. Rồi, vào năm 2010, phát biểu tại Học viện Giáo hoàng về Sự sống, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã tuyên bố rằng phẩm giá con người là “một nguyên tắc cơ bản mà đức tin vào Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh và phục sinh luôn bảo vệ, đặc biệt khi, đtrong việc tôn trọng những người đơn sơ và dễ bị tổn thương nhất, nó bị coi thường.”[7] Trong một dịp khác, nói chuyện với các nhà kinh tế, ngài nói rằng “nền kinh tế và tài chính không hiện hữu vì lợi ích riêng của chúng; chúng chỉ là một công cụ hay phương tiện. Mục đích duy nhất của chúng là con người và sự thành toàn trọn vẹn của con người về phẩm giá. Đây là vốn duy nhất và điều đúng là phải bảo vệ [nó].”[8]
6. Ngay từ đầu triều giáo hoàng của mình, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mời gọi Giáo hội “tin vào một Người Cha yêu thương tất cả mọi người nam nữ bằng một tình yêu vô hạn, nhận ra rằng 'qua đó Người ban cho họ một phẩm giá vô hạn.'”[9] Ngài đã nhấn mạnh một cách mạnh mẽ rằng phẩm giá to lớn như vậy là một datum nguyên thủy (một điều gì đó được ban cho) cần phải được nhìn nhận một cách trung thành và đón nhận với lòng biết ơn. Dựa trên sự nhìn nhận và chấp nhận phẩm giá con người này, một cuộc chung sống mới giữa con người có thể được thiết lập nhằm phát triển các mối quan hệ xã hội trong bối cảnh tình huynh đệ đích thực. Thật vậy, chỉ bằng cách “thừa nhận phẩm giá của mỗi con người” chúng ta mới có thể “đóng góp vào việc tái sinh khát vọng phổ quát về tình huynh đệ.” [10] Đức Giáo Hoàng Phanxicô khẳng định rằng “nguồn gốc của phẩm giá con người và tình huynh đệ là trong Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô”. [11] nhưng ngay cả lý trí con người cũng có thể đạt đến niềm xác tín này thông qua suy tư và đối thoại vì “phẩm giá của người khác phải được tôn trọng trong mọi hoàn cảnh, không phải vì phẩm giá đó là thứ chúng ta sáng tạo ra hay tưởng tượng ra, mà bởi vì con người sở hữu một giá trị nội tại cao hơn giá trị của các đối tượng vật chất và các tình huống ngẫu nhiên. Điều này đòi hỏi họ phải được đối xử khác nhau. Sự kiện mỗi con người đều sở hữu một phẩm giá bất khả xâm phạm là một sự thật tương ứng với bản chất con người ngoài mọi thay đổi về văn hóa.”[12] Đức Giáo Hoàng Phanxicô kết luận, “con người có cùng một phẩm giá bất khả xâm phạm trong mọi thời đại lịch sử, và không ai có thể tự coi mình được các tình huống cụ thể cho phép phủ nhận xác tín này hoặc hành động chống lại nó.”[13] Từ quan điểm này, thông điệp Fratelli Tutti của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tạo thành một loại “Magna Carta” [đại hiến chương] về các nhiệm vụ đương thời của chúng ta nhằm bảo vệ và thăng tiến phẩm giá con người.
Một minh xác căn bản
7. Ngày nay có sự đồng thuận rộng rãi về tầm quan trọng và phạm vi quy phạm của phẩm giá con người cũng như về giá trị độc đáo và siêu việt của mỗi con người.[14] Tuy nhiên, cụm từ “phẩm giá con người” có nguy cơ dẫn đến nhiều cách giải thích khác nhau, có thể tiềm ẩn những sự mơ hồ[15] và “những mâu thuẫn khiến chúng ta tự hỏi liệu phẩm giá bình đẳng của tất cả mọi người […], có được tôn trọng, bảo vệ và thăng tiến trong mọi tình huống hay không.” [16] Điều này khiến chúng ta nhận ra khả năng phân biệt bốn mặt về khái niệm phẩm giá: phẩm giá hữu thể học, phẩm giá đạo đức, phẩm giá xã hội và phẩm giá hiện sinh. Điều quan trọng nhất trong số này là phẩm giá hữu thể học thuộc về con người chỉ vì họ hiện hữu và được Thiên Chúa mong muốn, tạo dựng và yêu thương. Phẩm giá hữu thể học là không thể xóa nhòa và vẫn có giá trị vượt trên mọi hoàn cảnh mà con người có thể gặp phải. Khi chúng ta nói đến phẩm giá đạo đức, chúng ta đề cập đến cách mọi người thực thi quyền tự do của mình. Mặc dù con người được ban cho lương tâm nhưng họ luôn có thể hành động chống lại lương tâm. Tuy nhiên, nếu làm như vậy, họ sẽ cư xử một cách “không xứng đáng” đối với bản chất của họ là những thụ tạo được Thiên Chúa yêu thương và được mời gọi yêu thương người khác. Tuy nhiên, khả năng này luôn hiện hữu đối với quyền tự do của con người, và lịch sử cho thấy các cá nhân – khi thực thi quyền tự do của mình chống lại luật yêu thương được Tin Mừng mạc khải – có thể phạm phải những hành vi ác độc vô cùng sâu xa chống lại người khác. Những người hành động theo cách này dường như đã mất hết nhân tính và phẩm giá. Đây là lúc mà sự phân biệt hiện nay có thể giúp chúng ta phân định giữa phẩm giá luân lý mà trên thực tế có thể bị “mất đi” và phẩm giá hữu thể học không bao giờ có thể bị hủy bỏ. Và chính vì điểm sau này mà chúng ta phải nỗ lực hết mình để tất cả những ai đã làm điều ác có thể sám hối và hoán cải.
8. Vẫn còn hai khía cạnh khác của phẩm giá cần xem xét: xã hội và hiện sinh. Khi chúng ta nói đến phẩm giá xã hội, chúng ta đề cập đến chất lượng điều kiện sống của một người. Chẳng hạn, trong những trường hợp cực kỳ nghèo khổ, nơi các cá nhân thậm chí không có những thứ cần thiết tối thiểu để sống theo phẩm giá hữu thể học của họ, người ta nói rằng những người nghèo đó đang sống một cách “không xứng đáng”. Cách diễn đạt này không hàm ý phán xét những cá nhân đó nhưng nhấn mạnh rằng hoàn cảnh mà họ buộc phải sống trái ngược với phẩm giá bất khả nhượng của họ như thế nào. Ý nghĩa cuối cùng là phẩm giá hiện sinh
, là loại phẩm giá được hàm ý trong cuộc thảo luận ngày càng gia tăng về một cuộc sống “có phẩm giá” và một cuộc sống “không có phẩm giá”. Ví dụ, trong khi một số người có vẻ như không thiếu thứ gì thiết yếu cho cuộc sống, thì vì nhiều lý do khác nhau, họ vẫn có thể phải vật lộn để sống trong bình yên, niềm vui và hy vọng. Trong những tình huống khác, sự hiện diện của bệnh tật trầm trọng, môi trường gia đình bạo lực, chứng nghiện bệnh hoạn và những khó khăn khác có thể khiến con người cảm thấy điều kiện sống của họ là “không xứng đáng” so với nhận thức của họ về phẩm giá hữu thể học không bao giờ có thể bị che khuất. Những khác biệt này nhắc nhở chúng ta về giá trị bất khả nhượng của phẩm giá hữu thể học, bắt nguồn từ chính bản chất con người trong mọi hoàn cảnh.
9. Cuối cùng, điều đáng nói là định nghĩa cổ điển về con người như một “thực thể cá nhân có bản chất hữu lý” [17] làm sáng tỏ nền tảng của phẩm giá con người. Với tư cách là một “thực thể cá nhân”, con người sở hữu phẩm giá hữu thể học (nghĩa là ở cấp độ siêu hình của chính nó). Nhận được sự hiện hữu từ Thiên Chúa, con người là chủ thể “tồn hữu” - tức là chúng thực thi sự hiện hữu của mình một cách tự chủ. Thuật ngữ “hữu lý” bao gồm tất cả các khả năng của con người, bao gồm cả khả năng nhận biết và hiểu biết, cũng như khả năng mong muốn, yêu thương, lựa chọn và ước muốn; nó cũng bao gồm tất cả các chức năng vật chất liên quan chặt chẽ đến những khả năng này. “Bản chất” đề cập đến những điều kiện đặc biệt đối với chúng ta với tư cách là con người, cho phép chúng ta thực hiện các hoạt động khác nhau và những trải nghiệm đặc trưng cho chúng; theo nghĩa này, bản chất là “nguyên tắc hành động”. Chúng ta không tạo ra bản chất của mình; chúng ta coi nó như một hồng ân và chúng ta có thể nuôi dưỡng, phát triển và nâng cao khả năng của mình. Bằng cách thực hiện quyền tự do trau dồi sự giàu có trong bản chất của mình, chúng ta sẽ phát triển theo thời gian. Ngay cả khi một người không thể thực thi những khả năng này do những hạn chế hoặc điều kiện khác nhau, tuy nhiên, người đó vẫn luôn tồn hữu như một “bản thể cá nhân” với phẩm giá trọn vẹn và bất khả nhượng. Ví dụ, điều này áp dụng cho một đứa trẻ chưa sinh, một người bất tỉnh hoặc một người già đang gặp nạn.