1. Nhận thức ngày càng tăng về tầm quan trọng của phẩm giá con người

10. Ngay từ cổ thời, [18] trực giác về phẩm giá con người đã xuất hiện từ một quan điểm xã hội coi mỗi người như được ban cho một phẩm giá cụ thể dựa trên cấp bậc và địa vị của họ trong một trật tự đã được thiết lập. Từ nguồn gốc trong lĩnh vực xã hội, từ “phẩm giá” sau đó được dùng để mô tả phẩm giá khác biệt của các hữu thể trong vũ trụ. Theo quan điểm này, mọi hữu thể đều có “phẩm giá” riêng tùy theo vị trí của chúng trong sự hài hòa của tổng thể. Một số quan điểm cao của tư tưởng cổ xưa đã bắt đầu thừa nhận vị trí độc nhất của con người là những hữu thể có lý trí, có khả năng chịu trách nhiệm về bản thân và những người khác trên thế giới.[19] Tuy nhiên, một lối suy nghĩ có thể đặt nền tảng cho sự tôn trọng phẩm giá của mỗi con người trong mọi hoàn cảnh vẫn còn rất xa.



Quan điểm Kinh Thánh

11. Mặc khải Kinh Thánh dạy rằng tất cả mọi con người đều có phẩm giá cố hữu bởi vì họ được tạo dựng theo hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa: “Thiên Chúa phán: 'Chúng ta hãy làm nên con người theo hình ảnh Chúng ta, giống như chúng ta' […] Vì vậy, Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh Người. Người đã tạo dựng con người theo hình ảnh của chính Người; Người đã dựng nên họ có nam có nữ” (St 1:26-27). Với điều này, nhân tính có một phẩm chất chuyên biệt, có nghĩa là nó không thể bị giản lược thành các yếu tố vật chất thuần túy. Hơn nữa, “hình ảnh” không định nghĩa linh hồn hay khả năng trí thức của nó mà là phẩm giá của người nam và người nữ. Trong mối quan hệ bình đẳng và yêu thương lẫn nhau, cả người nam và người nữ đều đại diện cho Thiên Chúa trong thế giới và cũng được kêu gọi trân trọng và nuôi dưỡng thế giới. Vì lý do này, được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa có nghĩa là sở hữu một giá trị thánh thiêng vượt trên mọi sự phân biệt về bản chất tình dục, xã hội, chính trị, văn hóa và tôn giáo. Phẩm giá của chúng ta được Thiên Chúa ban cho chúng ta; nó không được đòi hỏi hay đáng được. Mỗi con người đều được Thiên Chúa yêu thương và mong muốn, và do đó, có một phẩm giá bất khả xâm phạm. Trong Xuất Hành, trung tâm của Cựu Ước, Thiên Chúa tỏ ra là Đấng nghe tiếng kêu than của người nghèo, nhìn thấy nỗi khốn cùng của dân Người và quan tâm đến những người bé mọn nhất và những người bị áp bức (x. Xh 3:7; 22:20-26). Lời dạy tương tự có thể được tìm thấy trong Đệ nhị luật (x. Đnl 12-26); ở đây, giáo huấn về quyền lợi được biến thành một bản tuyên ngôn về phẩm giá con người, đặc biệt ủng hộ ba loại trẻ mồ côi, góa phụ và khách lạ (x. Đnl 24,17). Những giới răn cổ xưa của Xuất Hành được nhắc lại và áp dụng vào thời điểm này trong lời rao giảng của các vị tiên tri, những người đại diện cho lương tâm phê phán của dân Israel. Các nhà tiên tri A-mốt, Ô-sê, I-sa-ia, Mi-kha và Giê-rê-mi-a có cả chương lên án sự bất công. A-mốt cay đắng lên án sự đàn áp người nghèo và việc những người nghe ông không nhìn nhận bất cứ phẩm giá cơ bản nào của con người nơi những người cơ cực (x. Am. 2:6-7; 4:1; 5:11-12). I-sa-ia tuyên bố lời nguyền rủa những kẻ chà đạp quyền lợi của người nghèo, phủ nhận mọi công lý của họ: “Khốn cho những kẻ ban hành những mệnh lệnh gian ác, và những kẻ viết ra những bài viết áp bức, để gạt người nghèo khổ ra khỏi công lý” (Is. 10: 1-2). Lời dạy tiên tri này được vang vọng trong Văn học Khôn ngoan. Chẳng hạn, Huấn Ca đánh đồng sự áp bức người nghèo với tội giết người: “Lấy đi mạng sống của người hàng xóm là giết anh ta; tước đoạt lương của nhân viên là đổ máu” (Hc 34:22). Trong các Thánh vịnh, mối quan hệ tôn giáo với Thiên Chúa xuất hiện thông qua việc bảo vệ những người yếu đuối và thiếu thốn: “Hãy xét xử công bằng cho kẻ yếu đuối và trẻ mồ côi; xét xử công bằng cho người nghèo khổ và người khốn khổ. Hãy cứu giúp kẻ yếu đuối và kẻ khốn cùng; giải thoát họ khỏi tay kẻ ác” (Tv 82:3-4).

12. Sinh ra và lớn lên trong những điều kiện khiêm nhường, Chúa Giêsu mạc khải phẩm giá của những người túng thiếu và những người lao động. [20] Sau đó, trong suốt sứ vụ công khai của mình, Người khẳng định giá trị và phẩm giá của tất cả những ai mang hình ảnh của Thiên Chúa, bất kể địa vị xã hội và hoàn cảnh bên ngoài của họ. Chúa Giêsu đã phá bỏ các rào cản văn hóa và phụng tự, khôi phục phẩm giá cho những người bị “chối bỏ” hoặc bị bị coi là bị gạt ra ngoài lề xã hội, chẳng hạn như những người thu thuế (x. Mt. 9:10-11), phụ nữ (x. Ga 4:1-42), trẻ em (x. Mc 10:14-15), người cùi (x. Mt. 8:2-3), người bệnh (x. Mc 1:29-34), người lạ (x. Mt. 25:35), và các bà góa (x. Lc. 7:11- 15). Người chữa lành, cho ăn, bảo vệ, giải phóng và cứu rỗi. Người được mô tả như một mục tử quan tâm đến một con chiên bị lạc (x. Mt 18:12-14). Người đồng hóa với những người anh em hèn mọn nhất của mình: “Như các ngươi đã làm điều đó cho một trong những người anh em hèn mọn nhất của Ta, là các ngươi đã làm điều đó cho chính Ta” (Mt. 25:40). Theo ngôn ngữ Kinh Thánh, “những người bé nhỏ” không chỉ là trẻ em, mà còn là những người dễ bị tổn thương, những người tầm thường nhất, những người bị ruồng bỏ, bị áp bức, bị bỏ rơi, người nghèo, người bị gạt ra ngoài lề xã hội, người thất học, người bệnh tật và những người bị kẻ mạnh áp bức. Chúa Kitô vinh quang sẽ xét xử bằng tình yêu thương người lân cận, bao gồm việc phục vụ những người đói, khát, khách lạ, trần truồng, bệnh tật và tù đày, những người mà Người đồng nhất hóa với (x. Mt. 25:34-36). Đối với Chúa Giêsu, điều tốt làm cho mọi con người, bất kể mối quan hệ huyết thống hay tôn giáo, là tiêu chuẩn phán xét duy nhất. Thánh Tông đồ Phaolô khẳng định rằng mọi Kitô hữu phải sống theo những yêu cầu về phẩm giá và tôn trọng quyền lợi của mọi người (x. Rm 13:8-10) theo điều răn mới về tình yêu thương (x. 1 Cr 13:1-13).

Những phát triển trong tư tưởng Kitô giáo

13. Khi tư tưởng Kitô giáo phát triển, nó cũng thúc đẩy và đồng hành với sự tiến bộ trong suy tư của nhân loại về khái niệm phẩm giá. Rút ra từ truyền thống phong phú của các Giáo phụ, nhân chủng học Kitô giáo cổ điển nhấn mạnh đến học thuyết về con người được tạo dựng theo hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa cũng như vai trò độc nhất của con người trong công trình sáng tạo.[21] Bằng cách sàng lọc một cách có phê phán sự kế thừa mà nó đã nhận được từ triết học cổ thời, tư tưởng Kitô giáo thời Trung cổ đã đi đến một tổng hợp khái niệm về “con người” thừa nhận nền tảng siêu hình của phẩm giá con người. Thánh Tôma Aquinô đã chứng thực điều này khi ngài khẳng định rằng “'con người' biểu thị điều hoàn hảo nhất trong mọi bản chất - nghĩa là, một cá thể tồn hữu có bản chất hữu lý.”[22] Chủ nghĩa nhân văn Kitô giáo thời Phục hưng sau này đã nhấn mạnh phẩm giá hữu thể học này và biểu hiện ưu việt của nó trong hành động tự do của con người.[23] Ngay trong các tác phẩm của những nhà tư tưởng cận đại như Descartes và Kant, những người đã thách thức một số nền tảng của nhân học Kitô giáo truyền thống, người ta vẫn có thể cảm nhận rõ ràng tiếng vang của Mặc khải. Dựa trên một số suy tư triết học gần đây về tình trạng của tính chủ quan lý thuyết và thực tiễn, suy tư Kitô giáo sau đó đã nhấn mạnh hơn nữa chiều sâu của khái niệm phẩm giá. Trong thế kỷ 20, điều này đạt đến một quan điểm độc đáo (như được thấy trong Chủ nghĩa Nhân vị) xem xét lại vấn đề về tính chủ quan và mở rộng nó để bao gồm tính liên chủ thể và các mối quan hệ gắn kết con người với nhau.[24] Lối suy nghĩ xuất phát từ quan điểm này đã làm phong phú thêm nền nhân học Kitô giáo đương thời.[25]

Thời đại hiện tại

14. Ngày nay, thuật ngữ “phẩm giá” chủ yếu được sử dụng để nhấn mạnh tính độc đáo của con người, không thể so sánh với tất cả các thực thể khác trong vũ trụ. Từ góc độ này, chúng ta có thể hiểu từ “phẩm giá” đã được sử dụng như thế nào trong Tuyên bố của Liên hiệp quốc năm 1948, trong đó nói về “phẩm giá vốn có và các quyền bình đẳng và bất khả xâm phạm của tất cả các thành viên trong gia đình nhân loại”. Chỉ có đặc tính bất khả xâm phạm này của phẩm giá con người mới có thể nói về nhân quyền. [26]

15. Để làm sáng tỏ hơn nữa khái niệm về phẩm giá, điều cần thiết là phải chỉ ra rằng phẩm giá không phải là điều được người khác ban cho một người dựa trên tài năng hoặc phẩm chất của họ, đến mức có thể bị thu hồi. Nếu nó được ban tặng như vậy, nó sẽ được trao đi một cách có điều kiện và có thể chuyển nhượng, và khi đó chính ý nghĩa của phẩm giá (bất chấp đáng được tôn trọng bao nhiêu) sẽ vẫn có nguy cơ bị xóa bỏ. Thay vào đó, phẩm giá là nội tại của con người: nó không được ban tặng sau đó (a posteriori=hậu thiên), nó có trước bất cứ sự công nhận nào, và nó không thể bị mất đi. Tất cả mọi người đều có phẩm giá nội tại như nhau, bất kể họ có thể phát biểu nó một cách thích hợp hay không.

16. Vì lý do này, Công đồng Vatican II nói về “phẩm giá cao cả của con người, là người đứng trên mọi sự và các quyền và nghĩa vụ của họ là phổ quát và bất khả xâm phạm.”[27] Như lời mở đầu của Tuyên ngôn Dignitatis Humanae của Công đồng nhắc lại, “con người đương thời ngày càng ý thức hơn về phẩm giá của con người; ngày càng có nhiều người yêu cầu con người phải thực hiện đầy đủ khả năng phán đoán của mình và quyền tự do có trách nhiệm trong hành động của mình và không phải chịu áp lực ép buộc mà được truyền cảm hứng từ ý thức trách nhiệm.”[28] Quyền tự do tư tưởng và lương tâm như vậy, cả cá nhân lẫn cộng đồng, đều dựa trên sự nhìn nhận phẩm giá con người “như được biết đến qua Lời Chúa được mặc khải và bởi chính lý trí.”[29] Huấn quyền của Giáo hội ủng hộ dần dần việc phát triển một sự hiểu biết ngày càng sâu sắc hơn về ý nghĩa của phẩm giá con người, cùng với những đòi hỏi và hậu quả của nó, cho đến khi đạt được sự thừa nhận rằng phẩm giá của mỗi con người vượt lên trên mọi hoàn cảnh.

2. Giáo hội công bố, cổ vũ và bảo đảm phẩm giá con người

17. Giáo hội công bố phẩm giá bình đẳng của mọi người, bất kể điều kiện sống hay phẩm chất của họ. Lời loan báo này dựa trên một xác tín ba mặt, một xác tín – dưới ánh sáng đức tin Kitô giáo – mang lại cho phẩm giá con người một giá trị vô giá và củng cố những đòi hỏi nội tại của nó.

Hình ảnh không thể xóa nhòa của Thiên Chúa

18. Xác tín đầu tiên, rút ra từ Mặc khải, cho rằng phẩm giá của con người xuất phát từ tình yêu của Đấng Tạo Hóa, Đấng đã in dấu những nét không thể xóa nhòa của hình ảnh Người trên mỗi người (x. St 1:26). Đấng Tạo Hóa kêu gọi mỗi người biết Người, yêu mến Người và sống trong mối quan hệ giao ước với Người, đồng thời kêu gọi con người sống trong tình huynh đệ, công bằng và hòa bình với tất cả những người khác. Theo quan điểm này, phẩm giá không chỉ ám chỉ linh hồn mà còn ám chỉ con người như một thể thống nhất không thể tách rời giữa thân xác và linh hồn. Theo đó, phẩm giá cũng gắn liền với thân xác của mỗi người, thân xác này tham gia theo cách riêng của mình vào việc hiện hữu trong imago Dei (theo hình ảnh Thiên Chúa) và cũng được mời gọi chia sẻ vinh quang của linh hồn trong cõi phúc thần linh.

Chúa Kitô nâng cao phẩm giá con người

19. Niềm xác tín thứ hai xuất phát từ sự kiện này: phẩm giá của con người đã được biểu lộ trong tính trọn vẹn khi Chúa Cha sai Con của Người đến, Đấng đã mặc lấy sự hiện hữu trọn vẹn của con người: “Trong mầu nhiệm Nhập Thể, Con Thiên Chúa đã xác nhận việc phẩm giá của thân xác và linh hồn cấu thành nên con người.”[30] Bằng cách kết hợp mình với mọi người qua việc Nhập Thể, Chúa Giêsu Kitô xác nhận rằng mỗi người sở hữu một phẩm giá vô biên chỉ bằng cách thuộc về cộng đồng nhân loại; hơn nữa, Người khẳng định rằng phẩm giá này không bao giờ có thể bị mất đi.[31] Bằng cách công bố rằng Nước Thiên Chúa thuộc về người nghèo, người khiêm nhường, người bị khinh miệt và những người đau khổ về thể xác và tinh thần; bằng cách chữa lành tất cả các loại bệnh tật và thương tật, ngay cả những bệnh nghiêm trọng nhất, chẳng hạn như bệnh phong; bằng cách khẳng định rằng bất cứ điều gì được làm cho những người này cũng là được làm cho Người bởi vì Người hiện diện trong họ: bằng tất cả những cách này, Chúa Giêsu đã mang đến sự mới lạ tuyệt vời trong việc nhìn nhận phẩm giá của mỗi người, đặc biệt là những người bị coi là “không xứng đáng”. Nguyên tắc mới này trong lịch sử loài người - nhấn mạnh rằng các cá nhân thậm chí còn “xứng đáng” hơn với sự tôn trọng và yêu thương của chúng ta khi họ yếu đuối, bị khinh miệt hoặc đau khổ, thậm chí đến mức mất đi “hình dáng” con người - đã thay đổi bộ mặt của thế giới. Nó đã mang lại sức sống cho các tổ chức chăm sóc những người gặp hoàn cảnh khó khăn, chẳng hạn như trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa, người bệnh tâm thần, người mắc bệnh nan y hoặc dị tật nghiêm trọng, và những người sống trên đường phố.

Một ơn gọi hướng tới phẩm giá trọn vẹn

20. Xác tín thứ ba liên quan đến số phận cuối cùng của con người. Sau Công cuộc Sáng tạo và Nhập thể, Sự Phục sinh của Chúa Kitô mạc khải một khía cạnh khác của phẩm giá con người. Thật vậy, “phẩm giá của con người trước hết nằm ở việc họ được mời gọi hiệp thông với Thiên Chúa,” [32] được định sẵn sẽ tồn tại mãi mãi. Như vậy, “phẩm giá của cuộc sống này không chỉ gắn liền với sự khởi đầu của nó, với sự kiện nó đến từ Thiên Chúa, mà còn với mục đích cuối cùng của nó, với định mệnh hiệp thông với Thiên Chúa trong sự hiểu biết và yêu mến Người. Dưới ánh sáng của sự thật này, Thánh Irênê bổ túc và hoàn tất lời ngài ca ngợi con người: 'vinh quang của Thiên Chúa' thực sự là 'con người, con người sống động', nhưng 'sự sống của con người hệ tại ở việc nhìn thấy Thiên Chúa'”[33 ]

21. Do đó, Giáo hội tin và khẳng định rằng tất cả mọi người – được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và được tái tạo [34] trong Chúa Con, Đấng đã làm người, chịu đóng đinh và sống lại – đều được mời gọi lớn lên dưới tác động của Chúa Thánh Thần để phản ảnh vinh quang của Chúa Cha trong cùng hình ảnh đó và chia sẻ sự sống đời đời (x. Ga 10:15-16; 17:22-24; 2 Cr 3:18; Ep 1:3-14). Thật vậy, “Mặc khải […] cho thấy phẩm giá con người một cách trọn vẹn.” [35]

Cam kết đối với tự do riêng của chính người ta

22. Mỗi cá nhân đều sở hữu một phẩm giá nội tại và bất khả nhượng ngay từ đầu cuộc sống của mình như một hồng ân không thể thay đổi được. Tuy nhiên, việc lựa chọn để phát biểu phẩm giá đó và thể hiện nó một cách trọn vẹn hay che giấu nó tùy thuộc vào quyết định tự do và trách nhiệm của mỗi người. Một số Giáo Phụ, chẳng hạn như Thánh Irênê và Thánh Gioan Đa-mát-xê-nô, đã phân biệt giữa “hình ảnh” và “họa ảnh” được đề cập trong Sách Sáng Thế (x. 1:26). Điều này cho phép có một quan điểm năng động về phẩm giá con người vốn hiểu rằng hình ảnh Thiên Chúa được giao phó cho tự do của con người để – dưới sự hướng dẫn và tác động của Chúa Thánh Thần – việc con người giống Thiên Chúa được lớn mạnh và mỗi người có thể đạt được phẩm giá cao nhất của mình.[ 36] Mọi người đều được mời gọi biểu lộ phạm vi hữu thể học của phẩm giá trên bình diện hiện sinh và luân lý khi họ, bằng sự tự do của mình, hướng mình tới sự thiện đích thực để đáp lại tình yêu của Thiên Chúa. Vì vậy, là người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, con người không bao giờ đánh mất phẩm giá của mình và không bao giờ ngừng được mời gọi đón nhận sự thiện một cách tự do. Đồng thời, trong mức độ con người đáp lại điều tốt, phẩm giá của con người có thể tự biểu lộ một cách tự do, năng động và tiến bộ; cùng với điều đó, nó cũng có thể lớn lên và trưởng thành. Do đó, mỗi người cũng phải cố gắng sống xứng đáng với phẩm giá của mình. Dưới ánh sáng này, người ta có thể hiểu tội lỗi có thể làm tổn thương và che khuất phẩm giá con người như thế nào, vì nó là một hành vi trái ngược với phẩm giá đó; tuy nhiên, tội lỗi không bao giờ có thể hủy bỏ sự thật này là con người được tạo dựng theo hình ảnh và họa ảnh Thiên Chúa. Bằng cách này, đức tin đóng một vai trò quyết định trong việc giúp lý trí nhận thức được phẩm giá con người và trong việc chấp nhận, củng cố và làm sáng tỏ những đặc điểm thiết yếu của nó, như Đức Bênêđíctô XVI đã chỉ ra: “Tuy nhiên, nếu không có sự sửa chữa của tôn giáo, lý trí cũng có thể trở thành nạn nhân của những bóp méo, như khi nó bị hệ tư tưởng thao túng, hoặc bị áp dụng một cách phiến diện mà không quan tâm đầy đủ đến phẩm giá con người. Suy cho cùng, việc lạm dụng lý trí như vậy là nguyên nhân dẫn đến nạn buôn bán nô lệ ngay từ đầu và nhiều tệ nạn xã hội khác, nhất là các hệ tư tưởng toàn trị của thế kỷ XX.” [37]

3. Phẩm gía, Nền tảng của các Nhân quyền và Nghĩa vụ

23. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc lại: “Trong nền văn hóa hiện đại, tài liệu tham khảo gần gũi nhất với nguyên tắc về phẩm giá bất khả nhượng của con người là Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, được Thánh Gioan Phaolô II định nghĩa như một 'cột mốc trên con đường dài và khó khăn' của nhân loại' và như 'một trong những biểu thức cao nhất của lương tâm con người.'” [38] Để chống lại những nỗ lực nhằm thay đổi hoặc hủy bỏ ý nghĩa sâu sắc của Tuyên ngôn đó, cần nhắc lại một số nguyên tắc thiết yếu phải luôn được tôn trọng.

Tôn trọng nhân phẩm vô điều kiện

24. Thứ nhất, dù ý thức về phẩm giá con người ngày càng gia tăng, nhiều hiểu lầm về khái niệm này vẫn làm sai lệch ý nghĩa của nó. Một số người đề xuất rằng tốt hơn nên sử dụng cách diễn đạt “phẩm giá bản vị” (và các quyền “của ngôi vị”) thay vì “phẩm giá con người” (và các quyền “của con người”) vì họ hiểu “ngôi vị” phải là “người có khả năng suy luận.” Sau đó, họ lập luận rằng phẩm giá và các quyền được suy diễn từ khả năng hiểu biết và tự do của cá nhân, những điều mà không phải con người nào cũng có được. Vì vậy, theo họ, đứa trẻ chưa sinh ra sẽ không có phẩm giá bản vị, người lớn tuổi phụ thuộc vào người khác cũng như người khuyết tật tâm thần cũng vậy.[39] Ngược lại, Giáo hội nhấn mạnh rằng phẩm giá của mỗi con người, chính vì nó mang tính nội tại, nên vẫn tồn tại “trong mọi hoàn cảnh”. Việc thừa nhận phẩm giá này không thể tùy thuộc vào phán đoán về khả năng hiểu biết và hành động một cách tự do của con người; nếu không, nó sẽ không cố hữu trong con người, không phụ thuộc vào hoàn cảnh của cá nhân và do đó xứng đáng được tôn trọng vô điều kiện. Chỉ bằng cách nhìn nhận một phẩm giá nội tại và bất khả nhượng nơi mỗi con người, chúng ta mới có thể bảo đảm được một nền tảng vững chắc và bất khả xâm phạm cho phẩm chất đó. Nếu không có bất cứ nền tảng hữu thể học nào, việc thừa nhận phẩm giá con người sẽ bị dao động trước những phán xét tùy tiện và khác nhau. Điều kiện tiên quyết duy nhất để nói về phẩm giá cố hữu của con người là tư cách thành viên của họ trong loài người, theo đó “quyền của ngôi vị là quyền của con người.” [40]

Cơ sở khách quan cho tự do của con người

25. Thứ hai, khái niệm về phẩm giá con người đôi khi cũng bị lạm dụng để biện minh cho việc phổ biến một cách tùy tiện các quyền mới, nhiều quyền trong số đó mâu thuẫn với những quyền được xác định ban đầu và thường được đặt ra đối lập với quyền cơ bản về sự sống. [41] Như thể khả năng phát biểu và hiện thực hóa mọi sở thích hoặc mong muốn chủ quan của cá nhân cần được đảm bảo. Quan điểm này đồng nhất phẩm giá với quyền tự do biệt lập và mang tính cá nhân, vốn tuyên bố áp đặt những mong muốn và khuynh hướng chủ quan cụ thể như “các quyền” cần được cộng đồng bảo đảm và tài trợ. Tuy nhiên, phẩm giá con người không thể chỉ dựa trên những tiêu chuẩn cá nhân chủ nghĩa, cũng như không thể đồng nhất nó với tình trạng sức khỏe tâm sinh lý của cá nhân. Đúng hơn, việc bảo vệ phẩm giá con người dựa trên những đòi hỏi cấu thành của bản chất con người, vốn không phụ thuộc vào sự tùy tiện cá nhân hay sự thừa nhận của xã hội. Do đó, các nghĩa vụ bắt nguồn từ việc thừa nhận phẩm giá của người khác và các quyền tương ứng phát sinh từ đó có nội dung cụ thể và khách quan dựa trên bản chất con người chung của chúng ta. Nếu không có cơ sở khách quan như vậy, khái niệm về phẩm giá trên thực tế sẽ trở thành đối tượng của các hình thức độc đoán và lợi ích quyền lực đa dạng nhất.

Cấu trúc quan hệ của con người

26. Nhìn qua lăng kính tính cách tương quan của con người, phẩm giá con người giúp vượt qua quan điểm hạn hẹp về một quyền tự do mang tính cá nhân và tự quy chiếu, tự tuyên bố tạo ra các giá trị của riêng mình bất kể các chuẩn mực khách quan về điều tốt lành và mối quan hệ của chúng ta với những sinh vật khác. Thật vậy, ngày càng có nguy cơ giản lược phẩm giá con người vào khả năng xác định căn tính và tương lai của mình một cách độc lập với người khác, mà không quan tâm đến tư cách thành viên của mình trong cộng đồng nhân loại. Trong cách hiểu sai lầm về tự do này, việc thừa nhận lẫn nhau về nghĩa vụ và quyền lợi để chúng ta có thể quan tâm lẫn nhau là điều bất khả. Thực ra, như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc nhở, tự do được đặt “để phục vụ con người và sự viên mãn của con người thông qua việc hiến thân và cởi mở với người khác; nhưng khi quyền tự do được coi là tuyệt đối theo cách chủ nghĩa cá nhân, thì nó sẽ mất đi nội dung độc đáo, ý nghĩa và phẩm giá của nó bị mâu thuẫn lẫn nhau.”[42]

27. Nhân phẩm cũng bao gồm khả năng, vốn có trong bản chất con người, đảm nhận các nghĩa vụ đối với người khác.

28. Sự khác biệt giữa con người và tất cả các sinh vật khác, nổi bật nhờ khái niệm về phẩm giá, không nên khiến chúng ta quên tính tốt lành của các sinh vật khác. Những sinh vật đó hiện hữu không chỉ vì lợi ích của con người mà còn có giá trị riêng; chúng giống như những món quà được giao phó cho nhân loại cần được trân trọng và vun trồng. Do đó, trong khi khái niệm về phẩm giá được dành riêng cho con người, đồng thời, sự tốt lành mang tính thụ tạo của phần còn lại của vũ trụ cũng phải được khẳng định. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chỉ ra, “Nhờ phẩm giá độc nhất và món quà trí hiểu của chúng ta, chúng ta được kêu gọi tôn trọng tạo vật và các quy luật vốn có của nó […], 'Mỗi sinh vật đều có sự tốt lành và sự hoàn hảo riêng của nó...Mỗi sinh vật khác nhau, được ước muốn trong chính hữu thể của nó, phản ảnh theo cách riêng của nó một tia sáng khôn ngoan và tốt lành vô hạn của Thiên Chúa. Do đó, con người phải tôn trọng sự tốt lành đặc biệt của mọi thụ tạo, để tránh bất cứ việc sử dụng sự vật nào một cách vô trật tự.'”[43] Hơn nữa, “ngày nay chúng ta thấy mình bị buộc phải nhận ra rằng chỉ có thể duy trì một 'chủ nghĩa lấy con người làm trung tâm', nói cách khác, cuộc sống của con người sẽ không thể hiểu được và không bền vững nếu không có các sinh vật khác.”[44] Ở góc độ này, “chúng ta không thể thờ ơ khi có rất nhiều loài đang biến mất và cuộc khủng hoảng khí hậu gây nguy hiểm cho cuộc sống của nhiều loài khác”. [45] Thật vậy, việc chăm sóc môi trường là thuộc về phẩm giá của con người, đặc biệt chú ý đến hệ sinh thái nhân bản đang bảo tồn chính sự hiện hữu của chúng.

Giải phóng con người khỏi những ảnh hưởng tiêu cực trong lĩnh vực đạo đức và xã hội

29. Những điều kiện tiên quyết cơ bản này, dù cần thiết đến đâu, cũng không đủ để bảo đảm sự phát triển của một con người phù hợp với phẩm giá của họ. Dù “Thiên Chúa tạo dựng con người thành một hữu thể hữu lý, ban cho họ phẩm giá của một bản vị có thể khởi xướng và kiểm soát các hành động của chính mình,”[46] với tầm nhìn hướng về điều thiện, nhưng ý chí tự do của chúng ta thường lại thích điều ác hơn điều thiện. Vì vậy, tự do của con người, đến lượt nó, cũng cần được giải phóng. Trong thư gửi tín hữu Ga-lát, Thánh Phaolô khẳng định rằng “để được tự do, Chúa Kitô đã giải phóng chúng ta” (Gl. 5:1), nhắc lại nhiệm vụ riêng của mỗi Kitô hữu, là trên vai họ có trách nhiệm giải phóng toàn thế giới (xem Rm 8:19ff). Đây là một sự giải phóng, bắt khởi từ trái tim của từng cá nhân, được mời gọi phổ biến và biểu lộ sức mạnh nhân bản hóa của nó trên mọi mối quan hệ.

30. Tự do là một hồng ân tuyệt vời của Thiên Chúa. Ngay cả khi Thiên Chúa lôi kéo chúng ta đến với Người bằng ân sủng, Người vẫn làm như vậy theo cách không bao giờ xâm phạm quyền tự do của chúng ta. Vì vậy, sẽ là một sai lầm nghiêm trọng khi nghĩ rằng bằng cách xa cách Thiên Chúa và sự trợ giúp của Người, bằng cách nào đó chúng ta có thể được tự do hơn và do đó cảm thấy có phẩm giá hơn. Thay vào đó, bị tách rời khỏi Đấng Tạo Hóa, quyền tự do của chúng ta chỉ có thể suy yếu và bị che khuất. Điều tương tự cũng xảy ra nếu tự do tưởng tượng mình độc lập với bất cứ tham chiếu bên ngoài nào và coi bất cứ mối quan hệ nào với sự thật có trước là mối đe dọa; kết quả là sự tôn trọng tự do và phẩm giá của người khác cũng sẽ giảm sút. Như Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã giải thích: “Một ý chí hoàn toàn tin rằng mình không có khả năng tìm kiếm sự thật và sự thiện thì không có lý do hay động cơ khách quan nào để hành động, ngoại trừ những lý do bị áp đặt bởi những lợi ích phù du và bất chợt của nó; nó không có ‘bản sắc’ để bảo vệ và xây dựng thông qua các quyết định thực sự tự do và có ý thức. Kết quả là, nó không thể đòi hỏi sự tôn trọng từ những “ý chí” khác, những ý chí vốn tách rời khỏi hữu thể học sâu sắc nhất của chính họ và do đó có khả năng áp đặt những “lý do” khác hoặc, vì vấn đề đó, không có “lý do” nào cả. Ảo tưởng rằng thuyết tương đối về đạo đức cung cấp chìa khóa cho sự chung sống hòa bình thực sự là nguồn gốc của sự chia rẽ và sự phủ nhận phẩm giá của con người.” [47]

31. Hơn nữa, sẽ là không thực tế nếu thừa nhận một quyền tự do trừu tượng không có bất cứ ảnh hưởng, bối cảnh hoặc giới hạn nào. Thay vào đó, “việc thực thi quyền tự do cá nhân một cách đúng đắn đòi hỏi những điều kiện cụ thể của một trật tự kinh tế, xã hội, pháp lý, chính trị và văn hóa,” [48] mà thường vẫn chưa được đáp ứng. Theo nghĩa này, chúng ta có thể nói rằng một số cá nhân được hưởng nhiều “tự do” hơn những người khác. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đặc biệt chú ý đến điểm này: “Một số người sinh ra trong những gia đình ổn định về kinh tế, nhận được một nền giáo dục tốt, lớn lên được nuôi dưỡng tốt hoặc bẩm sinh có tài năng lớn. Họ chắc chắn sẽ không cần một nhà nước chủ động; họ chỉ cần đòi quyền tự do của mình. Tuy nhiên, quy tắc tương tự rõ ràng không áp dụng cho người khuyết tật, người sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó, những người không được giáo dục tốt và ít được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe đầy đủ. Nếu một xã hội được quản lý chủ yếu bởi các tiêu chuẩn tự do và hiệu quả của thị trường, thì sẽ không có chỗ cho những người như vậy, và tình huynh đệ sẽ vẫn chỉ là một lý tưởng mơ hồ.” [49] Do đó, điều quan trọng là phải hiểu rằng “việc xóa bỏ những bất công sẽ cổ vũ tự do và phẩm giá của con người”. [50] ở mọi bình diện nỗ lực của con người. Để có được tự do đích thực, “chúng ta phải đặt phẩm giá con người trở lại trung tâm và trên trụ cột đó, xây dựng các cấu trúc xã hội thay thế mà chúng ta cần.” [51] Tương tự như vậy, tự do thường bị che khuất bởi nhiều ảnh hưởng tâm lý, lịch sử, xã hội, giáo dục và văn hóa. Tự do thực sự và tự do lịch sử luôn cần được “giải phóng”. Hơn nữa, người ta phải tái khẳng định quyền cơ bản về tự do tôn giáo.

32. Đồng thời, lịch sử nhân loại cho thấy sự tiến bộ rõ rệt trong việc hiểu biết về phẩm giá và tự do của con người, mặc dù không phải không có những bóng tối và nguy cơ thoái hóa. Sự tiến bộ như vậy trong việc hiểu biết về phẩm giá con người được chứng minh bằng sự kiện này là ngày càng có mong muốn xóa bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chế độ nô lệ và việc bị gạt ra ngoài lề xã hội đối với phụ nữ, trẻ em, người bệnh và người khuyết tật. Khát vọng này đã được củng cố dưới ảnh hưởng của đức tin Kitô giáo, một đức tin tiếp tục sôi sục, ngay cả trong các xã hội ngày càng thế tục hóa. Tuy nhiên, hành trình gian khổ nhằm thăng tiến phẩm giá con người vẫn còn lâu mới kết thúc.

Còn nữa