Ngoài việc ngài bị chỉ trích về cuốn sách dạy hôn, Đức Tổng Giám Mục Fernandez cũng bị nhóm BishopAccountability.org, một tổ chức ở Hoa Kỳ chuyên theo dõi nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục ở Hoa kỳ, chỉ trích. Thực vậy, trong một bản tuyên bố, đồng giám đốc của tổ chức này, Anne Barrett Doyle, nói rằng Đức Tổng Giám Mục Fernández “công khai bênh vực” và hỗ trợ linh mục của giáo phận La Plata là cha Eduardo Lorenzo bị đương đầu với năm tố cáo về lạm dụng tình dục năm 2019. Doyle nói rằng Đức Tổng Giám Mục Fernandez tiếp tục ủng hộ cha Lorenzo cả sau khi một lệnh bắt giam đã được công bố và vị linh mục này đã tự sát.



Vào hôm thứ Hai, Doyle nói với hãng tin CNA rằng lối xử lý của Fernandez khiến bà rất quan tâm: “Ngài giữ linh mục này ở thừa tác vụ giáo xứ, ngay cả trong lúc có nhiều nạn nhân hơn lên tiếng. Ngài tỏ ra sẵn lòng ác tâm đánh bạc với sự an toàn của trẻ em. Ngài tỏ ra khinh miệt các người được coi là nạn nhân. Nếu đáp ứng của ngài đối với vụ này nói lên thái độ của ngài đối với các lời tố cáo, chắc chắn ngài sẽ gây thiệt hại ghê gớm trong tư cách bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin”.

Tuy nhiên, trong một email gửi cho CNA, Tổng giáo phận La Plata bác bỏ các lời chỉ trích trên đây. Email cho rằng “Đức Tổng Giám Mục không bao giờ nói rằng ngài không tin các nạn nhân, như các blogs đưa ý kiến tự do nói. Khi được các nhà báo hỏi, ngài rõ ràng trả lời rằng ‘khi một ai đó trình bầy một lời tố cáo loại này, trên nguyên tắc, họ luôn lập tức được tin theo, nhưng ngoài việc này ra, một cuộc điều tra và một diễn trình đúng thủ tục là điều cần thiết vì luật pháp đã thiết định như thế”.

Email viết thêm, “khi các chứng từ mới xuất hiện, Đức Tổng Giám Mục đều đưa ra các biện pháp mới, bắt đầu bằng việc cấm vị linh mục này được làm bất cứ hoạt động nào với các vị thành niên cho trước khi hạn chế ngài tại cơ quan Caritas”.

Tuy nhiên, trong một trao đổi ngày 9 tháng 7 với hãng tin A.P. (https://apnews.com/article/vatican-pope-argentina-fernandez-abuse-case), Đức Tổng Giám Mục thừa nhận ngài mắc sai lầm trong vụ việc này. Ngài nói: “hôm nay, chắc chắn tôi sẽ hành động rất khác và lối hành xử cũ của tôi chắc chắn không đầy đủ”.

A.P. nhắc lại lời tố cáo của nhóm BishopAccountability.org, cho rằng Đức Tổng Giám Mục Fernandez “không chịu tin các lời tố cáo của các vị thành niên, những em đã tố cáo Eduardo Lorenzo lạm dụng các em. Cũng như với Catholic World News, trong cuộc tiếp xúc với A.P., Đức Tổng Giám Mục bác bỏ lời tố giác này; ngài cho hay: chưa bao giờ ngài nói ngài không tin các lời tố cáo và đã tách vị linh mục này cách xa các nạn nhân.

Và, vũng theo A.P., dịp này, Đức Tổng Giám Mục tự phê bình ngài nhiều hơn về các hành động của ngài, điều ngài gán cho việc tới tổng giáo phận La Plata năm 2018 mà “không có bất cứ kinh nghiệm nào”. Ngài nói các thủ tục của Giáo Hội trong việc xử lý các lời tố cáo lạm dụng lúc đó “không rõ ràng lắm”. Ngài nói với A.P., “tôi không thể nói tôi đã phạm một tội ác hay một điều chống lại những gì đã được thiết định lúc đó, nhưng đáng lẽ tôi nên là một người cha tốt hơn thế, một mục tử tốt và hửu hiệu hơn thế. Dĩ nhiên, tôi thừa nhận điều đó”.

Ngài nói thêm: “với mọi điều tôi nói, rõ ràng là tôi đã không hành động cách tốt nhất”. Ngài cho biết ngài nên “đối xử với các nạn nhân cách gần gũi hơn’ và hành động “sớm sủa hơn” trong việc loại bỏ Lorenzo khỏi các bổn phận linh mục trong khi ông ta bị điều tra.

Anne Barrett Doyle tỏ ý không tin vào lời lẽ của Đức Tổng Giám Mục. Bà nói: “ngài tự tuyên bố lấy làm ngạc nhiên, nhưng ngài là người tinh vi và có học... cho rằng mình không biết là điều không thể tin được”.

Bà cho rằng Đức Tổng Giám Mục “liên tiếp” biểu lộ sự hỗ trợ đối với vị linh mục. Bà nói: “Nếu Đức Tổng Giám Mục Fernandez hối tiếc việc ngài xử lý vụ này, tại sao ngài không bao giờ tiếp xúc với các nạn nhân của Lorenzo?”

Về khía cạnh trên, Catholic World News cho hay: trong một lá thư công bố hồi tháng Hai năm 2019 trên El Dia có trụ sở tại La Plata, Đức Tổng Giám Mục Fernandez chất vấn động lực của các cha mẹ và những người khác nêu lo ngại đối với cha Lorenzo, người bị tố cáo lạm dụng vào năm 2008, mặc dù lúc đó, công tố viên địa phương đã xác định không đủ chứng cớ để kết tội cha Lorenzo, nhưng các cha mẹ vẫn nêu lo ngại cả một thập niên sau về việc vị linh mục này được cử làm mục tử cho một giáo xứ có trường học.

Bức thư trên thực sự gửi cho chính linh mục Lorenzo. Ngài viết: “tôi không biết làm thế nào họ ráng làm cho chủ đề này hiện diện dai dẳng như thế trên các phương tiện truyền thông”. Ngài còn xin lỗi cha Lorenzo, “Tôi xin lỗi nếu tôi mắc sai lầm đã chường cha ra cho đau khổ và nhục nhã công khai vào lúc này”.

Về vấn đề này, theo CNA, Đức Tổng Giám Mục Fernandez nói với InfoVaticana “vấn đề này phức tạp vì trong nguyên tắc, người ta phải tin tưởng những người trình bầy các lời tố cáo lạm dụng trẻ em, bạn phải tin tưởng họ, và mặt khác bạn không thể kết án vị linh mục mà không có diễn trình phải có, một diễn trình đòi thời gian.Và trong lúc đó, mọi khiếu nại xuất hiện mà người ta phải đáp ứng bằng cách nói càng ít càng tốt để không can thiệp vào. Lúc ấy, tôi để mình được hướng dẫn bởi các nhà giáo luật học và tôi học hỏi, nhưng với nhiều đau đớn nặng nề vì sợ bất công với bên này hay bên kia.”

Nỗi sợ ấy được Ed. Condon của The Pillar thông cảm khi nhấn mạnh rằng “trong những vụ lạm dụng vị thành niên rõ ràng đã được chứng minh, người ta dễ thông cảm với sự mất kiên nhẫn của người Công Giáo địa phương và những người bênh vực các nạn nhân đối với các giáo phận tỏ ra quá chậm chạp trong việc hành động một cách cương quyết do tôn trọng thủ tục phải có của giáo luật. Đồng thời, việc một số giáo phận vội vàng công bố các lời tố cáo các linh mục và loại các ngài khỏi thừa tác vụ, trước bất cứ diễn trình nào đạt tới kết luận, đã góp phần vào việc hủy diệt lòng tin giữa hàng giáo sĩ địa phương và vị Giám Mục của các ngài.

Ed.Condon cũng cho hay chính hướng dẫn của Bộ Giáo Lý Đức Tin cũng cảnh cáo các Giám Mục đừng biến các giai đoạn khởi đầu khi mới nhận và điều tra một đơn tố cáo thành một loại phán đoán tiền kết (summary judgment) chống vị linh mục bị tố cáo: “các phát biểu (về đơn tố cáo) nên vắn gọn và súc tích, tránh những tuyên bố ầm ĩ, hạn chế hoàn toàn bất cứ phán đoán quá sớm nào về tôị lỗi hoặc vô tội của người bị tố cáo”

Dù thế nào, thì vấn đề xử lý nạn lạm dụng tình dục đã ám ảnh Đức Tổng Giám Mục Fernandez từ lâu, khiến ngài do dự chấp nhận việc đề cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, vì phần lớn công việc của bộ này là lo giải quyết các vụ lạm dụng tình dục. Theo Catholic World News, trong một đăng tải trên Facebook ngay khi được bổ nhiệm, ngài cho hay ngài đã từ khước việc bổ nhiệm này một lần rồi vì “nhiệm vụ của bộ trưởng bao gồm vấn đề lạm dụng trẻ em, và tôi cảm thấy không sẵng sàng cũng như được huấn luyện cho những vấn đề này”.

Chính vì thế, trong lá thư gửi cho ngài ngày 1 tháng 7, Đức Phanxicô bảo đảm với ngài rằng “các nhà chuyên nghiệp có khả năng” thuộc phân bộ kỷ luật của Bộ sẽ lo phụ trách các vấn đề này, ngài chỉ phải lo phần vụ liên quan đến tín lý Công Giáo. Phân bộ kỷ luật này, từ tháng Hai năm 2022, đã được Đức Phanxicô, nhân một cuộc cải tổ, tách biệt với phân bộ tín lý, đặt dưới quyền một tổng thư ký riêng biệt song hành với một tổng thư ký khác phụ trách phân bộ tín lý.

Về lý thuyết, việc này đã vô hiệu hóa lời phàn nàn cho rằng Đức Tổng Giám Mục không đủ tư cách lãnh đạo Bộ Giáo Lý Đức Tin khi vai trò này đòi người đảm nhận phải thông thạo các vấn đề thuộc giáo luật để giải quyết phần lớn công việc của bộ hiện nay thuộc phạm vi kỷ luật, trong khi, theo lời thú nhận của chính ngài, Đức Tổng Giám Mục Fernandez không thông thạo các vấn đề luật học. Ngài nói với InfoVaticana của Tây Ban Nha mới đây rằng: “Lần đầu tiên [Đức Giáo Hoàng Phanxicô] đề nghị với tôi chức vụ này, tôi đã trả lời không, trước nhất vì tôi coi mình không thích đáng lãnh đạo công việc của lãnh vực kỷ luật này. Tôi vốn không phải là một nhà giáo luật học, và thực tế, khi tôi tới [tổng giáo phận] La Plata, tôi có rất ít ý nghĩ phải đương đầu ra sao với các vấn đề này”.

Theo Ed Condon của The Pillar, thông thường vị bộ trưởng không bị đòi phải là người cuối cùng quyết định vụ việc của phân bộ này. Khi bộ phải đưa ra quyết định sau cùng thì thường vụ việc sẽ được bỏ phiếu giữa các vị Hồng Y thành viên của bộ hay qua sự can thiệp của Tòa án tông tòa đặc biệt. Thành thử như một qui định, các vị bộ trưởng của bộ này chỉ là các nhà thần học, không phải giáo luật học. Các tiền nhiệm của Đức Tổng Giám Mục Fernandez như Ladaria, Müller, Levada, Ratzinger, và Šeper đều không phải là các giáo luật gia. Vị duy nhất là giáo luật gia đã qua đời từ năm 1968, Đức Hồng Y Ottaviani.

Chỉ phiền là dù sao ngài vẫn phải chịu trách nhiệm về công việc của phân bộ kỷ luật vì nó vẫn là một bộ phận thuộc bộ ngài đảm nhận. Người ta khó hình dung vai trò của tân bộ trưởng trong việc giám sát, phối hợp công việc nói chung của cả bộ. Trong cuộc phỏng vấn của Alise Ann Allen của Crux, ngài đơn giản cho hay: sẽ hết lòng yểm trợ phân bộ kỷ luật nhưng không đụng đến khía cạnh chuyên môn của họ. Nói thì dễ làm không hẳn dễ. Hiệu năng của bộ chắc chắn chịu ảnh hưởng.

Có hồ sơ tại Bộ Giáo Lý Đức Tin

Nhiều người khác lưu ý đến việc Đức Tổng Giám Mục Fernandez từng bị điều tra bởi Bộ Giáo Lý Đức Tin, bộ mà ngài sẽ đảm nhận chính thức từ tháng Chín này. Thực vậy, theo Edward Pentin của National Catholic Register, Đức Hồng Y Gerhard Müller xác nhận rằng tại Bộ Giáo Lý Đức Tin có một hồ sơ cho thấy các lo ngại về thần học đối với Đức Tổng Giám Mục Victor Manuel Fernández.

Đức Hồng Y Müller, vốn là bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin từ năm 2012 đến năm 2017, ngày 4 tháng 7, 2023, nói với tờ National Catholic Register rằng hồ sơ này được thành lập vào thập niên 2000 bởi Đức Tổng Giám Mục Jean-Louis Bruguès, Thư ký của Bộ Giáo dục lúc ấy, sau khi Đức Hồng Y Bergoglio đề cử Fernandez, lúc ấy còn là một linh mục, làm viện trưởng Đại Học Công Giáo Á Căn Đình năm 2009.

Mục đích của hồ sơ là cung cấp thông tin cho Bộ Giáo Lý Đức Tin để bộ này có thể cấp hoặc bác bỏ Nihil Obstat (không trở ngại) cho việc đề cử này, một đòi hỏi đối với bất cứ viện trưởng Đại Học Công Giáo nào.

Theo Đức Hồng Y Müller, Bộ Giáo Lý Đức Tin luôn can dự vào việc có tiếng nói sau cùng. Bộ Giáo dục, do đó, buộc phải xin Nihil Obstat của Bộ Giáo Lý Đức Tin để ban tiếng “yes” chính thức, ngõ hầu Giáo Hội tuyệt đối biết chắc không có vấn đề nào trong việc đề cử này.

Vì nội dung của hồ sơ, Bộ Giáo Lý Đức Tin, lúc đó dưới quyền Đức Hồng Y William Levada, đã triển hạn việc ban hành Nihil Obstat cho tới khi nội dung được giải quyết. Thành thử Cha Fernandez không thể tuyên thệ nhậm chức cho tới tháng 5 năm 2011, 2 năm rưỡi sau khi được bổ nhiệm không chính thức, do mối quan tâm kéo dài nêu lên trong hồ sơ liên quan đến một số quan điểm thần học của ngài.

Trong nhận định của ngài ngày 5 tháng 7 với National Catholic Register , Đức Tổng Giám Mục Fernandez không coi nội dung của hồ sơ là quan trọng, cho biết Vatican quan tâm tới một số tố giác căn cứ vào một số bài viết của ngài và sau việc trao đổi một số thư từ với các viên chức Vatican, trong đó, ngài “minh xác suy nghĩ đích thực của ngài, mọi việc đã được giải quyết thanh thỏa."

Phần Đức Hồng Y Müller thì cho rằng có thể Cha Fernandez đã gửi cho Bộ Giáo Lý Đức Tin “cam kết sẽ làm tốt hơn”, một việc “luôn là chiến thuật dành cho những sự việc này, để diệt mọi nghi ngờ”.

Theo National Catholic Register , dường như Đức Tổng Giám Mục Fernandez đã theo chiến lược trên. Ngài nói với National Catholic Register rằng sau việc ngài được đề cử làm viện trưởng năm 2009, một số bài viết của ngài đã tới Rôma và từ đó trở đi, trao đổi thư từ bắt đầu diễn ra, trong đó ngài minh xác ‘sư suy nghĩ chân thực của tôi và mọi sự đã được giải quyết thanh thỏa”.

Ngài nói: “Phải mất hơn một năm với tốc độ làm việc của Rôma, nhưng tôi muốn nói rõ rằng những lời buộc tội không có trọng lượng lớn. Chẳng hạn, họ đặt câu hỏi về nửa trang tôi đã viết trên một tờ báo nhỏ ở thành phố của tôi, trong nội địa Á Căn Đình. Trong đó, tôi giải thích rằng các linh mục chúng tôi không thể chúc phúc cho các cuộc kết hợp đồng tính vì chúng tôi có một quan niệm nhất định về hôn nhân. Tuy nhiên, chúng tôi đã không phán xét hay lên án người ta.”

Đức Tổng Giám Mục Fernández nói tiếp, “Những người buộc tội tôi nói rằng tôi đã không giải thích đầy đủ sự hiểu biết của Giáo hội về hôn nhân. Tin hay không tùy bạn, nhưng việc này đã mất vài tháng thời gian của tôi.”

Ngài nói thêm rằng việc ngài công bố một bài báo đính chính về vấn đề này được coi là “không cần thiết hoặc phù hợp” vì ngài giải thích rằng ngài “không phải là chuyên gia về chủ đề này”. Ngài nói, nói chung, “các nhà thần học cố gắng viết các bài báo về các chủ đề mà chúng tôi có thể chuyên môn hóa”.

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 3 tháng 7 với Perfil, một đài phát thanh của Á Căn Đình, Đức Tổng Giám Mục Fernández đã suy tư về trải nghiệm này, nhắc lại rằng Bộ Giáo lý Đức tin từng là Văn phòng thánh của Toà án dị giáo và nói rằng họ “thậm chí còn điều tra cả tôi”. Ngài nói rằng quá trình này "thực sự rất khó chịu" và ngài đã "mất hàng tháng trời cho những điều vô nghĩa" để tự biện minh cho mình.

Đức Tổng Giám Mục Fernández tiếp tục cân nhắc về chủ đề gây tranh cãi về việc chúc lành cho các cặp đồng tính luyến ái. Ngài nói với trang web Công Giáo Tây Ban Nha Infovaticana vào ngày 5 tháng 7 rằng không gì có thể so sánh với “hôn nhân” theo “nghĩa chặt chẽ” giữa một người nam và một người nữ, và “điều quan trọng nhất cần được thực hiện là tránh các nghi thức hoặc phép lành có thể gây ra sự nhầm lẫn đó.” Nhưng ngài nói thêm: “Bây giờ, nếu một phước lành được ban theo cách mà nó không gây ra sự nhầm lẫn đó, nó sẽ phải được khảo sát và xác minh. Như bạn sẽ thấy, có một điểm trong đó chúng ta rời khỏi cuộc thảo luận thần học thuần túy và chuyển sang một vấn đề có tính khôn ngoan thận trọng và kỷ luật hơn.”

Rrong cuộc phỏng vấn trên, ngài cũng nói rằng mặc dù tín lý của Giáo hội không thể thay đổi, nhưng “sự hiểu biết của chúng ta” về tín lý có thể thay đổi, “và trên thực tế, nó đã thay đổi và sẽ tiếp tục thay đổi.”

Đức Tổng Giám Mục Fernández cho biết những lo ngại của Vatican đã bị loại bỏ không phải do bất cứ áp lực nào từ Đức Hồng Y Bergoglio. “ngài tự tin rằng, nếu tôi trả lời những câu hỏi được gửi đến cho tôi thì sớm muộn gì mọi chuyện cũng sẽ được giải quyết”.

Tuy nhiên, có vẻ như đã có những hậu quả đối với Đức Tổng Giám Mục Bruguès. Điều đáng chú ý là Đức Giáo Hoàng Phanxicô chưa bao giờ phong vị giáo phẩm người Pháp này làm Hồng Y, mặc dù ngài phục vụ với tư cách là văn khố viên và quản thủ thư viện của Thánh Giáo Hội Rôma từ năm 2012 đến 2018, một vị trí danh giá vốn được lãnh đạo bởi một Hồng Y kể từ thế kỷ 18.

Hai tháng sau khi được bầu làm giáo hoàng, Đức Phanxicô đã nâng Cha Fernández lên làm tổng giám mục, nhưng không thông báo cho Bộ Giáo lý Đức tin, lúc đó do Hồng Y Müller đứng đầu. Mặc dù các giáo hoàng không có nghĩa vụ phải yêu cầu Bộ Giáo lý Đức tin cung cấp một nihil obstat trước khi bổ nhiệm một giám mục, nhưng Đức Hồng Y Müller cho biết họ thường làm như vậy để chắc chắn rằng ứng viên vững chãi về tín lý.

Trong lá thư gửi Đức Tổng Giám Mục Fernández nhân dịp được bổ nhiệm, Đức Thánh Cha Phanxicô dường như gợi ý rằng Bộ Giáo lý Đức tin dưới thời Đức Tổng Giám Mục Fernàndez sẽ không còn xem xét kỹ lưỡng tính chính thống của các nhà thần học ở mức độ mà chính Đức Tổng Giám Mục Fernández đã phải chịu.

Đức Phanxicô viết “Bộ mà Đức Cha sẽ chủ trì trong những thời điểm khác đã sử dụng các phương pháp vô đạo đức. Đó là những thời điểm mà thay vì thúc đẩy kiến thức thần học, người ta lại theo đuổi những sai lầm có thể có về giáo lý. Những gì tôi mong đợi từ Đức Cha chắc chắn là một điều gì đó rất khác”.

Trong một tuyên bố vào ngày 1 tháng 7 về việc bổ nhiệm của mình, Đức Tổng Giám Mục Fernández cho biết bộ trong quá khứ “là nỗi kinh hoàng của nhiều người, bởi vì nó chuyên tố cáo những sai lầm, bách hại những kẻ dị giáo, kiểm soát mọi thứ, thậm chí tra tấn và giết chóc.

Ngài nói tiếp, “Không phải mọi thứ đều như vậy, nhưng đây là một phần của sự thật. Đức Phanxicô đã viết cho tôi rằng cách tốt nhất để quan tâm đến giáo lý đức tin là tăng cường sự hiểu biết của chúng ta về nó, bởi vì 'sự phát triển hài hòa này sẽ bảo tồn giáo lý Kitô giáo hiệu quả hơn bất kỳ cơ chế kiểm soát nào', đặc biệt nếu chúng ta biết cách trình bày một Thiên Chúa là Đấng yêu thương, giải thoát, nâng đỡ, ban sức mạnh cho con người.”