Sau khi đề cập tới 3 nghịch lý nơi vị giáo hoàng quá cố, John Allen Jr. quảng diễn một số khía cạnh trong ba nghịch lý này:
Cái bóng Đức quốc xã
Joseph Ratzinger sinh ngày 16 tháng 4 năm 1927, vào Thứ Bảy Tuần Thánh, vị giáo hoàng tương lai đã trải qua những năm đầu đời tại một thị trấn nhỏ ở Bavarian tên là Marktl-am-Inn, ngay bên kia biên giới với Áo và thành phố mà tuổi trẻ của ngài say mê, Salzburg.
Ngài trở thành một người hâm mộ cuồng nhiệt của Mozart, người con trai bản địa của Salzburg, từng nói rằng âm nhạc của nhạc sĩ này “chứa đựng toàn bộ bi kịch của hiện sinh con người.”
Ngài là con út trong số ba người con của một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu, cha mẹ ngài tên là Giuse và Maria. Giuse là một cảnh sát viên, trong khi Maria ở nhà trong một số giai đoạn của cuộc đời, và sau đó làm đầu bếp tại một số cơ sở.
Lực lượng lịch sử chính hình thành tuổi trẻ của Ratzinger là sự trỗi dậy của Chủ nghĩa xã hội quốc gia ở Đức. Ngài mới 6 tuổi khi Hitler lên nắm quyền vào năm 1933 và 18 tuổi khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc vào năm 1945.
Gia đình Ratzinger không có thiện cảm với Quốc xã. Ratzinger nhớ lại vào năm 1997 rằng gia đình ngài thuộc về một truyền thống chính trị ở Bavaria coi trọng Áo và Pháp hơn là Phổ, và do đó đã kinh hoàng trước hình thức chủ nghĩa dân tộc Đức thô thiển của Hitler.
Cha của vị giáo hoàng tương lai đã hơn một lần bày tỏ sự chỉ trích đối với Quốc Xã, và sự lo ngại về những tác động tiềm tàng của những quan điểm đó đã gây ra một loạt việc chuyển qua các nhiệm vụ ít quan trọng hơn ở Bavaria, cho đến năm 1937, ông nghỉ hưu và gia đình chuyển đến thành phố Traunstein thuộc Bavaria.
Sự tàn bạo của Đức quốc xã đã chạm đến cá nhân gia đình Ratzinger. Một người em họ mắc Hội chứng Down, năm 1941, 14 tuổi, đã bị chính quyền Đức Quốc xã bắt đi vào năm đó để “trị liệu”. Không lâu sau, gia đình nhận được tin em đã chết, có lẽ là một trong những “kẻ không được ưa chuộng” đã bị loại bỏ.
Ratzinger sau đó đã trích dẫn tình tiết này để minh họa sự nguy hiểm của các hệ thống ý thức hệ muốn xác định một số hạng người nhất định là không đáng được bảo vệ.
Năm 1941, khi Ratzinger 14 tuổi, việc trở thành hội viên của Đoàn thanh niên Hitler trở thành bắt buộc, cả ngài và anh trai Georg đều phải ghi danh tham gia. Tuy nhiên, ngài đã không tham gia các hoạt động, và một giáo viên thông cảm đã cho phép ngài đủ điều kiện để được giảm học phí mặc dù ngài không có thẻ đăng ký Thanh niên Hitler bắt buộc.
Năm 1943, sau khi Joseph vào chủng viện, ngài và cả lớp của ngài phải nhập ngũ, gia nhập tiểu đoàn phòng không bảo vệ một nhà máy BMW bên ngoài Munich. Trong một cuộc phỏng vấn năm 1993 với tờ Time, Đức Hồng Y Raztinger nói rằng ngài chưa bao giờ nổ súng "trong cơn tức giận" trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự và cuối cùng đã đào ngũ. Kết cục, ngài bị đưa vào trại tù binh chiến tranh của Mỹ, và cuối cùng được thả và tiếp tục học tập để chịu chức linh mục.
Một nhà thần học thiên phú
Trong giai đoạn đầu của sự nghiệp, Ratzinger nổi bật là một trong những bộ óc Công Giáo tài năng nhất trong thế hệ của mình. Ngài phục vụ với tư cách là một chuyên gia thần học trong Công đồng Vatican II vào giữa những năm 1960, khi ngài còn là một phần trong đa số cấp tiến đang tìm cách đưa đạo Công Giáo vào kỷ nguyên hiện đại.
Cuốn sách Nhập môn Kitô giáo năm 1968 của Ratzinger được nhiều người coi là một trong những tác phẩm kinh điển của thời kỳ hậu Công đồng Vatican II. Nó không phải là một cuốn giáo khoa duy pháp lý chứa đầy các quy tắc và quy định; đó là một suy gẫm về đức tin đi sâu vào kinh nghiệm của con người, một cuốn sách dám bước đi trần trụi trước sự nghi ngờ và hoài nghi để khám phá sự thật về ý nghĩa của việc trở thành một Kitô hữu hiện đại. Nhiều người tiến bộ thấy nó gây phấn khởi.
Tuy nhiên, sau đó, Ratzinger bắt đầu lo sợ rằng công cuộc cải tiến do Vatican II khởi xướng đang dẫn đến sự đầu hàng trước một bối cảnh văn hóa đang thay đổi nhanh chóng, và ngài bắt đầu gắn bó với các quan điểm ngày càng bảo thủ nhiều hơn. Vào thời điểm Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài vào năm 1981 như viên chức tín lý hàng đầu của Vatican, việc này được coi như một lựa chọn để bảo vệ mạnh mẽ giáo huấn và truyền thống Công Giáo.
Trong một phần tư thế kỷ tiếp theo, không có cuộc tranh cãi nào của Công Giáo mà trong đó Ratzinger không đóng vai chính, từ những cuộc tranh luận về thần học giải phóng và “ưu tiên chọn người nghèo” ở Mỹ Latinh cho đến những vấn đề nóng bỏng về đạo đức tình dục như đồng tính luyến ái ở Châu Âu và Bắc Mỹ.
Hồ sơ gây phân cực của ngài khiến ngài trở thành một món hàng hiếm trong thế giới thường tối tăm của Giáo triều La Mã trong tư cách một ngôi sao truyền thông.
Khi Ratzinger bước sang tuổi bảy mươi vào năm 1997, hai trong số những nhà xuất bản thế tục lớn nhất ở Đức đã cho xuất bản những cuốn sách của ngài, hình của ngài xuất hiện trên trang bìa của tạp chí tin tức đại chúng lớn nhất ở Ý, và hầu như mọi tờ báo và mạng truyền hình ở châu Âu đều chuẩn bị các hồ sơ phong phú. Chỉ vì mừng sinh nhật, Ratzinger cũng đã trở thành tin lớn.
Sau khi được bầu làm giáo hoàng, người Ý nhanh chóng gọi ngài là “Papa-Razi”, một cách chơi chữ của thuật ngữ paparazzi dành để chỉ các nhiếp ảnh gia chuyên theo dõi những người nổi tiếng đó đây, và thuật ngữ này có một sự phù hợp kỳ lạ đối với tầm cỡ của Ratzinger. Có lẽ ngài là vị giáo hoàng đầu tiên của thời hiện đại không cần phải giới thiệu.
Đến năm 2005, khi Đức Gioan Phaolô II qua đời, Đức Hồng Y Ratzinger được nhiều người coi như người chấp pháp của Vatican, viên cảnh sát ngoan cố nhất của Giáo hội nhân danh tín lý chính thống. Ngài là kiến trúc sư trí thức của triều giáo hoàng kéo dài gần 27 năm của Đức Gioan Phaolô, triều đại mà hầu hết các giáo sĩ cấp cao coi là thành công rực rỡ, và chính ngài được đưa lên ngôi giáo hoàng nhờ một cuộc bỏ phiếu mạnh mẽ về tính liên tục.
Ngay trong tư cách giáo hoàng, Đức Bênêđíctô vẫn dành thời gian để thỏa mãn các sở thích trí thức của mình. Ngài đã xuất bản ba tập về cuộc đời của Chúa Giêsu thành Nazareth vào năm 2007, 2011 và 2012, mô tả chúng như những tác phẩm thần học riêng tư hơn là giáo huấn chính thức của giáo hoàng.
Trong một sự khiêm tốn cổ điển, Đức Bênêđíctô đã mời những lời chỉ trích đối với tác phẩm của ngài trong lời nói đầu của tập đầu tiên.
Ngài viết, “Mọi người có thể tự do nói ngược lại tôi. Tôi chỉ xin thiện chí ban đầu của các độc giả của tôi vì không có nó thì không thể có sự hiểu nhau được”.
Nền chính thống khẳng định
Trong tư cách giáo hoàng, Đức Benêđíctô XVI chưa bao giờ là một người đáng trách trong trí tưởng tượng của quần chúng. Không có cuộc thanh trừng thực sự nào đối với các nhà thần học hay giám mục bất đồng chính kiến, và không có vạ tuyệt thông mới nào về các vấn đề đức tin hay luân lý. Thay vào đó, ngài cố gắng đi tiên phong trong “nền chính thống khẳng định”, nghĩa là cách trình bày tích cực nhất có thể có về các quan điểm Công Giáo truyền thống.
Ngay cả một số nhà phê bình gay gắt nhất của Đức Giáo Hoàng cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với nỗ lực này.
Khi Đức Bênêđíctô công bố thông điệp Deus Caritas Est về tình yêu con người vào năm 2005, nhà thần học người Thụy Sĩ Hans Küng, một đồng nghiệp cũ của Joseph Ratzinger và là tiếng nói hàng đầu của phe cấp tiến bất đồng, đã vỗ tay tán thưởng.
Küng viết, “Papa Ratzinger đảm nhận phong cách thần học không thể bắt chước của mình với nhiều chủ đề phong phú về eros và agape, về tình yêu và đức ái”. Ông gọi thông điệp này là “một dấu hiệu tốt” và bày tỏ hy vọng rằng nó sẽ được “đón nhận nồng nhiệt, với sự tôn trọng.”
Ý tưởng cố định của Đức Bênêđíctô là mối tương quan giữa lý trí và đức tin cũng như vai trò của các cộng đồng đức tin trong các xã hội dân chủ thế tục, một chủ đề mà ngài đã trình bày trong bốn bài phát biểu mang tính bước ngoặt được coi là kinh điển của tư tưởng giáo hoàng hiện đại: tại Regensburg, Đức, năm 2006; tại Collège des Bernardins ở Paris năm 2008; tại Hội trường Westminster ở London năm 2010; và tại Bundestag ở Đức năm 2011.
Nếu Đức Bênêđíctô không bao giờ trở thành con cưng của giới truyền thông như người tiền nhiệm của ngài, thì ngài vẫn nổi bật trên sân khấu đại chúng. Các chuyến đi của ngài đã thu hút đám đông nhiệt tình, và số cử tọa công cộng của ngài thực sự vượt quá con số của Đức Gioan Phaolô. Thậm chí, ngài còn tạo được tiếng vang lớn, ra mắt tài khoản Twitter của riêng mình và truyền cảm hứng cho một cuốn sách dành cho trẻ em được cho là do chú mèo Chico của ngài viết.
Vào tháng 4 năm 2005, ngay trước khi Đức Gioan Phaolô II qua đời, Đức Hồng Y Ratzinger khi đó đã viết một bài suy niệm đáng nhớ cho buổi lễ Thứ Sáu Tuần Thánh hàng năm của Vatican, nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đối mặt với “sự ô uế” trong Giáo hội.
Trong tư cách giáo hoàng, ngài đã làm theo điều ấy. Đức Bênêđíctô bổ nhiệm những người liêm chính vào các chức vụ cao cấp; ngài cam kết áp dụng chính sách "tuyệt đối không khoan nhượng" nạn lạm dụng tình dục và áp dụng kỷ luật với các giáo sĩ trước đây được coi là không thể chạm tới; và ngài đã phát động chính sách cởi mở về tài chính, bao gồm việc lần đầu tiên mở cửa Vatican cho bên ngoài thanh tra các chính sách chống rửa tiền bằng cách hợp tác với cơ quan chống rửa tiền của Hội đồng Châu Âu, Moneyval.
Dù hầu hết các nhà quan sát tin rằng ngài đã bỏ dở các việc làm quan trọng trong hai lanh vực lạm dụng tình dục và tài chính, ít người nghi ngờ việc ngài đã đưa Giáo hội đi xa hơn trên con đường cải cách so với lúc ngài tiếp quản.
Các trắc trở về quản trị
Những câu chuyện tích cực đó luôn khó kể, vì tri nhận về Đức Bênêđíctô XVI liên tục bị lật úp bởi hàng loạt trắc trở về quản trị.
Ngay từ đầu, bài phát biểu tại Regensburg của Đức Bênêđíctô đã khơi dậy sự phản đối của người Hồi giáo vì việc ngài trích dẫn câu nói của một hoàng đế Byzantine, người đã liên kết Muhammad với bạo lực. Các nhà thờ bị đốt cháy ở West Bank và Dải Gaza trong khi một nữ tu người Ý bị bắn chết ở Somalia. Vào dịp kỷ niệm một năm, một linh mục truyền giáo bị giết ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Đó là một điềm báo của những điều sắp tới. Năm 2011, hai nhà báo người Ý Andrea Tornielli và Paolo Rodari đã xuất bản một cuốn sách dài 300 trang ghi lại những cuộc khủng hoảng có tiếng nhất, bao gồm:
Các vụ tai tiếng lạm dụng tình dục quy mô lớn, bùng nổ ở Hoa Kỳ vào năm 2002, sau đó truyền qua châu Âu vào năm 2010. Làn sóng thứ hai khiến hồ sơ cá nhân của Đức Bênêđictô XVI bị khảo sát nghiêm khắc, bao gồm cả trường hợp khi ngài còn là tổng giám mục Munich vào cuối những năm 1970, trong đó một linh mục ấu dâm đã được che đậy, và các trường hợp khác dưới sự giám sát của ngài ở Vatican khi định chế này chậm chạp trong hành động. Trong tư cách giáo hoàng, đã có những lời chỉ trích dai dẳng rằng những lời xin lỗi và các cuộc gặp gỡ với các nạn nhân của Đức Bênêđíctô không đi đôi với hành động, bao gồm cả việc buộc các giám mục sai phạm phải chịu trách nhiệm.
Quyết định của Đức Bênêđíctô XVI vào năm 2007 về việc dùng lại Thánh lễ Latinh xưa sau một thời gian dài quên lãng, bao gồm cả lời cầu nguyện Thứ Sáu Tuần Thánh gây tranh cãi cho việc trở lại của người Do Thái. Vatican cuối cùng đã sửa đổi lời cầu nguyện để thỏa mãn mối quan tâm của người Do Thái, đặt ra câu hỏi tại sao ai đó không nghĩ đến việc làm như vậy trước khi cơn bão bùng phát.
Tha vạ tuyệt thông cho bốn giám mục duy truyền thống vào năm 2009, trong đó có một người phủ nhận việc Đức Quốc xã từng sử dụng phòng hơi ngạt và cho rằng chứng cớ lịch sử “cực kỳ chống lại” việc kết tội Adolf Hitler về cái chết của 6 triệu người Do Thái. Vụ việc đã khiến Đức Bênêđíctô phải gửi một bức thư riêng cho các giám mục trên thế giới để xin lỗi về cách xử lý vụ việc.
Nhận xét của Đức Bênêđíctô trên chuyến máy bay chở ngài đến Châu Phi năm 2009 khẳng định việc sử dụng bao cao su đã làm cho bệnh AIDS trở nên tồi tệ hơn. Những lời đó đã dẫn đến sự chỉ trích đầu tiên của một quốc gia châu Âu, là Bỉ, trong khi chính phủ Tây Ban Nha vận chuyển một triệu bao cao su đến châu Phi để phản đối.
Các tác giả cũng nói đến chuyến đi năm 2007 của Đức Bênêđíctô tới Ba Tây, nơi ngài dường như gợi ý rằng người bản địa nên biết ơn những người thực dân châu Âu; rồi việc ngài ra sắc lệnh năm 2009 đưa Đức Giáo Hoàng Piô XII thời chiến gây tranh cãi đến gần hơn với việc phong thánh…
Mô hình trên đạt tới cực điểm với vụ “rò rỉ Vatican” nổi tiếng vào năm 2012 liên quan đến việc nhiều tài liệu bí mật xuất hiện trên các phương tiện truyền thông Ý, trong đó nghiêm trọng nhất là các cáo buộc về tham nhũng tài chính và chủ nghĩa phe đảng. Một cuộc điều tra đã kết thúc với việc bắt giữ, xét xử, kết án và ân xá cho Paolo Gabriele, một giáo dân người Ý đã có gia đình, từng làm quản gia cho Đức Bênêđíctô từ năm 2006, vì tội lừa đảo.
Đối với nhiều nhà quan sát, vụ việc khiến Vatican bị nhìn ở mức ghê tởm nhất, làm mạnh hơn các tri nhận che đậy, đấu đá nội bộ và xáo trộn của nó.
Sự thất vọng về hồ sơ này đã giúp cuộc bầu chọn giáo hoàng vào tháng 3 năm 2013 trở thành một trong những cuộc mật nghị chống giai cấp quyền uy truyền thống ít nhất trong thế kỷ trước, và giúp giải thích tại sao nhiều Hồng Y đã sẵn sàng đón nhận một người Mỹ Latinh và hoàn toàn là người ngoài Vatican nơi Đức Hồng Y của Buenos Aires ở Argentina, Jorge Mario Bergoglio.
Đức Bênêđíctô XVI phần lớn tránh xa địa chính trị, ít đứng trên tuyến đầu của lịch sử như Đức Gioan Phaolô II. Ngài tập trung nhiều hơn vào đời sống nội bộ của Giáo hội, gọi đó là ý thức mạnh mẽ hơn về bản sắc Công Giáo truyền thống so với thời đại thế tục cao độ. Theo nghĩa đó, đức Bênêđíctô XVI đã củng cố đường hướng “truyền giáo” bảo thủ hơn do Đức Gioan Phaolô đặt ra, và hiện nay, ở một mức độ nào đó, đang được suy nghĩ lại dưới thời Đức Phanxicô.
Mặc dù chủ yếu không quan tâm đến việc sử dụng các phương pháp giận dữ hay cưỡng bách để kiểm soát và trừng phạt người khác, Đức Bênêđíctô vẫn có thể linh hoạt cơ chế kỷ luật.
Một cuộc trừng trị thẳng tay đã được phát động đối với Hội nghị Lãnh đạo Các Nữ tu, nhóm bảo trợ chính dành cho các nhà lãnh đạo các dòng tu nữ ở Hoa Kỳ; các nhà thần học tự do đã bị chế tài, bao gồm một số linh mục nổi tiếng người Ireland và Nữ tu Margaret Farley Dòng Mercy ở Hoa Kỳ; và linh mục người Mỹ Roy Bourgeois đã bị vạ tuyệt thông vì ủng hộ việc phong chức cho phụ nữ.
Đức Bênêđíctô đã nhiều lần lên án hôn nhân đồng tính, chủ nghĩa duy nữ cấp tiến và “ý thức hệ phái tính”, gây ra phản ứng ngược từ các nhóm phụ nữ, những người theo chủ nghĩa tự do thế tục và cánh tiến bộ hơn trong đoàn chiên của ngài. Ngài hướng việc thực hành phụng vụ, một niềm đam mê đặc biệt, theo hướng truyền thống hơn.
Nổi tiếng nhất, Đức Bênêđíctô vào năm 2007 đã cho phép cử hành rộng rãi hơn Thánh lễ Latinh trước Công đồng Vatican II, biến nó thành một “hình thức đặc biệt” của Thánh lễ Công Giáo cùng với “hình thức thông thường” trong các ngôn ngữ bản địa. Quyết định đó sau đó đã bị Đức Giáo Hoàng Phanxicô bãi bỏ.
Đồng thời, một số khía cạnh trong giáo huấn của ngài cũng khiến cánh hữu khó chịu, bao gồm cả việc ngài phê phán các nền kinh tế thị trường tự do –ngài đã mô tả một cách nổi tiếng cả chủ nghĩa cộng sản lẫn chủ nghĩa tư bản như “các ý thức hệ thất bại” trong chuyến đi tới Ba Tây năm 2007 – và sự nhấn mạnh tới môi trường mà vì thế ngài thậm chí còn được mệnh danh là “Giáo hoàng xanh”.
Các cải cách lịch sử
Bất chấp mô hình liên tiếp có những vụ tai tiếng và thất bại trong quản trị, Đức Bênêđíctô XVI cũng là kiến trúc sư của những cải cách lịch sử về nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục cũng như các hành vi sai trái về tài chính.
Về vấn đề lạm dụng, chính Đức Hồng Y Ratzinger lúc bấy giờ là người đã bảo vệ chính sách “tuyệt đối không khoan nhượng” của Mỹ vào năm 2002 khi chính sách này vấp phải sự phản đối gay gắt từ các giới khác ở Vatican. Trong tư cách giáo hoàng, Đức Bênêđíctô đã viết các thủ tục cấp tốc để sa thải các linh mục lạm dụng thành luật chung của Giáo hội, có lúc đã chuẩn y việc trục xuất hơn 400 kẻ lạm dụng bị buộc tội khỏi chức linh mục chỉ trong một năm.
Đức Bênêđíctô cũng trở thành giáo hoàng đầu tiên gặp gỡ các nạn nhân bị giáo sĩ lạm dụng trong chuyến công du Hoa Kỳ năm 2008, gặp gỡ một nhóm nhỏ những người sống sót do Hồng Y Sean O'Malley của Boston chọn tại dinh thự của sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ ở Washington, D.C. Một năm sau, ngài trở thành giáo hoàng đầu tiên dành toàn bộ một lá thư mục vụ cho các vụ tai tiếng lạm dụng trong bức thư gửi người Công Giáo Ireland.
Đức Bênêđíctô vẫn không thoát khỏi sự chỉ trích vì phản ứng của ngài đối với cuộc khủng hoảng lạm dụng, bao gồm cả những cáo buộc lặp đi lặp lại rằng ngài đã xử lý sai một số trường hợp trong tư cách Tổng Giám mục Munich vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980, những cáo buộc mà ngài và những người bảo vệ ngài luôn bác bỏ. Trong khi ngay cả những người ủng hộ nhiệt tình nhất của ngài cũng thừa nhận rằng Đức Bênêđíctô XVI đã bỏ dở nhiều việc đáng kể trong các vụ tai tiếng lạm dụng, thậm chí những người chỉ trích ngài kiên quyết nhất còn cho rằng, việc làm sạch ấy chưa bắt đầu dưới sự giám sát của ngài.
Về tài chính, Đức Bênêđíctô XVI đã trở thành vị giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử công khai hóa tài chính của Vatican cho việc thanh tra thế tục ở bên ngoài khi ngài quyết định tham gia Moneyval, nhóm giám sát chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bố của Hội đồng Châu Âu. Các báo cáo định kỳ của Moneyval đã trở thành một trong những động lực chính thúc đẩy cải cách đang diễn ra ở Vatican, một phần là do mối đe dọa bị đưa vào “danh sách đen” và bị đóng băng trong các giao dịch quốc tế.
Đức Bênêđíctô cũng thành lập Cơ quan Thông tin Tài chính vào năm 2010, thành lập cơ quan chống rửa tiền nội bộ đầu tiên của Vatican. Trong hành động cuối cùng của ngài với tư cách giáo hoàng, ngài cũng đã phê chuẩn việc bổ nhiệm chủ ngân hàng và luật sư người Đức Ernst von Freyberg làm chủ tịch của Viện Công trình Tôn giáo, vốn gọi là “ngân hàng Vatican”. Chính dưới thời Freyberg, hầu hết các nhà quan sát tin rằng việc thanh lọc ngân hàng Vatican đã bắt đầu một cách nghiêm túc, dẫn đến việc cải cách triệt để nhất các tổ chức tài chính khác nhau của Vatican.
Một cuộc từ chức bất ngờ
Đức Bênêđíctô không bao giờ là người bám lấy quyền lực vì lợi ích riêng của mình, và ngài sẽ kết thúc nhiệm kỳ giáo hoàng của mình bằng một minh chứng ngoạn mục về quan điểm này.
Trong nhiệm kỳ 24 năm trong tư cách cố vấn tín lý hàng đầu của Đức Gioan Phaolô, ngài đã hai lần xin phép nghỉ hưu – vào năm 1997, và một lần nữa vào năm 2002 – để trở lại toàn thời gian với cuộc sống trí thức. Có giả thuyết cho rằng ngài sẽ trở thành thủ thư của Vatican, giả thuyết khác cho rằng ngài sẽ trở về quê hương Bavaria của ngài. Ngài nói với bạn bè rằng hy vọng của ngài là viết một bộ sách về phụng vụ Công Giáo. Đức Gioan Phaolô đã bác bỏ cả hai lần, nói rằng ngài không thể làm gì nếu không có người phụ tá thân cận nhất của ngài.
Sau khi trở thành giáo hoàng, Đức Bênêđíctô đã gợi ý ở một số điểm rằng ngài sẵn sàng chấp nhận ý tưởng tự nguyện từ bỏ chức vụ.
Trong một cuộc phỏng vấn dài thành sách năm 2010 với một nhà báo Đức, Đức Bênêđíctô nói rằng trong một số trường hợp, một giáo hoàng “không chỉ có quyền mà còn có nghĩa vụ” phải từ chức. Ngài đã hai lần đến thăm mộ của Giáo hoàng Celestine V ở Aquila, miền bắc nước Ý. Năm 1294, Celestine trở thành giáo hoàng cuối cùng tự do từ bỏ chức vụ bên ngoài bối cảnh ly giáo. Trong một chuyến đi đến Aquila năm 2009, Đức Bênêđíctô đã thực sự để lại chiếc pallium bằng len mà ngài đã mặc trong Thánh lễ nhậm chức năm 2005 trên mộ của Celestine.
Tuy nhiên, những điềm báo trước đó không làm cho ngày 11 tháng 2 năm 2013 bớt kinh ngạc hơn chút nào, khi Đức Bênêđíctô sử dụng một cuộc họp của các Hồng Y để xét các lý do phong thánh để đưa ra thông báo từ chức bất ngờ của mình bằng tiếng Latinh trang nhã điển hình.
Hồng Y người Mỹ James Francis Stafford, người đã tham dự công nghị hôm đó và chứng kiến trực tiếp thông báo, sau đó nói rằng ngài đã ngồi trong phòng một lúc sau đó, không thể hiểu được những gì mình vừa nghe.
Đức Hồng Y Stafford nói, “Tôi không thể tin được. Tôi cứ nhẩm đi nhẩm lại tiếng Latinh để chắc chắn rằng mình đã nghe đúng.”
Đức Bênêđíctô lúc đó đã nói rằng ngài từ chức vì “sức lực của tôi, do tuổi cao, không còn thích hợp để thi hành thừa tác vụ của thánh Phêrô”.
Không bị thuyết phục bởi điều đó, một loạt suy đoán đã diễn ra sau đó, phần lớn là trên báo chí Ý, về lý do thực sự của việc từ chức - có lẽ là âm mưu của một “vận động hành lang đồng tính” bên trong Vatican, hoặc sợ bị tống tiền từ nhiều tài liệu bị rò rỉ hơn, hoặc mệt mỏi khi tranh luận với các giám mục tiến bộ, những người đang phá hoại nghị trình của ngài.
Đức Bênêđíctô không bao giờ nuôi dưỡng bất cứ tin đồn nào trong số đó. Thay vào đó, ngài lui về tu viện Mater Ecclesiae trong khuôn viên Vatican, dành buổi sáng cho nghiên cứu mà ngài yêu thích, thực hiện các cuộc đi dạo vào buổi chiều trong các khu vườn gần đó của Vatican, tiếp đón những người bạn cũ và những vị khách đến thăm.
Khi việc từ chức của ngài được thông báo, một số người lo sợ rằng việc có hai giáo hoàng còn sống có thể là đơn thuốc dẫn đến ly giáo, vì Đức Bênêđíctô có thể nổi lên như một nguồn quyền lực đối địch cho những người không hài lòng với đức tân giáo hoàng.
Phần lớn, kịch bản đó không bao giờ thành hiện thực.
Một số nhà văn Công Giáo theo chủ nghĩa truyền thống không hài lòng với các chính sách của Đức Phanxicô đã cố gắng lập luận rằng việc từ chức của Đức Bênêđíctô là không hợp lệ và ngài vẫn là giáo hoàng, điều được Đức Bênêđíctô bác bỏ, cho là “lố bịch” trong một bình luận hiếm hoi với một nhà báo.
Trong một Thượng Hội đồng Giám mục đầy biến động vào tháng 10 năm 2014, đã có báo cáo cho rằng một khối các giám mục bảo thủ đã đến gặp Đức Bênêđíctô để kêu gọi sự giúp đỡ của ngài, nhưng vị giáo hoàng hưu trí đã bằng lòng cho phép Vatican đưa ra những lời bác bỏ và không bao giờ can dự vào công việc của Thượng hội đồng.
Mặc dù bản thân Đức Bênêđíctô hiếm khi phá vỡ sự im lặng của mình, nhưng điều này không đúng đối với Đức Tổng Giám Mục người Đức Georg Gänswein, người phụ tá tận tụy và người bạn tâm tình của ngài, người thường nói về hoàn cảnh và di sản của người dìu dắt mình khi nghỉ hưu, phần nào đóng vai trò phát ngôn viên của ngài.
Chẳng hạn, Gänswein đã tạo sóng gió vào năm 2016 khi cho rằng việc từ chức của Đức Bênêđíctô đã tạo ra, trên thực tế, một “thừa tác vụ Phêrô mở rộng” với “một thành viên tích cực và một thành viên chiêm niệm”.
'Ngài đã khiến chúng tôi suy nghĩ'
Cuối cùng, bản dự thảo tiểu sử đầu tiên về vị Giáo hoàng của những nghịch lý này có lẽ tóm gọn trong phần tóm tắt sau: Đức Bênêđíctô XVI là một nhà trí thức xuất sắc công công, một người đa tài với tư cách là Giám đốc điều hành, rút lui với tư cách là một chính khách, và một nhà lãnh đạo Giáo hội có “nền chính trị bản sắc” được một số người hoan nghênh và bị một số người khác cảnh báo.
Dù người ta có nói gì đi chăng nữa, không ai có thể phủ nhận việc Bênêđíctô XVI là một nhà phê bình văn hóa nhạy bén. Ngài hỏi những câu hỏi tìm tòi và đưa ra những câu trả lời khiêu khích của riêng mình, chứng minh rằng Đạo Công Giáo định chế vẫn còn khí trí thức ở trong bình chứa.
Theo nghĩa đó, Thủ tướng Anh lúc bấy giờ là David Cameron có thể đã cung cấp văn bia tốt nhất khi chào tạm biệt Đức Giáo Hoàng tại sân bay Birmingham vào ngày 20 tháng 9 năm 2010, sau chuyến đi kéo dài bốn ngày của Đức Bênêđíctô ở Tô Cách Lan và Anh – một chuyến đi bất chấp những dự báo về thảm họa và để lại ấn tượng thuận lợi hơn nhiều về Đức Giáo Hoàng.
“Thưa Đức Thánh Cha,” Cameron nói với một Đức Bênêđíctô đang mỉm cười, bằng những lời mà mọi trí thức đều khao khát được nghe, “ngài đã khiến chúng tôi phải ngồi dậy và suy nghĩ!”