Các ký giả Luke Coppen, AC Wimmer và Matthew Bunson của CNA nhận định rằng, cái chết của Đức Bênêđíctô XVI đã kết thúc một cuộc đời hết sức trọng yếu của một vị giáo phẩm từng công bố “niềm vui vĩnh cửu” của Chúa Giêsu Kitô và tự gọi ngài là “người làm việc khiêm tốn” trong vườn nho của Chúa.

Cái chết của ngài đã được thông báo tại Rome vào ngày 31 tháng 12.

Đức Hồng Y Joseph Aloisius Ratzinger được bầu làm giáo hoàng ngày 19 tháng 4 năm 2005, lấy hiệu là Bênêđíctô XVI. Tám năm sau, vào ngày 11 tháng 2 năm 2013, vị giáo hoàng 85 tuổi này đã gây chấn động thế giới với thông báo — bằng tiếng Latinh — rằng ngài sẽ từ chức giáo hoàng. Đây là lần từ chức đầu tiên của một giáo hoàng trong gần 600 năm. Ngài cho rằng tuổi cao và sức yếu không phù hợp để thực hiện nhiệm vụ của mình.



Tuy nhiên, di sản to lớn về những đóng góp sâu sắc về mặt thần học của ngài cho Giáo hội và thế giới sẽ tiếp tục là nguồn suy tư và nghiên cứu.

Ngay cả trước khi được bầu làm giáo hoàng, Đức Hồng Y Ratzinger đã gây ảnh hưởng lâu dài đối với Giáo hội hiện đại, đầu tiên với tư cách là một nhà thần học trẻ tại Công đồng Vatican II (1962–1965) và sau đó là bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican.

Là một người bảo vệ rõ ràng giáo huấn Công Giáo, ngài đã đặt ra thuật ngữ “chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối” để mô tả sự bất khoan dung ngày càng tăng của chủ nghĩa thế tục đối với niềm tin tôn giáo trong thế kỷ 21.

Triều đại giáo hoàng của Đức Bênêđíctô được định hình bởi sự hiểu biết sâu sắc của ngài về thách thức này đối với Giáo hội và Đạo Công Giáo trước sự xâm lược ý thức hệ đang gia tăng, đặc biệt là từ não trạng phương Tây ngày càng thế tục, cả trong và ngoài Giáo hội.

Đức Bênêđíctô cũng là kiến trúc sư chính của cuộc chiến chống lạm dụng tình dục trong Giáo hội vào đầu những năm 2000. Ngài giám sát những thay đổi sâu rộng đối với giáo luật và sa thải hàng trăm người phạm tội khỏi bậc giáo sĩ. Ngài cũng mở một cuộc điều tra giáo luật về Legionaries of Christ [Đạo binh Chúa Kitô], sau những cáo buộc ngày càng tăng về các vụ lạm dụng tình dục nghiêm trọng từ người sáng lập dòng này, linh mục người Mexico Marcial Maciel Degollado. Cuộc điều tra giáo luật đã dẫn đến một quá trình cải cách lâu dài dưới quyền của Đức Hồng Y Velasio de Paolis.

Hàng triệu người đã đọc các cuốn sách của Đức Bênêđíctô, trong đó có cuốn sách đột phá “Introduction to Christianity” [ Dẫn nhập vào Kitô giáo] năm 1968 và ba tập “Jesus of Nazareth” [Chúa Giêsu thành Nadarét], xuất bản từ năm 2007 đến 2012, trong thời gian ngài làm giáo hoàng.

Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên từ chức trong gần 600 năm. Ngài đã đi từ Thành phố Vatican đến Castel Gandolfo bằng trực thăng vào ngày 28 tháng 2 năm 2013, và sống cuộc sống về hưu vào tháng 5 năm trong tu viện Mater Ecclesiae trong Vườn của Thị Quốc Vatican.

“Tôi chỉ đơn giản là một người hành hương đang bắt đầu chặng cuối cùng của cuộc hành trình trên Trái đất,” ngài nói như thế trong những lời cuối cùng với tư cách là giáo hoàng. “Ta hãy cùng tiến bước với Chúa vì lợi ích của Giáo hội và thế giới.”

Ngài nổi tiếng là người yêu âm nhạc – ngài chơi nhạc Mozart và Beethoven trên piano - cũng như mèo, bánh quy Giáng sinh và thỉnh thoảng uống bia Đức. Cố giáo hoàng cũng nổi tiếng hiền lành, nhã nhặn và là một người con đích thực của xứ Bavaria.

Một ơn gọi cao hơn tại thời điểm chiến tranh

Joseph Ratzinger sinh ngày 16 tháng 4 năm 1927, Thứ Bảy Tuần Thánh, tại thị trấn Marktl am Inn của Bavarian. Cha mẹ ngài, Giuse và Maria, đã nuôi dạy ngài trong đức tin Công Giáo. Cha của ngài - một thành viên trong một gia đình nông dân truyền thống ở Bavaria - từng là cảnh sát viên. Tuy nhiên, Ông Giuse cao niên là một đối thủ quyết liệt của Đức quốc xã đến nỗi gia đình phải chuyển đến Traunstein, một thị trấn nhỏ ở biên giới Áo.

Do đó, Joseph và các anh chị của mình, Georg và Maria, lớn lên trong thời kỳ Quốc xã nổi lên ở Đức, mà sau này ngài gọi là “một chế độ độc ác” đã “trục xuất Thiên Chúa và do đó không thể tiếp nhận bất cứ điều gì chân chính và tốt lành”. Ngài nhập ngũ vào lực lượng phòng không phụ trợ của quân đội trong những tháng cuối cùng của Thế chiến thứ hai, đào ngũ và trải qua một thời gian ngắn trong trại tù binh chiến tranh của Mỹ.

Sau chiến tranh, ngài tiếp tục học để trở thành linh mục và được thụ phong linh mục ngày 29 tháng 6 năm 1951, cùng với anh trai là Đức ông Georg Ratzinger. Hai người vẫn thân thiết trong suốt cuộc đời của họ. Một tuần trước khi Georg qua đời vào năm 2020, Đức Bênêđíctô đã đến Bavaria để nói lời từ biệt lần cuối với anh trai mình.

Trong khi Georg trở thành một trưởng ca đoàn nổi tiếng, thì Joseph theo học tiến sĩ thần học và cuối cùng trở thành một giáo sư đại học, đồng thời là trưởng khoa và phó viện trưởng tại Đại học Regensburg danh tiếng ở Bavaria.

Ngài phục vụ với tư cách là chuyên gia (peritus) của Đức Hồng Y Joseph Frings, tổng giám mục Cologne, tại Công đồng Vatican II. Năm 1972, ngài cùng với các nhà thần học nổi tiếng như Hans Urs von Balthasar và Henri de Lubac thành lập tạp chí thần học Communio để phản ảnh trung thực về thần học trong thời kỳ hỗn loạn sau công đồng và bác bỏ nhiều cách giải thích sai lầm về các tài liệu của công đồng đang được tiến hành.

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã bổ nhiệm ngài làm tổng giám mục Munich và Freising vào đầu năm 1977 và phong ngài làm Hồng Y vào tháng 6 năm đó.

Năm 1981, Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm Đức Hồng Y Ratzinger làm Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Kinh thánh, và chủ tịch Ủy ban Thần học Quốc tế.

Ngài đóng một vai trò quyết định trong việc chuẩn bị Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo (xuất bản năm 1992) và làm sáng tỏ và bảo vệ giáo lý Công Giáo. Ngài đã bị các phương tiện truyền thông thế tục và các nhóm Công Giáo tiến bộ phỉ báng vì những nỗ lực của ngài, đặc biệt là khi ngài hoàn thành nhiệm vụ điều tra các tác phẩm của một số nhà thần học đã đề xuất những giáo lý sai lầm và thậm chí dị giáo. Năm 1997, ở tuổi 70, vị Hồng Y lúc bấy giờ đã xin Đức Gioan Phaolô II cho phép ngài từ chức giáo triều để làm việc trong Thư viện Vatican. Thánh Gioan Phaolô II đã yêu cầu ngài ở lại, và ngài mãi là một trong những nhân vật chủ chốt trong triều đại giáo hoàng Gioan Phaolo6 II cho đến khi vị giáo hoàng này qua đời vào tháng 4 năm 2005.

Sau khi Đức Gioan Phaolô II qua đời, Đức Hồng Y Ratzinger được bầu làm giáo hoàng trong một cuộc mật nghị ngắn nhất trong lịch sử hiện đại.

Lời kêu gọi đổi mới

Đức Hồng Y Ratzinger chọn danh hiệu Bênêđíctô XVI vì, như ngài giải thích trong buổi tiếp kiến chung chỉ vài ngày sau khi được bầu, Đức Bênêđíctô XV (giáo hoàng nhiệm kỳ 1914–1922) cũng đã lèo lái Giáo hội vượt qua thời kỳ hỗn loạn, trong Thế chiến thứ nhất (1914–1918).

“Theo dấu chân của ngài, tôi muốn đặt sứ vụ của mình vào việc phục vụ hòa giải và hòa hợp giữa con người và các dân tộc, vì tôi xác tín sâu sắc rằng lợi ích lớn lao của hòa bình trước hết và trên hết là quà tặng của Thiên Chúa”, ngài nói như thế vào ngày 27 tháng Tư, 2005.

Ngài nói thêm: “Cái tên ‘Bênêđíctô’ cũng gợi nhớ đến nhân vật phi thường là ‘Tổ phụ Phong trào đan viện Tây phương’ vĩ đại. Thánh đồng quan thầy của châu Âu này là ‘điểm quy chiếu cơ bản cho sự thống nhất châu Âu và là lời nhắc nhở mạnh mẽ về cội nguồn Kitô giáo không thể thiếu trong nền văn hóa và văn minh của nó’”.

Triều đại giáo hoàng của Đức Bênêđíctô được đánh dấu bằng những nỗ lực đổi mới giáo hội, trí thức và tâm linh, bao gồm cả việc đối đầu với chủ nghĩa tương đối và chủ nghĩa thế tục, chống lại tai họa lạm dụng tình dục của giáo sĩ, thúc đẩy cải cách phụng vụ và thúc đẩy hơn nữa việc giải thích đích thực Công đồng Vatican II.

Trong bài giảng của mình trước mật nghị năm 2005 đã bầu chọn ngài vào vị trí giáo hoàng, vị sắp trở thành giáo hoàng đã cảnh cáo về một “chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối không công nhận bất cứ điều gì như là dứt khoát và mục tiêu cuối cùng của nó chỉ bao gồm bản ngã và ham muốn của nó”.

Ngài nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu Kitô là “thước đo của chủ nghĩa nhân bản chân chính”, và đức tin trưởng thành cũng như tình bạn với Thiên Chúa là tiêu chuẩn để phân biệt “thật với giả, và dối trá với sự thật”.

Trong bài phát biểu của ngài tại Hội trường Westminster trước các nhà lãnh đạo của Xã hội Anh trong chuyến thăm Vương quốc Anh năm 2010, ngài đã nói về những mối nguy hiểm to lớn đối với xã hội đương thời khi tôn giáo bị xua đuổi khỏi lãnh vực công cộng.

Ngài nói, “Có những người ủng hộ việc tiếng nói của tôn giáo phải bị im bặt, hoặc ít nhất chuyển sang lĩnh vực hoàn toàn riêng tư. Có những người tranh luận rằng không nên tổ chức lễ hội công khai như lễ Giáng sinh, với niềm tin đáng ngờ rằng nó có thể, cách nào đó, xúc phạm đến những người thuộc tôn giáo khác hoặc không có tôn giáo nào”.

Ngài nói: “Và có những người tranh luận – một cách nghịch lý với ý định xóa bỏ sự kỳ thị– rằng các Kitô hữu trong vai trò công cộng đôi khi đòi phải hành động trái với lương tâm của họ. Đây là những dấu hiệu đáng lo ngại về việc không đánh giá cao không những quyền của các tín hữu đối với tự do lương tâm và tự do tôn giáo, mà còn cả vai trò hợp pháp của tôn giáo trong phạm vi công cộng”.

Tiếp xúc với Hồi giáo, khuyến khích truyền giảng Tin Mừng

Gây tranh cãi hơn nhiều là bài phát biểu năm 2006 của ngài tại Đại học Regensburg trước các đại diện của khoa học. Ngài chỉ trích các hình thức tư tưởng thế tục chuyên cổ vũ “một lý do để bịt tai đối với thần linh và đẩy tôn giáo vào lĩnh vực của các nền văn hóa phụ”, cho rằng thái độ này “không có khả năng bước vào cuộc đối thoại của các nền văn hóa”. Ngài cũng chỉ trích các trường phái tư tưởng Kitô giáo và Hồi giáo đã đề cao sai lầm “tính siêu việt và tính khác biệt” của Thiên Chúa đến nỗi lý trí và sự hiểu biết của con người về điều thiện “không còn là tấm gương phản chiếu Thiên Chúa thực sự nữa”.

Một số phương tiện truyền thông và một số chính trị gia Đức đã cố tình đưa bài phát biểu đó ra ngoài ngữ cảnh, tập trung vào một câu trích dẫn đơn nhất cổ xưa của một hoàng đế Byzantine. Sự xuyên tạc này đi kèm với sự bùng nổ bạo lực chống Kitô giáo trên khắp các khu vực của thế giới Hồi giáo.

Bất chấp những phản ứng như vậy, sự đóng góp thực sự của Đức Bênêđíctô đã dẫn đến những nỗ lực đáng kể hơn trong một cuộc đối thoại chân thành giữa Kitô giáo và Hồi giáo - một cuộc đối thoại không che đậy sự khác biệt và kêu gọi sự hỗ tương lẫn nhau trong việc tôn trọng các quyền lợi.

Nhận ra cuộc khủng hoảng sâu xa về hiện sinh và tinh thần mà thế giới đang phải đối đầu, đặc biệt ở phương Tây, Đức Bênêđíctô đã nhắc nhở người Công Giáo khắp nơi nhớ tới ơn gọi truyền giáo. Ngài là người ủng hộ chính cho công cuộc tân phúc âm hóa, đặc biệt trong việc rao giảng và sống Tin Mừng khắp miền được ngài mô tả là “lục địa kỹ thuật số”, tức thế giới của truyền thông trực tuyến và mạng xã hội.

“Không có ưu tiên nào lớn hơn điều này: giúp con người của thời đại chúng ta một lần nữa gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng nói với chúng ta và chia sẻ tình yêu của Người để chúng ta có cuộc sống dồi dào,” ngài nói như thế trong Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Giám mục năm 2010 Verbum Domini Về Lời Chúa trong Đời sống và Sứ mệnh của Giáo hội.

Các quan điểm cạnh tranh về Vatican II

Đức Bênêđíctô cũng thấy rằng Giáo hội cần phải nắm được một sự hiểu biết đích thực về Công đồng Vatican II, bằng cách, trong một bài phát biểu có ảnh hưởng lớn được đưa ra vào năm 2005, ghi nhận hai mô hình giải thích (thông diễn) cạnh tranh nhau đã xuất hiện sau công đồng.

Đầu tiên, mô hình giải thích gián đoạn và đứt đoạn, đề xuất rằng có một sự đứt đoạn căn bản giữa công đồng và quá khứ và không phải các bản văn mà là “tinh thần công đồng” mơ hồ nên hướng dẫn việc giải thích và thực thi nó. Đức Bênêđíctô chỉ trích: “Tóm lại: Không cần phải tuân theo các bản văn của công đồng mà là tinh thần của nó. Theo cách này, rõ ràng, một biên tế lớn được bỏ ngỏ cho vấn đề phải định nghĩa tinh thần này ra sao và do đó đã dành chỗ cho mọi ý thích tùy hứng”.

Chống lại lối giải thích gián đoạn trên, Đức Bênêđíctô đã đề xuất một lối giải thích cải cách và liên tục mà ngài gọi là “canh tân trong tính liên tục của chủ thể -Giáo hội duy nhất mà Chúa đã ban cho chúng ta. Giáo Hội là một chủ thể gia tăng và phát triển trong thời gian, nhưng luôn luôn vẫn như nguyên, một chủ thể của Dân Thiên Chúa đang lữ hành”.

Những nỗ lực của ngài nhằm thiết lập một cách giải thích đúng đắn về Công đồng Vatican II đã kéo dài đến cuối triều đại giáo hoàng của ngài. Vào ngày 14 tháng 2 năm 2013, chỉ hai tuần trước khi việc từ chức của ngài có hiệu lực, ngài cho biết công đồng ban đầu được giải thích “qua con mắt của giới truyền thông,” mô tả nó như một “cuộc đấu tranh chính trị” giữa các khuynh hướng khác nhau trong Giáo hội.

“Công đồng của truyền thông” này đã tạo ra “nhiều tai họa” và “rất nhiều khốn cùng”, với kết quả là các chủng viện và tu viện phải đóng cửa và phụng vụ bị “tầm thường hóa”, ngài nói như thế. Đức Bênêđíctô XVI nói rằng cách giải thích đích thực của Công đồng Vatican II đang “xuất hiện với tất cả sức mạnh tinh thần của nó”.

Lời kêu gọi tiếp tục và cải cách được phát biểu phong phú trong sự lưu ý của Đức Giáo Hoàng đối với phụng vụ, đặc biệt qua cuốn sách tuyệt vời của ngài “Spirit of the Liturgy” [Tinh thần của Phụng vụ] (2000) và những nỗ lực của ngài nhằm khuyến khích việc trở lại với sự tôn kính và vẻ đẹp trong phụng vụ.

Ngài đề xuất, “Đúng vậy, phụng vụ trở nên bản thân, chân thực và mới mẻ, không qua những thí nghiệm ngớ ngẩn và tầm thường với những lời nói, mà qua sự can đảm bước vào thực tại vĩ đại mà qua nghi thức luôn ở phía trước chúng ta và không bao giờ có thể hoàn toàn bị vượt qua.” Trên hết, tầm nhìn của ngài về phụng vụ một lần nữa đặt Thiên Chúa ở trung tâm: “'Hành động' thực sự trong phụng vụ mà tất cả chúng ta phải tham gia là hành động của chính Thiên Chúa. Đây là điều mới mẻ và khác biệt trong phụng vụ Kitô giáo: chính Thiên Chúa hành động và làm điều thiết yếu.”

Đưa mối quan tâm của ngài vào thực hành, ngài đã ban hành tông thư Summorum Pontificum năm 2007, mở rộng đáng kể việc cho phép các linh mục cử hành Thánh lễ theo sách lễ trước những cải cách năm 1970. Ngài viết trong Summorum Pontificum: “Trong lịch sử phụng vụ có tăng trưởng và tiến bộ, nhưng không đứt đoạn. Điều mà các thế hệ trước coi là thánh thiêng, vẫn là thánh thiêng và vĩ đại đối với chúng ta, và không thể đột nhiên bị cấm hoàn toàn hoặc thậm chí bị coi là có hại. Tất cả chúng ta có trách nhiệm bảo tồn sự phong phú đã phát triển trong đức tin và lời cầu nguyện của Giáo hội, đồng thời dành cho chúng một vị trí thích hợp.”

Và để trả lời câu hỏi liệu việc tái cho phép Thánh lễ của Công đồng Trente này có phải là một sự nhượng bộ đối với Hội ly giáo Thánh Pius X hay không, Đức Bênêđíctô đã nói với Peter Seewald trong “Di chúc cuối cùng” (2016): “Điều này hoàn toàn sai! Đối với tôi, điều quan trọng là Giáo hội là một với chính mình từ bên trong, với quá khứ của chính mình; những gì trước đây là thánh thiện đối với Giáo hội thì bây giờ không thể sai được”.

Các nỗ lực của ngài trong việc cải cách Giáo triều La Mã vẫn chưa hoàn thành vào thời điểm ngài từ chức. Sự chú ý của giới truyền thông đặc biệt tập trung vào điều gọi là vụ tai tiếng Vati-Leaks, liên quan đến việc rò rỉ các tài liệu riêng tư của Đức Giáo Hoàng và vụ bắt giữ và xét xử một quản gia của Đức Giáo Hoàng. Tuy nhiên, ngài đã thực hiện các bước quan trọng hướng tới sự minh bạch tài chính thực sự mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã thực hiện.

Tương tự như vậy, trong những năm làm bộ trưởng và sau đó làm giáo hoàng, ngài đã đặt nền tảng quan trọng cho đáp ứng của Giáo hội đối với cuộc khủng hoảng và giúp mở đường cho những cải cách sâu rộng hơn nữa dưới thời Giáo hoàng Phanxicô.

Kiên quyết xử lý các vụ lạm dụng

Rất lâu trước khi được bầu làm giáo hoàng, Đức Hồng Y Ratzinger đã thúc đẩy những nỗ lực nghiêm túc để đối phó với tai họa lạm dụng tình dục của giáo sĩ. Năm 2001, ngài có công trong việc đặt các vụ lạm dụng dưới quyền tài phán của Bộ Giáo lý Đức tin và giúp các giám mục Hoa Kỳ nhận được sự chấp thuận của Vatican đối với Hiến chương Dallas và các Quy tắc căn bản mà sau đó đã tạo cơ sở cho sự tiến bộ to lớn trong việc giải quyết các vụ lạm dụng của giáo sĩ ở Hoa Kỳ.

Vào những ngày ngay trước khi Đức Gioan Phaolô II qua đời, tức tháng 3 năm 2005, Đức Hồng Y Ratzinger đã viết những bài suy gẫm về Đàng Thánh Giá vào Thứ Sáu Tuần Thánh ở Rôma. Trong suy tư của mình về trạm thứ chín, ngài đã lên án gay gắt, “Có biết bao điều ô uế trong Giáo hội, ngay trong số những người, trong chức linh mục, lẽ ra hoàn toàn thuộc về Ngài!” Các bài bình luận đã dự báo ngài sẽ cam kết chống lạm dụng kể từ thời điểm đắc cử.

Hai tháng sau khi làm giáo hoàng, Đức Bênêđíctô đã kỷ luật Cha Marcial Maciel, người sáng lập có sức lôi cuốn và có ảnh hưởng của Đạo Binh Chúa Kitô, người từ lâu đã bị buộc tội lạm dụng tình dục các chủng sinh và sau đó được tiết lộ là đã có một cuộc sống hai mặt vô cùng tai tiếng.

Hàng trăm linh mục phạm tội lạm dụng tình dục đã bị phế truất dưới thời Đức Bênêđíctô. Đây là sự tiếp nối công việc của ngài tại Bộ Giáo lý Đức tin, nhưng giờ đây nó đi kèm với lời xin lỗi chính thức tới các nạn nhân, bao gồm cả những người ở Hoa Kỳ, Úc, Canada và Ireland. Năm 2008, trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ, ngài đã đích thân gặp gỡ các nạn nhân, và vào năm 2010, ngài đã viết một lá thư mục vụ cho người Công Giáo Ireland để xin họ tha thứ cho những đau khổ to lớn do lạm dụng gây ra.

Ngài viết: “Anh chị em đã phải chịu đựng rất nhiều và tôi thực sự xin lỗi. Tôi biết rằng không có gì có thể gỡ được sai lầm mà anh chị em đã phải chịu đựng. Lòng tin của anh chị em đã bị phản bội và nhân phẩm của anh chị em đã bị xâm phạm. Nhiều người trong số anh chị em thấy rằng, khi anh chị em đủ can đảm để nói về những gì đã xảy ra với mình, thì lại không có ai lắng nghe”.

Một bậc thầy và nhà thần học lỗi lạc

Mặc dù tuổi đã cao vào thời điểm đắc cử, Đức Bênêđíctô vẫn tiếp tục thói quen đi khắp thế giới của Đức Gioan Phaolô II. 25 chuyến tông du của ngài bên ngoài nước Ý bao gồm ba chuyến đi đến quê hương Đức và ba Ngày Giới trẻ Thế giới.

Chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ năm 2006 của ngài tập trung vào mối quan hệ với Hồi giáo và Kitô giáo Chính thống, trong đó có việc ngài tham dự Các Giờ Kinh Phụng vụ do Thượng phụ Chính thống giáo của Constantinople cử hành. Trong chuyến thăm Hoa Kỳ năm 2008, ngài đã đến thăm địa điểm tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới bị phá hủy, một giáo đường Do Thái ở New York và Đại học Công Giáo Hoa Kỳ ở Washington, D.C.

“Chúa Kitô là con đường dẫn đến Chúa Cha, là sự thật mang lại ý nghĩa cho sự hiện hữu của con người, và là nguồn của sự sống vốn là niềm vui vĩnh cửu với tất cả các thánh trong Vương quốc thiên đàng của Người,” ngài nói như thế với 60,000 người tập trung tham dự Thánh lễ tại Sân vận động Yankee của thành phố New York vào tháng 4 năm 2008.

Dù không lập kỷ lục phong chân phước và phong thánh nhiều nhất, Đức Bênêđíctô đã phong thánh cho 45 vị thánh mới, trong đó có Damien de Veuster, linh mục cùi của Molokai (2008); André Bessette người Canada gốc Pháp (2010); và Kateri Tekakwitha (2012), vị thánh người Mỹ bản địa đầu tiên. Ngài có sự khác biệt duy nhất trong việc cho phép bắt đầu án phong thánh cho người tiền nhiệm của mình, Đức Gioan Phaolô II, và rất hân hạnh được chủ tọa lễ phong chân phước cho ngài vào năm 2011. (Thánh Gioan Phaolô II được Đức Thánh Cha Phanxicô phong thánh vào năm 2014.)

Ngài cũng đã phong hai tiến sĩ của Giáo hội vào năm 2012, nhà thần bí người Đức thời trung cổ và nữ đan viện trưởng, Thánh Hildegard thành Bingen và linh mục người Tây Ban Nha, Thánh Gioan Ávila.

Ba thông điệp của ngài, Caritas in Veritate, Spe Salvi, và Deus Caritas Est, nhấn mạnh đến các nhân đức thần học của đức mến và đức cậy. Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết hợp thông điệp đức tin còn dang dở của Đức Bênêđíctô vào thông điệp Lumen fidei năm 2013 của chính ngài.

Mỗi thông điệp đưa ra những suy tư sâu sắc của một trong những nhà thần học vĩ đại của Giáo hội. Ý nghĩa tương tự có thể được gắn liền với các tông huấn hậu thượng hội đồng của ngài, thành quả của các Thượng Hội đồng Giám mục được tổ chức dưới sự hướng dẫn của ngài. Tông huấn năm 2007 của ngài Sacramentum Caritatis, về Bí tích Thánh Thể là “Nguồn mạch và Đỉnh cao của Đời sống và Sứ mệnh của Giáo hội,” đã báo trước lời kêu gọi phục hưng Thánh Thể trong những năm gần đây.

Đức Bênêđíctô viết, “Bí tích bác ái, Bí tích Thánh Thể, là hồng phúc mà Chúa Giêsu Kitô làm từ chính Người, nhờ đó mặc khải cho chúng ta tình yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho mọi người nam nữ… Mầu nhiệm thánh thể cũng đánh thức trong tâm hồn chúng ta biết bao điều lạ lùng!” (SC, 1).

Đức Bênêđíctô nổi tiếng như là một nhà thần học và tác giả trên trường quốc tế trước khi ngài được bầu làm giáo hoàng. Các cuốn sách của ngài bao gồm “Introduction to Christianity,” [Dẫn nhập vào Kitô giáo], một tuyển tập các bài giảng ở trường đại học của ngài về đức tin trong thế giới hiện đại. Những cuốn sách phỏng vấn của ngài là những cuốn sách bán chạy nhất, bao gồm “The Ratzinger Report” [Tường trình Ratzinger] (1985) với Vittorio Messori, “Salt of the Earth” [Muối đất] (1996), “God and the World” [Chúa và Thế giới] (2000), và “Light of the World” [Ánh sáng Thế giới] ( 2010) với nhà báo và tác giả người Đức Peter Seewald. Một trong những tác phẩm nổi tiếng mang tên ngài là bộ ba tác phẩm “Chúa Giêsu Thành Nadarét,” một nỗ lực nhằm giải thích Chúa Giêsu Kitô cho thế giới hiện đại.

Một giáo hoàng hưu trí

Đức Bênêđíctô đã sống một đời sống cầu nguyện và suy tư sau cuộc bầu cử Đức Giáo Hoàng Phanxicô, thỉnh thoảng hỏi ý kiến và gặp gỡ người kế nhiệm ngài. Cuối cùng, thời gian nghỉ hưu và sống ẩn dật của ngài dài hơn triều đại giáo hoàng của ngài.

Ngài đã hiện diện trong lễ phong thánh cho Đức Gioan Phaolô II và Đức Gioan XXIII tại Đền thờ Thánh Phêrô vào ngày 27 tháng 4 năm 2014. Ngoài ra, ngài đã tham dự lễ khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót vào ngày 8 tháng 12 năm 2015.

Những can thiệp thỉnh thoảng công khai của ngài đã gây ra những phản ứng và tranh luận gay gắt. Năm 2019, ngài đã đóng góp vào cuộc thảo luận về cuộc khủng hoảng lạm dụng bằng một bài tiểu luận, đi vào trọng tâm của vấn đề - chế độ độc tài của thuyết tương đối mà ngài từng cảnh cáo năm 2005.

Ngài viết, “Ngày nay, trên hết, các lời buộc tội chống lại Thiên Chúa là về việc mô tả Giáo hội của Người như hoàn toàn xấu xa, và do đó làm chúng ta từ bỏ nó. Ý tưởng về một Giáo hội tốt đẹp hơn, do chúng ta tạo ra, thực tế là một đề xuất của ma quỷ, theo đó nó muốn dẫn dắt chúng ta xa rời Thiên Chúa hằng sống, thông qua một logic lừa dối mà chúng ta rất dễ bị lừa”.

“Giáo Hội của Thiên Chúa cũng hiện hữu ngày nay, và ngày nay nó chính là công cụ mà qua đó Thiên Chúa cứu rỗi chúng ta.”

Vào tháng 7 năm 2021, vị giáo hoàng hưu trí lúc đó 94 tuổi đã cảnh cáo về một Giáo hội và giáo lý không có đức tin; ngài nói rằng: “Chỉ có đức tin mới giải phóng con người khỏi những ràng buộc và hạn hẹp của thời gian”.

Vào tháng 2 năm 2022, Đức Giáo Hoàng hưu trí đã công bố một lá thư đề cập đến một báo cáo về lạm dụng ở Tổng giáo phận Munich-Freising, buộc lỗi ngài trong việc xử lý các vụ lạm dụng trong thời gian làm tổng giám mục vào cuối những năm 1970. Trong đó, một lần nữa ngài bày tỏ với tất cả các nạn nhân bị lạm dụng tình dục sự xấu hổ sâu xa, nỗi buồn sâu xa và lời cầu xin tha thứ chân thành của ngài.

Bức thư cũng phục vụ như một suy gẫm cuối cùng về cuộc đời nghỉ hưu của ngài nhưng cũng là đức tin bền vững đặc trưng cho những lao công của ngài nhân danh Chúa Kitô và Giáo hội của Người.

Ngài viết: “Sẽ sớm thôi, tôi sẽ thấy mình đứng trước vị thẩm phán cuối cùng của cuộc đời tôi. Mặc dù, khi nhìn lại cuộc đời dài của mình, tôi có thể có lý do rất lớn để sợ hãi và run rẩy, nhưng tôi vẫn vui mừng, vì tôi tin chắc rằng Chúa không những là vị quan tòa công bình, mà còn là người bạn và người anh em của tôi. chính Người đã đau khổ vì những thiếu sót của tôi, và do đó cũng là người biện hộ cho tôi, 'Đấng phù hộ' của tôi”.

Ngài viết tiếp: “Trước giờ phán xét, ân sủng được làm một Kitô hữu càng trở nên rõ ràng hơn đối với tôi. Nó cho tôi kiến thức, và thực sự là tình bạn, với vị thẩm phán của cuộc đời tôi, và do đó cho phép tôi tự tin bước qua cánh cửa tối tăm của cái chết.”

Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ cử hành Thánh lễ an táng của Đức Bênêđíctô XVI.