Đại đa số người Công Giáo đều cảm thấy mất mát lớn khi Đức Bênêđíctô XVI quá vãng vì dù thế nào, ngài vẫn đã là vị Cha chung của họ, và do đó, một nguồn cảm xúc sâu xa đã tràn ngập tâm hồn họ trong những ngày này.
Trong một bài trước, chúng tôi đã đề cập đến phản ứng một của một số thân hữu, học trò, giáo phẩm, chính khác, nhà báo, nhà bỉnh báo trước sự ra đi của ngài. Tất cả, tất nhiên, đều hết lời ca ngợi ngài.
Tuy nhiên không thiếu các thái độ dè dặt đối với ngài, ngay trong giới Công Giáo. Tạp chí CruxNow chẳng hạn, trong khi lên tiếng ca ngợi các đóng góp của ngài, đã không quên nhắc nhở bạn đọc về khía cạnh gây tranh cãi của ngài.
Thực vậy, Elise Ann Allen chạy hàng tít sau đây: “World mourns loss of complicated, controversial and cerebral Pope Benedict” (Thế giới tiếc thương việc mất Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI phức tạp, gây tranh cãi và đầy đầu óc). Còn John Allen Jn. thì chạy hàng tít “Death of Benedict XVI marks passing of a ‘Pope of Ironies’” (Cái chết của Đức Bênêđíctô XVI đánh dấu việc ra đi của một vị “Giáo hoàng của những nghịch lý”).
Theo Elise, khắp thế giới, các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo, cũng như các nhà tranh đấu và cựu đồng nghiệp và bạn bè, đã tưởng niệm cuộc đời và di sản của Đức cố Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, chào kính ngài như một trong các đầu óc vĩ đại nhất và có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20 và thế kỷ 21.
Trong khi nhiều người vẫn tiếp tục nêu vấn đề với một số chính sách của Đức Bênêđíctô XVI về luân lý và tín lý và các nhà phê bình vẫn còn tra vấn thành tích chống nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục.
Ca ngợi
Về phía ca ngợi, Elise tường thuật phát biểu của Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Còn Đức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng Giám Mục Bombay, thì cho rằng Đức Bênêđíctô XVI là một người bạn của bản thân ngài, và cái chết là “một mất mát lớn” không những cho Giáo Hội hoàn cầu mà còn là “một mất mát đặc biệt cho các Giáo hội Á Châu vì ngài vốn là một người ủng hộ lớn lao cho Giáo Hội tại Á Châu”. Đức Hồng Y cho rằng qua suốt triều Giáo Hoàng của Ngài, Đức Bênêđíctô XVI “hoàn tất điều Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II từng gieo vãi và suy tư”.
Đức Hồng Y Gracias cũng cho rằng “Ngài là một trong các thần học gia vĩ đại nhất thời ta. Lịch sử sẽ phán xử ngài một cách tốt đẹp, thuận lợi như một người đã đóng góp cho sự tiến triển của thần học. Tôi rất khâm phục tính đa dạng trong các chủ đề được ngài nói đến và sự sâu sắc trong cái hiểu Kinh thánh của ngài”, cả phụng vụ cũng thế.
Còn về phía các chính khách, hôm qua chúng tôi đã nhắc đến phát biểu của Joe Biden. Riêng Costa Rica, một đất nước đa số theo Công Giáo, Tổng thống Rodrigo Chaves Robles đã công bố 4 ngày để thương tiếc Đức Bênêđíctô XVI.
Vua Charles của Vương quốc Thống nhất tỏ “niềm đau buồn sâu xa” trước tin Đức Bênêđíctô XVI qua đời, nhắc nhớ chuyến tông du của Đức Cố Giáo Hoàng năm 2010 tại Vương quốc Thống nhất và ca ngợi “ các cố gắng liên tục cổ vũ hòa bình và thiện chí đối với mọi người”.
Điều hiếm hoi là Tổng thống Nga, Vladimir Putin, ca ngợi Đức Bênêđíctô XVI như “nhân vật tôn giáo và nhà nước xuất chúng, một người bảo vệ các giá trị Kitô truyền thống. Tôi sẽ luôn duy trì mãi mãi những ký ức sáng lạn về ngài”.
Ursula von der Leyen, Chủ tịch Cao Ủy Âu Châu, cho hay Đức Bênêđíctô XVI “đã thiết lập một dấu hiệu mạnh mẽ qua việc ngài từ chức” và tự coi mình “trước nhất là tôi tớ của Thiên Chúa và của Giáo Hội ngài. Một khi sức lực thể lý giảm đi, ngài tiếp tục phục vụ qua sức mạnh của lời cầu nguyện”.
Bên cạnh đó, ta có các nhân vật tôn giáo hoàn cầu biểu lộ đau buồn và tưởng nhớ Bênêđíctô XVI. Chủ tịch Hội đồng Do thái Thế giới, Ronald S. Lauder, gọi Bênêđíctô XVI “là nhân vật cao ngất”, người, trong tư cách Hồng Y và giáo hoàng “đã đem lại cho mối tương quan Công Giáo – Do thái giáo một căn bản thần học và sự hiểu biết thăng tiến. Không vị giáo hoàng nào trước ngài từng thăm viếng nhiều hội đường như ngài, và ngài đã tạo ra điểm gặp gỡ với các đại diện cộng đồng Do Thái bất cứ khi nào ngài viếng thăm một nước ngoài”.
Ông nói rằng “Phần lớn, chính trên việc xây nền của Đức Bênêđíctô mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã củng cố tình thân hữu và dây liên kết giữa người Do Thái và người Công Giáo”.
Cả Liên đoàn Phật giáo Ý cũng ca ngợi Đức Bênêđíctô XVI như “con người của suy tư và tìm tòi thần học sâu sắc, lưu tâm tới đối thoại liên tôn”.
Họ cho rằng “tầm cỡ ngài như một học giả đường bệ đi song hành với sự hiền lành của ngài. Việc ngài từ bỏ ngai giáo hoàng là một cử chỉ tác động lên toàn thế giới và cộng đồng các tín đồ của mọi tín ngưỡng”.
Cộng đồng Hồi giáo ở Rôma cũng bày tỏ các thiện cảm của họ và ca ngợi “tầm cỡ thần học” của Đức Bênêđíctô XVI, một tầm cỡ “tạo dịp cho cuộc tranh luận trí thức giữa các Kitô hữu và thế giới Hồi Giáo. Chúng ta hãy cầu nguyện để niềm khao khát sự thật này cuối cùng có thể gặp Chúa của nó trong nền hòa bình vĩ đại”.
Họ không nhắc chi tới bài diễn văn Regensburg năm 2006, một bài diễn văn vốn làm nổi lên nhiều phản đối khắp thế giới Hồi Giáo về một trích dẫn của một hoàng đế Byzantine, người đã liên hệ Muhammad với bạo lực.
Điều đáng lưu ý là các phát biểu của Đức Cha Georg Bätzing chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức và của Đức Hồng Y Reinhard Marx, Tổng Giám Mục Munich và Freising. Hai vị này, trong hàm ý của Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, thư ký riêng của Đức Bênêđíctô, đã gây rất nhiều đau khổ cho Cố Giáo Hoàng trong vụ tố cáo ngài che đậy lạm dụng.
Bätzing ca ngợi Đức Bênêđíctô như “một thần học gia vĩ đại, một linh mục và giám mục đầy thuyết phục, một nhân chứng của đức tin, đức cậy và đức mến, và một nhân cách mà lời nói kéo được chú ý khắp thế giới”.
Bätzing nói thêm, “Hôm nay là một ngày tang chế và giã từ, nhưng theo tôi từ trong thâm tâm, đúng ra nó là một ngày tạ ơn và tôn kính một vĩ nhân của Giáo hội nhiều hơn”. Vị giám mục này gọi ngài là “một thần học gia sáng chói”, người, giống một số ít khác, “cố gắng hết mình làm cho đức tin trở nên rõ ràng với người ta”.
Còn Hồng Y Reinhard Marx thì ca ngợi Đức Bênêđíctô như “một giáo hoàng vĩ đại, người đã thi hành chức vụ mục tử của mình một cách thẳng thắn và đầy đức tin tuyệt diệu”.
Vị Hồng Y này nói tiếp, “Là một thần học gia, ngài lên khuôn Giáo Hội về lâu về dài một cách bền vững (nhưng bản thân ngài) vẫn luôn khiêm tốn và luôn đặt vai trò của ngài lên phía trước chứ không phải con người ngài”. Vị Hồng Y này ngỏ lời cám ơn Đức Bênêđíctô về “nền thần học tuyệt vời và một chứng từ đầy ấn tượng về sự sống và đức tin. Di sản của ngài sẽ tiếp tục sinh hiệu quả”.
Chỉ trích
Mặc dù các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo đã dành nhiều lời khen ngợi cho Đức Bênêđictô, nhưng cái chết của ngài cũng mang lại tiếng nói mới cho những người chỉ trích nghi ngờ hồ sơ của ngài về cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục của giáo sĩ; họ nói rằng lập trường của ngài về các vấn đề như đồng tính luyến ái đã gây tổn hại lớn cho các cá nhân và gia đình.
Anne Barret Doyle, đồng giám đốc của Bishop Accountability, cho biết Đức Bênêđictô XVI sẽ được nhớ đến một cách đáng buồn “vì ngài đã không đạt được điều lẽ ra phải là công việc của ngài: khắc phục hậu quả khôn lường đã gây ra cho hàng trăm ngàn trẻ em bị lạm dụng tình dục bởi các linh mục Công Giáo.”
Bà nói: “Khi từ chức Giáo hoàng, ngài đã để lại quyền lực cho hàng trăm giám mục đáng trách và một nền văn hóa giữ bí mật nguyên vẹn”.
Doyle lập luận rằng công bằng mà nói, Đức Bênêđictô XVI đã đạt được một số bước quan trọng, chẳng hạn như quyết định hợp nhất tất cả các trường hợp giáo sĩ lạm dụng tình dục trong Bộ Giáo lý Đức tin (DDF) của Vatican, mà bà nói, “dường như đã sắp xếp hợp lý diễn trình áp dụng kỷ luật đối với các linh mục sai lầm và dẫn đến sự gia tăng đáng kể trong việc sa thải các linh mục lạm dụng, đặc biệt là khi Đức Bênêđictô XVI trở thành giáo hoàng”.
Bà cũng hoan nghênh quyết định xử phạt linh mục nổi tiếng người Mễ Tây Cơ, Cha Marcial Maciel, người sáng lập có ảnh hưởng của Legionaries of Christ [Đạo binh Chúa Kitô], nhưng nói rằng tới thời điểm thừa tác vụ của Maciel bị hạn chế, “nhiều nạn nhân của ông đã đứng ra tố cáo, và bằng chứng chống lại ông đã được đưa ra không chỉ có tính áp đảo mà còn công khai”.
Trích dẫn điều bà cho là sự chậm chạp trong hành động và trong việc huyền chức các linh mục lạm dụng nổi tiếng ngay từ đầu, Doyle lập luận rằng Đức Bênêđictô “cuối cùng đã làm tổn thương đức tin mà ngài trân trọng. Nếu ngài trừng phạt nghiêm khắc việc che đậy hành vi lạm dụng tình dục trẻ em như việc ngài đã làm với việc vi phạm tín lý, thì ngài đã có thể chấm dứt được cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục rồi”.
Tương tự, một tuyên bố từ Mạng lưới những người sống sót trong số những người bị các linh mục lạm dụng (SNAP) lập luận rằng Đức Bênêđictô “quan tâm nhiều đến hình ảnh bị xấu đi của Giáo hội và lượng tài chính cho Phẩm trật hơn là nắm được ý niệm thực sự xin lỗi, tiếp theo là việc đền bù thực sự cho các nạn nhân bị lạm dụng”.
“Di sản của Đức Bênêđictô trong tư cách là giáo hoàng đã bị vấy bẩn bởi vụ tai tiếng lạm dụng tình dục hoàn cầu vào năm 2010, mặc dù với tư cách là một Hồng Y, ngài chịu trách nhiệm thay đổi lập trường của Vatican về vấn đề này,” họ nói như thế, đồng thời cho biết bất cứ cuộc cử hành nào cho “những kẻ kích động lạm dụng như Đức Bênêđictô phải chấm dứt”.
Hồ sơ của Đức Bênêđictô về sự cam kết với cộng đồng LGBTQ cũng bị thách thức, với Marianne Duddy-Burke, Giám đốc điều hành của DignityUSA, nói rằng sự ra đi của Đức Bênêđictô “đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên dài và đau đớn đối với những người Công Giáo LGBTQIA+, gia đình chúng ta và toàn Giáo hội”.
Dù nhấn mạnh rằng mọi cái chết đều là một dịp đáng buồn và bày tỏ sự tiếc thương đối với những người thân cận với cố giáo hoàng, Duddy-Burke nói rằng với tư cách là người đứng đầu Thánh bộ Giáo lý Đức tin của Vatican, Đức Hồng Y Ratzinger khi đó “đã gây ra thiệt hại to lớn cho những người LGBTQIA+ và những người thân yêu của chúng tôi".
Bà đơn cử lá thư năm 1986 của ngài, “Về việc chăm sóc mục vụ cho những người đồng tính luyến ái,” lá thư mà bà cho rằng đã dán nhãn hiệu cho khuynh hướng đồng tính luyến ái là “rối loạn một cách khách quan” và coi các mối liên hệ đồng tính là “xấu xa từ trong nội tại” và “về cơ bản là buông thả bản thân”.
Duddy-Burke nói: “Đức Bênêđictô XVI là một trong những nhà lãnh đạo hoàn cầu mạnh mẽ và có tiếng nói nhất đã chống lại chủ trương bình đẳng hôn nhân và những người đồng tính nam và đồng tính nữ nuôi dạy con cái, gây ra thiệt hại to lớn trên toàn thế giới".
Đồng tình với những bình luận của Duddy-Burke là Francis DeBernardo, giám đốc điều hành của New Ways Ministry, người trong một tuyên bố cũng chỉ trích bức thư năm 1986 của Đức Bênêđictô, mà theo ông đã gây ra “tổn hại mục vụ nghiêm trọng cho nhiều người LGBTQ+ và cho những người Công Giáo biết nhìn thấy sự tốt lành, thánh thiện và tình yêu Thiên Chúa trong mối liên hệ của các cặp đồng tính”.
Ông nhớ lại cuộc gặp gỡ tình cờ năm 1998 trên chuyến bay từ Rome đến Munich giữa Đức Hồng Y Ratzinger lúc bấy giờ và Nữ tu Jeannine Gramick, người đồng sáng lập Thừa Tác Vụ New Ways, trong khi Gramick đang bị Bộ Giáo Lý Đức Tin điều tra.
Trong tuyên bố, DeBernardo cho biết Gramick đã mô tả cuộc trò chuyện “giống như trải nghiệm con người của Đức Hồng Y: ấm áp và thân thiện, nhẹ nhàng, hài hước và dễ mến.”
“Mặc dù không đồng ý với quan điểm của ngài về đồng tính luyến ái, nhưng bà cảm thấy ngài là một người có đức tin sâu sắc và cam kết sâu sắc với Giáo hội để phục vụ dân Chúa,” ông nói như thế và lưu ý rằng, như Gramick đã kể, có lúc bà đã hỏi Đức Hồng Y Ratzinger xem liệu ngài có từng gặp người đồng tính nam hoặc đồng tính nữ nào chưa.
Ông nói, khi Ratzinger trả lời rằng ngài đã từng xem một cuộc tuần hành đòi quyền lợi cho người đồng tính ở Berlin, Gramick “rất buồn vì câu trả lời của ngài cho thấy ngài không có liên hệ bản thân với những người đồng tính nữ và đồng tính nam; hình ảnh của ngài về họ là những người biểu tình, không phải là những con người đầy đủ, yêu thương và tràn đầy niềm tin mà bà từng biết.
Người ít may mắn nhất
Đối với John Allen Jr., Đức Bênêđíctô XVI là một nhà trí thức thiên phú cố gắng trở thành một giáo hoàng giảng huấn nhưng thấy triều giáo hoàng của mình đôi khi bị lật úp bởi các cuộc khủng hoảng quản trị.
John Allen cho rằng theo quan điểm hoàn toàn giao tế nhân sự (PR), Đức Bênêđíctô có lẽ là người ít may mắn nhất khi nắm quyền lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo. Kẹp giữa hai vị giáo hoàng nổi tiếng là Gioan Phaolô II và Phanxicô, Đức Bênêđíctô cả thẹn và sống bằng đầu óc có lẽ lúc nào cũng có số phận bị đánh giá thấp.
Dù sao nhìn lại, Allen cho rằng ngài là vị “giáo hoàng cao ngất của những nghịch lý”.
Nghịch lý đầu tiên, trong phần lớn sự nghiệp của mình, nhà thần học và giám mục trở thành Đức Bênêđictô XVI vốn được coi là “Tiến sĩ Không” vĩ đại của Giáo Hội Công Giáo do việc đứng đầu ngành tín lý của Vatican. Không có cuộc tranh cãi nào trong Đạo Công Giáo trong một phần tư thế kỷ, trong đó Đức Hồng Y Joseph Ratzinger không đóng vai trò lãnh đạo, thường là người áp dụng kỷ luật bắt các nhà thần học ương ngạnh phải thi hành đúng nhiệm vụ.
Tuy nhiên, sau khi trở thành giáo hoàng, Đức Bênêđictô đã đi tiên phong trong “Nền chính thống khẳng định”, nghĩa là trình bày giáo huấn Công Giáo cổ điển một cách lạc quan và tích cực nhất có thể. Ý tưởng là để nhấn mạnh chữ “có” Công Giáo hơn là chữ “không” truyền thống của Giáo hội.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2006, Đức Bênêđíctô nói rằng
“Kitô giáo, Công Giáo, không phải là một tập hợp những điều cấm đoán. Đó là một lựa chọn tích cực. Chúng ta đã nghe rất nhiều về những điều không được phép nên nay là lúc để nói rằng chúng ta có một ý tưởng tích cực để cung cấp”.
Nói cách khác, “Tiến sĩ Không” với tư cách là cơ quan giám sát giáo lý đã trở thành “Cha Có” trong tư cách giáo hoàng.
Nghịch lý thứ hai: Đức Bênêđíctô ít có thiên hướng lẫn huấn luyện về quản trị. Ngài từng tuyên bố “tôi không có đặc sủng quản trị”. Ngài đã phải trả giá đắt, đặc biệt với vụ “rò rỉ Vatican” vốn làm hoen ố các giai đoạn sau cùng của triều giáo hoàng của ngài và, trong con mắt của một số nhà quan sát, đã đẩy ngài đến chỗ từ chức.
Tuy nhiên, người không có tài quản trị này cũng đã đưa ra những cải cách quản trị mang tính lịch sử đối với hai nguồn chính gây ra tai tiếng cho đạo Công Giáo, đó là lạm dụng tình dục trẻ em và hồ sơ rõ ràng hỗn tạp của Vatican về tiền bạc. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên áp dụng chính sách “tuyệt đối không khoan nhượng” đối với lạm dụng, và là người đầu tiên mở cửa Vatican cho việc thanh tra các trương mục của mình do những người thế tục ở bên ngoài đảm nhiệm.
Khi làm như thế, Đức Bênêđictô đã phải đối đầu với sự phản đối mạnh mẽ nội bộ, và vào cuối triều đại của ngài, các viên chức phản đối cải cách ở cả hai mặt trận đã phần lớn hoạt động ngầm. Mặc dù chưa hoàn thành vào thời điểm nhiệm kỳ giáo hoàng của ngài kết thúc, nhưng cả hai hoạt động dọn dẹp nhà cửa này đã được tiếp tục dưới thời Đức Thánh Cha Phanxicô.
Nghịch lý thứ ba, và có lẽ là nghịch lý đáng chú ý nhất, là việc một vị giáo hoàng đôi khi bị coi là kiêu ngạo và xa cách thực sự lại là một người khiêm tốn nổi bật.
Một thí dụ xảy ra ngay sau khi ngài đắc cử, khi ngài nhất quyết đòi trở về căn hộ ở Vatican để thu dọn đồ đạc và mang chúng trở lại căn hộ của giáo hoàng. Trước khi rời khỏi tòa nhà, ngài gõ cửa các vị Hồng Y khác sống ở đó – không phải để nói lời tạm biệt, vì rõ ràng là ngài sẽ gặp lại họ, mà để cảm ơn các nữ tu đã nấu nướng và dọn dẹp vì họ là những người hàng xóm tốt.
Khi Đức Phanxicô làm điều tương tự, trở lại một khách sạn ở Rome để thu dọn hành lý và thanh toán hóa đơn, nó đã trở thành một tin chấn động.
Đức Bênêđíctô chưa bao giờ nhận được những tràng pháo tay như vậy, một phần vì câu chuyện về “Chó Rottweiler của Chúa” xung quanh ngài khiến điều đó trở nên khó khăn.
Tất nhiên, sự từ bỏ quyền lực tự nguyện của Đức Bênêđíctô được cho là hành động khiêm tốn nhất của một vị giáo hoàng trong nhiều thế kỷ, nếu không muốn nói là mọi thời đại.
Nếu mong muốn của chính ngài được tôn trọng, ngài sẽ càng ít được chú ý hơn khi nghỉ hưu. Các phụ tá tiết lộ rằng cựu giáo hoàng ban đầu hy vọng sẽ trở lại quê hương Bavaria của mình, nhưng đã để mình được thuyết phục ở lại Rome với những mũ mão cân đai của ngôi vị giáo hoàng.
Một nhân vật phân cực trong phần lớn cuộc đời của mình, Đức Bênêđíctô XVI dường như nhận được sự đồng cảm cho đến cuối cùng ngay cả từ những người chỉ trích trước đây, một phần vì đã xử lý những năm sau khi nghỉ hưu của mình một cách đĩnh đạc và thận trọng. Bất chấp bất cứ sự khác biệt nào mà ngài có thể cảm thấy đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ngài đã cam kết lòng trung thành của ngài và hầu như đứng ngoài cuộc xung đột.
Nhà báo người Ý Ettore Bernabei từng mô tả Đức Bênêđictô XVI là “một chiến binh khiêm tốn và dễ mến vì sự thật.” Trong phần lớn cuộc đời của ngài, phần “chiến binh” trong công thức đó dường như là lớn nhất; chỉ khi về hưu, và bây giờ có lẽ là khi đã qua đời, thì sự niềm nở và khiêm tốn của Đức Bênêđictô cuối cùng đã được công nhận như nhau.
Còn 1 kỳ