Bài Tin Mừng Luca 8:22-25: Đức Giêsu dẹp yên biển động
22Một ngày nọ, Đức Giêsu xuống thuyền với các môn đệ. Người nói: “Chúng ta sang bên kia hồ đi!” Rồi thầy trò ra khơi. 23Đang khi các ngài đi thuyền, thì Đức Giêsu thiếp ngủ. Một trận cuồng phong ập xuống hồ; các ngài bị ngập nước và lâm nguy. 24Các môn đệ lại gần đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, Thầy! Chúng ta chết mất!” Người thức dậy, ngăm đe sóng gió, sóng gió liền ngừng và biển lặng ngay. 25Người bảo các ông: “Đức tin anh em ở đâu?” Các ông hoảng sợ, kinh ngạc và nói với nhau: “Vậy người này là ai mà ra lệnh cho cả sóng gió, và sóng gió phải tuân lệnh?”
Trích trực tuyến Tin Mừng Luca của Nhóm Phiên dịch Các Giờ kinh Phụng vụ
Chú thích
Một ngày nọ, Đức Giêsu xuống thuyền. Khi kể cùng chi tiết, Máccô 4:35 thêm “khi chiều đến”; Ở đây, Luca không nhắc đến chi tiết ấy, dành cho câu truyện một khung cảnh mơ hồ về thời gian.
Sang bên kia hồ. Trái lại, Luca định vị cho câu truyện rõ hơn bằng cách thêm chữ “hồ”, không như Máccô 4: 35 chỉ nhắc đến “bờ bên kia” trống không. H. Colemann (Theology, 49) cho rằng việc nhắc đến hồ và việc bỏ chi tiết “có những thuyền khác cùng theo Người” của Máccô 4:36 đã đặt phép lạ Chúa sắp làm vào một khung cảnh thanh tĩnh; hồ vốn đem lại cho việc tỏ quyền lực của Chúa Giêsu một khung cảnh mầu nhiệm.
Đức Giêsu thiếp ngủ. Cha Fitzmyer cho rằng Luca có ý thức kể truyện hay hơn khi mô tả Chúa Giêsu thiếp ngủ trước khi cơn bão xẩy đến, làm nổi bật sự trái ngược của việc thiếp ngủ này với quyền lực Người sắp sửa thực hiện; Người cũng có điểm yếu của con người.
Một trận cuồng phong ập xuống hồ. Trong bản dịch tiếng Anh của Cha Fitzmyer có chữ “đột nhiên”; bản dịch của Nhóm Phiên dịch Các Giờ kinh Phụng vụ không có cụm từ này, nhưng trong chú thích thì nói rõ “Hồ Ghennêxarét hay bị sóng gió bão táp bất ngờ, khi bị ép giữa những luồng gió từ Địa Trung Hải và những luồng khác từ sa mạc Xyria cùng thổi tới một lúc”. Cha Fitzmyer cũng giải thích tương tự: “Hồ Ghennêxarét ở bắc Galilê được bao quanh bởi đồi núi với những hẻm núi đem nước chẩy vào hồ; trong khi bầu khí ở đây thường yên tĩnh, những cơn gío lạnh mạnh mẽ từ phía tây thường ập vào các hẻm núi và tạo nên những trận bão cho hồ”.
Các ngài bị ngập nước. Trong khi Máccô 4:37 nói đến thuyền bị ngập nước, thì ở đây, Luca nói đến người bị ngập nước.
Thầy ơi, Thầy! Luca thay thế chữ didascale (thầy) trong Máccô 4: 38 bằng chữ epistata (tiếng Anh: Master [thầy]) và lặp lại chữ này 1 lần; hơn nữa, Luca còn bỏ lời trách móc Thầy của Mc 4: 38 (Thầy chẳng lo gì sao?).
Ngăm đe sóng gió. Cha Fitzmyer hiểu câu này có nghĩa Chúa Giêsu ngăm đe các tinh thần xấu gây ra sóng gió thay vì để Luca mô tả chúng như các tác nhân có bản vị.
Sóng gió liền ngừng. Vì lời Chúa Giêsu. Xem Tv 104: 6-7 và Nk 1:4 trong đó Lời Giavê đã làm yên sóng nước.
Đức tin anh em ở đâu? Câu này nhẹ hơn câu trong Máccô 4:40: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”. Đối với Luca, các môn đệ đã có đức tin rồi, nếu không tại sao các ông chạy đến với Người trong lúc gian nguy, tuy nhiên, đức tin này chưa đạt đến độ hậu phục sinh. Đức tin này còn cần phải được khơi dậy khi chứng kiến quyền lực của Chúa Giêsu.
Các ông hoảng sợ, kinh ngạc. Máccô 4:41 chỉ nói đến “hoảng sợ” trái lại Luca đề cập đến “hoảng sợ” và “kinh ngạc”, đây là lần đầu tiên, Luca phối hợp “hoảng sợ” với “kinh ngạc”.
Nhận định
Cha Fitzmyer cho rằng với tình tiết này, Thánh Luca khai mở một tiết mới nói tới việc Chúa Giêsu tỏ quyền lực của ngài bằng nhiều phép lạ (8:22-25, 8:26-39; 8:40-48; 8:49-56) và kết thúc với việc sai nhóm Mười Hai “đi rao giảng nước Thiên Chúa và chữa bệnh” (9:2). Câu mở đầu (8:22) rõ ràng cắt đứt với điều xẩy ra ngay trước đó. Điều rõ ràng trong tiết này là Luca theo Máccô 4:35-5:43 khá chặt chẽ tuy có sửa đổi phần nào.
Tình tiết này mô tả Chúa Giêsu trong quyền năng cao cả của Người, như đấng làm phép lạ điều khiển được sóng gió. Nhấn mạnh lúc này không nhằm vào việc rao giảng lời nữa mà vào lời đầy quyền lực của Chúa Giêsu. Thừa tác vụ của Người khởi đầu “với quyền lực của Thần Khí” hay “của Lời” (4:14; xem 4:36; 5:17). Nay nó được mô tả bằng hành động, được sử dụng để đem giải thoát và an toàn lại cho các môn đệ. Đó là lời đầy quyền năng giải thoát họ khỏi tai ương tự nhiên. Nhưng câu kết của tình tiết liên hệ “đức tin” của môn đệ với chính phép lạ. Môn đệ của Người, khi gặp nguy hiểm cùng cực, phải hiểu rõ mối liên hệ căn bản của họ với Thiên Chúa và Chúa Giêsu thực sự nằm ở chỗ nào.
Về ý nghĩa của tình tiết, có tác giả (https://www.biblecomments.org/c/29/preachers-complete-homiletical-commentary/luke/8/22-25) cho rằng trong tình tiết này Chúa Giêsu “ngăm đe” cả sóng gió lẫn các môn đệ. Thực thế, các môn đệ không hẳn không có đức tin, nhưng đức tin ấy nhỏ nhoi, hạn hẹp, không đủ tín thác. Họ cần tín thác nơi Người để tin chắc rằng ngủ hay thức không có gì khác đối với Người, con thuyền chở Người và họ sẽ không chìm.
Một khía cạnh khác được tác giả trên lưu ý là: vì ngủ say, Chúa Giêsu không nghe tiếng thét gào của cơn bão nhưng Người nghe tiếng kêu cứu của môn đệ! Người không bao giờ “thiếp ngủ” đối với những kẻ kêu cầu Người! Người nghe thấy những lời cầu nguyện thầm thĩ nhất giữa sóng gío dữ dằn nhất của cuộc đời. Người không bao giờ mệt mỏi lắng nghe tiếng than van khốn cùng của con người.
Một tác giả khác (https://bible.org/seriespage/lesson-36-what-do-when-life-gets-stormy-luke-822-25#google_vignette) cho rằng sóng bão đánh cả người tin. Mc 4:36 nói rằng cùng đi với thuyền của Chúa Giêsu và các môn đệ còn có nhiều thuyền khác. Nếu là truyện thần tiên, thì ta sẽ đọc thấy là các thuyền khác bị sóng gió đánh gần đắm, còn thuyền của các môn đệ thì không hề hấn gì. Nhưng sự thực là thuyền của các môn đệ vẫn bị sóng bão đánh gần đắm như thường! Kitô hữu không hề được miễn nhiễm gian nguy!
Cả những Kitô hữu vâng theo Chúa Giêsu. Thực vậy, các môn đệ là người vâng theo lệnh của Chúa Giêsu: “Chúng ta sang bên kia hồ đi!” và thuyền của họ đã bị sóng bão đánh gần đắm!
Bình giải về tình tiết này, Thánh Cyril thành Alexandria cũng cho rằng các môn đệ có đức tin nơi Chúa Giêsu nhưng là một đức tin non nớt. Đức tin này vì thế cũng nổi trôi theo sóng nước. Cùng với việc làm im mặt biển, Chúa Giêsu cũng đã đem an lòng lại cho các tâm hồn biến loạn của các môn đệ.
Điều trên, theo Thánh Cyril, dạy ta rằng như vàng được thử trong lửa thế nào, đức tin của ta cũng được thử trong các cơn cám dỗ như thế. Tâm trí con người luôn yếu đuối, cần sức mạnh và giúp đỡ bên trên, để đức tin ấy vững vàng trong họ và họ duy trì được bước tiến, đủ mạnh để đương đầu với bất cứ điều gì xẩy đến. Chúa Giêsu từng dạy: “không có Thầy, các con không làm được gì”. Thánh Phaolô cũng nói: “tôi có thể làm được mọi sự nhờ Chúa Kitô, Đấng củng cố tôi”.
Thánh Cyril cũng nhận định rằng nếu tạo vật (ở đây là sóng gío) vâng nghe bất cứ điều gì Chúa Giêsu ra lệnh cho chúng, thì không có lý do gì chúng ta lại không tùng phục Người như thế. Bổn phận của chúng ta vì thế là hiểu rằng mọi sự được Thiên Chúa dựng nên đều tuân theo ý muốn của Người, chúng ta cũng vậy cần trở nên giống như mọi tạo vật khác, tránh bất tuân như một điều dẫn ta tới sa lạc. Như thế, đúng hơn, ta hãy tùng phục Người, Đấng kêu gọi ta tới ơn cứu rỗi và ước muốn sống công chính và hợp lề luật, nghĩa là sống theo Tin Mừng.