2. Bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ Sáu Mùa Thường niên Năm C: Lc 6:17, 20-26

17Đức Giêsu đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giuđê, Giêrusalem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xiđôn đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật.18 [Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành. 19Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người].

20Đức Giêsu ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. 21Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười. 22Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. 23Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.

24“Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi. 25Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói. Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than. 26Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế”.


(Trích theo bản dịch trực tuyến của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ)



Các chú thích

Đi xuống cùng với các ông. Nghĩa là từ trên núi (6:12) với Nhóm Mười Hai và các môn đệ mà từ đó, Người đã chọn các vị. Chúa Giêsu trong Luca từ trên núi xuống để dạy dỗ các môn đệ và đám đông; Người không dạy ở trên núi. H. Schurmann (Lukasevangelium, 320) thấy 1 song hành trong việc Chúa Giêsu xuống núi với việc Môsê xuống núi ở Xh 32:7-15 hay 34:29. Nhưng điều này hơi quá vì nó dẫn nhập chủ đề quán xuyến (Tân Môsê) vào Tin Mừng, một ý niệm Luca không mấy quan tâm.

Dừng lại ở một chỗ đất bằng. Nghĩa là một chỗ bằng phẳng gần núi. Chi tiết này không những khác với khung cảnh Mátthêu dành cho bài giảng sắp tới (5:1), mà còn khác cả việc Máccô nói lui về phía biển (tức Hồ Ghennêxarét, xem ghi chú về 5:1).

Đông đảo môn đệ. Cụm từ này làm nổi bật tầm quan trọng của việc chọn Nhóm Mười Hai đề cập ở tình tiết trước đó (6: 12-16). Cụm từ này và cụm từ sau đó là các hậu ý của soạn giả: ngài viết “đông đảo môn đệ” thay cho cụm từ “người ta lũ lượt” [poly plēthos] của Mc 3:1 và chuyển chữ “lũ” xuống dưới “đoàn lũ dân chúng”.

Từ khắp miền Giuđê. Luca một lần nữa thêm chữ pasēs (cùng khắp), nhưng bỏ “từ Galilê” và “từ Iđumê và khắp Giođan” (Mc 3:7). Việc bỏ địa danh sau không có gì ngạc nhiên, vì trong Luca, Chúa Giêsu không đi qua hay giảng dạy tại Iđumê hay Pêrêa. Luca phân biệt vùng địa dư Chúa Giêsu đến để giảng dậy chứ không phải vùng địa dư từ đó người ta tới nghe Chúa giảng dậy. Nhưng việc bỏ Galilê, theo Conzelmann (Theology 45) có liên hệ tới hình ảnh lan tỏa của các cộng đồng Kitô hữu sau này; ông cho rằng Galilê không được Công vụ nhắc đến. Tuy nhiên, nó có được nhắc đến ở Cv 9:31. Hơn nữa, một trong các chủ đề quán xuyến trong các trước tác của Luca là việc chuẩn bị các nhân chứng ở Galilê (xem Cv 10:37-42), và Galilê được nhắc đến ở 5:17. Mặt khác, có thể nghĩ rằng kiểu nói “từ khắp miền Giuđê” thực sự chỉ “Galilê, Giuđê, Iđumê và vùng quê bên kia Giođan” (Mc 3:7-8), do cái hiểu Giuđê ở 4: 44 (xem J.M. Creed, The Gospel, 89). Nhưng phần lớn, là vì Luca nghĩ rằng các độc giả sẽ hiểu Chúa Giêsu vẫn còn ở Galilê và người ta bao quanh Người từ khắp nơi.

Từ miền duyên hải Tia và Xiđôn. Hai thành phố cổ, quan trọng của Phênixia ở bờ Địa Trung Hải; chúng tọa lạc ở Syria thời Tân Ước nhưng hiện nay ở Libăng, nam Beirut. Xem Cv 21:3,7; 27:3. Luca duy trì việc nhắc đến tên hai thành phố này trong Mc 3:8 và mô tả dân ngoại từ đó kéo tới nghe Chúa Giêsu. Nó thêm một chủ đề quán xuyến đã quen thuộc trong Lc 2:31-32; 3:6; 4:24-27; nó sẽ được khai thác trong hoạt động truyền giáo trong Công Vụ. Cận kề hơn, nó chuẩn bị cho Lc 10:13-14.

Nên lưu ý, Tin Mừng hôm nay bỏ các câu 18-19 nói đến việc đoàn lũ dân chúng đến không những để nghe Chúa Giêsu giảng dạy mà còn để được Người chữa lành đủ thứ bệnh mà nhiều khi chỉ cần đụng vào Người cũng khỏi. Vì chủ đích Bài Tin Mừng hôm nay nói về Các mối phúc, vốn được coi là Hiến chương Nước Trời, và câu 17 đủ để mô tả khung cảnh dẫn đến Hiến chương quan trọng đó.

Về câu 17 trên, Linh mục Fitzmyer nhận định rằng Luca ngắn gọn chuyển dịch Mc 3:7-12, bằng cách thay đổi bản văn của Máccô. Rõ ràng việc nhắc đến Giuđê, Giêrusalem, Tia và Xiđôn để lộ mối liên kết giữa câu này với nguồn Máccô. Luca sửa đổi các điều sau: (1) Chúa Giêsu xuống nơi bằng phẳng (6:17) và không lui về phía biển (Mc 3:7), (2) bỏ nhắc đến thuyền (Mc 3:9), (3) người ta lũ lượt đến để “nghe” Chúa Giêsu, một chuẩn bị cố ý cho bài giảng sắp tới...

Từ quan điểm phê bình hình thức, chi tiết này là một bản tóm lược nữa về thừa tác vụ của Chúa Giêsu: rao giảng và chữa lành, giống như các bản tóm lược trước (4:14-15, 31-32, 40-41).

Trong Tin Mừng Luca, dù Chúa Giêsu, trong thừa tác vụ của Người, được mô tả là di chuyển từ Galilê tới Giêrusalem không rời đất Do Thái (trừ một khoảnh khắc ở 8:28), nhưng ở đây, Luca cố tình mô tả đám đông đến từ khắp Giuđê và từ cả hai thành ngoại giáo Tia và Xiđôn để lắng nghe Người và được chữa lành. Việc nhấn mạnh bằng hình thức tóm lược của Luca là lắng nghe Người; nét này được thêm vào nguồn Máccô là nguồn tập chú vào việc chữa lành và trừ qủy, để chuẩn bị cho bài giảng sắp tới. Nếu Luca có nhắc đến chữa lành thì là vì do lấy từ nguồn Máccô.

Nhìn các môn đệ và nói. Dù có sự hiện diện đông đảo dân chúng từ khắp nơi đến nghe Người, rõ ràng, theo Luca, Chúa Giêsu muốn ưu tiên nói với các môn đệ.

Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. Bản Hy Lạp của Tin Mừng Luca dùng 3 chữ y hệt như Mt 5:3, makarioi hoi ptōchoi nhưng Tin Mừng Mátthêu thêm “trong tinh thần”, có thể phản ảnh lối hiểu của các cộng đồng Kitô giáo tiên khởi.

“Phúc” là lối dịch thông thường chữ Hy Lạp makarios, 1 tĩnh từ dùng để chỉ mối phúc của Tân Ước. Trong thế giới Hylạp, chữ makarios chỉ hạnh phúc bên trong của người ta. Khi hình thức mối phúc được khai triển ở đó, nó ca ngợi vận may của người ta hoặc tán dương họ vì vận may họ có được. Hình thức mối phúc đặc biệt được dùng trong văn chương khôn ngoan của Cựu Ước và mang ý nghĩa tôn giáo như là ơn huệ của Thiên Chúa dành cho con người. Sự chúc phúc theo nghĩa đó thường chỉ một cuộc sống trọn vẹn, một người vợ hiền (Huấn ca 26:1), có con trai nối dõi (Tv 127:3-5), thịnh vượng và danh dự (G 29:10-11).

Trong thế giới Hylạp, các thần minh thường được mô tả là cực kỳ makares (như Odyssey 5.7). Trong truyền thống Do Thái Kitô giáo, hình thức mối phúc không được dùng cho Thiên Chúa (nhưng xem 1Tm 1:11; 6:15 với việc dùng cách khác chữ makarios để chỉ về Người – nhóm các Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch là “chí tôn” và “vạn phúc”). Trong bản Bẩy Mươi, Thiên Chúa được cho là “có phúc” (“blessed”) theo nghĩa được chúc tụng nhưng như thế là tĩnh từ eulogētos hay phân từ eulogēmenos, cả hai dịch sang tiếng Hipri là bārûk, thường dùng trong kinh nguyện “chúc tụng Thiên Chúa/Giavê” (xem Xh 18:10; St 9:26; 24:27). Cũng cùng các chữ này dùng để chỉ về con người nhưng nói về điều kiện được Thiên Chúa chúc phúc, trong khi makarios nhấn mạnh hơn tới tình trạng hạnh phúc, thịnh vượng hay may mắn của người ta do sự chúc phúc kia.

Trong Tân Ước, hình thức mối phúc hiếm khi duy trì hình thức đơn giản của văn hóa Hy Lạp. Nó thường dùng makarios ở số nhiều, theo sau là một mạo từ hạn định, và một danh từ hay một phân từ. Ở đây, các mối phúc hiếm khi diễn tả sự khôn ngoan thực tiễn, vì chúng thường nhấn mạnh việc đảo ngược các giá trị mà người ta thường đặt nơi các vật trần thế vì nước trời đang được Chúa Giêsu giảng dậy. Một nghịch lý diễn ra ở đây. Phần đầu mô tả tình trạng của môn đệ nhưng phần hai hứa hẹn phần thưởng cánh chung, thường phát biểu trong thể thụ động thần học (nghĩa là với tác động hàm ngụ của Thiên Chúa, “các ngươi sẽ được no đầy” bởi Thiên Chúa).

Trong in Mừng Luca, việc chờ mong cánh chung tức khắc đã không còn khi soạn giả chuyển vị việc nhấn mạnh cả các mối phúc lẫn mối họa qua các điều kiện hiện tại, những người đói khát và khóc than “bây giờ”, những người “đang no nê” và “vui cười” “bây giờ” (6:21, 25). Như thế, ngài tương phản điều kiện trần thế hiện tại của các Kitô hữu với điều kiện khi họ qua đời (xem J. Dupont, Béatitudes 2, 100-109).

Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. Mối phúc thứ hai của Luca tương ứng với mối phúc thứ tư của Mátthêu (5:6). Nhưng Mátthêu thêm “đói và khát sự công chính”. Theo Cha Fitzmyer, nguyên thủy, mối phúc có thể có cặp “đói và khát” như tìm thấy trong Is 49:10; 65:13.

Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười. Mối phúc thứ ba của Luca tương ứng với mối phúc thứ ba của Mátthêu (5:4), theo các bản dịch tiếng Việt, ngoại trừ bản dịch của anh em Tin Lành: nhưng các động từ trong Mátthêu là “khóc tang” [Mourn trong tiếng Anh] và “được an ủi”. Theo Cha Fitzmyer, Mátthêu có tính Thánh Kinh hơn vì nhắc lại sự an ủi trong Isaia cho những kẻ khóc tang Xion (Is 61:2). Trong khi động từ gelan “cười” chỉ có ở đây, đủ thấy Luca là soạn giả đã sửa đổi nguồn này.

Phúc cho anh em khi vì Con Người bị người ta oán ghét, khai trừ. Hình thức Luca của mối phúc này dẫn khởi bởi cụm từ makarioi este hotan như mối phúc thứ chín của Mátthêu (5:11-12): “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và nói đủ điều xấu xa, dối trá chống lại anh em”. Trong cả hai hình thức, bốn việc làm tổn thương đã được nhắc đến. Luca có oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên. Mátthêu có: sỉ vả, bách hại, nói đủ điều xấu xa, dối trá (chỉ giống nhau ở sỉ vả).

Vì Con Người. Trong Mátthêu 5:11, ta thấy “vì Thầy”. Tước hiệu “Con Người” được Luca đưa vào đây không hẳn nhắc tới việc xuất hiện của vị này, mà nhắc tới thừa tác vụ trần thế của Người.

Khai trừ. Có thể nói đến việc các Kitô hữu bị xua đuổi khỏi các hội đường Do Thái, do đó, nói tới trải nghiệm của các Kitô hữu thời Luca. Dù hai hình thức Luca và Mátthêu có khác nhau, nhưng cả hai đều nói tới các bách hại vì Chúa Giêsu có thể là một ý niệm có nguồn gốc từ chính Chúa Giêsu.

Bị xoá tên. Chắc chắn không phải tên riêng, mà là danh “Kitô hữu” vốn được Luca biết đến (Cv 11:26; 26:28).

Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa. Luca thêm “ngày đó” tương ứng với việc dùng chữ “bây giờ” ở phần đầu mối phúc. Thường Luca dùng chữ skirtan để chỉ nhẩy lên vì vui mừng như trong 1:41, 44, ở đây, ngài thay thế nó bằng động từ agalliasthe (khoái chí, delight), cũng được Mátthêu duy trì từ nguồn “Q” và chỉ dùng trong mối phúc này (5:12).

Phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Chữ misthos của Hylạp chỉ việc trả tiền hay tiền lương cho công việc đã làm. Nó được dùng theo nghĩa bóng cả trong thế giới Hylạp lẫn trong Bản Bẩy Mươi theo nghĩa tôn giáo như phần thưởng cho tác phong luân lý hay đạo đức.

Các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế. Cụm từ hoi paretes auntōn (cha ông họ cũng) đặt một cách nhấn mạnh ở cuối câu, cũng có trong Máthêu 5:12c và cuối mối họa thứ tư (6:26). Cả hình thức Luca lẫn hình thức Mátthêu đều nhắc đến việc bách hại các tiên tri Cựu Ước (xem 1V 19:19; Grm 26:20-24; 38:6-13). Luca sẽ nhắc tới việc giết Dacaria ở câu 11:51; xin xem thêm Cv 7:52. Ý niệm này không của riêng Luca, xem 1Tx 2:15. Việc nhắc đến “cha ông họ” cũng có thể có một sắc thái đối với Luca: Việc hậu duệ các kẻ bách hại các tiên tri xóa danh Kitô hữu hàm ý phần nào tính liên tục của Kitô giáo với Do Thái giáo. Câu nói cũng ngụ ý: các Kitô hữu được coi là có vai trò tiên tri.

Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi. Mối họa đầu tiên song hành với mối phúc thứ nhất (câu 20b). Thán từ Hylạp ouai (khốn) không có trong văn chương cổ điển Hylạp, nhưng xuất hiện trong các trước tác thời Rôma và trong Bản Bẩy Mươi. Hình thức khốn này thấy trong truyền thống Tin Mừng trước Luca (xem Mc 13:17; 14:21; Mt 23:23, 27). Nhưng Luca sử dụng nhiều nhất trong truyền thống nhất lãm (xem thêm 10:13; 11:43,46,47,52; 17:1; 21:23, 22:22). Các mối họa trong bản chất có tính đe dọa nhằm nói với những người giầu có, ăn sung mặc sướng, vô tư, được ca ngợi, cho họ thấy tính phù phiếm của những đặc quyền này.

Một mình Luca dùng chữ paraklēsis để chỉ sự an ủi (xem 2:25; Cv 4:36; 9:31;13:15; 15:31) chứng tỏ các mối họa không thuộc nguồn “Q”.

Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói. Mối họa thứ hai song hành với mối phúc thứ hai. Mối họa này mô tả cùng một sự đảo ngược tư thế như thấy trong Kinh Magnificat (xem 1:53).

Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than. Mối họa thứ ba song hành với mối phúc thứ ba. “Vui cười” đây chỉ sự hài lòng với thành công lúc này. Trong văn chương Khôn Ngoan, đôi khi nó là đặc tính của kẻ ngu (Hc 21:20; 27:13) và Chúa Giêsu của Luca có thể ám chỉ thái độ ấy. Thì tương lai trong ba mối họa đầu kết hợp chúng lại với nhau khiến nhiều người cho là chúng có tính cánh chung. Cặp “sầu khổ khóc than” (pentheinklaiein) cũng thấy trong bản Bẩy Mươi (2Sm 19:2; 2Er 18:9); xem thêm Mc 16;10; Gcb 4:9; Kh 18:11,15,19.

Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng. Mối họa cuối cùng khác về hình thức với 3 mối họa đầu, giống như mối phúc chót khác với 3 mối phúc đầu. Ở đây, liên từ hotan (khi) được sử dụng. Chúa Giêsu của Luca cảnh cáo rằng danh tiếng có thể là một mục đích lừa đảo ở trong đời đối với Kitô hữu. Vì mối hoạ này được diễn tả không có câu trừng phạt, nên nó không có tương lai; thay vào đó, Luca soạn một câu song hành với phần kết của mối phúc thứ tư.

Các ngôn sứ giả. Ngôn sứ giả là những người đi tìm lòng quí mến của người đương thời (Is 30:10-11; xem Grm 5:31; 6:14; 23:16-17; Mk 2:11).

Nhận định

Giờ đây, Luca đưa vào Tin Mừng của mình bài giảng chính của Chúa Giêsu (6:20-49). Người ta quen gọi nó là “bài giảng ở đồng bằng” tương phản với “bài giảng ở trên núi” của Mátthêu (5:1-7:27), trong đó có phần nói về các mối phúc.

Bài giảng của Luca ngắn hơn nhiều so với bài giảng của Mátthêu, kể cả phần nói về các mối phúc và các mối họa. Bất chấp nhiều khác nhau trong hai bài giảng, vẫn có sự tương tự căn bản khiến người ta cho rằng có một bài giảng hạt nhân trong nguồn “Q” được hai soạn giả Luca và Mátthêu khai triển lại theo cách riêng của họ.

Bài giảng ở đồng bằng là khuôn mẫu lối giảng dạy của Chúa Giêsu trong Luca. Sứ mệnh của Người là đến để giảng dạy người nghèo, tù nhân, người mù và người bị hất hủi. Trong tình tiết này, Luca nhấn mạnh đến việc dân chúng lũ lượt kéo đến với Người từ khắp mọi nơi để lắng nghe Người và Người không làm nản lòng họ bằng dạy họ điều vốn được gọi là hiến chương nước trời khơi mào bằng các mối phúc kèm theo các mối họa.

Lời lẽ Chúa Giêsu, theo Luca, đụng tới cuộc sống hàng ngày, nghèo, đói, khóc tang, hận thù, xua đuổi và các mối phúc cùng mối họa nâng các quan tâm đó lên một chiều kích khác. Chiều kích này có thể là cánh chung nhưng không triệt để như trong Mátthêu, vì Luca ít quan tâm tới cánh chung tức thời. Việc ngài dẫn nhập chữ “bây giờ” cho thấy ngài quan tâm tới cuộc sống Kitô hữu ở đây và vào lúc này.

Cha Fitzmyer cho rằng các mối phúc và các mối họa chỉ là một mào đầu của bài giảng ở đồng bằng gồm trọn tình tiết 6: 20-49 mà chủ đích là nói về tình yêu người lân cận và cả kẻ thù nữa. Động lực của tình yêu này là tình yêu hay lòng thương xót của chính Thiên Chúa, người cha của hiện sinh con người, một tình yêu cần được mô phỏng.

Các mối phúc của Luca được ngỏ với các “môn đệ” như những người nghèo, đói, tang tóc, và bị hất hủi của thế giới này; họ được tuyên bố là “có phúc” vì việc họ dự phần vào nước trời bảo đảm họ sẽ được giầu có, hân hoan và tưởng thưởng trên trời. Luca không thiêng liêng hóa tình huống của các môn đệ như Mátthêu, một soạn giả đã thêm vào lời của Chúa Giêsu những cụm từ thích hợp với các thành viên thuộc cộng đồng hỗn hợp của ngài, những người “nghèo trong tinh thần” đói và khát “sự công chính”. Đúng hơn, là nghèo, đói, khóc than, hận thù, và xua đuổi tạo nên tình huống có thật cho các tín hữu Kitô được Chúa Giêsu của Luca tuyên bố là “có phúc”.

Theo Joseph A. Fitzmyer, The Gospel According to Luke I-XI, The Anchor Bible, Doubleday & Company,1981, 622-646