Bài Tin Mừng Luca 8:19-21: Những ai thật sự thuộc gia đình của Chúa Giêsu
19Mẹ và anh em Chúa Giêsu đến gặp Người, mà không làm sao lại gần được, vì dân chúng quá đông. 20Người ta báo cho Người biết: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, muốn gặp Thầy.” 21Người đáp lại: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.”
Trích trực tuyến Tin Mừng Luca của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ
Chú thích
Mẹ...Chúa Giêsu đến gặp Người. Trong Tin mừng Luca, Đức Maria chỉ được nêu tên ở trình thuật tuổi thơ. Còn ở phần này, truyền thống không nêu tên ngài, cả Tin Mừng Gioan cũng không. Lý do đến thăm của Mẹ và anh em Người không được nhắc đến.
Và anh em Chúa Giêsu. Luca lấy cụm từ này từ Máccô 3:31, chỉ bỏ chữ “chị em” trong câu 3:32. Việc nhắc đến anh em Chúa Giêsu, thoạt đọc, tưởng là chỉ anh chị em ruột: vì chữ adelphos chỉ anh em ruột thật. Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản như thế vì chữ “adelphos” cũng dùng để chỉ các mối liên hệ khác như “hàng xóm” (Mt 5:22-24 [*]), "đồng đạo" (Rm 9:3 [*]), “anh em kế” (Mc 6:17-18 [*], “thân nhân” hay “họ hàng” (như có khi với Bản Bẩy Mươi: St 13:8; 14:14; 24:27; 29:12). Kiểu dùng của Bản Bẩy Mươi có thể phản ảnh nghĩa rộng hơn của chữ Hípri ʼāḥ hay chữ Aram ʼăḥā “anh em, họ hàng”. Trong mảnh Qumran 1QapGen 2:9, Bit-enosh thưa với Lamesh chồng mình rằng “ôi anh trai tôi và là chúa tôi”. Trong Máccô, chữ adelphos khá phức tạp không phải vì những đoạn này mà vì các câu 15:40,47; 16:1. Ở đấy Máccô, ngoài những người khác đứng gần thập giá, liệt kê “bà Maria mẹ các ông Giacôbê Thứ và Giôxết”. Nhưng ít có xác suất là Máccô muốn chỉ bà này là mẹ của Đấng chịu đóng đinh. Thành thử không thể kết luận “Giacôbê Thứ” là anh em ruột của Chúa Giêsu được.
Theo cha Fitzmyer, nghĩa của chữ adelphoi trong Luca vì thế thực sự không thể xác định được. Có thể là anh em ruột hoặc anh em họ. Vả lại, Luca từng sử dụng lỏng lẻo danh xưng “con Ông Giuse” để chỉ Chúa Giêsu (4:22), thì đâu có lạ gì khi ngài cũng dùng lỏng lẻo danh xưng “anh em” ở đây. Cũng có thể ngài chỉ nhắc lại một danh xưng người ta quen dùng gọi thánh Giacôbê thứ như trong thư Galát 1:19.
Đang đứng ngoài kia. Luca nói rõ lý do vì dân chúng quá đông, nên mẹ và anh em Người phải đứng ở bên ngoài, chứ các ngài không phải là kẻ ngoại cuộc, như một số tác giả giải thích: họ bị loại khỏi bất cứ vai trò có ý nghĩa nào trong cuộc đời Chúa Giêsu và do đó trong Giáo Hội. Với Tin Mừng nào thì không biết, chứ với Tin Mừng Luca và Tông đồ Công vụ thì không hề có chuyện đó.
Những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành. Câu này, Luca sửa đổi câu trong Máccô 3:35: Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, bằng cách thêm cụm từ “nghe lời” để phù hợp hơn với phần này của Tin Mừng ngài, nhất là câu 8:11b, 15 (nghe lời Thiên Chúa và sinh hoa trái). Nhiều người cho rằng có sự bất hòa giữa Chúa Giêsu và thân nhân của Người, nhưng Cha Fitzmyer thì cho rằng ở đây, Chúa Giêsu muốn biến những người cùng huyết thống thành mẫu mực cho những người lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành.
Nhận định
Theo cha Fitzmyer, để kết luận phần nói tới Lời Chúa trong Tin Mừng của ngài, Luca đã đưa cảnh này (8:19-21) vào đây, cảnh mà ngài từng bỏ trước đó khỏi nguồn Máccô khi ngài lấy phần sau của nó ở câu 8:4. Lý do, ngài đưa nó vào chỗ này, là ngài nhìn nó dưới một ánh sáng khác với Máccô. Ngài quả có lấy Mc 3:31-35, nhưng đã thay đổi triệt để ý nghĩa của nó.
Việc soạn tác tình tiết này của Luca thấy rõ không những ở câu tuyên bố 21, mà đặc biệt ở chỗ ngài bỏ các câu Mc 3:20-21 là các câu nói rằng “Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí”. Trong tình tiết Mc 3:20-21 này, thân nhân Chúa Giêsu không được mô tả như các môn đệ của Chúa Giêsu vì không những họ coi Người như mất trí, mà còn “đứng ở ngoài, cho gọi Người ra”. Vả lại khi được thông báo là mẹ và anh em Người muốn gặp người “ở ngoài” kia, Máccô nhấn mạnh: “Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói : ‘Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi’”. Thành thử có thể nói, trong Máccô, Chúa Giêsu thay thế gia đình tự nhiên của Người bằng các môn đệ của Người.
Luca đã bỏ các chi tiết trên. Ngài trình bầy mẹ Chúa Giêsu và anh em Người như các môn đệ điển hình. Họ là những tấm gương đệ nhất đẳng cho những ai nghe lời Thiên Chúa “với tấm lòng cao thượng và quảng đại” (8:15) (xem thêm Lc 11: 27-28; Cv 1:14).Trong cách trình bày này, câu trả lời của Chúa Giêsu không hề hàm nghĩa Người bác bỏ các liên hệ gia đình hay phê phán họ hàng của Người, trái lại còn coi họ như mẫu mực của việc làm môn đệ.
Thánh Cyril thành Alexandria trong bài giảng thứ 42 về tình tiết Lc 8:19-21 này cũng cho rằng đừng có ai tưởng tượng rằng Chúa Kitô làm mất danh dự của mẹ Người hay khinh bỉ thân nhân Người vì chính Người đã nói qua giới điều của Môsê: “hãy thảo kính cha mẹ ngươi”. Làm sao Người có thể làm ngược lại giới điều ấy. Vả lại, Người còn truyền ta phải yêu thương cả kẻ thù nữa! Vậy, Người muốn dạy ta điều gì ở đây?
Thánh Cyril trả lời rằng đối tượng của Chúa là đề cao những người sẵn sàng nghe theo các giới răn của Người. Người đề cao cách nào? Là dành cho họ vinh dự cao nhất, tình âu yếm trọn vẹn nhất mà chúng ta vẫn dành cho cha mẹ, anh em của mình bằng cách gọi họ là mẹ và là anh em của Người. Có vinh dự nào lớn hơn vinh dự Người dành cho những người vâng theo giới điều của Người? Và ngược lại, Người bác bỏ kẻ bất tuân. Thánh nhân nhắc nhở việc nguyên tổ, vì bất tuân, bị đuổi khỏi vườn địa đàng. Và vì thế tất cả chúng ta phải án tử và dù khởi thủy con người vốn được dựng nên không hư nát, nhưng vì bất tuân, đã bị nguyều rủa và mang ách tội khiên. Và để cứu ta khỏi tình trạng tồi tệ này, Con Một Thiên Chúa đã phải nhập thể, vâng lời Chúa Cha cho đến chết, như thánh Phaolô từng nhắc nhở: “vì sự bất tuân của một người, nhiều người đã thành tội nhân thế nào, thì nhờ sự vâng lời của Một Người, nhiều người trở nên công chính như vậy”.
Và nay, để dạy chúng ta biết vâng nghe lời Người, Người dành cho ta vinh dự Người vốn dành cho mẹ và thân nhân Người. Dĩ nhiên, không chỉ có nghe mà còn đem ra thực hành nữa. Thánh nhân trích dẫn “một trong các Thánh Tông Đồ” nói rằng “Nhưng hãy trở nên những người thực hành giới luật, chứ không phải chỉ nghe mà thôi. Nếu ai đó chỉ nghe, chứ không làm, thì cũng giống như người nhìn mặt tự nhiên của mình trong gương, nhìn rồi bỏ đi, quên ngay tư cách con người của mình. Còn ai nhìn vào luật tự do hoàn hảo và thực hiện, sẽ không quên mà là người tích cực thực hành, họ sẽ được chúc phúc trong việc làm của họ”.
________________________________________________
[*] Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch chung là “anh em”