Bài Tin Mừng Luca 8:4-8: Dụ ngôn người gieo giống
4Người ta tụ họp đông đảo. Từ khắp các thành thị, người ta kéo đến cùng Chúa Giêsu. Bấy giờ Người dùng dụ ngôn mà nói rằng:
5“Người gieo giống đi ra gieo hạt giống của mình. Trong khi người ấy gieo, thì có hạt rơi xuống vệ đường, người ta giẫm lên và chim trời ăn mất. 6Hạt khác rơi trên đá, và khi mọc lên, lại héo đi vì thiếu ẩm ướt. 7Có hạt rơi vào giữa bụi gai, gai cùng mọc lên, làm nó chết nghẹt. 8Có hạt lại rơi nhằm đất tốt, và khi mọc lên, nó sinh hoa kết quả gấp trăm.” Nói xong, Người hô lên rằng: “Ai có tai nghe thì nghe.”
(Trích trực tuyến Tin Mừng Luca của Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)
Ghi chú
Dụ ngôn. Chữ Hy Lạp parabolē lần đầu tiên xuất hiện ở 4:23 theo nghĩa châm ngôn. Ở đây, nó được dùng theo nghĩa thường thấy trong các Tin Mừng: “ví von” (similitude). Nghĩa khác nhau của chữ này là do cách dùng nó trong Cựu Ước, vì parabolē (chỉ dùng trong các Tin Mừng nhất lãm) và paroimia trong Gioan (Ga 10:6; 16:25, 29) đều dịch từ chữ Hípri māšāl trong Bản Bẩy Mươi. Chữ này có nhiều nghĩa khác nhau: Ngạn ngữ [maxim], châm ngôn, tục ngữ [proverb] (1Sm 10:11-12; 24:14), lời tiên tri tối nghĩa (Ds 23:7 (1), dụ ngôn (2Sm 12:1-6), phúng dụ (Edk 17:2-24), châm chọc (Is 14:4). Parabolē cũng dịch chữ Hípri ḥîdāh=câu đố (Cn 1:6). Trong truyền thống Tin Mừng, parabolē thường chỉ thể văn dùng để đạt một hiệu quả mỹ thuật bằng các trình bầy một so sánh có tính minh họa, thường có bản chất tổng quát và không lệ thuộc thời gian. Theo nghĩa riêng của nó, “dụ ngôn” là một so sánh, bằng cách sử dụng kỹ thuật và chi tiết kể truyện rút ra từ sinh hoạt hàng ngày ở Palestine nhằm trình bầy chân lý một cách vừa rõ ràng vừa thu hút chú ý của người nghe nhờ tính sống động hay lạ lùng của nó nhưng vẫn kích thích để họ chịu suy nghĩ, tìm hiểu, phán đoán và áp dụng xa hơn. Sự so sánh này thường minh nhiên (như trong câu 6:47-49); lúc đó nó giống như một ví von (simile) kéo dài thường được kể ở thì quá khứ. Nhưng đôi khi, sự so sánh này được ngụ ý (như trong tình tiết này 8:5-8); lúc đó, nó giống như một phúng dụ kéo dài. “Ví von” đôi khi được sử dụng như một so sánh văn chương dùng các chi tiết mô tả hơn là thuật truyện và thường dùng thì hiện tại. Việc so sánh ở đây cũng có tính hoặc minh nhiên hoặc hàm ngụ. Nhưng sự phân biệt giữa dụ ngôn và ví von không đáng kể.
Hình thức của dụ ngôn như trình bầy ở trên không quan trọng. Điều quan trọng là nội dung hay sứ điệp nó nhằm nói lên. Vì hình ảnh không chỉ nhằm so sánh chân lý của Chúa Kitô với các thực tại hàng ngày mà đúng hơn còn thách thức độc giả bằng các chân lý này một cách thấm thía và không thông thường. Thực vậy, nó là diễn trình mạc khải, sử dụng những sắc thái mà việc trình bày trừu tượng không thể nói lên được, nhằm lôi kéo sự tin theo của độc giả hay thính giả.
Có hạt rơi xuống vệ đường. Gieo hạt vào ruộng chứ sao lại rơi xuống vệ đường? Cha Fitzmyer dựa vào Jeremias (The Parables, 11-12) giải thích rằng: tại Palestine, việc gieo hạt diễn ra trước việc cày bừa. Thành thử ở đây, ta hiểu người gieo hạt chuyển dịch trên một cánh đồng chưa cày bừa; ông gieo càng rộng càng tốt các hạt của mình, do đó, có hạt rơi trên vệ đường, trên đất có sỏi đá và bụi rậm cũng như đất tốt. Tất cả đều được cày lên để vào sâu, chờ mưa để nẩy mầm và lớn lên. Các chi tiết này dựa vào văn chương tư tế (rabbinic). Xin xem thêm phần nhận định.
Người ta giẫm lên. Trước khi cánh đồng được cày bừa. Đây là chi tiết được Luca thêm vào tư liệu của Máccô, một việc làm cho việc bị chim ăn mất hơi khó tưởng tượng. Dù sao, thì việc bị chim ăn mất không được nhắc đến trong lời giải thích dụ ngôn ở 8:11-15.
Héo đi vì thiếu ẩm ướt. Luca đưa vào một chi tiết khác, tức nói đến việc “thiếu ẩm ướt” trong khi Máccô chỉ nói là “thiếu rễ”.
Gai cùng mọc lên. Lại một chi tiết khác được Luca thêm vào trong khi Máccô không nhắc đến việc hạt và gai cùng mọc lên.
Nó sinh hoa kết quả gấp trăm. Cha Fitzmyer trích dẫn Varro (De re rustica, 1.44,2) để cho rằng hạt gieo “gần Gadara, Syria” sản sinh gấp trăm lần, thành thử điều ví ở đây không hẳn là không có. Vả lại chính Sách Sáng Thế cũng nói Ông “Ixaác đã gieo vãi trong đất ấy, và năm đó ông thu hoạch gấp trăm lần” (St 26:12). White (Journal of Theological Studies 15 [1964] 301) thì cho rằng ta nên hiểu là “những hạt thu lượm được từ hạt được gieo” vì đó là cách ngày xưa người ta quen dùng để đo lường.
Ai có tai nghe thì nghe! Cũng một kết luận như thế này tìm thấy ở 14:35. Trong song hành Máccô 4:9 và 4:23, ta cũng tìm thấy kiểu kết luận này. Mátthêu cũng sử dụng nó hai lần: 11:15 và 13:43. Và trong các chương 2-3 Sách Khải Huyền, sau mỗi thư viết cho 7 Giáo Hội, đều có kiểu nói này.
(1) Nhóm CGKPV và Cha Nguyễn Thế Thuấn đều dịch là “bài thơ”, Bản Thánh Kinh của Tin Lành dịch là “bài ca”.
Nhận định
Một tiết mới trong Tin Mừng Luca đã bắt đầu ở đây. Các tư liệu mà Luca đã lồng vào, bắt đầu từ 6:20, sau Mc 3:19, đã kết thúc. Đúng là Luca đã bỏ Mc 3:20-21 tức tình tiết nói đến việc “thân nhân” Chúa Giêsu đến đế bắt Chúa Giêsu, vì coi Người đã “mất trí”. Căn cứ vào việc Luca nhắc đến Đức Mẹ và “anh em” Người ở Cv 1:14, khi họ hiện diện với các tín hữu khác, thì tình tiết này quả quá tiêu cực đối với ngài...
Lc 8:4 tiếp nối Mc 4:1 và trình bầy một hình thức của ngôn từ Máccô ở đó. Kiểu “Ngôn từ Dụ Ngôn”, theo cha Fitzmyer, thích hợp với Tin Mừng Máccô hơn là Tin Mừng Luca. Các dụ ngôn mà Luca duy trì có dáng dấp “rao giảng” được 8:1 nhắc đến, nhưng nay nhấn mạnh nhiều hơn đến lời Thiên Chúa. Ngay 2 tình tiết sau cùng của tiết này cũng xoay quanh chủ đề này (dụ ngôn chiếc đèn ở các câu 16-18, và lời Chúa Giêsu nói về thân nhân đích thực ở các câu 19-21).
Jeremias (The Parables, 149-1510, theo Cha Fitzmyer, cho rằng hình thức dụ ngôn trong Máccô là hình thức tương phản: bất chấp mọi trở ngại khi gieo hạt, lao công của người gieo đã thành công và sản sinh một mùa gặt được diễn tả 3 cách (gấp 30, gấp 60, gấp 100). Hình thức trong Luca cũng có tính tương phản, tuy mô tả ngắn gọn hơn về sản lượng (bỏ gấp 30 và gấp 60), nhưng như tình tiết giải thích cho thấy, Luca nhấn mạnh nhiều hơn tới hạt giống. Thành thử, theo cha Fitzmyer nên gọi tình tiết này là dụ ngôn hạt giống được gieo. Nó thường được coi là dụ ngôn về nước trời; sản lượng báo trước sự thành công cánh chung của nước trời được Chúa Giêsu rao giảng. Dựa vào việc nhấn mạnh tới việc rao giảng nước trời trong tiết này của Tin Mừng Luca, ta nên hiểu dụ ngôn này như minh họa sự thành công cánh chung của việc rao giảng này.
Về lý do tại sao Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà giảng dậy, Thánh Cyril thành Giêrêmia cho biết như sau: “Các nhà tiên tri được phước đã nói với chúng ta theo nhiều cách khác nhau về Chúa Kitô, Đấng Cứu Rỗi của tất cả chúng ta. Vì một số vị tuyên bố Người như Ánh sáng sẽ đến, và những vị khác tuyên bố Người như một Đấng thuộc hàng vương giả và vĩ đại. Và một vị trong số các vị còn nói: ‘Phước cho kẻ có dòng dõi ở Sion, và bà con ở Giêrusalem; vì này, vua công chính của nó sẽ trị vì, và các hoàng tử sẽ chịu sự phán xét. Và Người đó sẽ là Đấng giấu lời nói của mình.’ Vì, có thể nói, lời của Đấng Cứu Rỗi không ngừng được giấu kín. Vì vậy, tác giả Thánh vịnh diễm phúc đã trình diện Người trước chúng ta mà nói rằng: ‘Ta sẽ mở miệng Ta bằng các dụ ngôn.’ Vì vậy, anh em hãy xem điều được Người phán thời xưa đã trở thành hiện thực. Vì một đoàn dân đông được tập hợp quanh Người gồm những người từ khắp xứ Giuđê, và Người nói với họ bằng các dụ ngôn. Nhưng vì họ không xứng đáng học những điều bí ẩn của vương quốc thiên đàng, nên lời đã được bọc kín đối với họ trong bóng tối: vì họ đã giết các vị tiên tri thánh, và mắc tội đổ máu nhiều người công chính, họ đã được nghe nói rõ ràng như vậy: ‘Có tiên tri nào không bị tổ phụ các ngươi giết?’ Và một lần nữa, ‘Giêrusalem, Giêrusalem ! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu. Thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi.’
“Nhưng những hành động gian ác của họ không chỉ đụng đến các vị tiên tri thánh thiện, mà còn đụng đến Đấng là Chúa của các vị tiên tri: đó là Chúa Kitô. Vì xấc xược và càng cổ kiêu ngạo chống lại Người, có thể nói như thế, họ đã không mảy may để ý đến bổn phận tiếp nhận đức tin nơi Người; và thậm chí gian ác chống lại giáo huấn công khai của Người, và quở trách những ai muốn liên tục được với Người và khao khát giáo huấn của Người, vô đạo nói rằng: ‘Hắn bị quỷ ám và điên: sao các ông lại nghe Hắn?’ Vì vậy, họ không được ban ơn biết những điều mầu nhiệm của vương quốc thiên đàng, mà chúng ta, những người sẵn sàng đón nhận đức tin hơn thì được ban cho. Vì do sự khôn ngoan hoàn hảo, Người đã ban cho chúng ta khả năng ‘hiểu các dụ ngôn, và những lời khó hiểu, lời lẽ của người khôn ngoan và lời lẽ khó hiểu của họ.’ Vì, chúng ta có thể nói, các dụ ngôn là những hình ảnh không phải của những vật thể hữu hình, mà là những hình ảnh của những vật thể có thể nhận biết được bằng trí tuệ và thiêng liêng. Đối với điều người ta không thể nhìn thấy bằng mắt của cơ thể, thì dụ ngôn biểu lộ cho các con mắt của trí óc, định hình một cách tuyệt đẹp sự tinh tế của sự vật trí tuệ, nhờ những điều thuộc về giác quan, và giống như thể ta có thể sờ thấy được”.
Có tác giả lại gọi dụ ngôn này là dụ ngôn các loại đất (parable of the soils) (https://enduringword.com/bible-commentary/luke-8/). Tác giả này gọi dụ ngôn là “truyện trần gian mang ý nghĩa thiên đàng”.
Jeremy Myers (https://redeeminggod.com/sermons/luke/luke_8_4-15/) dường như cũng muốn gọi Dụ ngôn này như thế khi nhấn mạnh trước nhất tới 4 loại đất: đất đường đi, đất sỏi đá, đất gai góc và đất tốt. Có điều, tác giả này coi việc gieo vãi trên 4 loại đất này là một chuyện hài hước của Chúa Giêsu chứ có người gieo vãi nào lại gieo hạt dọc đường, trên đất sỏi đá và đầy gai góc. Nhưng xét cho cùng, vì đây là một dụ ngôn để kích thích người đọc chịu tìm hiểu thêm, nên có thể hiểu: lời Chúa là điều cần được gieo vãi, gieo vãi ở mọi nơi. Nhiệm vụ người gieo là gieo vãi, bất cứ trên loại đất nào. Kết quả không tùy thuộc ở họ mà là tùy ở “đất tốt”. Đất tốt ấy, cuối cùng” sinh “trăm lần” vượt quá mọi mong chờ. Không hẳn do công trình người gieo. Người gieo vẫn nguyên tuyền là đầy tớ vô dụng (Lc 17:10).
Có tác giả (https://bible.org/seriespage/25-parable-soils-luke-84-21), dựa vào Máccô 4:13, cho rằng dụ ngôn này là chìa khóa để hiểu mọi dụ ngôn khác. Ta thấy tầm quan trọng của nó khi cả ba Tin Mừng nhất lãm đều đề cập đến nó đầu tiên. Tác giả này cũng theo Thánh Cyril mà cho rằng lý do Chúa Giêsu dùng dụ ngôn mà giảng dạy là đi cùng hướng với mệnh lệnh Chúa đã truyền cho Isaia xưa: “Hãy đi nói với dân này rằng: Cứ nghe cho rõ, nhưng đừng hiểu, cứ nhìn thật kỹ, nhưng đừng nhận ra” (Is 6:9).